Bài Viết

Nơi nương tựa vững chãi

Trích trong sách “Con đã có đường đi” của Sư Ông Làng Mai

Nơi nương tựa vững chãi

Mỗi khi trở về sau một chuyến đi dài mệt nhọc, vừa mở cửa bước vào nhà là chúng ta lập tức thấy khoẻ nhẹ, thoải mái ngay. Cũng như sau một ngày làm việc, phải đối phó với những biến cố, những khó khăn của đời sống hàng ngày, khi được về nhà, được ngồi hoặc nằm nghỉ trong căn phòng của mình ta thấy rất dễ chịu, và căn phòng đó thật quen thuộc, ấm áp. Thực tập trở về hải đảo tự thân cũng giống như vậy. Trong ta có sẵn một vùng rất êm ấm, an ninh. Mỗi khi ta nương theo hơi thở để trở về vùng đất đó thì ta cảm thấy rất bình an, thấy mình được che chở. Cái đó gọi là hải đảo tự thân. Trước khi đức Thế Tôn nhập diệt Ngài cũng có dạy về điều này, nương tựa hải đảo tự thân.

Quê hương bình yên, êm ấm ấy vốn đã có sẵn trong tâm ta. Mỗi khi muốn trở về, ta không cần tốn tiền và mất thời gian đi máy bay hay tàu hỏa mà chỉ cần nương vào hơi thở có ý thức là chúng ta lập tức chạm chân tới miền đất an lành đó. Và quê hương ấy, căn nhà an toàn ấy đi đâu ta cũng mang theo. Tại vì cái hải đảo đó không nằm ở không gian hay ở thời gian ngoài kia mà nó nằm ở trong tâm ta.

 

 

Đức Thế Tôn dạy chúng ta phải thường xuyên trở về với hải đảo tự thân của mình. Khi mở những cánh cửa giác quan thì chúng ta tiếp xúc với những cái thấy, cái nghe, cái xúc chạm từ bên ngoài. Những pháp trần này như những luồng gió thổi vào căn nhà của ta. Nó làm xáo trộn tâm ta. Cho nên khi trở về, chúng ta phải đóng bớt những cánh cửa giác quan lại.

Đạo Bụt nói tới hai loại tâm thức: một phần tâm thức lớn gọi là tàng thức; một cái thức nhỏ hơn gọi là ý thức, đây là cánh cửa mở ra đón nhận thế giới bên ngoài. Trong đời sống hàng ngày, những âm thanh, những hình ảnh, những bận rộn, lo toan, những ồn ào cụ thể ở bên ngoài sẽ đi vào trong ý thức để rồi rơi vào tàng thức. Nếu những ngọn gió đó mang nhiều ô nhiễm mà cứ ồ ạt thổi vào những cánh cửa giác quan của ta thì sẽ làm cho ta mệt mỏi. Những lúc ấy ta nên đóng cửa lại, ở yên trong “ngôi nhà của mình”. Duy trì hơi thở vào ra có ý thức trong khoảng vài phút thì tâm sẽ bình an trở lại. Đối với người biết thực tập thì chỉ cần một, hai phút là lấy lại được trạng thái cân bằng.

Mỗi khi lên giường tắt đèn đi ngủ, ta nằm nghiêng trong tư thế “Sư tử toạ” đó là thế nằm nghiêng về phía bên phải, trở về với ngôi nhà chân thật của mình và thở. Ta không còn nghe gì nữa, không nói gì nữa. Ta hoàn toàn trở về với chính mình và thở thật bình an. Sau vài ba hơi thở, tự nhiên căn phòng đó trở nên êm dịu, ấm áp, rất thoải mái. Nếu đã quen với phương pháp thở có ý thức, thì chỉ nội trong vài phút là tâm ta có sự lắng dịu và bình an. Và sự lắng dịu, bình an ấy sẽ thấm nhuần giúp nuôi dưỡng và trị liệu những khổ đau trong thân tâm ta.

Có những người không bao giờ cưỡng lại được sự rong ruổi. Họ không biết cách trở về hải đảo tự thân để được nuôi dưỡng. Chúng ta là những người có rất nhiều phước đức nên đã may mắn biết tới phương pháp theo dõi hơi thở để trở về nơi hải đảo tự thân. Và phải biết thêm rằng, nếu thực tập cho giỏi thì trong cái hải đảo tự thân đó vốn có sẵn chim muông, cỏ cây, hoa lá; có suối, bướm, hoa, trời xanh, mây trắng ở trong. Ban đầu ta nghĩ, chỉ có thế giới bên ngoài mới có mặt trời, mới có hoa lá cỏ cây. Nhưng kỳ thực, ở trong này cũng có. Và có khi nó còn đẹp hơn cả ở bên  ngoài. Chúng ta từng đi qua những giấc mơ, trong đó có những hình ảnh, những âm thanh còn đẹp hơn bên ngoài. Vì vậy, ở trong thế giới này cũng có thể có trời xanh, mây trắng. Và tất cả những cái đó đều là những hạt giống ta đã gieo, nay nó trở về và biểu hiện lên bề mặt ý thức. Mây và nắng không hẳn chỉ ở ngoài, mây và nắng nằm cả ở bên trong. Mỗi người phải biết tự chế ra mây, gầy ra nắng, để tới khi bên ngoài không còn mây, không còn nắng thì trong lòng mình vẫn đầy ắp mây trắng nắng vàng. Nhà thơ Mai Thảo đã viết: 

“Hãy chế lấy mây và gầy lấy nắng.
Chế lấy đừng vay mượn đất trời.
Để khi nhật nguyệt còn xa vắng,
Đầu hè vẫn có ánh trăng soi.”

Ánh trăng này là từ trong tâm chiếu ra. Hàng ngày, mỗi khi thực tập thiền hành, thiền toạ ; mỗi khi tiếp xúc được với những mầu nhiệm như nụ hoa, đám mây, giọt nắng, bầu trời xanh, thì tất cả những cái đó đều đi vào tàng thức của ta và trở thành “của để dành” của ta. Thay vì để dành tiền bạc thì ta để dành nắng, để dành mây, để dành niềm hạnh phúc, để dành sự bình an. Đó chính là tu tập.

 

 

Chăm sóc hải đảo tự thân

Có một dạo, cứ vào buổi trưa, sau nửa ngày làm việc tôi hay đi nghỉ một chút. Khi ấy tôi hay mở CD tụng kinh của Thượng toạ Tịnh Quang ra nghe khoảng năm mười phút để cho những bài tụng đó thấm vào trong lòng. Nhưng tới giai đoạn sau, tôi nghĩ rằng không cần phải nghe kinh nữa tại vì kinh đã ngấm sâu vào tàng thức của tôi rồi. Bên trong đã có sẵn nên không cần nhận từ bên ngoài nữa. Lúc đó, tôi chỉ nằm thở và để cho kinh ở trong tôi đi ra. Bấy giờ, sự ấm cúng từ bên trong đi ra còn lớn hơn là sự ấm cúng từ bên ngoài đi vào. Khi theo dõi hơi thở, có sự lắng dịu trong tâm thì ta thấy ở trong mình có đủ hết rồi, và ta không còn cần bất cứ một cái gì từ bên ngoài nữa hết. Rất mong rằng quý vị tập được thói quen này.

Tuỳ theo sự thực tập của ta mà hải đảo tự thân đó có thể trở nên đẹp đẽ tới mức nào. Cũng như khi bước vào một căn phòng sạch sẽ, có treo những bức tranh hay những bức thư pháp thì ta cảm thấy rất thích thú, vì căn phòng gọn gàng và đẹp đẽ quá. Ý thức của ta cũng như vậy. Nếu có tu tập thì trong tâm ta sẽ có hoa, có bướm, có thông reo, có suối chảy. Mỗi khi trở về, ta đều cảm thấy thoải mái, hạnh phúc. Mỗi ngày ta nên trở về nhiều lần. Ban đêm trước khi đi ngủ, nằm trên giường và vui thú với cái vùng an ninh đó. Chỉ có mình với mình thôi. Rất là khỏe.

Khi ta trở về với hải đảo tự thân, ta nuôi dưỡng hơi thở, sống với hơi thở và hơi thở sẽ làm cho thân tâm êm dịu. Bên trong ta có thể hơi có sự xáo trộn, nhưng khi đã trở về rồi thì với hơi thở, ta chăm sóc được thân và tâm, và sự xáo trộn đó sẽ lắng xuống. Chỉ cần trong một hai phút là ta hưởng được sự an tịnh của hải đảo bên trong rồi. Khi có hơi thở chánh niệm và sự lắng dịu rồi thì Tam bảo cũng nằm ngay ở trong đó. Và nương tựa vào cái vùng an ninh đó tức là đang nương tựa vào Phật, Pháp và Tăng. Giây phút đó là giây phút ta thật sự đang Quy y, đang được che chở bởi Bụt, Pháp và Tăng. Quy y không phải là chắp tay lại và chỉ đọc ba câu con về nương tựa Bụt, Pháp, Tăng. Quy y là trở về với hơi thở chánh niệm, an trú trong giây phút hiện tại bây giờ và ở đây. Khi tâm bình an, thoải mái tức là khi ấy trong ta đang có Tam Bảo che chở. Trong hải đảo tự thân luôn luôn có Bụt, Pháp, Tăng; có đạo hữu, tổ tiên, bạn bè ở trong.