Y báo và chánh báo
Y báo theo chánh báo
Trong đạo Bụt chúng ta có nói tới hai thứ quả báo. Quả báo tiếng Anh là retribution. Một là chánh báo và một là y báo. Chánh báo tức là thân và tâm của chúng ta. Y báo là hoàn cảnh của chúng ta. Ví dụ trồng hoa hướng dương thì ta sẽ gặt hoa hướng dương. Gặt hoa hướng dương tức là báo. Trong quá khứ ta đã sống như thế nào, đã có những hành động nào về thân, miệng và ý, cho nên hôm nay ta có cái thân thể như thế này và cái tâm thức như thế này. Đó gọi là chánh báo. Hình hài, thân thể, sức khỏe và tâm tư ta là chánh báo của ta. Và cái hoàn cảnh bao quanh chánh báo đó gọi là y báo. Y là chỗ mình nương tựa vào. Hoàn cảnh tiếng Anh gọi là environment. Ta đừng tưởng hoàn cảnh nằm ở bên ngoài. Hoàn cảnh cũng do mình tạo ra. Tại vì cả hai đều là “báo” hết cho nên chánh báo cũng là mình mà y báo cũng là mình.
Làng Mai này là cái mà quý vị đã tạo ra trong quá khứ, vì vậy cho nên hôm nay nó ôm lấy quý vị, nó làm thành cái môi trường trong đó quý vị đang sống. Nếu trong quá khứ ta đã không gieo trồng những hạt giống Làng Mai thì ngày hôm nay ta đã không ngồi ở đây và không được bao bọc bởi hoàn cảnh này. Cho nên hoàn cảnh này là y báo của ta. Do hành động trong quá khứ, ta đã tạo ra chánh báo và y báo của ta, và cả hai đều là ta cả. Ta có bổn phận phải nâng cao chất lượng của cả hai cái. Ta nâng cao chất lượng của thân thể, làm cho thân thể mạnh khỏe và vững chãi hơn. Ta nâng cao chất lượng của tâm thức để cho tâm ta nhẹ nhàng, vững chãi và an lạc hơn. Và ta nâng cao chất lượng của hoàn cảnh để cho sự tu tập có nhiều thuận duyên hơn.
Giữa chánh báo và y báo có sự liên hệ mật thiết, ta không thể tách rời hai cái ra được. Cái gọi là ngã có dính líu tới cái mà ta tưởng là phi ngã. Ngã và phi ngã thực ra là một. Chúng ta không thể chia ra giới hạn giữa ta và không ta, giữa chánh báo và y báo, giữa con người ta và hoàn cảnh. Ví dụ ở đây có một người đang chia sẻ cùng một y báo với ta. Ta trở nên một thành phần y báo của người đó. Thành ra, ta vừa là chánh báo của ta mà vừa là y báo của người sư anh của ta. Vì vậy phẩm chất tu học của ta có liên hệ tới phẩm chất tu học của người sư anh của ta. Ta thấy không còn ranh giới giữa chánh báo và y báo. Ta là chánh báo của ta, nhưng đồng thời cũng là y báo cho người sư em của ta. Vì vậy cho nên xây dựng cho ta hay xây dựng cho người sư em của ta cũng là xây dựng cho cái y báo của cả hai.
Có thể trong một giây phút nào đó, ta có cảm tưởng là y báo này không thích hợp cho ta, ta muốn đi tìm một hoàn cảnh khác, thì ta nên nhớ rằng y báo luôn luôn đi theo chánh báo như bóng theo hình. Chúng ta đi đâu thì cái loại y báo đó cũng đi theo. Đi đâu ta cũng sẽ gặp những điều kiện tương tự. Tốt hơn hết là chúng ta nên chuyển hóa thân tâm của ta để tìm cách chuyển hóa cái y báo của ta ngay bây giờ và ở đây và chấm dứt hành động chạy quanh.
Thiết kế y báo
Trong thời đại chúng ta, chúng ta nói rất nhiều tới hoàn cảnh, tới sinh môi. Chúng ta biết rằng sinh môi và hoàn cảnh có ảnh hưởng trực tiếp tới hạnh phúc của thân tâm, tức là của chánh báo. Người kiến trúc sư vẽ ra một kiểu nhà phải có những kiến thức về khoa học, phải biết về những nhu yếu của cơ thể, của tâm hồn con người để có thể tạo ra môt ngôi nhà trong đó con người cảm thấy thoải mái. Có khi chúng ta bước vào một căn nhà mà thấy ngộp thở, chúng ta thấy những khối bê tông rất nặng, chúng ta cảm thấy tù túng và chúng ta nghĩ rằng nếu phải sống trong ngôi nhà đó, chúng ta sẽ không có hạnh phúc.
Người kiến trúc sư phải thấu rõ nhu yếu của sinh lý, tâm lý, nhu yếu của kinh kế và xã hội của con người để có thể làm ra một ngôi nhà trong đó người cư trú cảm thấy thoải mái và an lạc. Kiến trúc sư phải là một người chuyên môn thiết kế y báo. Chúng ta biết rằng mỗi thành phố lớn có một công viên, ít nhất phải có một công viên, như New York City có Central Park. Nếu là một nhà thiết kế đô thị, chắc chắn ta phải để một công viên trong thành phố, tại vì nếu không có công viên, dân trong thành phố đó sẽ chết bí, không những đứng về phương diện cơ thể mà còn đứng về phương diện tâm hồn nữa. Có những lúc không đi vào công viên được, chúng ta thấy ngộp thở muốn chết. Cho nên những nhà thiết kế đô thị cũng phải biết về khoa học sinh lý, khoa học tâm lý, về những nhu yếu tinh thần và thể chất của con người. Những nhà chuyên môn thiết kế những trục giao thông cũng vậy. Thiết kế thế nào để sự liên lạc giữa các đô thị và vùng quê được dễ dàng, có những con đường có thể đi từ đô thị về miền quê một cách mau chóng. Chúng ta biết rằng cứ mỗi cuối tuần những con đường ở thành phố Paris đi ra ngoại ô đều bị ứ đọng, tại vì nhu yếu thoát ra khỏi thành phố của thị dân rất lớn.
Chúng ta biết rằng sự an vui, hạnh phúc của chánh báo tùy thuộc rất nhiều vào lề lối chúng ta tổ chức y báo của chúng ta. Những nhà kiến trúc, những nhà chuyên môn thiết kế đô thị và những người trông coi sắp đặt lãnh thổ phải có kiến thức vững chãi về những nhu yếu đích thực của con người. Con người có những nhu yếu gọi là nhu yếu đích thực. Có những nhu yếu không phải là nhu yếu đích thực mà chỉ là những thèm khát hay ham muốn. Chúng ta ai cũng có nhu yếu đích thực, chúng ta phải khám phá ra đâu là nhu yếu đích thực của chúng ta và khi chúng ta thực hiện được những nhu yếu đích thực đó, tự nhiên chúng ta có sức khỏe, có sự an vui về cơ thể cũng như về tinh thần. Nhưng trong đời sống hiện đại, ít người trong chúng ta thấy được những nhu yếu đích thực trong chúng ta tại vì chúng ta chỉ sống bởi sự ham muốn. Chúng ta ham muốn cái này, chúng ta ham muốn cái kia, mà những đối tượng của sự ham muốn đó không phải là nhu yếu đích thực.
Một kiến trúc sư mới có thể nghĩ ra chuyện để làm thỏa mãn những ham muốn, tức là những nhu yếu không đích thực của chúng ta. Ví dụ khi chủ nhà về, ông ta chỉ cần nói với cánh cửa rằng: “Ta đây, ta là chủ nhà này đây” thì cánh cửa tự động mở ra, còn nếu một người khác nói thì vì giọng nói đó không phải là giọng nói của ông chủ nên cánh cửa sẽ không bao giờ mở. Khỏi cần lấy chìa khóa ra, khỏi cần lắp vô và khỏi cần mở. Bây giờ nền kiến trúc mới đang đi về hướng đó. Chúng ta không cần giặt áo quần nữa vì đã có máy giặt. Cà-phê, chúng ta cũng không cần làm nữa, chỉ cần thiết kế cho đúng giờ thì có cà-phê uống. Đó là nhu yếu của thời đại.
Ngày xưa có những người ra bờ sông để giặt lụa như nàng Tây Thi. Thiếu nữ giặt áo ở bờ sông là một hình ảnh rất đẹp. Các cô có thể đùa giỡn với nhau, khoát nước vào nhau…, những cái đó bây giờ ta không thấy nữa, vì nhà nào bây giờ cũng có máy giặt và máy sấy. Chúng ta đi tìm cái gọi là tiện nghi nhưng nhiều khi chúng ta đi quá xa. Có những cậu bé ăn thịt bò mà chưa bao giờ thấy con bò. Có những cô bé ăn cá mà chưa bao giờ thấy cá, nghĩ rằng cá là một cái gì hình vuông vì con cá bán ở siêu thị hình vuông. Và sự kiện những chai sữa tìm tới nhà mình mỗi sáng không còn là một cái gì làm cho cậu bé ngạc nhiên nữa. Cậu nghĩ rằng chuyện sữa xuất hiện mỗi bữa sáng trước cửa nhà mình là một chuyện dĩ nhiên trên đời. Trong khi đó thì những nhu yếu đích thực của chúng ta thì chúng ta không có để mà thỏa mãn.
Y báo ở đây cũng vậy. Y báo đẹp hay không đẹp, thuận lợi hay không thuận lợi, thích hợp hay không thích hợp cho ta, một phần lớn là do cách thức ta tiếp nhận. Nếu có tri giác sâu sắc và cởi mở hơn, ta sẽ khám phá ra rằng trong môi trường đó ta có thể thỏa mãn những nhu yếu đích thực của thân tâm ta, và tự nhiên ta cảm thấy hạnh phúc và an toàn trong cái hoàn cảnh đó, và ta quyết định cùng nhau xây dựng cho cái y báo đó càng ngày càng đẹp để nuôi dưỡng ta, và tư tưởng rời bỏ chốn này đi tìm chốn khác sẽ không bao giờ nẩy sinh nữa.