Tri kỷ của Bụt

Lời Tựa Sách Tri Kỷ Của Bụt

Có người nói: “Chỉ có một vị Bụt mới hiểu được một vị Bụt mà thôi!”Nếu đó là sự thật thì buồn quá! Nếu trong thời của Bụt mà không ai hiểu được Bụt, thì Bụt cô đơn đến chừng nào! Nhưng qua kinh điển chúng ta có cảm tưởng rằng vẫn có một số người hiểu được Bụt, trong giáo đoàn của Ngài cũng như trong giới nhân sĩ, trí thức và các vị tu sĩ ở ngoài giáo đoàn của Ngài.

Có những kinh rất hay không phải do Bụt nói mà do một số thầy lớn như thầy Phú Lâu Na (Purana) hay sư cô Dhammadinna nói ra. Nhiều người nghe kinh rất ấn tượng và tới báo cáo với Bụt:

Thầy Purana nói như vậy, sư cô Dhammadinna nói như vậy, thì có đúng với ý của Bụt không?

Bụt thường trả lời :

Nếu tôi nói về đề tài ấy thì tôi cũng nói được tới như vậy mà thôi!

Chúng ta tin rằng có những thầy hiểu được Bụt. Nhưng chưa chắc những thầy gần Bụt nhất như thầy A Nan có thể hiểu được Bụt một cách dễ dàng tuy là thầy có trí nhớ rất tốt. Có lần thầy A Nan nói với Bụt:

Lý duyên khởi đủ đơn giản để con có hiểu được.

Bụt nói:

Này A Nan, chưa chắc em đã hiểu được lý duyên khởi. Lý này rất mầu nhiệm. Em phải quán chiếu thêm nữa mới có thể hiểu được lý duyên khởi. Nó có khả năng đưa tới tuệ giác Không.

Trong thời của Bụt có rất nhiều người hiểu lầm Bụt, không chỉ những người ở ngoài giáo đoàn mà cả những người ở ngay trong đoàn thể của Bụt. Các thầy, các sư cô hiểu lầm Bụt rất nhiều. Các thầy lớn đã cố gắng giúp họ bỏ đi những tà kiến ấy. Thỉnh thoảng chính Bụt cũng gọi các thầy, các sư cô ấy tới và nói:

Thầy hiểu những lời Như Lai dạy như thế nào mà lại đi tuyên bố như vậy?

Ví dụ như thầy Arittha (A lê xá). Ngày xưa Thầy đã từng làm nghề huấn luyện chim ưng. Thầy ưa nói Bụt chủ trương rằng hạnh phúc (hạnh phúc ở đây là sự hưởng thụ dục lạc) không làm chướng ngại gì cho sự tu học. Nhiều thầy đã tới nói với thầy Arittha:

Sư anh nói như vậy là sai ý của Bụt. Nhưng thầy Arittha nói:

Không! Theo tôi thì đây là ý Bụt!

Các thầy đã tới báo cáo nhiều lần với Bụt. Bụt cho gọi thầy Arittha tới hỏi thì mới biết rằng thầy Arittha đã hiểu lầm lời nói của Bụt. Bụt dạy”hiện pháp lạc trú” tức là sống an lạc trong giây phút hiện tại, chứ không phải dạy rằng hưởng thọ dục lạc là không chướng ngại cho sự tu tập.

Thầy Xá Lợi Phất (Sariputra) là một thầy có thể được gọi là thông minh nhất trong các thầy. Nhưng thầy Sariputra có thể hiểu được Bụt một cách hoàn toàn hay không? Tôi tin rằng thầy Sariputra là một đệ tử thông minh có thể hiểu được ý của Bụt. Thầy là một người rất thực tế. Trong những điều Bụt dạy, thầy thấy có những giáo lý mà người nghe có thể hiểu và đem ra áp dụng được, nhưng cũng có những giáo lý quá sâu sắc, không dễ để cho đại đa số quần chúng tiếp nhận. Vì vậy cho nên thầy Sariputra không trao truyền và khuyến khích các thầy đem những giáo lý đó ra phổ biến, sợ người ta hiểu lầm và bài bác Bụt, cho Bụt là người chủ trương thuyết hư vô đoạn diệt. Đây là một khuyết điểm của thầy Sariputra.

Nếu học Phật pháp một cách thông minh, nếu có tinh thần học hỏi, có tinh thần nghiên cứu và phê phán một cách tự do (the spirit of free inquiry) thì chúng ta có thể nhận biết và thanh lọc lại những hiểu lầm mà các thầy đã ghi chép vào kinh điển. Trong khi đọc kinh điển chúng ta thấy thỉnh thoảng có những điều chống đối nhau, thậm chí có những đoạn kinh mà khi đọc chúng ta không hiểu gì cả. Điều này chứng tỏ là do các thầy không hiểu nên đã truyền lại một cách tam sao thất bản.

May thay chúng ta có thể biết được một cách chắc chắn những giáo lý nào là do Bụt nói và những giáo lý nào không chắc là do Bụt nói. Những điều chắc chắn do Bụt nói là: Tứ Đế (Bốn Sự Thật), Bát Chánh Đạo (Con đường bát chánh), Tứ Niệm Xứ (Bốn lĩnh vực quán niệm), An Ban Thủ Ý (Mười sáu phép thở) và Thất Bồ Đề Phần (Bảy yếu tố của sự giác ngộ). Và chắc chắn là Bụt đã dạy về Không. Trong kinh điển Nam tông có gần 10 kinh nói về đề tài Không. Nhưng trong truyền thống Phật giáo Nam tông, những kinh điển nói về Không chưa bao giờ được nghiên cứu, phân tích và phát triển như trong Phật giáo Đại thừa. Chúng ta biết chắc rằng giáo lý “tam giải thoát môn” (The three doors of liberation) có mặt trong Phật giáo Nam tông cũng như trong tất cả các trường phái Phật giáo khác. Nhưng Phật giáo Nam tông chưa bao giờ khai thác được cái gọi là”Không” chứ đừng nói tới “vô tướng’’ và “vô tác”. Trong Phật giáo Nam tông người ta hiểu chữ Không một cách quá đơn giản. Không chỉ có nghĩa là không có cái ngã mà thôi. Với cách hiểu này họ đã không đi xa hơn được, đó là một điều rất đáng tiếc!

Có lần thầy Sariputra sau khi xuất thiền thì tới thăm Bụt. Bụt hỏi:

Này thầy Sariputra, hôm nay trong khi ngồi thiền thầy đã quán chiều về đề tài gì?

Thầy Sariputra thưa:

Bạch đức Thế Tôn, con quán chiếu về Không.

Bụt nói:

Hay lắm, hay lắm, tại vì cái định về Không là cái định cao nhất.

Và nhân tiện đó Bụt dạy cho thầy Sariputra một kinh gọi là”Thanh Tịnh Khất Thực”. Trong kinh Bụt dạy: Khi một vị khất sĩ mặc áo, ôm bát, cùng đi với một nhóm khất sĩ xuống phố để khất thực thì vị khất sĩ đó phải hộ trì sáu căn, phải giữ gìn như thế nào để những tư tưởng tạp loạn không dấy lên và hoàn toàn an trú được trong từng bước chân để có an lạc, có thảnh thơi và hạnh phúc. Vì vậy ngay trong khi đi khất thực ta đã thực hiện được định về Không.

Chúng ta đã biết rõ là trong Nam tông có nhiều kinh nói về đề tài Không, nhưng chưa bao giờ được khai thác. Và vì vậy Tam giải thoát môn (Không-Vô tướng-Vô tác) chưa bao giờ có cơ hội được khai thác. Chúng ta có kinh Tùy thuận trí (Anulomajñāna). Tùy thuận trí là một loại trí tuệ sử dụng được tuệ giác duyên khởi để đi tới tuệ giác cao nhất là tuệ giác Không. Kinh này cũng thuộc về truyền thống nguyên thỉ, nhưng chưa bao giờ được khai thác. Có những kinh mà chúng ta biết chắc là do Bụt nói như kinh Ca Chiên Diên (Kātyāyana). Trong kinh Bụt đưa ra một định nghĩa rất rõ về chánh kiến: Chánh kiến là cái thấy vượt thoát khỏi ý niệm có và không. Kinh này rất quan trọng!

Có một câu rất tuyệt vời nói về Niết bàn mà chúng ta phải nhắc lại. Câu này nằm trong kinh Như Thị Ngữ (Itivuttaka) và kinh Vô Vấn Tự Thuyết (Udana) của tạng Pali và cũng có mặt trong kinh Pháp Cú tạng Hán được dịch tại Nam Kinh vào giữa hế kỷ thứ 3. Trong tạng Pali Bụt nói: Có cái không sinh, không có, không tác và không hành (Atthi, bhikkhave, ajātam, abhūtam, akatam, asankhatam). Trong tạng Hán ta đọc : Này các thầy Tỳ Kheo, ở đời có cái sinh, cái diệt nhưng cũng có cái không sinh, không diệt. Ở đời có cái có, cái không nhưng cũng có cái không có, không không. Ở đời có cái tạo tác và được tạo tác nhưng cũng có cái không tạo tác và không được tạo tác. Ở đời có cái hình thành và được hình thành nhưng cũng có cái không hình thành và không được hình thành (Tỳ kheo, thế hữu sinh, hữu hữu, hữu tác, hữu hành, hữu vô sinh, vô hữu, vô tác, vô sở thành). Đó là những câu kinh rất tuyệt vời nói lên giáo lý rất sâu sắc của Không. Các thầy của chúng ta bị kẹt vào giáo điều và bảo thủ một cách rất dễ sợ. Các thầy hiểu lầm chữ Không (Emptiness, śūnyatā) là không có, tức ngược lại với có, mà quên rằng Có là một tà kiến và Không cũng là một tà kiến khác.

Một thầy đang ngồi. Có một thầy khác tới hỏi:

Thưa thầy, thầy có thấy một người phụ nữ vừa đi ngang qua đây không?

Thầy kia trả lời:

Tôi đâu có thấy người nào đi qua đây đâu. Tôi chỉ thấy một tập hợp của năm uẩn di động mà thôi chứ làm gì có người?

Vì vậy có một số đông các thầy rất bực. Họ lãnh đạo thành lập những tông phái chủ trương có ngã và có con người. Nếu nói ngã là cái trống rỗng được làm bằng những yếu tố không phải ngã, nếu nó chỉ là một giả danh không có thực thể riêng biệt, thì chúng ta có thể chấp nhận được cái ngã ấy được. Nó không thật sự có, nó chỉ là giả danh (conventional resignation). Như vậy chúng ta có thể nói có một cái ngã, có một người, nếu ta đừng chấp đó là một thực tại độc lập, bất biến. Ví dụ có một thầy đó, sinh vào năm đó, tên gì đó, xuất gia năm đó, chứng đạo năm đó. Rõ ràng là phải có người thì mới có tu và chứng được, làm sao mà nói là không có cái ta? Vì vậy kẹt vào giáo điều thì rất khó chịu.

Chánh Lượng Bộ (Sammitīya) và bộ phái Pudgalavāda (Pudgala là con người) thường trích trong kinh những câu chứng minh rằng Bụt nói rõ ràng là có người, có cái ngã. Nếu chúng ta hiểu con người đó, cái ngã đó là trống rỗng chứ không phải là một thực tại bất biến thì có hại gì đâu. Thường thường họ trích những câu rất nổi tiếng trong kinh như câu:”Này các vị Tỳ kheo, có một người sinh ra đời có thể đem lại rất nhiều lợi lạc cho tất cả chúng sanh. Người đó là ai? Người đó là Bụt.”Như vậy rõ ràng đức Thế Tôn nói có người, vậy nếu quí vị nói không có người, không có người tu học, không có người chứng đạo thì đó là một tà kiến. Khi thầy Huyền Trang sang Ấn Độ học đạo vào thế kỷ thứ 7 thì có tới 70 ngàn thầy theo phái Pudgalavāda. Họ nói rằng: Cho rằng không có con người là một tà kiến. Không có một cái ta để suy tư, để tu tập và chuyển hóa là một tà kiến. Nó trái chống với tuệ giác Bụt trong kinh Kātyāyana.

Vì vậy trong lịch sử Phật giáo chúng ta thấy có những tông phái bị kẹt vào ý niệm “không có ngã”. Ngay cả trong Thiền tông cũng vậy! Làm gì có cây bồ đề? Làm gì có đài gương sáng? Xưa nay có gì đâu để bụi bám vào? Bài kệ rất nổi tiếng của Thiền tông cũng bị kẹt vào tà kiến “không”. “Không” là một trong những tà kiến, nó không phù hợp với chánh kiến.

Kinh Pháp Cú Hán tạng và nhiều kinh khác của Nam tông cũng như của Bắc tông có nói rất rõ về “hiện pháp Niết bàn”, có nghĩa là Niết bàn có thể có mặt trong giây phút hiện tại. Chữ Niết bàn được định nghĩa rất rõ: Niết bàn là sự vắng mặt của mọi phiền não. Chúng ta có thể thực chứng được Niết bàn bằng cách làm vắng mặt mọi phiền não. Trong quan điểm về “hiện pháp Niết bàn” chưa có ý niệm về Niết bàn hữu dư y và Niết bàn vô dư y. Niết bàn hữu dư y là Niết bàn còn năm uẩn và Niết bàn vô dư y là Niết bàn không còn năm uẩn. Đây là những ý niệm có sau này, làm cho người ta hiểu lầm ý của Bụt là chỉ khi nào buông bỏ năm uẩn rồi thì mới thật sự có Niết bàn tuyệt đối. Nếu còn mang năm uẩn thì vẫn chưa có Niết bàn tuyệt đối! Thật ra năm uẩn rất mầu nhiệm! Cái không mầu nhiệm là năm thủ uẩn. Khi chúng ta nắm bắt năm uẩn và cho đó là cái ta hoặc là sở hữu của cái ta thì năm uẩn trở thành năm thủ uẩn. Năm thủ uẩn làm cho chúng ta không tiếp cận được với Niết bàn tuyệt đối. Trong khi đó thì năm uẩn rất mầu nhiệm! Tuy còn năm uẩn nhưng chúng ta vẫn tiếp cận được với Niết bàn tuyệt đối mà không cần phải buông bỏ năm uẩn mới đi vào được Niết bàn tuyệt đối.

Với những câu kinh như vậy, với cái thấy thông suốt và hệ thống hóa, với tinh thần nghiên cứu và phê phán tự do, chúng ta có thể thanh lọc được toàn bộ kinh điển và có thể phục hồi được tư tưởng đích thực của đức Thế Tôn, để có thể trở thành tri kỷ của Bụt. Tinh thần gọi là tìm hiểu và nghiên cứu tự do này nằm ngay trong trái tim của đạo Bụt. Một lần Bụt đi ngang qua vùng của bộ tộc Kalama, các chàng trai Kalama đã rủ nhau tới gặp Bụt rất đông và thưa:

Bạch thầy, vị đạo sư nào đi qua đây cũng nói rằng giáo lý của họ đích thực là chân lý, còn giáo lý của các thầy khác thì chưa chắc. Người nào cũng nói như vậy cho nên chúng con rất hoang mang và không biết nên tin theo ai? Vậy thầy dạy chúng con như thế nào?

Đó là cơ hội để đức Thế Tôi nói ra những câu rất chắc nịch về tinh thần tìm hiểu và phê phán tự do mà một người học Phật phải biết sử dụng. Bụt dạy như thế này:

Này các em, đừng vội tin tưởng vào một điều gì dù điều đó đã được chép trong kinh điển như kinh Vệ Đà hay Áo Nghĩa Thư. Đừng vội tin tưởng một điều gì dù điều đó đã được một đạo sư nổi tiếng nói ra. Đừng vội tin tưởng một điều gì dù điều đó được đa số chấp nhận là sự thật. Đối với tất cả những gì được nghe các em phải dùng tâm mình để quán chiếu, để tìm hiểu, để phê phán. Sử dụng sự thông minh và óc tự do phê phán của mình và đem áp dụng những điều đó vào trong đời sống hàng ngày xem thử chúng có khả năng tháo gỡ được những khổ đau, những khó khăn của mình hay không. Nếu có thì mình mới bắt đầu tin đó là sự thật.

Kinh Kalama là một kinh rất hay, rất nổi tiếng, có mặt trong Hán tạng và trong truyền thống Theravada.

Giáo nghĩa về Không đã được hiểu rất cạn trong rất nhiều bộ phái Phật giáo, kể cả trong Phật giáo Đại thừa. Truyền thống Hữu Bộ (Sarvāstivāda) chủ trương “ngã không và pháp hữu”tức là không có cái ngã nhưng các pháp thì có, tuy chỉ có trong sát na thôi. Quá khứ có, hiện tại có và tương lai cũng có; chỉ có một cái không có mà thôi, đó là cái ngã. Vì vậy người ta hiểu chữ vô ngã là không có cái ngã, mà không hiểu rằng cái ngã tuy có đó nhưng nó chỉ là một cái gì trống rỗng (Emptiness of the self). Mới nhìn ta tưởng như sự vật là có thật, nhưng nhìn cho sâu thì thấy chúng là trống rỗng. Vì vậy cái ngã không thật sự có, nó là một giả danh (conventional designation), là một sự thật ước lệ. Trong Thượng Tọa Bộ, Phân Biệt Thuyết Bộ, Đồng Diệp Bộ cũng như Hữu Bộ, người ta vẫn bị kẹt vào ý niệm có và không và không đi đúng với tinh thần của Bụt là Chánh kiến vượt ra khỏi cái thấy có và không. Trong Tâm Kinh cũng có một đoạn, trong đó vì người ta hiểu lầm nên đã ghi chép lầm. Người ta đã lẫn lộn ý niệm Không (Emptiness) và ý niệm vô (non-being). Vì vậy có đầy dẫy những sự sai lầm trong kinh điển. Nếu có tinh thần tìm hiểu, phân tích tự do và nắm được giáo lý căn bản của Bụt thì chúng ta mới có khả năng dọn lại, giúp làm sáng tỏ tinh thần Nguyên thỉ của Bụt.

Thầy Xá Lợi Phất có thể là một tri kỷ của Bụt. Thầy rất thực tế vì nghĩ rằng có những người không thể nào hiểu được giáo lý về Không cho nên thầy chỉ khuyến khích các thầy dạy về vô ngã. Thầy cũng không dạy về pháp không, hình như thầy thấy rằng giáo lý về pháp không quá khó. Trong khi đó thì Bụt rất vô phân biệt, tuệ giác của Ngài tuôn trào ra như vậy. Nhưng chính thầy Xá Lợi Phất là người điều hành, là người quyết định những giáo lý nào nên phổ biến và những giáo lý nào khoan nên phổ biến vì có thể sẽ gây ra sự hiểu lầm. Và ảnh hưởng của thầy Xá Lợi Phất đã kéo dài nhiều trăm năm về sau trong các bộ luận A Tỳ Đạt Ma.

Sách “Tri kỷ của Bụt” không phải là một cuốn sách giáo khoa, cho dù là giáo khoa cao cấp. Trước hết sách không được soạn trước như một giáo trình, thứ hai là sách không có mục đích giải thích hay làm sáng tỏ những giáo lý như Tứ Đế, Bát Chánh Đạo, Tứ Niệm Xứ, Thất Bồ Đề Phần hay Mười sáu phép quán niệm hơi thở trong kinh An ban Thủ ý. Sách”Tri kỷ của Bụt” được phiên tả từ những bài pháp thoại của tôi trong suốt mùa An Cư Kết Đông 2012-2013. Mỗi tuần tôi chỉ dạy hai bài pháp thoại. Trong thính chúng có những người đã xuất gia trên 30 năm và có người mới xuất gia 6 tháng. Tôi phải lặp đi lặp lại những điều hơi khó đối với những người mới học, vì vậy trong sách có hiện tượng lặp đi lặp lại. Đó là chuyện rất thường, rất tự nhiên. Nhưng “Tri kỷ của Bụt” cũng có thể nhận thức như một sách giáo khoa cao cấp. Mục đích của sách không phải là để chú giải hay làm sáng tỏ giáo lý của Bụt, mà để phê phán ngay cả những điều được cho là đã do Bụt nói để chúng ta thấy rằng chưa chắc những lời đó thật sự là do Bụt nói. Giá trị của sách “Tri kỷ của Bụt” nằm ở chỗ làm sáng tỏ được tinh thần rất đặc biệt của Phật giáo là khi tu tập, tìm hiểu về tư tưởng của đạo Bụt thì chúng ta phải sử dụng sự thông minh, sử dụng khả năng phán xét quyết đoán độc lập của mình mà đừng vội tin vào bất cứ điều gì được ghi chép lại trong kinh. Đó là tinh thần của người học Phật, có khả năng tìm hiểu thấu đáo, phê phán tự do (the spirit of free inquiry). Vì vậy mong các đọc giả thấy được điều đó và đừng trông chờ một sách giáo khoa thường lệ ở sách “Tri kỷ của Bụt”. Bụt dạy chúng ta ai cũng có Phật tính. Như vậy chúng ta ai cũng có khả năng trở thành một người Tri kỷ của Bụt.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh