Bền bỉ lửa trái tim
Tưởng niệm Nhất Chi Mai
Chị thương kính của em,
Như vậy là chị đã xa chúng em thấm thoát 47 năm rồi. Ngày chị ra đi, em không thế nào quên được, em đã ngồi khóc như mưa bên nhục thân của chị. Thời gian tuy đã xa lắm, nhưng bây giờ hồi tưởng lại, em vẫn còn khóc và thấy mọi chuyện như mới xảy ra.
Ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch năm Đinh Mùi (1967), lúc 7 giờ 20 sáng tại chùa Từ Nghiêm, đường Bà Hạt, quận 10 mọi người đang tất bật chuẩn bị cho một ngày lễ lớn, ngày vía đức Phật đản sanh. Trên chánh điện tầng một của chùa, các sư cô đang lau chùi bàn thờ, trang hoàng cờ xí, sắp xếp hương hoa, trà quả để dâng cúng chư Bụt và Bồ tát. Mọi người chú tâm lo phần việc của mình nên không để ý đến những gì sắp xảy ra chung quanh.
Đến khi thấy ngọn lửa bùng lên thật mãnh liệt ở ngay trước chánh điện và sức nóng lan tỏa khắp nơi, các sư cô mới hốt hoảng tri hô lên. Mọi người sững sờ nhìn thân chị ngã gục phía trước trong tư thế ngồi chắp hai tay.
Khi ấy em đang ở nhà ôn bài thi tốt nghiệp sư phạm. Mẹ em từ ngoài chợ về cho hay chị Mai đã tự thiêu ở chùa Từ Nghiêm hồi sáng sớm. Nhà em ở gần chùa, nên mỗi lần chị chở hai bác đến chùa lễ Phật, tụng kinh, chị hay ghé qua nhà em để nhắn nhủ những việc cần thiết hoặc rủ em đi tụng kinh, chị Mai nhớ không?
Em vội lấy xe đạp chạy như bay đến chùa. Khi bước vào trong giảng đường thì thấy nhục thân chị đã được đặt ở đấy và được che phủ bằng lá cờ Phật giáo. Em buông mình quì phục xuống bên cạnh chị và khóc nức nở trong thương tiếc. Chị Tuyết Hoa cũng đang cúi đầu khóc thút thít.
Thôi rồi! Chị đã thật sự xa chúng em rồi! Em thẫn thờ như người mất hồn ngồi ôm đầu khóc như một đứa trẻ. Em không thể nào tin được, chị Mai ơi.
Quê hương mình thì chiến tranh, bom đạn. Thầy mình thì làm Phật sự nơi xa. Chị giờ đã ra đi thật rồi! Mỗi khi có nỗi niềm sâu kín, em biết lấy ai tâm sự bầu bạn, vì chị là người hiểu rõ em nhiều.
Chị hiền lắm, giọng chị nhỏ nhẹ từ tốn và luôn lắng nghe những khổ đau, u uất của mọi người. Em vẫn như còn nghe văng vẳng bên tai giọng khuyên nhủ của chị: “Hổng được làm vậy nghe Hiệp, nghe lời chị khuyên đi! Hiệp biết không, em có nhiều điều kiện hạnh phúc lắm mà em không biết đó. Em có một cơ thể khỏe mạnh, lành lặn, đẹp đẽ nè, có điều kiện học hành, có văn hóa tri thức nè. Em không phải đi buôn gánh bán bưng cực khổ để kiếm sống. Ba má có bất hòa, gia đình có xào xáo nhưng rồi cũng qua đi, vì đời là vô thường mà em, vài năm nữa ba má hòa thuận lại cho coi.”
Và chị hướng dẫn em đi vào những xóm nghèo để phát gạo hoặc quần áo cũ. Lần đầu theo chị vào Xóm nghĩa địa ở sau rạp Quốc Thanh, em sửng sốt nói nhẹ bên tai chị: “Trời Phật ơi! Sao người ta sống khổ quá vậy chị?” Con đường lầy lội nước bùn loi ngoi, lóp ngóp, nhà ở của những gia đình này là những ngôi mộ, được che bởi những tấm carton dày hoặc những manh chiếu rách. Rồi những đêm mưa to, gió lớn, họ phải sống ra sao?
Tất cả vợ chồng con cái đều trú ẩn trong những túp lều rách nát, mong manh như thế! Em đứng mím môi thật chặt để khỏi bật ra tiếng khóc mà nước mắt cứ thi nhau chảy quanh. Chị nắm nhẹ tay em dẫn đi sâu vào trong xóm tiếp tục phát quà và thăm hỏi.
Nhất Chi Mai (tóc dài, bên phải)
Tối hôm ấy về nhà em buồn không ngủ được. Hình ảnh những mảnh đời cơ cực, bất hạnh nơi xóm nghèo nghĩa địa Quốc Thanh luôn ám ảnh em trong giấc ngủ. Và từ đây con tim phụng sự đã theo em trọn đời không quên lãng.
Chị lại dẫn chúng em đi giúp dân làng làm trường học ở Cầu Kinh hoặc Thảo Điền, bên kia cầu Xa lộ. Các anh chị tác viên Trường Thanh Niên Phụng sự Xã hội dễ thương và nhiệt tình quá. Chú Tâm Thể, anh Dương, anh Lưu, anh Thơ, chị Lành, chị Đồng, cô Mai và nhiều nhiều những anh chị khác đều hiền lành dễ mến nên làm việc tuy vất vả nhưng vui quá. Em bỗng nhớ nụ cười thật hiền của chị!
Các anh chị dạy người dân biết cách ăn ở vệ sinh hơn, biết làm hố tiêu để tiêu tiểu đúng chỗ, biết uống nước đun sôi để nguội để tránh bị tiêu chảy. Chị Chín dạy các cháu nhỏ đừng bắt chước người lớn hút thuốc, uống rượu. Làng Thảo Điền ở cạnh sông, ban đêm dân làng thường đi giăng câu, bắt cá. Trời lạnh nên người ta hay uống rượu và hút thuốc cho ấm. Con nít độ 9 hoặc 10 tuổi đi theo chú, bác thả câu cũng tập tành uống rượu như người lớn.
Những ngày cuối tuần đi giúp dân làng của chị em mình đẹp và vui quá phải không chị? Thỉnh thoảng em được chị Chín đọc thư Thầy cho em nghe ké để chia sẻ hạnh phúc. Em thích nhất câu: “Các em hãy rửa mắt trên những cánh đồng lúa xanh.” Thơ mộng và lãng mạn quá! Hình bóng Thầy vẫn lung linh sáng ngời trong lòng chị em mình tuy Thầy đang ở xa.
Rồi tai họa liên tiếp đổ ập lên trường chúng ta: sáu tác viên của Trường trong lúc đi thực tập đã bị bắt cóc cho đến bây giờ cũng không biết dấu tích.
Sau đó ít lâu, vào một đêm thứ bảy, bỗng có một toán người lạ mặt xông vào trường, dùng súng đạn bắn giết các anh chị đang nằm nghỉ trong phòng. Hai chị Liên và Vui bị thiệt mạng. Chị Hương bị cưa một bàn chân. Anh Vinh bị lưu đạn trúng đầu, lòi não ra ngoài nên bị liệt cả tay chân phải nằm điều trị ở bệnh viện Chợ Rẫy suốt cả năm.
Các anh chị tác viên và những vị thân hữu của Trường thay phiên nhau vào nuôi anh Vinh. Mỗi ngày phải hai người túc trực bên giường bệnh để chăm sóc cho anh. Các vị thân hữu thì tình nguyện nấu cơm và ngày hai buổi đem vào phục vụ cho người nuôi bệnh. Gia đình em tình nguyện nấu cơm mỗi ngày thư tư và đích thân em đem cơm vào nhà thương cho các anh chị.
Chị sợ em làm lâu ngày rồi nản lòng bỏ cuộc, nên đã nhắc nhở em trước khi chị tự thiêu một ngày, mà em đâu có biết: “Hiệp ơi, ráng đi thăm anh Vinh và lo cơm nước đàng hoàng nghe em. Đừng bỏ rơi các anh chị lúc này tội nghiệp lắm!” Chị nhìn em với đôi mắt thành khẩn, thương yêu nhắn nhủ trước khi ra đi. Em vẫn vô tình nên chỉ trả lời nhẹ: “Dạ!”
Chị đã chuẩn bị cho việc ra đi nên mấy tháng trước, chị đã nhắn nhủ, khuyên bảo mà em không biết. Có lần hai chị em ngồi chơi ở phía sau chùa lá, nhìn ra cách đồng lúa bát ngát mênh mông, chị đã nói với em:
“Dù sau này không còn Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội nữa, em nhớ luôn giữ tấm lòng phụng sự trong tim nghe Hiệp.”
Em lật đật cãi lại chị: “Trường mình sẽ tồn tại mãi chị Mai ơi! Các anh chị tác viên của Trường hiền lành, dễ thương, chỉ đi giúp đồng bào xây nhà, làm trường, giúp nông dân trồng tỉa, chăn nuôi gia súc, giúp đủ thứ hết. Mình đâu có làm chính trị hoặc làm điều gì xấu ác mà chính quyền không cho Trường mình hoạt động hả chị?”
Chị buồn buồn, hướng mắt nhìn ra xa trả lời: “Đời vô thường lắm em ơi! Không có gì chắc chắn cả. Hiệp phải hứa với chị, lúc nào trái tim thương yêu và phụng sự cũng phải luôn cháy trong em bền bỉ đó nha. Quê mình còn chiến tranh, dân còn khổ nạn nhiều. Chị em mình phải làm gì để xoa dịu những đau thương, tang tóc do chinh chiến gây ra. Như vậy cuộc sống mình mới có ý nghĩa!”
Rồi chị quay đi làm mặt giận :”Hổng thôi, chị giận, nghỉ chơi luôn cho coi!”
Em ôm chị nũng nịu và hứa chắc với chị: “Em sẽ mang lý tưởng thương yêu, phụng sự đi suốt cuộc đời, chị Mai chịu chưa?”
Chị cười rạng rỡ trên đôi mắt hiền từ. Em đâu ngờ đó là những điều chị trối trăn cùng em trước lúc ra đi!
Em cũng không thể ngờ một người nhỏ nhắn, nhu mì, dịu dàng, hiền hòa như chị lại có thể can đảm hiên ngang làm công việc của một đại trượng phu như thế: chị đã đem thân mình làm đuốc hồng để cảnh tỉnh lương tri loài người!
Hôm tiễn đưa chị về An Dưỡng Địa làm lễ hỏa thiêu, đồng bào mình đi dài hàng mấy cây số. Đọc mười bức thư của chị để lại, gửi cho cha mẹ, chính quyền hai miền Nam Bắc và cho quý Tôn đức trong Giáo Hội Phật giáo, mọi người đã thấy hạnh nguyện của một vị Bồ Tát.
Em vẫn khóc sướt mướt đi theo dòng người để tiễn đưa chị. Em không ngờ chị Mai của em cũng văn thơ bay bướm lắm. Đọc thư chị, em thật kính ngưỡng và trân trọng đại nguyện của chị:
Chắp tay tôi quỳ xuống
Chắp tay tôi quỳ xuống
Chịu đau đớn thân này
Mong thoát lời thống thiết !
Dừng tay lại người ơi !
Dừng tay lại người ơi !
Hơn hai mươi năm rồi
Nhiều máu xương đã đổ
Đừng diệt chủng dân tôi !
Đừng diệt chủng dân tôi !
Chắp tay tôi quỳ xuống …
Bây giờ em không còn khóc nữa. Em sẽ hát chị nghe bài hát Một Cành Mai tức Đạo Ca 5 của Nhạc sĩ Phạm Duy :
“… Nước mắt bỗng ngừng trôi, khi người đã nguyện dâng
Thân mình làm đuốc hồng, cho đồng lúa trổ bông ….
Cành mai đã rụng rơi, rơi rụng xuống cuộc đời
Một cành mai rụng rời, làn hương vẫn chẳng phai
Người không riêng của ai, nhân loại vẫn của người
Đặt mình trong dòng đời, tử sinh cũng là vui…”
Và đây chính là ca khúc nhạc sĩ Phạm Duy viết về chị Nhất Chi Mai đó, chị thương kính của em.
Gần 50 năm trôi qua, đất nước mình cũng đã “thưở trời đất nổi cơn gió bụi ” bao phen. Đã hết chiến tranh nhưng vẫn còn rất nhiều niềm đau nỗi khổ, vì vậy hạnh nguyện của Thầy và của anh chị em mình vẫn phải tiếp tục.
Thầy mình bây giờ đã gần 90 tuổi nhưng vẫn bôn ba đó đây để dạy cho mọi người biết cách sống hạnh phúc, bớt thù hận, khổ đau. Thầy và chị Chín (nay là sư cô Chân Không) và một số thân hữu đã lập ra làng Mai ở miền Nam nước Pháp. Làng càng ngày càng lớn rộng, nay đã có tất cả 4 Xóm lớn là: Xóm Thượng, Xóm Hạ , Xóm Mới và Chùa Sơn Hạ, lại thêm những Xóm nhỏ như Xóm Trung, Xóm Đoài, Xóm Lưng Đồi…
Pháp môn tu tập của Thầy đã đem đến hạnh phúc cho không biết bao nhiêu người trên thế giới. Bây giờ đã có hàng ngàn các thầy và sư cô trẻ ở khắp nơi tu học và thực tập theo pháp môn Chánh Niệm của Thầy.
Dòng tu Tiếp Hiện, khởi đầu với 6 người mà chị Mai là chị Cả, nay đã lên đến hàng chục ngàn anh chị hay nhiều hơn nữa, đang tiếp nối cánh tay Thầy đem pháp môn Chánh niệm đến khắp các quốc gia.
Sáu thành viên đầu tiên của dòng tu Tiếp Hiện (Nhất Chi Mai đứng thứ ba từ bên trái)
Mỗi lần nhớ chị, em ngậm ngùi rưng rưng nước mắt. Song Thầy đã dạy chị Mai không bao giờ mất. Chị vẫn ẩn tàng đâu đó và biểu hiện trong mỗi thành viên Tiếp Hiện chúng em. Nụ cười, hình ảnh và đại nguyện của chị vẫn luôn ấp ủ trong lòng chúng em, lời hứa năm xưa em vẫn thủy chung giữ tròn cùng chị.
Em vừa gầy dựng một blog để trình bày những sinh hoạt tu học mà chúng em đã thực hành trong cuộc sống. Qua những bài viết của các cô, chú bác, hy vọng rằng sau này giới trẻ sẽ hiểu được những nguyện ước, những hoài bão cùng những hy sinh âm thầm mang nhiều đại nguyện của những người đi trước.
Em sẽ trân trọng dành ưu ái cho chị khai trương trang blog này, vì chị là người đã trao cho em ngọn lửa cháy bỏng yêu thương, phụng sự của Thầy. Và trang blog này sẽ được vinh dự mang tên Nhất Chi Mai, người chị thương kính muôn đời của chúng em.
Chị kính yêu ơi! Chị hãy vào đọc cùng chúng em nha!
Đứa em hay nũng nịu và “mít ướt” của chị
Chân Bảo Nguyện.
Để tìm hiểu thêm về Nhất Chi Mai, xin đọc hồi ký của sư cô Chân Không: Dòng tiếp hiện và những hoạt động dấn thân