Bảo châu trong vạt áo

(Thầy Chân Pháp Biểu, người Ý, là một vị giáo thọ trẻ tu tập và phụng sự có nhiều hạnh phúc ở xóm Thượng. Bài viết được Ban biên tập chuyển ngữ từ tiếng Anh.)

Mười ba tuổi, lần đầu tôi đến với pháp môn. Hồi đó tôi chẳng nhớ gì mấy về Làng, bởi tôi chưa nói được tiếng Anh và thường ngủ gục lúc Thầy cho pháp thoại. Tuy nhiên phong thái đi đứng khoan thai, vui vẻ của quý thầy, quý sư cô đã ghi sâu vào lòng tôi từ ngày đó.

Về lại Ý, ở nhà, tôi thường mơ mộng thấy mình làm người tu. Nằm trên giường mà tưởng tượng cảnh mình trong chiếc áo nâu ngồi dưới gốc cây thiền định. Chao ôi, hình ảnh thật đẹp! Có lần tắm xong, tôi quấn chiếc khăn tắm quanh mình làm bộ như đó là áo cà sa, rồi ngắm mình thật lâu trong gương, nét mặt ra vẻ trang nghiêm và thông tuệ. Tôi đã nghĩ nếu một ngày nào đó khi tôi đi tu thì mọi rắc rối sẽ không còn nữa. Với tôi, cuộc sống đó xem chừng thật lý tưởng.

Nhiều năm trôi qua, khi đã thực sự xuất gia rồi, tôi nhanh chóng nhận ra “cuộc đời không như là mơ”, nghĩ vậy mà không phải vậy. Tôi thử sống nếp sống lý tưởng của người tu mà tôi đã vẽ trong đầu, nhưng nhanh chóng phát hiện mọi chuyện phức tạp hơn thế nhiều. Tôi thích làm “ẩn sĩ” chốn núi mù sương, nhưng thay vào đó, tôi lại thấy mình đang sống chung phòng với bốn người khác trong một cộng đồng khá năng động. Tôi rất hăng hái học hỏi và làm theo lời Thầy dạy, nhưng không hiểu sao cuộc sống của mình trong tu viện xem ra chẳng khác gì mấy so với cuộc sống của mình lúc còn ở nhà.

Đương nhiên là tôi có dậy sớm ngồi thiền với đại chúng, rồi đi học lớp sa di, tham dự ngày quán niệm, ấy vậy mà tất cả vẫn dường như quá đỗi tầm thường, quá “đời thường” không thể gọi là cuộc sống đích thực của người xuất sĩ. Nhưng trên hết, tôi thấy cách sống ở Làng không hợp với lý tưởng về một pháp môn tu tập nghiêm túc trong tôi. Ở Làng hay hát những bài hát của trẻ em, ở Làng có thiền ôm, tượng Bụt trong thiền đường mà người ta lại sơn màu hồng nhạt! Tôi chẳng dám than thở, nhưng rõ ràng chật vật lắm tôi mới có thể hóa giải những điều đó cho hài hòa với tư tưởng của mình.

Tôi mất nhiều năm mới có thể thưởng thức mọi việc như nó đang là, và thay vì tìm kiếm lý tưởng cao siêu mầu nhiệm, tôi tìm hạnh phúc trong nét đơn giản của thực tại trước mặt. Tôi thường nghe trong những giờ pháp đàm thiền sinh chia sẻ rằng họ hoàn toàn không ngờ được một tuần của họ ở Làng sẽ như thế nào. Nếu biết trước chắc họ sẽ chẳng muốn đến. Khi đăng ký khóa tu, họ nghĩ họ sẽ có cả tuần thiền tập yên lặng trong bầu không khí yên tĩnh của miền quê nước Pháp. Hóa ra, đến nơi mới thấy mình đang ở chỗ quy tụ hơn cả nghìn người, trẻ em chạy nhảy lung tung, người trẻ chơi đá bóng, người lớn chơi đàn. Thế mà sau năm ngày thực tập, họ có cảm giác cuộc đời đã thay đổi và họ sẽ không bao giờ quên cảm giác đó.

Có lần vào đêm Giao thừa trong khóa tu cuối năm, một anh chàng kể cho tôi nghe, hai ngày đầu anh ta cứ nghĩ đến chuyện bỏ khóa tu để về nhà. Rốt cuộc, đến ngày thứ tư, anh mới mở miệng chia sẻ trong pháp đàm, nói được năm ba câu là bắt đầu khóc. Vì ngại người ta thấy mình có cảm xúc nên anh nói không nhiều. Ngày cuối khóa tu, anh cho biết đó là lần đầu tiên anh khóc trong đời. Khi nghe vậy, tôi không tránh khỏi cảm giác vừa vui vừa biết ơn anh. Giống như mình đang chứng kiến một khoảnh khắc lịch sử, bởi vì có thể cả cuộc đời anh sẽ thay đổi từ giây phút đó.

Loài người chúng ta có khả năng trừu tượng hóa vấn đề rất tài tình. Chúng ta tạo các cảnh giới, và tự thuyết phục chính mình rằng chúng là thật. Thế nhưng, cái đẹp và sự thâm sâu mà tự thân ta tìm kiếm chỉ biểu hiện khi nào ta có thể hòa giải được với những mớ bòng bong trong cuộc đời bằng cách an trú trong giây phút hiện tại. Tuy thực tại không tuyệt hảo và trong sạch như những gì chúng ta suy tưởng, nhưng sự trở về với giây phút hiện tại giúp ta cảm thấy kết nối, đủ đầy.

Có một ngày, tôi ngồi trong rừng đọc kinh A Di Đà. Tâm trí tôi chan chứa hình ảnh về những hàng cây bảo châu, hoa sen bằng vàng và một mặt trời chưa từng lặn xuống phía chân trời. Khi ấy, có một chú chim nhỏ đậu trên cành cây cách chỗ tôi ngồi chừng vài mét, và ngay lập tức tôi liền thấy sao mình thương chú chim bé nhỏ quá đỗi. Tôi nghĩ nếu cái gì cũng đều được làm bằng vàng bạc và châu báu thì tôi sẽ nhớ lắm những nét sinh động và mùi hương của rừng, nhớ những lớp rêu phong và cả những thảm lá mục. Tôi chợt nhận ra một điều là không có gì đẹp hơn những gì ta đang trải nghiệm và đang sống ngay trong giờ phút hiện tại. Bạn có thể cho rằng tôi nói ngược với ý kinh, nhưng tôi tin đó mới chính là điểm mà kinh muốn nêu ra. Khi bạn thực sự có mặt để ôm ấp và chấp nhận những gì đang xảy ra thì đến cái nhỏ nhất, đơn giản nhất cũng trở thành châu ngọc.

Qua năm tháng, cách nhìn này đã giúp chuyển hóa sâu sắc cái hiểu của tôi về đời sống xuất sĩ. Tôi bắt đầu thấy vui khi hát các bài hát trẻ em và tôi cũng nhận thấy thực ra chính người lớn mới là người cần hát những bài hát trẻ em, vì người lớn quen nghiêm nghị quá rồi. Tôi quý cái nét năng động và khó lường của đời sống tăng thân, vì nó luôn làm tôi ngạc nhiên, giúp tôi thoát ra khỏi ngục tù của mong chờ và kỳ vọng. Có lúc nhìn tăng thân thấy đúng là thiếu tổ chức thật, nhưng nhìn xem, có ai tổ chức, sắp xếp cho khu rừng hay những đám mây trên trời đâu nào? Thiên nhiên đẹp vì không có ý niệm thế nào là trật tự hay hoàn chỉnh, ấy vậy mà thiên nhiên lại hài hòa với nhau trong dòng chảy liên tục, luôn tươi vui và mới lạ. Đôi khi gió bắt đầu thổi, rồi mây đen vần vũ như chực nuốt cả mặt trời. Cảnh tượng có vẻ bi thảm, nhưng chẳng có gì nghiêm trọng lắm. Mặt trời không sớm thì muộn cũng sẽ xóa tan mây, đưa sự sống trở về với núi rừng

Vậy thì cớ chi tôi phải tìm kiếm thêm điều gì khác nữa? Tôi không cho là mấy con chim, con sóc sẽ thích thú khi phải sống trong khu rừng cẩm thạch “lý tưởng” mà tôi dựng nên.

Chân Pháp Biểu