Bài Viết

Cầu nguyện từ trái tim

Khi ta tụng kinh cũng như khi nghe tụng kinh, ta cần phải hợp nhất thân và tâm. Làm được như vậy, ta có niệm, có định; ta hòa vào tăng thân và trở thành một với tăng thân, như một dòng sông.

Ta không còn tồn tại như một cá nhân mà trở thành dòng sông tăng thân. Tâm lúc nào cũng phải có mặt với thân. Đó là lý do tại sao đi trong chánh niệm có thể được coi là sự cầu nguyện. Ta cầu nguyện bằng đôi chân; và khi đi trong chánh niệm ta có thể tiếp xúc được với nước Chúa, với Tịnh độ của Bụt. Và ta có thể thấy được hiệu quả của sự cầu nguyện ngay lập tức.
 
Khi ta thở vào thở ra trong chánh niệm, đó mới là thở thật sự. Thân và tâm về một mối. Thật đáng tiếc nếu ta chỉ cầu nguyện bằng cái miệng – đọc một cái gì đó, trong khi tâm ta rong ruổi về quá khứ hoặc tương lai, hoặc nghĩ tới một dự án nào đó. Đó không phải là cầu nguyện, bởi vì ta không có chánh niệm, không có định và không có tuệ. Nền tảng của cầu nguyện là niệm, định và tuệ. Trong truyền thống Cơ Đốc giáo, có những người có khả năng cầu nguyện như thế, với niệm, định và tuệ. Họ gọi đó là sự nguyện cầu của trái tim. Cầu nguyện với thân và tâm nhất như mà không chỉ chắp tay rồi tụng một cái gì đó. Khi lên tụng kinh, nếu trong khi tụng mà ta nghĩ ngợi về một điều gì đó, ta phải quay về tự hỏi mình: “Mình đang làm gì đây? Mình đang trình diễn chứ không phải là đang thực tập. Mình đang trình diễn một bài kinh. Mình đang không thực tập, mình không hề cầu nguyện”.
 
 
 
 
Những thành viên khác trong tăng thân là tiếng chuông chánh niệm, nhắc nhở ta bằng cách họ tụng kinh, cách họ thực tập, và ta phải giúp tăng thân thực tập như vậy. Thân luôn luôn có mặt với tâm, như thế ta mới tránh được cái bẫy của sự thực tập hình thức. Cái bẫy này rất phổ biến; nó có thể xảy ra trong đạo Bụt, trong đạo Cơ Đốc, trong bất kỳ một tôn giáo nào. Ta biết nếu thực tập như thế thì chẳng có hiệu quả gì. Ta không có Thiên quốc, cũng chẳng có Tịnh độ, bởi vì ta không có niệm, định và tuệ.
 
Khi ta có chánh niệm, có định, có tuệ thì ta sẽ có nhiều bình an hơn trong thân và tâm. Nếu ta biết làm thế nào để cho năng lượng tập thể của tăng thân thấm vào trong thân ta, nếu ta biết làm thế nào để thực sự thở trong chánh niệm, buông bỏ căng thẳng trong thân, làm lắng dịu cảm xúc nhờ nương vào hơi thở chánh niệm, thì ta đã có nhiều bình an hơn rồi. Giây phút mà ta ngồi xuống và bắt đầu thở, làm lắng dịu thân tâm thì sự bình an liền có mặt. Và thở như thế chính là sự cầu nguyện. Khi trong ta có bình an, ta có thể kết nối với những người khác, có thể giúp họ cũng có bình an như mình. Cùng với nhau, chúng ta tạo thành một cơ thể bình an, một cộng đồng bình an.
 
Những người bạn đạo Cơ Đốc của chúng ta nói: “Sống mỗi giây mỗi phút trong sự hiện diện của Thượng đế”. Nếu ta sống trong niệm định tuệ, ta sẽ không bao giờ rời xa Thượng đế, ta luôn luôn tiếp xúc với Thượng đế, trong sự hiện diện của Thượng đế. Khi ta sống từng giây từng phút của đời sống hàng ngày trong sự hiện diện của Thượng đế nghĩa là cuộc sống hàng ngày của ta là một sự cầu nguyện.
 
Mỗi giây phút của cuộc sống hàng ngày có thể trở thành giây phút của sự cầu nguyện, của thiền quán, của sự thực tập. Ta cần phải được huấn luyện mới làm được. Có những khoảnh khắc ta không thật sự sống, ta bị sự lo lắng, giận dữ, hoặc những dự án kéo đi; và vì vậy ta phung phí sự sống. Không ai muốn phung phí sự sống cả. Ai cũng muốn sống sâu sắc, và cách duy nhất là bằng sự cầu nguyện, bằng cách chế tác năng lượng của niệm, định và tuệ. Như thế ta có thể sống một cách sâu sắc mỗi giây phút trong cuộc sống hàng ngày. Cuộc sống của ta là cuộc sống của sự hành trì, là cuộc sống của sự cầu nguyện. Không có sự phân biệt nào giữa thời gian cầu nguyện và thời gian “để sống” hoặc không cầu nguyện.