Bài Viết

Thần thông là đi trên mặt đất

(Trích từ sách Tri kỷ của Bụt của Thiền sư Thích Nhất Hạnh)

Trong buổi lễ Đối thú an cư, chúng ta đã đồng ý với nhau rằng sẽ thực tập nghiêm chỉnh thiền đi trong mùa An cư này. Chúng ta cũng biết rằng nếu ta thực tập được 100% thì rất dễ, còn nếu ta chỉ thực tập nửa vời thì sẽ không thành công. Thực tập được thành công thiền đi thì chúng ta sẽ thực tập được thành công trong những pháp môn khác.

Xuất sĩ cũng như cư sĩ, chúng ta đã quyết định phải thực tập thiền đi 100%, nghĩa là mỗi bước chân phải đi trong chánh niệm. Muốn có chánh niệm chúng ta phải ngưng sự suy nghĩ, bởi tư duy làm chúng ta bay bổng lên không trung, hay kéo ta đi về quá khứ hoặc hướng tới tương lai. Tư duy tuy đôi khi cũng hay nhưng thường thì không có lợi. Nó kéo ta đi về hướng thất niệm, làm tâm trí ta bị phân tán và suy nghĩ lung tung. Cách hay nhất để làm ngưng lại sự suy nghĩ là cột tâm vào hơi thở, dùng hơi thở làm đối tượng duy nhất của tâm, gọi là tâm nhất điểm. Tâm nhất điểm là định. Tâm ta chỉ để ý tới hơi thở và ta phối hợp hơi thở với bước chân. Hơi thở vào kết hợp với một, hai hay ba bước chân, hơi thở ra kết hợp với một, hai, ba hay bốn bước. Khi ta cột sự chú tâm vào hơi thở và bước chân thì tự nhiên tư duy ta sẽ ngưng lại. Tùy theo ý ta muốn mà ta có thể an trú trong trạng thái “không tư duy” đó trong thời gian mười, mười lăm hay hai mươi phút hay hơn nữa.

 

 

Mỗi khi đi ta không nói chuyện cũng không suy nghĩ. Không nói chuyện trong khi đi là điều chúng ta đã thực tập mấy chục năm nay, vì nếu nói chuyện trong khi đi thì ta không thể để tâm vào bước chân và hơi thở. Và nếu suy nghĩ thì ta cũng không có cơ hội để chú tâm vào bước chân và hơi thở. Sự suy nghĩ đã mang chúng ta ra khỏi giây phút hiện tại. Không phải trước đây chúng ta không thực tập “không suy nghĩ trong khi đi”, nhưng năm nay chúng ta sẽ chú trọng nhiều tới phần “không suy nghĩ trong khi đi thiền”. Nói thẳng ra là: Khi đi thiền hành thì thầy không được suy nghĩ, sư chú không được suy nghĩ.

Đây là lời nhắc nhở vào mỗi buổi sáng sau thời công phu: “Xin đại chúng ý thức là đất Mẹ luôn có mặt và đang nâng đỡ từng bước chân của chúng ta. Chúng ta phải đem hết thân tâm một trăm phần trăm đầu tư vào mỗi bước chân của mình để tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống, để được nuôi dưỡng và trị liệu. Khi đi thì không nói chuyện và dừng suy tư. Nếu cần nói hoặc lắng nghe điều gì thì xin dừng lại. Cám ơn đại chúng cùng thực tập và yểm trợ cho sự thực tập chung này.”

 

 

Ta phải thấy được mỗi bước chân là phép lạ. Ta còn sống đây, còn đủ hai chân để đi và còn hai lá phổi để thở, đó là một sự mầu nhiệm. Bước đi mà ý thức rằng mình đang còn sống và đang bước đi trên hành tinh xinh đẹp này đó là một sự giác ngộ. Có những người đi như bị ma đuổi, đi trong sự quên lãng và thất niệm. Còn ta biết đi trong tỉnh thức. Mỗi bước chân là ta đang thực hiện “địa hành thần thông”. Thần thông không phải là đi trên mặt nước mà là đi trên mặt đất. Chỉ cần nhớ là ta đang còn sống đây, ta đang có mặt thật sự và đang bước những bước thảnh thơi, an lạc. Tia nắng đó, hạt sương kia đều rất đẹp. Nếu ta tư duy thì ta sẽ đánh mất cơ hội để tiếp xúc với chúng. Chỉ cần dừng tư duy thì những mầu nhiệm đang sẵn có đó, tất cả đều là của ta.