Bài Viết

Bước chân của Bụt

(Trích trong sách “Bụt là hình hài – Bụt là tâm thức” của Sư Ông Làng Mai).

 

Bảy bước mầu nhiệm

Theo truyền thống đạo Bụt thì khi vừa mới sinh ra Bụt đã bước đi bảy bước. Bụt bắt đầu đi thiền hành khi mới lọt lòng mẹ. Số bảy là con số rất linh thiêng. Vì vậy chúng ta có thể hiểu bảy bước đó như là bảy yếu tố giác ngộ. Để kỷ niệm ngày Bụt đản sanh, cách hay nhất là chúng ta đi bảy bước, hoàn toàn an trú trong chánh niệm. Tôi luôn thấy mình may mắn và mầu nhiệm có mặt trên hành tinh này, bước đi như một con người tự do. Không cần phải làm gì cả. Chúng ta chỉ đi cho bình an trên hành tinh này. Phi hành gia Apollo đã chụp hình trái đất và gởi đến cho chúng ta, nhờ đó chúng ta thấy được trái đất rất xinh đẹp, là thành trì của sự sống. Trái đất là Tịnh Độ của chúng ta. Thật kỳ diệu!

 

 

Nếu chúng ta bay lên không trung, chúng ta sẽ thấy sự sống ở đó rất hiếm hoi. Khí hậu quá khắc nghiệt, khi thì quá nóng, khi thì quá lạnh làm cho sự sống không thể tồn tại. Trở về trái đất, chúng ta mới thấy được sự mầu nhiệm của sự sống. Chúng ta thấy được cây xanh, thấy được các loài thảo mộc và động vật. Chúng ta tiếp xúc được với mặt đất, với cỏ cây bằng đôi chân của ta, chúng ta ngắm nhìn những bông hoa, quan sát những chú sóc chuyền cành, lắng nghe tiếng chim hót, tiếng gió rủ rỉ qua các cành thông, hít thở và tiếp xúc với không khí trong lành. Nhiều người trong chúng ta cần phải xa nhà một tuần để khi trở về biết trân quý cõi Tịnh Độ của mình hơn. Chúng ta hay xem thường những gì mình đang có, cứ cho rằng đó là những điều hiển nhiên. Nếu có chánh niệm chúng ta sẽ ý thức rằng còn sống và có mặt trên trái đất này, bước được những bước chân trên hành tinh xinh đẹp là một phép lạ. Thiền sư Lâm Tế nói: “Phép lạ không phải là đi trên mặt nước hay đi trên không trung mà là đi trên mặt đất.” Tất cả chúng ta đều có thể đạt được phép lạ khi đi trên mặt đất. Chúng ta có thể bắt đầu bằng bảy bước. Nếu thành công, chúng ta có thể bước tiếp bước thứ tám, thứ chín. Với năng lượng chánh niệm, chân của ta trở thành chân Bụt. Thực tập hơi thở chánh niệm sẽ giúp ta chế tác năng lượng chánh niệm và với năng lượng chánh niệm đó, chúng ta ủy quyền cho đôi chân của ta để chân ta trở thành chân Bụt. Khi chúng ta đi bằng chân Bụt thì nơi ta đi là đất Bụt. Bụt ở đâu thì đất Bụt và cõi Tịnh Độ ở đó. Nước Chúa cũng luôn luôn có mặt ở đây, ngay bây giờ. Tịnh Độ của Bụt cũng vậy. Vấn đề là chúng ta có có mặt cho nước Chúa, có mặt cho cõi Tịnh Độ hay không? Có thể chúng ta quá bận rộn, không thể rong chơi trong cõi Tịnh Độ hay trong nước Chúa. Vì vậy mà Siddhartha muốn chứng minh rằng Ngài có thể bắt đầu đi trong cõi Tịnh Độ ngay khi vừa mới ra đời.

Quay về nương tựa Bụt, Pháp, Tăng và tiếp nhận năm giới là chúng ta được tái sinh trở lại trong gia đình tâm linh. Cũng giống như Siddhartha chúng ta có thể đi bảy bước thành công. Bước thức nhất, ta tiếp xúc với mặt đất, bước thứ hai ta thấy được trời xanh trên trái đất này v.v… Chúng ta chỉ cần bảy bước để giải thoát, giác ngộ. Chúng ta có thể giác ngộ trong mỗi giây phút của cuộc sống hằng ngày. Ý thức rằng chúng ta đang còn sống và đang đi trên mặt đất đã là một sự giác ngộ rồi. Chúng ta phải làm mới sự giác ngộ của mình mỗi ngày. Đi trong nước Chúa, đi trong cõi Tịnh Độ của Bụt là một niềm hân hoan, tươi mới, rất nuôi dưỡng, rất trị liệu. Chúng ta biết mình có khả năng làm được điều đó nhưng thông thường chúng ta không làm. Chúng ta cần bạn, cần thầy nhắc nhở chúng ta.

Bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể thực tập hơi thở chánh niệm và chế tác năng lượng chánh niệm. Ai cũng có khả năng bước được một bước chân, tiếp xúc với mặt đất, tiếp xúc với nước Chúa bằng năng lượng chánh niệm. Một số người trong chúng ta cần phải bay lên không trung để biết trân quý trái đất hơn. Chúng ta hay xem thường nhiều thứ. Chúng ta không biết trân quý những gì ta đang có. Rất nhiều điều kiện hạnh phúc, an lạc có sẵn cho chúng ta, nhưng chúng ta đã không tiếp nhận được. Pháp Bụt giúp ta thực tập chánh niệm, ý thức là chúng ta đang ở đây, bầu trời vẫn xanh, cỏ cây, mây nước, dòng sông vẫn còn đó. Chúng ta có thể tận hưởng từng phút giây của cuộc sống để sự tiếp nối của chúng ta có cơ hội đi lên.

Chánh niệm có khả năng làm cho mỗi giây phút của sự sống trở thành giây phút mầu nhiệm. Đó là món quà quý nhất mà chúng ta có thể hiến tặng cho con cháu của chúng ta. Con cháu của chúng ta là ai? Con cháu chúng ta chính là chúng ta. Bởi vì con cháu chúng ta là sự tiếp nối của chúng ta. Vì vậy mỗi giây phút của đời sống hằng ngày có thể trở thành món quà cho con cháu chúng ta và cho toàn thế giới.

Chân của Bụt

Lần đầu tiên đi Ấn Độ, khi vào thành phố Patna, ngồi trên máy bay chúng tôi quan sát khung cảnh bên dưới khoảng mười lăm phút. Đó là lần đầu tiên tôi thấy sông Hằng. Khi còn là một sa di tôi biết sông Hằng và cát trên sông Hằng là hằng hà sa số, không thể đếm được. Vào thời xưa người ta gọi là Patna, Pataliputra. Đó là thủ đô của Magadha sau khi Bụt nhập diệt. Ngồi trên máy bay nhìn xuống, tôi thấy dấu chân của Bụt khắp nơi dọc sông Hằng. Chắc chắn là Bụt đã qua lại nhiều lần dọc dòng sông ấy. Tôi rất cảm động! Sau mười lăm phút quan sát và quán tưởng, tôi thấy Bụt đang đi trang nghiêm, thanh thoát, tươi vui và an lạc. Bụt đã đi như thế trong suốt bốn mươi lăm năm. Bụt mang tuệ giác, từ bi và đạo giải thoát chia sẻ với tất cả mọi người, đủ các tầng lớp trong xã hội, từ những người có chức quyền, địa vị lớn như vua quan, tướng lãnh, cận thần cho đến những kẻ cùng đinh như người gánh phân, đổ thùng, những người thuộc tầng lớp hạ tiện v.v…

Bụt rất thích đi bộ và Bụt đi rất nhiều. Vào thời đại của Bụt không có xe hơi, không có tàu lửa, không có máy bay. Thỉnh thoảng Bụt dùng đò để qua sông, nhưng hầu hết là đi bộ. Bụt đi với những người bạn và đệ tử của Bụt. Suốt bốn mươi lăm năm hành đạo, Bụt đã viếng thăm và dạy dỗ cho khoảng mười bốn, mười lăm nước Ấn cổ và Nepal. Cố nhiên là Bụt thích ngồi thiền nhưng Bụt cũng thích đi thiền.

 

 

Nếu quý vị đi Ấn Độ và đến thăm Benares, từ đó muốn đến New Delhi quý vị phải đi bằng máy bay. Nhưng hồi xưa thì Bụt đi bộ. Suốt ba tháng mùa mưa, Bụt an cư với quý thầy tại một trú xứ còn những tháng khác trong năm Bụt thích đi đây đó để hóa độ mọi người. Cư sĩ Cấp Cô Độc đã cúng dường cho Bụt khu vườn Kỳ Đà. Ông có một người con gái tên là Sunanagada, cô gái này cưới một ông vua ở vùng Bengal. Một ngày nọ đứa con gái của ông Cấp Cô Độc mời Bụt đến nơi mình ở. Bụt đi về phương Đông với năm trăm vị khất sĩ. Bụt rất thích phương Đông và đã thuyết pháp rất nhiều ở đó. Bụt ở tu viện Kỳ Đà hơn hai mươi mùa an cư. Bụt cũng đã đi về phương Bắc, ngày nay gọi là New Delhi và cũng thường xuyên đi về phương Tây. Vua Avanti muốn mời Bụt về phương Tây nhưng Bụt không đi và Bụt đã gởi hai vị đệ tử lớn thay Ngài. Đó là Ma ha Ca Chiên Diên và Ma ha Câu Thi La. Thầy Ca Chiên Diên là một pháp sư hùng biện và khéo léo. Họ đi về phương Tây và thành lập nhiều trung tâm ở đó. Do điều kiện sinh hoạt ở phương Tây khác hẳn với những nơi khác nên hai thầy đã xin Bụt giảm bớt một vài giới điều để dễ dàng thực tập hơn. Những giới mà hai thầy đưa ra chung quy là về việc đi chân đất. Vì điều kiện sống ở đây khắc nghiệt nên quý thầy ở miền Tây được mang giày nhiều lớp để bảo vệ đôi chân của mình, được ngồi trên da thú để khỏi bị ẩm ướt và tránh được cái lạnh toát ra từ hơi đá.

Ở Sharavasti, có một thương gia rất giàu có, đi từ phương Tây đến gặp Bụt và muốn xuất gia trở thành một vị khất sĩ. Sau khi trở thành khất sĩ và thực tập có nhiều tiến bộ, thầy muốn trở về quê hương của mình để thành lập tăng thân. Tên thầy là Phú Lâu Na. Cuộc nói chuyện giữa Bụt và thầy Phú Lâu Na được ghi lại trong kinh: “Ta nghe nói dân chúng ở phương Tây không được hiền lành và họ rất dễ nổi giận. Nếu thầy đến đó dân chúng la thầy thì thầy sẽ hành xử như thế nào?” Thầy Phú Lâu Na trả lời: “Bạch đức Thế Tôn, nếu người ta la con, con thấy họ vẫn còn từ bi bởi vì họ không ném đá vào con.” – “Nhưng nếu người ta ném đá vào thầy thì sao?” – “Bạch Thế Tôn con nghĩ họ đủ từ bi với con bởi vì họ không dùng gậy đánh con.” – “Nhưng nếu họ dùng gậy đánh thầy thì sao?” – “Con nghĩ là họ vẫn còn từ bi vì họ không dùng dao giết con.” – “Nếu người ta dùng dao giết thầy thì sao?” – ‘‘Trong trường hợp phải chết vì chánh pháp con vẫn rất hạnh phúc, con không sợ hãi và cái chết của con cũng là một bài pháp.” Bụt nói: “Tốt lắm, vậy thì thầy nên đi đến đó.” Thế là tôn giả Phú Lâu Na được đức Thế Tôn và tăng đoàn yểm trợ đi về phương Tây để thành lập tu viện và cuối cùng có năm trăm vị khất sĩ cư trú ở đó.

Khi chúng ta đi trong chánh niệm thì chân chúng ta trở thành chân Bụt. Ngày nay chúng ta có thể thấy được bàn chân của Bụt ở khắp nơi, Ngài không chỉ đi ở Tây Ấn mà còn đến cả châu Phi, châu Úc, Tân Tây Lan, Nga và Nam Mỹ nữa. Chân của quý vị đã trở thành chân Bụt. Bởi vì quý vị đang có mặt ở đó và Bụt có thể đi bất cứ nơi đâu. Bất kể quý vị đang ở đâu, Hòa Lan, Đức Quốc, Do Thái hay Canada, quý vị cũng có thể đi cho Bụt. Bởi vì quý vị là bạn của Bụt, là đệ tử của Bụt, là sự tiếp nối của Bụt. Nhờ quý vị mà Bụt được tiếp tục đi và tiếp tục tiếp xúc với hành tinh này khắp mọi nơi. Mỗi bước chúng ta đi đều có khả năng mang theo sự an vui, vững chãi và thảnh thơi. Với chân của Bụt chúng ta có thể mang Ngài đi đến những vùng xa xôi, hẻo lánh, những khu nhà ổ chuột hay những vùng kinh tế mới ở các miền quê, những nơi đói khổ và kỳ thị giai cấp. Chúng ta có thể mang Bụt đi vào nhà tù, làm cho giáo pháp sống dậy trong lòng mọi người. Được tiếp nối Bụt là một điều kỳ diệu. Chúng ta biết rằng chúng ta có thể làm được điều đó, chúng ta có khả năng tiếp nối Bụt. Điều này không khó, chúng ta chỉ cần thở và đi cho có chánh niệm là chúng ta đã có thể tiếp nối Bụt. Làm được điều đó thì mỗi giây phút của đời sống hằng ngày là một sự mầu nhiệm, một phép lạ.

Đó là món quà quý nhất mà chúng ta có thể hiến tặng cho thế hệ tương lai. Chúng ta không cần phải có nhiều tiền tài, danh vọng, hay quyền hành mới có hạnh phúc. Chỉ cần có chánh niệm là chúng ta đã đủ hạnh phúc rồi. Chúng ta cần tự do, cần vượt thoát mọi lo lắng, tham lam và buồn giận để chúng ta có thể tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống. Những mầu nhiệm của sự sống đã có sẵn ở đây, ngay bây giờ. Với sự nỗ lực cá nhân và với sự nâng đỡ của tăng thân, chúng ta có khả năng làm được điều đó. Đi đâu chúng ta cũng mang Bụt đi theo, bởi vì chúng ta là sự tiếp nối của Bụt. Ở đâu chúng ta cũng có thể thành lập tăng thân để yểm trợ cho sự thực tập của mình, để cho Bụt có thể ở lại với chúng ta lâu dài và ta có thể mang Bụt đi về tương lai.

Địa xúc

Đi là một hình thức tiếp xúc. Tiếp xúc với mặt đất bằng đôi chân của mình là chúng ta trị liệu cho mặt đất, trị liệu cho chính mình và trị liệu cho toàn nhân loại. Lúc nào có năm, mười hay mười lăm phút chúng ta nên đi thiền. Mỗi bước chân đều có khả năng trị liệu và nuôi dưỡng thân tâm. Mỗi bước chân đi trong chánh niệm, thảnh thơi có thể giúp ta chuyển hóa và trị liệu cho tự thân, cho thế giới.

Chúng ta chỉ cần khởi đầu như đức Bụt sơ sinh, bắt đầu đi bảy bước. Chúng ta trở về ngôi nhà của chính mình ngay trong giây phút hiện tại và bước một bước: “Tiếp xúc với mặt đất, tôi biết hành tinh này thật mầu nhiệm.” Bước bước thứ hai tuệ giác của ta sẽ sâu hơn: “Không những tôi tiếp xúc với mặt đất mà còn tiếp xúc với bầu trời đang có mặt trong lòng đất. Tôi tiếp xúc được tính tương tức.” Bước thứ ba chúng ta có thể tiếp xúc được với tất cả các loài sinh vật trên trái đất, kể cả tổ tiên và con cháu của chúng ta. Chúng ta giác ngộ ngay nơi mỗi bước chân mình. Đi như thế không phải là một lao tác mệt nhọc mà chúng ta đang chế tác niệm, định, tuệ. Niệm, định, tuệ chính là nguồn an lạc, hạnh phúc của chúng ta. Chúng ta có muốn trở thành một hành giả không? Đơn giản lắm. Chỉ cần chúng ta đi chánh niệm như Bụt sơ sinh ngay trong giây phút hiện tại, hoàn toàn ý thức về những mầu nhiệm của cuộc sống đang có mặt chung quanh ta.

Địa xúc cũng là một phép thực tập mang lại khả năng trị liệu rất lớn. Chúng ta có thể tâm sự trực tiếp với Bụt. Sau khi nói chuyện với Bụt ba bốn phút, chúng ta thực tập địa xúc, không phải chỉ bằng đôi chân mà bằng năm vóc của mình (hai tay, hai chân và trán). Giao hết thân mạng mình cho đất, chúng ta với đất là một. Để cho đất ôm ấp và trị liệu chúng ta. Chúng ta không cần phải ôm khổ đau một mình. Ta xin đất ôm ấp những khổ đau của ta như người mẹ ôm ấp đứa con của mình để được trị liệu và chuyển hóa.

 

 

Hy vọng mỗi người trong chúng ta đều thực tập được như thế. Chúng ta có thể thực tập bằng hai cách. Trước tiên chúng ta có thể đi đến một gốc cây, hay bất cứ ở đâu mà chúng ta thích và thực tập địa xúc một mình. Chúng ta theo dõi thở thở và tâm sự với Bụt, chúng ta có thể sử dụng những hướng dẫn trong sách hoặc thêm vào những điều mình muốn tâm sự với Bụt. Sau hai ba phút tâm sự với Bụt, chúng ta lạy xuống. Chúng ta cũng có thể thực tập chung với gia đình hoặc với tăng thân. Thực tập một lần là ta đã thấy có sự trị liệu và chuyển hóa rồi. Không thể khác được. Cũng giống như khi ăn cơm, bất cứ lúc nào ăn, ta cũng nhận được chất dinh dưỡng của thức ăn, không còn nghi ngờ gì nữa. Tôi tin rằng sau một hai tuần thực tập chúng ta sẽ có sự chuyển hóa và trị liệu, không chỉ cho chúng ta mà còn cho những người ta mang theo trong mình.

Bụt không thuộc về quá khứ. Bụt có mặt trong giây phút hiện tại. Kỷ niệm Đức Bụt Đản sanh, chúng ta phải để cho Bụt sinh ra trong mỗi chúng ta. Chúng ta nên đặt câu hỏi cho chính mình: “Bụt là ai?” Và chúng ta có thể trả lời: “Tôi là Bụt”, bởi vì có chánh niệm, chánh định là ta đã trở thành Bụt. Chúng ta ý thức là chúng ta luôn mang theo sự nghiệp của Ngài.