Bảy bước mầu nhiệm
Trích trong sách “Bụt là hình hài, Bụt là tâm thức” của Sư Ông Làng Mai
Theo truyền thống đạo Bụt thì khi vừa mới sinh ra Bụt đã bước đi bảy bước. Bụt bắt đầu đi thiền hành khi mới lọt lòng mẹ. Số bảy là con số rất linh thiêng. Vì vậy chúng ta có thể hiểu bảy bước đó như là bảy yếu tố giác ngộ. Để kỷ niệm ngày Bụt đản sanh, cách hay nhất là chúng ta đi bảy bước, hoàn toàn an trú trong chánh niệm. Tôi luôn thấy mình may mắn và mầu nhiệm có mặt trên hành tinh này, bước đi như một con người tự do. Không cần phải làm gì cả. Chúng ta chỉ đi cho bình an trên hành tinh này. Phi hành gia Apollo đã chụp hình trái đất và gởi đến cho chúng ta, nhờ đó chúng ta thấy được trái đất rất xinh đẹp, là thành trì của sự sống. Trái đất là Tịnh Độ của chúng ta. Thật kỳ diệu!
Nếu chúng ta bay lên không trung, chúng ta sẽ thấy sự sống ở đó rất hiếm hoi. Khí hậu quá khắc nghiệt, khi thì quá nóng, khi thì quá lạnh làm cho sự sống không thể tồn tại. Trở về trái đất, chúng ta mới thấy được sự mầu nhiệm của sự sống. Chúng ta thấy được cây xanh, thấy được các loài thảo mộc và động vật. Chúng ta tiếp xúc được với mặt đất, với cỏ cây bằng đôi chân của ta, chúng ta ngắm nhìn những bông hoa, quan sát những chú sóc chuyền cành, lắng nghe tiếng chim hót, tiếng gió rủ rỉ qua các cành thông, hít thở và tiếp xúc với không khí trong lành. Nhiều người trong chúng ta cần phải xa nhà một tuần để khi trở về biết trân quý cõi Tịnh Độ của mình hơn. Chúng ta hay xem thường những gì mình đang có, cứ cho rằng đó là những điều hiển nhiên. Nếu có chánh niệm chúng ta sẽ ý thức rằng còn sống và có mặt trên trái đất này, bước được những bước chân trên hành tinh xinh đẹp là một phép lạ. Thiền sư Lâm Tế nói: “Phép lạ không phải là đi trên mặt nước hay đi trên không trung mà là đi trên mặt đất.” Tất cả chúng ta đều có thể đạt được phép lạ khi đi trên mặt đất. Chúng ta có thể bắt đầu bằng bảy bước. Nếu thành công, chúng ta có thể bước tiếp bước thứ tám, thứ chín. Với năng lượng chánh niệm, chân của ta trở thành chân Bụt. Thực tập hơi thở chánh niệm sẽ giúp ta chế tác năng lượng chánh niệm và với năng lượng chánh niệm đó, chúng ta ủy quyền cho đôi chân của ta để chân ta trở thành chân Bụt. Khi chúng ta đi bằng chân Bụt thì nơi ta đi là đất Bụt. Bụt ở đâu thì đất Bụt và cõi Tịnh Độ ở đó. Nước Chúa cũng luôn luôn có mặt ở đây, ngay bây giờ. Tịnh Độ của Bụt cũng vậy. Vấn đề là chúng ta có có mặt cho nước Chúa, có mặt cho cõi Tịnh Độ hay không? Có thể chúng ta quá bận rộn, không thể rong chơi trong cõi Tịnh Độ hay trong nước Chúa. Vì vậy mà Siddhartha muốn chứng minh rằng Ngài có thể bắt đầu đi trong cõi Tịnh Độ ngay khi vừa mới ra đời.
Quay về nương tựa Bụt, Pháp, Tăng và tiếp nhận năm giới là chúng ta được tái sinh trở lại trong gia đình tâm linh. Cũng giống như Siddhartha chúng ta có thể đi bảy bước thành công. Bước thức nhất, ta tiếp xúc với mặt đất, bước thứ hai ta thấy được trời xanh trên trái đất này v.v… Chúng ta chỉ cần bảy bước để giải thoát, giác ngộ. Chúng ta có thể giác ngộ trong mỗi giây phút của cuộc sống hằng ngày. Ý thức rằng chúng ta đang còn sống và đang đi trên mặt đất đã là một sự giác ngộ rồi. Chúng ta phải làm mới sự giác ngộ của mình mỗi ngày. Đi trong nước Chúa, đi trong cõi Tịnh Độ của Bụt là một niềm hân hoan, tươi mới, rất nuôi dưỡng, rất trị liệu. Chúng ta biết mình có khả năng làm được điều đó nhưng thông thường chúng ta không làm. Chúng ta cần bạn, cần thầy nhắc nhở chúng ta.
Bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể thực tập hơi thở chánh niệm và chế tác năng lượng chánh niệm. Ai cũng có khả năng bước được một bước chân, tiếp xúc với mặt đất, tiếp xúc với nước Chúa bằng năng lượng chánh niệm. Một số người trong chúng ta cần phải bay lên không trung để biết trân quý trái đất hơn. Chúng ta hay xem thường nhiều thứ. Chúng ta không biết trân quý những gì ta đang có. Rất nhiều điều kiện hạnh phúc, an lạc có sẵn cho chúng ta, nhưng chúng ta đã không tiếp nhận được. Pháp Bụt giúp ta thực tập chánh niệm, ý thức là chúng ta đang ở đây, bầu trời vẫn xanh, cỏ cây, mây nước, dòng sông vẫn còn đó. Chúng ta có thể tận hưởng từng phút giây của cuộc sống để sự tiếp nối của chúng ta có cơ hội đi lên.
Chánh niệm có khả năng làm cho mỗi giây phút của sự sống trở thành giây phút mầu nhiệm. Đó là món quà quý nhất mà chúng ta có thể hiến tặng cho con cháu của chúng ta. Con cháu của chúng ta là ai? Con cháu chúng ta chính là chúng ta. Bởi vì con cháu chúng ta là sự tiếp nối của chúng ta. Vì vậy mỗi giây phút của đời sống hằng ngày có thể trở thành món quà cho con cháu chúng ta và cho toàn thế giới.
Địa xúc
Đi là một hình thức tiếp xúc. Tiếp xúc với mặt đất bằng đôi chân của mình là chúng ta trị liệu cho mặt đất, trị liệu cho chính mình và trị liệu cho toàn nhân loại. Lúc nào có năm, mười hay mười lăm phút chúng ta nên đi thiền. Mỗi bước chân đều có khả năng trị liệu và nuôi dưỡng thân tâm. Mỗi bước chân đi trong chánh niệm, thảnh thơi có thể giúp ta chuyển hóa và trị liệu cho tự thân, cho thế giới.
Chúng ta chỉ cần khởi đầu như đức Bụt sơ sinh, bắt đầu đi bảy bước. Chúng ta trở về ngôi nhà của chính mình ngay trong giây phút hiện tại và bước một bước: “Tiếp xúc với mặt đất, tôi biết hành tinh này thật mầu nhiệm.” Bước bước thứ hai tuệ giác của ta sẽ sâu hơn: “Không những tôi tiếp xúc với mặt đất mà còn tiếp xúc với bầu trời đang có mặt trong lòng đất. Tôi tiếp xúc được tính tương tức.” Bước thứ ba chúng ta có thể tiếp xúc được với tất cả các loài sinh vật trên trái đất, kể cả tổ tiên và con cháu của chúng ta. Chúng ta giác ngộ ngay nơi mỗi bước chân mình. Đi như thế không phải là một lao tác mệt nhọc mà chúng ta đang chế tác niệm, định, tuệ. Niệm, định, tuệ chính là nguồn an lạc, hạnh phúc của chúng ta. Chúng ta có muốn trở thành một hành giả không? Đơn giản lắm. Chỉ cần chúng ta đi chánh niệm như Bụt sơ sinh ngay trong giây phút hiện tại, hoàn toàn ý thức về những mầu nhiệm của cuộc sống đang có mặt chung quanh ta.
Địa xúc cũng là một phép thực tập mang lại khả năng trị liệu rất lớn. Chúng ta có thể tâm sự trực tiếp với Bụt. Sau khi nói chuyện với Bụt ba bốn phút, chúng ta thực tập địa xúc, không phải chỉ bằng đôi chân mà bằng năm vóc của mình (hai tay, hai chân và trán). Giao hết thân mạng mình cho đất, chúng ta với đất là một. Để cho đất ôm ấp và trị liệu chúng ta. Chúng ta không cần phải ôm khổ đau một mình. Ta xin đất ôm ấp những khổ đau của ta như người mẹ ôm ấp đứa con của mình để được trị liệu và chuyển hóa.
Hy vọng mỗi người trong chúng ta đều thực tập được như thế. Chúng ta có thể thực tập bằng hai cách. Trước tiên chúng ta có thể đi đến một gốc cây, hay bất cứ ở đâu mà chúng ta thích và thực tập địa xúc một mình. Chúng ta theo dõi thở thở và tâm sự với Bụt, chúng ta có thể sử dụng những hướng dẫn trong sách hoặc thêm vào những điều mình muốn tâm sự với Bụt. Sau hai ba phút tâm sự với Bụt, chúng ta lạy xuống. Chúng ta cũng có thể thực tập chung với gia đình hoặc với tăng thân. Thực tập một lần là ta đã thấy có sự trị liệu và chuyển hóa rồi. Không thể khác được. Cũng giống như khi ăn cơm, bất cứ lúc nào ăn, ta cũng nhận được chất dinh dưỡng của thức ăn, không còn nghi ngờ gì nữa. Tôi tin rằng sau một hai tuần thực tập chúng ta sẽ có sự chuyển hóa và trị liệu, không chỉ cho chúng ta mà còn cho những người ta mang theo trong mình.
Bụt không thuộc về quá khứ. Bụt có mặt trong giây phút hiện tại. Kỷ niệm Đức Bụt Đản sanh, chúng ta phải để cho Bụt sinh ra trong mỗi chúng ta. Chúng ta nên đặt câu hỏi cho chính mình: “Bụt là ai?” Và chúng ta có thể trả lời: “Tôi là Bụt”, bởi vì có chánh niệm, chánh định là ta đã trở thành Bụt. Chúng ta ý thức là chúng ta luôn mang theo sự nghiệp của Ngài.
Mang tăng thân theo mình
Mỗi người trong chúng ta đều tiếp nối Bụt bằng con đường của mình. Cho dù xã hội có tạo ra những hoàn cảnh khắc nghiệt khiến chúng ta khó sống với giây phút hiện tại thì chúng ta vẫn luôn có Bụt, có Pháp, có Tăng bên mình nếu chúng ta biết thực tập chánh niệm và chánh định. Với tấm lòng thương yêu và quyết tâm của mình, chúng ta có thể mang theo Tịnh Độ của Bụt và chia sẻ với những người chung quanh. Sở dĩ tôi còn sống sót trong ba mươi chín năm qua là nhờ tôi luôn mang theo tăng thân bên mình. Có tăng thân trong mình chúng ta không bị khô héo như một tế bào văng ra khỏi cơ thể.
Thỉnh thoảng trong khi đi thiền, nấu ăn, lái xe, chúng ta có thể dừng lại để tiếp xúc với tăng thân trong mình. Chúng ta có thể hỏi: “Tăng thân ơi, tăng thân có còn đó trong con không?” Và chúng ta sẽ nghe tăng thân trả lời: “Tăng thân luôn có trong con. Tăng thân đang nâng đỡ con. Tăng thân sẽ không để con khô héo như một tế bào riêng lẻ bị tách ra khỏi cơ thể.”
Ý thức về tăng thân trong ta và chung quanh ta, chúng ta sẽ có năng lượng để đi tới. Mỗi chúng ta đều là một ngọn đuốc, mỗi chúng ta đều là nhân tố gây cảm hứng cho nhiều người và mỗi chúng ta phải là một vị Bồ Tát. Bồ Tát không cần phải làm gì to tát, chỉ cần thực tập sống đời sống hằng ngày của mình cho đàng hoàng là chúng ta đã trở thành Bồ Tát rồi.
Giáo lý của Bụt dạy rất rõ rằng Bụt cũng là một con người như chúng ta. Nếu không có con người thì Bụt cũng không thể có được. Vì vậy để làm Bụt chúng ta cần làm một con người và để làm một con người chúng ta cần làm Bụt. Hai là một. Nếu Phật tánh không có trong ta thì ta không thể là một con người. Ai cũng có Phật tánh trong mình. Chúng ta có thể thở như Bụt, đi như Bụt, ngồi như Bụt và ăn uống như Bụt. Thực tập chánh niệm giúp ta thành Bụt ngay trong giây phút hiện tại. Nếu chúng ta đi tìm Bụt cách đây hai ngàn sáu trăm năm thì chúng ta sẽ mất Ngài, còn nếu chúng ta thở và thắp sáng ý thức rằng chúng ta là Bụt, là sự tiếp nối của Bụt thì Bụt sẽ có mặt ngay trong chúng ta.
Cuối cuộc hành trình là bắt đầu một sự tiếp nối. Tôi hy vọng và nguyện cầu chư Bụt, chư vị Bồ Tát gia hộ cho quý vị được an lành, khỏe mạnh và hạnh phúc. Chúng tôi tin tưởng ở quý vị. Bụt cũng đang tin tưởng nơi mỗi chúng ta. Hôm nay chúng ta hãy đi cho thảnh thơi. Chỉ cần đi bảy bước, chúng ta sẽ thấy được những mầu nhiệm của cuộc sống đang hiển bày.