Bài Viết

Không có kẻ thù

Trích trong sách “Giận” của Sư Ông Làng Mai

 

 Hiểu biết và từ bi là hai nguồn năng lượng rất mạnh. Hiểu biết và từ bi ngược lại với u mê và thụ động. Nếu cho rằng từ bi là thụ động, yếu đuối hay hèn nhát tức là không hiểu gì hết về ý nghĩa đích thực của hiểu biết và từ bi. Nếu cho rằng những người có tâm từ bi không bao giờ chống đối và phản ứng với bất công là lầm. Họ là những chiến sĩ, những anh hùng, liệt nữ đã từng thắng trận. Khi hành động với tâm từ bi, với thái độ bất bạo động, khi hành động trên căn bản của quan điểm bất nhị thì ta phải có rất nhiều dũng lực. Ta không hành động vì sân hận. Ta không trừng phạt hay chê trách. Từ bi luôn luôn lớn mạnh trong ta và ta có thể thành công tranh đấu chống bất công. Thánh Gandhi chỉ có một mình. Thánh Gandhi không có bom, không có súng, không có đảng. Thánh Gandhi chỉ hành động với tuệ giác bất nhị, với sức mạnh của từ bi chứ không phải với tâm sân hận.

Con người không phải là kẻ thù. Kẻ thù của ta không phải là người kia. Kẻ thù của ta là bạo động, u mê, bất công trong ta và trong người kia. Khi tranh đấu bằng từ bi và hiểu biết ta không tranh đấu với kẻ khác mà là tranh đấu với ý hướng chiếm đoạt, đàn áp, và bóc lột. Chúng ta không muốn tiêu diệt những người kia, nhưng không để cho họ bóc lột chúng ta và những người khác. Chúng ta phải tự bảo vệ. Chúng ta đâu có ngu ngốc. Chúng ta rất thông minh và chúng ta có tuệ giác. Từ bi không có nghĩa là để cho người khác mặc tình bạo hành chính bản thân họ và bạo hành ta. Từ bi có nghĩa là thông minh. Hành động bất bạo động phát xuất từ tình thương chỉ có thể là một hành động thông minh.

Từ bi không có nghĩa là chịu đau khổ vô ích hoặc đánh mất khôn ngoan. Ví dụ khi bạn hướng dẫn một đoàn người đi thiền hành bạn đi chậm rãi và thật đẹp. Thiền hành có thể tạo nên rất nhiều năng lượng; thiền hành đem yên tịnh, vững chãi, và bình an đến cho mọi người. Nhưng nếu bất thần trời đổ mưa thì chúng ta đâu có để cho ai cũng bị ướt? Như thế là không thông minh. Nếu giỏi thì bạn sẽ đổi qua chạy thiền hành thay vì đi thiền hành. Bạn vẫn giữ được niềm vui của thiền hành. Bạn vẫn có thể cười, bạn vẫn có thể bông đùa, để tỏ ra rằng sự thực tập của bạn không phải là một thực tập ngô nghê. Bạn vẫn có thể giữ chánh niệm trong khi chạy dưới cơn mưa. Phải thực tập cho thông minh. Thiền tập không có nghĩa là nhắm mắt bắt chước làm theo người bên cạnh. Khi thiền tập ta phải khéo léo và sử dụng thông minh cho đúng.

Xây Dựng Một Lực Lượng Cảnh Sát Có Tâm Từ Bi

Hiền lành, tử tế không có nghĩa là thụ động. Từ bi không có nghĩa là để cho người khác dày đạp, tiêu diệt mình. Phải tự bảo vệ và bảo vệ những người khác. Nếu cần giam một người nào rất nguy hiểm thì phải giam vậy. Nhưng mà phải làm chuyện đó với tâm từ bi. Động lực là ngăn ngừa người ấy tiếp tục phá hoại và tự tưới tẩm tâm sân hận.

Không cần phải là một ông thầy tu mới từ bi. Một cảnh sát, một quan tòa hay một người canh tù cũng có thể từ bi. Cảnh sát, quan tòa hay người canh tù phải là những vị Bồ Tát, có tâm từ bi rộng lớn. Mặc dầu cần phải cứng rắn nhưng luôn luôn giữ sáng tâm từ bi.

Nếu đã thực tập nếp sống chánh niệm thì bạn phải giúp cho những người cảnh sát hành động với tâm từ bi và không sợ hãi. Trong thời đại chúng ta, những người cảnh sát luôn luôn sợ hãi, giận dữ và căng thẳng vì họ đã bị tấn công nhiều lần. Những ai thù ghét và miệt thị cảnh sát là không hiểu họ. Mỗi buổi sáng, khi người cảnh sát mặc bộ sắc phục và đeo súng vào, họ không biết chắc là chiều hôm đó họ có còn sống để về nhà hay không. Người cảnh sát rất đau khổ. Gia đình họ cũng rất đau khổ. Họ không vui gì đánh đập, bắn chết người khác. Nhưng chỉ vì họ không biết cách xử lý sợ hãi, đau khổ, bạo động trong họ cho nên họ cũng có thể trở thành những nạn nhân của xã hội như bất cứ ai khác. Cho nên, là một cảnh sát trưởng, nếu bạn hiểu thấu được tâm tư của những cảnh sát dưới quyền, thì bạn phải thực tập để nuôi lớn từ bi và hiểu biết trong mình. Khi đó bạn mới có khả năng huấn luyện và giúp đỡ nhân viên thuộc quyền hằng ngày, hằng đêm phải thi hành nhiệm vụ khó khăn là gìn giữ an ninh trật tự trong thành phố.

Nước Pháp gọi những người cảnh sát là những người “giữ hòa bình (peace-keeper).” Nhưng nếu không có hòa bình trong tâm thì làm sao có thể giữ được hòa bình cho cả thành phố? Trước phải giữ bình an trong bản thân. Bình an ở đây có nghĩa là không sợ hãi, sáng suốt, và có tuệ giác. Người cảnh sát có được học những kỹ thuật tự vệ. Nhưng kỹ thuật tự vệ không đủ. Phải thông minh, phải hành động không phải vì sợ hãi. Nếu sợ hãi quá thì có thể lầm lỗi, sẽ có xu hướng dùng súng và có thể giết người vô tội.

Không Thể Theo Phe

Tại Los Angles, bốn cảnh sát viên đánh một người da đen gần chết. Báo chí khắp thế giới đua nhau viết về chuyện đó và ai cũng muốn đứng về một phe, hoặc là bênh người bị đánh hoặc là bênh người cảnh sát. Khi bạn phán xét và thiên về một bên là bạn đã hành động như là bạn không can dự vào việc đã xẩy ra, như là bạn không phải là người da đen bị đánh hay bốn người cảnh sát đánh người da đen. Nhưng nếu nhìn cho kỹ thì bạn là người da đen đồng thời cũng là bốn người cảnh sát. Sân hận, sợ hãi, bực bội và bạo động có mặt trong người bị đánh, trong người đánh. Cũng như sân hận, sợ hãi, bực bội và bạo động có mặt trong chính chúng ta.

Muốn hiểu những người cảnh sát và giúp họ bớt đau khổ, hãy tưởng tượng bạn là vợ hay chồng của một người cảnh sát. Có sống chung bạn mới thấy rõ đời sống khó nhọc của người bạn đường. Bạn sẽ cố gắng ngày đêm giúp chồng hay vợ chuyển hóa sân hận, lo sợ và bực dọc. Khi bạn có thể giúp được chồng hay vợ mình như thế thì toàn cả thành phố được lợi lạc. Ngay cả đến những thanh niên hư hỏng cũng được lợi lạc. Đây là cách hay nhất để giúp cộng đồng. Nhờ thông minh, tuệ giác và từ bi bạn có thể giúp tránh được nhiều tai họa.

Đối Thoại Để Chấm Dứt Sân Hận và Bạo Động

Hình ảnh của một người cảnh sát đầy bạo động, kỳ thị là một hình ảnh không mấy đẹp. Rất nhiều người trẻ coi những người cảnh sát như kẻ thù. Chúng đốt xe cảnh sát, đánh phá cảnh sát, bởi vì cảnh sát là đối tượng của sân hận và bực bội trong chúng. Chúng ta nên tổ chức một cuộc họp mặt hay hội thoại giữa cảnh sát và những thanh niên đã có những hành vi bạo động, hay đang bị giam giữ. Tại sao chúng ta lại không tổ chức những cuộc hội thoại như thế để cho những người cảnh sát có cơ hội nói ra tất cả những uẩn ức, giận dữ hay lo sợ của mình? Tại sao chúng ta lại không để cho những người trẻ đó có cơ hội nói ra tất cả những uẩn ức, giận dữ hay bực bội của mình? Tại sao chúng ta không trình chiếu những cuộc hội thoại như thế trên đài truyền hình cho cả nước đều xem, đều biết?

Đây có thể là một thiền tập đích thực: thiền tập quán chiếu sâu sắc, không phải chỉ trên bình diện cá nhân, mà trên bình diện của cả thành phố, của cả nước. Chúng ta đã không thấy được sự thật. Chúng ta đã coi rất nhiều phim ảnh, đọc truyện trinh thám nhưng chúng ta chưa thấy được sự thật bên trong tâm tư sâu kín của những con người thật. Chúng ta phải tổ chức những cuộc đối thoại như thế để cho sự thật được trình bày cho cả nước coi chung.

Thả Bom Lên Chính Mình

“Xin Chúa tha tội cho họ, vì họ không biết họ đã làm gì,” Chúa Jesus đã nói như vậy. Một người phạm tội ác hoặc gây đau khổ cho kẻ khác là vì người ấy không biết mình đang làm gì. Nhiều người trẻ đã phạm tội mà không biết, không hiểu rằng sự bạo hành của họ đã gây nên biết bao đau khổ. Mỗi khi bạo hành như vậy họ gây đau khổ cho chính họ và cho người khác. Họ nghĩ rằng hành động tàn bạo, giận dữ như vậy là có thể làm giảm bớt cơn giận. Nhưng sân hận trong họ chỉ lớn thêm mà thôi.

Khi thả bom lên trên kẻ thù, bạn đã thả quả bom ấy lên chính bạn, lên quê hương bạn. Trong cuộc chiến Việt Nam, người dân Hoa Kỳ cũng đã đau khổ như người dân Việt nam. Vết thương chiến tranh tại Hoa Kỳ cũng sâu đậm như vết thương chiến tranh tại Việt nam. Chúng ta phải chấm dứt bạo động. Chúng ta không thể chấm dứt bạo động nếu chúng ta không có được cái tuệ giác rằng những gì chúng ta gây cho một người khác là chúng ta tự gây cho chúng ta. Các thầy giáo phải chỉ cho học sinh biết rằng khi bạo động, chính chúng sẽ chịu đau khổ. Nhưng các thầy giáo không thể chỉ nói suông, mà phải sáng tạo hơn là chỉ nói suông. Khi chia sẻ tuệ giác với người khác không nên quá giáo điều mà phải mềm dẻo, và sử dụng phương tiện thiện xảo. Phương tiện thiện xảo rất quan trọng. Một bậc Đại Nhân cần phải khéo léo khi hành đạo cũng như khi giúp người.

 

 

Đọc thêm sách GIẬN