Con làm trụ trì giúp Thầy đi
Mấy năm trước, sư cô cựu trụ trì chùa Cam Lộ, xóm Hạ muốn nghỉ ngơi và tìm người thay thế. Sư cô nhờ tôi đảm trách công việc này nhưng tôi đã từ chối. Tôi có thể làm bất cứ công việc gì sư cô nhờ, nhưng gánh vác trách nhiệm này thì không. Có rất nhiều lý do khiến tôi không thích làm. Thứ nhất là không muốn mọi người đòi hỏi mình, thứ hai tôi không muốn bận rộn, làm trụ trì bận rộn lắm. Đã bảo: “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Bụt” mà cứ thích thảnh thơi. Cũng lạ thật! Tôi thích làm một người tu có nhiều tự do và thảnh thơi. Vì thế mà tôi không muốn nhận lãnh trách nhiệm này, mặc dù vẫn thương yêu, quý kính sư cô cựu trụ trì rất nhiều.
Thầy cũng thường để ý xem tôi có sẵn sàng chưa. Tết năm ấy Thầy gọi tôi lên bói Kiều, tôi viện lý do rồi trốn. Sau đó, Thầy bảo một sư em là Thầy muốn xem thử tôi đã sẵn sàng chưa. Tôi bảo: “Em nhớ nói với Thầy là chị không sẵn sàng nhé”. Tôi muốn giúp đại chúng, giúp sư cô cựu trụ trì hết lòng bằng khả năng của mình, nhưng không muốn nhận lãnh trách nhiệm trụ trì nên cứ phải để sư cô nói hoài.
Rồi một ngày vào đông nọ, tôi dâng cơm hầu Thầy ở thất Ngồi Yên, xóm Thượng. Mấy Thầy trò dùng cơm với nhau rất ấm cúng mặc cho bên ngoài trời giá lạnh. Hôm ấy có cả sư cô Như Quang nữa. Ăn xong, Thầy bảo tôi: “Con làm trụ trì giúp Thầy đi. Con làm được mà”. Ôi, nghe nói “làm giúp Thầy đi” là thấy lòng mình chùng xuống rồi. Thương quá! Nhưng tôi vẫn thấy mình không có khả năng, tôi lắc đầu lia lịa: “Dạ không được”.
Thầy vẫn để yên cho tôi tung tăng trong cái không gian của mình. Những gì cần mà làm được thì tôi làm. Tự do thoải mái, hạnh phúc bình yên. Tôi thấy trời đất thật thênh thang. Thế rồi, những tháng trước khi Thầy bệnh, như tiên đoán được điều ấy, Thầy viết một bức thư cho đại chúng, xin lấy quyền của tỳ kheo và tỳ kheo ni để làm vài quyết định trong vòng vài tháng. Thường thì Thầy để cho hội đồng Tỳ kheo, Tỳ kheo ni làm quyết định hết mọi chuyện, khi nào có khó khăn không giải quyết được thì tham vấn, xin Thầy chỉ dạy.
Thầy làm những quyết định đổi người đi các trung tâm. Ai cũng hồi hộp không biết khi nào thì đến lượt mình. Không biết mình sẽ đi đâu, về đâu, đến trung tâm nào…? Bình thường, khi Thầy nói, Thầy khuyên, mình còn kèo nài nấn ná, nhưng khi Thầy đã ra thông cáo bằng văn bản rồi thì phải thi hành, không ai có thể từ chối, nấn ná hay cựa quậy chi được cả.
Ngày đã đến. Giờ đã điểm. Ấy là ngày quán niệm bốn chúng tại xóm Hạ, trong giờ ăn cơm quả đường, thầy Pháp Đăng thay mặt Thầy và đại chúng đọc quyết định của Thầy đề cử tôi làm trụ trì xóm Hạ. Trưa đó tôi đau tim và đau bao tử quá không thể ăn cơm được. Người tôi run lên, mặt mày tái xám. Tôi có cảm giác như mình bị một tội lỗi gì lớn lắm vậy và phải tu thêm. Vì tôi nghĩ làm trụ trì thì sẽ chịu sự đòi hỏi rất nhiều. Trong tình thế đó, tôi không thể từ chối được. Cái uy lực và đức độ của Thầy lớn quá, tôi không thể không vâng lời. Thế rồi sau mấy ngày nằm bẹp trên giường, tôi ngồi dậy, đi lạy Bụt, cầu nguyện chư Bụt gia hộ cho tôi có đủ sức khỏe, có đủ khả năng… để làm công việc này giúp Thầy, giúp đại chúng. Khoảng hai tháng sau, Thầy ngã bệnh, mình chưa có cơ hội được ‘nhõng nhẽo’ hay than van với Thầy một lời nào, hay được nghe Thầy dạy về cách làm trụ trì. Khi Thầy bệnh nặng, tưởng như không qua khỏi, ngồi bên giường bệnh của Thầy, tôi cầu nguyện: “Cầu nguyện chư Bụt gia hộ cho Thầy qua khỏi cơn bệnh này, rồi làm gì con cũng làm hết, con sẽ làm một sư cô trụ trì hết lòng cho Thầy”.
Tôi bắt đầu làm trụ trì trong thời gian có nhiều biến chuyển như thế. Thầy bệnh nặng, ai cũng lo lắng và đau lòng, nhiều người bất an, nhiều thứ xảy ra. Chưa nói là thay đổi trụ trì cũng là một vấn đề lớn của đại chúng. Đại chúng đã quen với sư cô cựu trụ trì, người có nhiều kinh nghiệm và tuệ giác, người có nhiều tình thương ngọt ngào, có tuổi tác như một người mẹ chăm lo cho đàn con của mình, nên cũng khó để chấp nhận một trụ trì mới chưa có kinh nghiệm, chưa có đủ tình thương và tuệ giác, và đặc biệt là chưa có chất làm mẹ như tôi. Ý thức được điều đó nên tôi không đòi hỏi các chị em phải chấp nhận mình, tôi chỉ thấy thương đại chúng đang đi qua giai đoạn chuyển mình. Bên cạnh tôi luôn có nhiều chị em yểm trợ hết lòng, dù âm thầm, dù xa dù gần. Cái tình ấy thật đẹp, là chất liệu nuôi dưỡng tôi đến ngày hôm nay. Sau nhiều tháng loay hoay với vị trí mới của mình, tôi nguyện làm một sư cô trụ trì hạnh phúc, sống thật nhẹ nhàng, thảnh thơi, có nhiều không gian tự do để gây cảm hứng cho nhiều người, để ai cũng có cảm hứng làm trụ trì giúp Thầy.
Muốn cho người khác hạnh phúc, trước tiên mình phải có hạnh phúc. Không có hạnh phúc làm sao mình có thể đem hạnh phúc đến cho người khác được. Làm sao mình có thể chia sẻ cho mọi người sống nhẹ nhàng, thảnh thơi trong khi mình lại sống hấp tấp, vội vàng? Làm sao mình chia sẻ với mọi người sống cho hạnh phúc trong khi mình lại có nhiều khổ đau? Tôi tập buông bỏ để sống nhẹ nhàng, thảnh thơi, thật bình an và hạnh phúc. Đó cũng là một lời nguyện, không phải một năm, năm năm, mười năm hay chỉ trong khoảng thời gian làm trụ trì mà là nguyện ước cho cả đời tu của tôi. Viết lời khấn nguyện đầu năm, tôi cũng nguyện như thế. Làm trụ trì cũng giống như làm một người cha, một người mẹ, một thầy giáo, cô giáo, một bác sĩ, một nhà tâm lý trị liệu, một nhà quản lý, hay chỉ đơn giản là một người em, người chị, người bạn,… đem lại sự hòa ái, hạnh phúc cho mọi người. Ai lại không muốn con mình, em mình, học sinh mình, nhân viên mình có bình an, hạnh phúc, có hiểu biết, thương yêu, có đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp! Tôi cũng muốn xây dựng một đại chúng như thế, không phải với tính cách của một nhà quản lý mà với tính cách của một sư cô hạnh phúc.
Mình muốn người khác như thế nào, xã hội như thế nào, thế giới như thế nào thì mình phải sống như thế đó. Mình muốn xây dựng đại chúng như thế nào? Hết lòng, nhiệt tình, không so đo tính toán, không vướng bận lo âu, việc gì cần thì làm, không cần thì nghỉ, không tự hào mà cũng không mặc cảm tự ti, thường xuyên trở về với chính mình để chăm sóc sức khỏe cũng như tinh thần. Sống cho lành mạnh an vui, hài hòa và hạnh phúc, biết cảm thông, thương yêu và tha thứ. Tôi cũng đang tập sống như thế.
Tập sống cho thảnh thơi trong khi có nhiều công việc, tập buông bỏ ý kiến và nhận thức cho thật sự có tự do. Làm hết lòng mà đừng vướng bận, có thể buông bất cứ lúc nào, không nắm giữ, không hối tiếc. Biết trở về với mình để trau dồi những đức tính đẹp, biết dừng lại, buông thư để trị liệu những đau nhức trong thân tâm. Nghe có vẻ đơn giản nhưng nhiều khi không dễ thực hiện. Đôi khi, tôi cũng hấp tấp vội vàng, cũng căng thẳng lo âu. Thế nhưng tôi không nhận những ánh mắt đòi hỏi: sao sư cô lại còn hấp tấp vội vàng, sao sư cô không bước cho nhẹ nhàng thảnh thơi, mà tôi lại nhận được những ánh mắt cảm thông, hiểu thương và tha thứ, rằng sư cô nhiều việc quá.
Nhiều lúc thấy mình vụng về quá, tự nhiên miệng tôi lại lẩm nhẩm: “Thầy chọn nhầm người rồi”. Nhưng mỗi lần cái ý nghĩ ấy đi lên, tôi lại thấy áy náy rằng mình xem thường cái thấy, xem thường tuệ giác của Thầy. Thế rồi tôi lại sám hối với Thầy trong tự tâm. Hôm soi sáng cho mùa an cư, có một sư em nói: “Con cám ơn Thầy đã chọn sư cô làm sư cô trụ trì cho chúng con…”. Tôi thấy xúc động và thấy có lỗi với Thầy vì mình cứ bảo Thầy chọn nhầm người. Tự nhiên nhớ Thầy muốn khóc.
Tôi biết là Thầy tin cậy mình, sư cô cựu trụ trì tin cậy mình, đại chúng tin cậy mình nên mới giao cho mình trách nhiệm này. Kỳ thực, tôi không thích nhưng lại không muốn biến mình thành kẻ vô ơn, bạc nghĩa. Tôi tập đón nhận trách nhiệm của mình một cách trân quý như đang đón nhận một món quà quý của Thầy trao tặng. Tôi tập buông xuống cái thích và không thích để nuôi dưỡng niềm biết ơn, để xây dựng đại chúng, xây dựng nơi này hết lòng.
Tôi rất ấn tượng mỗi khi đọc đến đoạn: “Nơi nào Bụt đi qua cũng trở thành thánh địa” trong Sám pháp địa xúc. Mỗi lần đọc đến đây, tôi lại thấy xúc động và muốn đóng góp xây dựng những nơi mình đang ở cũng trở thành thánh địa. Các sư chị, sư em tôi cũng đang làm công việc ấy. Khắp nơi quanh xóm, đâu đâu cũng thấy những bàn tay khéo léo, đầy thương yêu chăm sóc, đâu đâu cũng có những tấm lòng đóng góp xây dựng cho đời sống của đại chúng mỗi ngày mỗi hạnh phúc, an vui và phẩm chất luôn được nâng cao.
Sống đẹp thì sẽ có tiếp nối đẹp. Tôi nhớ trước khi đi ngủ, lúc nào sư em Huyền Không cũng sắp xếp những đôi dép đi trong nhà ngay hàng thẳng lối, bây giờ sư em đi rồi, nhưng sáng nào thức dậy tôi cũng thấy những đôi dép được xếp rất ngay ngắn và có chánh niệm, mặc dù tôi chưa nhận ra ai là người tiếp nối sư em Huyền Không, ai là người tiếp nối mật hạnh của tôn giả La Hầu La. Mỗi lần nhìn những đôi dép được sắp xếp ngay ngắn ấy tôi lại thấy vui, lòng rộn lên một niềm mến phục và biết ơn. Tôi thấy rất hạnh phúc.
Mấy năm trước, Thầy có viết thư pháp: “Thầy giáo, cô giáo có hạnh phúc sẽ làm thay đổi thế giới”. Một thầy, một sư cô, sư chú có hạnh phúc cũng sẽ làm thay đổi thế giới. Đạo Bụt đã và đang đi vào cuộc đời. Biết bao nhiêu người đang đến đây tu học, họ là những nhà giáo dục, bác sĩ, kỹ sư, là nhà tâm lý trị liệu, là những nhà quản lý,… Họ sẽ gây ảnh hướng lớn đến những người chung quanh và xã hội. Các bạn ở ngoài đó, tôi ở trong này, chúng ta hãy cùng nắm tay nhau xây dựng một đời sống hạnh phúc, lành mạnh để có thể thay đổi thế giới bằng khả năng và hạnh phúc của chính mình. Chúc các bạn và tôi thành công. Đạo Bụt đang đi vào cuộc đời bằng sự sống của chính mình.
Chân Hội Nghiêm