Khơi nối truyền thống văn hóa dân tộc
Trích trong sách “Tương lai văn hóa Việt Nam – viết cho thằng Cu và con Hĩm” của Sư Ông Làng Mai.
Hồi ta trạc tuổi hai con, ta đã từng thấy rất bơ vơ. Ta không biết ta sẽ đi về đâu. Có một đêm nọ ta nằm mơ thấy mình đang nằm trong ngôi nhà thờ họ của chúng mình, và ta thấy trong lòng êm ả, lắng dịu. Ngôi nhà thờ họ đối với ta lúc đó như là một nơi che chở cho ta an toàn nhất. Lúc thức dậy, ta chợt thấy bơ vơ thêm lên. Thì ra trong giấc mơ, tiềm thức ta đã đưa ta trở về trốn tránh nơi truyền thống văn hóa dân tộc. Nhà thờ họ, cũng như bàn thờ tổ tiên là tượng trưng cho truyền thống đó. Trong ngôi nhà tổ phụ, và trong bất cứ ngôi nhà nào khác, bàn thờ tổ tiên được đặt ở vị trí trung ương và tôn quý nhất. Năm 1966, hồi các con còn mới được được chừng bốn năm tuổi, tại các thành phố Huế và Đà Nẵng, gia đình nào cũng mang bàn thờ tổ tiên ra đường để chặn cuộc tiến công của xe tăng và thiết giáp. Người ngoại quốc cứ ngỡ là các vị lãnh đạo tôn giáo xứ ta muốn sử dụng tôn giáo làm vũ khí chính trị, nhưng ta nghĩ khác. Ta nghĩ rằng đó là dân tộc ta đã muốn chống lại bạo lực bằng sức mạnh truyền thống của nền văn hóa dân tộc. Các con có thấy một cuộc bộc lộ tâm tư nào mà bi tráng như thế hay chưa?
Bàn thờ tổ tiên còn là biểu tượng rất quan trọng cho truyền thống dân tộc. Nhờ bàn thờ ấy mà chúng ta cảm thấy sự hiện diện của ông bà cha mẹ bên ta, nhất là vào những dịp Tết nhất và kỵ giỗ. Trong ngày kỵ giỗ, người gia trưởng trong khi khấn vái thực sự xúc tiếp với tổ tiên mình. Lấy cớ rằng sự thờ cúng tổ tiên là mê tín mà dẹp bỏ bàn thờ tổ tiên, ta thấy đó là một hành động phá hoại văn hóa rất nguy hại. Nếu bàn thờ tổ tiên mà bị dẹp bỏ thì ai trấn ngự trên bàn thờ tổ quốc? Và bàn thờ tổ quốc còn có nghĩa lý gì? Người mà không có linh hồn thì nước làm gì có?
Khơi Nối Được Chất Liệu Văn Hóa
Dân tộc ta ngày xưa có tục đốt vàng mã mà bây giờ ta gọi là một hủ tục. Ta chê đó là mê tín. Ta không tin rằng đốt áo quần tiền bạc bằng giấy thì thân nhân ta ở cõi âm có áo quần để mặc và tiền bạc để tiêu xài. Ta không thấy được rằng hành động đốt vàng mã biểu hiện lòng thương nhớ lo lắng của người còn sống đối với người đã khuất. Cái chất liệu văn hóa của sự đốt vàng mã là lòng nhớ thương và niềm chung thủy. Ta có thể bãi bỏ tục đốt vàng mã, lấy cớ rằng điều đó có hại cho nền kinh tế quốc gia, nhưng ta chỉ có thể và chỉ nên làm như thế sau khi đã tìm ra những hình thức sinh hoạt văn hoá khác thay thế cho việc đốt vàng mã. Nếu không thì ta đã vô tình dẹp bỏ một nếp sống tình cảm rất trung hậu và đẹp đẽ trong truyền thống văn hóa ta. Nói tới cái lợi và cái hại kinh tế thì không cùng. Chế tạo vũ khí và theo đuổi chiến tranh thì hại cho kinh tế vô cùng mà ta không hề nói tới. Ta có thể xuất tiền hàng triệu ra mua thức này thức khác, nhưng ta đâu có thể mua được lòng thương nhớ và nghĩa vẹn toàn bằng tiền bạc. Vậy thì tại sao ta nói đến cái hại kinh tế của sự đốt vàng mã. Pháo ta đốt ngày Tết cũng có hại kinh tế lắm chứ. Nhưng ta cứ đốt, bởi vì nó cho ta niềm vui và lòng hy vọng ở năm mới hạnh phúc và thịnh vượng hơn.
Cách đây hai chục năm, hồi các con còn trứng nước ta có viết một đoản văn tên là Bông Hồng Cài Áo về tình mẹ con. Từ ấy đến nay, năm nào giới trẻ xứ ta cũng tổ chức hội Bông Hồng Cài Áo. Đoản văn ấy đã cảm động được trái tim của tuổi trẻ, đã làm cho họ ý thức được sự quý giá của bà mẹ bên mình, đã làm cho bao nhiêu người được sung sướng, con cũng như mẹ. Tuy nó không phải là một cuốn kinh như kinh Vu Lan nhưng nó cũng có thể có một tác dụng tương tợ như tác dụng kinh Vu Lan. Tuy nó rất khác với sự đốt vàng mã, nó cũng nuôi dưỡng được lòng thương yêu như việc đốt vàng mã. Các con hãy nhìn bàn thờ tổ tiên, cây cau, cây nêu, đống rơm, miếng trầu v.v.., hãy lắng nghe những câu ca dao, những lời ru tiếng hát và những tiếng nói tiếng cười của người dân trong xóm v.v.., các con sẽ thấy được những gửi gắm âm thầm của truyền thống văn hóa dân tộc. Nhiệm vụ của các con là khơi nối cho được những giá trị của truyền thống văn hóa dân tộc để có thể làm giàu có thêm cho truyền thống ấy.
Tôi và Ông
Truyền thuyết một mẹ trăm con cho ta thấy tổ tiên của chúng ta từ ngày xưa đã quan niệm trăm họ như một nhà, và dân tộc ta là một đại gia đình. Ngôn ngữ của ta cũng bộc lộ ý hướng ấy. Tiếng “tôi” trong ngôn ngữ Việt Nam không phải là một tiếng tôi cộc lốc như trong các ngôn ngữ khác. Nói đúng hơn, trong ngôn ngữ ta không có những đại danh từ chỉ nhân vật như je và vous, như I và you, như ngộ và nị. Các con để ý nhận xét mà coi. Nếu đi ngoài đường mà gặp một người thì ta phải thiết lập một thứ liên hệ thân thuộc nào đó giữa ta và người đó trước khi ta có thể mở miệng nói chuyện. Nếu người ấy hơi lớn hơn ta hoặc bằng ta, ta sẽ gọi bằng Anh hoặc Chị và ta tự xưng em. Anh Hai, Chị Ba v.v.., đó là những tiếng ta quen dùng để gọi người trạc tuổi của anh chị ta. Nếu người ấy lớn tuổi hơn ta nhiều, ta gọi bằng Chú, bằng Bác, bằng Dì, bằng Cô hoặc bằng Ông, bằng Bà và ta tự xưng là Cháu. Dùng tiếng tôi thì có vẻ cộc lốc, lạt lẽo. Với lại tiếng “tôi” xưa kia vốn là tiếng khiêm nhường của người thần dân tự xưng với vua, của người đầy tớ tự xưng với chủ. Tôi có nghĩa là bầy tôi (votre sujet) của vua, hoặc tôi tớ (votre serviteur) của chủ. Tiếng “ông” và tiếng “bà” mà ta thường tưởng là tương đương với đại danh từ vous hay you thật ra chỉ là tiếng tôn xưng người đối diện, cho họ đáng bực ông và bà của ta. Tất cả mọi xưng hô trong ngôn ngữ ta đều phải được đặt trong liên hệ gia tộc.
Câu “Cháu xin lỗi bà” ta thiết nghĩ không thể dịch ra Pháp văn là “je vous demande pardon” được. Cái tinh thần của ngữ pháp khiến ta có khuynh hướng muốn dịch: “la petite fille voudrait demander pardon à sa grande mère”. Nếu ta nghe câu tiếng Pháp này không êm tai, đó là tại vì hai văn hóa khác nhau, hai ngôn ngữ khác nhau. Một ngôn ngữ mà không có những đại danh từ nhân vật ngôi nhất và ngôi hai như thế kể cũng hiếm có trên thế giới con nhỉ. Trong những chi tiết như thế, giống nòi đã ký thác cho ta biết bao nhiều niềm ước vọng, biết bao điều mong mỏi. Ta hãy trở lại khai thác tiềm lực của chính ta ngay trong văn hóa ta trước đã.