Lá thư Làng Mai 37 – 2014

Bữa cơm trong văn hóa Việt

Thầy Minh Hy

Thầy Minh HyLúc còn nhỏ, khi nội con còn sống, con được học vòng tay mời bà, cha mẹ dùng cơm rồi sau đó mình mới ăn. Ba mẹ con vẫn thường nhắc con như vậy mỗi khi con quên. Lặng đi một thời gian, con vào chùa và không biết ở ngoài kia các cậu bé lớn lên có được học cái phép ấy trước khi ăn cơm không.

Hơn mười năm, đến khi con về với tăng thân, con ngạc nhiên lắm vì nét đẹp này đang được thực tập ở đây. Điều ấy đã đưa con về với tăng thân trong không khí của một gia đình. Các bữa cơm trong chùa rất trang nghiêm, sau ba tiếng chuông, mọi người niệm danh hiệu Bụt rồi dùng cơm trong im lặng. Ở đây, trong tăng thân con nhận thêm được sự ấm cúng và tình huynh đệ. Con đã nhìn lại và tự hỏi, tại sao cái nét đẹp ấy không còn được duy trì nhiều nữa trong bữa cơm của những gia đình. Có lẽ là do ở sự trao truyền và tiếp nhận.

Trong văn hóa Việt Nam, có nói nhiều đến sự kính trọng lẫn nhau. Đặc biệt là sự kính trọng của người nhỏ đối với người trên. Người nhỏ, trước khi đi đâu hay làm gì thì thưa trình với người lớn. Người nhỏ, thấy người lớn thì vòng tay chào trước. Người nhỏ, trước khi ăn thì mời người lớn rồi mình mới ăn. Người nhỏ mà không làm như vậy thì được xem là người thiếu học. Còn người lớn thì hình như được miễn cái phép ấy. Chính vì miễn cái phép ấy mà mình dần mất đi cái trao truyền. Không có cái trao truyền thì tất nhiên cái tiếp nối và phát huy cũng mất (cũng có khi chúng ta đòi hỏi sự kính trọng nhiều hơn là phải trao truyền).

Đôi đũa thần kỳ

Thầy là Thầy của chúng con, các sư anh, sư chị là anh chị của chúng, nhưng con thấy Thầy và các sư anh, sư chị làm điều ấy rất tự nhiên. Sau khi chắp tay quán niệm, Thầy nói: “Mời các sư con dùng cơm.” Có lúc Thầy dạy chúng con đọc câu thần chú thứ Năm trước khi ăn. Một sư cô, hay một sư chú chắp tay nói: “Thưa Thầy, thưa huynh đệ, đây là giây phút hạnh phúc.” Mọi người mỉm cười hạnh phúc, trân quý giây phút hiện tại thầy trò còn được ăn cơm bên nhau.

Lúc nào Thầy cũng ăn một muỗng cơm trắng trước, vì không muốn chúng con phải chờ. (Trong tu viện, chúng con được học là Thầy dùng cơm rồi mình mới dùng.) Thầy không bao giờ quên gắp thức ăn cho các sư con. Có món gì trên mâm cơm của Thầy thì Thầy đều gắp chia cho các sư con. Đôi đũa trong tay Thầy thật diệu kỳ. Lúc nào trên mâm cơm của Thầy cũng có một đôi đũa và một vài cái muỗng. Đôi đũa để gắp thức ăn cho các sư con, muỗng thì để dùng cơm, xới cơm… Bữa cơm mà không có một đôi đũa thì thiếu rất nhiều!!!

Ở ngoài xã hội có khi người ta muốn giữ cái nề nếp, sợ mất đi cái tôn ti trật tự mà phải giữ kẽ. Nhưng con thấy ở nơi Thầy và các sư anh, sư chị, cái mà các vị sợ mất đi là sự truyền thông, tình thầy trò, tình huynh đệ hơn là cái tôn ti kia. Nhưng thử nhìn lại xem, có cái gọi là nề nếp mà không có sự truyền thông thì sẽ thế nào? Có truyền thông, tình nghĩa rồi thì cái tôn ti, cái nề nếp có mất đi được chăng?

Uống nước nhớ nguồn

“Uống nước nhớ nguồn” hay “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, đó là những câu tục ngữ mà người lớn, trẻ em nào cũng thuộc. Khi là một người thực tập chánh niệm, được học cách ăn cơm trong tỉnh thức, con thấy con được thực tập những câu tục ngữ ấy ngay trong chính bữa ăn. Mỗi lúc ăn cơm, con tập nhìn để thấy bát cơm này từ đâu mà có. Lòng biết ơn trong con được nuôi dưỡng khi biết rằng tặng phẩm này là công phu lao tác của rất nhiều người và nhiều sinh vật. Có đất Mẹ, trời Cha, có tất cả, mà gần gũi nhất là những người nấu ăn hôm ấy. Lòng biết ơn có mặt giúp con biết mỉm cười hạnh phúc, biết dừng lại và chuyển hóa những tập khí trong tự tâm.

Một hôm, con có nội kết với một sư chú, trong lòng có sự bực bội. Đó là chuyện riêng, còn thời khóa của đại chúng con vẫn tham dự. May mắn làm sao, bữa cơm trưa ấy, con thực tập ăn cơm rất có chánh niệm. Trong lòng con có sự biết ơn đến đất Mẹ, đến đội nấu ăn. Bỗng nhiên con nhìn xuống nhà bếp và thấy sư chú, người mà con đang để tâm bực bội là người trong đội nấu ăn hôm ấy. Trong chốc lát, cái buồn giận trong con tan biến ngay. Lòng biết ơn cho con thấy rằng sư chú, người mà con đang bực bội đó có ghét con đâu, vẫn nấu cho con một bữa cơm thật ngon. Con mà còn giữ tâm niệm buồn giận này thì hết sức là vô lý.

Con biết quanh con, có những người thật dại dột. Họ ôm giữ cái giận, cái buồn về người thương của họ từ ngày này sang ngày khác, từ năm này sang năm khác. Có khi mười năm, hai mươi năm. Họ không biết rằng họ đang ăn cơm, mặc áo từ chính bàn tay và tấm lòng của người thương họ. Trong mười năm, hai mươi năm ấy, không biết họ đã ăn cơm, uống nước như thế nào? Chắc là họ chưa được học phép ăn cơm trong chánh niệm để nuôi dưỡng lòng biết ơn!

Nếu hỏi rằng, anh chị đi xa quê lâu ngày thì nhớ cái gì nhất? Có lẽ mọi người sẽ trả lời rằng: “Anh nhớ canh rau muống, chị nhớ cà dầm tương, em nhớ nồi khoai lang luộc, nhớ bếp lửa hồng và nhớ bữa cơm chiều khi mọi người quây quần với nhau bên ánh đèn dầu.” Vì có nhớ nên anh chị có thương. Có nhớ thương là có tình yêu. Anh chị yêu từng bữa cơm, từng con đường làng, từng ruộng lúa, bờ ao, cây khế, cây dừa… Và tình yêu quê hương, đất nước cũng bắt nguồn từ đó, từ  những kỷ niệm hạnh phúc của thời ấu thơ.

“Trời đánh tránh bữa ăn”

“Trời đánh tránh bữa ăn” là câu tục ngữ chứa đựng được tuệ giác và kinh nghiệm của cổ nhân. Nhưng cũng có những người, trong những buổi chiều đi ra đồng, họ đem theo những vắt cơm gói trong lá chuối. Khi trời nổi cơn dông, họ lấy những vắt cơm ấy ra ăn. Nghĩ rằng, trời có đánh cũng tránh mình ra! Họ hiểu rất bình dân. “Ông trời có đánh thì cũng tránh những lúc mình đang ăn, vì cơm này là do trời đất làm ra!” Còn mình đâu phải là “ông trời”, vậy mà có nhiều người đã làm hỏng cả bữa cơm. Những người ấy đã không biết làm hạnh phúc cho những người mình thương, cho gia đình mình trong các bữa cơm.

“Râu tôm nấu với ruột bầu, chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”. Vậy đó, bữa ăn không cần phải thịnh soạn mới hạnh phúc. Hạnh phúc là ở cái cách mình ăn và sự có mặt cho nhau trong bữa ăn. Người thương của mình đã vất vả để lo cho cái ăn, cái mặc nhưng khi cầm bát cơm lên mình ăn qua loa, vội vàng. Bữa cơm của mình chỉ vỏn vẹn trong năm phút, quá ít để thật sự có mặt trọn vẹn cho nhau. Mình cũng đừng quên rằng một lời “mời” nhiều hơn một mâm cỗ.

Những tập khí làm hỏng bữa ăn

Lớn lên ở miền nào thì mình thường thích ăn theo khẩu vị của miền đó. Đó là cái tập khí mà ông bà, cha mẹ đã trao truyền lại cho mình. Nấu khác vị đi thì mình cho là không ngon, lạ vậy đó. Mình có thể làm cho người mình thương không hạnh phúc vì cái thói quen ấy.

Thực tập sống chánh niệm giúp con chuyển hóa dần cái thói quen kia. Con học làm người thưởng thức, một người đi du lịch. Thưởng thức từng hương vị của mỗi món ăn và chỉ ghi nhận sự khác nhau đặc biệt của nó. Tuy vậy, tập khí và quan niệm về “ngon theo khẩu vị” trong con vẫn còn và lắm lúc con lỡ miệng nói ra một điều gì đó làm đội nấu ăn không vui. Như mùa Xuân năm nay, trong chuyến đi Hồng Kông, con đã thất niệm và cái tập khí lâu đời kia đã giúp con nhìn lại.

Hôm ấy, con đi dự một ngày quán niệm ở Centre on Behavioral Health và khi đi về thì mệt lắm. Đường xa, xe hỏng, chạy lòng vòng qua mấy ngọn núi, về đến nhà thì ước gì được ăn một món gì đó có nước cho đỡ mệt. Chiều hôm ấy đội nấu ăn mời đại chúng dùng món mì Ý. Trời! Làm sao mà ăn nổi nhưng cuối cùng cũng phải ăn, hơi vất vả. Hôm ấy con thất niệm lắm. Hai chị em cứ vừa chịu khó nhai vừa bàn về món ăn. Không biết rằng chủ nhân của món ăn đang ngồi bên cạnh. Chủ nhân không phản ứng gì, lặng lẽ rút lui, mãi sau đó con mới biết chủ nhân của món ăn rất buồn. Chủ nhân là một sư em người Pháp, nói tiếng Việt như người Mỹ nói tiếng Anh. Tối đến, khi con qua phòng sư em để chúc sư em ngủ ngon, con thấy sư em viết vội dòng cuối cùng và trao cho con bức thư. Con nghĩ rằng sư em muốn con xem giúp tiếng Việt của sư em.

“Con kính thưa thầy..! Con… đây! Ngày hôm nay con làm việc trong nhà bếp suốt ngày. Buổi sáng có bốn người nấu, nhưng buổi chiều chỉ có ba người. Buổi chiều, khi một sư chị nhờ con làm một món mì Ý, con đã hoan hỷ làm hết khả năng của con để cống hiến cho đại chúng. Vậy mà khi con nghe thầy cùng một sư chị khác chê thức ăn thì con hơi buồn một chút! Nếu thầy ăn thức ăn đó không được thì con chân thành xin lỗi. Bản thân con là người Pháp và từ khi còn nhỏ thường hay ăn kiểu này, cho nên chiều nay con thấy rất là ngon!

…Con xin đề nghị: khi nào thầy ăn thấy lạt, thầy có thể dùng thêm gia vị, và khi nào thầy thực sự ăn không được thì có thể đổ rác cũng được, mà không cần phải chê. (Đọc đến đây, thì con thấy rất là thương và xốn xang trong lòng). Nếu thầy có điều muốn góp ý, thầy có thể gặp đội nấu ăn trực tiếp và chia sẻ một cách khéo léo. Điều này sẽ nuôi dưỡng tăng thân rất nhiều. Như thầy đã biết, con là người Pháp mà ăn cơm châu Á mỗi ngày ba bữa trong khoảng một năm rưỡi rồi, nhưng khi có người hỏi: “Ở đây, thầy ăn được không?” Con luôn luôn trả lời: “Dạ, ở đây con ăn được, con xin cảm ơn.” Khi con thực tập như thế này, các anh chị em xung quanh hạnh phúc và con cũng hạnh phúc.

Con rất biết ơn thầy đã đọc những lời chia sẻ của con.

(Sư anh xin lỗi vì chia sẻ lá thư của sư em đến mọi người. Sư anh thấy nó rất nuôi dưỡng và có khả năng trị liệu. Tiếng Việt của sư em rất tuyệt vời.)

Vừa xấu hổ vừa thẹn lòng vì thói quen thất niệm, trước giờ chia tay để về lại Việt Nam, con đã thực tập thiền ôm với sư em. Kể từ ngày hôm ấy đến nay, đã hơn tám tháng, con chưa một lần dám mở lời chê một món ăn nào nữa. Món nào con cũng tập ăn với niềm vui và lòng biết ơn. Cám ơn sư em đã giúp con. Thầy đã dạy cho con thật nhiều nhưng sư em đã giúp con chuyển hóa. Đây là một bông hoa đẹp nhất mà con có được trong năm nay.

“Mặt trời xanh rờn
Một rổ rau tươi
Vạn vật nương nhau
Làm nên cuộc đời”

Dù ăn cơm ở bất cứ đâu, trong tu viện, nhà cư sĩ hay ở quán ăn, chúng con cũng đều thực tập chắp tay quán niệm, thở vào thở ra ba lần rồi mới dùng cơm. Trong các khóa tu tổ chức ở các trường đại học, resort… vào ngày cuối khóa tu, chúng con thường không quên mời đội nấu ăn tới để đại chúng nói lên lòng biết ơn đến những vị Bồ tát đã góp một phần lớn vào sự thành công của khóa tu.

Thông thường, mình hay dừng lại ở sự trao đổi. Mình là người bỏ tiền ra để mua bữa cơm, người bán cũng đã nhận tiền của mình, nên nhiều lúc ăn xong, mình trả tiền và đi, thiếu một lời cảm ơn. Nó sẽ thiếu hơn nếu hôm ấy giá hơi đắt và thức ăn không như mình muốn. Con thiết nghĩ, là học trò của Bụt chúng ta có thể đi xa hơn và làm giàu cho văn hóa của mình. Người Cơ Đốc giáo, các bạn ấy biết làm phép Thánh và tạ ơn Chúa trước khi ăn cơm. Là học trò của Bụt chúng ta cũng nên biết chắp tay quán niệm và biết ơn đất Mẹ, trời Cha, Tổ tiên đã cho mình cơm ăn. Tặng phẩm này không phải chỉ từ cha mẹ mà còn có cả đất Mẹ, trời Cha, tổ tiên đã tìm ra giống lúa, tìm ra cách chế biến. Một nắng hai sương của người làm nông, của người bán rau, người đánh cá v.v… và dù ăn chay hay ăn mặn mình cũng thực tập quán niệm được. Quán chiếu để thấy mọi loài đang nuôi dưỡng mình trong từng bát cơm, trong từng hơi thở để giúp mình nuôi lớn lòng biết ơn và ý thức trách nhiệm đến sinh môi, đến hạnh phúc, khổ đau của mọi người và mọi loài.

Ăn cơm chung