Lá thư Làng Mai 40 – 2017

Chỉ cần một hơi thở nhẹ

Sư cô Chân Trăng Chùa Xưa, một sư cô trẻ rất năng động và nhiều tâm huyết, đến từ Việt Nam. Sư cô hiện đang sống, tu học và phụng sự tại Thiền đường Hơi Thở Nhẹ, Paris.

Tối làm biếng, màn đêm yên tĩnh đã phủ kín bên ngoài cửa sổ. Con đang ngồi trong phòng học viết lại nhật ký năm qua ở thiền đường Hơi Thở Nhẹ. Thật là một năm sống động!

Thiền đường mở cửa thường xuyên từ năm 2009. Hiện đang có mười sư cô – gồm hai sư cô người Pháp, một sư cô người Lào, một người Đức, một Thụy Sĩ và năm sư cô Việt Nam – cùng tu chung với hai chúng cư sĩ nam và nữ.

Thiền đường mở cửa từ sáng thứ Năm đến chiều Chủ nhật cho cư sĩ, thời gian còn lại được đóng cửa như nội viện cho quý sư cô. Chỉ có hai phòng sinh hoạt là thiền đường và nhà ăn, rộng chừng 40 mét vuông thôi, vậy mà có khi chứa được cả hơn trăm người. Nhất là vào dịp lễ Giáng sinh, Tết tây, Phật đản… thiền sinh đến càng ngày càng đông. Người Pháp đến đông hơn người Việt.

Tăng thân Tiếp Hiện Việt và Pháp là hai tăng thân yểm trợ và thực tập hết lòng cùng chúng con suốt năm qua. Mỗi chiều thứ Sáu, có ngồi thiền, tụng kinh bằng tiếng Việt. Mỗi sáng thứ Bảy tụng giới bằng tiếng Pháp. Thiền đường duy trì mọi sinh hoạt nhờ vào sự cúng dường tùy tâm của người cư sĩ. Mỗi tuần hai ngày quán niệm thứ Năm và Chủ nhật, quý cô chú và các bạn trẻ đem đến cho chúng con thức ăn chay, rau, nấm, củ quả tươi và gạo để chúng con có thể duy trì được cuộc sống và sự tu học. Chúng con chia sẻ trở lại bằng kinh nghiệm chế tác hạnh phúc và chuyển hóa khổ đau của mình, truyền cảm hứng cho quý cô chú, anh chị và các bạn trẻ. Tăng thân đã cùng nắm tay nhau đi qua biết bao nhiêu gian nan thử thách.

Sau này, khi rời khỏi thiền đường, điều con nhớ nhất sẽ là tình tăng thân ấy, mộc mạc và sâu sắc biết bao. Con sẽ nhớ con đường đổ dốc xuống dòng sông Marne, cội phong già xòe tán lá rộng chín vàng mỗi mùa thu, cụm tre xanh nuôi dưỡng cả đàn chim về nương náu hót líu lo bốn mùa và hoa nở khắp nơi trong vườn thiền. Nhớ mỗi buổi chiều, chị em đốt lửa nướng bánh tráng trước sân gạch; những buổi sáng chở nhau trên xe đạp, chạy dọc bờ sông ra đến hồ lớn ngắm thiên nga, hải âu bay lượn và hát cho nhau nghe bài hát Đi như một dòng sông.

Ở kinh đô ánh sáng nhộn nhịp này, nếu rời chánh niệm ra thì người ta rất dễ dàng bị xâm chiếm bởi khổ đau và thử thách. Hạt giống bạo động và sợ hãi được tưới tẩm quá nhiều. Ngoài ga tàu điện ngầm hay trạm xe bus, chỉ cần một người ho thật mạnh thì tất cả mọi người đứng quanh người ấy trong bán kính 5 mét đều giật mình lo ngại. Paris, chỉ cần gọi đến tên là thấy cảnh người đông đúc, nhộn nhịp, bon chen, quay cuồng suốt đêm ngày.

May thay, thiền đường Hơi Thở Nhẹ nằm ở vùng ngoại ô, trong khu vực khá yên tĩnh ven dòng sông Marne. Hạnh phúc lớn nhất là mười chị em xuất sĩ ai cũng ham tu, ham chuyển hóa, khao khát phụng sự giúp đời. Dù sự khác biệt về văn hóa, tính cách, sở thích, nền tảng gia đình huyết thống,… đem đến nhiều thử thách, nước mắt và nụ cười, nhưng tất cả đều cố gắng nâng đỡ nhau để xây cho vững tượng đài của tình thương đích thực.

Một hôm, giận sư cô trú trì quá, con vào phòng sư cô và thưa: “Sư cô ơi, con đang giận sư cô lắm, cho con được để hết cái năng lượng này lên vai sư cô được không?”. Sư cô hoan hỉ nhận lời. Sau khi xoa bóp cho sư cô khỏe lại, con thì thầm: “Sư cô kính thương, xin sư cô bớt cho tham vấn lại, sư cô lắng nghe khổ đau của thiền sinh nhiều quá, có ngày khi chuông im lặng hùng tráng thỉnh xong thì sư cô cũng tắt tiếng luôn không còn nói được, rất là mệt. Xin sư cô nghỉ ngơi thêm và cứ để cho thiền sinh đi theo thời khóa của đại chúng, nương theo lực tu tập của chúng mà chuyển hóa, có được không sư cô?”

Sư cô im lặng một hồi rồi trả lời: “Sư em thương, các sư em đang ở tuổi hai mươi, ba mươi, các sư em còn nhiều thời gian lắm. Sư chị đã 74 tuổi rồi, thời gian không còn bao nhiêu nữa. Nhiều người khổ quá, nhất là người trẻ, họ đánh mất giá trị tích cực của gia đình, những liên hệ tốt đẹp giữa con người… Xin sư em thông cảm chấp nhận cho sư chị.” Làm sao giận được nữa với hạnh nguyện lắng nghe của Bồ tát Quán Thế Âm nơi sư cô, con tiếc mình chưa nói được tiếng Pháp, nên chẳng giúp đỡ được sư cô nhiều đành lủi thủi đi ra.

Ở thiền đường Hơi Thở Nhẹ, chúng con được nghe pháp thoại của Thầy từ DVD vào mỗi thứ Năm, Chủ nhật và ngày xuất sĩ thứ Ba hằng tuần. Năm qua, chúng con có cơ hội học lại Duy biểu học, Lâm Tế lục, Quy Sơn cảnh sách và pháp thoại cho người xuất gia từ những năm mới lập Làng…

Đêm rằm, trăng sáng trong veo. Các sư chị, sư em ngồi nghe CD Thầy dạy Quy Sơn cảnh sách và để ánh trăng phủ lên tình thương. Giây phút hạnh phúc nhất vẫn luôn là những giây phút được thiền hành ven bờ sông Marne, ăn trong im lặng, ngồi thiền, thưởng thức hơi thở có ý thức và nghe pháp thoại của Thầy.

Một buổi sáng, khi ngoài trời còn giăng màn sương mờ thì đã có người gõ cửa xin vào thiền đường. Vị ấy ngồi gục đầu trong cơn bế tắc và trầm cảm. Chúng con mời trà, thỉnh chuông, hướng dẫn cách thở, cách buông thư, mở pháp thoại của Thầy cho vị ấy nghe, nhắc nhở, gợi lại biết bao nhiêu điều kiện hạnh phúc còn đang biểu hiện trong cuộc đời… Vài tiếng đồng hồ sau, khi phần nào đã thoát ra khỏi cơn xúc cảm, người ấy bộc bạch: “Sư cô ơi, tôi vừa mới từ địa ngục trở về, địa ngục có thật nơi trần gian này. Tôi khổ quá, tôi đã không thể làm gì ngoài việc đi bộ trong bóng tối suốt hơn bốn tiếng đồng hồ để tới được đây. Được nghe bài pháp của Thầy, nhận được nguồn năng lượng bình an từ các sư cô, tôi thấy mình như vừa sống lại. Đây là thiên đường đó sư cô!”. Chúng con mỉm cười, thở… phào, “Dạ!”

“Quý sư cô ơi, tại sao mình phải sống?” – Đó là câu hỏi mà chúng con nhận được từ một bạn trẻ Việt Nam, qua Pháp du học mới vài tháng và tìm đến thiền đường. Mất hơn 6 tháng, chúng con mới giúp em đi ra được khó khăn, nội kết trong lòng với ba, với mẹ, với bạn bè. Em mất lý tưởng sống, mất định hướng, không tìm được giá trị hạnh phúc đích thực của cuộc đời. Khi ngồi lắng nghe em kể khổ, thỉnh thoảng chúng con dừng em lại, chỉ cho em thấy chú sóc nâu đang chuyền cành ngậm hạt rất thích thú, đàn chim về trú đêm ríu rít trên đầu bụi tre, nhìn tia nắng vàng xuyên qua kẽ lá rơi xuống vai áo, nghe gió mát thổi qua tai, hướng dẫn em cách theo dõi hơi thở, nhận diện và ôm ấp cảm xúc mạnh… Em thực tập theo, từ đó mà em đã có thể cười trở lại, nụ cười trong veo của ngày xưa. Em được nhận tình thương của chúng con, tình thương không điều kiện. Bây giờ em đã có thể nói thương ba, thương mẹ, yêu đời, thích sống… Đó là món quà lớn nhất cho tăng thân. Em bây giờ trở thành một trong những thành viên tích cực của các buổi tu tập và sinh hoạt của tăng thân Vườn Bông – tăng thân của các bạn trẻ Việt Nam sang Paris du học và lập nghiệp.

Với con, mỗi khi trong lòng thiếu bình an, con hồi tưởng lại những kỷ niệm thời còn là sa di ni, còn được quanh quẩn theo chân Thầy, đi ngắm tuyết, leo đồi, hái mận, hái táo, ngắm hoa mùa xuân… là con vui trở lại. Nhớ ngày đầu tiên làm thị giả thiệt là… dỏm. Cứ tưởng làm thị giả bên ngoài thôi nên vào trong xe hơi con ngoẻo cổ vô thành xe ngủ ngon lành. Về đến xóm, Thầy gọi: “Thị giả, dậy con, tới nhà rồi”. Con “Dạ!” một tiếng thật to, rồi hồn nhiên ra về. Về đến phòng, sư chị hỏi: “Hôm nay sư em làm thị giả vui không?”, “Dạ, vui lắm, thích lắm sư chị ạ!”. Con kể lại cho sư chị nghe tất cả những gì đã diễn ra. Nghe xong sư chị rầy nhè nhẹ: “Thị giả ơi, đáng lý em phải ngồi cho tỉnh táo, chứ ai đợi Thầy gọi. Rồi thỉnh thoảng phải hỏi thưa Thầy có dùng trà không, hoặc nói chuyện nhỏ nhỏ với thị giả lái xe cho vị ấy được tỉnh táo sau giờ cơm trưa, để Thầy nghỉ ngơi chứ!” Con không bao giờ quên kỷ niệm ngày đầu tiên làm thị… dỏm ấy! Mỗi lần nhớ lại là thêm một lần thấy tình thương của Thầy thật bao la. Thầy chấp nhận hết những vụng về, thiếu sót của chúng con.

Hằng năm, trước Tết, chúng con đi đảnh lễ, chúc thọ, tặng sách mới xuất bản trong năm của Thầy, tặng mận của Làng đến quý Tôn túc các chùa và quý cha trong các nhà thờ. Không khí ấm áp bên tách trà nóng nhiều đạo vị, chúng con được nhận nhiều lời giáo huấn quý báu, được mời dùng cơm, được quý Tôn túc kể cho nghe bao nhiêu là chuyện tu hành của ngày xửa ngày xưa với Thầy. Quý Ôn luôn nhắc nhở chúng con: “Hẳn là chúng con đã có rất nhiều phước đức mới được làm đệ tử của Sư Ông Làng Mai, được tu học trong tăng thân vững mạnh, có được pháp môn rõ ràng vi diệu. Vì vậy hãy trân quý và tinh tấn thực tập”. Ra về, quý Ôn còn gói cho chúng con nào là bún khô, dầu ăn, bánh tét, trái cây, nồi chè, hộp bánh, mũ ấm… với đầy tình thương yêu và nâng đỡ. Quý Ôn còn lì xì cho chúng con nữa.

Giờ phút này, con mong cho mau đến Tết và khóa tu xuất sĩ, để được về Làng. Con sẽ có mặt đầy đủ trong mọi thời khóa, tận hưởng năng lượng hùng tráng của đại chúng. Con sẽ chẳng cần làm thêm gì nữa, chẳng cần nói gì hết, chỉ ngồi thở và ngắm nhìn tăng đoàn áo nâu hùng hậu, tận hưởng trọn vẹn cái hạnh phúc được trở về với tăng thân lớn. Trong pháp đàm, con sẽ ngồi nghe như uống từng lời của anh chị em, nghe thật trọn vẹn. Con sẽ ngồi ăn cơm thật chậm rãi giữa lòng tăng thân áo nâu. Con sẽ thở thật sâu, ý thức và buông thư trong giờ thiền tọa cùng đại chúng. Con sẽ đi dạo quanh những ngọn đồi, cánh đồng trải rộng của các xóm cùng các chị em. Con sẽ tận hưởng tất cả thật hết lòng, để “đong cho căng túi gió trăng, chế đầy mây và gầy thêm nhiều nắng” trong lòng mình.

Chân Trăng Chùa Xưa