Lá thư Làng Mai 40 – 2017

Đông du ký

Sư cô Trăng Linh Dị người Úc gốc Hoa, xuất gia trong gia đình Cây Trắc Bá (tháng 7/2014). Sư cô hiện đang tu tập tại xóm Mới. Dưới đây là bài viết của sư cô chia sẻ niềm vui khi đi khoá tu và thăm nhà lần đầu tiên kể từ khi xuất gia. Bài viết được Ban biên tập chuyển ngữ từ tiếng Anh.

Kính bạch Sư Ông,

Kính thưa quý thầy, quý sư cô,

Con kính cám ơn tăng thân tin tưởng và cho con có cơ hội được cùng sư cô Tuệ Nghiêm đi hướng dẫn khóa tu ở Quảng Châu, sau đó hành hương lên Cửu Hoa Sơn và Ngũ Đài Sơn, rồi cuối cùng được về Thượng Hải thăm gia đình trước khi trở lại Làng.

Khi nghe đến chuyến đi Trung Quốc, con hơi lo là mình sẽ bị nhịp sống hối hả, căng thẳng, và những ham muốn đời thường cuốn đi. Chỉ khi về lại xóm Mới, con mới thấy chuyến đi ấy là một liều thuốc bổ đến thế nào cho tâm bồ đề của con. Về lại Làng, trong con tràn đầy năng lượng, gặp lại quý sư chị, sư em con hạnh phúc vô cùng, rửa nồi thôi cũng làm cho con thấy vui! Những hành giả người Trung Quốc thường hay nói tới “lực gia trì” mà mỗi khi nghe nói đến con đều thấy có vẻ cao siêu mầu nhiệm. Giờ đây cuối cùng con đã hiểu ra đó chính là nguồn năng lượng phát sinh từ lòng tri ân sâu sắc đối với con đường mà mình đang nguyện đi theo.

Thăm nhà

Lúc ở Thượng Hải, sư cô Tuệ Nghiêm cùng con đi thăm và mừng sinh nhật 93 tuổi của bà ngoại con. Ngoại con bị lẫn nặng. Ngoại vẫn còn nhớ con, nhưng khi các cậu các dì hỏi: “Má tên gì? Hôm nay là sinh nhật ai?” thì ngoại đâm ra bối rối và lo lắng.

Con cho ngoại ăn bánh và thủ thỉ kể cho ngoại nghe về mấy hàng cây ở xóm Mới, về các sinh hoạt của đại chúng và luôn cả tiếng cười của quý sư cô dù biết tai của ngoại không còn nghe được. Mắt ngoại sáng lên rồi ngoại mỉm cười. Thình lình ngoại hỏi: “Mình sẽ hát một bài chứ?”. Thế là sư cô Tuệ Nghiêm, mẹ con và con bắt đầu hát bài “Ta hạnh phúc liền giây phút này” bằng tiếng Hoa. Mắt con nhòa lệ. Đó là lần đầu, mà có thể cũng sẽ là lần cuối con cho ngoại ăn. Một hành động nhỏ nhưng đã làm con thấy mình sẵn sàng hơn để nếu sau này khi ba mẹ con sắp qua đời, con sẽ biết cách giúp cho ba mẹ an tâm, và biết làm gì để đừng bị nỗi sợ hãi xâm chiếm.

Ông ngoại con ngồi đó yên lặng với nụ cười chấp nhận. Khi sư cô đứng dậy để sử dụng phòng vệ sinh, ông ngoại nhắc khẽ: “Bật đèn cầu thang lên cho sư cô thấy đường”. Bà ngoại con cũng hỏi: “Cả nhà ăn cơm tối hết chưa?”. Chao ôi, từ bé đến giờ con đã nghe ông bà thốt ra hàng ngàn lời chăm sóc, thương yêu dịu dàng như thế. Vậy mà sao trước đây con chưa bao giờ cảm nhận được điều này?

Chuyến viếng thăm Thượng Hải của con còn giúp cho tám anh chị em của ba con lần đầu tiên đến được với nhau trong suốt ba mươi năm. Con rất biết ơn ông bà tổ tiên đã gieo trồng những hạt giống lành nên các cô chú, bác của con ai cũng được an lành và hạnh phúc.

Các cô chú bác của con đều cùng nhận xét: “Thấy con hạnh phúc và thoải mái nhẹ nhàng hơn trước kia nhiều”. Có thể đối với mọi người hình tượng người tu là phải như vậy. Hay có lẽ trên thực tế con đã có sự chuyển hóa! Dù sao con vẫn thấy mừng khi biết trong lòng của những người thân có hình ảnh lành mạnh về người tu chứ không phải là hình ảnh của những “thầy tu giả” mà người ta thường nhắc đến ở Trung Quốc.

Hành hương

Vì hoàn toàn không có một khái niệm gì về chuyến đi nên ban đầu con hơi lúng túng một chút. Các tôn tượng Bồ tát hoành tráng và các ngọn núi phủ đầy mây rất là ấn tượng. Nhưng cảnh đám đông người mộ đạo tay cầm cả nắm hương nghi ngút khói chen lấn xô đẩy nhau, những vị thầy đứng bên thùng phước sương nhìn có vẻ chán chường, rồi những pho tượng đầy oai nghiêm nhưng lạnh lùng vô cảm chẳng làm con vui một chút nào. Con phải thực tập như thế nào để có mặt cho những cái ấy đây? Con cố hết sức giữ chánh niệm khi bước đi trên những con đường lên núi. May sao, sư cô dạy con quay về tiếp xúc với những cái đẹp và những tinh hoa của tổ tiên tâm linh đồng thời thực tập từ bi ở chốn đông người khi không có thiện cảm với những gì đang xảy ra.

Khi đến Ngũ Đài Sơn, con thấy quen thuộc hơn. Không khí mát lành, bầu trời trong xanh, mọi thứ đều đơn giản. Có nhiều quý thầy, sư cô từ nhiều truyền thống khác nhau cũng hành hương lên Ngũ Đài Sơn. Muốn lên tới mỗi đỉnh của Ngũ Đài Sơn phải chịu đựng một tiếng đồng hồ dằn xóc khi xe chạy trên những con đường sình lầy hiểm trở. Vào giữa tháng 9, đường đi đã đóng băng hết cả. Đỉnh núi phía Bắc (Bắc Đài) đã phủ đầy tuyết, và cây cối chỗ nào cũng hiếm hoi. Thế mới thấy chư Tổ đã từng quyết tâm dũng mãnh đến dường nào!

Chúng con được hai sư cô chùa Phổ Thọ đón tiếp. Đây là Phật học viện rất hưng thịnh và nổi tiếng là Phật học viện lớn nhất thế giới trong truyền thống Trung Hoa dành cho ni chúng. Ni trưởng sáng lập ra Phật học viện này là con gái của ông tỉnh trưởng đương thời. Trong thập niên 1920, ni trưởng đã vào đại học, một việc hiếm xảy ra trong hàng nữ giới Trung Hoa thời đó. Ni trưởng đã xoá đi định kiến cho rằng chỉ có những người phụ nữ nghèo khổ bất hạnh mới vào chùa tu.

Hai sư cô mời chúng con cùng thực tập địa xúc khi leo lên 1080 bậc thang hướng lên một trong năm đỉnh của Ngũ Đài Sơn thiêng liêng. Vừa đi vừa niệm danh hiệu đức Bồ tát Văn Thù, cứ mười bước thì lạy xuống một lạy.

Lúc mới bắt đầu, trong con khởi lên ý nghĩ “Ôi, các bậc thang ở đây dơ quá”. Nhưng rồi thấy quý sư cô chẳng chút ngại ngần nên con cũng làm theo. Rất nhiều vị xuất gia ở các truyền thống khác cũng thực tập như thế. Thực ra, thực tập như thế này cũng rất buông thư bởi vì con chỉ việc để cho từng bước chân mình “tan” vào trong đất. Con cũng rất tập trung, không hề bị khung cảnh bên ngoài lôi cuốn.

Thật chậm rãi và bình an, chúng con xuống núi. Dù đi ngang qua thùng rác, hay qua mấy chiếc cũi nhốt cáo để bán phóng sinh, chúng con vẫn an nhiên đi, thở, rồi lạy xuống. Bỗng dưng, con chợt nhận ra những bậc thang này cũng chính là những bậc thang mà Sư Ông, Hòa thượng Hư Vân và biết bao bậc tiền nhân, tổ sư đã từng bước qua. Con xúc động đến rơi nước mắt.

Một kỷ niệm khác ở Ngũ Đài Sơn để lại ấn tượng sâu đậm trong con là khi chúng con đi kinh hành quanh ngôi Đại Bạch Tháp. Ngôi tháp này có tầm quan trọng và ý nghĩa rất lớn. Người cô ruột 72 tuổi của con tu tập theo truyền thống Tây tạng đã phát tâm thực tập như vậy nên đoàn cũng thực tập theo.

Suốt hai tiếng rưỡi đi nhiễu quanh tháp, định tâm cũng có mà phân tâm cũng có. Có khi là cảm giác buồn tẻ, đau mỏi, có lúc cũng nếm được an lạc, thấy được cái đẹp; lúc khác thì thấy ngưỡng mộ rồi sau đó lại khởi tâm phán xét… Nhiều người đến rồi đi. Có người đi quanh một vòng, có người đi ba vòng, hoặc nhiều hơn, có người đi nhanh, có người đi chậm. Trời lúc mưa, lúc nắng. Một thế giới đang được thu nhỏ lại, trong khi bánh xe nguyện cầu vẫn tiếp tục quay.

Con rất hào hứng khi được viếng thăm chùa Nam Hoa nơi Lục tổ Huệ Năng giảng đạo. Sư cô Tuệ Nghiêm vẫn nhớ như in kỷ niệm của lần viếng chùa Nam Hoa cùng Thầy và tăng đoàn. Sư cô đưa mấy chị em đi trên con đường núi thật đẹp, quanh co xuyên qua một cánh rừng xanh tốt, một con suối róc rách để cuối cùng dẫn tới một thác nước lung linh huyền ảo! Bướm bay rập rờn khắp lối đi như muốn đùa bước chân người. Con cảm thấy mình có thể nếm được pháp lạc mà Thầy và quý thầy, quý sư cô đã từng nếm ngày xưa.

Lúc lạy xuống trước nhục thân của Lục tổ, trong con dâng lên lòng biết ơn sâu xa đối với bậc thầy cao quý, người đã thách thức quan niệm của Trung Hoa cho rằng chỉ những ai học vấn uyên thâm mới có khả năng giác ngộ.

Chúng con cũng viếng thăm chùa Vân Môn, nơi mà có lần Hòa Thượng Hư Vân đã trùng tu. Chùa nằm giữa những khu rừng xanh như ngọc, được bảo hộ bởi những gốc đa cổ thụ. Sư cô Tuệ Nghiêm giải thích “Em biết không, trong bài Tào Khê, ‘một dòng biếc’ chính là con suối có thật ngay trên đất chùa này đây!”. Đây là một hình ảnh rất thân thương đối với các vị xuất sĩ Làng Mai.

Khóa tu.

Sư cô Hoành Tu, trú trì chùa Thuận Đức (Hội đào tạo và tham luận Phật học), qua Làng Mai dự Đại giới đàn năm 2016 và nhận thấy pháp môn Làng Mai sẽ rất hữu ích cho giới cư sĩ Trung Quốc. Vì vậy, sư cô đã tổ chức một khóa tu tại chùa và mời quý sư cô Làng Mai sang hướng dẫn. Sư cô đã chuẩn bị mọi thứ từng li từng tí, từ hệ thống thông dịch cho đến các chậu nước rửa bát. Ngôi chùa nhỏ nằm giữa trung tâm một thị trấn khá sôi động. Đại chúng gần cả trăm người nêm chật ních hai tòa nhà nhỏ, từ đây có thể nghe nhạc từ các hàng quán ngoài phố vẳng vào. Mọi người được khuyến khích thực tập im lặng hùng tráng trong suốt khóa tu.

Thiền sinh rất khao khát tu tập. Họ đến sớm hơn cả nửa giờ để ngồi thiền, hát thiền ca rất hết lòng, và điều làm con ngạc nhiên là họ chịu mở lòng chia sẻ trong những buổi pháp đàm và thực tập Làm mới. Hạnh phúc nhất là khi nhìn thấy mọi người im lặng, thong thả rửa bát, trên môi luôn nở một nụ cười tươi. Nhiều thiền sinh tu pháp môn niệm Bụt A Di Đà nhẹ nhõm hẳn khi nghe rằng pháp môn họ đang hành trì và phương pháp niệm hơi thở không có gì trái chống nhau. Một sư cô người Trung Quốc chia sẻ là thiền sinh Trung Quốc rất nhạy cảm với từ “Chánh niệm” bởi nó khiến một số người nghe có cảm giác như pháp tu của họ là “tà niệm”. Vì vậy chúng con đã khéo léo dùng những từ như “ý thức”, “chú tâm” trong khi hướng dẫn.

Trong khóa tu, con đảm trách việc thông dịch. Trước đó, con tin chắc rằng mình chỉ đủ năng lượng dịch mỗi ngày một thời thôi. Con rất mừng khi thấy niềm tin đó tiêu tan. Có hôm, dù đã xong thời khóa trọn một ngày, buổi tối con vẫn tiếp tục dịch khi sư cô Tuệ Nghiêm và quý sư cô lớn ở chùa chia sẻ với nhau vì câu chuyện quá hấp dẫn. Con thậm chí còn “thông dịch” thành tiếng trong khi đang ngủ.

Một niềm vui khác là mẹ con đã từ Úc bay qua để theo phái đoàn trọn chuyến đi. Ba con cũng đến Ngũ Đài Sơn, và cũng tham dự một phần của khóa tu. Ba còn vui vẻ nhận làm nhiếp ảnh gia cho Tăng thân. Ngay cả mẹ kế của con cũng đến Ngũ Đài Sơn và khi đoàn về lại Thượng Hải, dì rất phấn khởi nhận cuộn giấy in kinh Phước đức và còn hăng hái học mấy bài tập trong Suối nguồn tươi trẻ do sư cô Tuệ Nghiêm giới thiệu.

Được theo sư cô Tuệ Nghiêm trong cuộc hành trình sống động như vậy đối với một sa di ni như con quả thật là một phước duyên. Con học cách sư cô giữ kỷ luật bản thân: đi đâu sư cô cũng duy trì ngồi thiền, thiền hành, tập thể dục, viết sổ công phu. Con thấy hễ có cơ hội là sư cô tận dụng để quay về với chính mình và thở: khi ngồi trong xe, khi trên máy bay, lúc đứng xếp hàng. Sư cô luôn sẵn lòng chia sẻ Phật pháp, thậm chí ngay khi đoàn đang bị thúc giục phải lên xe cho nhanh để khởi hành.

Con kính cám ơn Sư Ông, quý thầy, quý sư cô đã cho con có cơ hội được biểu hiện cùng tăng thân.

Chân Trăng Linh Dị

* Con xin dành tặng bài viết này cho bà ngoại con – Chen Yu Si-  với tất cả tình thương và lòng biết ơn. Bà vừa qua đời ngày 05.01.2017