Vừng ơi, mở ra!

Vừa rồi trong một bài pháp thoại, thầy Pháp Dung có kể rằng sống trong đại chúng, thầy hay “mượn tạm” kim cương của người khác, theo kiểu “năng nhặt chặt bị”. “Mượn tạm” ở đây nghĩa là nếu người khác có kim cương thì mình chỉ việc copy nó rồi tha hồ sử dụng. Vấn đề là mình có khả năng tìm ra kim cương ở người khác hay không. Kim cương này đặc biệt lắm vì người ta không đo bằng cara và nó cũng giống như xá lợi của Bụt, càng ngày càng sinh sôi nảy nở. Kim cương ở đây chính là những cái đẹp, cái hay có thể tìm thấy trong tất cả mọi người mà đôi khi chính người đó cũng không biết là mình đang sở hữu.

Ngay sau khi nghe thầy Pháp Dung chia sẻ, tôi hỏi ý kiến một sư chú thì được cho biết tìm được kim cương không phải dễ. Câu nói của sư chú làm tôi suy nghĩ. Nó vương vấn trong đầu tôi đến mấy ngày. Tôi nghĩ, thay vì tìm kim cương, mình thử tìm vụn, hoặc bụi kim cương xem sao.

Ngày hôm kia, một sư cô cho thiền hướng dẫn bằng hai thứ tiếng Anh, Pháp thật trôi chảy và nhẹ nhàng. Tôi lắng nghe, thực tập theo trong hạnh phúc và kinh ngạc. Tôi nhớ chỉ vài năm trước đây, sư cô vừa từ Việt Nam sang, nói giọng Huế đặc sệt. Một lần nọ, khi hai chị em ngồi làm cỏ ngoài vườn, sư cô nói tôi bày tiếng Anh rồi lặp lại một số câu đơn giản với giọng rất nặng và ngượng nghịu. Vậy mà bây giờ sư cô đã có thể cho thiền sinh tham vấn, hướng dẫn pháp đàm bằng tiếng Anh và thông dịch cho các buổi họp tỳ kheo ni, các buổi làm mới, Soi sáng hay bất kỳ một buổi họp nào trong đại chúng. Sư cô còn… tấn công qua tiếng Pháp và đã lấy được bằng lái xe ở Pháp, đã có thể đọc sách của Sư Ông bằng nguyên bản tiếng Pháp. Sư cô đi tu lúc mới mười lăm, mười sáu tuổi, chưa có dịp học hết phổ thông trung học. Tôi thầm nghĩ nếu sư cô có điều kiện để học hành và tiến thân như bên ngoài, không biết về mặt này sư cô sẽ còn đi xa đến đâu. Ngoài sư cô ra, trong đại chúng còn có nhiều sư cô cũng làm được điều đó.

Điều này khiến tôi phải nghiêng mình nể phục và nhận ra những gì tôi biết và làm được thật vô cùng khiêm tốn. Câu chuyện này đã gây hứng khởi cho tôi đầu tư thêm vào tiếng Pháp. Nếu bỏ qua viên kim cương lóng lánh của tâm hiếu học, chí vượt lên chính mình này thì thật là đáng tiếc.

Hai ba năm nay, lúc giáp Tết, tôi hay có dịp cùng một số quý sư cô lên xóm Thượng để làm báo Lá Thư Làng Mai. Tôi thấy có một thầy thường âm thầm dọn dẹp, lau chùi sắp xếp nhà bếp, nhà kho, nhà ăn. Thường là thầy bỏ giờ riêng ra làm để cho đại chúng thảnh thơi đi thời khoá. Thầy chăm sóc, tìm hiểu để mua thức ăn sạch và lành cho đại chúng. Một thầy khác cần mẫn lắp ráp, đóng tủ đóng kệ cho dàn âm thanh của ba xóm bốn chùa được ngăn nắp, tu bổ lại các dụng cụ máy móc cần thiết để cho ban âm thanh của Làng Mai đáp ứng được nhu cầu phụng sự trong các khóa tu lớn nhỏ. Thầy cũng bỏ công ra huấn luyện các sư cô trong ban âm thanh (liên tục đổi thay người) để các xóm có thể độc lập, nhưng thầy sẵn sàng có mặt để yểm trợ lúc cần.

Làng Mai quanh năm khoá tu nối tiếp khóa tu. Vì vậy ai cũng phải thực tập sao để có thể học, chơi, làm việc và nghỉ ngơi cùng một lúc. Nếu không thì làm sao có thể vừa nằm trong các ban tổ chức khóa tu, vừa âm thầm làm những công việc không tên “phía sau hậu trường” mà ta không thể nào biết hết được? Làm sao vừa giúp tổ chức một buổi lễ Truyền đăng vừa phải liên lạc với các tăng thân địa phương ở khắp nơi để những chuyến hoằng pháp vào mùa xuân, mùa thu diễn ra suôn sẻ? Làm sao vừa ngồi gõ máy tính để thiền sinh ở xa có thể đặt vé về Làng cho kịp khóa tu Doanh nhân hay khóa tu tiếng Pháp, vừa chuẩn bị cho bài thuyết trình Làm mới hay Hướng dẫn tổng quát? Đó là chưa kể còn tham gia thời khóa hàng ngày và có mặt trong các đội luân phiên nấu ăn, rửa nồi, dọn dẹp, v.v.

Các thầy, các sư cô tri khố, tri kho, tri sự, tri may, tri vườn, tri website, tri kế toán, thủ quỹ,… trong các xóm, phần lớn đều dành giờ riêng của mình để làm việc cho tăng thân. Có sư cô năm này qua năm nọ âm thầm yểm trợ, lo lắng cho thiền sinh trong thời gian họ tu tập ngắn hạn ở Làng. Có vị ngày làm biếng bỏ thì giờ ra chăm sóc sức khỏe cho các chị em, cho cả thiền sinh. Vốc kim cương này sáng chói tinh thần phụng sự quên mình.

Đôi khi ngồi nhìn quý thầy, quý sư cô mà tôi thấy trong lòng dâng lên một niềm biết ơn chi lạ. Sống ở Làng Mai, điều kiện vật chất khá khiêm tốn, nhất là về mặt nhà ở. Cả ba xóm đều được cải thiện từ các trang trại chăn nuôi cho nên phòng ốc vừa nhỏ, vừa cũ. Nhất là ở xóm Hạ và xóm Mới, chỗ ở chật chội nhưng tình chị em thì bao giờ cũng rộng rãi. Lâu lâu có thiền sinh, Phật tử người Việt, thậm chí ngay cả các sư cô từ các trung tâm khác của Làng Mai tới thăm, nhất là vào dịp Tết được đi thăm phòng của quý sư cô, họ rất thương. Họ nói: “Không ngờ trung tâm quốc tế Làng Mai mà lại như ri!”. Đôi khi có người nghĩ là Làng Mai giàu. Ừ, thì Làng Mai giàu thật đó, có cả quặng kim cương làm sao mà không giàu cho được. Kim cương mà tôi góp nhặt đầy cả ra đó còn gì!

Sư Ông nhận đệ tử xuất gia hơi trễ nên quý thầy, quý sư cô đệ tử lớn nhất của Sư Ông tính đến năm nay chỉ mới được 30 hạ lạp. Nhưng như vậy cũng là những cây cổ thụ so với một cây non như tôi. Trong đại chúng, sự có mặt của quý thầy quý sư cô có 20, 30 tuổi hạ là rất quý, nhất là những người không nói tiếng Việt. Trong bao nhiêu năm đó, các vị đã vừa tu tập, vừa sát cánh bên Sư Ông để xây dựng Chúng, chăm lo hướng dẫn các sư em, tổ chức và hướng dẫn khóa tu, cho pháp thoại,… Và luôn có mặt vào các thời thiền tọa, thiền hành, ăn cơm im lặng,… với đại chúng. Người đời có nói đến “hạt gạo cội”, tôi thấy đích thực đây là những hạt kim cương… cội.

Mấy năm nay, Sư Ông không khỏe nên một số quý sư cô lớn cần có mặt bên cạnh Người. Xóm tôi ở chỉ còn lại rất ít quý sư mẹ lớn. Ở trong chùa, sự có mặt của người lớn rất cần thiết. Thiếu người lớn, các sư chị của tôi phải trưởng thành thật nhanh để chăm em. Nhiều sư chị của tôi còn ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” mà bây giờ nào là đứng ra cáng đáng các công việc thường ngày trong Chúng, lại còn phải tập nhìn xa trông rộng để làm sao cho Chúng đi lên, rồi lúc nào cũng có các em muốn vào tu nên phải trở thành nơi nương tựa cho các em. Vừa chăm em mới, vừa phải duy trì chăm sóc, nâng đỡ các em cũ, sách tấn, khuyến khích, làm gương, đồng thời phải tiếp tay với người lớn tổ chức khóa tu, hướng dẫn thiền sinh đến Làng tu học, ra ngoài hướng dẫn các khóa tu ở ngoài. Quanh năm ít khi có thời gian rảnh rỗi. Đây là viên kim cương của hy sinh và phụng sự, của tinh thần “lượng cả bao dung”.

Trong nhiều lĩnh vực khác như xây dựng, bảo trì, quý sư cô còn rất trẻ tuổi đời đã thật dũng cảm đứng ra đảm nhiệm dù là vừa phải học thêm tiếng Pháp vừa dùng ngôn ngữ tay chân để truyền thông với kỹ sư hay mấy ông thợ Pháp.

Mùa an cư vừa qua, có nhiều thiền sinh đến cùng thực tập an cư ba tháng. Hai sư cô giáo thọ rất trẻ đã nhận lời làm y chỉ sư của khoảng 12 thiền sinh trong nhóm nói tiếng Anh. Khi mới gặp, các thiền sinh đã hơi lo lắng vì các sư cô trông quá trẻ, làm sao có đủ kinh nghiệm và năng lực để hướng dẫn họ. Ba tháng ở cùng nhau, cùng tu tập một chỗ, không đi ra ngoài là thời gian mà ai cũng phải đối diện với những khó khăn của riêng mình. Những tập khí chỉ khi ở chung mới có dịp bộc lộ làm các bạn thiền sinh này lên xuống không ít. Làm y chỉ sư cho các bạn nghĩa là phải cho tham vấn, hướng dẫn họ cách thực tập khi họ lên xuống. Có lúc cần phải nhu, lúc khác lại phải cương, phải sử dụng rất nhiều phương pháp thích ứng với tuổi tác của họ (các vị này tuổi từ 21 đến 71). Cuối an cư, sáu trong số mười hai người đã đăng ký để trở lại tu tập từ 6 đến 12 tháng. Họ nói rằng không ngờ y chỉ sư nhỏ tuổi như vậy mà có thể thấy và biết rất nhiều. Tôi rất hãnh diện về các sư chị của mình. Suốt ba tháng an cư, các sư chị đã phải bỏ ra rất nhiều tâm lực và thực tập miên mật để có thể duy trì sự vững chãi, tạo không gian trong lòng mình để có mặt cho thiền sinh. Có thể nói là các sư chị đã thực tập được điều mà Sư Ông luôn căn dặn: thực tập, làm việc, chơi và nghỉ ngơi – bốn trong một.

Lâu lâu các sư chị của tôi cũng có khóc một chút vì… tủi thân, thấy sao mình còn nhỏ mà phải cáng đáng đủ thứ, y như người lớn. Nhưng như Sư Ông Làng Mai có lần đã nói: “Thương mà ra hết”. Thương Sư Ông, thương đại chúng, thương con đường đẹp mà mình đang đi nên khóc một tí cho khỏe rồi lau nước mắt và làm tiếp. Những giọt nước mắt đó đã biến thành những viên kim cương sáng chói, đưa đường cho sư chị sư em bước tới thảnh thơi.

Sư Ông lại không cho bán hàng giả. Có nghĩa là nói sao thì làm vậy. Hay ít ra thì cũng cố gắng nói sao làm vậy! Lòng biết ơn của tôi đối với quý thầy quý sư cô tràn dâng bởi tôi biết khi có tài năng, một người trẻ có thể lập thân theo cách rất thông thường mà mọi người trẻ trên đời này vẫn đang làm. Tài năng đi đôi với danh vọng, tài lợi, quyền hành. Thay vào đó, những người trẻ này đang đi ngược dòng, đang làm nên hiểu nên thương để thế giới này trở thành một nơi đẹp đẽ hơn. Làm sao mà tôi không biết ơn cho được. Đây là một viên kim cương của sự buông bỏ, xả ly. Nó làm tôi thấy rất thương mỗi khi nghĩ về quý sư anh sư chị sư em của tôi. Và thương thì tự nhiên mình cũng rảo chân chạy lúp xúp theo để coi có phụ giúp gì được hay không.

Chiều nay nói chuyện với một sư em, tôi thấy mình thật sự đã phát hiện ra được một viên kim cương nữa. Sư em nói rằng khi phát tâm xuất gia, sư em đã làm một cái nguyện là dù gì đi nữa sư em quyết tâm đến đây và ở lại đây, không đi đâu nữa hết. Có nghĩa là sư em đã tìm ra pháp môn, sư em sẽ quyết tâm thực tập dù cho có khó khăn đến đâu cũng nhất quyết không tìm cầu một cái gì khác. Đây không phải là một việc dễ làm. Khi được khuyến khích chia sẻ điều này ra để nuôi dưỡng huynh đệ, sư em nói rằng đây là một điều mà phần lớn ai cũng sẽ tiếp nhận bằng trí năng. Còn thực tế thì lại khác. Tôi mừng vì sư em này là một người không nói tiếng Việt. Tôi thấy tràn đầy hy vọng và biết ơn sư em rất nhiều bởi sư em có một viên kim cương rất quý: viên kim cương đã về đã tới.

Nhìn tới nhìn lui, tôi bỗng giật mình nhận ra mình đang có cả một… quặng kim cương. Tuy là vụn, hay bụi kim cương, nhưng vẫn là kim cương, có phải không?

Quặng kim cương này tôi đang mới bắt đầu khai thác. Điều kỳ diệu là mới ban đầu tôi chỉ có ý định “mượn tạm kim cương” thôi. Nhưng rồi tôi thấy mình đang đứng trên cả mỏ kim cương, giống như Alibaba đã mở được cánh cửa kho tàng nhờ câu thần chú “Vừng ơi, mở ra!” vậy. Câu thần chú để mở cửa quặng kim cương của tôi chính là câu: “Ngày nào con còn biết ơn, ngày đó con còn hạnh phúc”.

Chân Trăng Mai Thôn