Lá thư Làng Mai 37 – 2014

Đây là giây phút huyền thoại

Chân Vĩ Nghiêm

Bữa cơm gia đình áo nâu tại EIAB
Bữa cơm gia đình áo nâu tại EIAB

Những giây phút được sống bên Thầy là những khoảnh khắc mầu nhiệm, các kỷ niệm đó đã đi vào huyền thoại, nhưng nó vẫn sống mãi trong trái tim con. Tình thầy trò đã nuôi dưỡng, chắp cánh cho nguyện ước ban đầu của con bay cao và bay xa.

Ngày trước, con chỉ được gặp Thầy qua những bài pháp thoại nên con chưa nếm được hương vị tình thầy trò ngọt ngào và sâu lắng mà Thầy đã cho chúng con. Con nhớ lần đầu lên Phương Khê con còn bỡ ngỡ, lơ ngơ không biết phải làm gì, chỉ đứng im nhìn quanh nhìn quất. Thầy hỏi chuyện, con thưa nhưng còn ngại ngùng và sau đó không lâu con được Thầy chỉ dạy rất nghiêm trong buổi pháp thoại xuất sĩ, con càng sợ hơn, và định tránh Thầy một tuần không dám gần. Không biết xui hay là hên nữa mà ngay trong tuần đó, con lại được làm thị giả Thầy và còn thường xuyên lên Phương Khê làm việc vào những ngày làm biếng, dù con có muốn tránh cũng không được, đúng là “tránh trời không khỏi nắng”. Nhưng càng ở gần Thầy, con càng thương kính Thầy nhiều hơn, con học được rất nhiều trong các bữa cơm, trong cách chỉ bày nho nhỏ nếu không chánh niệm, không để tâm thì mình khó nắm bắt được những thông điệp Thầy nhắn gởi trong những hành động, những câu nói đó. Con cảm nhận trong tình thầy trò, con nếm được cả tình cha con, cái cảm giác ấy rất quen thuộc, thân thương và ấm áp làm sao. Một không khí gia đình đầm ấm, và con tha hồ tắm, bơi lội nghịch ngợm trong suối nguồn hạnh phúc ấy.

Sau lần được dạy dỗ ấy, hình như Thầy biết con buồn và khóc nhè một ngày, nên hôm sau con tránh, con không dám đến gần Thầy, chỉ xá chào thôi, Thầy là người hỏi chuyện con trước, mỉm cười với con nhưng mặt con vẫn buồn xo. Thầy đến gần và đặt tay lên đầu con, như muốn dỗ dành, con cảm nhận tình thương của Thầy. Lúc đó con suýt khóc, nhưng cố nén lại, con muốn nói là con không giận Thầy đâu, con hiểu qua đó Thầy muốn dạy con, muốn cho con dễ thương hơn. Nhưng con không nói nên lời, chỉ cảm nhận thôi. Đang viết lại những dòng này, nước mắt con lại rơi vì hạnh phúc và cảm động. Con thường tự an ủi mình, tự nói với mình như cách Thầy thường nói: “Vĩ Nghiêm ơi, thở đi con, cười đi con, đừng khóc nhè nữa!” Nhiều khi con cũng mơ ước nếu được Thầy viết cho câu đó để mình treo trên bàn học, để nhắc nhớ mình mỗi ngày, nhất là những khi buồn, khi tủi thân mà thực tập thì hạnh phúc biết mấy.

Ngày hôm sau, con lại làm việc trên Phương Khê, nhưng không muốn ở lại ăn cơm, bởi con phải để các chị em khác tận hưởng “xôi nếp một, đường mía lau” ấy, nếu có thêm sư mẹ và con, thì Thầy lại sớt cơm cho chúng con, chăm sóc chúng con mà đáng lý ra cái diễm phúc ấy là của các chị em khác, nên con đi cửa Phương Khê ra ngoài đợi sư mẹ. Sư mẹ ra chào Thầy, Thầy bảo ở lại ăn cơm nhưng sư mẹ từ chối vì có Vĩ Nghiêm đang đợi ở ngoài xe. Con nghe sư mẹ kể lại, lúc đó Thầy khựng lại một chút. Nghe như thế lòng con lại nhói đau, con thương Thầy quá, có thể Thầy nghĩ con còn buồn nên lánh mặt chăng?

Con thấy mình là người may mắn, khi Thầy la, Thầy dạy thì Sư cô dỗ dành lắng nghe, phân tích cho con hiểu, và giúp con giải quyết những khó khăn mà con đang gặp phải, cởi bỏ được gánh nặng trong lòng để con vui sống với những phút giây hiện tại đẹp đẽ và mầu nhiệm. Sư cô kể lại những kinh nghiệm quá khứ, những ngày đầu mới xây dựng Làng để con hiểu và cảm thông hơn. Những câu chuyện Sư cô kể rất vui, thú vị nhưng nó lại làm nhẹ vơi nỗi lòng con.

Thầy cũng thế, sau những bữa cơm trưa, cơm chiều, Thầy thường kể chuyện, con nhớ những câu chuyện Thầy kể giúp con tháo gỡ và hiểu và thương kính Thầy nhiều hơn. Tấm chân tình Thầy dành cho tất cả các con rất sâu rất đậm. Con nhớ ngày đó Thầy kể về Văn Lang Dị Sử, Thầy nói tại sao Thầy viết phần cuối lại không để cho vua An Dương Vương giết Mỵ Châu, vì Mỵ Châu vô tư, trong sáng nên không biết mình nối giáo cho giặc, bởi Thầy muốn tránh tình trạng cha phải giết con. Con nghe đến đó, con thấm lắm và hiểu hơn tại sao Thầy đã dạy mình và thầm cảm phục cái ân đức cao dày ấy. Con ví Thầy là An Dương Vương và chúng con là những Mỵ Châu, đôi khi cứ vô tư, trong sáng quá mức lại làm Thầy nhọc lòng khó xử.

Trong những bữa cơm, Thầy luôn quan tâm từng người một, gắp thức ăn, sớt thêm cơm, gọt táo. Sự chăm sóc nho nhỏ đó làm con cảm động quá chừng. Thầy là một vị Thầy lớn, bậc Thầy đáng kính của Phật tử khắp nơi trên thế giới, nhưng với các con, Thầy gần gũi, giản dị, tự nhiên, Thầy làm cho các con với tất cả tình thương. Từ trong cách hành xử đó ẩn chứa đằng sau là một tấm lòng rộng lớn bao la, thương yêu không phân biệt, dung chứa được tất cả mọi người. Con thầm nghĩ, chỉ có Thầy mới làm như thế, Thầy là vị Thầy có một không hai trên thế giới, thường đệ tử phải xới cơm, dâng trà, gọt táo mời Thầy, không khi nào Thầy làm điều đó cho trò cả. Ngay trong gia đình, ba con dù ngồi bên cạnh nồi cơm mà ba vẫn đưa chén cho me hay các con xới cơm, nhưng Thầy đã làm điều đó cho các con. Giây phút đó mầu nhiệm và thiêng liêng làm sao! Có hôm Thầy bảo: “Vĩ Nghiêm đưa bát đây Thầy cho con thêm miếng cơm nữa”. Thật sự con đã no và từ chối, nhưng khi nhìn Thầy và con âm thầm đưa bát cho Thầy, xin Thầy cho ít thôi. Con đùa “ép dầu ép mở ai nỡ ép ăn”, đó là câu nói mà khi còn ở nhà con hay nói với me, khi bị ép phải ăn thêm, bởi tướng con “Xì ke” quá, Thầy cười hiền lành, “ừ Thầy ép cơm”. Những lúc đó trong con đều thầm nguyện rằng sau này con sẽ hành xử đẹp với các sư em, các thế hệ tương lai, như Thầy đã làm với chúng con. Hình ảnh đó đã in đậm trong tâm trí con, con được tưới tẩm mỗi khi được cùng Thầy ăn cơm, ngồi chơi nghe Thầy kể chuyện. Chỉ có làm người tu, làm con Thầy mình mới có những giây phút mầu nhiệm đó. Biết bao học giả, những nhân vật nổi tiếng, các doanh nhân khao khát được có một buổi uống trà với Thầy, nhưng rất hiếm hoi, thỉnh thoảng họ vẫn có, nhưng làm sao nếm được hương vị tình Thầy trò sâu sắc, đầm ấm dễ thương như vậy. Nếu họ muốn thì phải xuất gia thôi.

Thường trong những bữa cơm con đều được nghe những câu chuyện ngày xưa của Thầy khi Thầy còn là một người tu trẻ, có những câu chuyện rất lý thú như thư viện trên cây, tô bún nước tương hay lần đầu tiên Thầy học tiếng Anh, chỉ được học vài buổi với một ông thầy thôi. Hoặc có khi nghe Sư cô kể chuyện ngày xưa, khi mới xa quê hương, Thầy không có đủ áo quần để mặc, chỉ có cái áo tràng và vài bộ vạt hò cũ mèm. Lúc đó con nhìn Thầy mà thương quá, những gì chúng con tận hưởng hôm nay là cả một đời Thầy hy sinh vun đắp. Đến bây giờ Thầy vẫn giản dị như xưa, vẫn chiếc áo tràng nâu nón lá, vẫn thích ăn những món ăn dân dã mà người dân Việt Nam mình ưa thích như măng kho, dưa cải chấm nước tương, kim chi…

Ngày Noel, con lên Phương Khê sớm, vì là thị giả nên con được phép vào trước chào Thầy. Con kể đủ thứ chuyện cho Thầy nghe, con nói cho Thầy nghe về ước mơ của mình, Thầy cũng vui với ước mơ của con, Thầy còn nói mình sẽ thực hiện được giấc mơ đó ở Việt Nam, mình sẽ làm gì v.v… Đằng sau câu nói đó, con cảm nhận cái ân tình Thầy dành cho Việt Nam rất sâu nặng. Thầy luôn chắp cánh cho những ước mơ của các con, của tăng thân. Con đã và đang thực hiện giấc mơ ấy mỗi ngày phải không thưa Thầy?

Niềm hạnh phúc lớn lao của con là được thưởng thức món canh kim chi do Thầy nấu, ngon ơi là ngon, thơm ơi là thơm, hương vị chua chua cay cay đậm đà, nóng hổi, khi đã ăn được một lần rồi thì cứ muốn ăn hoài. Mỗi lần thấy Thầy vào tủ lạnh lấy hủ kim chi và tàu hủ là lòng con vui như hội, con nhủ thầm: “Trưa này được ăn canh kim chi của Thầy nữa rồi, thích quá đi.” Con cũng đi theo loay hoay lấy cái này cái nọ để học cách nấu món canh đó, nhưng con chưa nấu được, dù đã được ăn ba bốn lần. Thầy từng nói người nhà quê Việt Nam thường ví tình mẹ “như chuối ba hương, như xôi nếp một như đường mía lau”, với con tình Thầy cũng thơm cũng ngọt mà cũng có lúc chua cay nên con cũng muốn ví tình Thầy “như táo Fuji, như xôi nếp một như nồi kim chi” đầy đủ hương vị thơm ngon cay đắng ngọt bùi, nhưng càng nếm càng thích, nhớ mãi không thôi.

Con nhớ hôm cuối năm Thầy nấu canh kim chi gần xong thì Sư cô và con phải đi bưu điện gởi thư gấp, bưu điện ở Duras chỉ mở đến 12h trưa thôi. Khi con xin phép đi, Thầy nhìn con rồi nói: “Đi về sớm nghe con.” Con dạ mà lòng cảm thấy ấm áp lạ thường, ai cũng muốn đi nhanh về ăn cơm với Thầy để Thầy khỏi chờ. Thế nhưng ngày đó Sư cô và con lại đi lạc, cuối cùng về nhà trễ. Thầy đang dùng cơm với quý sư chị sư em, nhưng không quên để dành canh kim chi còn nóng cho Sư cô và con. Chúng con ngồi ăn cơm với Thầy vui vẻ trong bữa cơm gia đình cuối năm.

Có hôm Thầy nói: “Các gia đình thời nay thường không có các bữa cơm chiều quay quần bên nhau, họ chạy theo công việc và không có mặt cho nhau, nhưng thầy trò mình thì vẫn còn giữ được điều đó, và khi hướng dẫn cho các em nhỏ thực tập chánh niệm thì mình phải giúp cho các em biết cách tận hưởng, biết cách tạo niềm vui trong các bữa cơm chiều với gia đình. Điều đó rất văn minh, muốn được như vậy thì phải thực tập lắng dịu cảm xúc, cha mẹ không nên la các con trong các bữa ăn. Tội nghiệp các em nhỏ, khi bị la thì nó chỉ ăn trong buồn tủi, giận hờn. Ông bà ta ngày xưa có câu: “Trời đánh tránh bửa ăn.” Mỗi bữa cơm Thầy đều dạy thêm cho con một kinh nghiệm quý báu để con giàu có hơn, khi chia sẻ với các em nhỏ trong các chương trình trẻ em.

Con học được cách hành văn, cách edit sách của Thầy rất tự nhiên, rất khéo, chỉ cần bỏ bớt vài câu lủng củng không cần thiết, hoặc thêm một vài liên từ, hoặc thay thế một vài từ làm cho câu văn ý nghĩa hơn, gọn hơn và tự nhiên như của người viết. Không cần trau chuốt mà câu văn giản dị, trong sáng, nhẹ nhàng, khỏe khoắn, rõ nghĩa và suôn sẻ. Thầy không nói nhiều nhưng những gì Thầy làm đều là cách Thầy âm thầm chỉ cho con những vụng về và muốn con học để hoàn thiện chính mình. Cách hướng dẫn đó của Thầy rất ấn tượng với con, lâu lâu chỉ nói một câu thôi nhưng câu nói đó rất có giá trị, đánh động trái tim con, giúp con thay đổi nhận thức và làm lớn mạnh thêm bồ đề tâm.

Có nhiều ngày con dọn dẹp ngoài sân, nhìn thấy Thầy ngồi đọc sách bên bàn học cạnh cửa sổ, hình ảnh đó đẹp lắm, con cứ đứng ngoài trời lạnh để được ngắm nhìn. Có khi con nhè nhẹ đi vào phòng Thầy viết thư pháp để được chiêm ngưỡng những phút giây kỳ diệu. Dù con đi rất nhẹ nhưng Thầy vẫn biết có người phía sau, Thầy thường hỏi: “Ai đó?” Và câu trả lời luôn là: “Dạ thưa Thầy, con!” Thầy viết xong, con đem từng bức đi phơi. Thầy nói: “Thư pháp thầy viết không đẹp nhưng người ta thương thầy nên họ mua thôi”. Thật sự thì con thấy thư pháp của Thầy đẹp lắm, bởi con được ngắm cách viết của Thầy mới thấy được chân giá trị của nó. Nó đi ra một cách tự nhiên như chính hơi thở của Thầy, mỗi bức dù to hay nhỏ Thầy đều đặt hết lòng, hết tình thương và mong cầu cho người ngắm nó có được một thông điệp nhắc nhở họ quay về thực tập để có hạnh phúc bình an. Không phải nhà thư pháp nào cũng có thể làm được như Thầy. Họ có những lúc viết rất xuất thần, rất đẹp nhưng phải dụng công, đôi khi tập trung đến độ căng thẳng, họ thiếu chất buông thư, sự thực tập niệm định tuệ như Thầy. Thầy viết thư pháp cũng giống như lúc Thầy uống trà, đi thiền hành vậy, tự nhiên, buông thư bình an và hạnh phúc, nên bức nào cũng chứa đựng pháp thân mầu nhiệm của Thầy. Con đứng lặng yên chiêm ngưỡng giây phút tuyệt diệu đó, một bức tranh, một bức thư pháp không mực tàu giấy gió, nhưng đó là tuyệt tác của muôn đời.

Tình Thầy dành cho anh chị em chúng con rất nhiều, rất đẹp, mỗi phút giây đều trở thành một huyền thoại. Thầy đã tạo ra những câu chuyện rất bình dị đời thường nhưng những khoảnh khắc đó trở thành truyền kỳ. Đúng như câu thần chú mà chúng con hay đọc: “Đây là giây phút huyền thoại và truyền kỳ”.