Trước năm 2016

Hành trình cứu trợ bão lụt tại các tỉnh miền Trung

Cuộc cứu trợ ở Quảng Bình và Quảng Nam vừa mới hoàn tất nhưng cũng chỉ là bước khởi đầu trong hành trình cứu trợ của chúng con. Mỗi năm miền Trung nước Việt Nam mình đều bị bão lũ. Dù nhà nước và những tổ chức thiện nguyện phi chính phủ có giúp tới đâu thì cũng không giúp hết được. Năm nào cũng có những đoàn cứu trợ lên đường. Có khi chính những đoàn cứu trợ cũng gặp nạn phải thiệt mạng dọc đường. Nhưng là con của Bụt, nhiệm vụ của chúng con là thực hành hạnh nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền, Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Địa Tạng. Chỗ nào khổ đau nhất, chỗ đó chúng con phải có mặt.

MẮT THƯƠNG NHÌN CUỘC ĐỜI

Hành trình cứu trợ bão lụt tại các tỉnh Quảng Bình và Quảng Nam

– tháng 10/2013 –

(Ghi chép của các sư cô trong đoàn cứu trợ)

 

Ngay khi có những thông tin đầu tiên về cơn bão lũ số 10 đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc Trung Bộ, chúng con – ni chúng Long Thành cùng với quý thầy tổ đình Từ Hiếu – đã bắt đầu mở cuộc quyên góp để vận động tịnh tài đi cứu trợ.

Ngày 15/10, chúng con chuẩn bị lên đường vào Quảng Bình thì đã nghe tin cơn bão số 11 vừa ập vào Quảng Nam, Đà Nẵng gây thiệt hại nặng. Quý Sư cô lớn cho phép chị em chúng con quyết định có đi hay không. Mặc dù biết sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng chị em con vẫn quyết định đi. Buổi chiều hôm đó, chúng con lên xe vào Quảng Bình, hành trang của mỗi người là một chiếc ba lô nhỏ gọn với một ít đồ khô để ăn dọc đường.

Tại tỉnh Quảng Bình

Khoảng 10h đêm ngày 16/10, chúng con tới Quảng Bình. Đón chúng con là cô Quảng Hương – Trưởng Ban Từ Thiện – Xã Hội của Ban Trị Sự Phật Giáo Tỉnh Quảng Bình.

Chúng con mang theo 1.500 phần quà, tăng lên rất nhiều so với số lượng dự tính ban đầu là 400 suất, vì số gia đình nghèo bị thiệt hại quá nhiều, nên chúng con đành chia nhỏ số tiền ra để có thể đến được với nhiều người hơn.

Quà cứu trợ đã đến được với người dân vùng lũ

Ngày 18.10.2013

Chúng con bắt đầu phát quà cho 4 xã bị thiệt hại nặng nhất của huyện Quảng Trạch là:  Quảng Phương, Quảng Lộc, Quảng Hòa và Quảng Sơn.

Tại xã Quảng Phương, điểm đầu tiên phát quà là thôn Pháp Kệ. Tại đây có những người già neo đơn, người khuyết tật, phụ nữ mang thai và các em bé. Cơn bão đi qua, lũ lụt lại tới liền, không tha một ai. Chúng con hỏi thăm được một cụ già đã 85 tuổi, con cái có nhà riêng, cụ ở một mình, nhà thì tốc ngói, nước ngập tới ngực. Có cụ đến 91 tuổi cũng đến để nhận quà, nhà ông bị bão “trốc hết rồi” (tốc mái). Rồi có một em gái bị tật, không chồng, vừa nuôi con, vừa nuôi mẹ già, nhà cũng bị ngập lụt, hư hại. Món quà tuy đơn sơ gồm một bao gạo nhỏ, một thùng mì gói, chai dầu, bịch bột ngọt, bịch đường, một phong bì tiền, nhưng cũng đủ làm nở những nụ cười ấm áp trên môi những người không may.

Món quà tuy đơn sơ nhưng đủ làm nở những nụ cười ấm áp

Điểm phát quà thứ hai là Thôn Đông Dương. Những cảnh đời cũng giống như ở Thôn Pháp Kệ, với rất nhiều người già cô đơn, không có đủ ăn trong những ngày bão. Tổng cộng ở hai điểm là 200 phần quà.

Tại xã Quảng Lộc, thiệt hại còn nặng nề hơn xã Quảng Phương. Lúc 11:00, xe đến UBND Xã Quảng Lộc, đây là điểm tập trung để người dân của 6 thôn trong xã đến nhận quà. Quang cảnh đầu tiên đập vào mắt chúng con là sân Ủy Ban xã bị ngập giống như ao nước. Bên trong hội trường phía sau Ủy Ban, mái nhà bị bão và lốc lột gần như sạch sẽ, còn trơ sườn. Bà con cho biết nơi này bị cúp điện đã nửa tháng nay, vì đường dây điện bị bão làm hư. Nay thì chỗ có điện chỗ không. Đã có hai người chết. Trẻ em không đi học trong mấy ngày bão, nay lụt lại tiếp tục phải nghỉ học. Nhiều nhà nước cao tới ngực, không có nước ngọt để uống, có lúa mà không có điện để xay, cũng không thể nấu nước gì, có gói mì sống để ăn là hạnh phúc rồi.

Tại đây, chúng con thấy một chuyện làm chúng con chú ý, đó là bà con ở thôn Vĩnh Lộc nhận quà và bì thư tiền xong thì gộp lại chung hết vào một chiếc xe nhỏ. Chúng con hỏi thăm thì được biết là ở thôn này số hộ nghèo quá nhiều, nên số phần quà này được gom lại, mang về thôn mỗi phần quà sẽ được chia làm hai để có nhiều người hơn được nhận. Có chị nói một câu làm chúng con rất cảm động: thà có một chén cháo mà chia ra cho nhau chứ mình ăn riêng, người khác không có ăn thì coi không được. Có lẽ ý thức đùm bọc nhau đó khiến cho người Việt mình dù nghèo mấy vẫn sinh tồn được.

Tại Quảng Lộc, chúng con phát được 203 phần quà. Có 3 phần phát sinh vì có 3 người không có tên nhưng đáng thương quá nên Quý Thầy, quý Sư cô chúng con cho nhận.

Tại xã Quảng Hòa, một chú làm trong ủy ban xã cho biết ở đây có 5 thôn, mà từ bữa bão (30.9.2013) tính tới sáng nay thì mới có 4 thôn có điện, còn một thôn vẫn chưa. Tại xã không có ai bị thiệt mạng do bão, nhưng có một người già bị bệnh mất đã 4 ngày nay chưa an táng được vì nhà bị nước ngập chưa đưa cụ đi được. Đến 12:50 thì chúng con phát xong quà, tổng cộng 200 phần quà và bì thư.

Tại xã Quảng Sơn: vừa ăn trưa xong là chúng con lên đường ngay đến văn phòng UBND xã Quảng Sơn. Đến nơi là 13:40 chiều. Chúng con ngạc nhiên khi thấy không có ai đến nhận quà, hỏi thăm thì các vị trực văn phòng trả lời qua loa, không rõ vì sao. Bây giờ phải làm sao với 310 phần quà dành cho địa phương nghe nói là thiệt hại nặng nhất? Chúng con quyết định lên xe để đến với những thôn bị ảnh hưởng bão lũ nhiều nhất.

Trên đường đi, chúng con nhìn thấy nước ngập mênh mông, đi ngang qua đồng ruộng mà cảm tưởng giống như đang đi dọc sông Tiền, sông Hậu mênh mông là nước. Những cột điện nhiều cái xiêu vẹo, nằm chơ vơ giữa đồng. Đến một ngã rẽ, chúng con thấy một bồn nước loại giống như phao cao su to đùng để chứa nước ngọt cho bà con đến lấy dùng, vì nhà của bà con bị bão rồi đến lụt ngập nước đã hơn nửa tháng, không có nước để uống. Ở đó có giăng biển của Hội Chữ Thập Đỏ.

Vừa đến đầu thôn Linh Cận Sơn, thì chúng con thấy xa xa có nhiều anh bộ đội đang giúp dọn dẹp những đống đổ nát sau thiên tai, và nhiều người dân cùng bộ đội đang sửa sang lại những mái nhà bị tốc hết mái và tôn.

Nhiều ngôi nhà bị sập hoàn toàn, chỉ còn là một đống gạch vụn.

Vừa mới thấy đoàn cứu trợ đặt chân xuống thì đã có mấy người dân chạy lại, bức xúc chỉ cho chỗ ngôi nhà nát và kể cho chúng con nghe là nhà đó có hai vợ chồng, các con nhỏ đang trọ học chỗ khác. Khi bão đổ vào, tường nhà sập xuống, chồng vội vàng lấy thân che cho vợ nên chết ngay tại chỗ, vợ bị dập nát hết phần sườn đến nay vẫn còn đang nằm viện. Chúng con hỏi có ai là bà con thân nhân người bị nạn không để chúng con đến gửi tiền cứu trợ. Chúng con được chỉ đến ngôi nhà đang đặt bàn thờ anh ở gần đó. Đầu nhà cũng bị sập một mảng tường rộng. Đến nơi, chúng con thắp hương cho người xấu số rồi gửi 2.000.000 đ (hai triệu đồng) cho người nhà. Người mất tên là Phan Xuân Sơn, mất năm 1965. Hai triệu đồng với vật giá ngày nay chẳng đáng bao nhiêu. Chỉ tính tiền viện phí chữa bệnh cho người phụ nữ tội nghiệp kia thì cao lắm cũng chỉ đủ thanh toán vài ngày thuốc thang nằm viện. Gia đình như vậy lấy gì để trả tiền thuốc, cho các con tiếp tục đi học, chưa kể đến lấy gì để xây dựng lại nhà, tất cả đều là những câu hỏi lớn không có lời giải đáp.

Xe chạy tiếp đến Nhà Văn Hóa Thôn Linh Cận Sơn, nóc Nhà Văn Hóa không còn gì cả. Bà con đang cùng bộ đội tập trung sửa chữa nhà cửa, thấy đoàn cứu trợ đến thì mới bỏ việc để từ từ kéo đến. Bác Mai Trung Kiên, Chủ Tịch Xã nhiệt tình đến gặp và kể ngay cho chúng con nghe những chuyện gì đã xảy ra trong mấy ngày thiên tai vừa qua. Xã Quảng Sơn, địa bàn rất rộng, bão quét qua nặng nhất là 3 thôn, vào lúc 2 giờ kém 20, trong vòng chỉ vài phút là phá tan tành. Trong đó thiệt hại nặng nhất là thôn Linh Cận Sơn và thôn Hà Sơn. Khi cán bộ xã, huyện và nhân dân đang khắc phục bão, giải thoát người, giải phóng đường ách tắc, thì 6 giờ sáng lại có lũ ống, trong vòng 2 tiếng là ngập hết đường sá, đường tàu. Tính tới nay có 3 người bị nhà sập làm chết, 23 người đang điều trị tại bệnh viện, 24 nhà bị sập hoàn toàn, hơn 200 nhà bị lốc làm tốc mái hoàn toàn và sập một phần nhà. Tính toàn xã có trên 1.000 nhà bị ngập lụt, ngập sâu trên 2 mét là 185 nhà, từ 2 mét trở xuống là 265 nhà, và 160 nhà bị ngập từ 1 mét trở xuống.

Làng xã hoang tàn sau cơn lũ

Quan sát những người đang chờ cứu trợ đứng trong mưa, chúng con chú ý thấy có hai người đeo khăn tang trắng, một phụ nữ và một bé gái. Đến hỏi thăm, chúng con được biết người phụ nữ tên là Nguyễn Thị Thống, nhà của chị và nhà mẹ chồng ở bên kia đường, từ Nhà Văn Hóa nhìn chéo qua. Nhìn theo tay chị chỉ, chúng con chỉ thấy hai đống đổ nát tương tự như nhà anh Phan Xuân Sơn. Chị cho biết bão và lốc đổ bộ đã làm hai căn nhà sập nát hết. Mẹ chồng là bà Trần Thị Thuấn bị thương nặng cấp cứu không được đã qua đời. Hai vợ chồng có hai con gái thì đứa con thứ hai học lớp năm bị nhà sập làm chấn thương sọ não, đang mổ não ở bệnh viện, chồng đang ở bệnh viện nuôi con. Còn chị với con gái đầu đang ở nhờ nhà người quen để dọn dẹp chỗ đổ nát và lo một số việc gia đình. Nhận quà cứu trợ xong thì chị với con gái sẽ vào bệnh viện phụ chồng. Vì quà phát theo từng đơn vị một, thành ra chưa tới phiên, chị với con đứng tạm ngoài mưa, che tấm bìa cạc-tông từ một thùng quà mà chúng con mới khui ra.

Chúng con lập tức chia ra hai nhóm, một nhóm tiếp tục phân phát quà và tiền, mền và quần áo cho bà con, một nhóm đi thăm những ngôi nhà có người chết.

Nơi đầu tiên chúng con đến thăm là nhà – đúng hơn là nền nhà – của cô Nguyễn Thị Thống, Thầy Từ Hải đại diện Tăng thân gửi thêm cho cô phong bì 2 triệu đồng, ngoài phần quà và bì thư mà cô đã được phát.

Kế đó, chúng con đi đến nhà có người thứ hai bị nhà sập đè chết là anh Mai Xuân Phụ (sinh năm 1961). Anh Mai Xuân Phụ ở xa về thăm nhà, đêm đó bị tường nhà sập làm chết ngay tại chỗ. Hiện có vợ mới từ chỗ mở cửa mả về, chúng con trao phong bì tiền cho vợ người bị mất. Cũng là món tiền 2 triệu đồng, trao phong bì mà lòng chúng con ray rứt vì biết những gì mình giúp được chỉ là sự an ủi về tinh thần làm ấm lòng người. Chút tiền mọn để bà con gặp nạn cảm nhận rằng mình không cô đơn trong hoạn nạn, rằng vẫn còn có những trái tim nhân hậu đang trông về mình, rằng trong cuộc sống tình người vẫn đẹp. Chứ còn về vật chất, số tiền ấy có thấm vào đâu với nỗi đau mất chồng, mất nhà cửa của người góa phụ.

Một chút quà nhỏ cũng sưởi ấm được phần nào trái tim của những người dân vùng lũ

Nhìn nụ cười nở trên khuôn mặt héo hắt của những người phụ nữ không may, chúng con thương cảm vô cùng, lòng an ủi rằng ít ra mình cũng đã sưởi ấm được phần nào trái tim của những người khổ đau do thiên tai hoạn nạn. Để họ có niềm tin vào cái đẹp của tình người, lấy lại được chút niềm vui mà tiếp tục sống và đối mặt với những khó khăn còn ngổn ngang sau cơn bão lũ.

Đến khoảng hơn 16:00 giờ thì phát xong quà và tiền ở Thôn Linh Cận Sơn. Còn lại 69 suất quà cho người ở Thôn Hà Sơn, là thôn bị nặng nhất đang ngập trong nước thì chúng con không đến tận thôn được, vì thôn đang ở bên kia sông, và đoạn đường đến bờ sông thì bị lầy, xe khách chạy không được. Mà bà con cũng không đến được để nhận quà.

Thương quá, chúng con nghĩ cách làm thể nào để vẫn cứu trợ được cho bà con. Trước đó, thầy Từ Hải có gọi điện để xin Nhà nước cho mượn một chiếc ca-nô để chúng con qua tận nơi. Nhưng vì chúng con gọi và muốn mượn liền nên Nhà nước họ không giải quyết được, vì họ phải qua nhiều thủ tục mới cho mượn được. Vì vậy, phát quà cho Thôn Linh Cận Sơn xong, chúng con mượn xe máy của thôn để cử người mang tiền đến khúc sông gần nhất và xe hàng sẽ theo sau. Tới đó sẽ đợi người đại diện của thôn Hà Sơn ở bên kia sông đánh thuyền qua nhận. Chú Chủ tịch xã vẫy một chú bộ đội chạy xe máy đến, chú bộ đội chở thầy Từ Hải cầm phong bì tiền đi đến bờ sông. Chúng con đợi hơn nửa tiếng sau thì thầy về, cho biết hai xe tải chở hàng đã bị sa lầy, vừa mới kéo lên được. Vì vậy cả xe, cả người chúng con đi đường vòng khác khá xa để đến được bờ sông.

Xe tải chở hàng cứu trợ bị sa lầy

Đến nơi thì đã có thuyền và người đại diện là chú trưởng thôn Hà Sơn cùng với mấy người nữa đang đứng chờ. Chú cảm động cám ơn chúng con rối rít và …nắm chặt tay sư cô mà cảm ơn (chú không biết là không nên nắm tay sư cô lâu). Chúng con chuyển hàng xuống thuyền, và gửi 69 phong bì tiền cho chú trưởng thôn.

Tổng cộng ở Xã Quảng Sơn, vì đến tận nơi trao quà, những trường hợp phát sinh tăng nhiều, chúng con trao 310 phần quà và tiền cho người dân, cộng với 3 suất đặc biệt cho gia đình người chết.

Ngày 19.10.2013

Điểm đầu tiên chúng con đến là Chùa Thanh Quang, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch. Đến đây thấy giữa xã nghèo, có một ngôi chùa tuy nhỏ nhưng đẹp, chúng con thấy vui vì bà con ở đây có lòng tu tập. Vì ở đây tình trạng thiệt hại ít hơn nên chúng con chỉ phát 80 phần quà rồi lên đường đi tiếp. Còn 16 phần quà chúng con trao lại cho 16 trường hợp khác ở xã Hạ Kiến Sơn.

Ngày hôm nay, chúng con đến những nơi cũng bị thiệt hại, nhưng đã được khắc phục phần nào. Vì vậy chúng con không mua hàng mà chỉ bỏ phong bì cho bà con, nhưng phần tiền trong phong bì thì tương đương với tổng giá trị tiền và vật phẩm của các suất cứu trợ đã phát. Chúng con đã phát 100 suất cho xã Phú Định, 150 suất cho xã Hải Ninh và 50 suất cho xã Duy Ninh.

Kế tiếp chúng con đến nhà văn hóa thôn Hiển Lộc. Tại đây chúng con phát 100 phần quà cho bà con. Điểm đặc biệt ở điểm này là toàn người già đến nhận tiền. Phát được 88 phần quà thì đọc hết danh sách, còn một danh sách khoảng 40 người thì không ai đến nhận. Hỏi ra thì được biết là một phần quà được chia cho 3 người. 88 phần là sẽ có 264 người già được nhận tiền. Còn danh sách kia thì người tổ trưởng nhóm người cao tuổi đó bệnh đang nằm viện không thông báo cho bà con, nên không ai đến nhận được.

Bà con ai cũng xôn xao, muốn cho những người vắng mặt cũng được nhận tiền. Khi chúng con giải thích là chúng con muốn trao tiền tận tay người gặp khó khăn, không có chứng cứ rõ ràng thì chúng con không dám giao tiền lại, thì ai nấy cũng buồn xo. Giải quyết như vậy thì đúng lý, nhưng về tình thì trong lòng chúng con cũng day dứt. Sau một hồi bàn thảo, chúng con quyết định trao cho một người đại diện do bà con cử ra, trước mặt toàn thể bà con, và thông báo rõ với bà con rõ ràng về tình trạng. Nhìn nét mặt những người già nở ra, ai nấy cười hoan hỉ mà lòng chúng con cũng nở ra.

Đó cũng là điểm cứu trợ cuối cùng của tỉnh Quảng Bình. Vừa xong việc là chúng con ra quốc lộ, chia tay chú Bình tài xế chiếc xe thuê và những tình nguyện viên ở Quảng Bình, rồi đón xe khách về Huế. Chúng con lên được xe lúc 16:00 giờ. Đến được Huế là hơn 19:00 tối.

Tại tỉnh Quảng Nam

Ngày 22.10.2013

Chúng con cứu trợ xong tại tỉnh Quảng Bình thì còn lại được vài chục triệu. Quá ít ỏi, nhưng chúng con quyết tâm đi cho đến khi hết số tiền thì thôi, và vẫn hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự tài trợ từ những tấm lòng bác ái. Nhờ Bụt Tổ gia hộ, sau đó chúng con được sự yểm trợ rất lớn từ tổ chức Mắt thương nhìn cuộc đời (Eyes of Compassion Relief Org. – Canada), nên có thể đi thêm, phát quà thêm cho nhiều trường hợp nữa. Chúng con vô cùng cảm kích tổ chức EOCRO đã tin tưởng uỷ thác cho chúng con một số tiền lớn đến 200 triệu đồng Việt Nam để cứu trợ cho đồng bào mình trong khổ nạn.

Vì vậy sau khi có được đầy đủ thông tin của các bạn cư sĩ thuộc tăng thân Mây Thong Dong khảo sát ở địa phương thì chúng con lên đường rời Huế lúc 3 giờ chiều ngày 22.10.2013.

Ngày 23.10.2013

Chúng con bắt đầu cuộc hành trình vào lúc 7:20 sáng, chương trình là sẽ đi đến xã Điện Ngọc vào buổi sáng và đến khu Cửa Đại vào buổi chiều. Chúng con mang theo nhiều quần áo để tặng bà con. Trong chuyến đi này, ngoài Quý Thầy và Sư Cô trong chuyến đi cứu trợ Quảng Bình thì có thêm thầy Pháp Căn thuộc Tổ Đình Từ Hiếu và sư cô thuộc ni xá Diệu Trạm tham gia.

Thôn Giang Tắc, xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam

Thôn đầu tiên chúng con đến là thôn Giang Tắc. Tại đây chúng con đến cứu trợ cho 10 ngôi nhà bị sập. Có một điểm chung là các ngôi nhà này đều là những ngôi nhà nhỏ, chủ hộ quá nghèo khó nên chỉ xây nhà cấp 4, không có trụ bê tông cốt thép, nên bão đến thì sập ngay. Cũng may là vì có thông tin báo bão kịp thời nên bà con thấy tình hình nguy cấp thì chạy khỏi nhà đến trú ẩn ở chỗ khác nên không có ai thiệt mạng.

Nhà nào cũng giống nhau, chỉ là những đống đổ nát sau cơn bão. Gia đình vốn đã nghèo nay lại màn trời chiếu đất. Chưa kể có những trường hợp đặc biệt, không có khả năng lao động, khổ chồng thêm khổ. Hiện nay, có người thì che tạm mấy tấm tôn cũ, hoặc che bạt ở tạm ở hông nhà, hoặc ở nhờ nhà mẹ, nhà thờ họ, tội nghiệp hơn, có gia đình phải ngủ tạm trong… nhà vệ sinh (!).

Gia đình này phải ngủ tạm trong nhà vệ sinh

Trong cuộc sống, có nhiều khi ngày nào báo, đài cũng đưa tin chiến tranh, thiên tai ở khắp nơi, nghe riết thành quen. Đôi khi mình thấy mình trở nên vô cảm với những tin tức đó. Lần này, nhờ tiếp xúc trực tiếp những cảnh khổ mà chúng con được đánh thức hạt giống của tình thương, của sự đồng cảm với những đồng bào đang trong khổ nạn. Chúng con đặt mình ở vị trí những người đó, người già, phụ nữ, trẻ con, và cả những thanh niên nghèo, trong một đêm gió bão lạnh giá, chứng kiến ngôi nhà mà mình chắt chiu dành dụm để xây nên từ từ sụm xuống. Trời đất lạnh lẽo mà lòng người càng tê tái. Rồi đây, lấy gì để xây sửa nhà, để sinh nhai, hoặc giả lại tiếp tục nợ nần thêm nhiều năm tháng nữa.

Vào lúc 10 giờ kém 5 phút, chúng con thăm và tặng phong bì tiền xong cho 10 gia đình, mỗi gia đình 3 triệu; và thêm 1 trường hợp ngoại lệ của anh Lê Minh Hải là 500.000 đồng.

Thôn Viêm Đông, xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam

Tại đây chúng con đi thăm và trao tiền cho 6 trường hợp. Nhà đầu tiên chúng con đến là nhà của cô Phan Thị Mẹo, 55 tuổi. Cô bị hỏng một mắt, người gầy yếu, mất sức lao động, mà còn phải nuôi con. Nhà bị sập hết. Rồi đến nhà của chị Đặng Thị Dung, 40 tuổi, làm công nhân, lương tháng được 2 triệu rưỡi. Chồng chị thất nghiệp. Vợ chồng có 2 con nhỏ. Cách đây 8 năm, vay mấy chục triệu để xây ngôi nhà nhỏ, cho đến nay nợ thì trả chưa xong mà nhà lại bị sụp mất. Nhà nước thì chưa hỗ trợ gì.

Các nhà khác cũng 2 đến 4 con nhỏ, đều nghèo, bán rau hành, làm công nhân hoặc làm ruộng. Chỉ có một trường hợp nhà của chị Huy tuy nhà sập nhưng cũng có chút vật dụng tiện nghi còn cứu lại được, vẫn tiếp tục bán quán và ở nhờ nhà mẹ, là trường hợp ít khổ hơn các nhà khác, nên chúng con hỗ trợ 2 triệu đồng. Còn các trường hợp kia đều hỗ trợ 3 triệu đồng.

Thôn Viêm Minh, xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam

Ở thôn này có những trường hợp rất đáng thương. Như trường hợp của bà Đặng Thị Xô, nhà bà không sập mà chỉ bị tốc mái. Nhưng bác Trưởng thôn tha thiết xin chúng con lưu tâm giúp đỡ. Vì bà bị bệnh thần kinh, ngơ ngơ ngác ngác; có một con trai cũng bị di truyền như mẹ mà nhẹ hơn. Hàng ngày bà giữ bò cho bà con trong thôn. Ai cho gì thì ăn nấy, mẹ con không biết nấu nướng gì cả. Cả hai hiện đang lưu trú trong ngôi nhà tình thương của nhà nước xây cho. Nhưng qua cơn bão số 6 rồi đến cơn bão số 11, ngôi nhà đang xuống cấp trầm trọng. Còn người con trai khi sửa nhà sau cơn bão số 6 thì bị thương nặng. Hiện nay trong thôn ai cũng đang gặp khó khăn do cơn bão, nên cũng không giúp được gì nhiều. Vì vậy chúng con quyết định cũng hỗ trợ cho gia đình bà một suất 3 triệu đồng. Nhìn ánh mắt thất thần của hai mẹ con bà, chúng con không biết bà có cảm nhận được tình thương mà chúng con mang đến cho mẹ con bà hay không.

Thôn Hà Dừa, xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam

Tại đây, chúng con đi thăm và trao tiền cho 4 hộ gia đình bị sập nhà. Trong đó, có gia đình anh Nguyễn Văn Bình, hai vợ chồng có 4 người con. Bão vô làm sập nhà hết. Nhà rất khó khăn. Khi đoàn chúng con đến thăm thì thấy bé gái không mặc áo, thương quá, chúng con vội tìm quần áo trong những bộ đồ đang tặng cho mặc. Chúng con chụp hình bé gái khi chưa mặc áo, định sẽ chia sẻ cho bà con xem để cảm thông cho hoàn cảnh những người khốn khổ. Nhưng đôi mắt bé nhìn có cái gì đó khiến chúng con thấy không nỡ đưa hình ảnh đó lên. Nó là sự mặc cảm, nỗi buồn lo, sự thẹn thùng. Hai tay bé ôm lấy thân hình mảnh dẻ như muốn che hết thân mình trước ống kính máy ảnh.

Thôn Cồn Nhàn, xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An,  tỉnh Quảng Nam

Thôn này do anh Hùng cư sĩ địa phương giới thiệu cho chúng con, ở đây có rất nhiều trường hợp quá nghèo, nhà cửa còn tệ hơn nhà cấp 4, nên bão đến là sập ngay. Vì vậy, mang đến cho bà con tiền cứu trợ của chương trình, chúng con mong bà con có thể sử dụng món tiền ấy để làm vốn làm ăn hoặc để góp vào tiền xây nhà cho đỡ cơ cực. Câu hỏi lớn trong lòng chúng con là không biết có cách nào để họ có thể thay đổi cuộc đời, khi nhìn thấy cái nghèo dường như là cái gì rất chắc chắn phủ vây đời họ.

Hy vọng bà con có được một chút niềm vui để đối diện với những khó khăn trước mắt

Trong lúc đi vào thôn, chúng con đi ngang qua những nhà tội nghiệp quá, mà không có trong danh sách. Nên cầm lòng không đậu, chúng con ghé vào thăm. Có nhà của bà Phạm Thị Ngơi, 53 tuổi, sống với mẹ già 85 tuổi. Bà Ngơi có 4 con nhưng đều ở xa. Giờ lớn tuổi, sức khỏe yếu, trong làng ai nhờ gì thì làm nấy để mẹ con sống qua ngày, đau không có tiền uống thuốc. Bà Ngơi kể mà rơm rớm nước mắt. Vậy là chúng con lại phát sinh thêm một phần quà.

Rồi đến cô Trần Thị Nga, nhà nghèo mà mới có con nhỏ, lại thêm 2 đứa sinh đôi. Rồi nhà cô Nguyễn Thị Vân, nhà sập, phải ở nhà vệ sinh. Hay cô Phan Thị Hiền, bị tàn tật, chân không đi lại được, ở nhà tình nghĩa với con, mà nhà thì xuống cấp trầm trọng. Thế là chúng con lại không thể cầm lòng.

Lại thêm nhà anh Lê Văn Dũng, nhà sập nát tan, chưa được nhà nước cứu trợ, chồng làm thuê, vợ thì thất nghiệp, không có hướng làm ăn. Chúng con bỏ bao thư 4 triệu đồng.

Kết thúc buổi chiều cứu trợ, chúng con ra về với tâm trạng hoan hỉ, vì thấy khi mình đến tận nơi, đã có thể giúp được thêm những trường hợp thực sự khó khăn, nằm ngoài danh sách. Và dựa trên thực tế, chúng con hỗ trợ ngoài những suất 3 triệu, thì trong chiều nay có 1 suất 1 triệu, 1 suất 2 triệu, 1 suất 5 triệu và 1 suất 4 triệu, tùy theo hoàn cảnh.

Ngày 24.10.2013

Xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam

Trong 4 nhà chúng con đi thăm, có 2 nhà không khó khăn nhiều bằng các nhà kia, chúng con hỗ trợ một nhà 1 triệu đồng, và 1 nhà 500.000 đ. Ngoài ra, có một nhà được hỗ trợ 3 triệu đồng.

Xã Điện Nam Bắc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam

Trong trao đổi với các cán bộ xã, chúng con được biết ở đây có 16 nhà sập, 18 nhà tốc mái 100%, 28 nhà tốc mái 50 – 70% (cũng giống như thông tin tiền trạm mà chúng con đã có). Ở đây chúng con phát 50 phần, 1 phần phát sinh, hầu hết là người già.

Trong lúc một sư cô trong đoàn đang đứng một góc để chụp hình thì có bà Phạm Thị Diệp đến gửi lời cảm ơn đoàn, và chia sẻ nỗi khổ tâm của bà. Bà cho biết nhà bà chỉ có hai mẹ con, con gái bà nay 35 tuổi bị tâm thần thường hay quậy phá trong nhà. Bà làm nghề mua bán ve chai, trồng trọt chút đỉnh trên mảnh đất rộng mấy chục thước vuông. Nhìn thấy chúng con là những người trẻ trạc tuổi con bà, có thể đi khắp nơi làm việc thiện, bà nghĩ tới con gái mà buồn cho con, tủi thân bà. Nhìn những giọt lệ lăn dài trên má bà, chúng con rất xúc động, biết rằng mình chỉ có thể gửi đến bà chút quà mọn với đôi lời an ủi. Dẫu biết ai cũng chịu nghiệp lực của chính mình, nhưng những đau khổ do nghiệp báo mang lại thật là nặng nề quá.

Xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam

Tại đây chú Trưởng ban Mặt trận cho biết xã Điện Dương là một trong những xã đông dân nhất tỉnh, có 17.000 người. Từ lúc bị bão đến nay đã có 7 đoàn đến cứu trợ, nhờ có đài truyền hình đến đưa tin và quay phim tại địa phương. Dù ảnh hưởng của cơn bão số 11 lên bà con cũng gây khó khăn nhiều, nhưng xã cũng quyên góp để đi cứu trợ đồng bào thiên tai ở Quảng Bình, để thực hiện tinh thần tương thân tương ái của người Việt.Tại đây, chúng con trao 300 phần quà và phong bì tiền, thêm 1 phần phát sinh cho một cụ bà không có tên trong danh sách. Trong những người đến nhận quà, có đủ thành phần, người già, phụ nữ, trẻ con, và cả thương binh phải đi xe lăn đến nhận.

Người thương binh này phải đi xe lăn đến để nhận cứu trợ

Ngày 25.10.2013

Xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam

Sáng hôm nay, chúng con đi đến địa phương xa xôi vùng núi phía bắc của Tỉnh Quảng Nam. Chúng con khởi hành lúc 7:00. Trên đường, vừa qua Thị trấn Ái Nghĩa là đoạn đường nhỏ khó đi. Đến xã Đại Đồng thì đường bị sình lầy kéo dài cho tới xã Đại Lãnh, xe bị dằn xóc liên tục.

Qua làng Hà Dục Bắc thì tới xã Đại Lãnh. Chúng con tới chùa Hoa Yên vào lúc 9:00. Bà con đã đợi ở đây từ sớm. Tới nơi, chúng con chia hai nhóm, một nhóm sắp xếp quà, một nhóm trò chuyện thăm hỏi bà con. Được sự yểm trợ dễ thương của Sư Cô Trụ Trì, chúng con chia sẻ đôi điều về niềm hạnh phúc khi còn có các giác quan tốt, khi còn thở, v.v… và mời bà con hát cùng chúng con vài bài thiền ca. Những khuôn mặt già nhăn nheo hay những khuôn mặt trẻ chất phác đều thư giãn ra, nở những nụ cười vui tươi làm chúng con ấm lòng.

Những nụ cười tươi vui làm chúng con ấm lòng

Tại điểm cứu trợ này có rất nhiều người già, nhiều người trên 70, 80 tuổi. Có những cụ đã trên 80 tuổi mà ở một mình, tự nấu ăn lấy, rất tội nghiệp. Bão vô làm nhà tốc mái, nhiều người chưa có điều kiện lợp lại.

Ngoài hình ảnh những người già neo đơn, đập vào mắt chúng con còn có hình ảnh những người khuyết tật nhưng rất sốt sắng giúp việc cho chùa, có người bị câm điếc, có người bị gù lưng.

Tại đây tổng cộng chúng con phát 200 phần theo danh sách và 1 phần phát sinh.

Hội người khiếm thị, huyện Điện Bàn, Tỉnh Quảng Nam

11:15 chúng con lên đường tới văn phòng Hội người mù huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Chúng con đến nơi sớm hơn giờ hẹn nhưng những người khiếm thị đã có mặt đầy đủ.

Người mắt sáng khi gặp bão đã khó khăn thì người khiếm thị càng khó khăn. Khi con hỏi thăm, một chú chia sẻ rằng nhà chỉ có hai mẹ con. Mẹ chú già yếu còn chú thì tật nguyền. Chú sống nhờ tham gia Hội người khiếm thị, được học và làm nghề xoa bóp, bấm huyệt và bán hàng rong. Những lúc trời khô ráo thì dễ kiếm tiền hơn khi mưa gió. Khi bão tới làm tốc mái nhà, thì nhờ bà con thương tình lợp lại mái giùm. Thật là càng đi càng thấy nhiều cảnh khổ khác nhau, và chúng con càng thấy mình quá may mắn trong cuộc đời.

Quà cứu trợ cũng đến được với những người khiếm thị tỉnh Quảng Nam

Lúc 13:00, chúng con phát xong 46 suất quà và phong bì tiền, cộng thêm 4 suất phát sinh ngoài danh sách.Trên đường trở về, ai cũng thấy nhẹ nhàng vì đã hoàn thành nhiệm vụ mà tăng thân và quý thí chủ xa gần giao phó, trong đó đặc biệt là Tổ chức thiện nguyện Mắt thương nhìn cuộc đời (Eyes of Compassion Org. – Canada) là đơn vị đã tài trợ cho chúng con phần lớn số tịnh tài cho chuyến cứu trợ tại Tỉnh Quảng Nam này.

Cùng đi với chúng con trong đợt cứu trợ này còn có em Uy là tình nguyện viên cư sĩ thuộc tăng thân Mây Thong Dong, và cô Nga là vị cư sĩ tiếp hiện ở Quảng Nam. Cứ mỗi lần nhìn thấy nhà nào khổ quá là cô Nga lại bỏ thêm một phong bì nữa phụ với đoàn tặng cho người nghèo. Cô Thu, mẹ của sư cô Tạng Nghiêm cũng có mặt và yểm trợ cho đoàn việc ăn uống, để chúng con có thể tập trung làm việc cứu trợ mà thôi.

Những hình ảnh ấy làm chúng con nhớ đến bác Đính (ba của sư cô Trang Nghiêm và thầy Pháp Nhĩ), và mẹ Diệu Hiền (mẹ của thầy Pháp Độ) đã đồng hành với chúng con trên chặng đường Quảng Bình. Hai mái đầu bạc phơ luôn nhanh nhẹn phụ giúp chúng con trong việc cứu trợ. Chúng con nhớ nụ cười và dáng vẻ dong dỏng cao của bác Đính. Chúng con nhớ mẹ Diệu Hiền vẫn tươi cười đứng phụ phát quà, trong lúc đôi chân mẹ sưng húp lên vì bệnh ở chân mẹ không cho phép đi lại nhiều hay đứng lâu.

Và cả những anh tài xế xe 16 chỗ, xe tải chở hàng đều rất hết lòng với đoàn, với công việc thiện nguyện.

Tất cả những hình ảnh ấy làm chúng con biết ơn vô bờ, và chính là niềm động lực cho chúng con trên con đường phụng sự.

Cuộc cứu trợ ở Quảng Bình và Quảng Nam vừa mới hoàn tất nhưng cũng chỉ là bước khởi đầu trong hành trình cứu trợ của chúng con. Mỗi năm miền Trung nước Việt Nam mình đều bị bão lũ. Dù nhà nước và những tổ chức thiện nguyện phi chính phủ có giúp tới đâu thì cũng không giúp hết được. Năm nào cũng có những đoàn cứu trợ lên đường. Có khi chính những đoàn cứu trợ cũng gặp nạn phải thiệt mạng dọc đường. Nhưng là con của Bụt, nhiệm vụ của chúng con là thực hành hạnh nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền, Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Địa Tạng. Chỗ nào khổ đau nhất, chỗ đó chúng con phải có mặt. Vì thế, nói đi là chúng con đi ngay.

Có đi mới thấy bát cơm mình ăn mỗi ngày, chiếc giường mỗi đêm mình ngủ, thật sự là tịnh độ, là thiên đường, mà rất nhiều người mơ ước không có được. Đi mới hiểu “tu” là cái gì rất thật, không phải là chuyện xa vời, “giúp đời” là cái gì rất cụ thể, ở ngay trong từng miếng cơm tấm áo. Bằng mọi giá phải đưa được phẩm vật đến tận tay người dân, bằng mọi giá phải đưa được tin trung thực và phản ánh được khổ đau của người dân đến mọi người trên thế giới trong thời gian sớm nhất. Để làm được những điều đó, những an nguy của cá nhân, những suy nghĩ cảm thọ riêng tư chỉ là chuyện nhỏ bên lề mà chúng con không màng đến.

Và trong lòng chúng con bắt đầu hướng về Hà Tĩnh, vùng đất đang chịu hậu quả nặng nề của cơn bão số 11 và trận lũ lụt sau đó. Đoàn của chúng con có những lúc cảm thấy rất mệt tưởng là mình không đi nổi nữa. Nhưng rồi nghe thấy đồng bào Hà Tĩnh đang gặp nạn, thì tình thương lại cho chúng con thêm sức mạnh. Chúng con lại sẵn sàng chờ đợi những tấm lòng từ bi ủy thác cho chúng con mang quà và tịnh tài đến giúp đỡ bà con vùng bão lũ. Những tình nguyện viên mà chúng con liên lạc được cũng đã tiến hành khảo sát những địa phương cần cứu cấp ở Hà Tĩnh. “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”, “Môi hở răng lạnh”, “Một miếng khi đói bằng gói khi no”, truyền thống đẹp đùm bọc lẫn nhau khi khó khăn của người Việt có lẽ chính là nét đẹp đã khiến cho dân tộc ta luôn đứng vững trong những thời kỳ khó khăn nhất của lịch sử.

Chúng con xin thành tâm tri ân tất cả những vị ân nhân đã từ bi phát tâm cúng dường tịnh tài để cứu người, công đức ấy dù được nêu tên hay không, cũng đã trở thành phước đức vô lượng của Chư Liệt Vị. Rất nhiều hoa trái của niềm vui đã mọc lên giữa những vùng bão lũ, là nhờ ơn đức của chư vị, và chúng con cũng đã rất hạnh phúc được thay mặt chư vị đến với bà con, mang theo những món quà có ý nghĩa cả về vật chất lẫn tinh thần. Chính trong lúc thiên tai, cũng là lúc chúng ta nhận ra nhân tâm ấm áp. Sự an ủi, niềm vui của những người khốn khổ mà chúng ta khơi dậy được chính là tịnh độ trong tâm mà cả người cho và người nhận cùng được hưởng.

Chúng con kính chúc tất cả có thêm nhiều sức khỏe và vạn sự hanh thông, để lại có thêm nhiều điều kiện để cứu người, giúp đời. Thành kính nguyện cầu cho bà con vùng bão lũ sớm vượt qua khổ nạn, đời sống an vui, cầu mong cho đất nước luôn được thái bình.

Chúng con ni chúng Long Thành kính cẩn tri ân!

Nam mô Công Đức Lâm Bồ Tát!

Nam mô Hoan Hỉ Tạng Bồ Tát!

Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát!

 

Thêm một số hình ảnh về đợt cứu trợ: