Lá thư Làng Mai 40 – 2017

Trước sau như một

Có nhiều yếu tố khác nhau làm cho con người trân quý và yêu thích nơi mình đang ở. Khi nhắc đến tiểu bang Mississippi, nhiều người có những quan niệm không đẹp lắm về tiểu bang được đứng hạng nhất về nhiều mặt tại nước Mỹ này. Mississippi là tiểu bang nghèo nhất, số người đang thất nghiệp đông nhất, số lượng người mắc bệnh béo phì nhiều nhất, là một trong những tiểu bang có tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên cao nhất, và chất lượng giáo dục thấp nhất (theo đánh giá năm 2014) và còn thêm nhiều điều nữa. Những sự thật này rất dễ làm cho những ai đang ở Mississippi không hạnh phúc và khó trân quý nơi mình đang cư trú.

Vào tháng 04 năm 2010, con rời Làng Mai, đến nương tựa vào đại chúng tu viện Mộc Lan tại tiểu bang Mississippi tiếp tục tu học. Con sống tại Memphis, Tennessee, cách tu viện một tiếng lái xe. Có thể nói con là một trong những người đang có hạnh phúc được sống tại Mississippi. Tại sao? Câu trả lời của con cũng đơn giản thôi. Sau những lần có cơ hội đi tham dự khóa tu ở các tiểu bang trên nước Mỹ và các nước khác, con nhận thấy rằng nước uống ở đây rất ngọt, chắc có lẽ được thừa hưởng từ dòng sông Mississippi! Ở Mississippi danh từ “kẹt xe” rất hiếm khi được sử dụng. Lái xe trên xa lộ, mình còn được thưởng thức màu xanh của những hàng cây hoặc những cánh đồng. Con thường nói giỡn với những vị sống ở New York hay California rằng danh từ “kẹt xe” không có tại Mississippi. Thời tiết ở đây có bốn mùa rõ rệt, nhưng đặc biệt vào mùa hè cái nóng cũng rất khắc nghiệt nhưng bù lại có nhiều cây, cho nhiều bóng mát, và lại có nước ngọt để uống nên cái nóng cũng dịu đi ít nhiều. Một lý do quan trọng khác làm cho con có hạnh phúc khi sống tại đây, đó là vì những con người con đang sống cùng. Được sống chung và tu học với quý thầy, quý sư cô là một hạnh phúc lớn của con. Và bên cạnh đó, con muốn chia sẻ thêm mối thâm tình với những người láng giềng và những người bản xứ.

Cách đây sáu năm, tu viện Mộc Lan còn rất sơ sài, điều kiện cơ sở vật chất còn đơn giản nhưng thiếu gì thì thiếu, không thể thiếu vườn rau được. Cho nên chúng con đã nhanh chóng làm đất để có thể có một vườn rau. Đã có vườn rau rồi thì cần phải có phân bò. Thế là con tìm cách xin phân bò về chăm vườn rau. Khi lái xe từ tu viện ra phố Batesville, con thấy có rất nhiều bò. Con suy nghĩ làm sao để liên lạc được với các ông chủ để hỏi xin. Con lên google.com và nhập vào dòng chữ “cow manure in Batesville” (phân bò tại Batesville) và con viết xuống sáu số điện thoại khác nhau. Con gọi cho từng nhà một nhưng ai cũng nói “No” (không có hay không được). Trong lòng con cảm thấy hơi thất vọng nhưng con quyết định không bỏ cuộc. Con tiếp tục gọi các số khác tại thành phố Sardis, cách tu viện 15 phút lái xe. Một bà lão bắt điện thoại lên và giọng nói của bà cụ rất hiền lành và dễ thương. Bà hỏi ý ông chồng và đồng ý cho quý sư cô đến nhà ông bà để xin phân bò.

Khi đến nơi, hai ông bà rất ngạc nhiên với hình ảnh của bốn sư cô. Chắc chưa bao giờ trong cuộc đời ông bà gặp những vị tu sĩ Phật giáo. Lần đầu tiên gặp gỡ, lại trong hoàn cảnh hiếm có này, chắc ông bà sẽ rất ấn tượng và không thể quên. Ông chỉ cho quý sư cô thấy ở ngoài cánh đồng kia có phân bò và quý sư cô có thể lấy về tu viện. Trước khi ra về, chúng con có thưa với ông rằng: “Thưa chú Bob, trong văn hóa Việt Nam, chúng con được dạy rằng khi xưng hô với những vị lớn hơn mình thì mình nên xưng “chú, bác hay cô, dì. Vậy chúng con có thể gọi chú là “Chú Bob” được không?”. Ông nhìn quý sư cô và rươm rướm nước mắt. Ông nói: “Được chứ. Điều này sẽ làm tôi rất hạnh phúc. Tôi có những người cháu nhưng không ai gọi tôi là “Chú Bob” cả, chỉ gọi ‘Bob’ mà thôi”.

Từ sau đó, mỗi khi có cơ hội đến thăm ông bà, chúng con được nghe ông bà kể chuyện thời xưa khi ông bà mới quen nhau, xem những tấm hình của gia đình và hát cho ông bà nghe những bài thiền ca. Lúc nào hát cũng cầm tay ông bà và ông bà thường mỉm nụ cười trên môi.

Hai ông bà sống rất đơn giản trong một căn nhà đơn sơ và mộc mạc. Bà Elaine đã từng chia sẻ với con rằng những người bạn của ông bà đã ra đi hết rồi nên ít ai đến nhà thăm. Mỗi khi có quý sư cô đến thăm làm cho ông bà rất hạnh phúc. Có lần con hỏi bà Elaine: “Ông bà đã sống chung với nhau hơn 60 năm, bí quyết gì đã giúp cho ông bà sống chung với nhau được lâu như thế?”. Bà trả lời rất đơn giản: “Trong ngày, ông làm việc ở ngoài và bà thì làm việc ở trong nhà”. Hai bà cháu nhìn nhau cười một cách rất thích thú. Lúc đó ông Bob cũng đang ngồi đó cười. Con thường xuyên gọi điện hỏi thăm sức khỏe ông bà. Lúc nào con gọi điện, bà thường nói: “Bà mới nghĩ về quý thầy và quý sư cô tức thì”. Đó là mối tình thâm con có với ông Bob và bà Elaine.

Con cảm thấy dễ dàng để trò chuyện với ông bà và có thể hỏi những câu hỏi mình muốn hỏi. Có một câu hỏi mà nhiều người rất ngại để hỏi nhau tại nước Mỹ năm nay. Đó là: “Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm nay, quý vị sẽ bầu cho ai?”. Nhiều gia đình đã bị chia rẽ, truyền thông bị mất, mối liên hệ giữa những người bạn bị đổ vỡ trong cuộc bầu cử này bởi vì quan niệm khác nhau. Với sự thân thiện và truyền thông tốt giữa con với ông bà, con cảm thấy thoải mái đủ để hỏi câu này. Nhưng cuối cùng câu trả lời của bà đã làm con ngạc nhiên và trở về chăm sóc tự thân. Quan điểm của bà và con không giống nhau. Câu chuyện không đầy một phút nhưng sau đó con cảm được một nguồn năng lượng kỳ lạ và một khoảng im lặng. Con muốn tìm cách làm cho không khí nhẹ nhàng trở lại và thưa với bà rằng: “Bà Hillary và ông Trump là đối thủ của nhau, nhưng con với bà là bạn hữu của nhau”. Hai bà cháu nhìn nhau cười và ôm nhau trước khi con đi về tu viện. Con thật sự không muốn mối liên hệ giữa con và ông bà đổ vỡ vì việc khác nhau về quan điểm này.

Trong một buổi pháp đàm, con chia sẻ câu chuyện ở trên. Tuy con và bà Elaine có quan điểm không giống nhau nhưng điều đó không có nghĩa rằng con với  bà sẽ mất đi sự truyền thông, và điều đó cũng sẽ không ngăn con đến thăm ông bà trong tương lai. Khi nghĩ đến bà Elaine và ông Bob, con sẽ không nghĩ đến sự khác biệt về quan điểm. Nghĩ đến ông bà, con sẽ nghĩ đến lòng tốt, nụ cười, lòng từ bi và hai bàn tay của ông bà mà con đã từng được cầm khi đi xuống những bậc tam cấp. Khi có cơ hội gặp ông bà, con vẫn tiếp tục hát cho ông bà nghe và cầm tay ông bà đi chơi trong Tịnh Độ.

Chân Bội Nghiêm