Lá thư Làng Mai 40 – 2017

Con đường rộng mở

Thầy Chân Trời Phạm Hạnh, người Hà Lan, xuất gia trong gia đình cây Đỗ Quyên tại Làng Mai trong chương trình 5 năm dành cho người trẻ. Thầy đã hoàn thành chương trình 5 năm vào tháng 10 năm 2016 nhưng vì yêu cuộc sống xuất gia nên thầy đã chọn tiếp tục sống đời phạm hạnh. Thầy lớn lên trong một gia đình theo đạo Thánh Tông đồ (Apostolic), là đạo có nguồn gốc từ Thiên chúa giáo, dựa trên lời dạy của 12 vị Tông đồ của chúa Jesus. Thầy Chân Trời Phạm Hạnh là một vị xuất gia trẻ, rất năng động trong tu tập và phụng sự, nhất là đối với phong trào Wake Up.

Tôi vẫn còn nhớ rất rõ về cộng đồng mà tôi đã sinh hoạt hồi còn nhỏ. Muốn đến đó, chúng tôi phải leo cầu thang để đi lên một cái sảnh lớn có cửa sổ lắp bằng những tấm kính màu. Ở đó rất đông người, vừa lớn vừa nhỏ, mà trẻ con chúng tôi gọi là cô, chú hay bác. Vì còn bé nên tôi thường ngồi cạnh một anh lớn hơn và được cho ăn kẹo bánh, với điều kiện là tôi phải ngồi yên. Cảm giác mà tôi nhớ rõ nhất là tôi có thể được là chính mình, và được thương yêu. Ấn tượng và kinh nghiệm đó vẫn còn ở trong tôi, làm tôi thấy mình giàu có. Tôi không thể giải thích bằng lời một người theo đạo thánh Tông đồ (Apostolic) là gì, nhưng tôi chắc chắn rằng gốc rễ đó chính là nền tảng của cuộc đời tôi. Ba mẹ tôi thật sự đã làm hết khả năng để cho tôi những gì tốt đẹp nhất. Dù chúng tôi cũng có những lúc khó khăn, bão táp nhưng chúng tôi vẫn rất gần gũi với nhau.

Khi tôi tìm ra được Thầy và Làng Mai, tôi cảm thấy như mình đã về nhà. Những mảnh ghép như đã được ráp lại hoàn chỉnh và tôi có thể nhìn thấy chính mình trong một luồng ánh sáng thật mới mẻ. Điều đó thật rõ ràng và mạnh mẽ đến nỗi sau đó tôi đã trở thành một người xuất gia. Bây giờ thì tôi lại có duyên được trải nghiệm con đường tuyệt đẹp này với một cộng đồng thứ hai.

Là một người xuất gia, tôi sống trong một cộng đồng, đó là tăng thân của tôi. Mỗi hai năm một lần, tôi có thể về thăm gia đình huyết thống hai tuần. Hai tuần có vẻ hơi ngắn ngủi, nhưng tôi thường xuyên nói chuyện với gia đình qua mạng và ba mẹ cũng thường đến Làng thăm tôi. Vì thế tôi không thấy mình sống xa gia đình. Mỗi khi về thăm nhà, tôi có cảm giác như mình chưa bao giờ đi xa. Tuy vậy, mỗi khi về thăm nhà, tôi lại rất mong gặp lại cộng đồng Apostolic của mình. Trong một chuyến thăm nhà gần đây, tôi đã đến dự một buổi lễ Chủ nhật ở nhà thờ. Buổi lễ hôm ấy rất đặc biệt bởi vì ba tôi là người làm lễ. Dù ba tôi không còn đứng trong vị trí một giáo sĩ trong nhà thờ vì lý do sức khỏe, nhưng đúng ngày tôi về thăm nhà, ông lại được mời làm người giúp cho buổi lễ.

Sáng hôm đó, tôi ngồi cạnh mẹ trong nhà thờ. Cảm giác rất đặc biệt vì tôi lại được về nhà, với cộng đồng quen thuộc và chia sẻ khoảnh khắc ấy với ba mẹ. Bài giảng của ba tôi thật mạnh mẽ, đầy cảm hứng và rất thật. Giờ “Rondgang” đã đến, đó là nghi lễ rước bánh thánh (biểu tượng của lời Chúa dạy, nó có kích thước cỡ đồng kim loại 2 euro).

Ba tôi được mời giúp lễ. Mọi người lần lượt lên nhận bánh thánh trong khi ban đồng ca nhà thờ tiếp tục các bài thánh ca. Tôi ngồi chờ bên cạnh mẹ, lắng nghe. Đột nhiên tôi nhận ra mình là người cuối cùng đứng trong hàng. Mọi người trong hàng tôi đang đứng di chuyển lên rất chậm, có lẽ vì ba tôi làm gì cũng rất từ tốn. Những hàng khác đã xong hết rồi nên rất nhiều người đứng trước tôi đã đến rước bánh từ những người giúp lễ khác. Việc này làm tôi bị đặt trong một hoàn cảnh khó xử, bởi vì tự đáy lòng, tôi không bao giờ muốn làm phiền người khác, nhưng nếu tôi là người cuối cùng ở trong hàng, mà tôi lại cứ đứng chờ để được nhận bánh thánh từ ba thì mọi người trong cộng đồng sẽ phải chờ tôi. Nhưng dù sao đi nữa tôi cũng đang đứng đó, tôi đã trở về giữa môi trường apostolic thân quen sau một thời gian dài xa cách. Tôi, một thầy tu Phật giáo Apostolic, đứng xếp hàng để chờ đến lượt nhận bánh thánh từ chính cha mình.

Đây là khoảnh khắc dành cho tôi, đây là ba tôi… Tôi phải nắm lấy khoảnh khắc này, để nó không trôi qua một cách oan uổng!

Cuối cùng tôi đã đứng trước mặt ba tôi. Ba tôi nhìn vào mắt của tôi, thật lâu. Và tôi cũng nhìn sâu vào mắt của ba. Cả cộng đồng lặng nhìn hai cha con tôi. Một nụ cười, một sự kết nối giữa hai cha con. Tôi đứng đây, tràn đầy sức mạnh và niềm tin, và ba tôi cũng vậy, cũng đã lấy lại được sức mạnh của mình.

Khi tôi báo cho ba là tôi muốn xuất gia, ba tôi nói: “Có rất ít người thật sự dấn thân để thực hiện cho được những ước mơ sâu sắc nhất của cuộc đời mình. Ba rất hãnh diện về con. Ba ủng hộ con”.  Và tôi đã biến ước mơ đó trở thành sự thật, tôi trở thành một người xuất gia. Và tôi thấy, làm thầy tu thật thích.

Ba tôi đưa cho tôi chiếc bánh thánh và đọc: “Sự dâng hiến linh hồn con cho Thượng Đế đã được chấp nhận và khẳng định”. Bánh thánh trên tay, nét mặt của ba tôi… Trong khoảnh khắc ấy, thời gian như ngưng đọng: ba tôi và con trai, bao nhiêu tình thương ba đã dành cho anh em tôi, cố gắng rồi thất bại, rồi kiên trì làm lại lần nữa. Khoảnh khắc ấy là khoảnh khắc của một sự kết nối đích thực, của tình thương đích thực. Tôi nói: “Amen, thưa ba, con thương ba lắm!”.

Cả cộng đồng im lặng. Khoảnh khắc ấy rất riêng tư, rất thật, và đó chính là một món quà cũng rất thật.

Tôi nhận ra rằng tôi có thể hiến tặng nhiều hơn là tôi nghĩ, bằng cách chỉ cần là chính mình, chỉ tận hưởng không gian dành riêng cho mình. Tôi không cần phải phụng sự cho thế giới bằng cách làm cho tôi nhỏ hơn hoặc lớn hơn con người thật của mình. Tôi chỉ cần là chính tôi, và đó là cách tôi phụng sự chân thật nhất.

Chân Trời Phạm Hạnh