Sư Ông Làng Mai kể chuyện Sư Tổ Thanh Quý – Chân Thật
(Trích Pháp thoại của Sư Ông Làng Mai ngày 3 tháng 3 năm 1996, tại thiền đường Nến Hồng)
Bây giờ, thầy muốn kể vài kỷ niệm về Sư Ông của các con để các con biết rõ thêm về nguồn gốc của mình. Sư Ông pháp danh là Thanh Quý, là người học trò chót của thế hệ Thanh trong giới xuất gia, thuộc dòng Lâm Tế chánh tông.
Sư Ông của các con đi xuất gia từ hồi còn rất nhỏ. Tuy nhiên, ở chùa đã lâu nhưng chú bé ngày xưa chưa được chính thức thọ giới sa di vì còn quá nhỏ! Đến khi hòa thượng Hải Thiệu viên tịch, thì sư anh của Sư Ông là hòa thượng Thanh Thái, hiệu Huệ Minh, đã làm lễ thế độ cho Sư Ông trước Linh Cữu của Bổn Sư, và đặt pháp danh cho Sư Ông là Thanh Quý. Thanh Quý có nghĩa là người đệ tử út mang pháp danh có chữ Thanh đứng đầu. Sư Ông được sư anh nuôi lớn, dạy dỗ, rồi sau đó được sư anh (hòa thượng Huệ Minh) truyền đăng cho và đặt pháp tự là Cứu Cánh, pháp hiệu là Chân Thật.
Bài kệ phó pháp mà sư anh Thanh Thái Huệ Minh trao cho sư em Thanh Quý Chân Thật là:
Chân Thật duy tùng thể tánh trung
Thâm cùng vọng thức bổn lai không
Thỉ tri thị vật nguyên vô vật
Diệu dụng vô khuy chỉ tự công
Thầy dịch ra tiếng Việt:
Chân lý nằm trong thể tính không
Trước sau vọng thức vẫn là không
Vật kia như thật mà không thật
Diệu dụng công phu hãy một lòng.
Đây là một bài kệ mà ý nghĩa rất thâm sâu để chúng ta học hỏi và hành trì theo. Thầy được làm thị giả cho Sư Ông chỉ một mùa thôi, vào khoảng ba tháng, và không được làm lần thứ hai vì sau đó còn có nhiều sư em. Có một lần dọn cơm cho Sư Ông, không biết vì thiếu chánh niệm thế nào thầy đã quên không để một đôi đũa vào trong mâm cơm. Mâm cơm Việt Nam mà thiếu đũa thì nguy lắm! Sau khi đặt mâm cơm trên bàn của Sư Ông, thầy lui ra đứng khoanh tay sau lưng Sư Ông để chờ xem Sư Ông có cần sai bảo gì không.
Hồi đó, thầy dại lắm! Thầy nghĩ rằng: “Đứng mà không làm gì hết thì rất uổng thì giờ”. Vì vậy thầy đã lấy cuốn kinh đứng sau lưng Sư Ông mà học; hành động mà bây giờ ta gọi là “tranh thủ thời gian”. Thầy mải đọc kinh nên không thấy rằng mâm cơm của Sư Ông không có đũa. Ấy thế mà Sư Ông không nói gì hết. Sư Ông lấy thìa để ăn cơm, từ đầu đến cuối. Ăn cơm xong, Sư Ông gọi: “Này chú”, thầy bỏ cuốn kinh xuống, đứng chắp tay. Sư Ông hỏi: “Ngoài vườn của mình còn nhiều tre không?” Ngây thơ thầy trả lời: Dạ, bạch Sư Ông, ngoài vườn mình còn nhiều tre lắm. Nhất là tre cán giáo (tre cán giáo có nhiều măng, ăn ngon lắm!). Sư Ông nói: vậy thì ăn cơm xong, chú ra vườn đốn một cây tre đem vào đây! Thầy lại: “Dạ.” rất ngây thơ. Đột nhiên thầy nghĩ: “Đốn tre làm chi vậy ?” Thầy chắp tay: Bạch Sư Ông! Đốn tre để làm gì ạ? Sư Ông cười nói: để vót vài đôi đũa. Chú nhìn xem: trong mâm cơm này không có đôi đũa nào hết. Lúc đó, thầy mới giật mình sợ hãi. Bài học đó thầy không bao giờ quên. Bài học thiếu chánh niệm.
Ở Làng Mai, chuyện này cũng đã thường xảy ra. Có một lần sư chú Pháp Tạng làm thị giả cho thầy. Sư chú dọn cơm cho thầy với một thiền sư khách. Không biết loay hoay làm sao đó sư chú quên đem cơm mà chỉ đem thức ăn thôi! Hôm đó, vị thiền sư khách và thầy chỉ ăn thức ăn suông.
Tiếp Nhận Và Trao Truyền
Hồi còn thơ ấu, thầy được ra ngoài Bắc học, nên bị ảnh hưởng của người Bắc. Thay vì nói theo kiểu Huế: “Mời Sư Ông thời cơm” thì thầy lại nói: “Mời Sư Ông dùng cơm!” Nghe từ “dùng cơm”, Sư Ông hơi lấy làm lạ nhưng Sư Ông đã chấp nhận dễ dàng. Có một hôm, Sư Ông dẫn thầy đi và chỉ cho thầy những cây me đất mọc ở chỗ ẩm thấp và chung quanh mái tam quan. Những cây me đất cao chừng hai tấc, có bốn cánh, năm cánh, vị chua chua. Sư Ông nói: “Có một món này con có thể học được, đó là món canh khoai me đất”. Sư Ông dạy: “Mình chỉ cần đổ một ít nước vào xoong rồi cắt khoai lang ra từng miếng nhỏ bỏ vào nấu cho sôi, khi mềm thì nêm muối rồi cắt vào đó một mớ me đất”. Sư Ông rất ưa món canh này. Lâu lâu, thầy nấu món canh khoai đó để cúng dường Sư Ông. Trước khi nấu món canh khoai đó, thầy thường đến chắp tay thưa: “Bạch Sư Ông, hôm nay con muốn cúng dường món canh khoai me đất, Sư Ông có dùng không?” Sư Ông mỉm cười trả lời: “Dùng!”. Thế là Sư Ông đã dùng cái động từ mà thầy đã dùng.
Không bao giờ Sư Ông nói ra bằng lời rằng Sư Ông thương thầy, nhưng thầy biết là trong trái tim của Sư Ông luôn có đầy ắp yêu thương… một tình thương ấm áp và cao cả của thầy đối với trò. Người Á đông vốn là kín đáo. Khi thương, người ta để trong lòng không chịu nói ra. Vì vậy có những đứa con và những đứa học trò cứ tưởng rằng cha mình không thương, thầy mình không thương. Ở Tây phương, thương thì nói ra. Đôi khi thương ít mà nói thương nhiều, làm cho người ta tưởng là thương nhiều thật. Đó là sự khác biệt giữa hai nền văn hóa. Sư Ông có viết di chúc để lại mà không cho thầy và ai biết cả. Trong di chúc ghi là sau khi Sư Ông tịch thì thầy phải kế thế để làm trụ trì tổ đình Từ Hiếu. Nhưng hình như thầy đã được sinh ra không phải để làm trụ trì, cho nên khi Sư Ông tịch, sư anh của thầy là thượng tọa Chí Niệm đứng ra đảm trách chức vụ trụ trì của tổ đình Từ Hiếu.
Năm 1966 là năm mà thầy phải rời quê hương để đi vận động hòa bình, bởi vì chiến tranh Việt Nam vào lúc đó đã đến giai đoạn khốc liệt. Khốc liệt đến nỗi ban đêm mình không ngủ được vì sự chết chóc diễn ra hằng ngày, hằng đêm. Ngay tại xung quanh thành phố Sài Gòn, sự chết chóc cũng diễn ra từng ngày, từng đêm. Vì vậy, thầy nói với các vị cộng sự xuất gia và tại gia: hãy lo lắng mọi công việc ở quê nhà để thầy có thể xuất ngoại đi vận động chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.
Thầy lên đường vào ngày 11 tháng 5 năm 1966. Năm đó có Nhuần hai tháng Ba. Sau khi bà bác sĩ Hiệu, chị Uyên và chị Phượng, chị Phượng là sư cô Chân Không bây giờ, vận động xin được cho thầy giấy xuất ngoại. Thầy liền bay về Huế để từ biệt Sư Ông: Bạch Sư Ông! Con phải đi xuất ngoại, ít nhất là ba tháng. Con sẽ cố gắng vận động dư luận thế giới, tìm cách chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Thầy không biết lần đó là lần cuối cùng được gặp Sư Ông. Nhưng hình như có linh tính báo cho Sư Ông biết trước nên Sư Ông nói: Con hãy ở lại thêm một ngày nữa để thầy làm lễ truyền đăng cho con trước khi con đi. Khuya hôm sau, một lễ truyền đăng được tổ chức trong chánh điện. Sư Ông đã ban cho thầy bài kệ truyền đăng mà các con đã thấy treo ở trên tường:
Nhất hướng Phùng Xuân đắc kiện hành
Hành đương vô niệm diệc vô tranh
Tâm đăng nhược chiếu kỳ nguyên thể
Diệu pháp Đông Tây khả tự thành
Thầy dịch ra tiếng Việt:
Đi gặp mùa xuân, bước kiện hành
Đi trong vô niệm với vô tranh
Đèn tâm soi chiếu vào nguyên thể
Diệu pháp Đông Tây ắt tự thành.
Ngày xuất gia và được thọ giới sa di, thầy được trao pháp danh là Trừng Quang, pháp tự là Phùng Xuân. Phùng Xuân nghĩa là gặp mùa xuân. Thầy không thích cái pháp tự này mấy, vì thầy cho rằng pháp tự này giống tên con gái. Hồi đó, thầy chưa biết rằng Phùng Xuân là một từ để đối lại với từ Khô Mộc. Khô Mộc tức là cây khô. Giọt nước cam lồ của bồ tát Quan Thế Âm một khi rưới lên cây khô, cây khô đó biến thành một mùa xuân mới.
Trong thiền môn, có những đoàn thể không hiểu tu tập như thế nào mà người ta trở thành những cây khô. Vì vậy ngày nay chúng ta có những danh từ Khô Mộc Đường, Khô Mộc Chúng, v.v… Họ ngồi thiền ngày đêm, mục đích là làm sao để những ước muốn, những mơ tưởng của mình khô cạn hết, như một cây khô vậy thôi; làm sao để giải thoát ra khỏi những khổ đau, những bứt rứt ở trong lòng để đừng đau khổ. Truyền thống thiền đó gọi là “Khô Mộc Thiền”.
Những bài có liên quan:
– Sư Cố Thanh Quý Chân Thật (Sư Thúc Chí Mậu chia sẻ) : https://langmai.org/tang-kinh-cac/la-thu-lang-mai/la-thu-lang-mai-28-2005-1/su-co-thanh-quy-chan-that
– Tưởng niệm Sư Tổ Thanh Quý: https://langmai.org/tang-kinh-cac/loi-quan-nguyen/tuong-niem-su-to-thanh-quy
– Tưởng nhớ Sư Tổ Thanh Quý: https://langmai.org/cong-tam-quan/thong-tin-sinh-hoat/sinh-hoat-nam-2014/tuong-nho-su-to-thanh-quy-chan-that/