Từng hơi thở nhẹ chở yêu thương

 

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Thiền đường Hơi Thở Nhẹ, Ban biên tập đã có buổi ngồi chơi và trò chuyện với Sư cô Giác Nghiêm, người Pháp, Trụ trì Thiền đường Hơi Thở nhẹ. Bài được BBT chuyển ngữ từ tiếng Pháp.

BBT: Thưa Sư cô, chúng con rất mong được nghe Sư cô chia sẻ về hành trình tâm linh của Sư cô.

Giác Nghiêm (GN) sinh ra trong một gia đình Công giáo thuần thành. Ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ, GN đã được nuôi dưỡng trong chiếc nôi tâm linh Thiên chúa giáo. Tuổi thơ của GN bắt đầu ở đất nước Ma-rốc, nơi ba nền tôn giáo lớn – Hồi giáo, Do thái giáo và Công giáo – chung sống hài hòa.

Ngay từ khi còn nhỏ, GN đã có một đời sống tâm linh phong phú. Mọi người trong gia đình đều cầu nguyện trước khi ăn, trước khi đi ngủ. Mỗi khi mắc lỗi, chúng tôi đều xin Chúa tha thứ. Khi còn rất nhỏ, mới sáu tuổi, GN đã được nhận lễ Ban thánh thể đầu tiên. Ông bà và cha mẹ đã dạy anh chị em chúng tôi một cách nhìn thật đẹp và sâu sắc rằng gia đình chúng tôi đang sống ở nơi không phải là quê hương của mình nên bằng mọi cách chúng tôi phải học hỏi, tìm hiểu cho thấu đáo từ tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật cho tới các món ăn của người dân bản xứ để có thể chung sống hòa bình với họ. Bố mẹ GN học nói tiếng Ma-rốc. GN cũng học nói tiếng Ma-rốc ngay từ khi còn nhỏ nhưng vì rời khỏi đây lúc 13 tuổi nên GN nói chưa giỏi lắm.

Mẹ GN có cái nhìn rất cởi mở về các tôn giáo khác nhau. Mẹ chỉ dạy cho GN rằng mỗi tôn giáo có nơi hành đạo riêng, mang những tên gọi riêng biệt với những biểu tượng truyền thống khác nhau. Nơi nhà thờ Hồi giáo mình sẽ thấy hình tượng ngôi sao và trăng lưỡi liềm. Trong nhà thờ Do thái giáo luôn có biểu tượng cây chúc đài bảy nhánh. Và cây thánh giá sẽ có mặt trong khắp các nhà thờ Công giáo. Mẹ cũng dạy GN rằng mỗi tôn giáo có sách kinh riêng: Kinh Tân ước và Cựu ước của Công Giáo, kinh Cô-ran cho người Hồi giáo, kinh Torah cho những người theo đạo Do Thái. Ở mỗi giáo đường, tên gọi của các vị thầy hướng dẫn làm lễ hay giảng đạo cũng khác nhau: thầy “imam” trong đạo Hồi, thầy “rabbin” trong đạo Do thái và các linh mục trong đạo Công giáo. Đối với GN, tuy có những nét khác biệt về hình thức nhưng sự tương đồng giữa các nền tôn giáo rất hiển nhiên.

Mẹ cũng dạy GN rằng những tín hữu của bất cứ một truyền thống tôn giáo nào đến cầu nguyện ở giáo đường mà giữ giới luật trong truyền thống của họ, có lòng thương yêu mọi người, biết đón tiếp, giúp đỡ người khác kể cả kẻ thù của mình… thì mình đều có thể nói rằng họ đang cầu nguyện Chúa.

GN đã được nuôi dưỡng và lớn lên trong một thế giới tâm linh nơi các tôn giáo đều có sự gắn kết, không có cách biệt và cũng không có mâu thuẫn hay chiến tranh tôn giáo. Mẹ GN tìm hiểu kinh Tân ước, Cựu ước, Kinh Cô-ran, kinh Torah và thường đàm đạo với những bậc trí giả về tôn giáo. GN đã được sinh ra vào thời điểm và ở một nơi đặc biệt như vậy đấy!

BBT: Thưa Sư cô, từ khi còn nhỏ, có bao giờ Sư cô nghĩ mình sẽ trở thành một tu sĩ không?

Khi GN khoảng tám chín tuổi, cả nhà GN tới nhà thờ Thánh Phan-xi-co (Francois d’Assise) ở Casablanca. Bên trong nhà thờ, đằng sau những chấn song có rèm che, GN nghe thấy những giọng hát hay lắm, giống như tiếng ca của những thiên thần. GN hỏi mẹ: “Mẹ ơi, ai hát vậy?”. Mẹ trả lời: “Đó là các sơ dòng thánh Clara (Claire d’Assise)”. “Các sơ làm gì hả mẹ?”, GN hỏi tiếp. Mẹ trả lời: “Các sơ hiến tặng cuộc đời cho Chúa”.

Thế là GN nói với mẹ: “Con cũng muốn hiến đời mình cho Chúa, con muốn được giống các sơ, nhưng con sẽ múa để dâng Chúa”. “Không được con ạ”, mẹ đã dứt khoát trả lời GN như vậy. Mới chỉ 8 hay 9 tuổi thì không thể đi tu được, hơn nữa ý tưởng nhảy múa cho Chúa quả thật rất xa lạ với truyền thống Thiên chúa giáo!

Hình ảnh các vị thánh luôn gần gũi trong tuổi thơ của GN. GN được nghe kể nhiều về cuộc đời các vị thánh: thánh Phan-xi-co, nữ thánh Clara và nữ thánh Tê-rê-sa (Thérèse d’Avila). Trong trái tim trẻ thơ của mình, GN thấy mình giống như được sống cùng Chúa và Đức Mẹ Maria. Bà của GN rất ngoan đạo. Vào dịp lễ Phục Sinh hay những ngày Thứ năm Tuần thánh, bà đưa GN đi dự lễ tưởng niệm những “Chặng đường Thánh giá” nơi người ta đã thấy Chúa tử đạo. Đời sống tâm linh của GN rất sâu và phong phú. Dường như đời sống đó đã có mặt trước đó lâu rồi và tiếp tục biểu hiện nơi GN. GN tiếp tục mang nó, từ thời thơ ấu cho tới bây giờ, nó đã ngấm vào da thịt GN rồi.

Ước mong sâu sắc trở thành một nữ tu trở lại trong GN khi GN được sống với các sơ dòng tu Thánh Charles ở vùng Charly, gần thành phố Lyon nơi gia đình GN sống khi quay lại Pháp. Năm đó, GN 14 tuổi. Tiếng chuông nhà thờ vang lên mỗi buổi sáng, các sơ bước đi trong im lặng dọc theo hành lang trong tu viện… Những hình ảnh đó khiến GN say mê. GN thực sự ước mong được trở thành một nữ tu sĩ Công giáo. Nhưng Mẹ nói với GN: “Con được sinh ra để làm mẹ chứ không phải để làm một nữ tu”. Khi còn nhỏ, trẻ em rất tin vào những gì cha mẹ nói.

Sau này, GN kết hôn với một người đàn ông không có liên hệ gì nhiều với những thực tập tâm linh “chính thống”. Anh ấy là một người hào phóng, giàu có về đời sống tinh thần nhưng không bao giờ đi lễ nhà thờ hay đọc sách về bất cứ một truyền thống tôn giáo nào.

Khi làm lễ cưới, GN nói với anh: “Anh phải biết rằng trong em có hai con người. Anh đang kết hôn với cùng một lúc hai người: một nữ tu sĩ đích thực và một người phụ nữ bình thường, một người có thể làm mẹ, cho anh những đứa con, làm người bạn đời của anh và luôn có mặt bên anh”. Và để không gây xáo trộn trong gia đình, GN đã không đi lễ nhà thờ nữa nhưng vẫn tiếp tục giữ đời sống tâm linh rất mạnh mẽ trong nội tâm dù không thể hiện nó ra bên ngoài.

Mong ước làm một nữ tu chưa bao giờ hết trong GN, đó là một nửa con người của GN. Trước khi được thực sự biểu hiện ra, phần này dường như không rõ nét nhưng thực ra nó đã luôn luôn có mặt trong GN từ khi còn là cô bé gái tám tuổi với ước mong làm tu sĩ dòng Thánh Charles.

 

BBT: Xin Sư cô kể cho chúng con về cuộc gặp mặt đầu tiên của Sư cô với Thầy. Chắc hẳn cuộc hội ngộ đó đã để lại những ấn tượng sâu đậm trong Sư cô?

GN có may mắn được biết bác sĩ châm cứu Đỗ Trọng Lễ. Bác sĩ cũng là người chăm sóc sức khỏe cho Thầy. Một lần GN nói với bác sĩ rằng GN đang tìm một người thầy. Bác sĩ trả lời GN: Trong hai tuần nữa, thầy của tôi sẽ tới đây giảng dạy bằng tiếng Pháp. Thế là GN nhanh chóng sắp xếp mọi chuyện trong nhà để có thể tham dự khóa tu hai ngày cuối tuần. Lần gặp mặt đầu tiên với Thầy diễn ra vào buổi sáng. Bác sĩ Lễ gõ cửa phòng GN, mời GN ra dùng bữa điểm tâm với Thầy. GN là một phụ nữ Pháp, chưa biết một chút gì về đạo Bụt, về thiền tập. Bước vào phòng, GN nhìn thấy một thầy tu ngồi trên ghế. Với GN, hình ảnh này không có gì xa lạ vì GN có dịp tiếp xúc nhiều với các cha xứ. Vậy nên, rất tự nhiên, GN bước nhanh về phía Thầy. Bác sĩ Lễ muốn cản GN lại, có lẽ bác sĩ ngại GN sẽ làm gì đó không phải phép với một vị tu sĩ Phật giáo. Thầy đã ra hiệu cho bác sĩ dừng lại. Thầy cảm được rằng nên để cho GN được tự nhiên lại gần Thầy. Nếu Thầy không làm như vậy, chắc chắn cuộc gặp mặt sẽ không để lại ấn tượng gì trong GN. GN lại gần Thầy và nói: “Xin chào ông! Ông biết không, ông đã dạy cho tôi biết quét nhà trong hạnh phúc!”. Thầy cười thật đẹp, trả lời GN: “Hay quá! Hay quá! Bây giờ chúng ta sẽ cùng dùng sáng”. Rồi Thầy giải thích với GN rằng bữa điểm tâm sẽ diễn ra trong yên lặng. Đó là lần tiếp xúc đầu tiên với Thầy. Nhưng cuộc gặp gỡ thực sự giữa thầy và trò diễn ra trong buổi pháp thoại. Thầy cầm một tờ giấy lên, nhìn nó hồi lâu rồi nói rằng tờ giấy này chứa đựng cả vũ trụ bên trong. Khi Thầy bắt đầu kể ra những gì làm nên tờ giấy, GN nhìn Thầy chăm chú rồi tự nói với mình “Cuối cùng mình đã tìm thấy! Người mà mình tìm kiếm khắp nơi đây rồi. Đây chính là thầy mình”.

Khi nghe Thầy giảng, GN biết mình đã “phải lòng” với Pháp Bụt! GN không thể nào giải thích được niềm kính yêu vô bờ này với Pháp. Khi nghe những bài pháp thoại của GN, chắc đại chúng cũng thấy được niềm tin yêu ấy như được rút ra từ ruột gan GN.

GN không biết cảm xúc của mình sẽ như thế nào nếu ngày hôm ấy Thầy giảng về một chủ đề khác, ví dụ như về Tâm lý học đạo Bụt. Chắc hẳn GN sẽ say mê nghe Thầy giảng lắm nhưng sẽ không thể có sự chấn động như GN đã trải qua khi nghe Thầy giảng về vũ trụ chứa đựng trong một tờ giấy. Bởi vì GN đã đi qua một kinh nghiệm tâm linh tượng tự khi lên 14 tuổi. Lúc ấy GN cảm được rất rõ rằng toàn thể vũ trụ có trong mình. Đó là một trải nghiệm rất đặc biệt.

Sau bài pháp thoại, GN được tận hưởng thêm những khoảnh khắc vô cùng tuyệt vời trong buổi thiền trà. GN thấy mình được hiệp thông với Chúa. Buổi thiền trà trở thành buổi lễ Hiệp thông giữa Chúa với các tông đồ của Ngài và GN được tham dự vào buổi lễ ấy.

Cũng trong dịp này, GN được gặp Sư cô Chân Không khi Sư cô chưa có hình tướng là người xuất gia như bây giờ. Lúc ấy, Sư cô còn có mái tóc dài rất đẹp.

BBT: Đối với một người tu thì tâm thương yêu và phụng sự (hay còn gọi là tâm bồ đề) là một yếu tố vô cùng quan trọng. Ở Sư cô, chúng con thấy điều này được biểu hiện rất tự nhiên mà không cần phải cố gắng…

Hạt giống đó đã được tưới tẩm nơi GN từ thời thơ ấu ở Ma-rốc. Gia đình GN sống ở Marrakech khi GN còn nhỏ lắm, chỉ bốn hay năm tuổi. Dù là người Pháp chính gốc nhưng gia đình GN không sống ở những nơi dành cho người Tây phương, mà ở khu phố của người Ả rập có tên gọi là Medina, tức là khu phố cổ ở các nước Ả-rập. GN thích lắm, nơi ấy rất đẹp. Có một ngày, cả gia đình ra ngoài chơi. GN còn nhớ như in hôm ấy. Vừa bước ra cửa, GN nhìn thấy một em nhỏ mắt dính lại vì đầy ghèn, nước mũi chảy dài, lại có ruồi bu xung quanh. Em đang khóc. GN nói với mẹ: “Mẹ ơi, mình phải làm gì để giúp em ấy chứ, tại sao em ấy lại như vậy?”. Ông bà và bố mẹ GN rất hay giúp đỡ người khác. Khi bước ra khỏi cửa, GN đã nhận được câu trả lời như thế này: “Con thấy không? Con đã được sinh ra phía bên này cánh cửa, nếu con sinh ra ở phía bên kia cánh cửa, có thể con sẽ giống như em bé đó”. GN bị chấn động mạnh khi nghe mẹ nói. Phía bên này hay bên kia cánh cửa quyết định sự khác biệt giữa GN và em bé sao?

Hình ảnh những người ăn xin tàn tật không tay, không chân, không thể đứng lên được mà chỉ có thể bò là một phần những gì GN thường gặp trong tuổi thơ của mình. Nhìn những cảnh tượng dữ dội ấy, GN nói với bà của mình: “Bà ơi, mình phải làm cho họ đứng dậy được, không thể để họ bò dưới đất như thế, mình không thể để như vậy được!”. Tâm bồ đề trong GN có lẽ bắt đầu nảy nở từ thời điểm đó. Nó cũng phần nào giải thích sự lựa chọn nghề nghiệp sau này của GN. GN thích làm bác sĩ nhưng cuối cùng lại chọn ngành vật lý trị liệu. Công việc này đem lại cho GN rất nhiều hạnh phúc, bởi vì GN đã giúp người ta đứng lên được. Vậy là GN đã thực hiện được ước mơ ngày còn bé.

GN từng làm việc ở khoa Hồi sức, khoa Phẫu thuật ổ bụng ở Lyon trong vòng tám chín năm, sau đó chuyển đến sống ở vùng St Etienne. Ở đây, GN làm việc trong khoa bệnh dành cho người cao tuổi, bên những người sắp lìa đời, những người bị liệt hay bị bệnh Parkinson. GN đã luôn yêu thích những gì mình làm. Mỗi sáng thức dậy, GN luôn ý thức rằng mình có gia đình, có công việc, có những người bệnh để yêu thương. Ngày mới của GN thường bắt đầu trong niềm vui với ý nghĩ: “Nào, mình đi thôi!”.

Khi gặp Thầy, GN đã đem sự thực tập thiền hành vào bệnh viện. GN đem thiền tập tới giường mỗi bệnh nhân để chia sẻ với họ cách làm vơi nỗi buồn, vượt qua cảm giác cô đơn, hàn gắn những vết thương trong gia đình bằng sự thực tập. Những kinh nghiệm đó thật đẹp! Tới một hôm, ông trưởng khoa gọi GN đến và nói: “Tôi thực sự không biết là cô đã làm những gì nhưng tôi ‘bật đèn xanh’ cho cô bởi vì tôi đã nhìn thấy kết quả từ những gì cô làm”. Những gì GN đã làm giúp cải thiện tình trạng của bệnh nhân nơi bệnh viện chính là sự thiền tập. Từ khi ấy, GN viết thư báo cáo với Thầy những gì GN đã thực tập, cách GN đưa thiền tập vào đời sống của mình. GN cũng viết một bản tóm tắt những gì GN thực hành cho vị trưởng khoa biết, vì ông ấy đã nói rằng ông không biết GN đã làm gì mà!

BBT: Thưa Sư cô, bắt đầu từ khi nào Sư cô quyết định trở thành một người tu theo truyền thống đạo Bụt?

Khi nhân duyên đầy đủ…, như lời Bụt dạy (cười).

GN và người bạn đời ly hôn. Các con của GN đều có đôi lứa và sống tự lập. Lúc ấy, GN tới Làng Mai nương náu để chữa lành nỗi buồn đau và tuyệt vọng trong mình. Ở Làng, những phương pháp thực tập giúp GN đối diện với nỗi khổ của mình. Trong ba tháng ở đây, những tổn thương trong GN không được chữa lành ngay nhưng cũng chính trong thời điểm này, GN lắng nghe được trong mình tiếng gọi tâm linh tha thiết, mãnh liệt thôi thúc GN hướng về nếp sống xuất gia. Với GN, nó giống như tiếng gọi của Chúa. Ngài cũng đã gọi GN như thế vào lúc GN 8 tuổi và 14 tuổi.

Lúc ấy, GN đang ốm nặng. Nằm im trên chiếc giường của mình ở Làng, GN nghe trong tim tiếng Người nói với GN: “Cuối cùng thì con cũng đã sẵn sàng rồi”. Chồng GN đã ra đi, các con cũng đã lớn, cha mẹ của GN đều ổn, GN có thể bỏ lại công việc. Không có gì cản trở nữa. GN đã không thể sẵn sàng lúc 8 tuổi hay 14 tuổi và trong nhiều năm tháng sau đó nhưng bây giờ GN đã tự do. GN trả lời Người: “Con xin vâng lời Người!”. Đó là một nguyện ước vô cùng sâu sắc, và thêm vào đó tăng thân đã đáp ứng được chính xác những gì GN cần để sống cuộc đời phụng sự.

BBT: Điều gì ở Thầy mà Sư cô muốn tiếp nối nhất? Nếu được, xin Sư cô chia sẻ cho chúng con một kỷ niệm với Thầy.

Điều mà GN muốn tiếp nối nhất từ Thầy, đó là tình thương vô điều kiện và sự thấu hiểu. Tiếp đến là lòng kiên nhẫn.

Hôm đó, vào cuối ngày, GN cùng hai sư cô lên Sơn Cốc thăm Thầy và giúp dọn dẹp Sơn Cốc. GN bước vào phòng ăn, ánh sáng mờ nhạt từ chiếc bóng đèn hắt lên chiếc bồn rửa chén bát nằm ở góc phòng, phía bên trái. Khung cảnh toát lên vẻ gì đó rất đỗi giản dị, đơn sơ giống như tinh thần của Thánh Phan-xi-co và của Chúa khiến GN cảm thấy rất thoải mái khi có mặt ở đây.

Đang lại gần bồn rửa để bắt đầu rửa chén bát, bỗng nhiên GN phát hiện ra một ly nước, giống như những chiếc ly Thầy hay dùng để uống trà, bên trong có nước ấm. Một cái thìa dính đầy cơm nếp được ngâm trong đó. Hình ảnh này thu hút toàn bộ sự chú ý của GN. Nó có vẻ rất bình thường nhưng lại đặc biệt cuốn hút GN như thể nó chuyên chở một bài học nào đó mà Thấy muốn “dành riêng cho sư cô Giác Nghiêm!”. Đó là suy nghĩ sau này của GN, chứ lúc ấy GN hoàn toàn bị cuốn vào hình ảnh đơn sơ đó, trong đầu không hề có một suy nghĩ nào hết. GN dường như bất động, không quét nhà, không rửa chén bát, mà chỉ quán chiếu “bài học” của Thầy. GN hoàn toàn lắng trong sự quán tưởng. Chỉ có sự tiếp xúc sâu xa, không lời.

Tới một lúc, GN cảm thấy mình đã hiểu được bài học Thầy đang trao truyền và chạm tới được tình thương yêu mà Thầy dành cho các học trò của mình. Những đệ tử còn ngang bướng, chưa ngoan, còn làm khó Thầy giống hệt như những hạt cơm nếp đang dính chặt trên chiếc thìa kia. GN nhận ra lòng kiên nhẫn của Thầy, nhìn thấy được bài học mà Thầy muốn trao gửi: thương yêu và kiên nhẫn chờ đợi. Nước ấm kia, giống như tình thương bao la, sẽ thấm từ từ vào từng hạt cơm bướng bỉnh làm chúng mềm ra và tới một thời điểm nào đó sẽ nhẹ nhàng long ra khỏi chiếc thìa. GN khóc và tiếp tục nhìn. Lúc này, GN không còn thấy chiếc thìa, những hạt cơm hay nước nóng nữa. GN chỉ còn thấy tình thương bao la của Thầy, thấy tình thương ấy đang bao bọc mỗi người trong tăng thân. Lòng yêu thương vô hạn, không thể tả bằng lời ấy thấm vào mỗi đệ tử của Thầy, làm cho họ mềm hơn, hiền ra và dần buông bỏ được những bám víu và chấp chặt của mình. Lặng yên, GN đứng khóc. Thầy bước từ trên gác xuống, đặt tay lên vai GN, Thầy nói: “Sư cô Giác Nghiêm, sư cô sẽ trở thành một vị giáo thọ thực thụ”. GN cũng sẽ làm một người thầy. GN thấy rõ con đường của GN là làm “ly nước ấm” cho các học trò của mình và tất cả những ai quanh mình. GN thực sự mong mình sẽ làm được như bài học – món quà vô giá – mà Thầy đã truyền trao cho GN ngày hôm ấy: bằng tình thương và lòng kiên nhẫn vô hạn, chấp nhận người khác đúng như họ đang là, bởi vì chỉ duy nhất tình thương và sự thấu hiểu mới có thể chuyển hóa được những khổ đau của người đó.

 

 

BBT: Thưa Sư cô, năm nay là năm kỷ niệm Thiền đường Hơi Thở Nhẹ (HTN) tròn mười tuổi (2008 – 2018). Kính xin Sư cô chia sẻ với chúng con về những ngày đầu của HTN và ước mong của Thầy về trung tâm này ?

Năm 1996, khi còn là cư sĩ và sắp trải qua một biến động lớn nhiều khổ đau trong cuộc đời, GN nhận được điện thoại của Sư cô Chân Không. GN được mời tới uống trà với Thầy và Sư cô. Thầy nói với GN: Có một ước mơ mà Thầy tha thiết muốn thực hiện. Đó là một trung tâm thiền tập tại Pháp… Rồi Thầy tả cho GN nghe về trung tâm mơ ước của mình! Thầy đã tả một cách thật chính xác cuộc sống của đại chúng hiện giờ tại HTN mười năm trước khi điều đó thành hiện thực! GN đã hiểu rằng Thầy muốn yểm trợ GN, cho GN thêm lòng can đảm trước một biến cố lớn sắp xảy ra. Thầy đã cho GN một động lực, một cái đích để hướng tới: tìm một địa điểm để biến giấc mơ của Thầy thành hiện thực.

Sau đó, ngày 4 tháng 12 năm 1999, GN trở thành một xuất sĩ của Làng Mai. GN sống ở Làng trong vòng mười năm tính từ thời gian GN đến Làng với dự định đi tu tới khi được nhận truyền đăng. Và rồi, vào một ngày của khóa tu mùa Hè năm 2007 với rất đông thiền sinh tham dự, Thầy tuyên bố rằng chúng ta sẽ có một trung tâm thực tập mới, ở ngoại ô thủ đô Paris, mang tên Thiền đường Hơi Thở Nhẹ và GN sẽ là Sư cô trụ trì của Thiền đường mới này.

Sau mùa An cư kiết đông năm 2007-2008, một xe van chở bảy quý thầy, quý sư cô – Pháp Lượng, Pháp Độ, Pháp Tự, Pháp Tập, Song Nghiêm, Tôn Nghiêm và GN – lên đường đi Paris và tới Hơi Thở Nhẹ lúc 1 giờ 30 sáng ngày 18 tháng 2 năm 2008. Sau đó, có thêm thầy Pháp Khí và thầy Pháp Liệu lên yểm trợ xây dựng trung tâm mới này. Thiền đường HTN tọa lạc tại số 7, đường Belles Vues ở thành phố Noisy-le-Grand. Cũng tại nơi này trước kia có một căn nhà nhỏ, xinh xắn mang tên Thiền đường Hoa Quỳnh. Rất nhiều gia đình người Việt tới đây sinh hoạt để tìm lại gốc rễ văn hóa Việt Nam cũng như để nghe Thầy giảng pháp. Ban đầu tăng thân chỉ toàn người Việt. Trẻ em cũng tới để học tiếng Việt.

Khi thầy Giác Thanh tới sống tại đây, Hoa Quỳnh trở thành một thiền đường yên tĩnh nơi nhiều thiền sinh tới tham vấn để được hướng dẫn tu tập và để được giãi bày những khó khăn của mình. Sau này, vì nhiều lý do khác nhau, căn nhà cũ được phá đi và thay vào đó là ngôi nhà mới, rộng 240m2 với một tầng hầm và khu vườn rộng 3070m2, mang cái tên mới Hơi Thở Nhẹ. Chính nhờ vào tiền cúng dường của một vị cư sĩ, là người bạn lâu năm của Thầy, và tiền bán Phương Vân am – nằm ở ngoại ô Paris nơi nương náu bình an của Thầy trong những năm tháng Thầy sống, làm việc và chia sẻ giáo pháp tại Paris – mà chúng ta đã xây dựng được căn nhà mới này.

Ban đầu, căn nhà không có đồ đạc gì cả, ngoài những bức tường màu xanh nhạt, giống màu hoa tilleul. Ngay từ những ngày đầu, Thầy và Sư cô Chân Không không có ý xin tiền cúng dường của thiền sinh mà chỉ nhận những gì họ tự đóng góp theo tấm lòng của họ. Với riêng GN, quyết định này rất gần với gốc rễ Thiên chúa giáo trong GN. Thánh Phan-xi-co (Francois d’Assise) cũng sống như vậy. Ngài cũng xin ăn trên hè phố, cũng chia sẻ thức ăn nhận được với những người khác hay với chim thú xung quanh. Đôi khi nhận được quá nhiều, Ngài đặt một phần thức ăn lên một tảng đá dễ thấy để những ai cần có thể lấy dùng. Tất cả quý thầy, quý sư cô ở HTN đều đồng lòng với quyết định này.

Lúc ấy trong GN thầm vang lên một khúc hát: “Lạy Đức Chúa, Người là mục tử chăn dắt con, những nơi Người đưa con đến, con sẽ chẳng thiếu thứ gì. Con sẽ được nghỉ ngơi nơi những đồng cỏ xanh mát, được thỏa cơn khát nơi những nguồn nước trong lành của Người. Chúa là mục tử, Người dẫn lối chỉ đường cho con đi, giữa suối mát, cỏ xanh con sẽ chẳng thiếu gì”. Đồng thời, những lời dạy của Bụt cũng vang trong GN: Có bình bát trong tay thì con không còn sợ đói nữa, nếu con thực tập giới luật đầy đủ và giữ nếp sống phạm hạnh. Tín tâm trong GN rất lớn nên quyết định này đến với GN thật dễ dàng. Ban đầu, các vị cư sĩ muốn đóng góp tịnh tài cho Thiền đường mỗi tháng nhưng GN không đồng ý. Đại chúng ở đây chỉ nhận những khoản cúng dường tùy hỷ mỗi khi thiền sinh đến tu học tại HTN. GN không muốn mình có bất cứ một sức ép nào từ chuyện cúng dường này. Và thực tế là đại chúng ở đây chưa bao giờ thiếu thốn một thứ gì. Những đồ đạc, vật dụng trong Thiền đường phần lớn được lấy về từ những hội chợ buông bỏ đồ dùng của thành phố Noisy-le-Grand và từ những đồ còn tốt được bỏ đi trên các vỉa hè.

Nhờ vào tâm bồ đề, vào tình thương trong mỗi anh chị em xuất sĩ, HTN đã trở thành nơi nương tựa bình an cho rất nhiều cư sĩ có hoàn cảnh khó khăn.

BBT: Thưa Sư cô, Sư cô có giấc mơ nào cho HTN trong mười năm tới không?

Với GN, xoa dịu khổ đau của người dân Paris là điều quan trọng nhất. Thành phố Paris sẽ mau chóng phát triển rộng ra để trở thành nơi sinh sống của 11 triệu người. Khi nhìn thiền sinh Paris dồn dập kéo về Thiền đường để có cơ hội thở, tìm lại sự cân bằng và khi thấy số người mà tăng thân phải từ chối vì không đủ chỗ tiếp đón, GN biết rằng mình thực sự phải làm một điều gì đó cho họ. Ước mơ của GN là ở đây sẽ có một trung tâm thiền tập theo mô thức ở Làng Mai, tức là có hai xóm (xóm cho quý thầy và xóm cho quý sư cô) gần nhau – như xóm Thượng và xóm Hạ ở Làng. Như vậy, mình sẽ có đủ chỗ để đón tiếp và chăm sóc các vị thiền sinh đến tu tập với mình. Trong lần ghé thăm Hơi Thở Nhẹ vào năm 2012, Thầy đã trao cho GN ước mơ của Thầy về Hơi Thở Nhẹ trong tương lai. Thầy có nói HTN sẽ thành một Viện Phật học Ứng dụng châu Âu (EIAB) ở Paris.

Với GN, Thầy là một vị Bụt, có cái nhìn của một vị Bụt. GN luôn tin tưởng vào cái thấy của Thầy. GN chỉ nghĩ tới HTN trong tương lai cũng sẽ “nhỏ xinh như một cái trứng”. Nhưng Thầy nói với GN: “Các con phải làm như EIAB ở Đức, làm những cuốn sách giới thiệu chương trình sinh hoạt hàng năm của Thiền đường với thông tin về các khóa tu theo chủ đề. HTN sẽ là một Viện Phật học Ứng dụng châu Âu tại Paris”.

Giấc mơ của GN là biến giấc mơ của Thầy thành hiện thực. Thầy mong ước HTN trở thành một EIAB của vùng Paris, vậy GN sẽ cùng tăng thân xuất sĩ và cư sĩ làm cho ước mơ đó được thành hình. Tuy nhiên, GN ý thức rõ rằng ước mơ này không chỉ phụ thuộc vào GN mà vào tất cả mọi người trong tăng thân. GN không lo lắng gì về chuyện này. GN nghĩ khi nhân duyên chín muồi thì ước mơ này sẽ thành hiện thực.

Hiện nay, cùng với quý thầy quý sư cô, GN đang tìm kiếm một địa điểm mới cho HTN, nơi có thể đón được 20 sư cô và khoảng 40 cư sĩ nữ. Trung tâm mới phải đủ rộng rãi, có thiền đường lớn, có không gian xung quanh đáp ứng được nhu yếu tu tập ngày càng tăng của thiền sinh. GN muốn tìm những nơi mang nhiều dấu ấn tâm linh. Các sư cô ở HTN mong có thể tìm được nơi nào đó gần với tu viện mới (Suối Tuệ) ở Verdelot. Không chỉ thiền sinh của vùng Paris mà của các vùng lân cận như Lille, Strasbourg,… thậm chí là ở Bỉ, Thụy Sĩ,… cũng có thể tới. “Chỉ mất hai tiếng để tới đây thôi, rất gần, chúng con sẽ tới dự khóa tu thường xuyên hơn”, đó là lời chia sẻ của một số cư sĩ thân hữu đến từ Bỉ khi tới thăm tu viện Suối Tuệ. Mặt khác, ở đây mọi sinh hoạt đều bằng tiếng Pháp, các bạn thiền sinh người Pháp hoặc nói tiếng Pháp sẽ cảm thấy thoải mái hơn so với EIAB (ở Đức) nơi ngôn ngữ thường dùng là tiếng Đức hoặc tiếng Anh.

BBT: Chúng con vô cùng biết ơn Sư cô đã dành thời gian trò chuyện cùng chúng con.