Lá thư Làng Mai 40 – 2017

Thủy chung vẫn một niềm thương

Sư cô Chân Đức

Sư cô Chân Đức là một trong những đệ tử xuất gia đầu tiên của Sư Ông Làng Mai. Sư cô đã được Sư Ông thế phát và truyền giới lớn năm 1988 tại núi Linh Thứu, Ấn Độ. Là người Anh nhưng sư cô nói tiếng Việt rất giỏi và là một sư chị lớn sống hiền hòa, tươi mát, vững chãi trong tăng thân. Từ năm 2008, sư cô đã đến Đức, cùng tăng thân thành lập Viện Phật học Ứng dụng châu Âu. Hiện nay, sư cô đang tiếp tục chăm sóc giảng dạy cho chúng xuất sĩ và cư sĩ tại trung tâm này. (Bài phỏng vấn được chuyển ngữ từ tiếng Anh).

BBT: Thưa sư cô, sư cô đã bắt đầu cuộc hành trình tâm linh của mình như thế nào?

Sư cô Chân Đức: Cuộc hành trình tâm linh của Chân Đức (CĐ) bắt đầu từ Chúa Jesus. CĐ nhớ có một lần CĐ đến tham quan nhà thờ Thánh Sepulchre ở Jerusalem trong lúc các giáo phái Công giáo đang tranh giành nhau ngôi nhà thờ đó. Bỗng nhiên CĐ thấy Chúa Jesus. CĐ rất ngạc nhiên. Ngài không giống như trong hình CĐ thường thấy trong Thánh Kinh. Ngài đang cười và rất khỏe mạnh. CĐ băn khoăn không biết tại sao Ngài lại cười. CĐ nghĩ có lẽ Ngài đến thế gian này để đem lại bình an và hòa giải, mà ở đây những giáo phái đại diện cho Ngài lại không thể sống chung hòa hợp với nhau. Nhưng Ngài lại cười chứ không hề giận dữ.

CĐ được rửa tội tại nhà thờ địa phương khi chưa đầy một tuổi. Lúc còn nhỏ, ba CĐ thường đưa CĐ tới nhà thờ địa phương và CĐ rất thích ngôi nhà thờ này. Nó nằm trong thung lũng, cạnh một dòng sông. Nhà của bà ngoại CĐ ở gần đó. Có một lần ở xóm Hạ, CĐ nằm mơ thấy mình trở về nơi đó với tư cách của một tăng thân để thực tập thiền hành dọc theo bờ sông, và CĐ thấy ở đó có một thiền đường thật đẹp.

Hơn năm tuổi một chút, CĐ được đi học ở một trường thuộc nhà thờ Anh giáo. CĐ thường nhận được phần thưởng về môn Thánh kinh. CĐ không hề cố gắng mà cũng không nghĩ là mình giỏi môn này. Phần thưởng bao giờ cũng là một quyển sách về đạo Công giáo. Gia đình bên nội CĐ có rất nhiều người là tín đồ Công giáo thuần thành nên CĐ đã được trao truyền những hạt giống này.

Trường thứ hai CĐ học là một tu viện Công giáo, ở đó CĐ bắt đầu có ý nghĩ trở thành một nữ tu. Trong tu viện Công giáo người ta còn cầu nguyện nhiều hơn ở trường Anh giáo. Các nữ tu làm cho trường học trở thành như một gia đình. Không phải nữ tu nào cũng dạy học nhưng tất cả nữ tu đều gần gũi với học sinh. Những nữ tu nào không dạy học thì nhận những trách nhiệm khác như nấu ăn, làm vườn, chăm sóc giáo đường, hay rửa chén bát. Và học sinh thường giúp đỡ các nữ tu trong các công việc đó.

Khi vào đại học, CĐ bắt đầu quan tâm tới chủ nghĩa cộng sản. CĐ gia nhập vào một nhóm có tên là Công giáo – Mác-xít (catholic-marxists) và tham gia các hoạt động của nhóm này, bởi CĐ nghĩ họ sẽ đem lại công bằng nhiều hơn cho thế giới. Đó là vào những năm 1967-1968, khoảng thời gian mà sinh viên biểu tình rất nhiều trong các trường đại học ở Âu châu, trong đó có Anh quốc. CĐ không còn thỏa mãn với sự tín mộ trong tôn giáo mà cảm thấy mình cần phải hành động để có thể sống đúng với tín ngưỡng ấy. Sau khi tốt nghiệp đại học, CĐ đến thăm một tu viện thuộc dòng thánh Benedict ở Normandy một thời gian. CĐ cảm thấy rất gần gũi với các nữ tu, với thánh ca, với sự cầu nguyện. Các nữ tu ở trong một tu viện lớn dưới quyền của một ông viện trưởng. Một hôm CĐ hỏi ông viện trưởng là CĐ có thể trở thành một nữ tu hay không? Ông tỏ ra không nhiệt tình gì mấy và đề nghị CĐ nên là một cư sĩ thì hay hơn. Sau đó CĐ dần dần xa nhà thờ và không còn thực tập nữa.

Năm 1970, CĐ sang Hy Lạp để giảng dạy về cổ ngữ Hy Lạp và tiếng Phạn trong một trường học quốc tế. CĐ sống chung với những người Hy Lạp gốc Á châu. Họ là những người sùng đạo Chính Thống giáo (Orthodox). Họ nghĩ là mọi người ai cũng phải có một tôn giáo để theo, và họ hỏi CĐ theo tôn giáo nào. CĐ trả lời là mình không theo tôn giáo nào cả. Họ bảo nếu CĐ dạy tiếng Phạn thì nên theo Phật giáo, và họ gởi CĐ tới một trung tâm Phật giáo Tây Tạng ở Athens, Hy Lạp. CĐ không hề có ý muốn thực tập theo đạo Bụt nên đi một cách rất miễn cưỡng. Khi tới trung tâm thì một sư cô người Tây Tạng nói được một ít tiếng Anh dẫn CĐ vào phòng thờ, chỉ CĐ cách lạy, rồi đưa một chuỗi tràng hạt, dạy CĐ đọc câu Om Mani Padme Hum mỗi khi lần một hạt. Trước khi CĐ ra về, sư cô nói với CĐ là tháng tới sẽ có một vị Lama lớn tới trung tâm và khi đó CĐ nên trở lại, mà đừng nên tới sớm hơn.

Một tháng sau CĐ trở lại. Trong phòng thờ đầy nghẹt cả người, CĐ thấy một vị Lama đang thuyết pháp bằng tiếng Tây Tạng, kế bên ông là một thầy tu trẻ thông dịch ra tiếng Anh: “Một người nọ đang đi trên đường. Anh ta thấy có một cái gì đang nằm trên đường và nghĩ đó là một con rắn. Tim anh bắt đầu đập thật nhanh tại vì anh ta rất sợ. Nhưng khi nhìn lại, anh thấy đó không phải là con rắn và sự sợ hãi trong anh biến mất liền lập tức. Cũng giống như tri giác của chúng ta vậy, chúng ta sợ những cái không có thật. Khi những tri giác sai lầm không còn nữa thì sự sợ hãi cũng không còn”.

Bài pháp thoại đánh động CĐ một cách sâu sắc đến nỗi CĐ không thể dùng từ ngữ để diễn tả được. CĐ nghĩ: Đây là sự thật mà CĐ vẫn luôn biết nhưng chưa có ai tưới tẩm sự hiểu biết đó trong CĐ. Cứ như là bài pháp thoại của vị Lama đã có sẵn trong CĐ rồi vậy.

Khi đó là vào dịp Tết tây, và sắp sửa có một lễ quy y. Sư cô có tên là Anila hỏi CĐ có muốn nộp đơn xin quy y hay không? CĐ hỏi sư cô nhiều câu ngớ ngẩn về vấn đề quy y và sư cô đã từ chối trả lời. Cuối cùng sư cô nói: “Hãy chờ tới ngày mai xem sao. Nếu cô muốn quy y thì quy y, nếu cô không muốn thì thôi vậy”.

Sáng hôm sau, CĐ đến dự buổi lễ và ngồi ở sau cùng. CĐ không được kêu tên vì đã không nộp đơn. Khi vị Lama hỏi: “Còn ai nữa không?”. Không hiểu sao CĐ đứng lên và ra tham gia  cùng những người khác. CĐ quỳ xuống để cho vị Lama cắt vài sợi tóc của mình. Sau đó, vị Lama tìm trong xấp thẻ có ghi các pháp danh và chọn ra pháp danh cho CĐ là Karma Trashi Zangmo. CĐ thích pháp danh này. Karma có nghĩa là hành động, phần còn lại có nghĩa là tốt lành. Vị Lama đó có tên Khenpo Tsultrim Gyatso, là một người Tây Tạng tị nạn ở Bhutan. Ngài có thành lập một ni viện tại Bhutan, hy vọng một ngày nào đó CĐ có thể tới thăm nơi này.

Năm 1980, CĐ sang Ấn Độ. Lần đầu tiên đặt chân lên đất Ấn, CĐ có cảm tưởng là mình đang về nhà. CĐ cảm thấy rất thân quen với nước Ấn mặc dù không khí của New Dehli rất ô nhiễm. Nhìn trẻ con chơi đùa, CĐ có cảm giác mình đã thấy cảnh này trước đây rồi. Cho nên, mười hai tiếng đồng hồ ngồi không thoải mái trên xe bus vẫn không làm cho CĐ nản lòng. Khi tới chân rặng núi Himalaya vào lúc hoàng hôn, CĐ đã rất xúc động khi nhìn những đỉnh núi phủ tuyết trắng xóa, thật huy hoàng. Mỗi lần ngắm những đỉnh núi ấy, CĐ thấy mình phải sống một đời sống tâm linh và vượt thoát những ràng buộc của sinh tử.

Lúc đầu, CĐ ở trong tu viện của các sư cô. Tu viện có tên là Tiklopur, được đặt theo tên của đạo sư Tilopa, người đã tu tập ở đây, trong một cái động bên bờ sông. Tu viện này có khoảng ba mươi sư cô. CĐ ngủ trong một căn nhà hai phòng với một sư cô khác. Giường rất cứng và CĐ chưa bao giờ có thể ngủ cho tròn giấc bởi vì CĐ rất không thoải mái. Không có nước máy trong tu viện nên phải đi lấy nước từ giếng làng gần đó.

Sau đó, CĐ rời ni viện để về sống trong một tu viện khác nằm cao hơn, ở chân núi Himalaya. Đó là tu viện nằm một nơi hẻo lánh không có đường xe tới. CĐ phải đi bộ tám cây số băng qua những cánh đồng lúa, những con sông và những cánh rừng để tới đó.

Điều kiện sống ở đây rất tối thiểu. Mặc dù vậy, các thầy ở đây tu tập thật tinh tấn. Hạnh phúc và sự thảnh thơi, an lạc của một số thầy làm cho CĐ rất ấn tượng. Một hôm CĐ thấy một thầy ngồi trên đỉnh đồi nhìn xuống cánh đồng. Thầy ngồi thật an nhiên, hoàn toàn mãn ý trong giây phút đó, “không đi đâu nữa, có chi để làm”. Niềm an lạc tỏa rạng của thầy đã để lại một ấn tượng sâu sắc trong lòng CĐ.

Sự thực tập của các sư cô là trì chú trong mọi sinh hoạt, và vài giờ đồng hồ trong ngày ngồi lại với nhau để tụng kinh. CĐ được dạy câu chú “Om Mani Padme Hum”. CĐ thường tụng câu chú đó theo những âm điệu mà CĐ đã biết. Một ngày  kia trong lúc đang tụng chú, bỗng nhiên CĐ thấy không phải CĐ là người đang tụng chú. Những rặng núi ngoài kia đang đáp lại tiếng tụng của CĐ. Có lẽ đó là do năng lượng tập thể. Rất nhiều người đã tụng chú “Om Mani Padme Hum” tại chỗ này, và nó đã trở thành một phần của môi trường chung quanh. CĐ yên lặng thưởng thức cái cảm giác “trong ngoài là một” đó.

Tuy nhiên cũng đến lúc CĐ phải chăm sóc cho thân của mình. CĐ không được khỏe lắm.  CĐ băn khoăn không biết phải làm sao? Tình cờ ngày đó có một thầy nghé thăm. Thầy cầm theo một cái radio và thầy kể cho CĐ nghe về căn cứ quân sự Greenham Common và những người phụ nữ đang biểu tình ở đó để ngăn chặn không cho Mỹ đem vũ khí hạt nhân ra gây chiến. Thầy hỏi tại sao CĐ không có mặt ở đó với họ. Ngay lúc đó CĐ quyết định đó là việc CĐ muốn làm, nhằm góp phần ngăn chặn chiến tranh.

Về lại Anh, Chân Đức lên kế hoạch đi đến Greenham Common. Lúc đó là vào cuối tháng ba và nhiệt độ vẫn còn dưới 0 độ, nhưng CĐ muốn thực tập ngủ ngoài trời không có lều và mái che vì những phụ nữ đang ở Greenham đều phải làm như vậy. CĐ có thể ngủ ngoài trời một cách thoải mái nên quyết định khởi hành. CĐ muốn đi bộ càng nhiều càng tốt. CĐ nghĩ mình có thể không cần thức ăn và dọc đường CĐ có thể gõ cửa nhà người ta để xin nước uống. CĐ mang giày ống bằng cao su. CĐ không biết là mình đã đi bộ bao lâu nhưng khi tới Greenham Common thì chân phồng rộp hết, và CĐ phải đi đứng rất khó khăn trong vài ngày.

Những phụ nữ ở Greenham rất dễ thương. Họ dựng nhiều trại chung quanh căn cứ. Họ có một hệ thống những người tình nguyện làm những công việc như nấu nướng, đào hầm vệ sinh, giữ cho lửa không tắt và canh gác ở cổng, chỗ mà vũ khí hạt nhân có thể được chở ra. CĐ được cho một tấm nhựa để bao túi ngủ lại nếu trời mưa. Trong khi canh gác, CĐ thường thực tập thiền ngồi bên ngoài hàng rào. Lúc nào cũng có một toán phòng vệ đi tuần tra bên kia hàng rào. Thường thì họ rất thân thiện. Họ nói CĐ sẽ bị đông đá đến chết nếu còn tiếp tục ngồi đây và hỏi CĐ làm gì trong khi ngồi thiền.

Những người phụ nữ không quan tâm gì mấy tới Phật giáo và thiền tập, nhưng khi CĐ hỏi có ai muốn phối hợp hoạt động hòa bình với thiền tập hay không thì có người cho CĐ biết về hội Buddhist Peace Fellowship (Phật tử thân hữu tranh đấu cho hòa bình). CĐ tìm tòi và nhận được một bản tin của hội. Lần đầu tiên CĐ đọc được một bài thơ của Thầy, đó là bài thơ Hãy gọi đúng tên tôi, và thấy hình Thầy đang rót một tách trà.

BBT: Thưa sư cô, làm thế nào mà sư cô biết đến Sư Ông và Làng Mai?

Sư cô Chân Đức: CĐ đến sống trong một cộng đồng với những thành viên của hội Buddhist Peace Fellowship. Họ muốn tổ chức một khóa   tu để mời Thầy tới nước Anh. Cuối cùng CĐ là người đứng ra tổ chức và tìm địa điểm. CĐ tìm được một lâu đài rất cũ và lạnh lẽo ở miền Bắc nước Anh. Hồi đó là vào tháng 3 năm 1986. CĐ ra đón Thầy ở phi trường Luân Đôn. Khi thấy Thầy và sư cô Chân Không, CĐ có cảm tưởng như là mình được gặp lại người thân sau một thời gian dài vắng bóng. Sau khóa tu, Thầy hỏi CĐ có muốn về ở Làng Mai trong 6 tuần lễ hay không. Dĩ nhiên là CĐ thưa “Dạ có!”

CĐ về Làng vào tháng 7 và trong khóa tu mùa hè năm 1986, CĐ thọ 14 Giới Tiếp Hiện. CĐ nghĩ sẽ ở Làng một tháng và sau đó sẽ về Anh để dạy học, nhưng sau khi ở Làng một tháng, Thầy và sư cô Chân Không mời CĐ ở lại lâu dài. Thầy nói sống ở Làng, CĐ có thể được là chính mình. Nếu muốn, CĐ có thể trồng rau dền, ngò, cải bẹ xanh cho mùa đông. Sư cô Chân Không nói CĐ có thể dạy tiếng Pháp cho những người Việt Nam tị nạn đang sống ở Làng.

BBT: Xin sư cô chia sẻ một vài khoảnh khắc mà sư cô cảm thấy mình thực sự tiếp xúc sâu sắc với Sư Ông.

Sư cô Chân Đức: Lần đầu tiên mà CĐ cảm thấy có sự liên hệ sâu sắc với Thầy là lúc Thầy cho pháp thoại ở Anh vào tháng 3 năm 1986. Thầy giảng về Bát Nhã Tâm Kinh và sử dụng tờ giấy để làm thí dụ. Thầy đưa lên một tờ giấy và nói: “Nếu bạn có tâm hồn thi sĩ khi nhìn vào một tờ giấy, bạn sẽ thấy một đám mây bay trong ấy. Không  có mây thì không có mưa, không có mưa thì cây cối không mọc được, và nếu không có cây thì làm sao có tờ giấy này trong tay bạn? Cho nên tờ giấy có mặt là vì đám mây có mặt, không có mây thì không có tờ giấy. Đám mây và tờ giấy phải nương vào nhau để hiện hữu, cái đó gọi là tương tức”. Khi nghe lời giảng của Thầy lúc ấy, CĐ cảm thấy mình không còn cần tìm kiếm gì hơn nữa.

Lần thứ hai là khi CĐ tới Làng lần đầu tiên. Khi ấy, Thầy dạy cách thỉnh chuông để hướng dẫn buổi ngồi thiền. Thầy thường tới thiền đường và ngồi ở những chỗ khác nhau. Một hôm Thầy ngồi kế bên CĐ, CĐ cảm nhận từ Thầy một năng lượng tuyệt vời của định lực và sự khinh an. Nhiều khi CĐ nhầm lẫn Thầy với ba CĐ. Thầy nói: “Chắc thầy phải đeo một tấm biển ghi ‘Thầy không phải là ba của con đâu’!”.

Thầy và sư cô Chân Không rất dễ thương với CĐ vì hiểu được lối sống Tây phương của CĐ. Hai vị không đòi hỏi gì ở CĐ cả mà cho phép CĐ được là chính mình. Sau này CĐ có hỏi Thầy: “Con  có thể làm gì khác hơn là làm chính mình?”, thì Thầy nói rằng trong đạo Bụt có giáo lý vô ngã, nghĩa là không có một cái ta riêng biệt. Thầy luôn luôn dạy CĐ từng chặng một. Lúc đầu Thầy bảo CĐ làm hạnh phúc cho chính mình. Sau đó Thầy dạy CĐ cách thức giúp cho người khác. Thầy cho phép CĐ trải nghiệm những gì mà CĐ phải đi qua để tự mình học hỏi mà không bảo CĐ nên làm cái này hoặc không nên làm cái kia.

Thầy dạy cho CĐ cách nương tựa tăng thân. CĐ nhớ là vào năm 1986, một hôm CĐ hỏi Thầy là ở Làng có thể trồng trọt theo phương pháp hữu cơ hay không? Thầy nói miễn là mọi người trong tăng thân đều đồng ý thì cứ làm, nhưng đây là một vấn đề mà mọi người phải cùng nhau quyết định. Cuối cùng, mọi người không đồng ý nên Thầy nói CĐ có thể xin một khoảnh đất nhỏ và trồng trọt theo lối hữu cơ. Nếu mọi người thấy CĐ thành công thì sẽ muốn làm theo. Một hay hai năm sau đó, Làng Mai bắt đầu trồng trọt theo lối hữu cơ.

Sau khi Thầy bị đột quỵ, CĐ quan sát thấy Thầy vẫn tiếp tục trao truyền giáo pháp bằng sự sống của Thầy. CĐ rất ấn tượng khi nhìn Thầy ăn cơm trong chánh niệm. Mặc dù có khó khăn trong khi ăn nhưng Thầy có mặt hoàn toàn cho thức ăn. CĐ có thể thấy Thầy có mặt đó cho mặt trời, cho cơn mưa trong thức ăn cùng một lúc.

CĐ ấn tượng nhất là cách Thầy làm sáng tỏ những giáo lý của đạo Bụt. Thầy đã gạn lọc rất nhiều sự hiểu lầm và những trao truyền sai lạc trong giáo lý, giúp cho giáo lý đạo Bụt trở nên sáng tỏ và mang tính thực tiễn.

BBT: Có khi nào tăng thân yêu cầu sư cô làm một việc nào đó mà sư cô không thích nhưng sư cô vẫn làm vì vâng lời và nương tựa tăng thân? Sư cô có lời khuyên nào cho những người xuất gia trẻ khi tăng thân yêu cầu mình làm công việc mà mình không thích.

Sư cô Chân Đức: CĐ là tăng thân và tăng thân là CĐ. CĐ không có một cái ta riêng biệt. Khi CĐ muốn làm cái gì đó (như muốn đi Thái Lan chẳng hạn) thì CĐ hỏi tăng thân. Nếu tăng thân trả  lời: “Sư cô hãy chờ một năm nữa” thì CĐ xem đó là một cơ hội. Tăng thân ở đây và tăng thân ở đó là một. Đôi khi mình muốn cái gì đó nhưng lại không biết cách trình bày ý muốn của mình một cách khéo léo nên tăng thân từ chối. CĐ nghĩ là CĐ không đủ khéo léo khi trình bày ý của mình. CĐ phải thử lại một lần nữa. Khi muốn làm việc gì thì CĐ hỏi ý một vài chị em mà CĐ tôn trọng ý kiến nhất để xem họ trả lời như thế nào. Nếu họ không đồng ý thì có khi CĐ bỏ luôn ý định của mình hay có khi CĐ vẫn thử trình bày ý muốn của mình trong buổi họp của Hội đồng Tỳ Kheo Ni. CĐ biết càng nhiều con mắt nhìn thì cái thấy càng sáng.

Nếu tăng thân yêu cầu CĐ làm một việc mà CĐ cảm thấy mình không đủ khả năng thì CĐ cố gắng giải thích cho tăng thân hiểu tại sao CĐ không làm được việc đó. Nếu tăng thân không chấp nhận sự giải thích của CĐ thì CĐ sẽ nhận làm công việc đó và tự nhủ rằng: “Nếu mình làm tốt thì tăng thân sẽ có lợi, còn nếu mình làm không tốt thì tăng thân sẽ không bao giờ yêu cầu mình làm nữa!”

BBT: Sư cô đã thực tập như thế nào để thích ứng và sống hòa hợp trong một môi trường văn hóa khác với môi trường văn hóa của mình?

Sư cô Chân Đức: Thầy và sư cô Chân Không  đã có khả năng bơi lội được trong dòng sông của văn hóa Á đông và của văn hóa Tây phương. Cách sống của hai vị kết hợp được hai nền văn hóa một cách thoải mái. Đó là điều lôi cuốn CĐ tới Làng Mai. Thầy và sư cô Chân Không có khả năng khám phá ra được những châu báu của văn hóa Tây phương. Tất cả chúng ta cũng cần khám phá như thế. Người Tây phương phải khám phá những châu báu của nền văn hóa Việt Nam và người Việt Nam phải khám phá những châu báu của văn hóa Tây phương. Thầy thường kể về một sư cô người Việt ở Los Angeles biết cách thức uống trà với các thầy cô người Việt và với người Tây phương. Cách thức sư cô mời trà hay nhận trà có khác nhau trong mỗi trường hợp nhưng uống trà với ai sư cô cũng đều thấy thoải mái như nhau.

Có lúc CĐ cảm thấy không vui khi có những sư em người Việt sống ở Tây phương không thực tập theo một số điều cho phù hợp với khí hậu bên này, thí dụ như vào mùa đông khi ra vào cần đóng cửa để giữ hơi ấm trong nhà. Nhưng CĐ tự nhắc nhở mình là có những cái khác quan trọng hơn trong liên hệ chị em. CĐ phải kiên nhẫn và tiếp tục nhắc nhở các sư em mà không nên có thái độ bực bội, và cả hai bên sẽ cùng tiến bộ.

CĐ thấy mỗi trung tâm của Làng Mai đều nên  sử dụng ba ngôn ngữ (Pháp, Anh, Việt hoặc Thái, Anh, Việt hoặc Đức, Anh, Việt, v.v..). Văn hóa xuất sĩ cần thời gian để có thể bắt rễ ở Tây phương. Chúng ta muốn đi nhanh nhưng chúng ta cũng không muốn làm mất đi phẩm chất của đời sống xuất sĩ.

BBT: Điều mà sư cô muốn trao truyền nhất cho các sư em của mình là gì?

Sư cô Chân Đức: Là người xuất gia, chúng ta không có những đứa con huyết thống. Tuy nhiên chúng ta cũng muốn được tiếp nối, và chúng ta phải tiếp nối trong các sư em của mình. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải tu tập cho có nội dung mà không phải bằng hình thức bên ngoài. Chúng ta trao truyền lại cho các sư em nội dung của sự tu tập, tình thương và sự hiểu biết. Nếu chúng ta thật sự đã về đã tới và có hạnh phúc trong từng bước chân thì đó là sự trao truyền thật tuyệt vời mà không cần phải sử dụng lời nói.

BBT: Làm sao để mở lòng ra với những quốc gia khác? Làm thế nào để yểm trợ cho đất nước mình khi sống xa quê hương?

Sư cô Chân Đức: Những thầy tu Ấn Độ đã tới Việt Nam. Thầy Huyền Trang đã tới Ấn Độ và phải ăn cà ri Ấn. Các vị xuất gia trong Phật giáo xưa nay vẫn sẵn sàng sống ở nước ngoài. Cái chính là lòng mình có bình an và hạnh phúc hay không. Có thể chúng ta nghĩ là mình sẽ hạnh phúc hơn khi sống tại đất nước mình nhưng nếu tâm mình không an thì mình sẽ không có hạnh phúc. Giảng pháp bằng ngôn ngữ mẹ đẻ thì thoải mái, nhưng không có nghĩa là mọi việc đều sẽ dễ dàng. Chúng ta không cầu mong sự dễ dàng mà chỉ cầu có sức mạnh để làm được những việc không dễ dàng. Ở Việt Nam cần các thầy các sư cô và ở Tây phương cũng vậy. Chúng ta có cơ hội để đổi trung tâm và trải nghiệm được những nơi khác nhau trên toàn cầu. Đó là một cơ hội tuyệt vời!

 

BBT: Sư cô đã hết lòng chăm sóc cho mẹ trong những ngày cuối đời của bà và hiện cũng đang chăm sóc cho ba. Vậy sư cô có những lời khuyên nào cho những thầy, những sư cô trẻ về cách thức giúp cho cha mẹ trong lúc tuổi già hay khi họ hấp hối, với tư cách một người xuất gia hay không?

Sư cô Chân Đức: Đó là một sự thực tập rất tuyệt vời và sâu sắc! Chúng ta rời gia đình để trở thành một người tu và sau một thời gian tu tập, chúng ta lại trở về để giúp cho cha mẹ khi cha mẹ lâm bệnh nặng hoặc đang hấp hối. Sự thực tập của chính chúng ta phải thật vững chãi. Khi nào cha mẹ còn sống thì chúng ta phải thực tập cho có nội dung để hồi hướng công đức cho cha mẹ. Cha mẹ có thể tiếp nhận công đức đó và chuyển hóa. Chúng ta không cần phải ở gần cha mẹ mới có thể yểm trợ được. Tuy nhiên, tăng thân sẽ cho phép chúng ta được về chăm sóc cha mẹ khi thật sự cần thiết.

Việc đầu tiên chúng ta cần thực tập là phải buông bỏ hết mọi ý tưởng. Khi trở về giúp cha mẹ, CĐ có rất nhiều ý tưởng trong đầu là mình phải làm gì và làm thế nào. Nhưng những ý tưởng đó thật ra lại không thể thực hiện được. Trong nhà thương, bên giường bệnh, mình phải có mặt và đáp ứng được ngay với những gì đang xảy ra lúc đó, chứ không phải sử dụng những ý tưởng đã có sẵn của mình.

Lúc mẹ CĐ nằm nhà thương, khi từ giã mẹ về nhà tối hôm đó, CĐ không nghĩ đó là lần cuối cùng CĐ gặp mẹ khi bà còn sống. CĐ tới nhà thương sau khi hướng dẫn một  ngày  chánh  niệm nên rất  mệt.  Mẹ  CĐ  nằm  trên  giường  và CĐ hát cho mẹ nghe bài hát của Rumi, nhà thơ Sufi người Ba Tư nổi tiếng của thế kỷ 13:

 

Silence is an ocean,

Language is a river,

When thousands of voices in your head are speaking

You know: That’s enough for now.

When the ocean calls you,

Don’t go to the river,

Listen to the ocean saying: That’s enough for now.

“Im lặng là đại dương

Ngôn ngữ là dòng sông

Khi trong đầu có hàng ngàn tiếng nói

Thì ta biết: như thế đã đủ rồi.

Khi đại dương lên tiếng gọi

đừng nên tìm đến dòng sông

Hãy lắng nghe đại dương lên tiếng:

Như thế đã đủ rồi!”

CĐ ngồi trên giường bệnh của mẹ và hoàn toàn cảm thấy mình với mẹ là một. Mẹ là CĐ và CĐ là mẹ. Lúc đó tai của CĐ rất đau và CĐ rất mệt. CĐ nói với mẹ: “Tai con đau quá! Con có thể về nhà không mẹ?” Mẹ CĐ nói thật dịu dàng: “Ừ, con về đi!” CĐ để mẹ một mình trong bệnh viện. Sáng hôm sau cô y tá gọi điện thoại báo tin mẹ CĐ vừa mới mất. CĐ ân hận là mình đã không ở với mẹ lâu hơn.

Khi ba của CĐ lâm bệnh nặng, CĐ tới bên cạnh ba thì ba mê man và thỉnh thoảng ba nói sảng. CĐ xoa bóp cho ba thật nhẹ và hát vào tai ba những bài hát mà ba thích. Khi mới tỉnh dậy, ba không tin CĐ là con gái của ba. Ba lẫn lộn không biết mình đang ở đâu. Ba nghĩ mọi người muốn hại ba. CĐ nói với ba: “CĐ là con gái của ba” và ba nói: “Cô là một Phật tử thì chắc cô không nói dối”.

Có nhiều lúc CĐ tưởng ba CĐ sắp mất, nhưng rồi CĐ ngồi bên ba, theo dõi hơi thở của mình và nghe ông thở. Bỗng nhiên câu “Hãy thở và biết là bạn đang còn sống” trở nên rất thực đối với CĐ. Sự sống là một phép lạ! Mầu nhiệm thay khi ta đang còn sống! Và dĩ nhiên là nếu không có cái chết thì không thể có sự sống! CĐ muốn sống một cuộc sống thật tròn đầy, giống như ba CĐ đã thưởng thức và sống thật tròn đầy cuộc đời của mình! Đó là điều mà CĐ đã học được bên giường bệnh của ba!

BBT: Chúng con kính cảm ơn sư cô đã chia sẻ những kinh nghiệm tu tập rất thực tế và sâu sắc!