Trước năm 2016

Kinh “Chìu”

Tâm Thanh Tịnh

Hướng về Thầy và đại chúng trên xóm Trời Quang.

Tôi nghe như sau, hồi tháng 03.2011 tại tu viện Trời Quang miền đất Thái có một vị thiền sư tên là trước Nhất sau Hạnh, đang giảng dạy và tu học cùng bốn chúng đệ tử.

Lúc ấy, có một vị sadini mới xuất gia được hơn sáu tháng tên là Chân Trăng Xóm Mới. Một hôm vị sadini ấy muốn cầu đạo học giáo pháp để được tinh tiến trên con đường tu học và thực tập sống chung hòa hợp trong tăng thân, nên liền mời một vị sadini khác là Chân Trăng Tuyết Sơn, làm đệ nhị thân cùng đến thỉnh cầu tu học với Thầy của mình.

Hai vị khởi hành lúc trời còn sương sớm, đi thiền hành qua khu vườn Xoài của ngài Pun Lư, qua vườn mía và rẫy rau tươi xanh thẳm thì đến cốc Nhìn Xa, nơi thiền sư đang cư ngụ. Sau khi thưa lên hai vị thị giả của thiền sư lúc này là sư chú Chân Trời Tỉnh Thức và Chân Trời Năm Sắc về tâm nguyện của mình, họ đứng đợi dưới chân cốc.

Một lát sau, họ được mời lên cốc, bấy giờ thiền sư đang ngồi thưởng thức trà và ngắm mặt trời đang lên dần. Đến nơi, hai vị sadini quỳ xuống đảnh lễ dưới chân Thầy và được Thầy gọi đến ngồi cạnh bên. Liền sau đó, vị sadi ni Chân Trăng Xóm Mới quỳ lên chắp tay búp sen, bạch Thầy:

“ Kính bạch Thầy, con là Chân Trăng Xóm Mới, con được xuất gia tu học trong gia đình Cây Trúc Vàng. Hôm nay con kính xin Thầy chỉ dạy cho chúng con cách làm sao để chúng con đạt được sự tùy hỷ trong quá trình tu học và chung sống với quý sư anh, sư chị, sư em của mình, nếu trong những trường hợp mà tự thân mình chưa hoàn toàn chấp nhận được ý kiến của quý sư anh, sư chị, sư em mình hoặc ngược lại. Chúng con kính xin Thầy chỉ dạy cho chúng con”

Thiền sư lắng nghe sâu sắc lời thỉnh cầu của đệ tử và mỉm cười hiền hậu, trong lòng tỏ lộ tình thương yêu khi biết đệ tử mình có tâm cầu học, tiến tu.

Thiền sư liền đưa tay xoa đầu đệ tử và nói:

“Các con của Thầy ngoan lắm, các con hãy ngồi xuống đây, thầy trò mình cùng thở và cùng thưởng thức mặt trời mọc bên ngoài kia để tận hưởng những điều kiện hạnh phúc đang có thật trong giây phút hiện tại này. Rồi Thầy sẽ chỉ dạy cho các con”

Các vị sadi vâng lời làm theo. Năm thầy trò cùng ngồi yên, uống trà, ngắm mặt trời mọc và có mặt cho nhau thật hạnh phúc. Một lát sau, thiền sư lên tiếng:

“Các con mới xuất gia tu học mà đã biết gọi tên những khó khăn thật sự trong đời sống xuất sĩ của chính mình ra để được thực tập và chuyển hóa là Thầy vui lắm.

Để đạt được sự tùy hỷ trong hai trường hợp: Một là khi các con phải chấp nhận ý kiến của quý sư anh, sư chị, sư em của mình nhưng trong lòng chưa hoàn toàn chấp nhận ý kiến đó 100%, thì các con nên quán chiếu tính tương tức và học tâm hoan hỷ. Nếu xét thấy ý kiến đó không làm tổn hại đến tình huynh đệ, đến sự thực tập giữ giới và duy trì chánh niệm thì hãy nên buông bỏ sự tìm cầu hoàn hảo của mình mà chấp nhận. Nếu ý kiến đó vẫn có hiệu quả xây dựng tăng thân, đóng góp cho phẩm chất tu học của đại chúng mà chỉ trái với ý kiến riêng của mình một chút thôi thì mình nên thực tập buông bỏ tư kiến để đạt đến sự hòa thuận.

Lúc đó các con có thể trình bày như sau: Ý kiến của sư anh, sư chị, sư em rất hay, tuy chỉ có một chút con chưa chịu nhưng con sẽ chìu sư anh, sư chị, sư em lần này đó nha!

Và các con hãy nở nụ cười thân thiện để tỏ lộ ý chân thành, hòa hợp vì lợi ích chung. Và cũng để người bạn đồng tu của các con hiểu được thiện ý của các con. Đồng thời cũng nhắc nhở sự tu học của vị ấy trong quá trình chung sống hòa hợp, rằng chỉ có tình huynh đệ là cao quý, và để vị ấy biết vậy mà đừng lấn lướt về sau. Nếu làm được như vậy các con sẽ thành công.

Trong trường hợp thứ hai, khi chính các con là người cầu thỉnh sư anh, sư chị, sư em của mình lắng nghe và chấp nhận ý kiến của mình. Biết rằng ý kiến của các con chưa được sư anh, sư chị, sư em của mình chấp nhận 100%, thì các con nên làm sao?

Lúc đó các con hãy thở thật yên trong vòng ba hơi thở, nở nụ cười tình huynh đệ và nói rằng: Con biết sư anh, sư chị, sư em chưa hoàn toàn chấp nhận ý kiến của con, nhưng con kính xin sư anh, sư chị, sư em chìu con lần này đi. Con xin hứa lần sau sẽ lắng nghe và chấp nhận ý kiến của quý sư anh, sư chị, sư em. Và các con luôn luôn nhớ, mỗi hành động, mỗi cử chỉ, mỗi lời nói phải xuất phát từ lòng thành, sự biết ơn và tâm khiêm cung. Từ trong lòng mình, các con cũng cần ý thức rằng nếu được chấp nhận thì đó là kết quả của sự thực tập dễ thương của quý sư anh, sư chị, sư em của mình, mà hết lòng trân quý, tự dặn mình lần sau đừng lấn lướt nhé!

Lúc này trên khuôn mặt của các vị đệ tử rạng ngời nét hoan hỷ, sáng rực như được khai thông suối nguồn. Thiền sư lại hỏi:

“ Thầy dạy như vậy các con thấy có dễ dàng thực tập hay không?”

Bốn vị đệ tử quỳ lên, cùng đồng thanh thưa rằng:

“ Kính bạch Thầy, lời Thầy dạy rất cao quý, rất dễ dàng cho chúng con ghi nhớ và hành trì theo. Chúng con xin tiếp nhận và chia sẻ điều này cho quý sư anh, sư chị, sư em của chúng con ở khắp mọi nơi để cùng thực tập. Chúng con kính xin Thầy đặt tên cho Kinh này là “Kinh Chìu” để chúng con dễ dàng trong việc truyền tụng và thực tập”

Thiền sư mỉm cười chấp nhận. Lúc bấy giờ tiếng chuông báo hiệu giờ khất thực sáng đã vang lên, hai vị sadini đảnh lễ tạ ơn Thầy và lui về Xóm Trăng Tỏ của mình.

*****

Sư Ông  ơi, trong bài học Trái Tim Của Bụt (bài số 8), Sư Ông  dạy “Kinh Chìu” và Thầy Pháp Lâm đã ra bài tập cho chúng con về viết lại Kinh Chìu, nên con viết lại….Trong một buổi sáng con ngồi viết kinh này chỉ khoảng 20 phút, con nhớ lời kinh đã tuôn ra tự nhiên trong ngòi bút vậy đó, những gì Sư Ông  dạy nó đã thấm vào tâm con và nó đã đi ra.

 

Con của Thầy.