Lá thư Làng Mai 40 – 2017

Ân tình

Trích từ “Nhập viện ký”

Kính bạch Thầy,

Thất Da Cóc sáng nay thật yên tĩnh. Những cây tùng xanh đang đứng rất vững chãi bên những loại cây cho hoa cho trái. Trên thảm cỏ dại trước sân cốc, những chú ong và vài ba cánh bướm đang bay lượn bên nhau. Năm nay chúng con không cắt cỏ trước sân cốc. Nhìn hoa dại mọc xen lẫn trong cỏ thật đẹp nên chúng con để vậy cho tự nhiên, nhờ thế mà có rất nhiều ong bướm tìm đến để vui chơi và hút mật. Cảnh tượng này đã nuôi dưỡng con rất nhiều. Hạnh phúc của người tu thật đơn sơ và giản dị.

Ngồi nhâm nhi tách trà nóng trên tay, ký ức đưa con trở về thăm lại những ngày con lâm bệnh trong chuyến hoằng pháp của Thầy và tăng đoàn ở Tây Ban Nha.

Hoằng pháp tại thành phố Madrid

Chuyến bay của hãng hàng không Iberia từ Bordeaux đến Madrid đã bị hoãn lại hai tiếng đồng hồ vì lý do an ninh tại phi trường Bordeaux. Máy bay đáp xuống phi trường Madrid vào khoảng 8 giờ tối ngày 25 tháng 4 năm 2014. Mấy thầy trò được thầy Pháp Lưu, Pháp Liệu và một số tăng thân người Tây Ban Nha chào đón và đưa về nghỉ ngơi tại một căn nhà riêng của một cô thiền sinh trong ban tổ chức. Tối ấy con ngủ không được, sáng thức dậy con thấy trong người không khỏe cho lắm. Buổi pháp thoại công cộng của Thầy được tổ chức tại một nhà hát lớn ở thành phố Madrid vào ngày 27 tháng 4. Sáng hôm ấy khi đi theo Thầy và tăng thân đến rạp hát, con cảm thấy trong người hơi khó chịu, như sắp bị cảm. Ngồi nghe pháp thoại của Thầy trên sân khấu con bắt đầu bị sốt, toàn phần thân trên nóng lạnh, con cố gắng theo dõi hơi thở và ngồi thật yên để nghe Thầy giảng xong thời pháp thoại. Tối ấy con bắt đầu lâm bệnh.

Hoằng pháp tại thành phố Barcelona

Chuyến xe lửa tốc hành đưa hai thầy trò đến sân ga Madrid vào lúc 3 giờ chiều, ngày 6 tháng 5. Thầy Pháp Dung, thầy Pháp Lưu và tăng thân cư sĩ địa phương đến đón và đưa thầy trò về nghỉ ngơi tại một tu viện Công giáo Sant Felip Neri trong thành phố Barcelona.

Buổi pháp thoại công cộng của Thầy được tổ chức vào ngày 8 tháng 5 tại trung tâm hội nghị Barcelona. Trung tâm này khá khang trang và rộng lớn. Hôm ấy con rất mệt, có thể là mệt nhất từ khi con tới Tây Ban Nha. Một chú tài xế rất dễ thương chở thầy trò đến Trung tâm hội nghị Barcelona. Thầy ngồi ghế trước, con ngồi ghế sau lưng Thầy và Thầy đã cảm được hơi thở hổn hển của con. Thầy móc hộp “tiên đơn” nhỏ trong túi áo Tiếp Hiện ra đưa cho con và bảo: “Con ngậm đỡ cái này!”. Ngày hôm ấy hơi thở của con cũng như một “điện tâm đồ” rất ngắn và cạn. Con cố gắng tập trung để giữ thăng bằng. Thầy biết hôm nay có bác sĩ Hạnh từ Paris đến nên Thầy dạy con khi nào thấy tiện thì mời bác sĩ Hạnh vào cho Thầy hỏi việc. Hôm ấy, sau khi đưa Thầy lên sân khấu, con lùi lại đằng sau hậu trường, không dám đứng trên sân khấu để tụng kinh cùng quý thầy và quý sư cô vì sợ sẽ bị xỉu nửa chừng làm động buổi giảng của Thầy.

Tối hôm ấy con ngủ không được, hễ con nằm ngửa là ho và khi nằm nghiêng thì đau và lại càng ho nhiều hơn. Phòng con nằm kế bên phòng Thầy, con sợ làm động giấc ngủ của Thầy nên ngồi dậy để bớt bị ho. Sáng hôm sau bác sĩ Hạnh đến, vào đảnh lễ và hầu chuyện với Thầy, sau đó sư cô Chân Không đưa bác sĩ qua phòng khám cho con. Hôm sau bác sĩ tìm được một bệnh viện nhỏ gần nơi tu viện mà thầy trò đang trọ. Chiều ấy, bác sĩ đến dẫn con đi, con hỏi xem chỗ ấy có xa không, bác sĩ bảo không xa, đi bộ khoảng 15 phút. Vừa bước xuống cầu thang, con thấy quá mệt. Con thì thầm trong bụng: “Bụt ơi, Bụt đi cho con!”. Thở vào, con bước một bước và thở ra, con bước một bước. Mỗi bước là một hơi thở, cứ như thế con từ từ bước theo bác sĩ. Bác sĩ dẫn con đi chầm chậm như đang tập cho một em bé mới biết đi. Khi gần đến bệnh viện, bác sĩ nói với con rất trịnh trọng: “Thầy ơi! Con rất hy vọng là sự chẩn đoán của con sai. Hôm qua tới giờ con nguyện với đức Bồ tát Quan Thế Âm cho thầy không có gì. Con nghĩ là trong phổi của thầy có nhiều nước lắm”. Sau khi chụp hình quang tuyến, kết quả cho thấy hơn hai phần ba lá phổi bên phải của con đã bị nước phủ đầy. Nhìn hình quang tuyến, bác sĩ Hạnh đoán ít nhất cũng phải từ hai đến ba lít nước. Bây giờ con mới hiểu vì sao mấy ngày nay con bị khó thở và cứ sốt liên miên. Sau khi có kết quả, bác sĩ Hạnh bàn với sư cô Chân Không, quý thầy và quý sư cô đưa con vào nhập viện.

Nhập viện Perigueux

Chúng con rời tu viện Sant Felip Neri vào lúc 9 giờ sáng, ngày 10 tháng 5. Con đường dài hơn 669 cây số từ thành phố Barcelona – Tây Ban Nha đến thành phố Perigueux – Pháp, vậy mà sư chú Pháp Đan và chú Pep chỉ lái xe khoảng 7 tiếng đồng hồ. Hai người hết lòng thay phiên nhau lái. Con ngồi phía sau rất mệt và nói không ra tiếng. Con ngồi với cặp mắt lim dim vì hơi thở của con lúc ấy vô cùng ngắn. Con thở hì hục như ngọn đèn trong đêm thâu sắp sửa cạn dầu. Thấy con mệt nên hai vị lái xe đưa thẳng đến bệnh viện mà không ghé nghỉ ngơi lần nào, ngoại trừ ghé để đổ xăng.

Chúng con đến bệnh viện Perigueux lúc 4 giờ chiều. Hôm nay là thứ Bảy nên bệnh viện không có nhiều nhân viên và bác sĩ. Phải đến gần 9 giờ tối con mới được đưa vào phòng chẩn đoán.

Tối hôm đó y tá cho con biết là phải đợi tới sáng ngày hôm sau mới hút nước trong màng phổi của con ra được. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời mà con ngủ qua đêm trong phòng cấp cứu. Không khí ồn ào như một cái chợ. Cứ mỗi lần lên cơn sốt con lại báo cho y tá biết và họ tới cho con thêm thuốc Paracetamol. Trong bầu không khí ngột ngạt khó thở, con thực tập trở về với hơi thở vì không muốn để cho tâm ý phải đi phiêu bạt giang hồ. Con thực tập như sau:

Thở vào, con ý thức đây là hơi thở hổn hển.
Thở ra, con ý thức đây là hơi thở ngắn.

Thở vào, con ý thức đây là hơi thở có nước.
Thở ra, con ý thức đây là hơi thở có bong bóng.

Lâu nay con được học và thực tập kinh Quán niệm hơi thở và kinh Tứ niệm xứ, nhưng đây là lần đầu tiên con ý thức được hơi thở ngắn thật sự là như thế nào. Nước ở trong màng phổi nhiều quá nên phổi không có đủ không gian để giãn ra hoặc xẹp xuống, vì thế hơi thở rất ngắn và hổn hển khiến con mệt nhoài. Kinh nghiệm trực tiếp với những hơi thở thật ngắn như vậy cho con thêm sự thấu cảm với những người đang nằm hấp hối, cái cảm giác đương đầu với sự sống chết. Đêm ấy con tự hỏi mình: “Nếu mình ra đi trong tình trạng như thế này thì mình có luyến tiếc gì không? Có cái gì muốn làm mà mình chưa có cơ hội làm?”. Hai câu hỏi này giúp con nhìn lại. Lạ lùng thay, câu trả lời đi lên rất nhanh, rõ ràng và con không cần mất phút nào để suy nghĩ: “Cuộc đời là thế! Việc cần làm đã làm! Chơi như làm, làm như chơi!”. Con nhìn lại chặng đường mình đã đi qua như: gặp được chánh pháp, gặp được Thầy và tăng thân, đặc biệt là con được làm một người tu sống một cuộc đời rất sâu sắc và có nhiều ý nghĩa. Đối với con cuộc đời bao nhiêu đó là đầy đủ lắm rồi. Vì thế, con cảm thấy rất nhẹ nhàng. Nếu hết duyên phải ra đi, thì ra đi. Con sẵn sàng ra về để tiếp nối đường đi.

Hút nước trong màng phổi

Mờ sáng hôm sau con được chuyển lên khu chăm sóc đặc biệt. Trước tiên, bác sĩ để con ngồi trên một cái ghế và bảo con cúi đầu lên một cái bàn trước mặt. Bác sĩ chích thuốc tê vào sau lưng, phía phổi bên phải, nơi bác sĩ sẽ hút nước. Bác sĩ dùng một cây kim thật to và dài có lỗ hổng rộng ở giữa. Cây kim to như cây lẹm xỏ lỗ tai lợn và chiều dài khoảng gần một gang tay. Cây kim này được kết nối với một cái ống hút hơi mà bác sĩ dùng hơi để hút nước ra. Bác sĩ định vị chính xác rồi chích vào. Tuy không đau, nhưng con cảm được sức đẩy của cây kim xuyên qua da thịt và con cảm thấy rất thốn. Lúc ấy, con theo dõi và tập trung vào hơi thở, phó thác mọi chuyện khác cho bác sĩ. Bác sĩ cho con biết nước ra nhiều lắm! Khoảng 3 đến 4 phút sau con bắt đầu bị sặc vì sức ép hơi. Đây là giai đoạn nguy hiểm. Bác sĩ liền vội rút kim ra. Nếu không sẽ làm con thiệt mạng. Con hỏi bác sĩ xem trong bình đó bao nhiêu nước, bác sĩ bảo một lít rưỡi! Con không thể nào tin được là trong màng phổi của con có nhiều nước đến thế. Bác sĩ cho biết vẫn còn nhiều nước lắm, nhưng hôm nay chỉ có thể lấy ra được bấy nhiêu, bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi và rút ra. Bây giờ con cảm thấy hơi thở nhẹ và thoải mái hơn.

Sáng hôm sau họ đưa con xuống phòng để chụp lại hình phổi. Chiều hôm ấy hai bác sĩ đến thăm con và cho con biết kết quả, màng phổi vẫn còn nước và họ không biết là cơ thể con có tiết ra thêm hay không. Họ vẫn tiếp tục theo dõi và sẽ hút nước ra trong một hai ngày nữa. Con hỏi xem chừng nào bác sĩ mới xác định được bệnh tình của con, bác sĩ nói triệu chứng bệnh của con làm họ quan tâm đến một vài chứng bệnh: ung thư, lao, Pseudomonas, một loại vi trùng hoặc một loại vi khuẩn tinh vi mà họ chưa biết tên. Hiện tại họ chưa có đầy đủ bằng chứng cụ thể để kết luận. Họ đề nghị con nên làm sinh thiết (biopsy) để biết chính xác là con bị bệnh gì.

Nhớ mẹ – nhớ nhà – nhớ tô “bánh lọc”

Trong căn phòng trống vắng chiều nay, tâm thức đưa con trở về thăm lại những người thương trong gia đình huyết thống, đặc biệt là thời thơ ấu. Con nhớ đến mẹ thật nhiều. Con nhớ bàn tay nâng niu vỗ về của mẹ. Lúc con còn bé, mỗi lần bị bệnh mẹ thường đến xoa đầu, sờ trán và hỏi han như một bác sĩ. Mỗi lần mẹ làm thế con cảm thấy được thương, được quan tâm và thấy dễ chịu hơn. Những lúc con bị cảm nặng, mẹ lăng xăng lo lắng đủ điều, làm mọi cách để giúp con mau hết bệnh. Ý thức là “em bé năm tuổi” trong con đang thương nhớ mẹ, con đưa bàn tay phải lên nhìn kỹ để thấy mẹ, vì bàn tay của con cũng chính là bàn tay của mẹ, như Thầy thường dạy. Con đặt bàn tay lên trán rồi nói với em bé trong con: “Mẹ đang xoa trán cho em đó. Em hãy yên tâm nhé! Mẹ luôn luôn có đó cho em”. Và con cũng nói với mẹ: “Con không sao đâu mẹ, xin mẹ đừng lo lắng!”.

Nhưng điều con nhớ nhất là tô bánh lọc do chính tay mẹ nấu. Mấy ngày nay con rất thèm được ăn tô bánh lọc. Ngày xưa, mỗi lần con bị bệnh, mẹ thường hay nấu bánh lọc cho con ăn vì mẹ biết con không thích cháo. Mẹ con nấu ăn rất khéo. Mỗi lần ăn một tô bánh lọc của mẹ nấu thì con cảm thấy bớt bệnh ngay. Có những lúc con không bị bệnh, nhưng con cũng giả vờ bị bệnh để được mẹ nấu bánh lọc cho ăn. Không phải là mẹ không biết đâu! Mẹ là tình thương không điều kiện. Mẹ là mẹ, nhưng mẹ cũng là bác sĩ gia đình. Mẹ cũng giả vờ không biết để cho con được thỏa mãn và vui lòng. Con nhớ trong những ngày cuối cùng trước khi mẹ con qua đời, mẹ đã nói với con rằng: “Con có biết vì sao mẹ nghe lời con không?”. Con im lặng chưa kịp trả lời thì mẹ con bảo: “Vì mẹ rất thương con!”. Câu nói ấy vẫn còn đọng lại trong trái tim con.

Trong những ngày nằm viện, hình bóng của mẹ trong tàng thức thường trở về với con. Nhớ mẹ, nghĩ về mẹ, con lại nhớ đến anh chị và các cháu của con. Con nhớ nhà. Hồi ký về mẹ đã vô tình tưới tẩm khái niệm về “tình mẹ” trong con càng lớn hơn. Con nhớ có lần trong con đi lên câu hỏi “Mẹ có nghĩa là gì?”. Ngay tức khắc câu trả lời thì thầm đáp lại: “Thì mẹ là tình thương đó!”. Nếu mẹ là tình thương, thì nơi nào có tình thương là nơi đó có mẹ. Cái thấy này đã đem lại cho con rất nhiều hạnh phúc. Con tìm thấy mẹ biểu hiện khắp mọi nơi. Mẹ vẫn tiếp tục trong con, trong anh chị và các cháu của con. Bên Thầy và bên tăng thân, con cũng cảm được sự hiện hữu của mẹ, vì nơi đây cũng có những tấm lòng bao la như biển cả.

Cuộc sinh thiết, hút nước kỳ hai và xuất viện

Thời gian qua nhanh, mới đó mà con đã nhập viện được hơn một tuần. Cho đến hôm nay vẫn chưa có kết quả. Bác sĩ cho biết các cuộc thử nghiệm máu, nước tiểu, nước trong màng phổi và đàm đều có kết quả âm tính, nghĩa là không bị nhiễm trùng. Và hỏi ý con để làm sinh thiết lần hai. Dù biết là sẽ rất mệt sau khi sinh thiết nhưng con cũng gật đầu đồng ý để cho họ làm những gì họ cho là cần thiết.

Rồi đến ngày thứ 12, vẫn chưa có kết quả về bệnh tình của con. Bác sĩ cho biết bắp thịt trong màng phổi của con đã ngưng tiết nước ra, nhưng trong phổi vẫn còn nước. Họ không thể nào hút ra hết được. Tuy nhiên, khi các tế bào lành mạnh trở lại thì bắp thịt sẽ có khả năng tự hút nước đó vô lại. Hơn nữa, bác sĩ cho con biết cuộc sinh thiết kỳ rồi vẫn chưa có kết quả. Bác sĩ nói: “Chúng tôi nghĩ có thể kỳ rồi làm sinh thiết không đúng chỗ. Chúng tôi muốn làm thử lại một lần nữa ở một chỗ khác”. Con nói: “Thưa bác sĩ! Thân thể của tôi không phải để dùng làm thí nghiệm. Bác sĩ nghĩ sao nếu tôi xin được xuất viện?”. Con nhờ bác sĩ mời bác sĩ phó khoa đến cho con được tham khảo ý kiến.

Ngày hôm sau, vào lúc 11 giờ sáng, bác sĩ phó khoa tới gõ cửa phòng con và bước vào, nét mặt tỏ vẻ không vui. Bác sĩ hỏi con có còn bị sốt không? Con trả lời là đã hết sốt mấy ngày nay. Bác sĩ nói:“Chúng tôi cần phải làm lại sinh thiết thêm một lần nữa, vì lần rồi có thể là lấy không đúng chỗ”. Con im lặng không nói gì để cho bác sĩ nói tiếp. Bác sĩ giải thích cho con nghe đầy đủ lý do. Con nhìn bác sĩ rồi đáp: “Thưa bác sĩ, tôi sẽ đồng ý cho bác sĩ làm sinh thiết lần thứ ba, nếu bác sĩ bảo đảm với tôi là lần này sẽ làm đúng chỗ, sẽ lấy đúng số lượng thịt và sẽ có kết quả”. Bác sĩ nhìn con im lặng mà không trả lời. Con tiếp: “Nếu bác sĩ không bảo đảm được thì thôi, mình đừng bàn về chuyện lấy sinh thiết thêm một lần nữa. Bác sĩ biết rất rõ mỗi lần làm sinh thiết như thế thì tôi phải nằm mệt nhừ từ hai đến ba hôm”. Bác sĩ nhìn con có vẻ thấu cảm được phần nào. Bác sĩ nói: “Tôi hiểu. Nhưng chỉ có cách này mới cho mình biết kết quả hữu hiệu nhiều hơn”. Con nói: “Thưa bác sĩ! Mỗi ngày nằm bệnh viện như thế này thì tốn rất nhiều tiền. Tôi là một người tu. Tôi không có tiền. Tiền là do đàn na tín thí cúng dường. Làm kiểu này thì tôi sẽ tổn phước nhiều lắm. Xin bác sĩ hoan hỉ cho tôi được xuất viện”. Bác sĩ nhìn con một cách rất trịnh trọng rồi nói: “Nếu thầy muốn xuất viện cũng được, nhưng có những điều kiện mà thầy cần phải tuân theo”. Những điều kiện chủ yếu là yêu cầu con phải uống thuốc trụ sinh phòng ngừa và phải trở lại tái khám mỗi tháng một lần trong thời gian uống thuốc. Nghe xong con gật đầu đồng ý với những điều kiện mà bác sĩ đã nêu ra. Con được xuất viện ngay ngày hôm đó.

Ngồi yên để thấy

Con sung sướng được trở về lại mái chùa xưa, được nghe tiếng chuông đại hồng ngân vang mỗi buổi sáng chiều, được đi những bước chân thong dong nhẹ nhàng trên những con đường huyền thoại. Tuy bận rộn lo cho Đại giới đàn, nhưng Thầy và sư cô Chân Không vẫn dành một ít thời gian xuống thăm con làm con rất hạnh phúc. Sư cô tặng con một chậu hoa lan. Chậu lan rất xinh tươi và thơm ngát! Đây là lần đầu tiên con thấy loại lan có mùi thơm thật đặc biệt. Thầy vào ngồi chơi một chút rồi nói: “Thầy xuống đây chỉ muốn nhắc nhở con về hơi thở. Phải tập trung vào hơi thở. Chính hơi thở đã cứu sống Thầy!”. Thầy chỉ nói vỏn vẹn chừng đó. Con ý thức rất rõ là Thầy đang trao truyền kinh nghiệm và kinh nghiệm ấy chứa đầy tình thương của một bậc thầy. Tuy thông điệp Thầy trao rất ngắn gọn nhưng với con thật vô cùng quan trọng.

Mỗi ngày con tập ngồi thật yên để trị liệu trong Thất Da Cóc. Con ngồi thở để có mặt và lắng nghe những đau nhức trong thân tâm. Con tập thở sâu, kéo dài hơi thở để giúp đường kinh khí lưu thông vì trong màng phổi của con vẫn còn nước. Trong khi ngồi yên, con có cơ hội quán chiếu về những nguyên nhân xa gần đã đưa đến căn bệnh. Con nhớ có một lần Thầy nhắc con: “Có thân thì có bệnh”. Mầu nhiệm thay! Những lúc bệnh hoạn như thế đã giúp con nhìn lại cách sống hàng ngày của con, giúp con trân quý sự sống nhiều hơn và đồng thời giúp con làm nhỏ đi cái bản ngã của mình. Con thấy cơn bệnh vừa qua đã dạy cho con rất nhiều bài học và giúp con ý thức hơn về đời sống. Bệnh giúp con thay đổi cách nhìn của mình và giúp con dễ dàng buông bỏ, dù đó là lý tưởng. Bệnh giúp con trở nên khiêm nhường và khiêm tốn nhiều hơn, đặc biệt là với chính con; khiêm nhường trong lời nói, khiêm nhường trong hành động và khiêm nhường trong ý nghĩ của mình. Trong bài thơ Dựng tượng tuổi thơ của Thầy có câu: “Mỗi lần ngã là một lần đứng dậy. Để trưởng thành. Để cuộc đời nhường một bước đi lên”. Con thấy bệnh có thể giúp mình lớn mạnh hơn trên con đường tâm linh. Cái bệnh, cái đau không phải là vấn đề, vấn đề là phải học cho được bài học qua cơn bệnh. Một con thú hoang sau khi bị thương, nó sẽ tìm chỗ nằm yên để cho vết thương tự chữa lành. Cũng như thế, một chiến sĩ sau khi bị thương thì cần phải biết tịnh dưỡng. Sau khi lành bệnh ra trận lại thì sẽ khôn ngoan hơn. Với con, một người tu cũng không thể thiếu những yếu tố đó, cần trở về để chăm sóc, để tự trị mỗi khi cơn đau có mặt.

Kính bạch Thầy! Con nhớ người Việt Nam của mình có câu: “Có hoạn nạn mới thấy chân tình”. Nhưng làm người tu như chúng con, cái chân tình được biểu lộ trong mỗi giây phút của cuộc sống. Và những lúc như vậy, cái chân tình ấy càng biểu lộ sâu xa hơn. Xin chân thành đa tạ tấm ân tình mà Thầy và các huynh đệ đã dành cho con. Đó là hành trang tiếp tục nuôi lớn con trong mạch pháp. Con sẽ nhớ mãi ân tình này.

Chân Pháp Nguyện