Góp chút gió mây

Hạnh phúc của sự hiến tặng

Tôi lại viết lách cái gì đó nơi góc nhỏ của mình cho bạn sáng nay. Cái cảm giác lành lạnh khiến cho nến và trà thêm ấm, thêm vui. Không khí những ngày cuối năm thật ý nghĩa cho việc nhìn lại chuỗi thời gian đã đi qua và cũng là cơ hội chị em tôi sum vầy bên nhau, gửi tặng nhau niềm thương yêu, trân quý. Nhìn những món quà trước mặt, tôi lại càng hạnh phúc. Tôi đã chuẩn bị những món quà này hơn một tháng nay. Tôi đã xem việc gói quà là sự thực tập và là niềm vui rất sâu trong lòng. Những tờ giấy cũ được tái sử dụng là tình thương tôi gửi tới đất Mẹ. Và giây phút ngồi gói những món quà, tôi đặt trọn lòng mình vào từng hành động tỉ mỉ để tiếp xúc sâu sắc hơn với từng chị, từng em – những người đang cùng tôi sẻ chia không gian và niềm vui chốn này.

Tôi ngồi đây gói tặng chị em của mình thông điệp của tình thương, biết ơn và trân quý. Trạm Tịch là chúng nhỏ nên thật dễ để tôi nghĩ đến từng người. Những món quà ấy, đúng hơn là dành cho tôi vì tôi là người trước tiên tận hưởng tròn đầy những hạnh phúc ấy – hạnh phúc của sự hiến tặng.

Lặng lẽ chuyển mình

Tuệ Uyển, nơi lưu lại không ít ký ức đẹp, tôi thấy mình đã nhẹ bước khi ra đi. Về Trạm Tịch, tôi như đã thuộc về nơi này từ lâu rồi. Đi qua một năm cùng Trạm Tịch, tôi luôn ý thức đến những thay đổi liên hồi nhưng rất lặng lẽ, khiêm nhường. Như dòng sông chỉ có nó mới nhận ra những con nước mới và những con nước cũ chuyển mình. Trạm Tịch đã tiễn chân thật nhiều sư em và đón vào các sư em mới. Các sư chị ở đây trở thành hai bờ của con sông để giữ dòng nước luôn lưu chuyển.

Tôi thấy hạnh phúc khi được sống nơi này bạn ạ. Mọi điều đến với tôi không quá lớn lao, mà vừa vặn. Đời sống tu học luôn là điều được quan tâm nhất. Các lớp học dành cho các em đều đặn, những buổi công phu hùng tráng giữa rừng khuya. Tôi được chăm sóc các sư em và các sư em tương lai – những cây trong vườn ươm, mai này có khi sẽ trở thành cổ thụ. Niềm vui nuôi dưỡng tôi là khi thấy các sư em lớn lên mỗi ngày như những cây con, luôn thấy rõ sự vươn mình đổi khác. Các sư em trở thành niềm tin, hạnh phúc và ý nghĩa sự sống của tôi. Càng gần gũi, chăm sóc và hướng dẫn các em tôi lại càng hiểu Thầy hơn – vì sao Thầy luôn luôn thương và chăm lo cho người trẻ. Thầy luôn dạy: “Thầy tuy tuổi hơn 80, nhưng Thầy chưa bao giờ thấy mình xa cách với tuổi trẻ”. Tôi muốn nuôi dưỡng nhận thức ấy để có thêm động lực trên con đường tiếp nhận và trao truyền. Tôi cảm nhận sâu sắc hơn hạnh phúc của sự trao truyền và tiếp xúc lại với niềm hạnh phúc khi tôi là người được tiếp nhận. Những bài pháp thoại, những lời chia sẻ mà tôi đã từng được nghe bằng trái tim trong sáng năm nào đã âm thầm lưu lại một cách sâu sắc trong tôi. Để giờ đây tôi thực sự có thật nhiều tình thương khi muốn gửi lại cho các em của mình tất cả những thông điệp quý giá ấy. Tuy tôi không giàu có nhiều trong vốn liếng học hỏi cũng như thực tập nhưng tôi có tấm lòng san sẻ, hiến tặng.

“Hiến tặng niềm an vui, mình sẽ được an vui”. Lẽ sống này giúp tôi mạnh dạn trong việc hiến tặng, chăm sóc, hướng dẫn, trao truyền cho các sư em bằng tất cả tấm lòng và khả năng của mình.

Gốc rễ đắp bồi

Ở đây tôi cũng được chăm sóc các tăng thân cư sĩ để niệm ơn và thực hiện phần nào chí nguyện của mình. Những ngày tu học, những khóa thực tập không quá quy mô và rầm rộ, nhưng cũng tỏ lộ được tấm lòng dành cho quê hương và đồng bào mình. Nhìn và tiếp xúc với trái tim luôn mong mỏi được tu học và phụng sự của những người cư sĩ miền Nam, tôi luôn cảm kích, trân trọng và biết ơn họ. Họ là nguồn cảm hứng mà cũng là động lực cho tôi luôn muốn đi tới trong sự tu học của chính mình. Càng muốn hiến tặng bình an và những sự thực tập cho họ, tôi lại càng phải luôn nhắc mình phải thực tập hết lòng để không phải là người bán hàng giả. Tôi luôn nhớ một kỷ niệm về lời dạy của Thầy khi tôi còn là một sư cô sa di nhỏ. Ngồi đưa võng cho Thầy trong không gian tĩnh lặng và bình yên, thầy dạy chị em thị giả chúng tôi thật nhiều điều. Trong đó có bài học sâu sắc là: “Các con phải thực tập làm sao để không bị rơi vào chiếc bẫy hình thức, giả trang thiền tướng hay làm người bán hàng giả”. Tôi giật mình về điều Thầy dạy vì điều đó rất dễ xảy ra cho người mới thực tập như tôi. Và bài học đó đã trở thành tấm gương “mê ngộ cảnh” của chàng dũng sĩ trong Cửa tùng đôi cánh gài để tôi luôn nhìn lại, sách tấn mình trong việc thực tập và trải nghiệm sự sống.

Khóa tu “Bồi đắp gốc rễ” vừa chấm dứt, lưu lại trong tôi hình ảnh của các em tuổi thiếu niên mà tôi có dịp chăm sóc trong bốn ngày. Tôi đã tâm sự với các em rằng tôi đã từng chọn tuổi thiếu niên là lứa tuổi mình sẽ chăm sóc, nhưng đến hôm nay khi chăm sóc các em tôi thấy cái tuổi 33 của mình và cái tuổi 13 của các em thật xa cách. Tôi không hiểu và biết nhiều về thế giới các em hôm nay. Tình thương vẫn còn đó, nhưng tôi thấy mình không giúp được các em nhiều. Làm sao tôi giúp được các em khi môi trường sống của các em bị bủa vây bởi những nguồn thức ăn độc hại và quá nhiều những vấn đề nan giải: ba mẹ ly dị, bạo lực gia đình, áp lực học hành, khó khăn trong truyền thông, v.v. Các em đang sống trong môi trường ít lành mạnh, thường bị cuốn vào sự tiêu thụ internet không chừng mực như chơi game quá nhiều, hay tìm kiếm những nguồn thông tin không nuôi dưỡng sự trong sáng và thánh thiện. Rất nhiều em không tìm thấy hạnh phúc ấm áp trong gia đình, học đường và cả xã hội. Tôi nhìn các em mà thấy mình nhỏ nhoi, bất lực vì không giúp được các em bao nhiêu. Khóa tu kết thúc, tôi lắng nghe những chia sẻ mộc mạc của các em: “Con thích khóa tu này vì ở đây con có được tình bạn, con không sử dụng máy móc nhiều, con được gần gũi với thiên nhiên, con được thư giãn sau áp lực học hành, con học được cách thở để lắng yên,…” Và rồi tất cả những cánh tay đưa lên sau câu hỏi: “Em nào muốn trở lại khóa tu sau?”. Tôi nhìn cánh tay em trai bị tự kỷ và hỏi: “Vì sao em muốn trở lại?”. Em trả lời tôi: “Con không biết”. Nhìn em, tôi cảm nhận được sự ấm áp và hạnh phúc. Câu trả lời ấy mang theo niềm hân hoan của sự chuyển hóa. Từ một cậu bé không muốn tiếp xúc, không muốn chơi chung với ai trong ngày đầu của khóa tu, em đã hòa vào tiếng cười và những trò tinh nghịch với các bạn đồng trang lứa. Tôi thầm biết ơn em, sự có mặt của em đã cho tôi niềm khích lệ.

Nhiều lúc các em không ngoan khiến tôi mệt mỏi và buồn lòng, nhưng rồi những câu nói của các em như: “Sư cô đừng bỏ tụi con nhe”, hay những lời xin lỗi của các em giúp tôi nhìn lại ý niệm mình đã già cỗi, không còn chơi được với các em của mình. Tôi nhìn lại lời tôi nói với các em mà thấy mình cần học theo Thầy để có tư duy đẹp hơn: “Tình thương không bao giờ nói rằng đây là lần cuối”, “Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ”. Tôi thiết nghĩ mình sẽ tiếp tục tình thương ấy bằng những hình thức khác phù hợp hơn để thực hiện lý tưởng phụng sự. Tôi nhận ra mình có thể tiếp tục làm bạn với các em mà không xa cách như tôi nghĩ. Tôi sẽ học bài học của Thầy: “Thầy chưa bao giờ thấy mình xa cách với tuổi trẻ”.

Những ngày sau khóa tu, tôi được nghỉ ngơi, trở về chơi với tự thân. Tôi có cơ hội nhìn lại những tư duy của mình, tìm hướng đi đúng đắn và những thức ăn nuôi dưỡng cho tâm thức. Tôi nhận ra mình thật may mắn khi được theo các sư chị, sư em ngày ngày xây dựng tăng thân, hiến tặng hiểu thương cho mọi người. Tôi thấy cuộc đời mình mang nhiều ý nghĩa. Mỗi ngày đi qua tôi vẫn muốn mình khỏe mạnh để luôn luôn đi tới, thực hiện những ước mơ đẹp trên con đường thực tập.

Về Trạm Tịch, tôi có cảm giác đang ẩn mình trong rừng sâu để trở về lắng nghe tâm tư tỏ rõ. Trạm Tịch đã lặng lẽ chuyển mình, và tôi cũng thế. Nếu bạn về thăm lại hẳn sẽ ngạc nhiên. Từng con đường quanh co, từng con suối với hai dòng trong đục, hương rừng vẫn vậy, đến và đi, nhưng tất cả luôn là dòng yên ả êm trôi.

Chân Tuyết Nghiêm