Tìm về giếng nước thơm trong

(Sư cô Hiến Nghiêm, người Anh, xuất gia trong gia đình Cây Lê vào năm 2008 và hiện đang là một giáo thọ trẻ của Làng Mai. Dưới đây là những cảm nhận của sư cô về chuyến thăm chùa Tổ lần đầu tiên kể từ khi xuất gia. Bài viết được Ban biên tập chuyển ngữ từ tiếng Anh.)

Khi nhân viên xuất nhập cảnh mời con bước qua một bên ở sân bay Tân Sơn Nhất, trong một tích tắc tim con như ngừng đập. Visa của con có một sự khác biệt.

Từ sau sự kiện tu viện Bát Nhã năm 2008, đây là lần đầu tiên các vị xuất sĩ Tây phương trở lại Việt Nam. Chúng con đã ý thức rằng có thể đây sẽ là một chuyến đi không dễ dàng. Mười bảy năm trước lần đầu tiên tìm thấy Làng Mai, con đã luôn khao khát được về thăm chùa Tổ. Thế nhưng, con cũng đã sẵn sàng để chấp nhận rằng có lẽ “nhân duyên chưa đầy đủ”.

Con lập tức nhớ lại lần con tiếp xúc với nhân viên sở di trú của Mỹ năm 2011. Đó là lần đầu tiên con nhập cảnh vào Mỹ dưới hình thức một tu sĩ Phật giáo để tham gia chuyến hoằng pháp của Thầy và đại chúng. Nhân viên sở di trú đã mời con bước qua một bên, giữ con trong một cái phòng cùng với “những người di trú bất hợp pháp” khác trong vòng một giờ đồng hồ, và sau đó thẩm vấn con một cách gay gắt. “Tại sao cô…. như thế này?” – một nhân viên tra hỏi con trong khi chỉ vào cái đầu cạo trọc và áo người tu của con. “Đó không phải là truyền thống của cô!” – một người khác la thêm. Con đã trở về với hơi thở trước khi trả lời những câu hỏi giận dữ của họ. Nhưng thay vì làm cho tình huống trở nên lắng dịu, hành động đó của con đã làm cho họ giận dữ thêm.

Lần này, kinh nghiệm ở Việt Nam của con khác hơn. Sau một giờ đồng hồ kiên nhẫn chờ, con đi tới quầy xuất nhập cảnh và cố gắng sử dụng vốn tiếng Việt ít ỏi của con – con xưng “con” và gọi người nhân viên đó là “chú”. Con cười. Và con thở. Năm phút sau, người nhân viên đó đưa lại hộ chiếu cho con, đã được đóng dấu nhập cảnh.

Cuối cùng khi ra khỏi sân bay Huế, chúng con đã gặp những nụ cười và những bàn tay vẫy chào rất vui vẻ của quý sư cô Diệu Trạm và quý thầy Từ Hiếu. Thật đặc biệt đối với chúng con khi lần đầu tiên có một chuyến đi về chùa Tổ, về cội nguồn của truyền thống Làng Mai. Đó gần như là một chuyến hành hương. Chúng con đi “ngược về nguồn”, nơi đã nuôi dưỡng trái tim và tâm linh của Thầy. Về với mảnh đất nơi Thầy đã tiếp xúc với sự giản dị, tĩnh mặc, ấm áp tình huynh đệ và một liên hệ thầy trò rất thân thương. Nơi mà tiếng tụng kinh trầm hùng sáng tối đã nuôi dưỡng và tạo cảm hứng cho cuộc đời xuất gia của Thầy.

Phái đoàn Tây phương chúng con gồm có năm vị: sư cô Diệu Nghiêm (người Hà Lan gốc Ái Nhĩ Lan), thầy Pháp Hải (người Mỹ gốc Úc), sư cô Bi Nghiêm (người Đức), thầy Pháp Xả (người Hà Lan), thầy Ngộ Không (người Croatia gốc Đức) và sư chú Trời Minh Dung, một sa di trẻ người Mỹ – đây cũng là chuyến đi đầu tiên của sư chú ra khỏi nước Mỹ. Đi cùng đoàn còn có thầy Pháp Hội, sư cô Hương Nghiêm, sư cô Đắc Nghiêm từ Lộc Uyển, sư cô Thanh Ý từ Làng Mai, và thầy Pháp Khôi, thầy Pháp Không từ Bích Nham. Chúng con cùng về để đảnh lễ và dâng lên Thầy tấm lòng kính thương của chúng con.

Không có từ ngữ nào diễn tả được cảm giác khi lần đầu tiên chúng con nhìn thấy cổng tam quan, cây cối và hồ Bán Nguyệt tuyệt đẹp ở chùa Tổ. Một sự im lặng thâm sâu, ngập tràn khi chúng con trở về với hơi thở yên lắng trong mỗi bước chân. Trái tim con tràn đầy niềm biết ơn. Con biết ơn mỗi hòn đá xanh rêu, mỗi ngôi tháp cổ, mỗi con đường quanh co nơi đây. Thầy được làm bởi những yếu tố không phải là Thầy, và chùa Tổ là một trong những yếu tố này.

Ngay lập tức rất sâu trong lòng con dâng lên một cảm giác được trở về nhà. Nhưng con tự hỏi, làm sao mình lại có cảm giác về nhà ở một nơi cách nơi mình sinh ra gần nửa vòng trái đất? Con nhớ lần đầu tiên đến Làng Mai con cũng đã có cảm giác đó và con rất ngạc nhiên với chính mình. Cái cảm giác cuối cùng mình đã đáp xuống, đã tìm thấy một chỗ để gối đầu, và một cộng đồng gồm các bậc thiện tri thức để nương tựa và học hỏi.

Con nhớ Thầy từng kể câu chuyện lên núi tìm ông đạo khi Thầy còn nhỏ và Thầy đã tìm thấy giếng nước thơm trong. Thầy thường hỏi thính chúng trong Pháp đường: “Quý vị đã tìm thấy ông đạo của quý vị chưa? Quý vị đã tìm thấy giếng nước thơm trong của quý vị chưa? Ông đạo có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức. Vấn đề ở đây là quý vị có nhận diện ra được ông hay không?”.

Về thăm chùa Tổ lần đầu tiên, vậy mà con lại có cảm giác thân quen với nơi này quá đỗi, như thể con đang bước đi trong một giấc mơ, một cái gì đó mà con đã từng cảm nhận nhưng chưa bao giờ được gặp. Con vô cùng biết ơn hơi thở đã giúp con nhớ rằng giờ phút này rất thật. Ngỡ bây giờ là bao giờ, rõ ràng trước mắt còn ngờ chiêm bao. Sư cô Chân Không đã thỉnh chuông cho chúng con lạy, trán chúng con tiếp xúc với nền đá lạnh: chúng con đã về và đang tiếp xúc với chư Tổ. Chúng con được thăm liêu của Sư Cố Thanh Quý Chân Thật – Bổn sư của Thầy và lạy trước bàn thờ Sư Cố. Bước ra khỏi cánh cửa mà ngày xưa Thầy đã được Sư Cố dạy cách đóng cửa, chúng con qua Tổ đường để lạy Tổ và ngắm nhìn cây khế già đang trĩu quả giữa sân.

Con có cảm giác như con đã được “ăn quả” Từ Hiếu từ khi mới đến Làng Mai mười bảy năm về trước. Con đã được nuôi dưỡng bởi tất cả các pháp thực tập mà Thầy đã tiếp nhận từ nơi đây như phép thực tập thiền hành, các bài thi kệ nhật dụng, rửa chén và đóng cửa trong chánh niệm. Có lẽ chính vì được “ăn quả” của chùa Tổ trong một thời gian dài nên con mới có cảm giác thân thuộc khi cuối cùng được gặp cái cây đã cho những quả ngon ngọt ấy. Đi thiền hành dọc các hồ Bán Nguyệt, Sao Mai, Sao Hôm và trên những con đường mòn quanh chùa Tổ, con có thể cảm nhận được bầu không khí – mặt trời trí tuệ và mưa pháp – đã nuôi dưỡng cái cây ấy.

Thầy Trời Ngộ Không và sư chú Trời Minh Dung được chia làm việc, quét dọn các tháp trước ngày giỗ Tổ. Thầy Ngộ Không nói là thầy chưa bao giờ có nhiều niềm vui và hứng thú như vậy khi được cầm chổi và quét dọn tháp Tổ! Đây là mảnh đất thiêng mà ai cũng có thể cảm nhận được. Tất cả các đệ tử xuất gia người Tây phương của Thầy đều mơ ước có cơ hội được về và tiếp xúc với mảnh đất này.

Chúng con đã có cơ hội được đảnh lễ và ngồi chơi với Thầy trong im lặng. Thầy đưa tay ra nắm tay hoặc xoa đầu chúng con. Quý thầy dâng quà lên Thầy. Sư cô Bi Nghiêm đã được đẩy xe lăn khi Thầy đi dạo ra ngoài; Sư cô Diệu Nghiêm thì được mời đọc cho Thầy nghe một đoạn trong sách của Thầy.

Nhưng dường như Thầy không chỉ ở đó trong thất của Thầy. Thầy có mặt khắp nơi – trong tiếng chim hót, trong cỏ cây, trong không khí thật đẹp và nhẹ nhàng nơi này. Trong khóa tu 21 ngày năm 2014, Thầy dạy rằng Thầy có ít nhất là tám thân và nhục thân này chỉ là một trong những thân của Thầy mà thôi. Thầy chỉ về hướng Thầy và nói: “Khi quý vị nhìn vào hướng này và nói rằng đây là Thầy, điều đó không hoàn toàn đúng. Đây chỉ là một phần rất nhỏ của Thầy. Quý vị phải có khả năng thấy được thân tiếp nối của Thầy ngay bây giờ”.

Vậy là câu “Thầy đang ở đâu?” trở thành câu thần chú của con. Con giống như một đứa trẻ đang chơi trò chơi trốn tìm. Con cố gắng nhớ rằng nơi chắc chắn nhất để tìm thấy Thầy, thực tế, không phải ở trong thất của Thầy ở đằng kia. Nhưng thật không dễ để có được con mắt vô tướng khi mình ở rất gần, và cũng một phần mình biết chắc Thầy đang ở ngay kia trong thất của Thầy. Dù sao đó cũng là một sự rèn luyện hữu ích: thực tập để thấy Thầy đang có mặt ở khắp mọi nơi. Thầy có đó – bất cứ nơi nào có Pháp thân của Thầy – như khi thầy Pháp Hải, sư cô Diệu Nghiêm và sư cô Hỷ Nghiêm cho vấn đáp trong ngày quán niệm cho hơn 300 cư sĩ, trong đó có một số người từ Hà Nội vào. Thầy có đó ngay trong những câu trả lời sâu sắc và sáng tỏ của quý thầy, quý sư cô. Thầy có đó trong Tăng thân của Thầy, trong các sư em trẻ đang ngồi ngay bên cạnh con, vui tươi và đầy cảm hứng như dòng suối mát trong. Và Thầy có đó trong thân-ngoại-thân của Thầy, trong những cuốn sách và những bức thư pháp của Thầy ở Băng Cốc, và trong các gia đình nơi mà những cuốn sách và thư pháp này có mặt, thậm chí có thể trong các nhà tù, hay nơi mà những bài pháp thoại của Thầy qua YouTube đang được lắng nghe. Thầy còn có mặt trong thân tiếp nối của Thầy, trong “văn hóa tâm linh” mà Thầy đã tạo dựng nên từ gốc rễ tâm linh Việt Nam. Thân tiếp nối ấy vẫn đang tiếp tục lớn lên, phát triển mỗi ngày khi tăng thân ngày càng khám phá ra nhiều cách thức mới để những pháp môn thực tập có thể ứng dụng được khắp nơi trên thế giới.

Nhưng có lẽ món quà sâu sắc nhất đối với chúng con khi ở Huế là cảm nhận về thân vũ trụ của Thầy đang hiện diện ở nơi đây, trong cỏ cây, sỏi đá, trong những cơn mưa và tiếng chim hót, trong tổ tiên đất đai, tổ tiên tâm linh của Thầy và trong mảnh đất cố đô xinh đẹp. Con cảm thấy vô cùng biết ơn sự can đảm và lòng từ bi của Thầy khi quyết định trở về Huế. Nhờ đó mà tất cả chúng con – những đệ tử của Thầy – dù sinh ra ở đâu trên hành tinh này, cũng có một nơi để trở về, để được gần gũi và tiếp xúc sâu hơn với cội nguồn tâm linh.

Chân Hiến Nghiêm