Bài Viết

Phép lạ

( Trích từ sách Hạnh phúc cầm tay của Thiền sư Thích Nhất Hạnh)

 

Năng lượng thương yêu

Tất cả chúng ta đều sợ rằng nhu yếu thương và được thương của ta không được thỏa mãn. Nỗi sợ cô đơn luôn có đó trong mỗi chúng ta. Ta phải nhận diện nỗi sợ hãi và nhu yếu đó. Phải nhìn sâu vào chúng. Thương yêu là biết an ủi vỗ về, biết hiến tặng sự hiểu biết và cảm thông. Hiểu là suối nguồn của thương yêu. Ta sẽ cảm thấy đau khổ nếu không ai hiểu ta. Và khi người đó không hiểu ta nghĩa là người đó không thể thương ta. Không có sự hiểu biết thì tình thương cũng không thể có mặt. Sự thật là ta cần hiểu, cần thương. Và ta đi tìm người có thể cung cấp cho ta cả hai thứ ấy.

Giá như ai đó hiểu và thương mình. Giá như người đó đang ở đâu đó. Nhưng chúng ta phải đặt lại câu hỏi: “Ta có khả năng hiểu và thương người kia không? Ta có khả năng chế tác hiểu biết và thương yêu mà chính ta cũng cần không? Bởi vì nếu ta không có khả năng chế tác năng lượng hiểu biết thì ta không làm được gì cả.

Giáo pháp của Bụt nhằm giúp ta chế tác năng lượng hiểu và thương. Nếu ta có khả năng chế tác nguồn năng lượng này thì trước tiên nó sẽ giúp ta thỏa mãn nhu yếu được thương. Sau đó với khả năng hiểu và thương ta có thể ôm ấp người kia. Ta có thể làm cho người kia hạnh phúc khi chính ta hạnh phúc. Hạnh phúc tạo ra thêm hạnh phúc, có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu.

Vì vậy, vấn đề không phải là làm thế nào để được thương và được hiểu, mà là ta có khả năng chế tác được tình thương và thấu hiểu được chính mình hay không. Nếu làm được điều đó ta sẽ thấy sung sướng, bởi vì nguồn năng lượng này làm ta thỏa mãn và làm cho những người xung quanh ta cũng thỏa mãn. Đó là tình thương của Bụt. Tình thương chân thật là như vậy. Thực ra, ‘thương một người là cơ hội để học thương tất cả mọi người’. Nếu ta có khả năng hiểu và thương thì ta có thể làm ngay bây giờ không cần phải chờ đợi. Nếu ta thành công trong lĩnh vực này thì nỗi sợ hãi, lo lắng của ta biến mất, ta sẽ thấy sung sướng ngay.

Hiểu

Đôi khi ta tin rằng hành động của ta phát xuất từ tình thương, nhưng nếu hành động ấy không dựa trên nền tảng của hiểu thì nó sẽ mang lại khổ đau. Ta muốn làm cho ai đó hạnh phúc và ta tin chắc rằng ta làm điều đó vì tình thương, nhưng hành động của ta có thể làm cho người kia khổ đau rất nhiều. Cho dù ta tin rằng hành động của ta xuất phát từ tình thương thì ta cũng gây cho con ta, vợ ta, chồng ta, bạn ta hay đồng nghiệp của ta khổ đau trầm trọng, bởi vì ta không đủ hiểu người đó. Vì vậy ta cần có con mắt hiểu biết, cần có tuệ giác để làm công cụ thương yêu một cách hiệu quả.

Nếu ta không hiểu được khó khăn, khổ đau, không hiểu được ước muốn sâu sắc của người kia thì ta không thể thương được người đó. Vì vậy điều quan trọng là ta phải kiểm tra lại với người kia và xin người kia giúp đỡ. Người cha phải hỏi con: “Cha có hiểu con đủ không? Cha có làm cho con khổ vì sự thiếu hiểu biết của cha không?

Người mẹ cũng phải có khả năng hỏi con mình: “Con có nghĩ là mẹ hiểu con không? Con nói cho mẹ nghe để mẹ có thể thương con đúng cách”. Đó là ngôn ngữ của yêu thương. Nếu mình thành thật thì con mình sẽ nói cho mình nghe những khổ đau của chúng. Và khi hiểu được nỗi khổ đau của chúng, ta sẽ không làm những điều gây khổ đau cho con mình nữa, những điều mà ta tin chắc là ta làm chỉ vì hạnh phúc và sự an sinh của chúng. Hiểu sâu là bản chất của thương yêu. Cánh tay của Bồ tát là biểu trưng cho hành động nhưng hành động của chúng ta phải được hướng dẫn kỹ càng bằng con mắt hiểu biết.

Bốn câu thần chú

Trong đạo Bụt có nói về thần chú. Thần chú là một phép thần, một khi phát ra là có thể thay đổi được toàn bộ tình trạng, tâm thức, cơ thể hoặc một con người. Nhưng thần chú phải được nói ra trong trạng thái định tĩnh, trạng thái mà trong đó thân và tâm hoàn toàn hợp nhất. Những gì ta nói trong trạng thái này sẽ trở thành thần chú. Vì vậy, tôi sẽ giới thiệu cho quý vị bốn câu thần chú rất linh nghiệm, không phải bằng tiếng Sanskrit, tiếng Tây tạng hay tiếng Anh mà bằng tiếng Việt.

Câu thần chú thứ nhất là: “Em yêu, anh có mặt đây cho em”, hay: “Mẹ ơi, con có mặt đây cho mẹ”. Có thể tối nay ta thực tập thở chánh niệm trong vài phút để đưa thân tâm về lại với nhau, rồi đến gần người ta thương, ta nhìn vào mắt người kia bằng niệm định và bắt đầu nói lên câu thần chú: “Em yêu, anh thật sự có mặt đây cho em”, hay: “Mẹ ơi, con thật sự có mặt đây cho mẹ”. Ta phải nói câu này bằng cả thân tâm, sau đó ta sẽ thấy sự chuyển hóa. Có mặt là bước đầu tiên. Công nhận sự có mặt của người kia là bước thứ hai. Thương là công nhận, được thương là được người kia công nhận. Nếu ta thương một ai đó mà ta không biết hoặc cứ lờ đi sự có mặt của người ấy thì đó không phải là tình thương chân thật. Có thể ta không muốn bỏ mặc hay thờ ơ với người ấy nhưng cách ta làm, ta nói, ta nhìn không biểu hiện được ước muốn công nhận sự có mặt của người kia. Khi được ai đó thương, ta muốn người kia công nhận sự có mặt của ta. Đây là một sự thực tập rất quan trọng. Ta có thể làm tất cả những gì cần thiết để có thể làm được điều này: Nhận diện sự có mặt của người thương vài lần trong ngày.

Để đạt được mục đích này, ta cũng cần thực tập thân tâm hợp nhất. Thực tập thở vào, thở ra năm, bảy lần, rồi đến gần người kia, nhìn vào người kia, mỉm cười và bắt đầu câu thần chú thứ hai: “Em yêu, anh biết em có đó nên anh rất hạnh phúc”, hoặc: “Mẹ ơi, con biết mẹ có đó nên con rất hạnh phúc”. Nếu ta thực tập như vậy với niệm định hùng hậu, ta sẽ thấy người kia nở ra ngay như một đóa hoa. Được thương là được công nhận. Ta có thể thực tập như thế vài lần trong ngày, điều này không khó. Đây đích thực là thiền tập.

Câu thần chú thứ ba thường được dùng trong những trường hợp người thương của ta khổ đau. Sống có chánh niệm, ta biết được những gì đang xảy ra cho ta trong giây phút hiện tại. Vì vậy ta cũng dễ dàng thấy được khi người thương của ta khổ đau. Ngay lúc đó ta đến với người kia, với thân tâm hợp nhất và định tĩnh, ta phát ra câu thần chú thứ ba: “Em yêu, anh biết em đang khổ đau và anh đang có mặt đây cho em”, hoặc: “Mẹ, con biết mẹ đang khổ đau nên con có mặt đây cho mẹ”. Bởi vì khi khổ đau, ta rất cần sự có mặt của người ta thương. Khi ta khổ mà người ta thương không biết ta đang khổ thì ta càng khổ hơn. Vì vậy điều ta có thể làm ngay lập tức là có mặt thật sự cho người ta thương và nói lên câu thần chú với tất cả chánh niệm của mình: “Em yêu, anh biết em đang khổ nên anh có mặt cho em đây”. Chưa làm gì mà người kia đã thấy bớt khổ rồi. Sự có mặt của mình là một phép lạ. Hiểu được nỗi khổ của người kia là một phép lạ và chúng ta có thể hiến tặng phép lạ cho người ta thương ngay lập tức.

Câu thần chú thứ tư khó thực tập hơn. Câu này thực tập khi chính ta đau khổ và ta nghĩ rằng nỗi khổ của ta do chính người ta thương nhất trên đời tạo ra. Nếu như một ai khác nói hay làm điều đó với mình thì chắc mình sẽ ít khổ hơn. Nhưng đằng này chính người mình thương nhất trên đời nói điều đó với mình, làm điều đó với mình, vì vậy mà mình khổ hơn. Mình tổn thương nặng nề vì nỗi khổ đau của mình do người mình thương nhất gây nên. Mình muốn chạy vào phòng đóng cửa lại, một mình mình khóc, một mình mình hay. Mình không muốn đến với người kia để cầu cứu sự giúp đỡ. Chính cái tự ái này là một chướng ngại.

Theo lời Bụt dạy, trong tình thương chân thật không có chỗ cho sự tự ái. Mỗi khi khổ đau, ta phải tới với người kia để cầu cứu sự giúp đỡ. Đó là tình thương chân thật. Đừng để tự ái chia cách mình. Nếu ta nghĩ rằng tình thương của ta dành cho người kia là tình thương chân thật thì ta phải vượt qua tự ái, phải luôn luôn tới với người kia. Chính vì vậy mà tôi phát minh ra câu thần chú này. Thực tập để đưa thân tâm về lại với nhau trước khi tới với người đó nói câu thần chú thứ tư: “Em yêu, anh đang khổ, và anh cần em giúp đỡ”, hoặc: “Mẹ ơi, con đang khổ và con cần mẹ giúp con”.

Truyền thông chánh niệm

Ngày nay truyền thông giữa người với người, giữa những cá nhân, gia đình và quốc gia đã trở nên rất khó khăn. Tuy nhiên có những phương pháp cụ thể để tự rèn luyện cách truyền thông bất bạo động, để tình thương trong mỗi người được đánh thức, để chúng ta có thể hiểu nhau, thông cảm cho nhau.

Nói lời ái ngữ và lắng nghe sâu là những thực tập tinh yếu cho việc truyền thông bất bạo động. Truyền thông chánh niệm nghĩa là ý thức những gì ta đang nói và sử dụng ngôn ngữ hòa ái, có ý thức, là lắng nghe người khác một cách sâu sắc để hiểu được những điều đang nghe và cả những điều không nói. Chúng ta có thể dùng phương pháp này trong bất kỳ lúc nào, ở đâu, trong tình huống nào.

Để cho cơ thể khỏe mạnh, trái tim ta phải bơm máu liên tục. Để cho mối quan hệ của ta lành mạnh, ta cũng cần truyền thông chánh niệm liên tục. Tuy nhiên nhiều người thấy khó để truyền thông có hiệu quả, bởi vì họ có quá nhiều tuyệt vọng và giận hờn. Cho dù khi đến với người kia, ta có thiện chí muốn lắng nghe hết lòng nhưng nếu ta không có khả năng sử dụng ái ngữ, định tĩnh thì không có hy vọng người kia sẽ nghe ta và hiểu những gì ta nói. Có thể ta có chủ tâm dùng ái ngữ và định tĩnh nhưng thường khi bắt đầu nói thì nỗi khổ đau, tuyệt vọng và sợ hãi đi lên. Mặc dù với thiện chí tốt nhất, ta cũng bắt đầu phàn nàn, đổ lỗi và phê phán gắt gao. Lời nói của ta bắt đầu phát ra một năng lượng khiến người kia chống lại ta, bởi vì họ không thể chịu nổi những gì ta đang nói. Truyền thông giữa ta và người kia bị đổ vỡ. Khi tình hình như thế xảy ra, ta phải học đi học lại cách truyền thông. Điều quan trọng là làm thế nào để học cách lắng nghe sâu và sử dụng ái ngữ? Để làm được điều này trước tiên ta phải chăm sóc nỗi đau và cơn giận của chính ta. Bằng cách thực tập hơi thở chánh niệm và bước chân thiền hành, ta làm lớn mạnh nguồn năng lượng chánh niệm trong ta. Ta cần tập luyện trong vòng vài tuần hay thậm chí vài tháng để có thể vượt qua nỗi đau và sử dụng ngôn ngữ từ ái. Khi chánh niệm hùng hậu, ta sẽ dễ dàng nhìn sâu hơn vào tình trạng của ta để làm phát khởi hiểu biết và thương yêu.

Khả năng lắng nghe sâu cũng vậy. Nếu ta không có khả năng ôm ấp, chuyển hóa niềm đau, hờn giận của chính ta thì sẽ khó để lắng nghe niềm đau của người khác, đặc biệt là khi lời nói của người kia đầy phán xét tiêu cực, đầy tri giác sai lầm và mang tính đổ lỗi. Trong thâm tâm ta, ta biết rằng ta nên lắng nghe và ta đã cố gắng hết sức nhưng thường thì sau vài phút ta không còn nghe nổi nữa cho dù là thêm một lời. Ta thấy quá đầy. Cho dù ta đã phát nguyện là bất kể lời nói có khiêu khích cách mấy, có quyết đoán không đúng ta vẫn ngồi yên lắng nghe bằng tâm từ bi nhưng ta không thể làm được điều đó. Thiện chí của ta biến mất bởi vì ta không thể xử lý được nỗi đau đang lớn lên trong ta.

Tuy nhiên, nếu ta có khả năng lắng nghe thì chỉ trong vòng một giờ người kia sẽ bớt khổ đi nhiều. Lắng nghe với tâm cởi mở, ta sẽ có khả năng làm cho tình thương sống dậy. Ta sẽ hiến tặng cho người kia cơ hội để bày tỏ những khổ đau của họ.

Lắng nghe như thế đòi hỏi phải có sự tập luyện. Thực tập hơi thở chánh niệm và bước chân thiền hành có thể chuyển hóa hạt giống giận dữ và bực bội trong ta, cho phép trái tim ta mở rộng để lắng nghe người khác bằng tình thương và lòng bi mẫn.