Ngày hội gặt lúa
Huế, Diệu Trạm, ngày 30.05.2011
Thầy kính yêu của con!
Con còn được là con của Thầy, của Tăng thân, còn được viết thư gửi Thầy là một điều hạnh phúc nhất của đời con. Hôm nay, con sẽ kể chuyện đi cắt lúa, phơi lúa để Thầy cùng vui với anh chị em con.
Đã từ lâu, kể từ ngày được về Huế con đã yêu chùa Tổ, yêu hồ Sao Mai, Sao Hôm, yêu cánh đồng lúa – những nơi đã cho con trở về với tuổi thơ, thời thơ ấu. Ngày hôm qua, đúng 5 giờ 30 sáng chị em con lên xe để ra đồng. Ngồi trên xe, nhìn ra con thấy Huế mới đẹp làm sao. Đã vào hè nên phượng vĩ đỏ rực cả một góc trời. Những cây bông sứ thì mang một màu xanh và trắng, màu trắng tinh khiết của hoa sứ đẹp quá, đẹp đến mê hồn. Mặt trời đã lên cao bằng con sào nhưng sức nóng chưa đủ phá tan đi lớp sương mù còn bao trùm cả thành phố. Huế còn trong sương nên rất đẹp, cái đẹp đến khó tả, con chỉ biết nói rằng: đó là cái đẹp hùng vĩ. Xe chạy ra tới ruộng lúa thì sương còn ướt đẫm cả cây cỏ và lá lúa. Nhìn kỹ thì con thấy những hạt sương nhỏ li ti còn đọng nơi đuôi của hạt thóc làm cho bông lúa đẹp lung linh như một chùm hạt ngọc. Con bước chân xuống ruộng, mùi thơm của lúa còn tràn ngập cả bầu không khí. Ruộng khá sâu và nhiều nước nên nước ngập qua đầu gối nhưng con không thấy lạnh mà chỉ thấy mát. Con đưa liềm cắt lúa, tiếng loạt xoạt vang lên đều đều, liên tục làm cho con hạnh phúc quá chừng. Bao nhiêu kỷ niệm thời thơ ấu cứ liên tục hiện ra trước mắt con. Ngày trước, khi còn ở nhà, con đi cắt lúa cùng bố mẹ, anh chị em con. Hôm nay con đi cắt lúa cùng huynh đệ. Mọi người cắt thành hàng ngang và cùng tiến lên. Thầy Pháp Vượng (trong gia đình cây Hướng Dương) cắt nhanh quá nên thầy đi một đường ra tới giữa cánh đồng. Lúc ấy, nhìn thầy như chỉ có một mình với cánh đồng lúa mênh mông bát ngát – một cảnh đẹp tuyệt vời. Rồi hai chiếc thuyền đã được đưa xuống ruộng và lúa được chuyển lên bờ. Máy tuốt lúa đã bắt đầu làm việc. Tiếng máy nổ giòn hòa cùng tiếng cười nói của Đại chúng làm cho cánh đồng lúa vui như mở hội. Con còn nhớ bài thơ hồi lớp một nói về cái máy tuốt lúa, đó là:
Trông kìa máy tuốt
Rung triệu vì sao
Đầy sân hợp tác
Thóc vàng xôn xao
Máy tròn quay tít
Núi thóc dần cao
Máy không biết mệt
Cười reo rào rào
Chú công nhân ơi
Máy ngoan thật nhỉ
Suốt cả mùa vui
Máy thành dũng sĩ.
Vụ lúa năm nay con chỉ cắt lúa nên con không thấy đau chân. Con chỉ thấy đau lưng và cánh tay thì mỏi một tý (một chút). Các bác, các cô Phật tử, các bác nhóm Tiếp Hiện cũng luôn có mặt giúp đỡ đại chúng khi cần. Bữa trưa của ngày cắt lúa đại chúng được ăn bún do các bác nấu. Khi công việc bếp núc đã xong xuôi các bác lại ra đồng để phụ cắt lúa và chuyển lúa lên bờ. Nhìn các bác có người chạc tuổi bố mẹ con nên con thương và kính các bác như bố mẹ con vậy.
Đến tối, khi công việc xong xuôi thì mặt trời cũng đã lặn từ lâu. Con về chuyến thứ hai khi cả thành phố Huế đã lên đèn. Xe về tới chùa lúc tiếng chuông Đại Hồng đang vang lên từng hồi trầm hùng rồi lan tỏa vào không gian tĩnh mịch.
Sáng hôm nay con tỉnh giấc khi nghe chuông ăn sáng. Chuông ăn sáng mà con cứ ngỡ là chuông thức chúng. Đại chúng ai cũng mệt nên không có chuông thức chúng, riêng đội nấu ăn vẫn phải lo dậy sớm để còn đi chợ. Sáng nay đại chúng ai cũng hoan hỷ để ăn mì gói, có ăn sáng trễ một chút cũng không sao. Dù cho chân tay có mỏi nhừ nhưng các đội luân phiên vẫn hoàn thành công việc một cách xuất sắc Thầy à. Sau giờ ăn sáng, đại chúng lại cùng nhau đi phơi lúa. Lúa mới cắt về phải phơi liền chứ không mục hết. Biết rằng ai cũng mệt nên tri khố đã lo chuẩn bị cho đại chúng một bình nước chanh dây đá thật ngon, thật thơm. Đang làm nắng mà được uống một ly nước mát thì thật là hạnh phúc biết bao. Lúa được phơi ở ngoài đường. Một chặng đường khá dài, được bao phủ một màu vàng của lúa. Lúa được phơi ngoằn ngoèo theo con đường, nhìn xa giống như một con trăn khổng lồ màu vàng ấy Thầy ạ. Cảnh tượng đẹp lắm thưa Thầy. Suốt một chặng đường dài chỉ có hai màu áo nâu lam thấp thoáng trong nắng để phơi lúa, người đi đường họ dừng lại để quay phim, chụp hình quá chừng. Con tin tưởng và tự hào rằng cảnh tượng đẹp như vậy chỉ có Huế mới có mà thôi.
Thầy kính yêu,
Tuy sống xa Thầy nhưng chẳng khi nào con thấy con xa Thầy hết. Mỗi buổi sáng Ngày Quán niệm hay lớp học Công Phu Nở Đóa Sen Ngàn Cánh, trên đường đi từ ni xá để qua chùa Tổ con thấy con đường sao đẹp quá! Con đường đất đỏ ngoằn ngoèo, một bên là rừng thông, một bên là hoa sứ, … Cảnh đẹp quá, và con thấy Thầy như đang đi trước mặt con. Ngày hôm nay con mới nhớ tới ngày giỗ của mẹ con thì đã qua được bốn ngày. Con cũng không thấy buồn vì con thấy mẹ con đã có trong con. Con nhớ lời Thầy dạy là chỉ cần mình nhớ tới người mình thương thì ngày nào cũng là ngày sinh nhật.
Hôm nay không có nắng lắm nên lúa phải phơi thêm ngày mai nữa. Chiều tối, anh chị em cùng nhau hốt thóc vô bao. Ngày xưa, khi còn ở nhà cùng bố mẹ con, những lúc bố mẹ con đi làm hết con cũng phải ở nhà lo cày thóc, quét thóc. Con cứ nhìn bóng nắng để mà cào thóc vô rồi quét. Cứ thế, khi bóng mát của cây dừa đã bao phủ hết sân thì thóc được nằm gọn thành một đống ở giữa sân. Nếu cảm thấy trời còn nắng thì thóc để ở ngoài sân, lấy chiếu đậy lại cho khỏi ướt sương, mai phơi tiếp. Nhưng lúa của đại chúng nhiều quá, lại phơi ngoài đường nên phải hốt vô thôi.
Con kính bạch Thầy!
Tình Huynh đệ trong con luôn đẹp, nó đẹp như một bản tình ca. Diệu Trạm – Từ Hiếu trong con là một. Con có viết hai bài thơ về Từ Hiếu – Diệu Trạm và con đã cố gắng viết sao cho hai câu cuối như nhau. Thơ con viết dở lắm nhưng con vẫn viết ra đây để Thầy đọc cho vui.
Từ Hiếu
Từ Hiếu lung linh ánh nến hồng
Bụi trần rũ bỏ một chữ Không
Không cầu tiền bạc cùng danh lợi
Để đời tu sĩ mãi thanh tao.
Diệu Trạm
Diệu Trạm muôn đời tiếng suối reo
Lối vào Ni xá tựa lên đèo
Sớm chiều vui vầy theo Huynh đệ
Để đời tu sĩ mãi thanh tao.
Con thưa Thầy. Thư con viết chưa dài, xong con xin phép Thầy cho con được dừng bút tại đây. Lạy Bụt, lạy Tổ gia trì phù hộ cho sức khỏe của Thầy luôn tốt để Thầy chơi với chúng con.
Con vẫn mãi là con ngoan của Thầy, của Tăng thân.
Kính thư
Con: Chuẩn Nghiêm