Lá thư Làng Mai 40 – 2017

Thầy tôi – Thầy em

Anh Chân Cơ là một trong những vị đầu tiên được Sư Ông Làng Mai truyền giới Tiếp Hiện ở Tây phương vào năm 1986. Anh được truyền đăng vào năm 1990 và hiện đang là một trong những thành viên nòng cốt của tăng thân Làng Cây Phong ở Montreal, Canada.

Trong mỗi đời người, chúng ta có thể có rất nhiều thầy. Nhưng vị thầy có khả năng chỉ lối đưa đường cho ta trong cuộc đời có lẽ là vị thầy quan trọng nhất. Ta có thể chọn một đức Bụt làm một vị thầy như thế, nhưng ta thật may mắn nếu gặp được vị thầy sống cùng thời và có cơ duyên học hỏi trực tiếp. Có rất nhiều người, dù đã cố tâm tìm kiếm trong suốt cuộc đời cũng không gặp được một vị thầy để nương theo. Tôi đã có phước duyên hơn, gặp được Thầy tôi. Cuộc đời của tôi có hướng đi tốt đẹp hơn từ đó. Tôi mong em cũng sẽ gặp được một vị thầy như vậy cho em. Và nếu em đã hoặc sẽ chọn Thầy tôi làm Thầy của em, tôi xin chân thành chia sẻ những câu chuyện sau đây với em, như đang kể chuyện cho người trong một nhà.

Ðã bao nhiêu năm, tôi vẫn thường nghĩ rằng những kỷ niệm của tôi có về Thầy tôi là những kỷ niệm riêng tư. Bây giờ, tôi biết rất rõ là những câu chuyện tôi kể ra đây cũng sẽ là những kỷ niệm của em vì Thầy tôi cũng đã, đang và sẽ là Thầy của rất nhiều người, trong đó có em, một người sinh sau tôi một hay hai thế hệ và có thể chưa từng được đối diện với Thầy Làng Mai. Mong rằng những câu chuyện của tôi sẽ giúp em hiểu và biết thêm chút ít về vị Thầy của chúng ta trong những thập niên đầu khi Thầy khởi công hoằng pháp. Tại Canada, ngoài tôi ra, còn có rất nhiều các bác và anh chị khác được đến tu học với Thầy trong những năm tháng đó như bác Chân Hội, anh Chân Văn, chị Chân Huyền, anh Chân Giác, chị Chân Thanh, v.v. Hy vọng các bác và các anh chị đó cũng sẽ có thời gian chia sẻ, kể chuyện cho em nghe.

Năm 1985, Thầy tôi đến Canada hướng dẫn khóa tu đầu tiên ngoài Làng Hồng, Pháp quốc. Làng Hồng về sau đổi tên là Làng Mai khi vài trăm cây mai được trồng để gây quỹ giúp trẻ em mồ côi. Làng Mai nước Pháp hình thành vào năm 1982 thì ba năm sau anh chị Chân Văn và Chân Huyền đã mời được Thầy sang Canada, hướng dẫn cho chúng tôi trong một khóa tu tổ chức tại Camp Les Sommets, Katevale, Québec. Khóa tu đầu tiên đó được các anh chị đặt tên là Trại Thiền Phong Tùng. Sau khóa tu, Thầy đã gợi ý thành lập một nơi mà chúng tôi có thể trở về tu học thường xuyên. Thầy cũng đã đề nghị đặt tên cho trung tâm tu học này là Làng Cây Phong. Làng Cây Phong được thành hình từ năm ấy.

Bước thiền hành đầu tiên

Lúc đó vào khoảng tháng 9 năm 1985. Sáng ấy, tôi dậy rất sớm. Được giao phó làm thị giả, tôi có phận sự pha trà và chuẩn bị trà nước hầu Thầy vào lúc sáu giờ sáng. Sau khi lặng lẽ thưởng thức chén trà nóng buổi sớm mai, Thầy quay lại bảo tôi: “Mình ra ngoài thiền hành một chút nghe”. Tôi liền ‘dạ’ mà trong bụng thật sự chẳng biết thế nào là thiền hành. Thế là thầy đi trước, trò theo sau, tôi đi sau Thầy khoảng chừng mươi bước, tôi đặt những bước thiền hành đầu tiên trong đời. Thầy bước chân trái, tôi bước theo chân trái, Thầy bước chân phải, tôi bước theo chân phải. Không gian, đồi núi tĩnh lặng, sương sớm phủ giăng trên con đường dốc, những tiếng đá sỏi sột soạt dưới chân cũng không làm cho tâm tôi xao lãng, tôi muốn học cho kỹ càng phép thiền hành. Bài học thân giáo, tôi nhớ mãi từ ngày ấy. Về sau, qua những năm tháng thực tập thiền hành, tôi mới thực sự hiểu thêm, biết rõ hơn và cảm nhận được diệu dụng của pháp môn này. Kỷ niệm và bài học ngày hôm ấy tôi nhớ hoài không quên. Ví như hôm nay, có dịp mời em thực tập thiền hành, tôi cũng có thể sẽ dặn dò và hướng dẫn em làm sao thiền hành trong vòng ít nhất là năm mười phút, nếu không nhớ đến bài học năm xưa: “Học bài cho thuộc rồi cũng sẽ quên, kỷ niệm sống, không có ý học, lại nhớ luôn”.

Có lẽ tôi là một trong những người thị giả cư sĩ đầu tiên của Thầy ngoài nước Pháp. Thời ấy, Thầy chưa có đệ tử xuất gia. Sư cô Chân Không lúc ấy cũng còn là một đệ tử tại gia, cô có một mái tóc dài và rất đẹp. Nhưng nét đẹp nhất của sư cô, ngay khi còn là cư sĩ tại gia, chính là lòng thương rộng lớn, luôn nghĩ đến và hành động giúp những người thiếu thốn. Chúng Tiếp Hiện năm ấy chỉ vào khoảng 20 người. Sang năm 1986, sáu anh chị em chúng tôi tại Canada là những người đầu tiên gia nhập dòng tu Tiếp Hiện ngoài Việt Nam và xứ Pháp: Chân Hội, Chân Văn, Chân Huyền, Chân Thanh, Chân Giác và Chân Cơ. Câu chuyện thọ giới Tiếp Hiện của chúng tôi cũng là một câu chuyện rất nhiều thiền vị mà có dịp tôi sẽ kể lại cho em nghe.

Thị giả Sony

Ngày đó, lúc nào làm thị giả ở bên Thầy tôi cũng mang theo một cái máy thu âm hiệu Sony. Ngoài việc thu âm những bài pháp thoại chính thức, tôi còn thu âm luôn tất cả những câu chuyện Thầy kể cho nghe hoặc những mẫu chuyện trao đổi hàng ngày giữa thầy và các trò. Tôi còn nhớ năm ấy, tôi sắm được một cái máy Sony có hiệu năng ngưng thâu và khởi thâu băng một cách tự động. Trên máy có một chấm đèn đỏ làm hiệu. Khi có tiếng động thì máy bắt đầu thâu và đèn đỏ lên, rồi khi có một thời gian im lặng thì máy ngưng thâu và đèn đỏ tắt đi. Chỉ như vậy thôi mà có một lần hai thầy trò để ra gần mười phút để vui chơi với cái hiệu năng đó. Thầy thử lên tiếng hoặc tôi thử làm tiếng động, để xem khi nào máy chạy hay máy ngưng. Thầy trò vui cười với nhau chỉ trong vài phút vậy mà cái hạnh phúc ấy vẫn nuôi dưỡng tôi mỗi khi nhớ lại. Về sau, Sư cô Chân Không đã đặt cho tôi cái biệt hiệu là thị giả Sony.

Xin kể cho em nghe tại sao tôi thích mang theo máy thu âm để trở thành thị giả Sony nhé. Trước khi được theo tu học với Thầy Làng Mai năm 1985, tôi đã từng đọc những quyển sách của Thầy viết ra thời ấy như Bông hồng cài áo, Nói với tuổi hai mươi, Nẻo vcủa ýTrái tim mặt trời. Tôi cũng đã từng tìm kiếm và đọc nhiều sách về đạo Bụt, ví dụ như cuốn Ðức Phật và Phật pháp của ngài Narada, cuốn Tinh hoa và sphát triển của đạo Phật hoặc những cuốn về thiền học như bộ Thiền luận của ngài Suzuki Daisetsu Teitarō. Tuy vậy, bây giờ nghĩ lại, những hiểu biết của tôi ngày ấy về đạo Bụt, về thiền tập thật thô thiển và lờ mờ. Ðến khi được nghe Thầy giảng về Ba squay vnương tựa trong bài pháp thoại đầu tiên, tôi mới nhận ra được một đạo Bụt thật giản dị, dễ hiểu và gần gũi. Có lẽ chính nhận thức đó đã cho tôi linh tính và nhận biết những giây phút bên Thầy rất quý giá, nhất là trong những câu nói thường ngày đã làm tôi bừng tỉnh của Thầy. Cho nên, khi nào ở bên Thầy tôi cũng có cái máy thu âm Sony để thâu cả những câu chuyện bình thường hàng ngày. Về sau, nhắc lại chuyện này, lúc nào Thầy cũng cười với niềm trìu mến.

Hai Hòn Ðá Lửa

Tháng 6 năm 1986, trong buổi gặp mặt trước khi vào khóa tu tại Montréal, để giúp chúng tôi hiểu hơn về đạo Bụt, và để khuyến khích sáu anh chị em chúng tôi gia nhập dòng tu Tiếp Hiện, Thầy đưa ra hình ảnh của hai hòn đá lửa. Một hòn đá tượng trưng cho giáo lý trong đạo Bụt, và một hòn đá tượng trưng cho những vấn đề hiện hữu trong xã hội. Thầy nói rằng giáo lý của đạo Bụt chỉ có sức sống và phát hiện khi chúng ta đưa hai hòn đá lửa chạm vào nhau. Sự va chạm này làm xẹt ra những tia lửa; và chính những tia lửa này mới là những giác ngộ quý giá của đạo Bụt. Thầy có đưa ra một vài ví dụ cho những vấn đề xã hội đương thời như: vấn đề người mẹ mang thai hộ người khác (surrogate mother), vấn đề giúp người sắp chết (euthanasia), vấn đề của những người đồng tính (gays and lesbians), vấn đề môi trường sinh thái trên trái đất (environment) v.v. Vào thời điểm đó, một người trẻ như tôi chưa hề biết đến một đạo Bụt có liên quan đến những vấn đề xã hội như vậy. Tôi đã thoáng nghiệm ra có một hướng đi của đạo Bụt rất nhập thế, một đạo Bụt thực sự áp dụng vào đời sống hàng ngày, một đạo Bụt thể hiện ngay trong những vấn đề rất tiên tiến và hiện đại. Cùng lúc, tôi cũng thoáng nhận ra rằng: Thầy tôi không chỉ là một vị thầy của người Việt Nam mà sẽ là một vị thầy chung, luôn cả cho xã hội Tây phương.

Bài học và hình ảnh của hai hòn đá lửa tôi mang mãi trong mình từ dạo ấy. Mỗi khi tôi có cảm tưởng mình hiểu biết thêm về giáo lý, tôi lại tự hỏi: với sự hiểu biết đó và với những vấn đề đương thời trong xã hội hay cuộc sống, tôi có làm xẹt ra những ánh lửa soi sáng nào không? Và mỗi khi có một vấn đề nan giải trong xã hội, tôi cũng tự hỏi: với bao nhiêu năm tu học, thiền tập,… những công phu đó có giúp tôi soi sáng được chút nào trong vấn đề đó hay chưa?

Ngày nay, xã hội hiện đại chúng ta đã có thêm những vấn đề mới như khủng bố, hiện tượng hâm nóng toàn cầu, thức ăn sạch (organic food), thức ăn, thức uống nhiễm độc tố, ảnh hưởng của hệ thống truyền thông đại chúng, v.v. Hơn bao giờ hết, bài học về hai hòn đá lửa của Thầy tôi lại trở về giúp tôi phương thức soi sáng, nhìn rõ vấn đề. Hiện nay, Thầy tôi vẫn chưa nói lại được bình thường sau lần đột quỵ cách đây hai năm, nhưng trong hơn 30 năm qua, Thầy tôi đã nuôi nấng, chỉ dạy và hướng dẫn cho hàng vạn người trên thế giới. Em có vấn đề nan giải của em? Em muốn tìm hiểu thêm về vấn đề nan giải của xã hội? Giờ đây, Làng Mai đã có rất nhiều vị xuất sĩ có khả năng và đức độ ở khắp nơi, em có thể nương tựa vào một tăng thân đang đi theo con đường Hiểu và Thương của Thầy để tìm ra hướng đi. Em hãy mang hình ảnh của hai hòn đá lửa vào trong lòng. Sự tu tập với Tăng thân sẽ giúp em khám phá ra được đường về.

Em còn nhớ hay em đã quên

Em còn nhớ hay em đã quên là tựa một bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (TCS). Bài hát nói về lòng ray rứt của nhạc sĩ khi tưởng nhớ về quá khứ. Tôi rất thích những ca từ của nhạc sĩ TCS, nhưng từ ngày được Thầy hướng dẫn, tôi đã phân biệt được đâu là những nẻo đường đưa về thương đau và đâu là những nẻo đường đưa về hạnh phúc. Thầy đã chỉ dạy cho tôi về chuyện nhớ – quên ngay từ những khóa tu đầu tiên ấy.

Nếu em có dịp về Làng Mai – Pháp và có cơ hội được mời vào trong cốc Ngồi Yên của Thầy, có thể em sẽ còn được thấy một bảng số xe của bang Québec treo trên vách. Trên bảng số, có một câu rất ngắn bằng tiếng Pháp “Je me souviens”. Có thể dịch câu này ra là “Tôi vẫn nhớ” hay “Em vẫn nhớ”. Giai thoại về câu này đã được Thầy kể lại trong cuốn sách An lạc từng bước chân. Tôi xin kể thêm ra đây vì tôi chính là “người bạn” lái xe cho Thầy hôm ấy.

Tôi nhớ rất rõ ngày hôm ấy, khi đang lái xe để đưa Thầy đến địa điểm khóa tu, Thầy bỗng hỏi: “Trên bảng số xe phía trước, có một dòng chữ Je me souviens, anh có biết họ muốn nói gì không?”. Sau khi nghe tôi trả lời, Thầy lại nói tiếp: “Tôi có một món quà cho anh và cho quý vị đang sống ở Québec: mỗi khi lái xe và mỗi khi nhìn thấy câu  Je me souviens trên bảng số xe phía trước, là mình có thể nhớ và trở về với hơi thở chánh niệm”. Tôi lấy làm sung sướng và từ ngày ấy tôi thực tập hơi thở chánh niệm với nhiều hiệu quả. Vài tháng sau, khi về Làng Mai tu học, dù không có những bảng số xe của bang Québec trước mặt, tôi cũng đã thực tập rất tinh chuyên với các đèn nháy xi-nhan sau các xe. Và tôi đã làm ra được một bài kệ đầu tiên cho việc thực tập của mình: “Kệ kẹt xe”

“Mắt Bụt sáng lên rồi

Tâm ý hiện màu tươi

Cho chánh niệm rạng rỡ

Tôi cười, đèn cũng cười.”

Khi trở về Canada, tôi có viết thư tâm sự với Thầy là tôi đã thấy Bụt nháy mắt và cười với tôi mỗi khi tôi nhớ lại và trở về với hơi thở chánh niệm. Em còn nhớ đến hơi thở chánh niệm là em có Bụt bên em; nếu em quên hơi thở chánh niệm thì em sẽ có khuynh hướng đi về những nẻo tối tăm.

Con đang nuôi Thầy

Khóa tu đầu tiên ở Làng Cây Phong, trong một bài pháp thoại Thầy giảng về đề tài: “nuôi cây, con nuôi mẹ”. Khái niệm Tương tức – Tương nhập đã được Thầy giảng giải rất cụ thể với những hình ảnh và ví dụ thật dễ hiểu. Ngay những năm ấy, sức khoẻ của Thầy đã không được tốt. Hồi đó tôi đã nhận thức rất rõ là thời gian được ở bên Thầy và được Thầy chỉ dẫn thật quý. Vì là thị giả nên tôi không thể hoàn toàn tham gia các sinh hoạt. Sau khi mọi người dùng cơm trưa gần xong tôi mới bắt đầu ăn trưa. Ngay lúc ấy, Thầy đi lại bên tôi và hỏi: “Bây giờ anh mới ăn trưa?”, tôi bèn trả lời: “Dạ, con đang nuôi Thầy”. Thầy mỉm cười, có vẻ vui lòng với câu trả lời của tôi. Về sau trong một chuyến về Việt Nam, Thầy có kể lại chuyện này cho đại chúng ở quê hương, lâu lâu lại có vài người bạn quen biết với tôi nhắc lại; nói rằng qua chuyện này thì họ nhớ đến pháp hiệu Chân Cơ của tôi.

Giờ đây, khi em có dịp về tu học tại bất cứ một trung tâm nào, dù là Làng Mai Pháp, Làng Mai Thái, các Viện Phật học Ứng dụng hoặc các tu viện Bích Nham, Mộc Lan hay Vườn Nai bên Mỹ, em cũng sẽ nhận ra bóng dáng Thầy rất rõ rệt trong rất nhiều người. Có thể nói quý thầy và quý sư cô đang tu học và “nuôi Thầy” của chúng ta một cách chuyên cần và tinh tiến. Tại những trung tâm đó, em cũng có thể nhận ra được bóng dáng Thầy khi nhìn vào cách đi, đứng, nằm, ngồi của các anh chị trong dòng Tiếp Hiện. Cái bóng dáng của Thầy đó là gì? Ðó là bóng dáng của sự thảnh thơi, thong dong của một người Vô sự. Ðó là bóng dáng của sự tĩnh lặng, an bình trong sinh hoạt hàng ngày. Ðó là bóng dáng của một người biết lắng nghe để hiểu thương sâu.

Cuối trời mây trắng bay

Năm 1986, khi Thầy trở lại hướng dẫn khóa tu lần thứ hai tại Montréal, Canada, tôi được giao cho trách nhiệm đưa Thầy đến giảng pháp tại Montréal Zen Center, một thiền viện theo truyền thống Nhật Bản. Có thêm chị Chân Thanh theo tháp tùng. Thiền viện này do thiền sư Albert Low điều hành. Thiền sư Albert Low theo học thiền sư Philip Kapleau bên Mỹ, tác giả của cuốn sách Ba trụ thiền (The three pilars of Zen) trong 20 năm. Về sau, Thiền sư Low được giao nhiệm vụ trông nom thiền viện Montréal Zen Center. Chính thiền sư Low cũng là người dịch cuốn sách Nẻo vào thiền học của Thầy từ tiếng Pháp sang tiếng Anh (Zen keys).

Hôm ấy, chị Chân Thanh và tôi cảm thấy rất hứng khởi. Thầy của mình được mời đến giảng như một thượng khách và chúng tôi được theo tháp tùng. Buổi giảng có khoảng 30 người tham dự nhưng không khí trang trọng đúng theo truyền thống trong các thiền viện Nhật. Trước buổi giảng, Thầy đã niệm và dâng hương bằng tiếng Việt. Tôi không nhớ Thầy đã giảng những gì, nhưng điều tôi nhớ nhất là ngay sau pháp thoại, một cơn mưa lớn đổ xuống và chúng tôi đã ngồi nghe mưa trong vòng nhiều phút. Sau buổi pháp thoại, chị Chân Thanh và tôi, mỗi người một cây dù, đưa Thầy đi bộ ra bờ sông Rivière des Prairies, mạn bắc của sông Saint-Laurent. Chúng tôi đã đứng với dù để ngắm trời mây và dòng sông chảy xiết. Ðối với tôi, thời gian lúc ấy như ngừng lại. Ðó cũng chính là hình ảnh tôi thường thấy trong những giấc mơ của tôi. Trong giấc mơ, tôi hay được đi bên một vị thầy, che dù cho thầy trong mưa tuyết lất phất.

Cũng vào năm ấy, nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo có ra một tuyển tập nhạc thiền đặt tên Tịnh tâm khúc. Trong tuyển tập này, có một bài tôi rất thích, đó là bài Cuối trời mây trắng bay. Sau này, mỗi lần được nghe lại bài này, tôi lại nhớ đến ngày hôm đó; thầy trò chúng tôi đã cùng yên lặng, ngắm trời mây, nghe sông vỗ sóng:

...

Đôi bờ im nghe

Sông vùi tiếng sóng

mộng gối vô thường

Sông mở tim ra, trăng già bát ngát

rủ nhau tan giữa biển xa

sông như bầu trời

quên mây trắng bay

Trong những khóa tu sau đó, Thầy đã dùng hình ảnh của một dòng sông trong bài nhạc này để giáo hoá. Bắt đầu dòng sông chỉ ham vui chơi, chạy đuổi theo mây trắng trên bầu trời. Khi mây trắng bay mất ở cuối bầu trời, trong sự yên lặng trống vắng, dòng sông đã mở được lòng mình ra để trời xanh hiện rõ và để bóng trăng già hiện rõ trong lòng sông. Từ lúc ấy, sông và trăng “rủ nhau tan giữa biển xa”…

Lời Tạm Biệt

Những câu chuyện như trên về Thầy tôi, tôi vẫn còn nhiều nữa; nhưng phải hẹn em sau. Em cũng biết sau này Thầy đã có rất nhiều học trò tại gia cũng như xuất gia, mỗi vị đều có thể kể cho em nghe những mẫu chuyện còn thú vị hơn. Riêng tôi, tôi chỉ có thể chia sẻ với em rằng: khi chúng ta được sống gần Thầy, một người có chánh niệm, giây phút nào cũng có thể tạo ra hạnh phúc lâu dài, con đường nào cũng có thể trở thành con đường huyền thoại. Thầy tôi đã là một vị thầy như thế, Thầy em cũng sẽ là một vị thầy như thế.

Chân Cơ