Trước năm 2016

Một ngày đầu xuân

 

Tin cực kỳ thú vị

Được Sư Cô Chân Không cho hay, Sư Ông rất muốn gặp giới trẻ Việt Nam ở Làng, chúng tôi vội báo tin cho các cháu nhân ngày Chánh niệm 04.12.2011.

Thế rồi sau đó vài ngày, với cái tít thật hấp dẫn: “Về Làng ăn Tết, tin cực kỳ thú vị và quan trọng!” đã đánh động đến tâm hồn các bạn trẻ. Muốn đi xe lửa với giá được giảm tối đa, các bạn trẻ phải đăng ký trước ngày thứ năm 08.12.2011. Ngay tối hôm ấy đã có 20 bạn  ghi tên tham dự. Hai cô cháu  đã liên lạc nhau để quyết định mua vé ngay, nếu không sẽ mất cơ hội.

Và cứ thế, danh sách tăng đến phút chót là 31 người: 25 người trẻ và 6 người lớn tuổi (tuy đã khá trọng tuổi, song mỗi lần được về Làng ăn Tết là lòng tôi lại nôn nao như khi còn trẻ ).

Sáng thứ bảy 21.01.2012, mới 4h15 tôi đã thức giấc vì không ngủ được. Kiểm soát thật kỹ hành lý xem đã đem đầy đủ những vật dụng cần thiết, chúng tôi rời khỏi nhà lúc 5h15. Được ông xã hộ tống đến tận Monparnasse, tôi rất hạnh phúc và cám ơn Anh thật nhiều vì đã luôn thương yêu, ủng hộ tôi trong những công tác Phật sự.

Đến Monparnasse thì đã gặp một số các cháu trẻ Việt Nam. Bên ngoài tuy trời lạnh song trong lòng tôi thật ấm áp. Tôi có cảm tưởng tôi là bà mẹ đang dẫn đàn con của mình về quê ăn tết và thăm ông bà. Một cảm giác hạnh phúc nhè nhẹ, lâng lâng trong lòng… Thương quá đi thôi. Các thanh niên và thiếu nữ yêu quí của đất nước tôi! Ở trời Tây mà tôi lại được đứng giữa những gương mặt trẻ Việt Nam thông minh, dễ thương, những tài năng của quê hương, dân tộc, bảo sao tôi không sung sướng đến rưng rưng nước mắt cho được?

Đúng 6h, lần lượt mọi người đều lên xe lửa TGV. Được ngồi riêng một mình ở một toa tương đối vắng, tôi đã tận hưởng cái hạnh phúc vô tận của riêng mình. Mưa xuân rơi lất phất, cảnh vật hai bên đường  dường như cũng rộn ràng mừng đón xuân.

Đến Bordeaux, mọi người cùng xuống, tập trung thành một nhóm, sau đó cùng lên ngồi chung một toa để đến Sainte Foy La Grande, tại đây sẽ có xe của Làng ra đón.

Khi xe ngừng ở Libourne, lại có thêm một nhóm các cháu cũng như các anh chị lớn tuổi người Việt, đi sau chúng tôi 1 giờ, song cùng gặp nhau ở đây. Tất cả đều lên cùng một toa, ríu rít vui mừng như đàn chim, nhìn đâu cũng thấy người Việt, trò chuyện với nhau bằng tiếng Việt, vui ơi là vui! Từ ngày qua Pháp đến giờ đã khá lâu, chưa bao giờ tôi lại được diễm phúc ngồi trên xe lửa có chung quanh là người Việt đông như vậy! Phải nói là chuyện hi hữu có một không hai trong đời !

Chỉ thoáng một lúc đã đến nơi. Trời mưa lâm râm. Vừa xuống xe đi vào ga, mọi người mừng rỡ khi thấy có xe của Làng đang chờ sẵn. Thầy Pháp Độ đưa phái nam về xóm Thượng, Eveline và Francine đưa phái nữ về xóm Mới.

 

Đến Làng

Xe vừa ngừng ở đầu ngõ Xóm Mới đã thấy thấp thoáng các sư cô nhỏ đang trang hoàng cổng chào, đón mừng xuân mới. Bỗng chốc hiện ra con đường thiền hành thân thương, những bãi cỏ xanh mướt trải dài ngút ngàn, những bóng dáng áo nâu nhẹ nhàng trên đường Làng. Và còn nhiều, thật nhiều những hình ảnh thân thương khác sẽ nuôi dưỡng  tâm hồn chúng tôi trong những ngày ngắn ngủi ở đây

Vì về Làng đúng bữa ăn trưa nên chúng tôi vào phòng ăn và sắp hàng khất thực. Các cháu trẻ tuy đa số mới tiếp xúc với pháp môn của Làng nhưng đã thích ứng ngay. Không nói chuyện, không ồn ào trong suốt buổi ăn, nhẹ nhàng, thanh thản từng bước chân, ăn trong im lặng để thưởng thức vị ngon ngọt của thức ăn, để nghĩ đến công phu lao tác của muôn loài và để thấy hạnh phúc có Tăng thân đang bao quanh.

Sau đó mọi người tự đi rửa chén đũa của mình và úp vào khay đã để sẵn. Một bàn tay nhẹ đặt lên vai tôi và thì thầm: “Cám ơn chị đã dẫn các cháu trẻ về ăn Tết. Thật vui và cảm động quá! Em ngồi ăn mà nước mắt cứ tuôn chảy, không ngừng được. Xúc động bởi lần đầu tiên có các cháu trẻ về Làng ăn Tết đông như vậy. Các cháu là tương lai của quê hương mình. Các cháu biết tu tập theo pháp môn của Sư Ông thì đất nước mình đỡ khổ. Em vui mừng đến phát khóc chị ơi! ” Sư Cô Trăng Đầu Hạ (mẹ của sư cô Bích Nghiêm), tôi đã quen trước khi đi tu, vừa tâm sự với tôi vừa rưng rưng nước mắt, tôi cũng khóc vì quá hạnh phúc!

Sau khi ăn trưa, chúng tôi ra xe lấy hành lý đem về phòng. Tất cả mọi người đều được ở chung tại Thiền Đường Mây Thong Dong. Sư cô Chân Không và Hội Đồng Tỳ Kheo Ni Xóm Mới đã rất “cưng” các cháu trẻ, sắp đặt cho tất cả đều ở chung trong một phòng thật ấm áp và rộng rãi. Mọi người nằm nghỉ ngơi giây lát hoặc thay nhau làm vệ sinh cá nhân, sau đó tập trung vào thiền đường nhỏ để được sư cô Chân Không hướng dẫn Thiền Buông Thư và Thiền Lạy.

 

Giờ Buông Thư thật dễ chịu

Vì buổi sáng phải thức dậy sớm để không bị trễ xe lửa nên giờ buông thư thật dễ chịu và hữu hiệu. Bằng một giọng nhẹ nhàng , êm ái, Sư cô Chân Không hướng dẫn thật tuyệt vời. Với việc theo dõi hơi thở vào ra, sư cô đã đưa mọi người đi chăm sóc từng bộ phận của cơ thể mình :

-Thở và , tôi gửi năng lượng lành, đẹp cho đôi mắt của tôi – Thở ra tôi mỉm cười với đôi mắt của tôi

-Thở vào, tôi gửi năng lượng lành, đẹp cho trái tim của tôi – Thở ra tôi mỉm cười với trái tim của tôi

Sau đó là giọng ca ngọt ngào của Sư cô như ru ta vào giấc ngủ, đã có nhiều tiếng ngáy vang lên đây đó…

 

Ngạc nhiên và thích thú với Bốn Cái Lạy

Tiếp theo là hướng dẫn thiền lạy. Lần đầu được tiếp xúc với pháp môn thiền lạy, các cháu trẻ rất ngạc nhiên, thích thú vì không ngờ chỉ Bốn Cái Lạy mà ý nghĩa thật súc tích, thâm sâu như thế:

1-      Lạy thứ nhất hướng về tổ tiên huyết thống,  ta hồi tưởng lại tất cả những cái hay, cái đẹp, những kinh nghiệm và đạo đức của tổ tiên để ta luôn được nuôi dưỡng, trị liệu đồng thời buông xuống đất tất cả những tiêu cực của ông bà, dòng họ.

2-      Lạy thứ hai hướng về tổ tiên tâm linh gồm Bụt và Tổ Sư qua nhiều thế hệ để được tiếp nhận kinh nghiệm, tuệ giác, tình thương, sự che chở và năng lượng từ bi, an lạc, vững chải của các Ngài.

3-      Lạy thứ ba hướng về tổ tiên đất đai, liệt vị tiền nhân đã khai sáng sông núi, khí thiêng, nơi chúng ta đã được sinh ra, hoặc nơi đất nước chúng ta đang cư ngụ để luôn nhớ ơn những công trình, những hy sinh của chư liệt vị đã cho chúng ta có cuộc sống như ngày nay.

4-      Lạy thứ tư giúp chúng ta quán chiếu hằng ngày về tự tánh không sinh, không diệt của mọi sự vật để phá tan sự sợ hãi về cái chết, cái vô thường luôn ám ảnh ta.

Sau buổi cơm tối, tất cả cùng tập họp vào phòng ăn để cùng ngồi gói bánh nậm. Không khí làm việc thật ấm cúng, êm ả khiến ta có cảm tưởng như đang được ở quê nhà, mọi người đang quây quần bên nhau gói bánh, chuẩn bị cho buổi lễ cúng ngày mai tại các chùa làng, chỉ khác chăng là có thêm các thiền sinh ngoại quốc ngồi xen lẫn giữa những người Việt. Họ cũng thật hạnh phúc khi được tham gia vào việc gói bánh chuẩn bị cho ngày Tết.

Đến giờ “Im Lặng Hùng Tráng”, mọi người về phòng nghỉ ngơi để chuẩn bị cho ngày mai: Lễ Đón Giao Thừa và đêm trình diễn văn nghệ của ba xóm .

Sáng Chủ Nhật tức là ngày 30 Tết, sau khi ăn sáng, tất cả thiền sinh đều được phân chia công tác trên bảng  làm việc. Được phân công vào tổ dọn dẹp, sắp xếp thiền đường chuẩn bị cho buổi lễ đón giao thừa tối nay, chúng tôi bắt tay ngay vào việc. Lan Anh, Quỳnh Lan thật tích cực, nụ cười luôn nở trên môi. Sau khi thiền đường đã được sắp xếp đẹp đẽ, gọn gàng, ngăn nắp với những bồ đoàn và tọa cụ, các cháu trẻ tập họp lại quanh đàn piano để tập hát bài “Nhớ về Hà Nội”. Quỳnh Lan dạo đàn,các bạn hát. Chỉ trong chốc lát thôi mà ban hợp ca đã được hình thành tương đối tốt, khá chất lượng!

Ăn trưa xong, mọi người về phòng chuẩn bị cho giờ phút thiêng liêng vào chiều nay: đón giao thừa mừng xuân mới. Được sống chung với các cháu, tôi bỗng thấy mình như trẻ ra, tâm hồn cũng nao nao, rộn ràng khôn tả.

Đằng này đang ủi áo dài, đàng kia các cháu đang thay xiêm, đổi áo xem áo nào mặc đẹp nhất. Ở một góc khác các cháu đang chuẩn bị cho một ngày Tết… Và sau đó, những thiếu nữ Việt Nam đẹp tuyệt vời với những tà áo dài thướt tha đủ màu thật duyên dáng, thật đáng yêu đang nhẹ nhàng bước vào thiền đường. Hạnh phúc đang vỡ òa trong tôi, chưa bao giờ tôi được ngắm nhìn một tác phẩm đẹp thanh thoát như thế!

 

Sư Ông đến

Thiền đường đã đầy kín người. Sư Ông đến khoan thai, nhẹ nhàng từng bước an lạc. Người ngồi xuống, đôi mắt dịu hiền nhìn khắp qua một lượt. Các thiếu nữ Việt Nam được sư cô Chân Không mời lên ngồi xung quanh Sư Ông. Chúng tôi ngồi chiêm ngưỡng hình ảnh thân thương này. Ông cháu quây quần bên nhau thật ấm cúng. Để đón giao thừa, ông bình thơ cho các cháu nghe, lãng mạn và thi vị quá, cứ y như trong truyện cổ tích vậy.

Sư Ông đã truyền trao cho các cháu những hoài bảo, những giá trị cao đẹp của tổ tiên ta ngày xưa, Sư Ông kể về vua Trần Nhân Tông, một vị vua tài đức vẹn toàn, đã hai lần cùng toàn dân chiến thắng quân xâm lăng phương Bắc. Tuy làm vua nhưng Ngài sẵn sàng từ bỏ ngôi báu, truyền ngôi cho con để lên núi ẩn tu. Nhà vua đã gả cô con gái yêu quí của mình cho vua Chế Mân để xây dựng tình hòa khí giữa hai dân tộc Việt, Chiêm.

Đặc biệt hơn nữa, các bạn trai đã cùng hát bè với Thầy Pháp Niệm thật hay trong một ca khúc mới được phổ nhạc nói về Bồ tát Thanh Lương Đại Địa .

Sau phần bình thơ là đến phần Văn Nghệ thật đặc sắc của cả ba xóm. Chương trình thật đa dạng, phong phú cả về hình thức lẫn nội dung. Vở Am Mây Ngủ với tài đạo diễn của sư cô Hoa Nghiêm đã thật sự đi vào lòng mọi người. Thầy Pháp Niệm hóa thân thật xuất thần trong vai Trúc lâm Đại sĩ, nhân từ, phúc hậu, từ bỏ ngai vàng lên núi ẩn tu song vẫn luôn để lòng với quê hương, đất nước. Vở kịch đã gây xúc động mạnh trong lòng Đại Chúng.

Sư Ông  ngồi xem đến hơn nửa chương trình mới ra về. Tăng thân trẻ Paris trong bài hát “Nhớ về Hà Nội” làm cho thính chúng (nhất là các Thầy và Sư cô miền Bắc) chạnh lòng nhớ về những kỷ niệm của thủ đô yêu dấu.

Màn đêm đã buông xuống. Tất cả các xóm từ từ ra về để chuẩn bị cho ngày mai, mồng một Tết, ngày chúc thọ Sư Ông và đón mừng năm mới.

 

Chuông trống Bát Nhã

Sáng mồng một, tất cả đều tập trung về thiền đường Xóm Thượng. Những cành đào, cành mai, những câu đối được trang hoàng rực rỡ cho ta thấy không khí Tết đang tưng bừng khắp nơi. Không gian ở đây mênh mông, bao la quá khiến lòng người cũng thênh thang, rộng mở.

Cũng với bước chân nhẹ nhàng, thanh thoát, Sư Ông đến trong sự kính trọng, thương yêu của Đại Chúng. Cả Thiền đường đều đứng lên chắp tay chào đón Người. Thầy đưa mắt nhìn khắp qua một vòng  rồi từ từ ngồi xuống.

Ba hồi chuông trống Bát Nhã vang lên. Thiêng liêng quá! Mầu nhiệm quá! Tâm hồn mọi người như bị rúng động như chưa từng chứng kiến những giây phút tuyệt vời này bao giờ, nhiều người đã rưng rưng nước mắt…

 

 

Rồi hai con lân to bỗng xuất hiện, uốn mình nhảy múa theo nhịp trống dồn dập từ cuối thiền đường đi lên, có ông Địa bụng to đang chạy nhảy theo. Sau khi làm lễ lạy Bụt và quì xuống mừng tuổi Sư Ông, đoàn lân và ông Địa quay đầu lại, nhảy múa ra về trong niềm hân hoan, sung sướng của toàn thể mọi người.

 

Lễ chúc thọ Sư Ông bắt đầu

Thầy Pháp Hữu đại diện chư tăng xóm Thượng, Sư Cô Diệu Nghiêm đại diện chư ni xóm Hạ, Sư Cô Định Nghiêm đại diện chư ni xóm Mới, đặc biệt năm nay có Thu Trang đại diện cho Tăng thân trẻ Hơi Thở Nhẹ, mỗi người đều kính cẩn mang quà tặng và mừng tuổi  Sư Ông .

Đại chúng đã thật xúc động khi nghe các thầy và sư cô nói lên cảm nghĩ của mình dâng lên bậc Thầy khả kính. Tất cả đều bộc bạch lòng biết ơn sâu dầy của những người con đối với cha thương yêu của mình, suốt đời bôn ba đó đây dạy mọi người biết sống chánh niệm trong từng giây phút để có khả năng nhận diện những điều kiện của hạnh phúc đang có mặt.

Sau đó, tất cả chúng cư sĩ đều phải ra ngoài, chỉ có các thầy và sư cô thuộc chúng xuất sĩ mới được ở lại để Thực tập lễ lạy nhau đầu năm. Đầu tiên quý thầy đảnh lễ quý sư cô (đại diện cho đức Bồ tát Quan Thế Âm) và sau đó quý sư cô đảnh lễ quý thầy (đại diện cho đức Bồ tác Phổ Hiền).

 

Nghệ thuật Bói Kiều


 

Hết phần nghi lễ của năm mới là đến các lễ hội: bói Kiều và đi thăm phòng các thầy và sư cô. Nét độc đáo thi vị, đặc biệt truyền thống, độc nhất vô nhị chỉ có ở làng Mai là nghệ thuật Bói Kiều trong ba ngày Tết. Chỉ những ai đã tham dự vào cuộc chơi này mới thấy rõ cái hay, đẹp, tao nhã, bác học mà linh ứng của nó. Mỗi một quẻ Kiều được giải lên là một bài thuyết pháp kỳ diệu giúp người được quẻ lẫn ngưới nghe nhận chân được hạnh phúc đang có mặt thật sự. Nó un đúc cho thính chúng, biết bao tuệ giác và tình thương.

Sư cô Hội Nghiêm được mời lên đầu tiên mở hàng, kế đến hai bạn trẻ trong đoàn cũng được Sư Ông thương yêu  gọi lên để trình bày ước mơ, nguyện vọng của mình. Đây là hai bạn mà lòng nhiệt huyết và lý tưởng đang căng đầy, đang ước muốn tiến xa hơn trên đường dấn thân, phụng sự.

Đầu năm mới, các cháu trẻ Viết Nam được tưới tẩm vào lòng những ước mơ, những hoài bảo lành, đẹp. Đó chẳng phải là điều may mắn cho tổ tiên, dân tộc hay sao?

 

Hành trang rong chơi

Buổi chiều, sau khi ăn cơm trưa xong là đến việc đi thăm phòng các Thầy ở xóm Thượng. Cả Tăng thân trẻ Paris đều dồn vào phòng thầy Pháp Độ. Thôi thì bánh, mứt, hạt dưa, lại thêm quà xứ Bắc là quả mơ khô ướp cam thảo. Thầy ngồi pha trà đãi khách mãi vẫn chưa đủ vì người vào đông quá! Đúng là vui như ngày Tết!

Và cứ thế hết phòng nầy qua phòng khác, chúng tôi được ăn, được nói, được cười đùa… trong những ngày đầu xuân.

 

Ngày vui rồi cũng qua mau song những kỷ niệm đẹp vẫn còn đọng lại trong tâm hồn mỗi người. Cho dù sau này chúng ta bôn ba nơi góc bể chân trời nào, mỗi khi xuân về, lòng ta lại bồi hồi, nhớ đến một làng quê ở miền Nam nước Pháp. Nơi ấy có thấp thoáng những bóng áo nâu mộc mạc, giản dị của các thầy và sư cô trẻ tài ba, tháo vát với lòng nhiệt tình dấn thân cao độ, chất ngất  lý tưởng và hoài bảo cần thực hiện cho đời.

Chúng ta sẽ nhớ đến Sư Cô Chân Không với một tấm lòng phụng sự cho quê hương, đạo pháp không ngừng nghỉ. Cuộc đời của Sư Cô là của người nghèo, bất hạnh, đói cơm, rách áo. Qua hai quyển sách của Sư Cô viết “52 năm theo Thầy học đạo và phụng sự”, chúng ta mới thấy sơ một phần những hy sinh và đóng góp bền bì, âm thầm của Sư Cô cho đất nước, cho đồng bào ruột thịt kém may mắn!

Chúng ta sẽ không bao giờ quên được hình dáng gầy gầy, nhẹ nhàng, thong dong của Sư Ông, một bậc Thầy khả kính. Cuộc đời Người là một bài ca hùng tráng của sự dấn thân không mỏi mệt. Trong khó khăn gian nan, chất chồng khổ nạn, Người vẫn âm thầm một mình ngẩng cao đầu chịu đựng và tìm ra lối thoát để vươn lên, vượt qua ách nạn. Người đã dạy chúng ta phải biết sống Chánh Niệm để nhận diện được hạnh phúc đang có mặt trong ta và chung quanh ta.

Người đã chỉ cho ta biết theo con đường của Bụt dạy, phải biết xử lý khổ đau và đừng để chúng tác hại lâu dài trên tâm hồn ta. Khổ đau là chất liệu cần phải có để chuyển hóa thành Niết bàn, giải thoát cũng giống như bùn và sen nương nhau mà có. Ngày xưa sau khi Bụt đã thành đạo rồi, mỗi ngày Ngài vẫn ngồi thiền, vẫn đi thiền hành, vẫn sống chánh niệm trong từng giây phút. Chúng ta là học trò của Ngài, thì không có con đường nào khác là phải luôn tỉnh thức, phải biết thiết lập tịnh độ ngay trên mỗi bước chân đi của mình bây giờ và ở đây.

Chúng ta phải biết chế tác ra những niềm vui nhỏ rồi tích lũy lại thành một niềm vui lớn để nuôi dưỡng và trị liệu tâm hồn. Những pháp môn Bụt và Thầy đã chỉ dạy ta phải siêng năng rèn dũa để tự nuôi mình và nuôi lớn tổ tiên, quê hương mình. Ngoài ra không có con đường nào khác để vượt thoát khổ nạn, đi tìm một cõi cực lạc, nơi chỉ có những điều vui mà không có khổ đau, phiền trược, đó chỉ là ảo tưởng, không bao giờ có.

Đấy chính là những tinh ba Sư Ông đã chắt lọc qua những thăng trầm, ách nạn trong cuộc đời của Người. Chúng ta may mắn được làm học trò Người, đệ tử Bụt, ta không còn phải thao thức để đi tìm phương thuốc diệt khổ, vì “đã có đường đi rồi, con không còn lo sợ”.

Một chuyến về Làng Mai ngắn ngủi ăn Tết đã cho chúng ta bao nhiêu châu báu để làm hành trang rong chơi trong suốt cuộc đời. Đó chẳng phải là cái diễm phúc lớn nhất trong đời ta đó sao?

Một ngày đầu xuân,14.02.2012

Chân Bảo Nguyện