Hiện hữu của mẹ
Trích trong sách “Nẻo về của ý” của Sư Ông Làng Mai
Mặt trăng Rằm tháng Chín. Chắc là mẹ tôi cũng đi theo tôi đến chùa khi trăng mới mọc.
Cái mặt trăng ấy đã chiếu sáng trên nóc chùa lúc tôi ngồi nghe thuyết pháp, đã chiếu sáng trên nóc chùa lúc tôi ngồi nghe trình diễn đàn Koto. Và mặt trăng ấy bây giờ cũng lại đi theo tôi về tận nhà. Sáu năm về trước, mẹ tôi mất vào ngày trăng tròn tháng chín… Trăng khuya bao giờ hiền hòa êm dịu và mầu nhiệm như tình mẹ. Trong suốt bốn năm trời tôi có cảm giác rất rõ rệt là tôi mất mẹ. Nhưng mà có một đêm tôi nằm mơ thấy mẹ, và từ lúc đó, cảm giác kia không còn nữa. Tôi thấy mẹ tôi chưa bao giờ mất cả, và những đau khổ xót xa trước kia chỉ là những ảo giác trong một giấc mộng. Tôi còn nhớ đó là một đêm tháng tư ở cao nguyên. Tôi nằm mơ thấy mẹ tôi, dung nhan không có gì biến đổi. Tôi nói chuyện với mẹ tôi rất tự nhiên, không có một mảy may cảm giác rằng tôi trong bốn năm, chịu đựng ý tưởng mất mẹ. Chắc Nguyên Hưng muốn hỏi tôi rằng trong bốn năm ấy tôi có lần nào nằm mơ không. Có, tôi nằm mơ thấy mẹ tôi vài lần, nhưng mà những lần thấy như thế không có tác dụng gì rõ rệt sau khi tôi tỉnh thức cả.
Lần này, khi tỉnh thức, tôi cảm thấy tâm hồn bình yên một cách kỳ lạ và tôi thấy một cách rất hiện thực rằng sự sinh diệt của mẹ tôi là một cái gì do tôi tạo ra mà không phải là một thực tại khách quan. Sự hiện thực của mẹ tôi không tùy thuộc vào sinh diệt; không phải nhờ sinh mà mẹ tôi có, không phải vì diệt mà mẹ tôi không có. Cái có với cái không là sáng tạo phẩm của nhận thức chủ quan và do có không hẳn là có và không không hẳn là không. Có là để đối với không, và không là để đối lại với có. Thực ra, đã có thì không thể nào là không, và từ không thì không thể nào sinh ra có. Tôi không muốn lý luận với Nguyên Hưng, tôi chỉ muốn nói với Nguyên Hưng, thế thôi. Bữa đó, tôi thức dậy vào lúc một giờ rưỡi khuya và thấy phép mầu hiển hiện. Niềm đau xót không còn nữa và tôi chứng thực rằng ý tưởng mất mẹ trong suốt bốn năm vừa qua chỉ là những ý tưởng. Thấy được mẹ trong giấc mơ ấy rồi tức là thấy mẹ tôi mãi mãi. Điều này tôi càng thấy rõ hơn khi tôi đi mở cửa đi ra vườn. Vườn đầy ánh trăng khuya dịu dàng và nhiệm mầu. Đó là sự có mặt của mẹ, nhớ thương, đó không là một sự tự an ủi mình. Tôi có thể thấy mẹ tôi bất cứ ở đâu và lúc nào tôi muốn.
Nguyên Hưng, hồi tháng tám trong lúc còn ở Medford, tôi có viết để làm quà cho những người trẻ tuổi quen biết ở nhà một đoản văn tôi là Bông Hồng Cài Áo. Ngồi ở trong nhà gỗ Pomona, tôi đã viết ra những dòng chữ giản dị kia trong lúc chim hót vang rừng. Khi tôi gửi nó đi rồi – tôi gởi cho Nhiên – tôi mới biết rằng những cảm nghĩ trong ấy phát sinh từ một cái nhìn khá mới lạ, cũng là cái nhìn mà tôi đã diễn tả trong lá thư viết cho thầy Thanh Từ. Ngày xưa nói về văn học Việt Nam, tôi cứ giảng đi giảng lại mãi câu thơ:
của Mãn Giác Thiền Sư đời Lý, rất khâm phục ý tưởng của tác giả nhưng mà chưa bao giờ đón nhận được cái tâm tư của tác giả một cách đích thực. Thì ra trong lúc nhận thức cởi mở, trong lúc cái vỏ cứng nứt rạn, ta có thể trông thấy những điều thật là mầu nhiệm. Cũng như ta có thể thấy được sự hiện hữu của cành mai trong một đêm tăm tối và lạnh lẽo của mùa Đông.