Lá thư Làng Mai 40 – 2017

Đem chánh niệm vào nhà thương

Một lần tình cờ nhìn thấy câu đối “Lắng nghe để hiểu – Nhìn lại để thương” với nét chữ của Thầy trên trang bìa của một tờ báo, con thực sự được đánh động. Câu thư pháp ấy đã đem đến cho con rất nhiều năng lượng và cảm hứng.

Là một bác sĩ gia đình nên con luôn để ý, quan tâm đến kỹ năng truyền thông giữa bác sĩ và bệnh nhân. Con đã soạn thảo những chương trình đào tạo về đề tài này cho sinh viên y khoa và nhân viên y tế. Đã từng hướng dẫn hàng trăm khoá huấn luyện như thế, nhưng chưa bao giờ con để ý đến tầm quan trọng của việc “nhìn lại để thương”.

Tham dự nhiều khóa tu, lắng nghe pháp thoại của Thầy, của sư cô Chân Không và nhiều quý thầy, quý sư cô giáo thọ khác, con từ từ nhận ra ý nghĩa của sự thực tập “nhìn lại để thương”. Dừng lại để nhìn sâu vào tâm mình, để ý thức rõ ràng trạng thái của tâm trong giây phút hiện tại, để thấy mình đang có những hạt giống thiện hay bất thiện biểu hiện từ tàng thức thâm sâu. Chỉ với một ý thức đủ đầy như thế thì ta mới có thể lắng nghe với tâm từ bi. Con nghĩ rằng, những người làm việc trong ngành y khoa cần phải có một tấm lòng biết hiểu và cảm thông. Mỗi bác sĩ hay mỗi nhân viên y tế phải có ý thức về lòng nhân đạo.

Với cái hiểu đó, con đã dịch câu thư pháp của Thầy sang tiếng Thái với nội dung: “Lắng nghe với tâm từ bi –  Nhìn lại chính tâm tư mình” (Listen compassionately, Look into our own mind). Sự thực tập lắng nghe và nhìn lại như thế chính là một kỹ năng tâm linh quan trọng, giúp giảm thiểu khổ đau trong ngành Chăm sóc sức khỏe.

Trong suốt 6 năm qua (2010-2016), với sự yểm trợ của sư cô Linh Nghiêm, con đã có rất nhiều cơ hội mang pháp môn chánh niệm vào đời sống hàng ngày. Con cũng đã tổ chức rất nhiều khoá tu cho các nhân viên y tế ở Korat và những tỉnh lân cận, với sự yểm trợ ngân sách từ Văn phòng An ninh Y tế Quốc gia.

Ngoài việc tổ chức những khoá tu, con cố gắng huấn luyện cho các nhân viên y tế các kỹ năng về việc kết hợp thiền tập với yoga, nghệ thuật truyền thông tạo kết nối,… để chăm sóc cho bệnh nhân có phẩm chất hơn; đồng thời tổ chức trại sinh hoạt với chủ đề Trái tim mầu nhiệm.

Con đã khuyến khích những nhân viên đã từng tham gia các khoá tu và các khoá đào tạo đến với nhau như một tăng thân để duy trì và tiếp tục sự thực tập một cách đều đặn. Con cũng cố gắng mang các pháp môn khác nhau áp dụng tại cơ quan làm việc, các khoá đào tạo và trong chính đời sống hàng ngày của con.

Theo lời khuyên của sư cô Linh Nghiêm, con đã xin những mẩu chuyện từ các bệnh viện từng tham gia các chương trình mà con tổ chức, để có thể thấy rõ hơn những lợi ích thiết thực mang đến từ sự thực tập chánh niệm. Chúng con xin kính dâng các mẩu chuyện này lên Thầy như một món quà nhân dịp đầu năm mới 2017. Tổng cộng có 10 bệnh viện đã gởi những câu chuyện cũng như hình ảnh sinh hoạt như sau:

  1. Bệnh viện Soong Nern
  2. Bệnh viện Si Khiu
  3.   Bệnh viện Pi Mai
  4. Bệnh viện Chakkaraj
  5. Bệnh viện Pak Thong Chai
  6. Bệnh viện Kham Talay Sor
  7. Bệnh viện Chok Chai
  8. Bệnh viện Wang Nam Khiew
  9. Trung tâm Y tế của bệnh viện Maharaj
  10.  Bệnh viện Nang Rong thuộc tỉnh Buriram

Pháp môn Làng Mai trong sinh hoạt của bệnh viện Soong Nern:

  1. Thiền ca:

Vào lúc 8 giờ sáng mỗi ngày làm việc trong tuần, sau khi hát quốc ca, toàn bộ nhân viên bệnh viện, bệnh nhân ngoại trú và người thân của họ đều cùng hát bài thiền ca “Mình là một” (We are one) – “Mình là chiếc lá trên đầu cành, mình là ngọn sóng trên đại dương, mình là sao sáng trên bầu trời…”. Cùng lúc đó, bài hát được phát thanh đến tất cả mọi khu vực của bệnh viện (OPD/NCD/PCU/SSM/ Dentistry – Nha khoa).

Lúc 10 giờ, chuông chánh niệm cũng được phát đi qua đài phát thanh của bệnh viện với vài lời hướng dẫn về sự thực tập có mặt trong giây phút hiện tại.

Lúc 13 giờ, phát thanh bài hát “Standing like a tree”.

Lúc 14 giờ, phát thanh chuông chánh niệm cùng với vài lời nhắc nhở mọi người trở về với giây phút hiện tại.

Lúc 15 giờ, chuông chánh niệm cũng lại được phát đi với lời nhắc quay về với giây phút hiện tại.

Lúc 15 giờ 30, bài hát “In Gratitude” được phát thanh, tiếp theo phát thanh viên sẽ đọc lên một đoạn trích dẫn ngắn liên quan đến Phật pháp, để tạo cảm hứng cho mọi người cùng chiêm nghiệm về sự thực tập trước khi trở về nhà.

Bài hát “Mình là một” được hát trước mỗi buổi họp hàng tháng của nhân viên bệnh viện.

  1. Chuông chánh niệm được thâu vào trong CD để phát vào 10 giờ, 14 giờ, 15 giờ hàng ngày.
  2. Bài hát “Hạnh phúc bây giờ và ở đây” được đưa vào trong giờ thể dục Maneewecht.
  3. Sử dụng chuông chánh niệm và hát thiền ca trong khi hướng dẫn tổng quát cho nhân viên mới.
  4. Tụng kinh (chanting meditation) sau giờ làm việc (từ 16h30 đến 17h30), ở phòng Mali (tạm dịch là Phật đường) của bệnh viện.

Xử lý vấn đề cũ bằng một tâm hồn mới:

Vừa qua con có cơ hội làm một chuyến thiện nguyện, khám chữa bệnh miễn phí cho người dân tại bệnh viện Soong Nern. Chị Lek, một trưởng phòng điều dưỡng rất thông minh đã đến kể cho con nghe về trường hợp khiếu nại vừa mới xảy ra. Chuyện “tiêm chủng lặp lại” do các em sinh viên thực tập y khoa gây ra.

“Chắc cô Tú còn nhớ, vấn đề tương tự mới xảy ra cách đây một năm thôi. Vì vậy năm ngoái đã rút kinh nghiệm, thiết lập một tiến trình làm việc mới để ngăn ngừa, nhưng năm nay nó vẫn xảy ra. ‘Human mistakes!’ (Con người mà!)” – Chị Lek kể với con, giọng chị vẫn đầy phấn khích như mọi khi.

“Rồi chị đã làm gì với sự cố ấy? Cách xử lý có gì khác với lần trước không?” – Con hỏi chị Lek

“Tôi đã xử lý vấn đề với một cái nhìn mới hơn, có phẩm chất hơn. Trước đây, tôi và chị Ya nghĩ rằng mình là lãnh đạo nên luôn vội vội vàng vàng xử lý vấn đề. Mình không muốn các bậc phụ huynh kiện cáo bệnh viện nhưng làm vậy thì các nhân viên lại cảm thấy rất áp lực vì không được lắng nghe. Lần này, chúng tôi không chỉ ra ngồi lắng nghe, chăm sóc các bé và phụ huynh, mà còn lắng nghe các y tá và đội ngũ nhân viên của mình để hiểu chuyện gì đã xảy ra mà không vội vàng đi đến kết luận và tìm cách giải quyết như trước. Tôi thấy làm như thế các nhân viên đồng thời cũng được trị liệu vì cảm thấy mình được hiểu và chính chúng tôi cũng thấy được toàn bộ sự việc một cách rõ ràng hơn”.

Con đã học được từ chị Lek một bài học vô cùng quan trọng: Dù mình có thận trọng và chặt chẽ đến mức nào thì bao giờ cũng có rất nhiều yếu tố và nhân duyên nằm ngoài sự kiểm soát của mình. Cho nên các thiếu sót trong phục vụ hay những khiếu nại từ bệnh nhân là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, mình có thể làm chủ và xử lý những việc đã xảy ra với cách suy nghĩ tích cực, có hiểu có thương. Con cám ơn chị Lek và rất ngưỡng mộ đội ngũ nhân viên đầy phẩm chất của bệnh viện Soong Nern.

Pháp môn Làng Mai trong sinh hoạt của bệnh viện Si Khiu:

Các pháp môn được thực tập một cách thường xuyên tại bệnh viện:

Từ năm 2011, mỗi buổi sáng, chuông chánh niệm và bài kệ “Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe, tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm” được phát thanh trên đài của bệnh viện. Tiếng chuông được thâu bởi các nhân viên y tế để nhân viên và bệnh nhân cũng như người thân cùng thực tập.

Sử dụng chuông trong các buổi họp của bệnh viện, thí dụ như tại cuộc họp hàng tháng của khoa điều dưỡng.

Hát thiền ca trong các chương trình sinh hoạt, trong các buổi tập thể dục trong dưỡng đường.

Thiền buông thư trong các sinh hoạt trong nhà và ngoài trời.

Áp dụng các pháp môn tại các nhóm phục hồi chức năng sau khi cai nghiện:

Trước đây ở bệnh viện Si Khiu, sinh hoạt tại các nhóm phục hồi chức năng cho người cai nghiện chủ yếu là mọi người chia sẻ về bản thân và làm bài viết. Nhìn chung, những người trong nhóm có vẻ không hợp tác và khá động. Vài người có vẻ buồn ngủ, những người khác thì bực bội, và rất nhiều người không thể ở lại lâu, chỉ muốn ra về. Sau một thời gian quán sát, chúng con đưa sự thực tập Làng Mai vào hoà nhập trong nhóm sinh hoạt. Chúng con bắt đầu buổi sinh hoạt bằng Thiền buông thư, xen kẽ giữa các bài thiền ca là lời hướng dẫn. Thí dụ như thở vào, con biết con đang thở vào; thở ra, con biết con đang thở ra; Thở vào, con thấy con như một bông hoa; Thở ra, con cảm thấy thích thú;… Sau đó, chúng con thực tập xá chào nhau trước khi vào sinh hoạt nhóm.

Đầu tiên, mỗi người tự giới thiệu về mình với nhóm rồi hát chung với nhau vài bài hát như Thở vào thở ra, Ta hạnh phúc liền giây phút này,… Sau đó, chúng con mới làm các bài tập viết. Đôi khi vừa làm vừa uống trà hay ăn bánh. Chúng con uống trà Rang Jued (có tác dụng tẩy độc), hay trà Ya Dok Khao (có tác dụng giảm cảm giác thèm thuốc lá) bởi vì hầu hết những người cai nghiện đều hút thuốc hay uống rượu.

Trong 2 tháng qua, sau khi đã thay đổi một số phương thức sinh hoạt, chúng con để ý thấy các thành viên trong nhóm đã không còn bực bội, buồn ngủ, mà trái lại đã có thái độ hợp tác trong các sinh hoạt. Thậm chí họ còn cảm giác buổi sinh hoạt giống như một giờ nghỉ ngơi thực sự. Ngoài ra, không còn ai phàn nàn về chuyện giờ sinh hoạt kéo dài hay muốn chóng về nhà nữa. Trong tương lai, chúng con sẽ kết hợp đọc kinh hay đọc Năm giới trước khi kết thúc ngày sinh hoạt.

Trên đây chỉ là báo cáo của hai trong mười bệnh viện, con xin trình lên Thầy cùng đại chúng. Chúng con đang dần dần đưa pháp môn đến với từng nhân viên, từng bệnh nhân và người thân của họ, để mọi người đều được nuôi dưỡng cả thân lẫn tâm trong suốt thời gian làm việc và trị liệu tại bệnh viện.

Con kính tri ân Thầy.

Con, bác sĩ Tú