Bài Viết

Những câu linh chú Làng Mai

(Trích pháp thoại của Sư Ông Làng Mai)

Ở đời ai lại không có những người thương? Chúng ta có cha, có mẹ, có anh, có chị, có em, có bạn, có thầy. Khi có chánh niệm thì ta nhận rõ được sự có mặt của những người đó là quí giá cho ta lắm. Họ là những bông hoa, họ đang nở cho ta. Còn ta đang co rút lại, ta phải nở ra cho họ! Vì vậy cho nên câu linh chú thứ nhất của Làng Mai là công nhận sự có mặt của người kia, nhìn người đó bằng chánh niệm, trân quí sự có mặt của người đó và nói ra một câu thần chú bằng tiếng Việt, không cần phải bằng tiếng Phạn:

“Bố ơi, con biết là bố đang còn sống bên con, nên con rất hạnh phúc”,

 Đó là một câu thần chú, và ta phải đọc câu thần chú đó trong trạng thái thân tâm nhất như. Thân và tâm ta phải có mặt 100% thì ta mới nên đọc câu thần chú đó.

Nghe vậy thì người kia sẽ có hạnh phúc, sẽ nở ra như một đóa hoa. Lúc ấy mình cũng là một đóa hoa, mình nở cho người kia, hạnh phúc có mặt liền lập tức. Đó là một thứ hạnh phúc có liền. Hạnh phúc trong khi thực tập câu linh chú thứ nhất còn nhanh hơn là pha cà phê uống liền, tại vì khỏi phải xé bọc cà phê ra, khỏi bỏ vào ly, khỏi chế nước sôi.

Hôm trước khi đi với sư anh Pháp Ứng ở Xóm Thượng, sư anh đưa cánh tay cho tôi vịn để đi xuống dốc cho an toàn. Tôi quay lại nói rằng: “Pháp Ứng ơi! Có con ở đây thầy hạnh phúc quá.” Đó là tôi đọc câu thần chú thứ nhất. Tôi nói câu đó không phải là một câu nói ngoại giao, mà câu đó nó được làm bằng bản chất của chánh niệm, thấy sự có mặt của sư chú là quí giá cho tôi. Biết sư chú đã cho tôi hạnh phúc, đang cho tôi hạnh phúc và sẽ cho tôi hạnh phúc, cho nên tôi chỉ cần nói sự thật đúng lúc thôi. Đó là nhờ “chỉ”, “quán”và “niệm”. Thân tâm tôi nhất như, tuy là đang đi, nhưng nhờ an trú trong hiện tại, tôi nhận diện được sự có mặt của sư chú, nên tôi đã nói được câu linh chú thứ nhất. Sư chú đáp lại liền: “Có Thầy ở bên con, con cũng rất hạnh phúc.” Thành ra hai thầy trò cùng thực tập linh chú.

Có cần lặp lại 100 lần mỗi buổi sáng không? Nếu đã nói được một lần, thì sau này mình không hối tiếc nữa. Huống hồ mình lấy đó làm sự thực tập hàng ngày của mình?

Cho nên hôm đó ở thủ đô Hán Thành tôi đã mỉm cười nhìn những bông hoa ngọc lan đang nở rộ và nói:”Hoa ngọc lan ơi, tôi biết hoa đang có đó và tôi rất hạnh phúc!” Đi một mình giữa những đóa ngọc lan như vậy, mình thấy được tất cả những mầu nhiệm của sự sống, mình sống sâu sắc những giờ phút của buổi sáng, không tiếc nuối gì cả. Không những hoa ngọc lan nở cho mình, mà lúc ấy mình cũng là một bông hoa nở ra cho ngọc lan nữa. Giữa hoa và mình có một mối tình tri kỷ, cũng như giữa hai thầy trò Huệ Năng và Hoằng Nhẫn.

Cho nên những giây phút mà quý vị sống ở Xóm Thượng, có thể là những giây phút quan trọng nhất trong cuộc đời của quý vị. Dù quý vị sống ở đó một tuần, hai tuần hay hai năm, thì mỗi giây phút mà quý vị sống ở đó phải là những giây phút như vậy. Nếu không thì uổng phí quá. Những giây phút của quý vị ở Xóm Hạ, Xóm Trung, Xóm Mới cũng phải như vậy. Những phương pháp ấy tôi đã trao truyền. Nay đến lượt quý vị. Như những người chơi bóng chuyền, khi trái bóng đến tay, thì phải hành động. Không thể giữ bóng mà không chuyền lại cho người khác.

Đối với cha, mẹ, anh,chị hay, đối với những người xung quanh, với hoa đào, với vì tinh tú, với con đường thiền hành, mình phải thực tập nhìn những thứ đó như là nhìn Huệ Năng của mình, nhìn tri kỷ của mình. Chúng ta thực tập để nâng đỡ cho những người chung quanh cùng thực tập. Nếu ta không thực tập thì những người chung quanh ta sẽ không được nâng đỡ, khuyến khích. Sự thực tập của mình có công hiệu tổng quát, nghĩa là mình làm điều nàykhông chỉ riêng cho mình, mà làm cho tất cả những người chung quanh mình. Công tác xây dựng tăng thân lớn lao nhất là công tác đó, nghĩa là phải biết nở ra trong từng giây từng phút của cuộc sống hàng ngày.

Như vậy, câu linh chú đầu tiên của Làng Mai là:

Bố ơi, con biết bố còn đang sống đó và đang ngồi bên con, nên con rất hạnh phúc.

Mẹ ơi, con biết mẹ còn đang sống đó và đang ngồi bên con, nên con rất hạnh phúc.

Và “công thức” của câu linh chú ấy là:

(…) ơi ,( …) biết là (…) còn đang sống đó và đang ngồi bên ( …),nên (…) rất hạnh phúc .

Nếu trong đời anh, đời chị, mà chưa từng nói được câu đó, thì đó là điều rất đáng tiếc. Nếu chưa nói thì lát nữa phải gọi điện thoại. Nói điện thoại trong tinh thần thực tập của chúng ta thì dù là điện thoại viễn thông cũng đáng để cho mình sử dụng.

Câu thần chú thứ hai, có khi mình đảo ngược lại, lấy câu thứ hai làm câu thần chú thứ nhất. Điều này không quan trọng mấy. Điều quan trọng là chúng ta phải thực tập những câu thần chú này.

Câu thần chú thứ hai là:

Bố ơi, con đang có mặt thật sự bên bố đây.

Mẹ ơi, con đang có mặt thật sự bên mẹ đây.

Thầy ơi, con đang có mặt thật sự bên thầy đây.

(…) ơi, ( … ) đang có mặt thật sự bên ( … ) đây.

Thương yêu trong giáo lý của đạo Bụt, trước hết là phải có mặt. Tại vì nếu không có mặt thì làm sao anh thương? Nhiều khi sống 24 giờ đồng hồ với người đó, nhưng anh không bao giờ thật sự có mặt bên người đó. Anh sống như đang sống trong một quán trọ, trong một chung cư mà mình không cần biết người ở phòng bên cạnh là người thuộc quốc tịch nào, có những hạnh phúc nào, những khổ đau nào.

Có thể mình sống với bố, với mẹ, với những người anh, người chị của mình, nhưng mình chưa bao giờ có mặt thật sự với họ. Mình đi, mình về như là những mũi tên, cho đến khi người ấy chết, hay đi xa. Sống như chưa bao giờ mình từng gặp người ấy. Người ấy là ai mà mình nói mình thương?

Món quà quý giá nhất

Có một ông nọ, ông nói với đứa con trai 12 tuổi của ông: “Này con, ngày mai là sinh nhật của con, con muốn gì, nói cho bố biết, bố sẽ mua cho con.” Nhưng cậu bé đó không có hạnh phúc. Cậu bé là con nhà giàu, và bố là giám đốc của một công ty rất lớn, muốn gì ông cũng mua được hết. Nhưng những món quà không làm cho cậu bé hạnh phúc thật sự, vì bố nó chưa bao giờ có mặt với nó hết. Bố bận rộn quá. Tại vì sao? Tại vì khi mình giàu thì mình không muốn mình không giàu nữa! Đó là bệnh của chúng sanh. Đã giàu rồi thì không thể chấp nhận được chuyện mình không giàu! Mà muốn tiếp tục giàu thì phải đổ hết thời gian và tâm lực vào việc làm giàu. Vì vậy mà không có thời gian để thở, để ăn, để nhìn con, nhìn vợ, và cứ đi đi về về như một mũi tên. Nhiều khi phải đi công tác xa nhà đến năm bảy ngày. Cũng không có thời gian gọi điện thoại về cho vợ, cho con. Thành ra vợ con của ông nhà giàu đó không có hạnh phúc.

Ông có đem tiền về thật, nhưng hạnh phúc đâu phải được làm bằng tiền? Tiền có thể giúp được một phần nào, nhưng hạnh phúc là sự thương yêu, và thương yêu là phải có mặt cho nhau. Ông ta không có thời gian để ăn cơm với con, ngồi chơi với con, hay nắm tay con đi dạo. Vì vậy mà lúc nghe bố hỏi, cậu bé đã trả lời: “Con chỉ muốn bố thôi!”  Ông ta liệu có thức tỉnh được hay không thì không thấy nói!

Trong chúng ta có biết bao nhiêu người bị kẹt vào cái thế đó. Cho nên ta phải thực tập. Phải biết nói tội nghiệp quá! Trong quá khứ mình chưa bao giờ có mặt với con mình, có mặt với vợ mình! Chắc là mình phải thay đổi! Ông ta phải thả đi một số bò, để trở lại với vợ, với con, với cuộc sống trong hiện tại.

 

Trong số những người thiền sinh đến Làng Mai để tu học, có những người đã chứng tỏ khả năng thả bò của họ. Họ thấy cuộc sống của họ không có hạnh phúc, họ đã chạy theo sự thành công về sự nghiệp, mà họ không thật sự sống sâu sắc những giây phút hằng ngày. Họ không có thì giờ để thương, để hạnh phúc, cho nên khi trở về sau khóa tu họ đã thức tỉnh và thả được những con bò rất to. Đừng nói rằng không có sự giác ngộ. Nếu không giác ngộ thì làm sao người ta chịu thả những con bò to như vậy? Nếu nghé mà ta cũng không có khả năng thả được thì bò làm sao mà thả cho được?

 

Nhiều khi với các thầy, các sư cô, mình nói đùa rằng ngôi chùa của mình cũng là một con bò, vướng vào con bò đó mình không có thì giờ để thở, để đi thiền hành, để ngồi uống trà; để sử dụng con mắt của Bụt, lỗ tai của Bụt, cái mũi của Bụt, hai bàn chân của Bụt.

Những thứ đó đã được thầy trao truyền rồi, nhưng vì “rét”, mình không thả được. Thành ra ở Làng Mai, chúng ta phải dùng lỗ tai của thầy trao truyền, phải dùng con mắt của thầy trao truyền, cái mũi của thầy trao truyền, bàn tay của thầy trao truyền, hơi thở của thầy trao truyền. Đó là có hiếu. Dòng giống thánh, và hạt giống thánh chủng, mà nối tiếp được là do những thứ ấy, chứ không phải là do chúng ta xây được ngôi chùa lớn, hay làm được những “Phật sự” lớn. Phật sự lớn nhất là có mặt và sống sâu sắc những giây phút của đời sống hàng ngày để có thể tỏa chiếu an lạc, và hạnh phúc. Pháp thân là bài thuyết pháp hay nhất.

Thành ra nếu người cha ấy giác ngộ và thả được những con bò. Có thể một hôm nào đó, ông ngồi xuống bên đứa con mỉm cười và nói: “Con ơi! con biết không? Bố đang có mặt đây cho con” và thật sự anh ta làm được. Tâm anh ta không nghĩ đến công việc. Tâm của anh hiện giờ đang có mặt với con. “Trời ơi, mấy ai có đứa con trai dễ thương như vậy?” Hai cha con nắm tay nhau, thì bỗng nhiên nơi đó trở thành thiên đường, và đứa bé sẽ có hạnh phúc tức thì.

Chăm sóc giây phút hiện tại là xây dựng tương lai

Mỗi khi lên Xóm Thượng, tôi đi trên Xóm thượng như đi trên một thiên đường. Tôi nắm tay và cùng đi với những người đệ tử của tôi rất hạnh phúc. Mỗi khi đi ở Xóm Mới, hay Xóm Hạ tôi đều thấy như vậy. Mình phải có mặt cho nhau. Mình phải có hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Đó là cách thức hay nhất để đầu tư cho tương lai. Tại vì tương lai chỉ được làm bằng một chất liệu thôi, đó là hiện tại. Làm cho chất liệu của hiện tại có phẩm chất, thì tự nhiên mình có một tương lai tươi sáng. Còn lo lắng cách mấy cũng không có tương lai. Tại chất liệu lo lắng, bồn chồn không thể nào làm nên một tương lai đẹp. Chỉ có chất liệu hạnh phúc hiện tại thì mới làm được một tương lai đẹp mà thôi.

Đây là một quá trình rèn luyện và thực tập. Cho nên khi quý vị về Làng Mai, và nghĩ rằng mình chỉ nghe pháp thoại rồi đem về nhà mới thực tập, thì không được. Tại vì Làng Mai là môi trường thuận tiện để thực tập chuyện này. Tức là làm thế nào để nó trở thành một thói quen, rồi đến khi về trú xứ, mình mới thực tập được. Còn nếu trong thời gian ở tại Làng Mai mà mình không tạo được thói quen này, thì khi về thành phố của mình, mình sẽ không làm được. Ở thành phố mình khó thực tập lắm. Tại vì tất cả mọi người đều chạy, không ai có khả năng an trú. Ít người biết sống sâu sắc trong giây phút hiện tại.

Do đó nếu quý vị ở được hai tuần hay hai tháng, thì trong thời gian đó mình phải quyết tâm tập cho được nếp sống này để nó trở nên một thói quen tốt, một tập khí tốt. Trong khi tập luyện như vậy, mình có hạnh phúc liền lập tức.Vì đó là giáo pháp Hiện pháp Lạc trú. Quê hương đích thực của hình, tịnh độ của mình nằm ngay tại đó, trong giây phút ấy, chứ không phải trong không gian khác, hay trong thời gian khác. Bây giờ hay là sẽ không bao giờ. Đó là nguyên tắc của chúng ta.

Nhắc lại câu linh chú thứ nhất: “Bố ơi, mẹ ơi, con biết là bố đang có mặt đó, và con rất có hạnh phúc.” Quý vị cứ làm đi! Khi tam nghiệp hợp nhất thì chắc chắn thành công, nó tạo ra một sự biến chuyển lớn liền lập tức, hạnh phúc sẽ có liền lập tức. Hãy thực tập với ngôi sao Mai, với trăng Rằm; hãy thực tập với lá sồi, với sư anh, sư chị.

Cũng nhắc lại câu thần chú thứ hai là “Mẹ ơi, con đang thật sự có mặt bên mẹ đây!”. Tại vì món quà lớn nhất mà mình có thể hiến tặng cho người thương của mình là sự có mặt đích thực của mình. Nếu không có mặt thì làm sao anh thương? Mà có mặt không phải là chuyện dễ. Phải thực tập mới có mặt được. Phải biết nghệ thuật thở chánh niệm, phải có nghệ thuật thả bò, buông bỏ những lo lắng, suy tư, tham vọng, khổ đau, giận hờn thì mới thật sự có mặt cho người mình thương được.

Trong những buổi pháp đàm, chúng ta phải bàn với nhau, phải chia sẽ cho nhau, người này đã làm như thế này, đã thành công như thế kia, người kia chưa thành công được là tại vì kẹt cái này, kẹt cái khác. Chúng ta phải tới với nhau như một tăng thân để chia sẻ kết quả của những thực tập đó. Và chiều hôm đó sau buổi pháp đàm, chúng ta đem ra thực tập liền. Có như vậy thì chúng ta mới xứng đáng với kỳ vọng, và trông đợi của Bụt, của Tổ và của Thầy.