Còn biết ơn là còn hạnh phúc
(Trích từ sách Con đã có đường đi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh)
“Thanksgiving Day” là ngày lễ tạ ơn theo truyền thống của người Mỹ. Tại Làng Mai, hàng năm, chúng ta đều tổ chức lễ tạ ơn, nhưng với một tinh thần khác. Tinh thần của sự thực tập làm lớn lên lòng biết ơn để nuôi dưỡng niềm hạnh phúc trong đời sống nơi mỗi chúng ta. Bởi khi nào lòng biết ơn còn có mặt thì hạnh phúc vẫn còn. Và người đã cạn kiệt lòng biết ơn, hạnh phúc không thể còn có được.
Theo truyền thống Cơ Đốc Giáo, biết ơn được hiểu là biết ơn Thượng Đế, biết ơn Chúa. Bởi theo truyền thống Cơ Đốc Giáo thì Thượng Đế đã sinh ra mình, sinh ra vạn vật, và tất cả những gì cần thiết cho cuộc sống. Còn trong truyền thống đạo Bụt, sự biết ơn được hiểu như tứ ân: cha mẹ, thầy tổ, bạn bè và mọi loài. Vì cha mẹ cho ta hình hài này, thầy tổ cho ta đời sống tâm linh, bạn bè là những người đồng hành, và nâng đỡ ta trong những lúc khó khăn, các loài hữu tình và vô tình khác mang lại cho ta những điều kiện cần thiết cho cuộc sống. Ta biết rằng, tổ tiên của mình không chỉ là loài người. Chúng ta có chung nguồn gốc với các loài động vật, thực vật và cả những loài khoáng vật. Bởi con người xuất hiện rất muộn trong lịch sử hình thành sự sống. Do vậy, lòng biết ơn không chỉ hướng đến loài người, mà cả mọi loài. Đối tượng của lòng biết ơn trong đạo Bụt rất lớn.
Người Phương Đông có quan niệm phú tải chi ân – trời che đất chở. Bầu trời ôm lấy mình, che chở mình. Còn mặt đất chuyên chở mình, là nơi cư trú của mình. Trên thì che, mà dưới thì chở – thiên địa phú tải chi ân. Đó là ý niệm về lòng biết ơn của người Đông phương. Nếu có tuệ giác, mình thấy được mọi thứ hiện hữu xung quanh đều có ơn đối với mình. Khi nhìn nước chảy từ vòi ra, mình ý thức rõ: “Nước từ nguồn suối cao. Nước từ lòng đất sâu. Nước mầu nhiệm tuôn chảy. Ơn nước luôn tràn đầy.” Trong mình sẽ dâng lên niềm biết ơn, nếu mình biết quán chiếu như vậy, rồi mình nhìn sâu để biết ơn không khí, lửa,…Niềm biết ơn của mình sẽ bao trùm vạn hữu vũ trụ.
Trong ngày tạ ơn, người Mỹ thường có truyền thống trang hoàng những trái bí rợ rất lớn, những trái dưa, những trái bắp. Đây là những quà tặng của đất trời. Quà tặng ấy ta được tiếp nhận mỗi ngày. Ta cần thể hiện lòng biết ơn 24 giờ mỗi ngày. Ngày tạ ơn chỉ là biểu trưng cho lòng biết ơn ấy. Cần thực tập để lòng biết ơn trải rộng trên khắp mọi loài. Lòng biết ơn còn bị giới hạn, chưa phải là lòng biết ơn đích thực. Chúng ta thường nghĩ, cha mẹ là người nuôi dưỡng ta nên vóc nên hình. Nhưng nhìn sâu hơn, ta có thể thấy, góp công vào sự dưỡng dục ấy còn có rất nhiều yếu tố như đất, trời,… Nếu không có đất, có mặt trời sao có được lúa gạo, sao có được bông để dệt vải,…Do vậy, ta cũng có thể gọi, mặt trời là cha chung của muôn loài, trái đất là mẹ chung của muôn loài.
Người trao truyền, vật trao tryền và người tiếp nhận
Trong triết lý của đạo Bụt, chuyện cho và nhận được nhận thức rất sâu sắc. Khi quán chiếu sâu sắc, ta thấy rằng trong quan hệ cho – nhận, người cho với người nhận không phải là hai thực tại riêng biệt mà người cho cũng là người nhận và người nhận cũng là người cho. Thực tế là vậy, nhưng ít khi ta thấy được điều này. Ví dụ, tuy ta biết cha mẹ là người trao truyền cho ta hình hài này nhưng ta vẫn có khuynh hướng nghĩ rằng ta và cha mẹ là hai thực thể riêng biệt. Cha mẹ là một thực thể khác, con là một thực thể khác. Thấy như thế thì chưa đúng với tinh thần đạo Bụt. Nhìn kỹ, hình hài này chứa đựng cả cha mẹ. Cha mẹ có mặt trong từng tế bào cơ thể của con. “Con có cha có mẹ. Cha mẹ có trong con”. Con mang đầy đủ những hạt giống và nhiễm sắc thể của cha mẹ. Người trao truyền và vật trao truyền là một. Đây gọi là cái nhìn Bất nhị, một giáo lý rất thâm sâu trong đạo Bụt.
Nếu đem cái nhìn bất nhị này áp dụng vào trường hợp của những người bạn Cơ đốc giáo và Do Thái giáo ta sẽ có được những cái thấy rất hữu ích. Các bạn Cơ đốc giáo và Do Thái giáo nếu quán chiếu thật kỹ sẽ thấy được mình và Thượng đế không phải là hai thực thể riêng biệt. Ta ở trong Thượng đế và Thượng đế ở trong ta. Đối với vấn đề tạo hóa và tạo vật cũng vậy. Ta hay quan niệm rằng tạo hóa và tạo vật là khác nhau. Nhưng nếu nhìn kỹ vào tạo hóa sẽ thấy được tạo vật ở trong, và ngược lại. Nếu không có liên hệ với nhau thì làm sao tạo hoá làm ra tạo vật được? Nếu không có liên hệ, làm sao có sự trao truyền? Trong truyền thống Cơ đốc, nhiều vị tu sĩ đã thấy được điều này là nhờ có cái nhìn Bất nhị. Họ không đi tìm Thượng đế và Chúa bên ngoài họ bởi họ đã thấy Thượng đế và Chúa ngay bên trong họ. Kinh Phúc âm có dạy rằng : “Chúa, Thượng đế nằm ở trong trái tim của mình chứ không phải là một thực thể bên ngoài mình”. Do vậy, người trao truyền chính là vật trao truyền vì người trao truyền đã trao truyền chính mình cho người tiếp nhận. Đứng về phía người tiếp nhận vật trao truyền, họ cũng chính là vật trao truyền. Tuy nói rằng sự trao truyền có ba yếu tố: người trao truyền, người tiếp nhận, và vật trao truyền nhưng kỳ thực, ba yếu tố đó chỉ là một. Cái này được gọi là Tam luân không tịch, tức là ba cái không có sự riêng biệt. Người trao truyền, vật trao truyền và người tiếp nhận nương nhau mà có. Một trong ba yếu tố vắng mặt thì hai yếu tố còn lại không thể được hình thành.
Ngày Tạ Ơn là cơ hội để thể hiện lòng biết ơn. Nhưng lòng biết ơn ấy có sâu sắc hay không còn tùy thuộc vào cái thấy về lòng biết ơn có sâu sắc hay không. Cái thấy sâu sắc nhất chính là cái thấy Bất nhị, người mình mang ơn và mình là một.