Lá thư Làng Mai 37 – 2014

Mầm non trên đất cổ linh

Chân Sinh Nghiêm

HongKong monasticNăm năm đầu tiên trong cuộc đời xuất gia của con đầy những tình huống bất ngờ nhưng cũng đầy thú vị. Theo nguyên tắc, con nên ở yên trong cái nôi tâm linh êm ấm quy định rõ ràng của Làng Mai 5 năm sau khi xuất gia, rồi một khi nắm vững pháp môn căn bản và chân đứng vững một tí thì con mới có thể đi nơi khác cùng các anh chị em tu tập và phụng sự. Tuy vậy, vì những thủ tục hành chánh như visa, con đã được huấn luyện 5 năm đầu sống xa gốc đại gia đình nhưng con nghĩ sự học tập của con cũng không kém phần phong phú.

Trong hai trường hợp ở Úc và Hồng Kông, con đã được sống trong tăng thân nhỏ nên không khí thân mật như một gia đình và con thấy mình giống như em nhỏ xa quê nhà để lên thành phố cùng sống và học hỏi với anh chị lớn. Trong hoàn cảnh này con đã sớm học cách nương tựa vào anh chị lớn và vào hải đảo tự thân.

Sống xa Sư Ông, con thực tập thấy Sư Ông trong các anh chị lớn và đặt niềm tin nơi đó. Con biết anh chị lớn và con chưa ai hoàn hảo cả, ai cũng có những khúc mắc riêng, nhưng với niềm tin đó và sự nhìn lại chính mình, sống sao cho thật với lương tâm của mình, là điểm nương tựa con thường trở về. Sư Ông trong các anh chị sẽ bảo hộ cho con và giúp con giữ vững được chí nguyện đời tu của mình. Con rất may mắn được có cơ hội làm một trong những vị ‘nhị thập tiên sư’ của Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Á, được xem là cũng có góp một bàn tay cùng các anh chị thành lập chúng từ buổi ban đầu qua cách củng cố thời khóa tu học hàng ngày và cách làm việc chung bốn chúng. Mai mốt được làm sư bà, con sẽ có nhiều chuyện vui để kể cho các sư em và sư cháu nghe … hi hi…

Trước khi đi Hồng Kông, con đã nghe kể cảnh chùa chiền bên đó rất thiền vị, núi và biển chỉ cách nhau 15 phút, sương mù phủ trên núi như cảnh tiên, y chang trong những phim chưởng Kim Dung mà hồi xưa con đã mê coi. Thật đúng như vậy và còn hơn thế nữa! Môi trường Hồng Kông có nhiều đặc điểm như một chốn thiêng liêng: trong khi trung tâm thành phố tấp nập người ngày đêm, những giác quan luôn luôn bị xâm nhập và hấp dẫn bởi những sản phẩm dục lạc, hình ảnh sôi nổi màu sắc thì khi về lại chùa Liên Trì trên núi, mình không cần phải cố gắng thực tập “ly sinh hỷ lạc” gì cả mà đã có hạnh phúc vì ngay khi bước vào cổng chùa, mình đã cảm nhận được năng lượng bình an liền và thở phào: “đã về, đã tới!”

Trong khi thành phố và những hãng xưởng bên Trung Quốc bị rò rỉ và độc khí ô nhiễm đã thoát ra ngoài, thì đảo Lantau, nhờ được chính phủ đặc biệt bảo vệ môi sinh, nên vẫn còn những lá phổi xanh tươi bảo bọc cho mình. Ôi tuyệt vời khi những ngày hè nóng bức, sau khi chấp tác hoặc sau một ngày quán niệm đông đúc và bận rộn, chị em có thể dắt nhau xuống Suối Mơ để thác nước trong mát kia đấm bóp và gột sạch hết hoàn toàn những mệt mỏi và căng thẳng. Dòng nước trong hồ Viên Nguyệt chứa đầy nước mầu nhiệm từ nguồn suối cao, từ lòng đất sâu. Nơi này thật kín đáo, chỉ có anh chị em xuất sĩ mình biết đến và thay phiên nhau tìm tới mà “giải trừ phiền não” trong những ngày làm biếng. Đúng là một chốn thiêng liêng. Những buổi trưa hè, sư cô Mai Nghiêm và con nằm võng lim dim chơi đùa với ánh nắng nhảy múa xuyên qua tàng lá xanh hoặc đọc sách. Đọc sách một đỗi, con nhảy xuống hồ buông thư, thả hồn trở thành một với nước Mẹ Cam lộ.

Thiền hành trong mưa tại Hồng KôngCho dù sương mù phủ núi như cảnh tiên nhưng cũng có khi trên núi nhiều sương mù quá, cảnh tiên kia cũng bớt vẻ mầu nhiệm. Tuy nhiên chỉ cách 15 phút lái xe đến làng chài Tai Ô thì có suối lớn Tình Huynh Đệ và bãi biển Nắng Ấm để anh chị em có những giây phút thoải mái cùng vui bên nhau, pháp đàm bằng những tiếng cười hồn nhiên như trẻ được Mẹ rừng nuôi lớn.

Có lúc chúng con thi đua chèo thuyền kayak trên biển và kết thúc ngày quán niệm xuất sĩ bằng buổi ăn tối đạm bạc quanh bếp lửa. Có lúc chị em nổi hứng, kéo nhau xuống bãi biển cùng ăn tối và thiền trăng dưới ánh trăng rằm tròn đầy hạnh phúc. Ôi những kỷ niệm gia đình nho nhỏ đó con không bao giờ quên được!

Hồi mới tới chùa Liên Trì và Trúc Lâm, anh chị em thường hẹn nhau lên Chỏm Đá Thong Dong (Freedom Rocks) mỗi buổi sáng làm biếng để… ăn mì gói trong nhà hàng có thể là đắt tiền nhất vì cảnh tượng núi biển tuyệt đẹp, một bên là Đại Phật ngồi yên trước cảnh bình minh rực rỡ và bên kia là biển cả với dãy núi trùng điệp. Đặc biệt bên Hồng Kông, mỗi thứ Sáu trong mùa ấm, đại chúng thiền hành lên núi và công phu sáng với trời đất linh thiêng. Ngồi thiền trên những tảng đá trong thiền đường Ngàn Sao Trăng Tỏ và hít thở những tia nắng đầu ngày, thân tâm con được thức dậy cùng hòa nhập với những màu sắc tinh anh của vũ trụ. Có những buổi công phu như vậy thì còn ai muốn ngủ nướng trên giường vì sợ bỏ uổng cơ hội.

Thật đúng, sống trong chúng nhỏ ai cũng nỗ lực công phu và theo thời khóa để góp năng lượng và sự có mặt cho đại chúng. Đôi khi con cảm thấy trong người uể oải nhưng vì theo thời khóa mà con chuyển hóa được dễ hơn và không có những tư tưởng như “không có con thì cũng không sao vì có anh chị em khác mà”. Sự có mặt của mọi người đều quan trọng và là thức ăn tinh thần mà chúng con nuôi nhau hàng ngày. Hơn nữa quý sư cô lớn bên Hồng Kông thường có thói quen rất tốt là ngủ sớm thức sớm để thưởng thức giây phút yên tịnh với ly trà tinh khôi hoặc học thêm những gì cần thiết cho mình. Với năng lượng tinh chuyên đó, con hoan hỷ bị lây nhiễmbị ghiền luôn, sáng nào không có thì cảm thấy thiếu thiếu.

Thời khóa của chúng Hồng Kông rất thú vị và đầy điều kiện thuận lợi để phát triển khả năng và sáng kiến cá nhân. Có lẽ vì Viện Phật Học Châu Á này còn trong giai đoạn sơ khởi nên đại chúng được huấn luyện khá chặt chẽ. Chúng con được học kỹ các pháp môn căn bản và học kỹ môn Duy biểu để làm nền tảng cho chính mình, giúp chúng con dễ dàng áp dụng đạo Bụt ứng dụng khắp mọi nơi. Có những lớp kỹ năng nhằm rèn luyện những khả năng diễn đạt ý và sắp xếp từ ngữ cho chừng mực trong 7 phút. Sau đó được anh chị em góp ý giúp mình làm tốt hơn. Đề tài thì tùy ý mỗi người tự chọn nên rất có hứng thú. Quả là những thách thức hấp dẫn! Những dịp như vậy giúp con khám phá ra nhiều khía cạnh và khả năng tiềm ẩn của anh chị em, con dần dần bớt rụt rè vì đã chấp nhận được những mặc cảm trong mình. Được nghe những bài pháp thoại trước đây của Sư Ông và có lớp bổ túc thêm kiến thức về khoa học và thiên nhiên nên thời khóa rất phong phú trong mọi mặt.

Khoá tu gia đình tại Hồng KôngPhụng sự tại Hồng Kông khá đa dạng và muôn vẻ. Những ngày Quán niệm tại Liên Trì, số người đến tham dự ngày càng đông hơn. Mỗi Chủ nhật là có thêm người mới. Còn những người cũ thì mỗi cuối tuần gặp nhau thân tình như bà con, họ hàng đoàn tụ đại gia đình tại chùa làm không khí vui vẻ và ấm cúng. Những khóa tu luôn phải từ chối thiền sinh vì cơ sở mình có quá hạn hẹp.

Người Hồng Kông rất thích ứng với pháp môn Làng Mai vì cuộc sống của họ quá căng thẳng và gò ép bởi những đòi hỏi vật chất. Mỗi tháng quý thầy, quý sư cô luân phiên xuống phố hướng dẫn ngày quán niệm tại Đại học Hồng Kông với những đề mục thích hợp cho ngành giáo dục, và cho ngành y tế. Đây là hai cánh tay hùng hậu ở học viện AIAB đang phát triển theo đường hướng đạo Bụt ứng dụng của Làng Mai.

Wake Up Schools và Wake Up cũng đang trên đà phát triển nhanh chóng, quanh năm có những giáo viên dẫn học sinh trong một, hai lớp của mình đến chùa tu tập một ngày quán niệm dành riêng cho các em thanh thiếu niên. Hồng Kông có những trường học Phật giáo (Buddhist Schools) nhưng chưa đáp ứng được những nhu cầu của người trẻ. Các em chưa từng tiếp xúc với các xuất sĩ trẻ năng động như các anh chị em mình. Khi được hướng dẫn pháp môn thở và cười qua những bài hát chánh niệm, thiền ăn hoặc buông thư và được chơi, các em không ngờ mình đang tu thiền, và cảm thấy rất khỏe nhẹ vì không cần phải suy tư, cực nhọc học bài và trả bài gì cả. Được tiếp xúc với thiên nhiên, được leo núi với quý thầy quý sư cô trẻ đã giúp các em tự trị liệu và nuôi dưỡng rất nhiều. Đây là điều rất hiếm có đối với các em vì thường các trường học là những tòa nhà xi măng, thậm chí nhà của các em cũng ở trên những tầng lầu cao, và những sân chơi công viên nho nhỏ trong thành phố chỉ làm bằng bãi cỏ giả.

Nơi xứ người “điện tử” này con đã có dịp bồi đắp tình đồng môn và tình láng giềng rất quý hóa. Khi có những sư cô hoặc thầy nào đến thực tập chung, các anh chị em con rất trân quý và mừng vui. Có một nhóm sư cô Đài Loan tới rất tha thiết học tập và muốn mang pháp môn Làng Mai về lại địa phương mình. Cho dù ngôn ngữ bất đồng nhưng năng lượng tình huynh đệ đã vượt tất cả biên giới. Chị em con hết lòng chia sẻ về đời sống tu học với nhau như những bạn thân lâu ngày được đoàn tụ. Có lần thầy Neng Tu, một trụ trì trẻ của chùa Weng Feng tại Yangzhou, Trung Quốc (thầy đã thọ Năm giới với Sư Ông) rất tự tại “xắn tay áo”, vào nhà bếp cùng các cô cư sĩ đi với mình và nấu vài món ăn đặc sản của vùng thầy để đãi đại chúng. Chúng con thưởng thức hết lòng tình thương mà thầy đã gởi tặng qua các món ăn!

Gần chùa, cách 45 phút đi bộ có tu viện Po Lam thuộc dòng tu của Hòa thượng Hư Vân. Có đông các sư cô và một số thầy tu thiền và Tịnh độ rất tinh chuyên và khổ hạnh. Họ mặc áo vá, còn nấu ăn bằng bếp củi và hành thất thiền mỗi năm gần Tết. Các sư cô phần lớn từ tuổi ‘xồn xồn’ tới ‘đầu bạc răng long’ nên khi các chị em chúng con còn trẻ, xuống thăm cùng thọ trai hay xin dự một ngày thất thiền, đem tặng nụ cười và bước chân thong dong, được các sư cô rất mến và đón tiếp nồng nhiệt. Con cảm thấy không khí yên tịnh và thiền vị xung quanh Po Lam vẫn được duy trì như bao nhiêu năm trước, không bị những nguồn điện thời đại cuốn theo.

Đảo Lantau là cái nôi tâm linh linh thiêng của Hồng Kông, điều này Sư Ông chùa Quan Âm, cách chùa Liên Trì hơn một tiếng đi bộ, đã kể cho chúng con nghe. Sư Ông đã bước vào tuổi 90 nhưng đầy đạo hạnh, nụ cười vẫn còn tươi và mắt vẫn sáng ngời nét từ bi. Sư Ông không có nhiều đệ tử xuất gia nhưng nhiều đệ tử tại gia. Có thể vì vậy nên khi chúng con đến thăm, chúc Tết, Sư Ông rất hạnh phúc và kể cho chúng con nghe những câu chuyện ngày xưa khi Sư Ông mới 60 tuổi: Đảo Lantau có nhiều chùa, tu viện và am cốc. Những buổi ban mai khi trời chớm sáng, tiếng chuông mõ có thể nghe vang khắp núi rừng cùng với làn khói lam của bếp củi đang sửa soạn cho bữa điểm tâm.

Ở đây đi đâu cũng phải đi bộ xa vì chưa có xe hơi, và bí quyết sống khỏe trên núi của Sư Ông rất đơn giản, mỗi mùa thay đổi thì mình cũng phải đổi thay theo thiên nhiên. Nghĩa là mùa Hè không sử dụng máy lạnh, mùa Đông thì mặc thêm áo thôi! Ai cũng òa ra cười đón nhận tuệ giác đạm bạc mà sâu sắc của Sư Ông trao tặng. Chúng con được Sư Ông thương mến tiếp đón và được cùng ăn riêng với Sư Ông như khách quý. Sống xa quê nhà, xa Thầy nên chúng con cũng xem Sư Ông như một bậc thầy hiền đang có mặt và yểm trợ tinh thần cho chúng con trên con đường tâm linh nhưng có lúc chúng con cũng bước qua những đoạn đường gập ghềnh dễ rớt trong thời đại mong manh này.

Sư Ông còn đắp y bá nạp, không biết bao nhiêu điều và bị sờn rách, mời chúng con ra chụp hình chung, dặn dò kỹ lưỡng là phải mang hình lưu niệm lại cho Sư Ông. Mỗi dịp Tự tứ và Tết Nguyên Đán, Sư Ông đều lì xì rộng rãi cho từng người. Có một lần hẹn thăm Sư Ông nhưng vì trục trặc giờ hẹn nên quý thầy không tới. Sư Ông hỏi thì chúng con trả lời là quý thầy bận việc bất ngờ và bị Sư Ông quở, nói với chúng con là có việc gì đi nữa cũng phải bỏ để tới thăm Sư Ông mới được. Bị la nhưng chúng con cảm nhận được tình thương trong lòng Sư Ông rất đầy. Mỗi lần thăm Sư Ông về, ai cũng cảm thấy rất an lạc, nhẹ nhàng và thanh tịnh. Con cảm thấy Sư Ông thương chúng con vì tuổi còn trẻ mà “phát túc siêu phương”, trong khi đó tuổi trẻ hiện đại đang bị cuốn theo đà tiêu thụ dục lạc và bị tài danh, sắc lợi sai khiến liên miên.

Nói tới tình láng giềng thì phải kể về bà Fong Ku, láng giềng gần nhất ở ngay trong đất chùa Liên Trì. Bà Fong Ku tới từ Trung Quốc, theo sư phụ hồi còn 16 tuổi và đã ở chùa chăm sóc sư phụ hơn 60 năm qua. Lúc chúng con mới tới, mỗi khi làm gì trong vườn rau trước sân của bà là bà la ơi ới: “Không được làm như vậy! Không nên làm cái kia!” May mình không hiểu tiếng Quảng Đông chứ không thì cũng nhức óc mỗi ngày khi bà “luyện phổi”!

Con khám phá ra một điều thú vị nhờ vào sự có mặt của bà trong chùa. Có nhiều ngày khi chiều đến, con cảm thấy buồn và cô đơn. Lòng con bỗng muốn có sự chăm sóc và thúc đẩy con tìm người tâm sự. Một hôm lúc tâm hành ấy đang lên, con muốn thí nghiệm một cách khác để giải quyết nó. Thay vì tìm người quan tâm chăm sóc đến mình hay lên mạng tìm tòi, con đã đáp ứng nhu yếu cần chăm sóc đó bằng cách chăm sóc một người khác. Con đi tìm bà Fong Ku để xoa bóp cho bà, vì bà thường hay than đau nhức chân tay. Bà hoan hỷ liền. Con xoa bóp cho bà như đang được ngồi chơi và chăm sóc cho mẹ hay bà Nội của mình. Bà rất vui, vì tuổi già đôi lúc cũng thấy buồn, cần có người hỏi han chăm sóc. Con gọi bà là “siểu sư muội” (tiểu sư muội), bà khoái chí vô cùng được làm sư em út của các sư cô. Nỗi cô đơn trong con tan biến cùng với cái đau nhức của bà luôn! Một lần khác, con thử lại phương pháp này bằng cách xoa bóp cho sư mẹ Thuận Nghiêm sau khi nghe nói sư mẹ bị mất ngủ cả đêm. Con thấy mừng khi kết quả cũng tương tự lần trước, cả hai bên được lợi lạc.

Bà Fong Ku là nhịp cầu quan trọng, như con chim nhỏ cập nhật thông tin về những hoạt động của mấy mầm non mới trồi lên tại chùa Liên Trì và Trúc Lâm. Bà thường tu tập ở chùa Bảo Liên (con ví như anh cả lớn kế bên che chở luồng gió du khách cho chùa em Liên Trì được yên ổn). Một hôm sư cô Hành Nghiêm đi chợ ở Tung Chung, thành phố lớn nhất dưới chân núi, thì gặp vài người cư sĩ nhìn mình cười rồi hỏi bằng tiếng Quảng: “Các sư cô có phải từ Liên Trì không?” Sư cô Hành Nghiêm cũng trả lời bằng tiếng Quảng: “Dạ phải”, và hai bên vừa cười vừa gật gù với nhau một cách thân thiện, có lẽ vì họ đã có những tri giác hoặc thông tin tốt lành gì đó về chúng con, những mầm non ở Liên Trì?

Bây giờ bà Fong Ku thoải mái và thân mật với chúng con hơn nhiều. Thỉnh thoảng bà cùng thiền hành, hàng tháng cúng Bụt thì cũng làm cho chúng món chả chay đậu hủ ky với xì dầu ngon lắm. Có bữa thì bà đãi sư cô trụ trì hết lòng những món ăn đặc biệt của bà, nấu rất ngon. Con lót tót đi theo sư cô nên được hưởng ké! Sau này bà thường qua ăn tối với các sư cô và ngồi tán gẫu để chúng con có cơ hội tập nói tiếng Quảng. Bà hay than phiền là chúng con ở đây lâu rồi mà vẫn không nói được tiếng Hoa! Bà tươi rói khi có nhiều người tới khóa tu và ngày quán niệm, có lần còn vào bếp phụ cắt gọt để hưởng năng lượng hài hòa và an lạc cùng tăng thân bốn chúng.

Bảo Liên (Po Lin) là một ngôi chùa rất lớn nhưng bóng dáng người xuất sĩ thì rất hiếm. Một hôm vào buổi chiều, trong khi đi dạo có một sư cô lớn tuổi ra gặp sư cô Hành Nghiêm và con, hỏi thăm về cách tọa thiền và thiền hành. Sư cô đã nhiều lần thấy mình đi thiền hành rất yên và đẹp, hình ảnh này đã gây cảm hứng làm sư cô muốn học hỏi. Chúng con hơi e ngại vì nghĩ rằng sư cô tuổi đạo đã cao mà mình thì quá nhỏ, chỉ như trẻ mới biết đi. Nhưng sư cô rất thành tâm muốn học và nhận lời mời thực tập thiền hành cùng chúng con. Một hôm sư cô bị đau lưng, sư cô Mai Nghiêm mời vào và xoa bóp giùm. Hôm sau sư cô mang tiền và bánh sang cúng dường! Vui lắm Sư Ông ơi, mỗi khi không có sư chị Sĩ Nghiêm hay sư em Tu Nghiêm hay Trăng Đông Hải làm thông dịch viên, chúng con một bên nói tiếng vịt, bên kia nói tiếng gà mà vẫn thông cảm được nhau như thường!

Xung quanh chùa có nhiều am cốc của những vị xuất sĩ ưa tu một mình. Gần đây nhà mình quen được với một sư cô người Mã Lai rất vui tính. Ba chị em con xin qua học tiếng Quảng và đồng thời giúp sư cô học tiếng Anh. Học được vài buổi thì có khóa tu, và vì đã thiết lập một mối quan hệ tốt lành rồi nên khi chúng con xin thì sư cô cho ngay và mình đã có thể sử dụng phòng và thiền đường của chùa làm chỗ ngủ cho thiền sinh nữ dự khóa tu.

Xa quê nhà, sống giữa thành phố đông đảo với những con người mà ai cũng trong thế giới “I-gadget” riêng, tìm được tình đồng môn, tình láng giềng con cảm thấy rất quý như gặp phải hạt châu mầu nhiệm trong bãi rác. Còn tình thương của hai cô cư sĩ (được Ban Quản Trị chùa Liên Trì thuê) làm việc ở chùa cũng nẩy hoa kết trái ngọt ngào. Khi mới tới họ ít nói cười, cắm đầu cắm cổ làm việc cả ngày, rồi rút vào phòng khóa cửa kín mít. Nhưng sau một thời gian các sư cô quen thân, thăm hỏi một cách thân thiện nên họ cũng không thể tiếp tục lạnh lùng nữa. Khi các sư cô rời chùa, họ cũng buồn và ôm hôn như xa gia đình quyến thuộc.

Ngoài ba tháng An cư kết Hạ và ba tháng dự thính An cư kết Đông cùng Làng Mai, những ngày tháng kia anh chị em chúng con như đội “marathon hạng Olympic”, chạy vòng từ AIAB, Hồng Kông tới khắp nơi ở các nước Đông Nam Á và ngược lên Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản. Chúng con truyền “baton” rất trôi chảy cho dù từ các trung tâm khác đến với nhau, có khi không biết nhau nhưng vì cùng một sự nghiệp và mục đích hiến tặng cho người sự đoàn kết, tình huynh đệ và hạnh phúc sống trong hiện tại nên chúng con làm việc cũng ‘ăn rơ’ với nhau lắm!

Trong những lúc rảnh rỗi, anh chị em ngồi tâm sự bên nhau, chia sẻ những lời khuyên nhủ thật lòng và ân cần. Có lúc cùng ngắm mặt trời lặn với gió mát lao xao qua những cây dừa, và được ở những chỗ nghỉ mát (resort) với cảnh vườn đẹp đẽ. Con nghĩ làm người cư sĩ thì hiếm có được những dịp thảnh thơi như vậy!

Con đã được đón hai cái Tết tại Hồng Kông. Tết đến, các thầy và các sư cô cùng nhau gói và nấu bánh chưng bánh tét, thay phiên nhau ngồi trực qua đêm bên bếp lửa hồng, ca hát và  chuyện trò cho tới khi vớt bánh ra. Con thấy rất hạnh phúc. Sau đó chúng con đem bánh đi tặng bà con láng giềng và những mạnh thường quân. Mỗi lần nhớ đến, con cảm thấy ấm áp, trong lòng đầy những kỷ niệm đậm đà hương vị quê hương và tình huynh đệ. Khi con rời trung tâm để đổi tới một nơi khác, thật khó mà không quyến luyến nhau được. Sư em Công Nghiêm nói làm người xuất gia thì mình đã không còn tìm cầu danh vọng, tiền tài và sắc dục làm lẽ sống nữa, chỉ còn sống với tình thương và sự hiểu biết mà thôi.

Con rất trân quý cơ hội được làm một trong những mầm non trên đất cổ linh này, được cùng học hỏi, góp phần thành lập tăng thân bốn chúng. Điều con trân quý là được nếm đủ loại hương vị trong quá trình xây dựng tăng thân chứ không hẳn là những thành công hay thất bại. Khi chuẩn bị cho Tết hoặc Noel mình có nhiều niềm vui, nhưng thật sự có thể còn vui hơn ngày Tết hoặc Noel vì có không khí đón chờ, mong đợi và hiến tặng. Đối với con, hiện pháp lạc trú cũng có nghĩa là mình biết thưởng thức tất cả những giai đoạn từ quá trình khởi đầu, xây dựng và duy trì. Con xin chúc quý thầy và sư cô tiếp tục tu vui bên nhau, trân quý những giây phút có nhau để có được những kỷ niệm đẹp, nuôi dưỡng nhau và đi như một dòng sông mầu nhiệm trên những bước kế tiếp tại AIAB.