EIAB – Hành trình 10 năm

(Chân Pháp Ấn)

Vài nét về Viện Phật học Ứng dụng châu Âu EIAB

Đầu tháng 9 năm 2008, trên hai mươi vị xuất gia nam và xuất gia nữ đã được Sư Ông Làng Mai gửi đến thành phố Waldbröl thuộc miền Trung nước Đức để góp phần xây dựng Viện Phật học Ứng dụng châu Âu (European Institute of Applied Buddhism-EIAB).

Từ khi còn là một vị xuất gia trẻ, Sư Ông đã mang trong lòng tâm nguyện thiết tha đem đạo Bụt đi vào cuộc đời; để đạo Bụt không phải chỉ là những triết lý cao siêu ngoài tầm tay mà còn có thể ứng dụng được vào trong mọi lĩnh vực của đời sống, giúp chuyển hóa những khổ đau của cá nhân, gia đình và xã hội. Đây cũng là ước mơ chung của cả tăng thân Làng Mai trên khắp thế giới, của những vị xuất sĩ cũng như cư sĩ. Chương trình tu học tại Viện Phật học EIAB bao gồm những khóa học dành cho các thanh niên và thiếu nữ có ý định thành lập gia đình, những khóa học giúp hàn gắn sự truyền thông giữa cha mẹ và con cái, những khóa học cho các nhân viên cảnh sát, chính trị gia, hay cho những nhà tâm lý trị liệu, những nhà giáo dục, những thương nhân v.v. (Xin quý vị vào thăm trang nhà www.eiab.eu của Viện Phật học EIAB để có thêm chi tiết về các khóa học và các chương trình tu học khác.)

 

Viện Phật học EIAB là một tặng phẩm của đạo Bụt Việt Nam không những chỉ cho châu Âu, mà còn cho cả thế giới. Sư Ông thường nhắc nhở chúng ta rằng do nhân duyên của đất nước, chúng ta có mặt tại Tây phương. Tuy nhiên, chúng ta không phải chỉ là những người tị nạn, mà chúng ta còn mang một sứ mạng của chư Tổ sư tâm linh Việt Nam giao phó, để trao truyền lại những hạt giống đẹp đẽ của đạo Bụt cho những ai có duyên tại các đất nước này trong thiên niên kỷ mới. Các chương trình tu học tại Viện Phật học EIAB có thể giúp cho tất cả mọi người tìm thấy niềm hứng khởi và thực hiện một nếp sống an vui và hòa ái trên toàn thế giới. Với những thực tập cụ thể, đơn giản nhưng sâu sắc của đạo Bụt, chúng ta vững tin rằng thế nào đóa hoa tuệ giác và từ bi chắc chắn cũng sẽ được nở tròn vẹn và viên mãn hơn nữa tại Tây phương. Giáo lý hiến tặng tại EIAB không mang tính chất bộ phái và sẽ đóng góp vào sự hòa hợp, hiểu biết và chấp nhận nhau giữa những truyền thống tôn giáo và tâm linh dị biệt.

Để có một cơ sở tương xứng với viễn kiến xây dựng một Viện Phật học cho cả châu Âu, Sư Ông và các vị phụ tá đã dành nhiều năm để tìm ra một cơ sở có tầm vóc quốc tế và hình thức của một Học viện. Vào ngày 10 tháng 9 năm 2008, quý thầy quý sư cô chính thức tiếp nhận cơ sở đầu tiên – mà Sư Ông đặt tên là Viện Vô Ưu – của Viện Phật học Ứng dụng châu Âu. Một năm sau, Viện Phật học may mắn có thêm cơ sở thứ hai, ngay bên cạnh Viện Vô Ưu. Để kỷ niệm ngôi chùa đầu tiên Sư Ông đã đến sinh hoạt và phát tâm xuất gia, cơ sở thứ hai được đặt tên là chùa Đại Bi. Với tên thành phố là Waldbröl, có nghĩa là rừng và suối, tên đầy đủ của chùa là Lâm Tuyền Địa – Đại Bi Tự.

Tòa nhà hiện nay là Viện Vô Ưu, khởi đầu là một bệnh viện được xây dựng từ năm 1895 đến năm 1897 để chăm sóc các bệnh nhân tâm thần và khuyết tật dưới sự quản lý của giáo hội Tin Lành. Bệnh viện này được khánh thành vào ngày 9 tháng 6 năm 1897. Đến năm 1933, do ý thức hệ thuần chủng và chính sách thanh lọc giống nòi, phần lớn những người bị bệnh tâm thần, khuyết tật về tâm lý hay cơ thể, những người ở ngoài vòng xã hội (psychisch Kranke, geistig Behinderte und gesellschaftliche Randgruppen), hay các thai nhi, trẻ em có khả năng bị khuyết tật đều bị đối xử bằng những phương pháp bạo động như bị triệt sản (Zwangssterilisation von Geisteskranken), bị phá thai hoặc giết chết bằng thuốc mê (gewaltsamer Geburtenverhütung bis zu “Euthanasie”-Aktionen). Từ giữa tháng 11 năm 1938 đến tháng 1 năm 1939, gần 700 bệnh nhân tâm thần, khuyết tật và trên 100 nhân viên của bệnh viện bị ép ra khỏi tòa nhà để đi đến làng Hausen ở Westerwald. Không ai biết rõ số phận của những bệnh nhân này. Nhưng chúng ta biết họ đã phải chịu đựng những khổ đau rất lớn từ thể xác đến tinh thần. Từ đó trở đi, tòa nhà hoàn toàn thuộc về sự kiểm soát của những người theo chủ nghĩa phát-xít Đức. Những khổ đau to lớn đó, chúng ta không hề biết cho đến khi chúng ta dọn vào tòa nhà, và với thời gian, qua sự chia sẻ của những người địa phương, chúng ta từ từ hiểu ra mọi chuyện.

Tuy vậy đã có những sự việc xảy ra, báo cho chúng ta biết sự có mặt của những năng lượng này vào những ngày cuối tháng 1 năm 2008, trước khi các nhà bán bất động sản giới thiệu tòa nhà này cho Sư Ông và tăng thân Làng Mai. Chúng ta cũng được báo ngay vào buổi chiều của ngày đầu tiên tiếp nhận tòa nhà, sau khi quý thầy quý sư cô làm lễ đại thí thực trước mặt tiền của Viện Vô Ưu; và hai ngày sau đó trong buổi ăn trưa, sau khi Sư Ông có cuộc họp báo để tuyên bố về sự thành lập Viện Phật học. Và những năng lượng này tiếp tục kêu gọi sự chú ý của chúng ta trong những năm tháng sau đó.

 

 

Khi được hỏi vì sao Sư Ông chọn thành phố Waldbröl để xây dựng Viện Phật học, Sư Ông thường trả lời rằng thành phố Waldbröl chọn Sư Ông và tăng thân Làng Mai. Quả thật, những năng lượng khổ đau do chiến tranh và hận thù tại nơi đây đã nương vào sức mạnh tâm linh của Sư Ông và đại chúng Làng Mai để được chuyển hóa và hòa giải. Đó cũng là hạnh nguyện Bồ tát cứu khổ của Sư Ông suốt một đời xây dựng hòa bình, chấm dứt chiến tranh và chuyển hóa khổ đau, không những cho đất nước Việt Nam mà còn cho cả thế giới.

Sau thế chiến thứ 2, tòa nhà lại trở thành bệnh viện đa khoa. Kể từ năm 1969, sau khi bệnh viện được dời đi nơi khác, tòa nhà này trở nên một trung tâm cho các sinh hoạt quân sự về biên phòng, và từ năm 1975 cho đến năm 2006 chính thức thuộc về quân đội liên bang Đức (Deutsch Bundeswehr). Tòa nhà có chiều dài 150m, chiều ngang từ 12 đến 16m, với sáu tầng (kể cả tầng hầm) và có tổng diện tích mặt bằng khoảng 12.000m2. Tòa nhà có thể cung cấp chỗ ở cho khoảng 500 người và các phòng ốc khác dùng để tu học. Đại chúng biết rằng mình sẽ phải đầu tư rất nhiều tài chánh và năng lực để thực hiện công trình xây dựng Viện Phật học. Tuy nhiên, những dự tính về thời gian cũng như ngân quỹ sửa chữa đã phải bị thay đổi rất nhiều vì trong quá trình sửa chữa và xây cất lại có phát sinh thêm những đòi hỏi quan trọng và thiết yếu khác của cơ quan xây cất chính quyền.

Trước đây, tòa nhà là một trung tâm sinh hoạt của quân đội liên bang Đức, do đó những yêu cầu về tiêu chuẩn phòng hỏa của tòa nhà được xác định dựa trên những quy chế đặc biệt dành riêng cho quân đội. Giờ đây, tòa nhà được sử dụng như một cơ sở dân sự, nên những đòi hỏi về xây cất trên khía cạnh phòng hỏa, các hệ thống điện và cầu thang thoát hiểm cần phải thay đổi rất nhiều và dĩ nhiên khắt khe hơn để đáp ứng những yêu cầu theo quy chế dân dụng. Ngoài ra, phần lớn hệ thống ống nước đã được lắp ráp vào những thập niên 30, nay đã bị rỉ nặng và hư hỏng rất nhiều. Thêm vào đó, toàn bộ thiết kế của nhà bếp đã quá lỗi thời, không còn đáp ứng được những tiêu chuẩn đặt ra hiện nay về phương diện vệ sinh và y tế công cộng. Hệ thống lò sưởi cần phải được sửa chữa lại rất nhiều vì đã bị rỉ chảy. Quan trọng hơn cả là hệ thống lò sưởi cần phải được thiết kế lại theo tiêu chuẩn mới để có thể tiết kiệm được năng lượng và giúp bảo vệ sinh môi. Các nhà vệ sinh và phòng tắm công cộng cũng cần phải được xây cất thêm để đáp ứng cho nhu cầu mới. Tình trạng của tòa nhà hiện nay không hội đủ tiêu chuẩn phòng hỏa cần thiết để được phép nhận khách thăm viếng, mở các khóa tu, cũng như tổ chức những hoạt động công cộng khác.

Trong mười năm qua, nhờ sự thương yêu, yểm trợ của quý vị đạo hữu và thân hữu khắp nơi trên thế giới, tăng thân chúng ta đã trùng tu được tầng trệt (2012) và 1/5 (một phần năm) tòa nhà của Viện Vô Ưu (2010). Những phần này quý thầy và quý sư cô hiện nay chỉ được giấy phép sử dụng tạm thời với sự gia hạn hai năm một lần cho đến khi toàn thể tòa nhà được sửa chữa xong. Để quân bình năng lượng cho toàn bộ khu đất của Viện Vô Ưu và chùa Đại Bi, chúng ta đã xây dựng (2013) một tháp chuông đại hồng với chiều cao 21m với những biểu tượng hàm chứa giáo lý và con đường thực tập của đạo Bụt. Năm vừa qua (2017), sau bốn năm xây dựng, nhà bếp và phòng ăn cũng đã được hoàn tất và theo yêu cầu của chính quyền địa phương, hệ thống phòng hỏa trung ương cho chùa Đại Bi cũng đã được thực hiện.

 

 

Trên phương diện tu học và hành trì, trong mười năm qua, các khóa tu học, các chương trình sinh hoạt cho các em học sinh, sinh viên cũng như giao lưu tôn giáo, những buổi pháp thoại công cộng, sinh hoạt cộng đồng, hòa tấu gây quỹ, v.v. được tổ chức ngay tại Viện Phật học, hay tại các địa điểm khác trong cũng như ngoài châu Âu do Sư Ông, quý thầy quý sư cô của Viện Phật học và tăng thân Làng Mai đảm trách đã giúp cho hàng vạn lượt người khắp nơi trên thế giới biết đến pháp môn, tu tập và chuyển hóa những khổ đau của tự thân và hòa giải được với những người thân trong gia đình. Số lượng thiền sinh đến tu học mỗi ngày một đông hơn. Có những khóa học đông, thiền sinh phải mướn phòng trọ ở bên ngoài. Có những cuối tuần, quý thầy quý sư cô gặp khó khăn trong việc sắp xếp phòng sinh hoạt và thuyết giảng cho tất cả các khóa.

Từ khi biết đến những khổ đau của những bệnh nhân đã từng sống tại đây, trong suốt bảy năm sau khi dọn vào tòa nhà của Viện Vô Ưu, quý thầy quý sư cô đã gửi năng lượng từ bi, cúng cháo mỗi ngày cho các hương linh. Mỗi tuần, toàn thể đại chúng cùng nhau tổ chức cúng thí thực cho các vị khuất mặt, cầu nguyện năng lượng từ bi và hồng ân của chư Bụt, chư vị Bồ tát và chư vị Tổ sư gia hộ cho quý vị đó được vãng sanh Tịnh độ. Hằng năm vào trước các khóa tu mùa Hè, Sư Ông và đại chúng cũng tổ chức trai đàn chẩn tế cho tất cả các nạn nhân đã chết oan ức trong mọi hoàn cảnh khổ đau của cuộc sống, đặc biệt là cho các nạn nhân tại Waldbröl và trong các cuộc chiến tranh. Trong những lần chẩn tế đầu, có lúc gió bão nổi lên cuồn cuộn rất mạnh. Chư vị tôn đức đến thăm viếng Viện Phật học cũng đã tổ chức những buổi lễ cầu siêu và chú nguyện rất nhiều cho các hương linh.

Nhờ công phu tu tập tinh chuyên và sự tùy hỷ hồi hướng công đức của toàn thể tứ chúng cho tất cả mọi người và mọi loài, năng lượng thương yêu, hiểu biết và bao dung càng ngày càng được bồi đắp tại vùng đất mới này. Nhờ vậy mà sự hòa giải, tha thứ và chấp nhận cũng từ từ được biểu hiện, giúp cho năng lượng khổ đau của những nạn nhân trong quá khứ tại nơi đây cũng nhẹ đi được một phần nào. Những vị khách đã từng đến Viện Phật học từ những ngày đầu, giờ đây chia sẻ là họ đã nhận thấy rõ rệt sự chuyển hóa lớn trong năng lượng tại nơi đây. Năng lượng của Viện Phật học giờ đây nhẹ nhàng, tươi vui và sáng đẹp hơn xưa rất nhiều.

Chúng tôi ý thức rất rõ những chuyển hóa nêu trên vẫn còn rất nhỏ bé so với tâm nguyện độ sanh bao la rộng lớn, Đại Từ, Đại Bi của Sư Ông, của chư vị Bồ tát và chư vị Tổ sư. Đón mừng xuân năm nay, chúng tôi ý thức rõ trong mười năm qua công trình xây dựng Viện Phật học và những thành quả tu học của tăng thân Viện Phật học vẫn còn rất khiêm tốn. Những ước nguyện độ sanh mà Sư Ông đã giao phó cho tứ chúng Viện Phật học, chúng ta chỉ mới thực hiện được một phần rất nhỏ. Do vậy năm nay Viện Phật học có thêm một cặp đối Học viện mười năm hoa kết nụ / Rừng thiền muôn thuở cội tùng xanh bên cạnh cặp hồng điều Một nhà sum họp / Khắp chốn an vui để mừng Tết của tứ chúng Làng Mai.

Chúng tôi hy vọng chỉ trong một vài năm tới, công trình xây dựng chánh điện, thiền đường và trùng tu Viện Phật học sẽ được thực hiện nhanh chóng cùng với sự thương yêu, yểm trợ của quý vị đạo hữu và thân hữu khắp nơi trên thế giới, để công trình xây dựng một trung tâm tu học theo tinh thần đạo Bụt Ứng dụng và Nhập thế của Sư Ông cho toàn thể châu Âu cũng như trên toàn thế giới được thành công viên mãn.

Trân quý,

Tỳ kheo Thích Chân Pháp Ấn và quý thầy, quý sư cô Viện Phật học Ứng dụng châu Âu.