Góp một bàn tay
Thầy Nguyên Tịnh
Em thương,
Mỗi lần viết được đoạn văn hay bài thơ ngắn nào, anh đều thấy lòng rất biết ơn mẹ. Em biết đó, mẹ được đi học rất ít, tuổi học trò của mẹ thật ngắn ngủi, có thể vì vậy mà mẹ muốn những đứa con của mẹ phải trân trọng sự học hành. Anh thì học chẳng đến đâu, rất làm biếng, từ nhỏ đã ước mơ lớn lên vác ba lô đi du lịch thôi. Vậy mà anh vẫn học được từ mẹ rất nhiều điều, và những điều ấy vẫn là hành trang cho anh mang theo trong cuộc đời.
Anh nhớ, từ những năm học lớp một, lớp hai, những năm anh vừa tập đọc, tập viết, mẹ đã dạy anh viết thư thăm ngoại và các dì. Thời đó, từ miền trung Việt Nam đến miền tây Việt Nam là cả một khoảng cách dài như vô tận, chỉ liên lạc với nhau bằng thư. Mẹ theo ba đưa các con về Huế sau khi sinh anh một thời gian, từ đó mẹ xa gia đình ngoại biền biệt, rất lâu sau mẹ mới có dịp về thăm. Khi anh bắt đầu đi học, anh nhớ, mẹ dạy cho ba đứa con viết thư thăm gia đình ngoại mỗi tuần. Anh hạnh phúc lắm khi được làm điều này. Những buổi chiều sau khi ngủ dậy, nắng rọi trước sân nhà, vài tia nắng xuyên qua mái ngói nằm đâu đó trên nền, anh ngồi viết thư cho gia đình ngoại. Lá thư nào anh cũng viết bằng cả niềm vui, bằng cách dài nhất. Khi nào một trong ba anh em nũng nịu cái chuyện không biết viết gì thì mẹ đều nhắc, chỉ khi nào mình sống không có tình cảm nữa, các con mới không biết viết gì. Các con có cả tuần để kể chuyện nhà, chuyện học, chuyện chơi, chuyện quang cảnh, không thiếu cái để viết. Các con có biết đó là món quà đẹp nhất các con có thể tặng ngoại không, và cũng là lòng hiếu thảo các con dành cho ba mẹ. Những lúc mẹ nói vậy, anh cảm động lắm, và anh viết thật say sưa. Không biết lúc đó em gái anh đang biểu hiện ở đâu nữa.
Mỗi lần viết xong, mẹ ngồi chung và đọc lại, sửa từng lỗi chính tả, từng dấu chấm dấu phẩy. Anh thích viết có lẽ từ những ngày ấy. Có một hôm anh nhận được món quà từ các dì gởi về, là một lá thư và một cuốn sách. Thời đó quê mình sách đọc còn hiếm, ai có quyển gì mới là oai lắm. Anh nhận được tập thơ Góc sân và khoảng trời, bìa màu xanh rất thanh thoát. Đó là viên ngọc tuổi thơ anh. Đi đâu, anh cũng mang theo. Mỗi lần nhớ lại cái cảnh thằng bé năm xưa, mặc cái quần cộc với áo thun ngả màu, giữ tập sách nơi lưng quần là anh mắc cười quá đi. Hễ khi nào thích thì mang ra đọc, thật có dáng một người mê sách. Hôm nay ngồi viết cho em, anh tiếp xúc được với anh, với mẹ, với gia đình mình của hơn hai mươi năm về trước.
Hiện anh đang ngồi ở xóm Thượng để viết cho em. Khung cảnh nơi này hiền lành lắm. Anh qua đây khi những rừng cây đang mùa chín lá, và hiện giờ thì cây cối đã trơ những cành gầy ra giữa mùa đông lạnh. Những ngày băng đóng trắng xóa, những ngày nắng hiền trải khắp, và có ngày tuyết rơi, một khung cảnh đẹp như bức tranh cổ. Hôm trước, quán niệm từ xóm Mới trở về, mưa khá lớn, tuổi thơ với mưa trong anh hiện về thật rõ. Mưa đối với anh là một người bạn rất đẹp, rất hào sảng, rất thủy chung. Anh nhớ, cũng khoảng thời gian lớp hai, lớp ba, anh hay trốn ngủ trưa để đi chơi. Anh tin đứa con nít nào cũng thèm như vậy. Con nít thường không khoái gì cái món ngủ trưa mà người lớn luôn ao ước đó. Chỉ khi nào không thể trốn được, con nít mới nhăn nhó nằm lên giường như một sự chịu đựng quá sức, và sự thật là không lâu sau, đã chìm vào giấc ngủ ngon lành như một thiên thần.
Cuối xóm của mình lúc đó có nhà một bác đạp xích lô, và buổi trưa, chiếc xích lô luôn được để ngay đầu ngõ. Anh đi loanh quanh khắp xóm chơi với mấy đứa bạn trốn ngủ. Hôm nào không có ai, anh tới ngồi trên chiếc xích lô đó. Có một buổi trưa, khi anh ngồi trên chiếc xích lô vẫn để cuối xóm thì từ đâu mây đen kéo đến ùn ùn, nắng bỗng nhiên biến mất, bất ngờ gió thổi từng trận xào xạc cuốn tung lên bao nhiêu lá tre, bao nhiêu bụi đường, những tiếng sấm sét bắt đầu xuất hiện ở phía núi. Thế nào một trận mưa trong mùa hè cũng đến. Những trận mưa bất ngờ này, người nông dân rất ngán, vì sẽ không thể gom kịp lúa đang phơi trước sân, những nhà hàng xóm thấy vậy thế nào cũng chạy qua giúp một tay thì may ra, ai cũng mồ hôi nhễ nhại mà đầy tình người. Những trận mưa như vậy thường kéo dài khoảng hai tiếng đồng hồ. Biết chạy về sẽ không kịp, anh kéo tấm che ngang qua đầu và ngồi nhìn ra bên ngoài. Chỉ một lúc sau là những giọt mưa thật nặng rơi xuống, trong khi gió vẫn đang lùa qua oằn oại những đọt tre, lá tre rơi theo với mưa.
Anh ngồi đó, lòng tràn ngập những cảm xúc, thấy trời đất bao la, những bong bóng nước tan biến thật nhanh trước mặt. Đôi mắt anh dán chặt vào khoảng mưa mù mịt. Lòng đứa trẻ lúc đó sao yên ắng quá, lắng dịu lạ kỳ, không chút sợ hãi dù như cả không gian mênh mông ấy chỉ có mình nó hiện hữu. Đứa bé ao ước sao cho mẹ, cho ba, cho những người xung quanh được sống trong sự thanh bình ấy, đừng tranh giành nhau, làm khổ nhau, lớn tiếng la lối nhau bằng những lời không đẹp nữa. Sao ba mình không mua một chiếc xích lô để chở cả nhà đi quanh chơi, hay để dưới bụi tre cho cả gia đình cùng ngồi ngắm mưa, ngắm trăng ngắm sao, để tình thương có thật. Và trời bất ngờ tạnh mưa, gió ngừng thổi, những giọt nước mưa rơi xuống còn tạo ra những chiếc bong bóng trên những dòng nước nhỏ chạy dọc mặt đường đất. Áo quần anh ướt gần hết vì những cơn gió tạt vào. Lá tre còn xanh rụng đầy. Đứa bé khi ấy, anh còn thấy hình ảnh nó bước từng bước chân trần chậm rãi về nhà, cho những giọt nước trên lá tre rớt xuống đầu, xuống cổ giữa nền trời u tối. Đứa bé ấy đã sợ mẹ quở trách nếu chạy về giữa đường gặp mưa ướt, vậy mà nó không còn chút sợ hãi nào dù sau cơn mưa áo quần cũng ướt hết. Những kỷ niệm ấy với anh thật ngọt ngào. Hôm nay kể cho em, đứa bé năm xưa ấy trong anh vẫn hiện về rất rõ.
Vài năm sau anh đi tu, em chuẩn bị vào lớp ba. Được dịp về thăm nhà, hai anh em mình đều dẫn nhau đi quanh chơi trong vườn nội, khu vườn có bao nhiêu là cây ăn trái, như một thiên đường trẻ thơ. Mỗi lần kể chuyện ở chùa, em đều nhìn anh và nói, lên lớp tám em sẽ đi tu như anh. Thường buổi nói chuyện sẽ kết thúc bằng cách hai anh em bàn với nhau hôm nay mình sẽ mua nửa ký me, hay nửa ký cóc, hay nửa ký xoài để hai anh em chấm muối ớt. Mẹ sẽ làm muối ớt cho mình. Anh xin lỗi em nghe, sau đó, anh đã không có cơ hội để tiếp tục tưới những hạt giống tốt trong em thêm lớn. Anh tu học càng ngày càng ít niềm vui, lý tưởng của người trẻ trong anh càng ngày càng chao động với bao nghi ngờ và thắc mắc. Anh làm việc với tâm hành của anh đã mệt rồi, nên thật sự không có mặt đó cho em. Mỗi lần anh ghé vội về nhà là những lần về với một nỗi muộn phiền, cũng chỉ về xin tiền ba mẹ để làm gì đó, rồi thôi. Chắc thời gian đó em giận và buồn anh lắm. Hình ảnh ấy của anh có thể cũng đã làm em nghi ngại về con đường anh đang chọn.
Rất lâu hai anh em đã không nói chuyện. Chắc phải đến lúc em học lớp chín, lớp mười, anh mới bắt đầu nói chuyện nhiều lại với em. Gia đình mình thời gian đó cũng chẳng có mấy khi hạnh phúc em nhỉ. Mỗi lần có mặt cho em, anh nhận ra em lớn lên từng ngày, chững chạc, và đầy tình thương. Anh đã nghe mẹ kể chuyện có ngày em đi học về ướt hết, mẹ hỏi, em chỉ trả lời là lâu lâu tắm mưa cũng vui mà mẹ, cho qua chuyện rồi thôi, vài ngày sau mẹ mới biết là em đã tặng chiếc áo mưa cho một bạn nhà nghèo trong lớp. Mẹ sợ em bệnh mà lại rất vui khi biết em có hạt giống san sẻ ấy của mẹ từ rất sớm. Anh đã nghe em nói suy nghĩ của em về lòng bao dung. Phần thưởng ở lớp em đều san sẻ cho các bạn nghèo. Em đã dành rất nhiều tiền để mua sách thiếu nhi, lập một thư viện nhỏ ở nhà cho các em quanh xóm tới mượn đọc. Anh ấm lòng khi nghe em nói, những đứa bạn nhiều mặc cảm vì học dở và nhà nghèo cần bạn lắm, em hứa với lòng em là sẽ đến chơi với những bạn đó, họ thật sự cần sự có mặt của bạn bè. Các bạn nghèo, học dở không phải là một cái tội, vậy mà hay bị quở trách và đối xử không đẹp, tình thương là gì nếu không phải là hướng về những hoàn cảnh ấy. Đến bây giờ, khi em là một sinh viên, em vẫn sống được với ý thức đó phải không em.
Những năm sau này, anh em mình đã có những buổi nói chuyện với nhau thật đẹp. Mẹ thường hay để không gian cho hai anh em nói chuyện, thường khi nào anh gọi thì mẹ mới tới ngồi chơi chung. Tình thương của mẹ âm thầm mà vô tận trong anh. Chiếc cửa sổ trên gác, nơi anh em mình thường ngồi chơi, nhìn ra thấy cồn cát thật xa, rồi cánh đồng trải dài, rồi nghĩa trang với bao nhiêu nấm mộ. Chính nơi khung cửa ấy, ý thức về vô thường, về thân phận những nấm mộ đã lóe sáng trong anh mà anh phát tâm xuất gia. Và cũng chính nơi ấy, em đã nói cho anh nghe những suy tư của tuổi trẻ về quê hương, về tương lai, về giáo dục, về những ước mơ, về lý tưởng muốn phụng sự cho đời.
Em thương,
Tuổi trẻ là tuổi nhiều khát vọng, muốn sống, muốn phụng sự, muốn mang cả bầu nhiệt huyết ra mà làm đẹp cho đời, chỉ muốn tìm ra cái đẹp làm đẹp thêm cho đời. Cũng như anh, cũng như em, có khi mình thấy lòng cạn khô lý tưởng. Thao thức vẫn còn đó, nhưng chúng ta làm được gì trên quê hương chúng ta? Không phải chỉ đến thế hệ anh em mình mới đặt lên những câu hỏi, thế hệ cha anh mình cũng từng có những lúc chết lặng trước lý tưởng thanh cao mà không thực hiện được. Anh thương lắm khi đọc những dòng chữ của Trịnh Công Sơn đã viết từ năm 1972, những năm chiến tranh của ý thức hệ, của nghi kỵ, hận thù, của huynh đệ không tin nhau trên khắp quê hương ta: “Nhân loại đã biết rõ, tuổi trẻ Việt Nam không thiếu lòng dũng cảm. Một tuổi trẻ chịu quá nhiều thiệt thòi nhưng rất ít những lời thở than.
Hôm nay, tôi thấy thấp thoáng dưới những trũng mắt sâu của tuổi trẻ chiến trường chập chờn những mối tư nghị. Có điều gì bất tường đang chớm trong lịch sử… Không phải chúng ta thiếu lòng tin, nhưng tôi tự hỏi, chúng ta sẽ thấy gì trong những ngày sắp tới?”
Tuổi trẻ đã vì lý tưởng đi vào rừng sâu, đi vào chiến trường, muốn có hòa bình, muốn có tiếng cười, muốn mẹ hiền không còn những giây phút tủi thân, muốn cha mình không còn co ro tăm tối, rồi họ thấy, đây là một trận chiến không vì chính nghĩa, không vì tình thương, chỉ là sự giả dối nhân danh cơm áo, nhân danh hòa bình trên xác anh em. Nhận ra điều đó, tâm hồn và niềm tin trong người trẻ bị tổn thương nặng nề, tội nghiệp quá phải không em. Mình đã sống cho cái gì và đã nhận được cái gì? Thời nhỏ, anh tự hỏi, sao học lịch sử mà chỉ nghe quân địch chết hàng chục ngàn người, quân ta thì không thấy nhắc tới số lượng thương vong, sao đi đâu cũng thấy nghĩa trang liệt sĩ nằm quạnh hiu rêu phủ. Có cái gì đó không rõ ràng, không thật. Thỉnh thoảng anh đã nghi ngờ những lời người lớn nói và sách vở nói. Đi tu rồi, anh có cơ hội tìm hiểu về nhiều vấn đề hơn nên mọi thứ sáng tỏ hơn, anh càng thương em, thương tuổi trẻ chúng ta.
Em ơi, chính mỗi chúng ta phải có con đường. Có con đường cho mình thì chúng ta mới san sẻ con đường đó cho những người ta nguyện thương yêu được. Anh em chúng ta cần một ước mơ sống thật đẹp. Bụt có dạy về một trong bốn loại thức ăn để nuôi thân tâm là Tư niệm thực, tức là cái lý tưởng của mình, cái ước mơ sâu sắc nhất của cuộc đời mình. Mình chưa làm được gì, nhưng mình phải có lý tưởng. Và lý tưởng ấy phải được đặt trên căn bản của tình thương, của sự hiểu biết đúng đắn, có ích cho mình và cho đời. Có lý tưởng là mình có ánh sáng, và chúng ta sẽ xây dựng công trình ấy dần dần, không cần nóng vội. Nếu chúng ta không làm được, con cháu chúng ta sẽ làm, những thế hệ tiếp nối chúng ta sẽ làm. Cái nghĩa luân hồi là như vậy đó em à.
Có nhiều lần em than thở với anh về những đứa bạn trong lớp đang học để tranh giành nhau một chỗ đứng, thầy cô giáo đang dạy cho tuổi trẻ cách kiếm tiền, cách tham nhũng bằng chính những việc làm của họ. Anh ngồi nghe mà cảm được năng lượng ấm ức trong em thoát ra qua ngôn ngữ. Anh thương quá. Lâu rồi anh không đi học bên ngoài, nhưng anh biết được những chuyện đó. Anh thích mở những buổi nói chuyện, những khóa tu cho người trẻ cũng lấy cảm hứng từ những chia sẻ của em. Mình phải tìm thấy sự lắng dịu trước tiên đã em nhỉ. Khi những bất công còn có đó mà mình chưa biết phải làm gì, thì người thông minh là người phải biết dừng lại, đừng để cho những bất công ấy làm mình bị thương thêm. Thương mình thì đừng để mình thành nạn nhân. Chúng ta phải biết giữ lửa. Chúng ta đừng biến mình thành những lời than thở, thành nỗi tuyệt vọng. Chúng ta cần tĩnh lặng. Tĩnh lặng để thấy rõ, và để trị liệu những tổn thương trong mình. Tĩnh lặng sẽ mở ra con đường cho chúng ta. Anh em mình, ai cũng có nhiều hạt giống muốn chống lại sự bất công. Và cả anh, và em, đều cần thực tập thêm sự dừng lại, sự tĩnh lặng nơi mỗi bước chân, nơi mỗi hơi thở, nơi mỗi lời nhận xét. Anh biết, có khi một hạt sạn nhỏ xuyên qua da vào lòng bàn chân, nếu mình không biết, mình sẽ có cảm giác khắp cơ thể mình nơi nào cũng bị thương và đau nhức hết. Thông minh, lấy hạt sỏi ra, mình sẽ thoải mái liền. Có những tư tưởng, như hạt sỏi nhỏ ấy, nếu mình không cẩn thận, nó cũng khiến mình đau nhức khôn nguôi.
Anh thực tập lấy những hạt sỏi ấy ra cho khỏi đau nhức bằng cách dừng lại. Đi thiền và thở là những cách dừng lại. Có một hôm đứng trước một mặt hồ đóng băng, và tuyết rơi phủ một lớp trắng rất đẹp trên đó, anh đã đứng chơi và thấy được rằng, có khi bên ngoài mình tĩnh lặng như mặt hồ hôm ấy, nhưng trong sâu thẳm, mọi thứ vẫn đang hoạt động, đang cuồn cuộn, đang va chạm thống thiết. Mình phải thật sự dừng lại mới có thể kéo mình ra khỏi những nghi ngờ, buồn phiền hay tức giận, cả nỗi tuyệt vọng nữa. Từng bước chân yên trong hơi thở ý thức, từ từ anh lắng dịu những lao xao, thiết lập được lãnh thổ bình an cho thân và cho tâm. Khi thực tập, anh khám phá ra, chỉ lúc nào lòng mình thật sự yên, mình mới thấy viên sỏi nhỏ ấy đang nằm ở đâu trong những chiếc hộp của tâm, nó có tên gọi là gì, màu sắc thế nào. Ví dụ, viên sỏi đang thật sự nằm trong chiếc hộp của tâm anh là viên sỏi có tên tuyệt vọng, màu sắc của nó cũng long lanh lắm nhưng nó có công năng khiến anh bế tắc khi cứ chiêm ngưỡng và tôn thờ nó, rồi nó kéo theo bao nhiêu là viên sỏi có tên khác nhau, như nghi ngờ, buông xuôi, tự vẫn, hờn dỗi. Người không thực tập giỏi cũng rất thích chiêm ngưỡng viên sỏi ấy, đó là một cái thú, thú đau thương. Một nhà thơ có viết một bài thơ tựa đề tên là Thú đau thương, nghe tội nghiệp lắm, em đã đọc chưa?
Khi anh gọi tên đúng tên viên sỏi là tuyệt vọng, anh ôm ấp viên sỏi đó. Nó như da thịt của đứa bé mới chào đời, rất dễ tổn thương. Chúng ta không thể trừng trị nó bằng bạo động. Nó cần được ôm ấp, che chở như đứa bé được mẹ che chở bằng tình thương và những câu ca dao ru ngủ. Làm được vậy, anh nhận biết rằng nỗi tuyệt ấy đến từ nguyên nhân nào, từ bên trong mình hay từ yếu tố bên ngoài, bên nào nhiều hơn. Bắt đầu anh đủ định tĩnh để thấy cái cần thấy đó, để kéo mình đi về hướng tích cực, khoáng đạt hơn. Nó là một quá trình là việc em à, và là một quá trình huấn luyện tâm, không phải dễ dàng đâu. Không dễ dàng, nhưng mình thực tập là sẽ được. Đó là niềm tin anh có. Bụt đã khám phá ra điều này và dạy bài pháp đầu tiên là Tứ diệu đế, tức Bốn sự thật vi diệu, em đã học kỹ chưa? Một người bạn của anh, cũng đứng lại nơi mặt hồ hôm ấy, một lúc sau, đi tìm một thanh củi dài đưa ra giữa hồ và vẽ hình một trái tim nơi lớp tuyết, phía dưới đề dòng chữ: “When my heart is open, I am free”…
Chỉ đi cho yên và thở cho yên, thật sự đi và thật sự thở, thật sự chạm chân vào được mặt đất, vào đá sỏi, vào những chiếc lá vàng, anh thấy đất mẹ đủ bao dung để cùng anh ôm lấy những tâm hành khổ đau mà chuyển hóa. Anh em mình đã chia sẻ cái này nhiều lần rồi phải không, và những tập sách Sư Ông cũng dạy rất rõ. Nhiều lần ở đồi thông Kim Sơn với rất nhiều hoa chổi thoảng dịu, anh cũng đã thực tập nằm xuống trên thảm hoa ấy, theo dõi hơi thở, lắng dịu nỗi tuyệt vọng hay những tâm hành khác, thấy mình tan vào đất, cùng đất là một, tan biến cái tự ngã một cách rõ rệt. Thực tập khoảng mười lăm phút thì lòng anh êm dịu lắm, cảm giác mình như đã tái sinh trở lại rồi. Chỉ có niềm vui thực tập, mình phải làm việc cho chính mình, có trách nhiệm và tình thương với thân tâm mình, mình mới nuôi mình bằng tư niệm thực đẹp được em nhỉ. Báo cho em vui, anh vẫn còn nuôi cuộc đời anh đẹp lên bằng những sự thực tập căn bản ấy.
Mẹ dạy cho anh viết thư thăm ngoại, những trận mưa tuổi thơ dạy cho anh yên lắng, mong mọi người yên lắng, những thứ ấy, âm thầm mà trở thành lý tưởng trong anh tự lúc nào. Rồi em, san sẻ cho bạn nghèo từng cái nhỏ nhất, nói lên được cái mình ưu tư, anh tin chúng ta sẽ đẹp lên từng ngày. Có hôm anh về thăm nhà và thấy em đang dạy cho những em nhỏ quanh xóm làm toán làm văn, anh vui quá, vui hơn nữa khi nghe mẹ kể rằng có những đứa nhỏ bây giờ bắt đầu ham học, và đã trở thành những học sinh giỏi trong lớp. Em từng biến lý tưởng của em thành sự thật rồi đó, phải không? Mỗi người một bàn tay, tình thương sẽ thức dậy trong đời.
Khi anh ngồi viết thư cho em đây, anh ý thức rất rõ, thế giới vẫn còn bao nhiêu người trẻ đang hướng về cái đẹp. Chỗ anh ở hiện tại, có rất nhiều quý thầy quý sư cô còn trẻ, có tương lai, có học thức, có cơ hội làm giàu vật chất, đã bỏ lại tất cả để sống đời sống khiêm nhượng, thanh thản, buông bỏ, thanh bần và an lạc. Họ đi tìm cái gì đẹp và lành để thưởng thức, để thật sự được sống, để thật sự được bơi lội trong lý tưởng phụng sự cuộc đời của người trẻ. Đó là một tin vui em nhỉ.
Anh muốn viết cho em về những kỷ niệm êm đềm. Còn bao nhiêu thứ để viết cho em, cho người trẻ, cho bạn bè, anh vui quá khi làm những điều như vậy. Tượng đài tuổi thơ ấy sẽ theo anh em mình lớn mãi, em thương, như những lời thơ Sư Ông:
Thương yêu và tin cậy,
Viết cho em và cho những người bạn,
Làng Mai, 02.02.2015