Mẹ, suối nguồn tâm linh

 

Tôi còn nhớ, cách đây sáu tháng, khi tôi báo với má là tăng thân đã quyết định chọn tu viện dòng thánh Biển Đức (Benedict) ở Verdelot làm nơi xây dựng trung tâm thực tập mới cho quý thầy. Má đã thở phào nhẹ nhõm và thốt lên mừng rỡ: “Lạy Chúa, ước mong tha thiết nhất của con từ bao lâu nay đã thành hiện thực”.

Má tôi là một tín hữu Công giáo rất thuần thành. Từ khi thành hôn với ba tôi, má đã luôn mong ba cải đạo nhưng ba không chấp thuận vì ba muốn giữ truyền thống thờ ông bà tổ tiên của người Việt. Thế là các anh em chúng tôi đều được rửa tội và nhận tên thánh. Nhưng lớn lên, chúng tôi “xa dần” nhà thờ. Việc tôi trở thành tu sĩ Phật giáo theo truyền thống Làng Mai là một cú sốc lớn cho má. Má đã coi quyết định này của tôi như một sự chống đối ra mặt, thậm chí là một sự phản bội! Thực chất má nghĩ như vậy cũng không sai gì mấy vì lúc ấy tôi cũng khá gàn! Những năm gần đây, dù rất hài lòng tới thăm tôi ở Làng Mai, nhưng sâu xa trong lòng, má vẫn muốn tôi làm một thầy tu Công giáo.

Bây giờ đây, huynh đệ chúng tôi gồm 12 người (trong đó một nửa là người Việt Nam, nửa còn lại là người Pháp, người châu Âu hoặc châu Á), đến xây dựng tăng thân tại tu viện mới mang tên Suối Tuệ ở Verdelot. Việc này đã làm tan biến hết nỗi muộn phiền sâu kín trong lòng má: cuối cùng thì con trai má cũng được sống và thiền tập dưới mái nhà của Chúa! Thậm chí má tôi còn có ý định tới ở lâu dài tại Verdelot.

Vào thời Trung cổ, làng Verdelot đã từng là địa điểm hành hương nổi tiếng vì có đền thờ tượng “Đức Mẹ Đen” (The Black Virgin-La Vierge Noire). Tượng làm bằng gỗ và thường có màu đen mun. Nhưng ở Verdelot, tượng Đức Mẹ Đen lại bằng gỗ màu nâu sòng, cùng màu với màu áo tu của quý thầy thuộc truyền thống Phật giáo Việt Nam. Phải chăng đây cũng là một điềm lành tiền định? Các tín hữu Kitô giáo ngoan đạo rất tin tưởng vào hiệu lực cầu nguyện và linh ứng của Đức Mẹ Đen. Ngày nay, hằng năm truyền thống hành hương và rước kiệu Đức Mẹ Đen này vẫn còn được lưu giữ ở Verdelot. Tiền thân của Suối Tuệ là tu viện của các sơ dòng Thánh Augustino (Saint Augustin) trong suốt một trăm năm của thế kỷ 20. Xưa hơn nữa, từ thế kỷ 11 tới thế kỷ 17, nơi này là thánh địa của các cha dòng thánh Benedict.

Với tôi, dù mang chiếc áo dài nâu của một thầy tu trong truyền thống đạo Bụt Việt Nam, tôi luôn thấy thoải mái mỗi khi có dịp đưa má đi lễ nhà thờ hay đi thăm các linh mục, bạn của má. Giờ đây, tôi cảm thấy rất hạnh phúc, xen lẫn tự hào, khi được treo cây thánh giá ở ngay trên đầu giường tôi, gần bàn thờ Bụt. Cây thánh giá này được sư cô Giác Nghiêm – trụ trì Thiền đường Hơi Thở Nhẹ – tìm thấy chính tại đây, dưới tầng hầm, trong lần đi thăm để mua lại tu viện này.

Từ lúc chúng tôi bắt đầu chương trình gây quỹ cũng như trong quá trình mua lại tu viện cho tới bây giờ, khi anh em chúng tôi đang dần ổn định đời sống mới ở đây, tôi thấy huynh đệ chúng tôi như được ban phúc lành từ chư vị tổ tiên của chốn này. Chúng tôi cảm nhận rất nhiều bình an và tình thương từ các vị tiền bối đã từng tu tập và cầu nguyện ở chính nơi đây trong nhiều thế kỷ qua. Đặc biệt là năng lượng thương yêu, bảo bọc của Đức Mẹ Maria mà chúng tôi cảm được qua bức tượng của Người. Tượng rất đẹp, cao 1m20, được đặt trong một hốc tường trên mặt tiền chính của tu viện. Không bao lâu nữa, Suối Tuệ sẽ được đón nhận tượng Bồ tát Đại bi Quan Thế Âm do một tăng thân cư sĩ ở Việt Nam cúng dường. Chúng tôi dự định sẽ đặt tượng trong khuôn viên tu viện cạnh hồ sen. Và như thế, mỗi ngày, những bước chân thiền hành của huynh đệ chúng tôi ở tu viện Suối Tuệ sẽ luôn được cả hai đức Mẹ cùng dẫn dắt.

(Chân Pháp Liệu)