Lá thư Làng Mai 37 – 2014

Ước mơ của Wake Up

Chân Pháp Linh
BBT Chuyển ngữ từ tiếng Anh

Ban biên tập Lá Thơ Làng Mai mỗi năm đều nhờ con viết bài và mỗi lần như vậy con đều cảm thấy bối rối. Con nên viết về đề tài gì? Viết cho ai? Ai là độc giả? Những câu hỏi này thường khởi lên trong con. Năm nay ban biên tập đề nghị với con rằng: “Cứ viết về Wake Up!”. Nhưng con có quyền gì để viết về chương trình Wake Up (Thức dậy đi các bạn trẻ!) ? Các sư anh, sư chị muốn biết Wake Up là gì và con trả lời rằng: “Vâng, con cũng muốn biết nữa – con ước gì ai đó sẽ nói cho con biết!”

Nhưng sáng nay khi thức giấc, con nhận ra rằng mặc dù con không thật sự biết Wake Up là gì, nhưng ít ra con cũng có một vài “quan điểm” có thể chia sẻ với các anh chị em trên toàn thế giới, trong tinh thần nghiên cứu khoa học và với hy vọng rằng những người khác nhờ thế mà có cảm hứng chia sẻ những quan niệm và tuệ giác của họ. Và có thể các bạn sẽ sớm thấy rằng những quan điểm của con hoàn toàn sai lầm. Nhưng đó cũng là một trong những cách mà khoa học đạt được những bước tiến mới. Ít ra thì con cũng hy vọng các bạn sẽ cảm thấy vui với những chia sẻ này.

Hoạt động Wake Up tại Ấn Độ
Hoạt động Wake Up tại Ấn Độ

Có một điều rõ ràng đối với con là thời điểm bắt đầu chương trình Wake Up không phải là vào khóa tu mùa Hè năm 2008. Trước đó, các thầy lớn và các sư cô lớn như sư cô Mai Nghiêm, sư cô Tôn Nghiêm tại Làng Mai cũng như các sư cô Châu Nghiêm, Đẳng Nghiêm, Hành Nghiêm, các thầy Pháp Hải, Pháp Dung, Pháp Trạch, Pháp Lai, Pháp Lưu và các vị khác ở tu viện Lộc Uyển đã từng tổ chức các khóa tu cho người trẻ và sinh viên Đại học trong nhiều năm rồi. Các khóa tu này đã trở nên đông đảo và được giới trẻ Tây phương ưa chuộng. Không những vậy, tại Việt Nam và các nước châu Á khác, có thể nói hầu hết các khóa tu đều là khóa tu dành cho người trẻ, vì Sư Ông là một người trẻ và giáo lý Sư Ông dạy luôn thu hút được người trẻ.

Chính vì vậy cho nên trong khóa tu mùa Hè năm 2008, khi Sư Ông dạy sư cô Hiến Nghiêm và con đứng lên  để “thông báo” sự ra đời của phong trào Wake Up, đó chỉ là một cái mẹo (tuy nhiên lúc đó chúng con đã không nhận ra). Con gọi đó là cái mẹo vì Wake Up đã từng có mặt rồi, nên đâu cần phải sinh ra? Sau này khi nhìn lại, con tự hỏi có thể nào các thầy các sư cô lớn đã thấy được điều này và đã mỉm cười với nhau trong lúc chúng con mở lời “thông báo”.

Sư Ông và tăng thân đã luôn “hoạt động” Wake Up và khi nhìn lại những gì Sư Ông đã làm được trong suốt cuộc đời của Người, con hiểu được Wake Up thực sự là gì. Sư Ông vẫn thường luôn xây dựng cộng đồng, xây dựng với những chất liệu đặc biệt là óc sáng tạo, tuổi trẻ, sự tự do và chất liệu quan trọng hơn hết – một chất liệu vô cùng mầu nhiệm – đó là tình huynh đệ, cái mà thầy Mãn Tuệ gọi là Sanghahood (tình Tăng thân).

Có một ngày khi nhìn lại, con chợt nhận ra là Sư Ông và Sư cô Chân Không đã sáng tạo ra, hay nói đúng hơn là làm biểu hiện ra Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội (TTNPSXH), 14 Giới Tiếp Hiện và Đại Học Vạn Hạnh gần như trong cùng một khoảng thời gian. Ba sự kiện trên cần đi chung với nhau, như trí tuệ đi đôi với hành động. Cái thấy này khiến cho con tự hỏi: có thể nào đây là một sự ngẫu nhiên khi Sư Ông đề nghị chúng con phát động phong trào này cho tuổi trẻ cùng lúc với sự biểu hiện của Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu (European Institute of Applied Buddhism – EIAB) và Năm Giới Tân Tu? Chắc hẳn là TTNPSXH đã luôn có mặt trong Wake Up. Đối với nhiều người trong chúng con, chí hướng và nguồn năng lượng của TTNPSXH luôn là ngọn lửa trong trái tim của Wake Up.

Cho nên có thể thấy được rằng Wake Up chỉ là một hóa thân của TTNPSXH – một biểu hiện từ ước nguyện sâu kín của Sư Ông và của nhiều thế hệ tăng, ni và cư sĩ trẻ ở Việt Nam. Chúng ta có thể nói rằng Wake Up là một ước nguyện, thay vì là một tổ chức – ít nhất đó cũng là cái nhìn của con. Được sinh hoạt trong Wake Up cho con cơ hội khám phá, tiếp xúc và phơi bày ước nguyện của con mà từ lâu đã bị chôn vùi dưới nhiều lớp khổ đau và rối rắm của tâm thức.

Con nghĩ điều mong ước của chúng con – những người đã và đang tham gia vào Wake Up – là Wake Up cần trở thành một nơi mà mọi người có thể đến và nếm được tình huynh đệ, một mảnh đất màu mỡ để làm nên những hành động tập thể, như TTNPSXH đã là. Người trẻ ở khắp nơi đang mong muốn thay đổi xã hội vì họ thấy trong xã hội có bạo động, bất công, hiểu lầm và khổ đau gây ra do lòng tham và sự thúc đẩy sai lầm về hướng tiêu thụ.

Khoá tu Wake Up tại Thái Lan
Khoá tu Wake Up tại Thái Lan

Khi con mới về Làng Mai, con là một thanh niên 19 tuổi với nhiều tuyệt vọng, đau buồn và chán đời. Tâm con đầy trầm cảm, rối rắm và hoàn toàn chưa được huấn luyện. Con không biết cách để tiếp xúc, thấy được hoặc hiểu được ước nguyện của con, nói gì đến việc thể hiện qua hành động.

Có lẽ nhiều người trẻ cũng như con, khi tìm đến với pháp môn thực tập cần phải được trị liệu để xây dựng lại niềm tin nơi chính mình, nơi con người, niềm tin nơi những giá trị chân thiện mỹ bên trong và xung quanh họ trước khi họ có thể dấn thân.

Vì vậy Wake Up có thể đóng vai trò là một nơi mà người trẻ có cơ hội kết nối, xây dựng lại chính mình và  trở thành một phần của cộng đồng đó. Cũng từ nơi đây họ nhận ra rằng có lẽ từ lâu họ đã có ước muốn sâu sắc và mạnh mẽ để xây dựng một cộng đồng như thế. Khi đã kinh nghiệm được một ít sự trị liệu trong tự thân, những người trẻ này có thể phát khởi ước muốn hiến tặng không gian ấy cho người khác, những người như họ trước đây cũng đang chìm đắm trong cơn lũ của tuyệt vọng, đam mê và sự tiêu thụ quá độ. Với cách nhìn đó, Wake Up có thể được hiểu như là một sự tiếp nối ước nguyện của Bụt, đó là làm cho mình thức tỉnh (tự giác) và giúp cho mọi người thức tỉnh (giác tha). Wake Up!

Một điều khác cũng rất rõ ràng là chúng ta không thể thực hiện điều này một mình. Bụt cũng như Sư Ông đã từng dạy chúng ta như vậy. Chúng ta cần tìm các thiện tri thức để yểm trợ và để cùng nhau đi tới. Là người xuất gia, chúng con rất may mắn được đi trên con đường của trị liệu và chuyển hóa, lại được sự nâng đỡ của các huynh đệ trong tăng thân. Với sự nâng đỡ này, chúng con có thể hiến tặng tình thương và trái tim đến cho các bạn trẻ một cách rất tự nhiên và với nhiều niềm vui, trong các ngày Quán niệm cũng như trong các khóa tu.

Chúng con không thấy trở ngại gì trong vấn đề giúp đỡ các bạn trẻ thiết lập tăng thân ở khắp nơi. Đôi khi những gì các bạn cần chỉ là một vài lời động viên khích lệ. Chỉ cần biết là việc này có thể làm được và có những người đi trước đã thành công cũng đủ để các bạn khởi sự. Nếu chúng ta có thể đưa ra một vài gợi ý, chẳng hạn như việc tổ chức một buổi thiền hành với bạn bè ở công viên hoặc một buổi ăn cơm chay trong im lặng thì các bạn sẽ thấy ngay rằng đó là những điều mà mình hoàn toàn có thể thực hiện được.

Con nhớ lần đầu đến đại học Cambridge (tại Anh quốc) để được phỏng vấn xin nhập học, lúc đó con mới 16 tuổi. Hôm ấy là một trong những ngày hạnh phúc nhất đời con. Con rất hào hứng vì cuối cùng đã đến được nơi mà con có cơ hội sẽ được gặp những con người phi thường, đầy cảm hứng, có óc sáng tạo, hiếu kỳ, phóng khoáng – những tâm hồn tri kỷ muốn khám phá những điều mới lạ, muốn am hiểu cuộc đời, vũ trụ và vạn vật, và để đóng góp xây dựng một thế giới tốt hơn. Lúc ấy con rất vui và có nhiều năng lượng vì ý niệm sẽ được làm quen với những nhân vật phi thường này.

Hai năm sau đó, sau khi mẹ con qua đời được sáu tháng, con trở thành sinh viên của đại học Cambridge. Con bắt đầu cảm thấy giấc mơ của mình đang dần tan vỡ và con cảm thấy ngột ngạt với bầu không khí nơi đây. Thay vì tìm được những người phi thường có nhiều cảm hứng, con chỉ tìm thấy những người trẻ – vốn đã quen gây sức ép với chính mình và cũng chịu sức ép từ cha mẹ và các giáo sư – đang chạy theo một mục đích duy nhất là tranh đua để được là  người giỏi nhất, thông minh nhất, thành công nhất – làm “number one”. Họ đều theo đuổi ý niệm đó và con, có lẽ vì thiếu ý thức, cũng trở thành như họ.

Nhưng vì ước vọng muốn tìm và gắn kết lại những người cùng chí hướng còn mạnh mẽ trong con nên con đã bắt tay vào việc. Con rất hổ thẹn vì đã hoàn toàn sao lãng việc học hành trong giai đoạn này. Tuy nhiên con đã may mắn tìm được một nhóm người tuyệt vời, liêm chính và có cùng mơ ước như con, có thể nói là hay hơn và rõ ràng hơn con. Một trong những người này là Natasha (nay là sư cô Hiến Nghiêm). Chúng con bắt đầu lập nên nhóm bạn này, nhưng hoài bão của chúng con còn chưa đầy đủ. Chúng con tưởng rằng chỉ cần đem những con người tuyệt vời này về với nhau dưới cùng một mái nhà là đủ rồi. Tuy nhiên, điều mà chúng con chưa nhận ra được là mình cần phải có một phương pháp thực tập, cần sự huấn luyện. Thiện chí, mơ ước và năng lượng  vẫn chưa đủ, chúng con cần một nền tảng đạo đức, một con đường và một vị thầy hướng dẫn.

nhóm Wake Up ngồi thiền tại Paris
nhóm Wake Up ngồi thiền tại Paris

May mắn thay, một năm sau con tìm được Thầy và Làng Mai, cuộc đời con bắt đầu thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Lúc đầu con còn tưởng mình là một dạng thiền sư và ra sức hướng dẫn bạn bè mình trong đó có sư cô Hiến Nghiêm. Con muốn giải quyết hết mọi vấn đề của họ với “tuệ giác” mới đạt được của con. Đương nhiên con đã chỉ tạo thêm rối rắm và khổ đau cho chính con và cho người khác.

Nhưng dần dần năng lượng của Làng Mai có tác động tốt đến con và con bắt đầu hiểu ra thêm được một chút. Natasha lúc đó đã hết nghi ngờ về một nơi xa lạ ở nước Pháp đã làm cho người bạn trai của cô ấy trở thành một người ăn chay trường. Cô chấp nhận tham dự một khóa tu tại Xóm Mới. Từ đó trở đi, tất cả đều trở nên rất rõ ràng, chúng con đều thấy rằng sự thực tập sẽ giữ vị trí trung tâm trong cuộc sống của chúng con.

Theo năm tháng, ước nguyện của chúng con ngày càng lớn dần lên, cho đến lúc chúng con nhận thấy rằng nếp sống tại gia quá chật hẹp cho chúng con. Điều “điên rồ” nhất mà chúng con đã nghĩ đến là gia nhập vào cộng đồng xuất sĩ và chúng con đã làm được điều đó. Con cũng thấy rằng vì chiều dày khổ đau của con quá lớn và tập khí cũng quá nhiều, cho nên nếu có muốn xây dựng một cộng đồng con cũng sẽ thất bại, trừ khi con được rèn luyện kỹ càng.

Ngày hôm trước con khám phá một điều mà con nghĩ rằng rất lý thú và tuyệt vời, nhưng hóa ra đó lại là một sai lầm hết sức thê thảm. Con vẫn xin chia sẻ ở đây vì chuyện rất buồn cười và có thể giúp quí vị hiểu con hơn. Con được nghe qua chuyện Bá Nha Tử Kỳ mà Sư Ông đã kể nhiều lần. Bá Nha là một nhạc sĩ tài ba nhưng thường nghĩ rằng không ai hiểu được nhạc của mình; cho đến một hôm gặp được Tử Kỳ. Tử Kỳ thấu hiểu hoàn toàn tâm trạng của người nhạc sĩ này và hai người đã trở thành tri kỷ của nhau. Sau một thời gian không lâu, Tử Kỳ qua đời, Ba Nha cắt dây và đập vỡ cây đàn của mình, không bao giờ chơi nhạc nữa vì cảm thấy rằng sẽ không còn ai trên thế gian xứng đáng nghe tiếng nhạc của mình.

Trong câu chuyện trên, tác giả giải thích rằng không những tình trạng này xảy ra cho giới nhạc sĩ mà cũng xảy ra cho nhiều nhân tài, hiền giả. Tác giả cho rằng lý do những người này mất niềm tin và tuyệt vọng không phải là vì không có những người khác tài năng như họ trong cuộc đời mà là vì họ khó có cơ hội được gặp gỡ và tìm ra “tri kỷ” của mình. Con để ý đến chữ 䁂 Hiền trong tiếng Hán có nghĩa là người tốt hoặc một người có phẩm chất tốt; và chữ 接 Tiếp trong tiếng Hán có nghĩa là tiếp xúc, gặp gỡ. Nhưng vì không hỏi hoặc kiểm chứng với ai, con đã kết luận rằng hai chữ này chắc là hai chữ Sư Ông đã chọn cho dòng tu Tiếp Hiện. Con đã không để ý kỹ cách phát âm cho đúng. Ai cũng biết rằng cách phát âm đúng là Tiếp Hiện, 現 Hiện có nghĩa là thực hiện và làm cho có mặt bây giờ và ở đây; chứ không phải là 接賢 Tiếp Hiền, không có nghĩa gì cả. Tệ hơn nữa, không những đã hiểu sai chữ Hiện, con còn hiểu lầm cách Sư Ông dùng chữ Tiếp. Dường như Sư Ông dùng chữ Tiếp theo hai nghĩa; một là tiếp xúc, không hẳn là tiếp xúc với con người mà là tiếp xúc với thực tại. Nghĩa thứ hai là tiếp nối, như tiếp nối sự nghiệp giác ngộ, tiếp nối các đức Bụt và Bồ tát. Vậy thì giả thuyết của con hoàn toàn thật sự tan vỡ và sụp đổ rồi. Như đã thấy, khả năng hiểu Hán-Việt của con còn giới hạn.

Trước khi được một sư anh chỉ cho sự lầm lẫn này, con hoàn toàn thỏa mãn với cái “khám phá” của mình và còn cố gắng làm cho nó trở nên một công trình đồ sộ. Bây giờ thì con biết nó hoàn toàn vô lý và con cần khiêm tốn hơn và học hành kỹ hơn. Nhưng có lẽ con có thể cứu vớt được phần nào đống gạch vụn của tri giác sai lầm ấy. Mặc dầu câu chuyện xưa rõ ràng không dính dáng gì đến dòng Tiếp Hiện, nhưng có thể dính dáng đến Wake Up, dù chỉ là đối với con thôi. Vì ít ra sự việc vẫn đúng: là con luôn có giấc mơ đi tìm, gặp, kết thân và tạo cơ hội đến với nhau giữa những người tốt, hiền và uyên bác. Cho nên câu chuyện xưa ấy tạo rất nhiều cảm hứng cho con. Vì nếu không tìm được nhau, không liên kết và đến với nhau, chúng ta sẽ mất đi niềm tin và rơi vào tuyệt vọng; giống tình trạng gần như xảy ra cho con khi còn học ở Cambridge.

Con tin rằng đối với nhiều người trong chúng ta, việc gìn giữ cho ngọn lửa của tình huynh đệ luôn sáng mãi chính là ước nguyện trong trái tim, là giấc mơ giúp chúng ta đi tới. Xây dựng Wake Up cũng giống như nhóm lửa. Nếu ai đã từng xem Sư Ông nhóm lửa thì biết rằng Sư Ông nhóm lửa rất hay. Và tất cả chúng ta đều biết – vì Sư Ông đã dạy điều này rất kỹ – rằng ngọn lửa không sinh, không đến từ hư vô, mà chỉ biểu hiện khi điều kiện đầy đủ. Vậy thì ngọn lửa Wake Up đã luôn có mặt đó và Sư Ông đã có thể nhận ra được giây phút khi các điều kiện đã hội tụ đầy đủ để làm cho nó biểu hiện trở lại.

Và giờ đây Wake Up đang lớn lên, ngọn lửa trong tim chúng ta có thể được trao truyền đi. Ngọn lửa ấy đã được trao truyền cho chúng ta từ Sư Ông và từ Tổ tiên chúng ta. Giờ đây chúng ta lại tiếp tục trao truyền cho những người khác, làm sống dậy tia lửa còn đang ngủ trong tim các anh chị em và các bạn ở khắp nơi trên thế giới. Chúng ta cũng nên ý thức rằng ngọn lửa vừa sống dậy và đang lớn mạnh ấy, cũng như các tăng thân tu học đang mọc lên khắp nơi, những cái thấy sâu sắc, sáng tạo và niềm vui của hơn sáu mươi tăng thân Wake Up trên thế giới, không phải là một mà cũng không phải khác với ngọn lửa đã và đang cháy sáng trong tim các vị cựu tác viên của TTNPSXH trong thập niên 1960. Wake Up là sự tiếp nối của các vị ấy; là con đường cho tuổi trẻ tìm về với nhau, tu học chung với nhau, dấn thân và phụng sự cùng nhau. Những mẩu chuyện về TTNPSXH tiếp tục gây cảm hứng và thúc đẩy tuổi trẻ trong phong trào Wake Up và nhiều bạn trẻ đang thực tập để tiếp nhận 14 giới Tiếp Hiện và để trở thành những thành viên của dòng tu Tiếp Hiện.

Chính vì vậy cho nên chúng con rất vui khi nghe chuyện các sư cô Hành Nghiêm, Mai Nghiêm, Sinh Nghiêm và các thầy Pháp Chứng, Pháp Giao tổ chức những buổi thiền đi và thiền ngồi đột xuất (flashmob) tại trung tâm thành phố ở Hồng Kông, hoặc một ngày Wake Up mỗi tháng tại tu viện Liên Trì. Ngoài ra tăng thân Wake Up Hồng Kông họp mặt mỗi tuần hai lần ngay tại thành phố. Chúng con cũng nghe về các khóa tu Wake Up ở vùng núi đồi Thái Lan và ngày Quán niệm Wake Up ở Bangkok do các sư cô Trừng Nghiêm, Đăng Nghiêm, Trăng Tùng Hạc, Trăng Huyền Thoại, các thầy Pháp Lâm, Pháp Biểu, Pháp Thệ, sư chú Trời Độ Lượng cùng các thầy, các sư cô khác tại PakChong tổ chức.

Chúng con rất hạnh phúc khi tiếp xúc với năng lượng và niềm vui trong giọng nói của sư cô Tại Nghiêm, sư cô Sáng Nghiêm và sư chú Trời Phạm Hạnh khi kể chuyện về khóa tu Wake Up tại Làng vào cuối mùa Hè; hay khi nghe sư chú Trời Ngộ Không kể về khóa Wake Up trong vùng sa mạc Israel; hoặc khi thưởng thức một CD nhạc do sư cô Hài Nghiêm và các bạn trẻ thâu thanh trong một khóa Wake Up có chủ đề “Music We Are” ở EIAB. Chúng con cũng nghe sư chú Pháp Lý và sư cô Sứ Nghiêm kể về khóa Wake Up vui vẻ và nhộn nhịp của các bạn trẻ gốc Pháp và Việt tại thiền đường Hơi Thở Nhẹ ở Paris.

Khi nghe ở đâu đang có khóa Wake Up, khi thấy những trang quảng cáo đẹp mắt trước khóa tu và những tấm ảnh vui nhộn sau khóa tu, chứng kiến được ngọn lửa của tâm Bồ Đề đang rực sáng trong lòng các thầy, các sư cô và các bạn trẻ quanh thế giới, chúng con biết rằng ngọn lửa đang được truyền đi từ, trái tim đến trái tim, và giấc mơ ngày nào đã thành hiện thực rồi. Giờ đây những tia lửa ấy đang lan rộng ra từ tăng thân Wake Up này qua tăng thân Wake Up kia. Chúng ta cũng có một diễn đàn trên mạng lưới toàn cầu, nơi mà các thành viên nòng cốt cư sĩ và xuất sĩ có thể vào để chia sẻ giấc mơ và ước nguyện của mình.Chúng con thấy rất vui khi một vị ở Wake Up New York đặt một câu hỏi và các vị ở Wake Up London, Barcelona, Bangkok, Seoul và Tokyo đóng góp vào để chia sẻ kinh nghiệm và đề nghị. Sư Ông thật sự là người nhóm lên ngọn lửa ban đầu, một người biết cách xây dựng tăng thân. Sư Ông chỉ cần đề nghị những gì nên làm trong chuyến hoằng hóa Wake Up ở châu Âu và bây giờ nhiều chuyến hoằng hóa đang diễn ra ở khắp nơi.

Sau khi thấy những gì thầy Pháp Tử làm được trong những ngày Quán niệm và trong các khóa tu cuối tuần tại một vài trường đại học ở Indonesia, chúng con nhận biết rằng chúng con cũng có thể làm được như vậy tại Anh quốc. Như để khuyến khích chúng con, Sư Ông dạy rằng: “Xét cho cùng, Indonesia cũng đâu phải là nước theo đạo Bụt!” Bây giờ chúng con đã có hai chuyến hoằng hóa Wake Up ở Anh quốc, hai hoặc ba chuyến tại Ái Nhĩ Lan, một sang Tây Ban Nha, hai ở Ý và một chuyến hoằng hóa quy mô tại ven biển miền đông Hoa Kỳ nhờ vào sự cảm hứng và năng lượng của thầy Pháp Lưu và sư cô Thệ Nghiêm.

Sau đó một năm, thầy Pháp Hộ, thầy Chỉnh Quang, sư cô Bội Nghiêm, sư cô Phú Nghiêm và các vị xuất sĩ khác ở tu viện Lộc Uyển đã tổ chức hai chuyến Wake Up tại tiểu bang Cali và vùng tây bắc Hoa Kỳ. Thầy Pháp Siêu và sư chú Trời Bảo Tích cũng đã cố gắng sắp xếp vài buổi họp mặt Wake Up năm vừa qua trong chuyến đi Ấn Độ và Bhutan. Kết quả bây giờ đã có một tăng thân Wake Up tại Bhutan và tăng thân ấy đã tổ chức được một trại hè Wake Up ở đó. Thực tế là hầu hết các khóa tu Wake Up đều đưa đến sự ra đời của các tăng thân Wake Up. Các tăng thân này hiện đang phát triển mạnh mẽ và đang tự tổ chức những ngày Quán niệm và các khóa tu.

Năm nay thầy Pháp Vũ, thầy Pháp Mãn và một số các sư cô của tu viện Bích Nham đang dự tính một chuyến Wake Up ở vùng trung-tây Hoa Kỳ. Các thầy Pháp Dung, Pháp Nguyện, Pháp Khải, các sư cô Đẳng Nghiêm, Bách Nghiêm, Bội Nghiêm, Bạch Nghiêm đang chuẩn bị cho chuyến Wake Up tại châu Mỹ vào mùa xuân này cho các bạn trẻ gốc Việt ở Canada và Hoa Kỳ. Thầy Pháp Hải đang bàn về một chuyến Wake Up cho nước Úc và thầy Pháp Lưu đang tổ chức một chuyến Wake Up cho sáu nước ở nam Mỹ vào mùa Thu. Sư cô Sáng Nghiêm và sư chú Trời Phạm Hạnh đang đợi thêm vài điều kiện thuận lợi nữa để biểu hiện một chuyến Wake Up cho Bỉ và Hòa Lan. Có tin đồn rằng sẽ có một chuyến Wake Up tại châu Á, đúng vậy không thưa thầy Pháp Khả, sư chú Trời Kỳ Ngộ, sư cô Tuyết Nghiêm, sư cô Nghĩa Nghiêm? Nếu được như thế thì vui quá – xin nhớ mời chúng con cùng tham dự nhé!

Vậy Wake Up cũng là một cách để đem người trẻ Tây phương và Đông phương đến gần cộng đồng xuất sĩ hơn; nhờ đó có thể tạo cảm hứng cho họ gia nhập vào đoàn thể những người xuất sĩ. Sư chú Trời Hiện Tại đã làm như thế sau khi tham dự chuyến Wake Up ở miền đông Hoa Kỳ. Khi con mới về Làng lần đầu 15 năm trước đây, nếu quí vị cho con biết rằng cuối cùng con sẽ trở thành một thầy tu thì chắc con đã chạy trốn rồi. Lúc đó con còn nghi ngờ về các “tổ chức tôn giáo”. Cụm từ này gần như có nghĩa xấu tại Tây phương – gần giống như một giáo phái có tính cách sùng bái hoặc tẩy não.

Các tổ chức tôn giáo thường bị đổ lỗi cho rất nhiều tội vì đã gây ra không biết bao nhiêu là khổ đau trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại. Cho nên tuổi trẻ như những con thú hoang ở gần cạm bẫy, họ có nhiều nghi ngờ, luôn phòng thủ và nếu có ai có ý khuyến dụ họ tham gia một tổ chức nào đó, họ liền chạy mất. Vì vậy khi giới thiệu chương trình Wake Up đến với người trẻ tại Tây phương, chúng con cố gắng thể hiện việc này qua hành động Wake Up và cách sống Wake Up thay vì giải thích về Wake Up.

Chúng con được nghe rằng tăng thân Wake Up Bangkok đã tổ chức thiền xe đạp ở công viên, hoặc tăng thân Wake Up Seoul thâu hình và nhạc bài “Thở vào thở ra”, hay tăng thân Wake Up Hòa Lan thiết lập ngày Quán niệm trượt sóng, tăng thân Wake Up London phối hợp một buổi liên hoan nhạc và thể dục nhịp điệu, tăng thân Wake Up New York thiết lập chương trình chăm sóc các em thiếu niên. Khi nghe như vậy, chúng con biết các bạn ấy đã hiểu – đó chính là Wake Up.

Thế thì đây là lần đầu tiên con cố gắng giải thích về Wake Up và cảm thấy việc làm này hơi kỳ lạ. Con nghĩ điều này cũng đúng với các anh chị em thành viên khác. Tốt hơn hết là cứ để Wake Up tự trưởng thành và tương tức với những gì nó đang là; đang biểu hiện từ những giấc mơ chung, những ước nguyện và những hoạt động lành mạnh của thế hệ trẻ và của các thầy, các sư cô trên thế giới.

Thường thì một buổi họp mặt Wake Up tự nó xảy ra, thay vì cần phải sắp xếp trước đó. Nên khi nghe rằng có một căn nhà cho Wake Up nơi mà người trẻ có thể về sống và thực tập chung ở Austin, tiểu bang Texas, chúng con nói với nhau rằng: “Tuyệt hảo! Một căn nhà Wake Up! Sao mình đã không nghĩ ra sớm?” Bây giờ đó đây đã có vài căn nhà Wake Up rồi; như Gate house ở tu viện Lộc Uyển, một ở Los Angeles, một ở San Diego. Ở những nơi này, các bạn trẻ tổ chức để cùng chung sống và tu tập với nhau, cam kết sống trong tình anh chị em và thực tập Năm giới.

Thú thật, phần lớn những gì hay nhất về Wake Up thường do các bạn trẻ phát kiến cả. Chúng con chỉ nghe kể lại sau đó thôi. Ví dụ như những buổi thiền tập đột xuất (flashmob), dường như tăng thân Wake Up London đã bắt đầu trước. Sau đó khắp nơi đều làm, như ở New York, Barcelona, Hồng Kông, Rome, Tokyo, Amsterdam, Paris, LA… đây là chỉ đề cập một số địa điểm thôi. Ngay cả Sư cô Chân Không cũng đã tham dự một buổi thiền flashmob ở Union Square tại New York với hơn 300 người. Con nghĩ ai cũng cảm nhận rằng Sư cô lúc ấy là người trẻ nhất và “ngầu” nhất!

Vậy chúng ta đừng để Wake Up trở thành một “tổ chức tôn giáo”. Hãy đừng cố giải thích thật sự Wake Up là cái gì hoặc không phải là cái gì; bởi vì Wake Up không phải là một tổ chức mà cũng không phải vô tổ chức. Wake Up tự nó tổ chức như cuộc đời, như thiên nhiên, biểu hiện một cách tương tức nhờ sự đóng góp của nhiều thành phần. Và nếu có dính dáng gì đến tôn giáo, hãy để nó mang những ý nghĩa xưa nhất và đẹp nhất của cụm từ ấy; tuy đôi lúc có khác nhau hoặc mâu thuẩn nhau. Theo tiếng La tinh, từ tôn giáo, religare, có nghĩa là buộc chặt, kết hợp, kết nối; religionem, nghĩa là sự tôn trọng cho những gì thiêng liêng; hoặc religiens, cẩn trọng, có chánh niệm. Sự tôn trọng đối với những gì thiêng liêng cần bao gồm lòng tôn trọng lẫn nhau và đối với Đất Mẹ. Chúng ta trau dồi những phẩm chất này bằng sự thực tập Năm giới. Vậy Wake Up có thể được định nghĩa như là một sự tự tổ chức và phối hợp giữa những người trẻ hiền, lành và tài năng để trau dồi lòng tôn kính cho những gì thiêng liêng bằng sự thực tập Năm giới. Hoặc như Sư Ông đã định nghĩa – đoàn thanh niên Phật tử (và không Phật tử) phục vụ cho một xã hội lành mạnh và từ bi.

Đương nhiên, người trẻ hiền, lành và tài năng đầu tiên ta cần tiếp xúc và kết nối với là chính ta. Sư Ông đã dạy chúng ta biết bao lần rằng ta phải là tri kỷ của chính ta. Theo ý này, con không cần phải đi đâu hoặc làm gì để tham dự vào Wake Up cả. Cuộc sống xuất sĩ của con đang là Wake Up rồi. Chải răng chính là Wake Up, mở cửa là Wake Up, ngồi với anh chị em trong thiền đường là Wake Up và thức dậy mỗi buổi sáng cũng có dính dáng đến chuyện Wake Up, miễn là con phải nhớ mỉm cười.

Vậy Wake Up là khối lửa trong tim chúng ta. Hãy thổi vào và ngắm các tia lửa bay lên. Xin đừng cố gắng kiềm chế Wake Up. Hãy để nó ở ngoài vòng kiểm soát để nó bay lên, đón gió và ai biết được nơi nó sẽ đến?