Trước cuộc đời rộng lớn

Thương gửi bạn hiền!

Tháng Mười: “Nguyệt vô sự chiếu nhân vô sự” (Thơ Trần Thánh Tông)

Tháng Mười, hàng tre lá vẫn xanh. Vườn Ươm kết thúc mùa yên. Tôi ngồi xuống vào một buổi sớm làm biếng, thắp nến, đốt trầm, pha trà (cái thú vui muôn thuở đây mà) và làm mới lại mình. Lời phát nguyện chạm tay vào thực tại cho tôi nhiều hạnh phúc. Thường khi có một mục tiêu, tôi hay đòi hỏi mình phải làm được và làm cho đẹp, nhưng khi đạt được rồi thì lại buông nó xuống không duy trì nữa. Nếu tập khí tốt đã nảy mầm mà không tưới tẩm thì sẽ héo khô, chết dần trong im lặng mà chính mình cũng không hề hay biết. Thế nên thỉnh thoảng tôi vẫn thường hay tự hỏi mình đã có thêm điều gì và đánh mất điều gì trong nếp sống của một người xuất sĩ trẻ. Tôi viết cho mình một lá thư dài. Đôi lúc cũng phải tự ôm mình vào lòng, ôm những hạnh phúc để biết ơn, ôm những khổ đau để hoa ngàn biết nở, phải không bạn?

Ba năm quả không dài để có nhiều kinh nghiệm cho một người xuất sĩ áo nâu, để thấm thía những cuốn sách tinh hoa của Thầy. Tôi vẫn giữ gìn một cách trân trọng những uy nghi nho nhỏ, những bài thi kệ tưởng là giản đơn. Học cách đối xử với người khác như một đứa trẻ lên ba. Và mỗi phút giây tôi học làm người yêu chân thật[1] bằng sự có mặt của mình. Trong đời sống làm sao mình không sai trái được, nhất là khi chánh niệm của mình còn non nớt, mình có thể làm việc giỏi, có thể đọc nhiều cuốn sách, có thể có tài năng, nhưng một phút bực tức, mình đốt tất cả ra tro bụi. Mình đánh mất liên hệ với một, hai, ba,… người là mình mất hết. Nếu không có khả năng dừng lại để nhìn kỹ, mình sẽ càng ngày càng lún sâu vào những buồn bực và cứ thế trôi đi mất lúc nào, mình cũng không hay biết. Thế nên mới cần ngồi lại để làm mới bản thân, cách nhìn nhận vấn đề, cách hành xử nói năng, đi đứng nằm ngồi,… Chạm tay vào thực tại tức là có mặt hết khả năng của mình cho những gì đang hiện diện, tận hưởng, không trốn chạy, không cầm nắm,…

Cuối tháng Mười, tôi đóng vài ba bộ đồ, y áo, chút ít tinh thần để xa Vườn Ươm hai mươi ngày. Tôi mang luôn Vườn Ươm theo mình. Nếp sống của một người xuất sĩ áo nâu rất đẹp, và khi “xuống núi” mình được mang theo nếp sống đó.

Tôi về Hải Phòng, Hải Phòng nho nhỏ, nhiều hoa phượng với niềm tự hào của người Hải Phòng. Xe đi qua phố xá, nhìn người trên ô tô lộng lẫy xa hoa, kẻ cuốc bộ với đôi gánh trên vai, cái lưng còng xuống cong như chiếc đòn gánh, tôi cứ nhắc mình hai chữ may mắn. May mắn khi là một sư cô có thời gian và không gian chăm sóc tâm mình. Thấy những điều đó là để mình xót thương hay để biết ơn, để có thêm tình thương và năng lượng cho đời tu của mình. Nhờ những bó rau trên chiếc đòn gánh đó mà mình được tồn tại trong hình tướng xuất gia. Nhờ những cảnh trần nhộn nhịp đó mà tôi nhận ra mình thảnh thơi, đến nỗi không cần chạy trốn hay tìm cầu điều gì. Và mình phải tu, thực tập, sống cuộc sống của một người tu cho thật tu, cho thật xứng đáng, có nhiều hạnh phúc để đem hiến tặng lại cho đời. Tôi cũng được ngắm cảnh Việt Nam. Đất nước mình đẹp lắm. Núi non trùng điệp và sông nước mênh mông. Phải tự mình đứng chờ ánh bình minh lên hay hoàng hôn tắt nắng giữa biển nước bao la, trên non ngàn mây phủ, bạn mới hiểu tại sao con người cứ dành bao nhiêu là giấy bút để vẽ, để tả mà chẳng thể nào diễn bày hết vẻ đẹp của thiên nhiên.

Những ngày cuối cùng của tháng Mười, cả đoàn tham dự vài ngày quán niệm cùng tăng thân Hải Phòng. Nhìn những anh chị trong tăng thân hết lòng tổ chức, tôi thấy vui và chắc chắn cả đoàn ai cũng vui. Nếp sống bình yên, nếu được thấm nhuần vào văn hóa Việt Nam, chúng ta sẽ có một đất nước mà trong đó con người biết sống hết lòng với nhau, hòa nhã, nâng đỡ cho nhau. Người trẻ không phải bỏ cả tuổi thanh xuân để đi tìm hạnh phúc ở phía trước xa vời. Thầy gọi là giấc mơ Việt Nam. Tôi thấy nó đang trở thành hiện thực qua những người trẻ mà tôi được gặp trên đất nước mình. Thực tế là bát phở ngon đầy tình thương mà đoàn được thưởng thức từ tăng thân Hải Phòng, chan chứa những tiếng cười đùa cũng như giọt nước mắt hạnh phúc trong các buổi sinh hoạt. Sau này, bạn chắc sẽ không quên giờ phút được ngồi yên cùng tăng thân, nhắp một ít trà thơm, nhìn nhau thật sâu và cười.

 

Tháng Mười một: “Thủy hữu thu hàm thiên hữu thu” (Thơ Trần Thánh Tông)

Bạn hiền, tôi đến Yên Tử vào buổi chiều. Ấn tượng đầu tiên về con người ở đó là những bàn tay búp sen xá chào quý thầy, quý sư cô rất đẹp. Tôi cười, chắp tay đáp lại “Sen búp xin tặng người, một vị Bụt tương lai”.

Sáng hôm sau, trên đường lên đỉnh Yên Tử chúng tôi được chia sẻ cách Thầy đã leo lên Yên Tử, mỗi bước một hơi thở, mệt thì nghỉ, ngồi chơi uống trà. Và chúng tôi đã đi như thế, như Thầy đã từng đi. Nhờ có sư cha Pháp Niệm dẫn đầu, hơi thở tôi dần lắng dịu, tôi tập thở thật sâu, thích ý leo lên Yên Tử trong niềm vui. Chúng tôi qua đường Tùng, mấy gốc tùng rợp bóng cổ kính. Tôi ý thức có gì đó thiêng liêng nơi đây, nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông đã đặt chân đến, nơi những dấu chân Thầy mang đầy chất liệu chánh niệm. Nắng lên, cả đoàn dừng lại uống trà, hát thiền ca, ai cũng thấy hạnh phúc. Bảy tiếng sau, đoàn chính thức chạm tay vào chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử, gió lạnh và mây phủ khắp nơi. Trên đường đi, tôi ghé qua nhiều nơi mà Thầy đã viết trong Am mây ngủ. Thời đi học không mấy thích môn Sử, nhưng ngoại sử Am mây ngủ làm tôi chấn động không ít. Sau này, tôi muốn tìm hiểu nhiều về lịch sử đất nước, để hiểu rõ gốc tích Việt Nam, những gì người Việt mình đã từng sống với, đã xây dựng và gìn giữ. Khí thiêng ở Yên Tử lưu đậm giữa không gian trùng điệp, trong tiếng gió đưa cây và nơi cây đại già nghìn tuổi. Còn lưu dấu nơi những con người như chú Tuấn, chú Long, chú Thanh,… những người muốn gìn giữ nét đẹp tâm linh của đất nước. Buổi sáng mây ngàn yên lắm bạn hiền à. Bạn có thể nghe hơi thở mình âm ấm trong khí lạnh, giọt sương nhỏ cạnh mỏm đá và gió lồng vào người lành lạnh.

Khóa tu bắt đầu vào hôm sau, chủ yếu là sự chia sẻ của sư cha Pháp Niệm với giới doanh nhân. Cùng sự có mặt bình yên của quý thầy, quý sư cô trong đoàn, tôi có niềm tin vào những gì mình cống hiến. Tôi được học thêm thế nào là quyền lực đích thực của người lãnh đạo, thế nào là sức mạnh tâm linh. Mở rộng cái thấy của mình về hiện thực cuộc sống bên ngoài. Sống chung cùng tăng thân ở tu viện, tôi được bảo bọc, được có quyền làm một sư út nhỏ, được hướng dẫn và thực tập chung cùng đại chúng. Bao nhiêu năng lượng lành đẹp bao quanh mình nên chính mình cũng được hòa điệu trong đó. Nhưng khi bước ra với cuộc đời thế tục, tự mình phải biết giữ gìn uy nghi giới luật cho mình, đồng thời phải biết cách tiếp xúc mà không bị lay chuyển bởi những hào nhoáng lộng lẫy. Chuyến đi này cho tôi nhiều thứ, cho tôi biết thương khí thiêng Yên Tử, thương những con người giàu chí hướng bảo vệ văn hóa. Cho tôi hiểu thêm sư cha, sư mẹ, sư anh, sư chị đi cùng. Đặc biệt cho tôi thấy rõ cách mình hành xử có thực sự mang chất liệu của người tu hay không, cho tôi hiểu rõ sự thực tập của mình có thảnh thơi và bình an hay không. Để khi về nhìn lại, hóa ra bất cứ điều gì cũng có thể nuôi mình lớn hơn mỗi ngày, để học hỏi với tinh thần sâu mà không thiếu, rộng mà không dư.

Ngày cuối ở Yên Tử, thấy sao thương quá. Ở đây cũng giống Vườn Ươm, đủ niềm vui, hạnh phúc để nuôi nhau. Tôi rời Yên Tử vào buổi chiều, hoàng hôn nhẹ phủ băng qua sương mù và khí núi, đọng lại trong hơi thở tôi một chút, để thỉnh thoảng nhớ về ngọn Yên Tử linh thiêng…

Bạn hiền, tháng Mười một tôi trở về Huế. Chẳng hiểu sao tôi thương Huế đến vậy. Cũng có thể Huế có những cơn mưa bay cuối năm làm lòng tôi nhẹ hẫng sau mỗi buổi học, lại thích đạp xe lang thang khắp nơi. Hay những con đường vắng yên bạt ngàn đồng lúa. Hoặc chỉ vì có Diệu Trạm, Tây Linh, có đồi Dương Xuân, có hương vị của cái gì cũng quen nên chẳng phải bắt đầu. Và có Thầy đang ở đó. Ngày tôi về, mưa lớn ngập các con đường. Kẻ hoài niệm như tôi làm sao mà không nhớ những ngày đã cũ, lãng đãng lá rơi vào thu, nắng đổ vào hè, rét buốt mùa đông và hoa cúc vàng ở Đại Nội mỗi dịp Tết. Nơi tôi băng qua có khi buồn như mưa Huế, có khi vui như lá khô giòn rụm. Nếu có bạn chắc bạn cũng thế, ước chi có một chiếc xe đạp, lang thang đây đó giữa lòng bình yên của Huế, bạn nhỉ!

Tôi đến chào Thầy vào giữa trưa, người đông mà chùa Tổ cũng lạ. Nên sau khi được thấy Thầy, xá chào Thầy, tôi rút lui ra phía xa nhìn Thầy. Nhìn chỉ nhìn thôi, nhìn Thầy thật lâu thật sâu rồi đi. Để về lại Vườn Ươm, thả bước lên cốc Thầy, tôi vẫn nhớ chiếc xe lăn Thầy dạo qua con đường đầy hoa sứ trắng nở. Hay những ngày khỏe Thầy dạy thị giả đưa Thầy đi thăm các con ở tăng xá, ni xá. Những giờ quỳ bên Thầy hát cho Thầy nghe hay lúc im lặng ngồi nhìn Thầy múc từng muỗng thức ăn đưa lên miệng,… Kỷ niệm với Thầy là vô tận, thậm chí những lúc nhìn Thầy từ xa trong im lặng, tôi cũng chẳng có đủ ngôn ngữ để diễn tả khoảnh khắc đó.

Tôi về Vườn Ươm giữa tháng Mười một, tre đổi màu lá. Gió bay và lạnh. Năm tháng không ngoảnh lại với ai bao giờ, vì thế mà mỗi giây phút cần mình trân trọng. Cần mình có mặt cho trọn vẹn mà không nắm giữ, không nuối tiếc. Như ngắm trăng để ngắm trăng thôi. Chính mình cũng là ánh trăng rồi…

Tháng Mười hai: Ngàn cánh sen hiền

Tháng Mười hai, tre ở Vườn Ươm rụng lá, những thảm lá vàng xào xạc dưới chân. Mặc dù có đường dẫn lên thiền đường rất gần, nhưng tôi vẫn thích đi thời khóa bằng con đường có hai hàng tre lá bay trong gió. Tôi chẳng làm thơ được, nhưng biết gió làm lá lơ lửng giữa không gian, tôi tận hưởng cái đẹp bằng cách hòa mình vào, rung cho lá bay và nhìn chị em mình tung tăng dưới những khóm tre vàng rợp. Tiếng cười ríu rít khôn nguôi.

Tháng Mười hai đó bạn hiền, có vài ngày tôi ở một mình trong phòng, không đủ hơi ấm nên phòng tôi lạnh căm. Cũng nhờ lạnh như vậy tôi bỗng thích chơi Noel. Tự mình trang trí bàn học, kệ sách, gói quà, đem những tượng thiên thần nhỏ ra trang trí rồi pha trà, đốt nến tận hưởng không gian đó. Đi đâu cũng chỉ muốn về phòng, ngồi vào bàn học, thấy sao mà mình có đủ thứ niềm vui, chẳng qua mình lười biếng không tạo dựng thôi, mình cứ phó mặc và chờ đợi thứ gì ở đâu đâu. Trong khi đó, vẫn sẽ ấm cúng lắm nếu để ra vài phút biến tấu góc nhỏ của mình thành thiên đường cho tâm hồn. Bắt đầu bằng những gì mình muốn mà có thể làm mình vui, bạn nhé.

Tháng Mười hai, tôi cùng vài anh chị em sa di, sa di ni rối rít lên ý tưởng cho ngày Truyền thống Sa di. Chỉ còn nửa tháng, thế nên trưa không ngủ và tối thức khuya, mọi thứ được diễn ra trong niềm vui, làm việc với nhau rất hòa hợp và đầy tiếng cười. Nhờ những đồng sự tươi mát nên chúng tôi thấy mình có đủ năng lượng và háo hức hơn ai hết để tổ chức sự kiện mỗi năm chỉ có một lần ấy.

Ngày Truyền thống Sa di diễn ra giữa tháng. Buổi sáng, chúng tôi đi thiền hành ra sân Tượng Bụt Trắng. Đốt lửa quây quần bên nhau, hô canh, ngồi thiền, uống trà trong im lặng rồi thưởng thức những tiết mục văn nghệ nhẹ nhàng. Cả ngày, toàn bộ sa di sinh hoạt chung với nhau, có niềm vui, có những kinh nghiệm trong sự thực tập được chia sẻ cùng nhau. Bạn hiền, có khi mình định nghĩa niềm vui lúc mọi thứ nhộn nhịp, nhưng nếu niềm vui đến thật yên sẽ đọng lại rất sâu. Tôi ý thức mỗi một người trẻ chúng tôi là một cánh trong đóa sen sa di. Nở ra tinh khôi và tươi mát để dâng hương lành. Thế nên phải lớn lên từ bùn sâu, giữ gìn mình vững bền để được cùng nhau đi tiếp giữa dòng chảy áo nâu hiền hòa. Lòng tôi ấm áp lắm sau một ngày có mặt cho nhau thật đầy như thế.

Bây giờ là cuối năm, tôi cùng đại chúng chuẩn bị khóa tu lớn Holiday. Đón một mùa đông đầy nắng ấm. Cỏ lau ở Vườn Ươm nở rộ màu nâu đỏ. Vườn Ươm vẫn thế nhưng lòng tôi nhiều thứ mới mẻ sau mỗi giây phút của đời sống xuất sĩ. Viết xuống đây để bạn cùng vui và tận hưởng. Giữa cuộc đời rộng lớn, nhưng mình không nhỏ bé, bởi vì có cả Vườn Ươm nhiều niềm vui đến thế, bởi vì có tăng thân, bạn nhỉ!

Chân Trăng Thiên Hà

[1] Chân tình – thơ Thầy