Lá thư Làng Mai 40 – 2017

Con đã thỉnh ý tăng thân chưa

Khoảng một tuần sau khi xuất gia vào tháng 2 năm 1998, chúng tôi – chín sư chú, sư cô thuộc gia đình cây Táo – ngồi lại với nhau để bàn về việc tổ chức những sinh hoạt có thể đem đến sự kết nối và truyền thông giữa các thành viên trong gia đình cây Táo cũng như với những sư anh, sư chị đã xuất gia trước đây. Chúng tôi có đề nghị tổ chức một buổi đi dã ngoại vào ngày làm biếng đầu tiên của mỗi tháng. Mỗi lần đi, chúng tôi mời một vài sư anh, sư chị của các cây xuất gia trước đi cùng. Chúng tôi thỉnh ý quý thầy, quý sư cô lớn và sau đó lên xin phép Thầy. Thầy gật đầu chấp thuận sau khi hỏi chúng tôi: tăng thân đã cho phép chưa?

Lần đầu tiên ở Làng các sư chú, sư cô mới xuất gia được phép đi sinh hoạt với nhau. Là sư anh lớn của cây Táo, lớn lên trong gia đình huyết thống có đến mười anh chị em, tôi biết nhu cầu để các sư anh, sư chị, sư em cùng cây hiểu nhau là có thật và rất lớn. Tuổi đời của chúng tôi lúc đó cũng không nhỏ gì lắm, đa số đều trên dưới ba mươi, người lớn tuổi nhất lúc đó đã năm mươi, nhỏ nhất là sư em út Kính Nghiêm – “baby nun” đầu tiên của Làng, mười bốn tuổi. Tuy nhiên, khi mới xuất gia, đi sinh hoạt với nhau cần phải có các sư anh, sư chị lớn có mặt và hướng dẫn. Khi xin phép, chúng tôi nói rõ lý do là những buổi sinh hoạt này có tính cách xây dựng tăng thân chớ không phải là chỉ đi chơi với tính cách cá nhân. Những đề nghị mình xin thực hiện mà đem lại lợi ích cho tăng thân thì tăng thân thường chấp thuận. Chúng tôi thay phiên nhau tổ chức những ngày đi chơi đó.

Buổi đầu tiên gồm có các thầy, các sư cô lớn như thầy Nguyện Hải, thầy Vô Ngại, thầy Pháp Ấn, thầy Pháp Dụng, sư cô Trung Chính… đi cùng, trên dưới ba mươi người. Chúng tôi đi thăm thành khuôn viên nhà thờ. Các buổi đi chơi chấm dứt sau khi mỗi người chúng tôi đã có cơ hội tổ chức một lần, tất cả là chín lần. Chúng tôi có dịp đi thăm hầu hết các thắng cảnh trong vùng. Sau này, việc đi chơi của các gia đình xuất gia đã trở thành một truyền thống của Làng.

Khi tổ chức một sinh hoạt, ban điều hợp sinh hoạt đó có nhiệm vụ tổ chức những buổi họp trong đại chúng để thảo luận và đi đến quyết định chung, sau đó thì trình lên Thầy để Thầy chỉ dạy. Thường thì Thầy giữ nguyên những quyết định đó, trừ khi thật cần thiết mới đổi. Trong chuyến đi Bắc California năm 2002, thầy Pháp Dụng và tôi phụ trách tổ chức khóa tu xuất sĩ tại tu viện Kim Sơn. Vì thời gian tổ chức hơi gấp và đã tổ chức khóa tu tại đó nhiều lần, nên chúng tôi dựa theo thời khóa cũ và vào trình với Thầy. Thầy hỏi đã thỉnh ý tăng thân chưa. Chúng tôi thưa là vì thời gian eo hẹp, nên thỉnh ý Thầy trước rồi trình với tăng thân sau. Thầy nói vậy là không được, phải bắt đầu từ tăng thân trước.

Khi tôi đứng trong vai trò của một sư anh lớn, cần lắng nghe hết ý kiến của tăng thân rồi mới đưa  ra ý kiến của mình, tôi hiểu hơn về quá trình làm một quyết định. Trong các buổi họp, các vị lớn thường hay phát biểu sau cùng. Vì nếu các vị lớn đưa ra ý kiến của mình sớm quá, các vị nhỏ hơn sẽ ngại đưa ra những ý kiến khác với ý kiến của những vị lớn. Thầy là một thành viên của tăng thân, khi Thầy chưa cho ý kiến thì những đề nghị mà tăng thân trình lên chưa là ý kiến của toàn thể tăng thân. Thầy không dùng vị trí của một vị thầy, của một người lớn để áp đảo ý kiến của đệ tử. Trong mô hình dân chủ, mỗi người có một lá phiếu, giá trị của mỗi lá phiếu đều như nhau. Điều đó đúng khi làm quyết định, nhưng khi thảo luận thì ý kiến của Thầy được lắng nghe nhiều vì đức độ và tuệ giác của Thầy tạo một niềm tin trong đại chúng. Tăng thân nghe theo những đề nghị của Thầy để quyết định vì những điều đó đúng. Những điều đúng khi nói ra thì được lắng nghe, cho dù là được nói bởi các thầy, các sư cô trẻ. Tăng thân chúng ta đang từ từ tập nghe những lời chia sẻ của các thầy, các sư cô lớn. Quý vị đang thay mặt Thầy hướng dẫn các sư em, vì bây giờ Thầy không còn trực tiếp dạy. Các thầy, các sư cô lớn cũng có đức độ, tuệ giác đã được huân tập và phát triển sau nhiều năm tu học. Vai trò của các thầy, các sư cô lớn từ từ được biểu hiện cụ thể hơn.

Tiếng Hoa có sự phân biệt rõ ràng giữa hai cụm từ “sư phụ/đệ tử” và “thầy/trò”. Sư phụ có nghĩa vừa là thầy vừa là cha; đệ tử có nghĩa vừa là em, vừa là con. Cha con, anh chị em thì có sự truyền thừa. Ở Tây phương cũng vậy, họ dùng hai cụm từ “master/disciple” và “teacher/student”. Chữ “master” được định nghĩa là người mà những điều họ dạy được người khác nghe và làm theo, ví dụ như Zen Master. Chữ “disciple” được định nghĩa là người học và làm theo những điều mà thầy mình dạy. Nó khác nhiều so với cụm từ thầy/ trò. Học trò không gọi thầy cô giáo dạy toán, lý, hóa… là sư phụ, là master, mà là teacher. Theo định nghĩa của sự liên hệ trao đổi kiến thức thuần túy, học trò không phải làm theo những điều mà thầy dạy. Sư phụ/đệ tử thì thường dùng trong lãnh vực tâm linh, có sự truyền thừa của một tông phái. Ở Làng Mai thì cụm từ thầy/trò được dùng nhiều hơn nhưng được hiểu theo nghĩa sư phụ/đệ tử. Vì trong truyền thống văn hóa Việt Nam, người thầy thường đóng vai trò của cha mẹ và người học trò thường đóng vai trò của người con/người em.

Một vị vua Trung Hoa đời nhà Tề, sau khi họp nội các về thì khóc ròng. Hoàng hậu hỏi vì sao, nhà vua nói là triều đại của ông sẽ không có tương lai. Trong các buổi họp, các quan đều đồng ý với những điều nhà vua nói, ai cũng gật đầu. Vua nói là vua cần nghe những lời phản biện, chớ cái gì cũng đồng ý với vua hết thì đâu cần họp nội các làm gì, quyết định một mình cho khỏe. Các vị minh quân, các vị lãnh đạo giỏi đều có thái độ cởi mở như vậy. Họ biết những ý kiến khác biệt sẽ giúp sáng tạo hơn và sẽ dẫn đất nước, đoàn thể đi lên. Tăng thân Làng Mai cũng sinh hoạt theo tinh thần đó. Trong một buổi họp, nếu có nhiều ý kiến khác nhau thì đó là một điều đáng mừng. Cần tạo ra không gian và sắp xếp thời gian để những ý kiến mới được nói ra. Tôi nhận thấy trong các buổi họp hạnh phúc, khi không bị giới hạn về thời gian và không phải làm quyết định thì nhiều ý kiến hay được đưa ra hơn là trong các buổi họp để quyết định những điều cần phải làm.

Những con ong, ví dụ như loài ong mật, sống trong một cộng đồng có tổ chức quy mô và chặt chẽ. Có ba loại ong: ong chúa, ong đực và ong thợ. Ong chúa sống từ hai đến ba năm và chỉ có nhiệm vụ sinh nở. Ong đực sống từ vài tuần đến năm tháng, có nhiệm vụ giao hợp với ong chúa rồi chết. Ong thợ, chiếm hơn 95% dân số, quyết định và lo hết tất cả các việc khác như kiếm ăn, xây tổ, nuôi em, bảo vệ… Ong thợ nếu sinh vào mùa sản xuất mật, tức là mùa xuân hay mùa hè, thì chỉ sống được khoảng sáu tuần, vì phải làm việc rất nhiều. Nếu sinh vào mùa thu/đông thì sống khoảng năm tháng. Cho nên, cộng đồng ong luôn luôn được đổi mới và trong thời gian sống ngắn ngủi đó, các con ong thợ phải học hỏi, thực tập và trao truyền kinh nghiệm sống cho thế hệ kế tiếp. Một công trình đòi hỏi sự kiên trì và liên tục. Dĩ nhiên là chúng không cần phải biết tất cả. Có những lãnh vực chuyên môn chỉ được giao cho một nhóm, do toàn cộng đồng ong chỉ định ra. Chỉ định xong rồi thì tin tưởng, giao khoán việc đó cho nhóm đó thực thi. Chúng có những nguyên tắc sống còn được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Ví dụ như xây dựng tổ thì phải theo bốn tiêu chuẩn: cách mặt đất ít nhất là 4,5m để các loài thú khác khó phá; lỗ ra vào tổ khoảng 20cm2, lớn vừa đủ để ra vào và nhỏ đủ để các loài vật khác khó vào; lớn khoảng 40 lít khối cho một cộng đồng mấy chục ngàn ong; và ở trên/trong thân cây còn sống. Khi có nhu cầu tạo chỗ mới, cộng đồng mấy chục ngàn con ong này giao cho ban xây dựng, gồm khoảng 500 con ong thợ thâm niên và có nhiều kinh nghiệm. 500 con ong thuộc ban xây dựng này nghiêm túc theo bốn nguyên tắc trên mà kiếm chỗ, xong về bàn bạc với nhau, khi có quyết định rồi thì cả đàn mấy chục ngàn con đi theo thôi.

Và nếu vì nhu cầu sống còn hay nhu cầu phát triển mà phải thay đổi bốn tiêu chuẩn xây tổ trên thì chúng cũng làm. Nhưng sự thay đổi đó cần phải qua kinh nghiệm sống và phải hiểu rõ những cái cũ. Cần phải biết rõ truyền thống trước khi thay đổi.

Trong đời sống tăng thân Làng Mai, sự thay đổi cần được làm theo tinh thần “Bồi đắp gốc rễ, khai thông suối nguồn”. Trong sự nghiệp duy trì và phát triển các pháp môn sau này, Thầy dạy là cần phải có bốn pháp ấn – đã về đã tới, đi như một dòng sông, thời đế tương tức và sát na dị thục – nền tảng của các pháp môn giảng dạy và thực tập của Làng Mai.

Khóa tu An cư kiết đông năm 2010 – 2011, tôi  có dịp về Làng ba tháng và được giao nhiệm vụ hướng dẫn nhóm thiết kế trang nhà Làng Mai mới. Các sư em hỏi tôi: “Thầy dạy nên có mục ‘Đài Mây Tím’, nhưng các sư em không hiểu nó là gì, nghe hơi lạ tai, không biết có nên làm không?”. Tôi trả lời: “Chưa nghe Thầy nói về điều đó, có thể không làm, nhưng nên thỉnh ý Thầy lại cho chắc”. Một tuần sau, khi đang ngồi uống trà với thầy Pháp Ứng thì Thầy và thị giả ghé qua phòng chơi. Thầy gọi tôi lại gần và nói: “Ngày xưa các thầy tu rất thảnh thơi, mỗi chùa thường có một đài để ngắm mây tím, lại có hiên để nghe mưa nữa, cho nên cần có mục Đài Mây Tím”. Tôi mắc cỡ sám hối với Thầy vì không biết nên mới khuyên các sư em như vậy. Có nhiều điều tôi chưa biết, thật may mắn khi có người chỉ những điều đó cho mình.

Tôi đến Làng lần đầu tiên vào năm 1987, lúc 26 tuổi. Hồi đó tôi gặp khó khăn về tình cảm, cần có nhu cầu chuyển hóa khổ đau nên tôi đến Làng để hiểu về tâm lý học chứ không phải vì quan tâm đến tôn giáo. Tu học được vài năm, tôi thật sự có chuyển hóa nên rất có niềm tin vào pháp môn. Mùa thu năm 1998, lần đầu tiên được tiếp xúc với Duy biểu học, tôi thấy những lời dạy trong  đó giống nhiều điều tôi đã trải qua. Ta không thể nào hiểu Duy biểu qua ngôn từ được, chỉ có thể sống, kinh nghiệm và thực chứng Duy biểu mà thôi. Sau đó, tôi có dịp đọc cuốn Duy biểu học – phiên tả những bài pháp thoại Thầy giảng trong khóa tu mùa đông 1993-1994. Trong mục  mong muốn của tác giả, Thầy nói: “Nếu nội dung của năm chục bài kệ Duy biểu có thể dùng làm tài liệu trong các khóa tu dành cho ngành tâm lý trị liệu để trị các bệnh tâm thần thì những bài kệ đó đã làm được vai trò của chúng”. Câu nói đó ở mãi trong tâm thức tôi, là tư niệm thực để hướng dẫn tôi tìm hiểu và làm một cái gì ý nghĩa về lĩnh vực này.

Từ năm 2007, khi bắt đầu sinh hoạt tại Hồng Kông, tôi thích tìm hiểu về lãnh vực chánh niệm trong y học thân tâm (mind-body medicine). Vào mùa hè năm 2012, Centre of Behaviorial Health (Trung tâm Sức khỏe Hành vi) của Đại học Hồng Kông mời tôi hướng dẫn chánh niệm cho nhóm chuyên gia trong lĩnh vực y tế và phụng sự xã hội (Health care and social service professionals). Tôi bắt đầu nghiên cứu thêm về thần kinh học, sinh học tế bào (Cellular biology) và các ngành tâm lý Tây phương. Tôi chia sẻ những việc này với Thầy và bắt đầu tổ chức các khóa tu chuyên ngành cho các chuyên gia y tế và tâm lý học. Thầy khuyến khích và nhắc tôi nên kết hợp việc hướng dẫn của mình với những kiến thức khoa học, vì với giới hàn lâm thì “nói có sách, mách có chứng”. Thầy cũng gởi cho tôi tập tài liệu tại hội nghị Chánh niệm – Y học thân tâm mà Thầy đã hướng dẫn  tại đại học Harvard vào tháng 9 năm 2013. Sau một khóa tu chuyên ngành dài tám ngày cho ba mươi bác sĩ tâm lý trị liệu vào tháng 11 năm 2013 tại Thái Lan, tôi xin phép Thầy cho AIAB thành lập “Trung tâm Thân tâm kiện an thở và cười”. Sau hơn 2 năm chuẩn bị, trung tâm đi vào hoạt động vào tháng 4 năm 2016. Nhìn lại, hạt   giống của trung tâm này đã được nuôi dưỡng mười tám năm, từ khi tôi đọc câu nói của Thầy trong cuốn Duy biểu học.

Trong tập tài liệu “Trăng sao là tâm thức”, Thầy nhắc “Duy biểu trong thế kỷ của ta phải đi sát với sinh học và lý học, chứ không phải chỉ đi sát với luận lý học như ở thời kỳ Pháp Xứng và Trần Na. Tâm lý học và sinh lý học phải đi đôi với nhau. Nghiên cứu về quá trình phát sinh tư tưởng và cảm thọ, ta phải có kiến thức về thần kinh và não bộ…” và Thầy dạy các sư anh, sư chị tìm hiểu thêm về lĩnh vực này để hướng dẫn cho các sư em. Những khám phá về thần kinh học kể từ thập niên 90 của thế kỷ XX đến nay cho biết là hệ thống thần kinh cảm xúc (limbic system) có những hành vi tương tự như ý căn (mạt na căn) và tình thức (ý, mạt na thức) vậy. Nó cũng giải thích cách làm việc của tàng thức, ý thức và năm thức giác quan khá rõ ràng. Tôi cũng thấy rằng Duy biểu học có thể được xem là nền tảng cho những trường phái tâm lý học Tây phương. Trong khóa tu mùa đông năm nay tại EIAB, tôi có hướng dẫn một lớp về đề tài này cho các thầy, các sư cô trẻ. Tôi có một ước mơ đưa Duy biểu học trở thành một ngành học Tâm lý hiện đại. Cho nên tôi cũng gieo hạt giống này cho các vị cư sĩ nữa, nhất là cho các chuyên gia tâm lý học. Nhiệm vụ của người hoằng pháp là gieo hạt. Hạt giống có thành cây hay không là tùy duyên. Tạo duyên nhưng tùy duyên.

Xin tạ ơn Thầy đã gieo những hạt giống tốt cho tôi và cũng đã tạo điều kiện cho những hạt giống đó được nẩy mầm và phát triển thành hoa trái.