Mở lòng hiểu thấu nguồn cơn

Chuyện kể về Thầy tôi… và Làng Cây Phong

(Chân Cơ)

Anh Chân Cơ là một trong những vị đầu tiên được Sư Ông Làng Mai truyền giới Tiếp hiện ở Tây phương vào năm 1986. Anh được truyền đăng vào năm 1990 và hiện đang là một trong những thành viên nòng cốt của tăng thân Làng Cây Phong ở Montréal, Canada.

Em à,

Làng Cây Phong (LCP), Canada, bắt đầu thành hình từ năm 1985, khi Thầy tôi quyết định khởi sự đi hoằng pháp tại Canada. Như vậy LCP đã có mặt hơn 30 năm rồi, và gần như năm nào LCP cũng có khóa tu thiền tập theo truyền thống Làng Mai. Trong 5 năm đầu, Làng chỉ tổ chức mỗi năm một khóa, nhưng các khóa tu trong những năm đó lại đáng ghi nhớ hơn hết vì có Thầy Làng Mai mỗi năm mỗi qua để hướng dẫn. Vào những năm sau, LCP thường tổ chức mỗi năm ít nhất hai, ba khóa tu. Những năm gần đây, chúng tôi có tới ba, bốn hoặc năm khóa tu trong một năm. Nói chuyện với các anh chị kỳ cựu của LCP, tôi thường hay hỏi Thầy đã ảnh hưởng đến cuộc đời của các anh chị ấy như thế nào. Gần như ai cũng có câu trả lời giống nhau: thật là may mắn và phước đức được gặp Thầy và được Thầy hướng dẫn, gặp pháp môn tu tập giản dị, thực tiễn và quý giá. Chỉ có bài học Hiểu và Thương từ khóa tu đầu tiên mà ai trong chúng tôi cũng cảm thấy mình có duyên lành, khởi sự nhìn cuộc sống bằng con mắt khác, tránh được bao nhiêu hiểu lầm và vượt qua bao buồn phiền trong cuộc sống, nhất là có khả năng tạo và giữ hòa khí với mọi người.

Bài học này, trong anh chị em chúng tôi, có lẽ bác Chân Hội Nguyễn Tấn Hồng – bác Cả của Làng Cây Phong, là người thấm nhuần hơn ai hết. Khi tôi viết những dòng chữ này, bác Chân Hội đã lên đường rong chơi trời phương ngoại được hơn một tuần rồi. Tôi xin kể về sự gặp gỡ của bác và Thầy tôi cho em nghe nhé.

Năm 1985, khi Thầy qua hướng dẫn khóa tu đầu tiên tại Canada, tuổi của bác đã là 63. Bác di cư qua Canada khi đã ngoài 50 tuổi, sau khi đã tạo bao công trình cùng sự nghiệp đáng kể tại quê nhà trước năm 1975. Qua Canada, với hai bàn tay trắng, ở tuổi không còn trẻ, bác đã phải học để lấy lại bằng y sĩ để hành nghề. Sau khi thi được bằng, bác tìm cách giúp những bác sĩ đến sau cùng hoàn cảnh có thể thi lấy bằng lại. Ngoài ra, bác còn tham gia nhiều sinh hoạt cộng đồng khác có tính cách giúp ích xã hội. Trong cộng đồng người Việt tại Montreal, Canada, nhắc đến bác ai cũng tỏ lòng kính trọng và ngưỡng mộ. Khi được gặp Thầy, bác lại càng nhận thấy rõ hướng đi trong cuộc đời, cho nên trong suốt hơn ba mươi năm qua, bác đã lèo lái và hướng dẫn anh chị em chúng tôi trong LCP cho đến ngày hôm nay. Một hai hôm trước ngày từ giã, bác còn dặn dò tôi về đường hướng tốt đẹp của Làng và lòng tin cậy của Thầy chúng tôi.

Chân lý trao truyền qua ngõ tâm

Một ngày sau khi bác Chân Hội ra đi, Sư cô Chân Không đã gởi e-mail, nhắc về bài kệ truyền đăng Thầy trao cho bác năm 1990:

Chân lý trao truyền qua ngõ tâm

Hội giải siêu nhiên vượt dị đồng

Hạt giống bồ đề gieo rải khắp

Ngại gì hai nẻo sắc và không.

Khi chúng ta gặp và được trao truyền giáo pháp, ta bắt đầu hiểu về sự sống, về cuộc đời hơn. Cái thấy của ta cũng rõ ràng, rộng rãi và siêu thoát hơn, không còn bị vướng mắc bởi những khó khăn với người và những khác biệt vì hoàn cảnh. Từ đó lòng ta mở ra và trải rộng, và ta mong muốn mang hạt giống bồ đề gieo rắc khắp mọi nơi, không màng khó nhọc. Khi được gặp Thầy, bác đã không còn trẻ, vậy mà đã được Thầy đặt niềm tin tưởng, mong muốn bác giúp trong việc hướng dẫn người đi sau.

Và đây là bài kệ kiến giải mà bác đã trình lên Thầy trong buổi lễ truyền đăng năm ấy:

Hạnh phúc rất đơn sơ,

Nhận cuộc đời chìm, nổi

Kiếm chi nơi xa xôi,

Sống an nhiên, tự tại.

Một bài kệ đơn sơ, giản dị nhưng chuyên chở một cái thấy sâu sắc về cuộc đời và về sự thực tập theo pháp môn Hiện pháp lạc trú, Bây giờ và ở đây. Bác đã có dịp chia sẻ về bài kệ kiến giải này trong pháp thoại của nhiều khóa tu tại LCP. Bác cũng có nhắc đến một kỷ niệm khi đi dạo cuối tuần cùng gia đình, trên đồi Mont-Royal. Lúc ấy gia đình bác mới định cư ở Canada, tiền bạc tài chánh còn rất eo hẹp. Ngày hôm ấy, bác ngắm nhìn cậu con trai út nhặt được một cái đuôi diều của ai bị đứt, rồi bé cầm đuôi diều chạy chơi sung sướng tung tăng; bác đã ngộ ra rằng hạnh phúc thật đơn sơ, không cần có nhiều điều kiện. Bác đã từng có nhà cao, cửa rộng tại quê nhà, nhưng cuộc sống của bác tại Canada lại hết sức giản dị, dù sau này đã được hành nghề y sĩ: bác vẫn ở nhà thuê trong suốt cuộc đời còn lại, chỉ có một chiếc xe bình dân để đi thăm viếng bệnh nhân, thường xuyên đóng góp giúp ích vào các quỹ từ thiện và dành thời gian chia sẻ hạt giống bồ đề được Thầy trao truyền.

Những hạnh phúc đơn sơ, khi được bác chia sẻ trong những lần pháp thoại đã khiến cho tôi nhiều phen bừng tỉnh. Chẳng hạn như những lần đi ngang nhà của người địa phương, bác đứng lại, xin phép ngắm nhìn hoa đẹp trong vườn của họ. Về sau, khi LCP đã có miếng đất, bác thường về Làng làm vườn, trồng hoa dọc hai ven đường vào thiền đường. Giờ đây, khi em viếng thăm LCP và thấy có hoa mọc như cỏ dại, rất có thể là em đang ngắm những bông hoa do bác Chân Hội trồng.

Tiếng chuông đại hồng

Miếng đất của LCP, sau gần hai năm tìm kiếm, chúng tôi đã chung nhau đóng góp và mua được từ năm 1987. Miếng đất lúc ấy còn hoang sơ, chỉ có hồ, đồi và rừng núi. Sang năm 1988, trong khóa tu với Thầy, chúng tôi đã mời Thầy đi thăm đất. Cũng bắt đầu từ năm 1987 đó, Thầy khởi sự đưa thiền ca vào công phu thực tập. Thầy dạy cho chúng tôi bài Tiếng chuông chùa cổ do Thầy sáng tác. Ngoài ra Thầy cũng khuyến khích tăng thân LCP phổ nhạc những ý thơ hoặc thi kệ đã học được. Từ lúc ấy chúng ta đã có được các bài thiền ca mà bây giờ rất phổ biến trong các trung tâm tu học Làng Mai, như:

In, out

Deep, slow

Calm, ease

Smile, release

Present moment,

Wonderful moment

                                (Phổ nhạc: Chân Hoa Lâm)

Je suis chez moi, je suis arrivé

Il n’y a qu’ici et maintenant

Bien solide, vraiment libre,

Je prend refuge en moi-même

……                                                                                       

(Phổ nhạc: Chân Hoa, Monique Mayers)

Trở lại bài Tiếng chuông chùa cổ, năm ấy chúng tôi đã cùng Thầy hát vang bản nhạc đó khi đứng trên một mỏm đá lớn trong rừng núi của Làng, sau khi đã băng rừng, vượt dốc quanh co. Hình ảnh tôi nhớ mãi là hình ảnh Thầy đứng cạnh bác Chân Hội; mỗi khi chúng tôi hát đến câu Boong, boong,… tôi là chuông đại hồng thì Thầy lại nắm tay, vỗ vào vai của bác theo nhịp của tiếng boong, boong,… có ý như bác là cái chuông đại hồng, giúp Thầy đưa tiếng chuông tỉnh thức vào khắp nẻo tăm tối, kể cả trong chốn rừng sâu núi thẳm.

Tháng 12 năm 2017, anh chị em LCP chúng tôi lại có dịp đi thăm Thầy tại Làng Mai Thái Lan. Chúng tôi cũng đã cùng nhau hát bài Tiếng chuông chùa cổ. Lần này bác Chân Hội đã quá lớn tuổi nên không thể đi theo. Khi hát đến câu Boong, boong… Sư cô Chân Không lại nắm tay, vỗ vào vai tôi theo nhịp hát. Lúc ấy, tôi đã biết chắc trong lòng, noi gương bác thì được, chứ làm được như bác trong nhiều năm qua thì thật là quá khó.

Hoa quỳnh hé nở tối nay

Trong khóa tu đầu tiên tại Camps Les Sommets, Katevale, Canada, Sư cô Chân Không (lúc đó còn gọi là dì Chín, chưa xuất gia) đã xin Thầy giới thiệu và cho chúng tôi tham gia buổi tụng giới Tiếp hiện. Lần đầu được nghe tụng đọc giới Tiếp hiện, tôi nhớ rất rõ, như được nghe tiếng sấm của sự hiểu biết bên tai. Tối hôm đó, sau khi được tiếp xúc với giới, tôi đi dạo trong đêm, nhìn thấy sao Bắc Đẩu mà nghĩ rằng có lẽ mình đã có được một ngôi sao Bắc Đẩu của chính mình, ngôi sao này ở ngay trong lòng của giới bản. Chỉ một năm sau thôi, tháng 6 năm 1986, Thầy đã cho sáu anh chị em chúng tôi thọ giới Tiếp hiện.

Câu chuyện về cái đêm trước ngày chúng tôi thọ giới thật đáng ghi nhớ, tôi không thể không kể cho em nghe. Trong khóa tu đó, chị Chân Huyền – Đỗ Quyên có mang lên khóa tu một cây hoa quỳnh nụ đã lớn, sắp đến ngày khai hoa. Chúng tôi đã để chậu hoa quỳnh đó trong phòng Thầy. Trong đêm trước ngày truyền giới, Thầy kể lại, trong khi tìm pháp danh và pháp hiệu cho người đầu tiên là bác Chân Hội, thì đóa hoa quỳnh hé nở, hương thơm lan tỏa khắp phòng. Thầy đặt ngay cho bác pháp danh Tâm Khai, pháp hiệu Chân Hội. Đúng vậy, Thầy đã cho chúng tôi “nhảy lớp”, truyền Tam quy Ngũ giới và giới Tiếp hiện cùng một lúc. Đêm hôm đó, Thầy lại tạo cho chúng tôi một kỷ niệm khó quên khác: thay cho thời ngồi thiền, chúng tôi đã được cùng Thầy thiền trà, ngắm hoa quỳnh, cũng như tận hưởng được hương hoa thơm ngát. Chúng tôi đã sống những giây phút đáng sống thật trọn vẹn; người thì kể chuyện, người thì hát, người khác lại ngâm thơ. Anh Chân Lễ, năm đó đi tháp tùng Thầy đến khóa tu, cũng đã ngâm thơ với một phong cách đặc biệt khiến tôi khâm phục và nhớ mãi.

Ngay trong khóa tu năm ấy, anh bác sĩ Nguyễn Ngọc Lang đã làm một bài thơ tặng sáu anh chị em chúng tôi trong ngày thọ giới. Bài thơ có tên của từng người, kể luôn cả pháp danh và pháp hiệu: Cơ Hội Thanh Văn Huyền Giác

Thọ giới hôm nay được sáu người

Tâm Khai, Chân Hội, ngắm hoa cười

Lan thơm, Nguyệt chiếu vườn chân Lý

Đạo mở, Tâm Nguyên tánh Giác khơi

Toàn Bửu, Chân Văn tròn nghĩa ý

Đỗ Quyên, Tâm Ngộ, sắc càng tươi

Chân Cơ, Tâm Tạng, cơ huyền diệu

Tiếp hiện ngày thêm mãi trẻ vui.

(Nguyễn Ngọc Lang)

Mới hôm trước đây, gặp lại anh Lang trong buổi tiễn đưa bác Chân Hội ra đi, anh còn nhắc lại và đọc vanh vách bài thơ cho tôi nghe. Khi mình được sống bên một người có sự tỉnh thức thì thời gian ấy rất dễ dàng trở nên huyền thoại. Thời gian ấy sẽ là vốn liếng hạnh phúc theo ta lâu dài, khuyến khích ta tu tập tinh chuyên để tiếp tục nuôi dưỡng hạt giống an vui trong ta và trong mọi người. Có phải như thế không em?

Làng Cây Phong có tự lúc nào?

Buổi sáng, sau buổi lễ truyền giới Tiếp hiện năm 1986 đó, Thầy lại cho chúng tôi một kỷ niệm khác. Trước giờ giảng pháp, khi mọi người đã ngồi yên chờ đợi, Thầy lần lượt gọi vài người lên bên Thầy. Trước khi gọi tên, Thầy đã nhắc nhở mọi người phải thực tập làm người tham dự, chứ không chỉ làm người quan sát người được gọi lên. Thầy đặt câu hỏi cho người được gọi nhưng cũng là câu hỏi cho mọi người. Ai cũng phải xem mỗi câu hỏi đều là cho mình. Hôm đó chị Chân Huyền được gọi lên, nhưng “may” cho chị, trong khi làm bếp cho buổi ăn sáng, chị bị phỏng tay. Chị Chân Huyền được Thầy “tha cho”, không đặt câu hỏi khó. Sau đó bác Chân Hội được mời lên. Sau đây là câu hỏi của Thầy và câu đáp của bác:

Thầy:                                               

  • Làng Cây Phong có tự lúc nào?  

Bác Chân Hội thật tình trả lời ngay:  

  • LCP có từ năm ngoái, năm 1985, ngay sau khóa tu đầu tiên với Thầy.

Thầy lại hỏi lại:

  • Làng Cây Phong có tự lúc nào?

Bác Chân Hội:

  • Làng Cây Phong đã có mặt tự ngàn xưa, trước khi Chân Hội được gặp Thầy…

Thầy:

  • Có thế chứ!

Bài học của Lá-nuôi-Cây, Con-nuôi-Mẹ, bài học của Vô-thỉ-Vô-chung, Không-sinh-Không-diệt,… bác Chân Hội đã hiểu rõ từ những năm đầu tiên đó. Không phụ lòng Thầy, với hạt giống của sự hiểu biết và thương yêu, bác đã biết vượt qua nhiều nẻo sắc, không để mang hạnh phúc đơn sơ đến mọi nơi. Có thể vì vậy mà trong một dịp gặp Thầy, Thầy đã tặng cho Làng Cây Phong, trao qua tay bác một thư pháp đặc biệt: Đừng phụ núi rừng. Có thể đây là bức thư pháp duy nhất trong các bức thư pháp của Thầy có câu thiền ngữ này. Bác rất tâm đắc với câu công án ấy và vẫn thường nhắc nhở anh chị em trong Làng về ý nghĩa thâm sâu của nó. Theo lời khuyên của bác, bức thư pháp này đang được treo trong thiền đường Nến Ngọc của Làng.

Mở lòng hiểu thấu nguồn cơn

Những ngày sau cùng của bác, khi đến thăm, trong lòng tôi đã hiện ra hai câu thơ đề tặng bác:

Mở lòng hiểu thấu nguồn cơn

Giữa đêm hoa nở, hương thơm ngát trời.

Vậy mà tôi đã không có dịp để đọc cho bác nghe, có lẽ vì trong những ngày đó bác vẫn còn nói chuyện rất tỉnh táo, hỏi thăm sức khỏe của Thầy bên Thái Lan, nhắc nhở tôi làm sao để đạo Bụt cắm rễ được trên đất phương Tây, làm sao xây dựng Làng Cây Phong cho người có chỗ về nương tựa, làm sao chăm sóc tăng thân Québec,… làm sao thì làm nhưng đừng phụ núi rừng… Những ngày sau, tôi lại thấy thêm trong lòng hai câu thơ sau để ghi ơn bác Cả Tâm Khai – Chân Hội của Làng Cây Phong:

Mở lòng hiểu thấu nguồn cơn

Giữa đêm hoa nở, hương thơm ngát trời

Một tâm, một dạ giúp đời

Xây làng, dựng cốc cho người người tu.

Bác ra đi với 96 năm tuổi đời. Tôi còn nhớ khi xưa, năm 1990, lúc tôi cùng bác qua Làng Mai để nhận đèn truyền đăng của Thầy, có người hỏi bác muốn ra đi như thế nào? Bác trả lời: “Tôi muốn ra đi trong chánh niệm”. Bác đã được toại nguyện, đã không phụ công ơn thầy tổ, đã giúp xây dựng nhiều tăng thân tại Canada, không chỉ có Làng Cây Phong mà thôi. Lòng từ bi, bao dung của bác sẽ ở mãi với những ai có duyên gặp bác trong cuộc đời.