Bài Viết

Trời Phương Ngoại

(Trích từ chương 3, tác phẩm “Thả một bè lau” – Truyện Kiều dưới cái nhìn thiền quán; tác giả: Thiền sư Thích Nhất Hạnh)

Bối cảnh: Khi nghe Kiều kể những chuyện oan ức mình đã trải qua, Từ Hải nổi giận cho hai đạo binh đi bắt hết cả những kẻ đã làm khổ Kiều, và cũng để mời luôn những người ơn của Kiều như bà quản gia, ni sư Giác Duyên và chàng Thúc Sinh về để Kiều được tạ ơn. Cuộc hành quân này thành công. Kiều đã báo ơn và trả thù bằng những phương tiện quyền lực của Từ Hải. Kiều muốn mời ni sư Giác Duyên ở lại chơi lâu hơn, nhưng ni sư không muốn. Và khi ni sư nói lời từ giã, ni sư bảo là theo lời tiên đoán của đạo cô Tam Hợp, năm năm nữa thì hai chị em sẽ lại được gặp nhau.

Việc nàng báo phục vừa rồi,
Giác Duyên vội đã gởi lời từ quy.

Sư chị ngán quá! Muốn về liền lập tức, không muốn ở thêm một giờ nào nữa trong chốn quân sự hãi hùng này. Chúng ta phải đi vào trong da thịt của sư chị để thấy. Sư chị bây giờ e ngại lắm, tuy rất thương sư em; không biết sư em sẽ đi về đâu nếu sư chị cứ tiếp tục như vậy. Nó đã rất đau khổ trong quá khứ, bây giờ báo thù được thì nó thấy nhẹ trong lòng. Đó là cái thấy của người đời. Nhưng người tu thì phải khác. Bây giờ sư chị đi, phải khiêng theo một ngàn lạng vàng và tất cả những tâm tư nặng nề tạo ra vì khung cảnh vừa rồi. Sư chị là người tu, dùng vàng để làm gì? Tu chỉnh Chiêu Ẩn Am? Một ngàn lạng vàng nặng lắm! Rồi thì ăn cướp, ăn trộm, làm sao? Khiêng một ngàn lạng vàng đi cũng khổ lắm! Không biết mình sẽ làm chuyện gì với số vàng này, và sư chị cảm thấy mất hết tất cả những an ninh của mình. Và nhất là lại mang theo niềm hoảng sợ và xót thương cho đứa em đồng đạo ngày xưa. Hãy để cho trí tưởng tượng của chúng ta đi theo để thấy sư chị rời khỏi trung tâm quân sự đó với tâm trạng nào.

Nàng rằng: ‘Thiên tải nhất thì,
‘Cố nhân đã dễ mấy khi bàn hoàn.
“Rồi đây bèo hợp mây tan,
‘Biết đâu hạc nội mây ngàn là đâu!

Đây là những câu thơ rất hay. Bèo hợp mây tan là lý vô thường. Ngày hôm nay mình sống chung với nhạu là ‘bèo hợp’, biết đâu mai này mỗi người đi một ngã là ‘mây tan’. Vì vậy phải biết trân trọng những giờ phút của ngày hôm nay, phải có hạnh phúc trong giờ phút này. Hai chị em gặp được nhau là điều hiếm có, xa nhau rồi thì không biết bao giờ mới được gặp lại, ngồi chung, uống trà đàm đạo với nhau. Thúy Kiều thấy được điều đó.

Sư rằng: ‘Cũng chẳng mấy lâu,
‘Trong năm năm lại gặp nhau đó mà.

– ‘Không lâu đâu! Trong năm năm nữa chị em mình sẽ được gặp nhau lại.’ Giống như là sư chị đã biết trước. Biết trước, không phải là do sư chị có tài bấm quẻ mà vì sư chị có quen với một đạo cô tu theo đạo Lão tiên đoán sự hội ngộ của hai chị em trong năm nay và trong năm năm nữa. Và vì đã gặp Thúy Kiều lần này đúng theo tiên đoán của đạo cô Tam Hợp nên sư chị tin rằng tiên đoán về lần hội ngộ thứ hai cũng sẽ đúng.

‘Nhớ ngày hành cước phương xa,
‘Gặp sư Tam Hợp vốn là tiên tri.
‘Bảo cho hội ngộ chi kỳ,
‘Năm nay là một nữa thì năm năm.
‘Mới hay tiền định chẳng lầm.
‘Đã tin điều trước ắt nhằm việc sau.
‘Còn nhìều ân ái với nhau,
‘Cơ duyên nào đã hết đâu vội gì?’

‘Hành cước’ (đi bộ) là sự thực tập của nhà tu. Nếu cái học của mình chưa tới, thì mình phải tìm thầy học đạo. Hành cước có khi gọi là đi vân thủy. Vân là mây, thủy là nước. Mây, nước luôn luôn đi. Người tu hành nếu chưa tìm được thầy, được pháp môn thì phải làm phận sự của mây và nước. Phải đi và đi bằng hai chân (hành cước) của mình chứ không đi ngựa, đi xe.

Những câu thơ này chứng tỏ sư chị Giác Duyên thương sư em Trạc Tuyền rất sâu sắc. Không biết có hiểu nhiều không nhưng có thương và muốn thương. Tình thương cao nhất là tình thương làm bằng cái hiểu. Biết sư em cần gì thì dạy sư em cái đó. Sư chị không biết sư em cần học kinh An Ban Thủ Ý, ru và chuyển hóa nội kết, nên đã không dạy. Sư chị chưa hiểu sư em bao nhiêu.

Nàng rằng: ‘Tiền định tiên tri,
‘Lời sư đã dạy ắt thì chẳng sai.
‘Họa bao giờ có gặp người,
‘Vì tôi cậy hỏi một lời chung thân.’

– ‘Nếu sư chị có gặp lại đạo cô thì xin hỏi dùm về tương lai của em. Em không biết mình sẽ đi về đâu.’ “Tiền lộ mang mang bất tri hà vãng” là một câu trong Cảnh Sách. Bốn cuốn Luật Tiểu (luật nhỏ) của người tập sự đi tu gồm có: Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu, Mười Giới Sa Di và Sa Di Ni, Uy Nghi và Cảnh Sách. Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu là năm sáu chục bài thi kệ thực tập chánh niệm trong mọi động tác hàng ngày. Bất cứ đi, đứng, nằm, ngồi, rửa tay, đi cầu, giặt áo… làm gì cũng có một bài kệ để thực tập thở ra, thở vào trong khi làm việc đó. Tỳ Ni Nhật Dụng thiết Yếu bản in mới có tên là Từng Bước Nở Hoa Sen. Mười Giới của Sa Di và Sa Di Ni bắt đầu bằng giới không sát sanh. Uy Nghi là phong thái của một nhà tu trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, hành xử. Ví dụ sử dụng phòng tắm, lên chánh điện, vào nhà bếp, đến nhà cư sĩ… phải làm như thế nào cho đúng phong thái một nhà tu. Sách xưa có 24 thiên uy nghi. Sách mới (Bước Tới Thảnh Thơi) có tới 39 chương, vì điều kiện sống và tiếp xúc có khác (ví dụ nghe điện thoại, vào siêu thị…) Cảnh Sách là những lời nhắc nhở của thiền sư Quy Sơn. Bài văn rất hay. Tất cả các sư cô, sư chú ngày xưa đều học thuộc lòng bằng chữ Nho.

“Tiền lộ mang mang bất tri hà vãng” là một câu trong Cảnh Sách, có nghĩa là: đường trước mờ mờ, không biết sẽ đi về đâu. Thúy Kiều cảm biết rằng cuộc đời mình còn nhiều sóng gió lắm, sau này không biết sẽ đi về đâu, vì vậy muốn nhờ sư chị Giác Duyên hỏi đạo cô Tam Hợp giúp mình. Muốn có một cái nhìn tổng quát về tương lai. Đó là nhu yếu của Thúy Kiều và cũng là nhu yếu của tất cả chúng ta. Ai cũng muốn biết tương lai cả cho nên mấy ông thầy chấm số tử vi túi mới có tiền. Nhưng mấy ông liệu có giỏi bằng đạo cô Tam Hợp không? Hay là tiền mất mà mình vẫn không có được cái nhìn rõ ràng nào về tương lai!

Trong đạo Bụt, có những điều mình biết nhờ tu học có chánh niệm. Nếu nắm được thân tâm mình thì đi về đâu mình cũng làm chủ được thân tâm, không đánh mất mình và mình không cần đến đạo cô Tam Hợp hay mấy ông thầy chấm số tử vi nữa. Vừa đỡ tốn tiền, vừa khỏi bị mang tiếng mê tín. Chỉ những người yếu bóng vía mới cần tới đạo cô và mấy ông thầy tướng số mà thôi.

Giác Duyên vâng dặn ân cần,
Tạ từ thoát đã dời chân cõi ngoài.

Sư chị Giác Duyên nhận lời Kiều và đi. Càng đi càng mau ra khỏi cõi này càng tốt. Cõi ngoài không phải cõi này. Có lẽ cụ Nguyễn Du đã dịch từ chữ phương ngoại: một không gian ở ngoài. Đọc thơ Nguyễn Du mà không biết về Phật học thì đôi khi cũng thiếu. Phương ngoại phương (space outside of space), trời phương ngoại. Đó là không gian nhưng cũng là loại không gian nằm ngoài không gian, vượt ra khỏi không gian thường của người đời. Chúng ta tìm tới cái không gian nằm ngoài không gian, thực tập tiếp xúc được với Tích Môn (historical dimension.) Người tu phải tiếp xúc với Bản Môn (utimate dimension.) ‘Cõi ngoài’ ở đây có nghĩa là phương ngoại phương, một phương trời không có những chuyện lên-xuống, ra-vào, ân-oán, tử-sinh, trong-ngoài, nhiều-một,… Sư chị biết chỉ ở trong cái khung trời phương ngoại đó, sư chị mới thật sự thoải mái mà thôi.

‘Chống gậy rong chơi chừ phương ngoại phương’ là một câu thơ của Tuệ Trung Thượng Sĩ; có nghĩa là: ta chống gậy đi chơi ở trong khung trời phương ngoại chứ không đi chơi trong khung trời của thế gian. Tuệ Trung Thượng Sĩ, anh ruột của đại tướng Trần Hưng Đạo, là một thiền sư rất nổi tiếng của đời Trần. Trong khi Trần Hưng Đạo thành công về quân sự thì Tuệ Trung Thượng Sĩ thành công về thiền tập. Ngài có một thiền phong rất hùng vĩ. Khí văn, khí thơ và đạo lực của Tuệ Trung tương đương với thiền sư Lâm Tế bên Tàu. ‘Chống gậy rong chơi chừ phương ngoại phương.’ Khung trời phương ngoại là cái chúng ta có thể bước vào bất cứ lúc nào chúng ta muốn. Đó là khung trời thoải mái của giải thoát, của niết bàn. Phải đi trong không gian của phương ngoại thì mới thật sự có hạnh phúc. Còn nếu tu mà vẫn đi ở phương nội thì chưa có hạnh phúc.

Giác Duyên vâng dặn ân cần,
Tạ từ thoắt đã dời chân cõi ngoài.

Rất hay! Mà đâu có cần chữ nghĩa nhiều! ‘Tạ từ thoắt đã dời chân cõi ngoài.’ Chỉ cần đưa tay nói ‘goodbye’ một cái là tự nhiên từ cõi của sầu đau và tranh chấp ta đi ngay được vào cõi của thênh thang, nhẹ nhàng, giải thoát. Câu này là một câu chúng ta có thể viết treo ở thiền viện. Tạ từ: thôi, không ăn thua nữa trong cuộc đời! Thoắt đã dời chân cõi ngoài: giải thoát có thể thực hiện được trong một cái búng tay. Giã biệt tất cả những phiền não, tranh chấp trong cuộc đời để được có tự do. Và chỉ khi nào mình giải thoát tự do mình mới giúp được người mà thôi.

Tháng 1974, trong khi làm việc cho hòa bình và gây quỹ giúp các cô nhi ở Việt Nam, tôi có bài thơ Trời Phương Ngoại:

Người đi trên đất mắt nhìn trời
Chim liệng từng không mây trắng bay
Một bàn tay đưa cho nắng ngọt
Một bàn tay giữ con đường mây
Lá xanh tháng tư mặt trời lọc
Đi qua rừng cây mà không hay
Búp tay hoa sen vừa hé mở
Vũ trụ sáng nay đã ngất ngây
Trà khuya bay khói thơ không chữ
Thơ chở trà lên tận đỉnh mây
Núi cao mưa lạnh vùng biên ải
Vi vút sau đèo gió gọi cây
Đỉnh tuyết trời quang bừng cảnh mộng
Giác ngộ tung về đóa mãn khai,
Đất xa mầu nhiệm thơm tình mẹ
Hoa nở tràn gian ước kịp ngày.
Thương bé bơ vơ mùa loạn lạc
Sen vàng bướm gửi khắp trời Tây
Tờ hoa nhạc hội bừng chiêng trống
Xóm dưới thôn trên dán chặt đầy
Mắc nối đường dây trăm xứ lạ
Ân nghĩa bên trời mãi dựng xây
Ngục thất ba trăm còn tuyệt thực
Mòn chân du thuyết hết đêm ngày.
Tháng Tư đồng nội trăm hoa nở
Mong ước ôm đầy hai cánh tay
Sắc xuân rực rỡ trời phương ngoại
Thơ hát yêu thương rộng tháng ngày
Gối mộng mây xa về lối cũ
Ngược dòng sông lạ đến tìm ai.

Đọc thêm sách “Thả một bè lau”