Lá thư Làng Mai 37 – 2014

Lắng nghe tiếng nói chính mình

Nhân ngày xuất gia của cây Linden (cây Đoàn) tại chùa Pháp Vân, xóm Thượng, BBT Lá Thư Làng Mai đã có một cuộc trao đổi thân tình với các thành viên được xuất gia tại Làng Mai. Các cây Linden còn lại thì xuất gia trực tuyến tại thiền đường Trời Phương Ngoại, Thái Lan.

cây Linden (cây Đoàn)

Sư chú Trời Bằng Hữu

Ở độ tuổi còn rất trẻ, sư chú đã tiếp xúc được với pháp môn như thế nào?

Tên con là Nhật Nam, mùa Hè này con vừa tròn 18 tuổi. Pháp danh của con là Chân Trời Bằng Hữu. Ngày hôm nay con vừa được xuất gia và con thích cái tên này lắm vì con thấy nó hợp với con. Con lúc nào cũng trân quý tình thương và tình bạn nên đây là một cái tên rất đúng cho con. Con được biết đến Thầy và Làng Mai khi còn nhỏ nhờ thầy Pháp Niệm, thầy Pháp Duệ và gia đình của hai thầy. Con hay đến nhà thầy Pháp Duệ, thường là vào buổi tối, đó cũng là nơi tăng thân thực tập chung với nhau. Lúc ấy con còn nhỏ nên con không thích những buổi đó lắm, bởi vì nó dài lê thê. Mấy người anh em họ của con lúc đó cũng không thích tham gia.

Lớn lên, con không có chút hứng thú nào về đạo Bụt hoặc về Làng Mai hết. Nhưng rồi cũng phải tới một lứa tuổi mà con cần nhìn mọi sự khác đi một chút. Đối với con, điều quan trọng không phải là việc mình làm trong đời mà là chất lượng của cuộc sống. Chất lượng của cuộc sống có nghĩa là mình sống như thế nào và sống ở đâu. Con nhớ hồi con còn nhỏ, lâu lâu con đến Bích Nham gặp các thầy, các sư cô. Con hay thắc mắc: “Chà, không biết làm thế nào mà các thầy, các sư cô hạnh phúc đến thế?” Họ sống đơn giản lắm. Con nhớ có một lần khi vào khu tăng xá của quý thầy, con thấy rất nhiều thầy sống chung trong một phòng. Thật là một cú sốc cho con.

Lần đầu tiên con gặp Thầy vào năm 2007, trong chuyến hoằng pháp tại Bích Nham. Khi đó con đâu hiểu gì về những lời dạy của Thầy. Lần đó ba mẹ con ở lại Bích Nham không lâu nên không đăng ký cho con tham gia chương trình dành cho trẻ em, vì vậy con bị ngồi trong thiền đường để nghe pháp thoại. Con chẳng hiểu gì hết. Sau đó, con có cơ hội nói chuyện với thầy Pháp Chiếu. Thầy kể là thầy đã lớn lên trong lòng tăng thân như thế nào, những bước mà thầy đã đi qua để trở thành như hôm nay, bởi thầy cũng xuất gia lúc tuổi còn rất trẻ.

Tuần đó ở Bích Nham có lễ tụng Năm giới. Thầy Pháp Chiếu bảo rằng Năm giới là con đường dẫn đến hạnh phúc. Con đọc giới bản và tự nhủ: “Đúng rồi! Cái này rất đặc biệt.” Lần ấy, con thọ Năm giới nhưng không thật sự áp dụng Năm giới vào sự thực tập, mãi đến khi con sang Làng Mai con mới áp dụng. Trước đó con không biết mình muốn làm gì, con không lấy đó làm phiền nhưng ba mẹ con thì lại thấy phiền.

Khi đi học, vì tuổi còn trẻ nên con đã bị buộc phải quyết định cái mình muốn làm, con thấy mình bị kẹt cứng. Con phải quyết định thật nhanh vì đó là năm cuối của Trung học. Suốt những năm Trung học, con cứ đậu vài môn, rớt vài môn và năm sau phải học lại các môn đã rớt. Cho đến một lúc, con bỗng giật mình: “Mình đang làm gì vậy?” Con thấy mình đang tự làm khổ mình một cách không cần thiết. Trong thời gian đó có rất nhiều việc xảy ra. Chúng con vừa thắng giải bóng đá giữa các trường Trung học. Cả nhóm bạn bè con cùng kéo nhau đi tiệc tùng để ăn mừng. Sau khi ra về, con cảm thấy thật ghê sợ. Con không bao giờ muốn tham gia những cái đó nữa. Chỉ nội trong tuần đó, con đã thay đổi rất nhiều bởi con không muốn giống như tụi bạn nữa. Con không muốn nói năng, hành xử như xưa nữa.

Thấy con thay đổi như thế, mấy đứa mà con nghĩ là bạn bè, tụi nó không thể chấp nhận con được nữa. Chúng nó không thể chịu nổi khi con không đi chơi và uống rượu trong đêm liên hoan trường. Từ giây phút ấy trở đi, con biết đó không phải là nơi con muốn sống. Đó không phải là cái mà con tìm kiếm. Thật tình cờ là lúc ấy thầy Pháp Niệm và thầy Pháp Duệ về nhà để làm giấy tờ, con đi tham dự một khóa tu và gặp hai thầy ở đó. Hai thầy hỏi con có muốn đi Làng Mai không? Con không thể quyết định được ngay lúc đó. Con biết đi Làng Mai rất lợi lạc nhưng đồng nghĩa với việc con phải mất mát một cái gì đó. Con phải buông bỏ một cái gì đó mà con chưa sẵn sàng.

Một tuần sau đó, hai thầy xin được chiếu khán (Visa) nên bảo con phải đi đến một quyết định. Con phải ngồi lại và viết xuống những điểm nên hay không nên của cả hai sự lựa chọn. Con thấy hạnh phúc mỗi khi đến Bích Nham gặp gỡ các thầy, các sư cô cùng các bạn thiền sinh. Vì thế con quyết định đi Làng Mai để thử xem sao. Khi con đến nơi, cái gì cũng khác. Khi ở nhà, con chỉ ở chung phòng với anh trai. Trong khi ở đây con phải ở chung với 6 người nữa, toàn là những người lớn hơn con rất nhiều, lại phải dùng chung một phòng tắm. Thật là khó nhưng con đã học cách chấp nhận. Khả năng chấp nhận này có lẽ đã được huân tập vì con là con thứ trong gia đình. Con dễ tính phần nhiều cũng nhờ vào việc mình là con giữa, cái gì anh hoặc em con không thích thì nó được truyền xuống cho con. Nơi đây chính là nơi bấy lâu con tìm kiếm.

Sư chú Trời Bằng HữuCon đã nhận được rất nhiều sự nâng đỡ từ quý thầy, quý sư cô và các bạn thiền sinh ở đây, có khi họ phải vượt ra khỏi luật lệ thông thường để giúp con. Bao giờ tình yêu cuộc sống cũng có trong con. Khi còn tập sự để xuất gia, có lần con đọc một quyển sách mà ở trang đầu có bài kệ thức dậy vào buổi sáng. Đó là bài kệ yêu thích nhất của con, nó nhắc con mỉm cười ngay khi thức dậy. Tình yêu cuộc sống và tình huynh đệ là lý do con có mặt ở đây. Nếu con lắng nghe các sư anh thì mỗi người đều có một câu chuyện tuyệt vời để kể, tất cả tùy thuộc vào cách diễn dịch của con. Chỉ cần chịu khó lắng nghe thôi, con đã hạnh phúc hơn rất nhiều rồi. Đó là cái mà con thật sự muốn làm. Bản thân con cũng thế, cũng có rất nhiều chuyện để kể. Đó là cái thấy về cuộc sống của con ở Làng ngay thời điểm hiện tại.

Sư chú là một người tu trẻ, có thể là người trẻ nhất được xuất gia tại Làng hiện nay. Khi đến Làng Mai, sư chú phải bỏ lại phía sau tất cả những trò giải trí vui thích, thí dụ như lên net để chơi game, lên facebook, tham gia các tiệc tùng v.v… Vậy thì cái gì làm sư chú vui khi là một người tu trẻ sống trong một môi trường không có những trò chơi điện tử và những kỹ thuật hiện đại?

Ở Làng Mai con thực sự không thấy khó lắm. Phần đông các thầy đều còn rất trẻ, chỉ trên độ tuổi hai mươi. Con chưa có cơ hội để hiểu rõ quý thầy lắm. Con kết nối với quý thầy chủ yếu là nhờ chơi chung với nhau, thường là chơi bóng rổ. Ở Làng, con chơi bóng rổ với các thầy trẻ như thầy Pháp Hữu và thầy Pháp Triển. Con rất vui khi phát hiện ra là quý thầy cũng giống như con, cũng thích chơi, cũng là những chú bé, chỉ khác con về trang phục, về cách đi đứng, nói năng mà thôi.

Thành ra sống ở Làng đối với con cũng khá dễ dàng. Hiện tại, con thấy phần lớn những thiền sinh sống dài hạn tại Làng đều ở độ tuổi hai mươi hoặc ba mươi. Năng lượng trẻ trung và thân thiện của các thầy, các sư cô ở đây rất dễ nhận thấy. Các thầy rất tha thứ, bao dung. Ở đây không bao giờ con bị bắt phải quỳ hương. Khi con làm điều gì không đúng, bao giờ các thầy cũng nói đó là do quý thầy và lẽ ra quý thầy phải hướng dẫn con cặn kẽ hơn.

Lúc ban đầu, mọi việc đối với con không khó khăn nhưng cũng không phải dễ dàng. Khi mới đến, con có ba cái điện thoại di động và một thiết bị đọc sách điện tử. Lúc nào con cũng bấm tin nhắn gởi đi khắp nơi. Đi đâu con cũng thủ một cái di động trong tay. Thói quen của con lúc ấy là phải có cái gì đó trong tay. Con cố thay đổi tập khí bằng cách đọc sách điện tử nên lại kè theo máy đọc sách. Dù không phải lúc nào con cũng đọc sách, nhưng lúc nào trong tay cũng phải có cái máy đó. Đó là tập khí luôn luôn phải có một cái gì đó trong tay để bấm. Khi con thân với quý thầy hơn, con cảm thấy mình không cần nó nữa. Nếu con thấy cô đơn hay cần giúp đỡ, con có 70 thầy để chuyện trò. Con không thấy có nhu cầu lên mạng để nói chuyện với bạn bè nữa. Trong khóa An cư kiết Đông 2013-2014 năm nay, việc không lên mạng đối với con không quá khó khăn. Con chỉ lên mạng để liên lạc với ba mẹ khi cần mà thôi. Thầy nói là bao giờ mình cũng có nhu yếu tìm kiếm một đường ra. Vì vậy khi không có một chọn lựa nào thì mình phải đi tìm. Con biết đủ với những gì mình đang có ở đây, con không đi tìm kiếm những gì không cần thiết nữa.

Chắc chắn là Sư Út đang tận hưởng việc mình là một Sư Út trong gia đình áo nâu. Phải tận hưởng bởi vì không biết lúc nào sẽ có lễ xuất gia kế tiếp. Cảm ơn Sư Út đã chia sẻ rất hay và sự tươi mát, thật lòng của Sư Út.

Sư chú Trời Nguyện Lực

Xin hỏi nhân duyên nào đã đưa sư chú đến với pháp môn Làng Mai?

Con 33 tuổi, tháng sau con lên 34 tuổi. Con sinh ra ở Thái Lan, một đất nước theo truyền thống đạo Bụt Nam tông. Lớn lên trong một nền văn hóa Phật giáo, con đã được học giáo lý từ hồi còn thơ ấu trong trường học. Tuy nhiên, mãi đến khi lên Đại học con mới có cơ hội nghe pháp thoại bằng tiếng Anh của một vị khất sĩ Nam tông và bắt đầu có hứng thú. Bài pháp thoại đó rất phù hợp với hoàn cảnh của con, bởi vì lúc ấy con đang có những khổ đau trong tự thân và trong gia đình.

Sau khi tốt nghiệp Đại học, con vẫn tiếp tục tìm kiếm cái mình muốn làm, tuy con bắt đầu làm việc cho một cơ quan bất vụ lợi chuyên về môi trường. Làm việc cho cơ quan bất vụ lợi này con rất thích. Có lẽ vì sẵn có hạt giống phụng sự nên khi còn ở Đại học, con đã rất tích cực làm từ thiện. Vì thích làm những việc có ích cho xã hội nên con đã tham gia biểu tình chính trị… Khi giúp người khác được hạnh phúc hơn, con cảm thấy rất mãn ý.

sư chú Nguyện LựcTrong khoảng thời gian này, con có rất nhiều khó khăn trong lòng và ở nhà nên con đã cố gắng thực tập khi có thể. Dù rất thích làm việc tại cơ quan bất vụ lợi ấy nhưng con có rất nhiều căng thẳng vì toàn bộ thời gian làm việc được dành cho các chiến dịch vận động. Con tiếp xúc thường xuyên với xung đột và bất công nên càng ngày càng có nhiều giận dữ. Con đã có cơ hội đi thăm rất nhiều nạn nhân của sự ô nhiễm môi trường, đồng thời con cũng đã có dịp nói chuyện với những kẻ đã làm môi trường ô nhiễm. Con thấy họ quá vô minh. Con thương những nạn nhân nhưng đồng thời rất giận những người đã gây ô nhiễm.

Con đã cố gắng thực tập nhưng lại không biết cách nhìn sâu để hiểu được những người gây ô nhiễm môi trường, và cái giận của con càng ngày càng lớn, thêm vào đó là sự căng thẳng trong công việc. Cơ quan con thì bảo thủ và vì bản chất công việc nên thường hay có xung đột với các cơ quan khác. Vì thế khổ đau và căng thẳng trong con càng ngày càng lớn đến một mức độ đã có những ảnh hưởng đến sức khỏe của con. Quan hệ giữa con và gia đình lại không tốt lắm trong thời điểm ấy. Con thấy trong khi mình giúp cho xã hội làm những việc tốt cho môi trường, nhưng chính gia đình mình chịu nhiều đau khổ, mình lại không có khả năng giúp họ.

Lúc ấy con chưa biết Làng Mai dù con đang thực tập Phật pháp theo cách riêng của mình. Con xin nghỉ việc và đi tu năm tháng trong một ngôi chùa Nam tông ở Thái Lan để chăm sóc tự thân. Khi đó con hay khỏa lấp cơn giận trong mình bằng công việc. Con định là trước tiên sẽ chăm sóc cho mình, kế đó là giúp đỡ gia đình rồi sau đó mới giúp cho xã hội.

Sau năm tháng làm người xuất gia, con tiếp tục học thêm về năng lượng tái tạo, một phương cách tích cực đối trị với sự thay đổi khí hậu toàn cầu. Con nghĩ con sẽ có ít mâu thuẫn hơn. Trong hai năm làm việc cho một cơ quan khác, con đã tiếp xúc với đau khổ của bạn đồng nghiệp, dù cho mọi người đang làm việc trong một lĩnh vực được cho là tích cực. Con tiếp xúc với sự ích kỷ, ganh ghét, mâu thuẫn… Con bắt đầu nhận ra rằng khổ đau thường phát sinh từ các nguyên nhân nội tại.

Trong khoảng thời gian này, con được một người bạn giới thiệu pháp môn Làng Mai qua quyển sách “Thương Yêu Theo Phương Pháp Bụt Dạy” của Thầy được dịch ra tiếng Thái. Đó là một quyển sách rất hay, nhưng chỉ đến khi Thầy sang Thái Lan và cho pháp thoại công cộng vào tháng 10 năm 2010 con mới có một mối liên hệ thật sự với Làng.

Âm thanh tại buổi pháp thoại công cộng ấy rất tệ, con nghe Thầy được rất ít nhưng sự có mặt của Thầy và tăng thân cùng với bài tụng danh hiệu đức Quán Thế Âm đã làm con nổi da gà khắp người. Con thấy có lẽ đây là sự bắt đầu của một cái gì đó cho tương lai của mình.

Từ đó con bắt đầu đi dự các khóa tu và các sinh hoạt khác trong chuyến hoằng pháp của Thầy ở Thái Lan và trở thành một tình nguyện viên tích cực. Cái mà con đi tìm đã được tìm thấy trong giáo lý của Làng Mai. Nó đáp ứng một cách hoàn hảo tâm nguyện giúp đời của con trong khi chưa giúp được bản thân và gia đình. Nó đáp ứng hoàn hảo đến mức con đã đến Pakchong rất nhiều lần để tu tập với tăng thân ở đó. Sau khi chấm dứt hợp đồng làm việc hai năm với cơ quan, con được tự do. Con thấy mình có hạt giống xuất sĩ nằm sâu ở bên trong. Nó chỉ chờ đủ duyên để biểu hiện. Khi con gặp sư cô Linh Nghiêm, sư cô khuyên con nên sang Làng Mai để dự khóa An cư mùa Đông 2011-2012. Mục đích đầu tiên chính của con là phải làm hòa với mẹ, kế đến là tìm hiểu xem Làng Mai như thế nào và con có thực sự muốn đi tu hay không.

Vào cuối khóa An cư kiết Đông, con đã rất chắc chắn rồi nhưng vẫn chưa làm quyết định ngay lúc ấy. Con trở về nhà trước, và tự nhiên con nhìn thấy chí nguyện của mình rất rõ ràng. Con nói cho ba mẹ biết ý định đó và hai người rất buồn lòng. Con chờ một thời gian để từ từ giới thiệu cho ba mẹ làm quen với pháp môn. Cuối cùng ba mẹ con nói dù họ không hoàn toàn ủng hộ con nhưng cũng không ngăn cản. Như vậy đã là quá tốt. Thế là con nộp đơn xin Visa để đi Làng. Tuy vậy con cũng phải chờ đến sáu tháng sau mới hoàn tất được giấy tờ.

Thái Lan là một nước có gốc rễ từ đạo Bụt Nam tông. Sáng nay trong pháp thoại Thầy nói rằng là Phật tử, chúng ta nên làm mới lại đạo Bụt để giáo lý đạo Bụt có thể phù hợp với con người ở thời hiện đại. Sư chú nghĩ thế nào về vấn đề này?

Con không muốn thiên vị Làng Mai nhưng con hoàn toàn đồng ý với Thầy, không chỉ bằng cảm tính mà bằng kinh nghiệm con đã đi qua trong các khóa tu Wake Up. Con thấy rất nhiều người trẻ đã tham gia. Họ rất thích vì chúng ta đã mang đến cho họ rất nhiều niềm vui.

Sư chú có nói là ba mẹ không hoàn toàn yểm trợ quyết định đi xuất gia của sư chú nhưng hôm nay hai vị đã cùng với một vài người bạn Thái đến dự lễ xuất gia của sư chú. Sư chú có cảm nghĩ như thế nào?

Con rất hạnh phúc bởi vì một phần nguyện ước của con là mang lại hạnh phúc thật sự cho ba mẹ. Nhìn thấy ba mẹ ở đây, thấy họ cười tươi, hạnh phúc, con vui lắm vì con nghĩ điều ấy sẽ không bao giờ có thể xảy ra. Khi Thầy đến Thái Lan, mẹ và em gái con có đi nghe pháp thoại công cộng. Dù cho mẹ con không hiểu gì hết, mấy người bạn cho con biết là họ đã gặp mẹ con và thấy bà cười rất tươi. Nghe vậy con rất mừng dù con biết rằng đó chỉ mới là bước đầu thôi. Con tin rằng điều duy nhất có thể mang lại hạnh phúc thật sự cho ba mẹ con là sự chuyển hóa của con mà không phải là sự thuyết phục bằng lời.

Sư em Trăng Diệu Viên

Điều gì làm sư em ấn tượng và bỡ ngỡ nhất từ khi em gia nhập vào gia đình áo nâu?

Có lẽ điều làm con bất ngờ nhất sau khi xuất gia là sự biến chuyển của tâm thức mình. Sau khi được xuống tóc, con thấy rất nhiều nhận thức trong con trở nên sáng tỏ ra. Con thấy mình, cũng như con đường mình đã chọn rõ hơn. Con đã luôn tìm kiếm con đường sống để có một cuộc sống ý nghĩa, an lạc và thảnh thơi. Nhờ ơn Bụt, ơn Thầy, con đã thấy đường đi.

Con còn một niềm hạnh phúc nữa, đó là vào ngày xuất gia và những ngày sau đó, con nhận được rất nhiều quà và những lời chúc mừng từ mọi người. Con nhận được bao nhiêu là niềm vui, nụ cười và cả những giọt nước mắt từ quý sư cô, sư thầy cũng như từ rất nhiều cư sĩ ở Làng hay ở tăng thân Paris nơi con sinh hoạt trước đây. Con hạnh phúc và thật sự ngỡ ngàng khi được thấy tận mắt và cảm nhận sự kiện một người xuất gia, nguyện đi theo con đường Hiểu và Thương đã có thể tạo cảm hứng, sự xúc động sâu sắc và niềm vui lớn như thế nào tới những người xung quanh. Sự nhiệm mầu của giáo pháp đã đánh thức một cách tự nhiên niềm khát vọng sâu xa hướng tới những gì đẹp và chân thật ở mỗi người. Con hiểu ra rằng bước đi trên con đường này, con đang thực hiện ước mơ của mình và cả ước mơ của nhiều người khác. Con xúc động lắm và biết rằng chỉ cần nghĩ đến điều này thôi, con sẽ có thêm nhiều động lực để vững bước.

Con tin là con sẽ có nhiều điều lí thú và có thể là cả những điều bất ngờ đang chờ con trong những ngày tới. Con mới tìm về với gia đình mình, tăng thân mình thôi mà. Tăng thân đón con vào để con hòa mình vào tăng thân. Con là một với tăng thân. Mắt con mở to, chân bước chầm chậm, lòng con hân hoan và bàn tay con đón nhận tất cả.

Sư chú Trời Linh Quang

Sư chú là một trong những người tập sự xuất gia của Tu viện Bích Nham đã may mắn được theo Thầy và tăng đoàn trong chuyến hoằng pháp Bắc Mỹ. Xin sư chú chia sẻ một chút về kinh nghiệm đó. Nó có giúp cho sư chú thấy rõ hơn về cuộc đời phụng sự của một vị xuất sĩ hay không và cái gì đã làm cho sư chú phát nguyện đi trên con đường này?

Tên con là John Galloway. Con sinh ra và lớn lên ở Georgia, ngoại ô Augusta. Năm nay con 28 tuổi. Chuyến hoằng pháp là một trải nghiệm đáng kinh ngạc của con bởi vì con có cơ hội thấy được như thế nào là cuộc sống của người xuất sĩ.

Khi sống trong tu viện, mình tổ chức khóa tu và phụng sự, mình tiếp xúc với cuộc sống. Nhưng khi tăng đoàn đi hoằng pháp thì cường độ rất khác, khi đó mình đi khắp nước Mỹ và có thể thật sự tiếp xúc với những người đến từ mọi hoàn cảnh khác nhau. Nhờ pháp môn thực tập mà bao nhiêu cuộc đời đã được thay đổi. Con thật sự sốc khi nhận ra biết bao điều mà tăng thân đã làm được. Những điều này đã được con trình bày trong thư xin xuất gia. Ý muốn xuất gia của con đã nảy sinh trong chuyến hoằng pháp ấy.

Sư chú Trời Linh QuangTrong chuyến đi đó, có một lần con trao đổi về chí nguyện xuất gia của mình với một thầy. Thầy kể rằng có một phụ nữ cùng gia đình pháp đàm với thầy, sau buổi pháp đàm, cô ấy đến gặp thầy và nói: “Con có biết thầy.” Thầy hơi sửng sốt một chút, không nhớ ra cô ấy là ai. Cô nói: “Hai năm trước con có dự một khóa tu ở Bích Nham. Trong một buổi thiền hướng dẫn sáng, thầy đã cho thực tập quán chiếu Cha tôi là một em bé 5 tuổi (Xem Sen Búp Từng Cánh Hé – bài tập Em bé 5 tuổi bị thương). Con rất không thích bài thực tập ấy vì ngay lúc đó con không thể làm được. Tuy không thích nhưng từ đó trở đi con tiếp tục thực tập bài thiền hướng dẫn này…” Sau một năm thực tập, cuối cùng cô ấy đã hòa giải và nối lại thâm tình với cha cô, người đã hành xử thô bạo khi cô còn bé. Chỉ vài tháng sau đó, cha cô mất. Cô đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với thầy vì thầy đã hướng dẫn bài thực tập ấy để cô có cơ hội thiết lập lại mối quan hệ cha con không lâu trước khi ông qua đời. Thầy nhìn con, lúc ấy chúng con ngồi bên đài Quan Âm tại Tu viện Mộc Lan, thầy nói thầy đâu biết người phụ nữ ấy là ai, thầy cũng không bao giờ biết được rằng thầy đã ảnh hưởng đến cuộc đời của cô ấy như thế nào, trong hình thức này hay hình thức khác. Nếu thầy đã không biết về cô ấy, thì còn có bao nhiêu cuộc đời khác đã được đánh động như thế mà thầy không biết? Thầy đâu có làm gì khác hơn ngoài việc thực hiện những gì mà một người tu được dạy phải làm, đó là chia sẻ thiền hướng dẫn trong buổi ngồi thiền sáng.

Đó là một việc làm cỏn con, mình không bao giờ nghĩ sẽ đem lại sự thay đổi trong cuộc đời của một người, sự thay đổi đó làm họ hoàn toàn chuyển hóa. Con không bao giờ quên câu chuyện đó. Mong rằng con sẽ không bao giờ quên nó trong suốt cuộc đời tu của mình. Nó giống như là một cây đinh đã đóng cột.

Sư chú có thể chia sẻ một kinh nghiệm đẹp và đáng nhớ nhất trong chuyến hoằng pháp ấy không?

Tại Lộc Uyển, có một hôm đi thiền hành con cảm thấy rất uể oải. Đêm trước con ngủ không ngon lắm. Chuyến hoằng pháp thật vất vả, các huynh đệ của con không có ai ngủ ngon hết. Con có nhiều đau nhức trong thân nên không muốn ra khỏi giường. Nhưng rồi con bắt mình phải dậy ngồi thiền và đi thiền hành.

Trong lúc đi thiền hành, mọi người đi ngang qua khu cắm trại và suýt tí nữa con đã trốn về lều. Con nói “không” và bắt mình phải tiếp tục đi. Khi đi lên đến đỉnh đồi, nơi có tượng Bụt, mọi người đứng nhìn bao quát xuống thung lũng bên kia. Buổi sáng hôm ấy, sương mù dày đặc đến nỗi không thể nhìn xuyên qua được. Đứng đó mình có thể nhìn thấy sương mù dần dần tiến tới, phủ trùm lên mọi vật. Con nhìn thấy cây cối, các căn lều… có những cái đã bị chìm trong sương. Con thấy rất rõ ràng nhưng rồi đột nhiên mọi thứ đều bị sương mù dần dần tràn lên, phủ kín, không còn thấy gì nữa. Đó là một cảnh tượng đẹp nhưng đồng thời cũng làm con liên tưởng phần nào đến cuộc đời. Chúng ta phải luôn nhớ rằng có những lúc trong đời, mọi sự có vẻ như mù mịt, nhưng rồi nó sẽ qua đi. Hạnh phúc hay ánh sáng có thể bị một cái gì đó làm lu mờ nhưng không bao giờ chúng thật sự mất đi. Chúng chỉ bị che lấp đi thôi. Bóng tối phủ trùm nhưng màn đêm cuối cùng sẽ được vén lên. Trong lúc mọi người đứng đó quan sát, sương mù tiếp tục kéo ngang qua, nhưng ngay khi ánh sáng mặt trời ló dạng, màn sương đã dần tan.

Sư chú Trời Hy Mã

Xin sư chú giới thiệu một chút về mình và những duyên nào đã đưa sư chú đến với Thầy?

Tên con là Trời Hy Mã, người Tây Ban Nha. Lần đầu tiên con biết đến Thầy là vào khoảng hai năm trước đây qua quyển sách “Thương Yêu Theo Phương Pháp Bụt Dạy” (Teaching on Love). Trước khi đọc quyển sách ấy, con đã bắt đầu thực tập đạo Bụt sau khi tham gia một khóa tu thiền Minh Sát mười ngày. Vào ngày thứ hai của khóa tu thiền, con có ý định xuất gia. Con đã bỏ ra một năm ở châu Á để thực tập và sau đó trở lại Tây Ban Nha với mong ước được chia sẻ giáo pháp với nhiều người khác. Con đã gặp rất nhiều bậc thầy, nhưng giáo pháp của họ không gần gũi lắm với mọi người. Tâm con khi ấy còn rất hạn hẹp và con đã nhận ra điều ấy.

Con đã gặp gỡ rất nhiều người biết đạo. Ai cũng biết thực tập, nhưng ước mơ của con là xây dựng nên một cộng đồng trong đó con có thể chia sẻ giáo pháp một cách hiện đại hơn. Con nghĩ như thế bởi khi ấy con chưa biết gì về Làng Mai.

Thực tế thì con bị kẹt trong truyền thống mà con đã thực tập bởi vì con không biết cách bày tỏ lòng mình và cảm thọ của mình. Vì thế con đã đi tìm một quyển sách dạy về cách phát triển lòng từ bi. Sau khi đọc quyển sách của Thầy xong, con nhận ra rằng mình có rất nhiều cảm xúc và khổ đau trong lòng đã quá lâu không thể bày tỏ được. Trong quyển sách ấy, Thầy dạy con khả năng nhận diện và bày tỏ cảm thọ trong cách sống của con. Cho đến khi con tìm ra Làng thì con biết đây đúng là cộng đồng mà mình đang tìm kiếm. Con cũng biết là con không thể xây dựng cộng đồng đó một mình được. Sau đó, con lên mạng để tìm hiểu về tăng thân của Làng Mai mà Thầy đã nhắc đến rất nhiều trong quyển sách.

Con nhớ cái giây phút đầu tiên được nghe giọng nói của Thầy thật sâu sắc. Con không nhớ Thầy đã nói gì, con chỉ biết khóc khi nghe Thầy nói. Giọng nói của Thầy rất từ bi dù chỉ qua một vài lời mở đầu trong bài pháp thoại. Đó chính là khoảnh khắc làm lòng con mở rộng. Sau đó con muốn đi Làng để xuất gia. Con thích nhất điều Thầy nói về cuộc sống của người tu, một cuộc sống đơn giản chỉ với những nhu cầu tối thiểu. Con thuộc thành phần trung lưu trong xã hội, có thể làm ra tiền để đáp ứng tất cả các nhu cầu mà con muốn. Tuy thế, chưa bao giờ con cảm thấy thực sự được thỏa mãn. Sau khi đọc quyển sách đó và nghe bài pháp thoại của Thầy, con quyết định đi Làng Mai và thử sống cuộc đời xuất sĩ ít nhất là 5 năm, bởi vì con không chắc là mình có thể phù hợp với cuộc sống trong tu viện trọn đời hay không.

Trong con có quá nhiều khổ đau, tuy nhiên bên cạnh đó cũng có một vài niềm vui và hạnh phúc. Đó là những gì con cần trong cuộc sống, nhất là tình huynh đệ. Ba mẹ con đã ly dị khi con mới lên năm. Trái tim con tan nát, và do đó khi con tìm ra giáo pháp, con đồng thời cũng tìm ra cho mình câu trả lời. Con luôn luôn đi tìm cho mình một gia đình thật sự, một tình thương chân thật, và con đã tìm ra được những cái đó ở đây. Vì thế con đã thôi thúc mình đến Làng Mai. Thật quý giá biết bao khi con tìm được giáo pháp và có cơ hội tham gia vào tăng đoàn xuất sĩ trong 5 năm. Con muốn trở thành tấm gương cho những người xuất sĩ và cả cho các bạn thiền sinh.

Sư em Trăng Ưu Bát

Sư em Trăng Ưu BátSư em có thể giới thiệu một chút về mình và chia sẻ nhân duyên nào giúp sư em tiếp xúc được với pháp môn tu học Làng Mai?

Con đi học cấp ba với suy nghĩ rằng trong cuộc sống có cái gì đó ý nghĩa hơn ngoài chuyện kiếm một việc làm, lập gia đình rồi có con cái và một căn nhà. Nhưng con không tìm được cái đó ở nơi con đang lớn lên. Lúc con được 16 tuổi, con đã học một lớp về tôn giáo và triết học. Cả lớp con xem một bộ phim tài liệu về một sư cô theo truyền thống đạo Bụt đến từ Sydney. Lúc đó con có cảm tưởng đó là điều con cũng nên làm. Trong tất cả những gì con được học, triết học Phật giáo đánh động tới con nhiều nhất nhưng lúc đó không có một trung tâm Phật giáo hay ngôi chùa nào gần nhà con.

Sau khi học xong cấp ba, con chưa biết mình muốn học ngành gì ở trường Đại học cho nên con đã đăng ký vào một chương trình trao đổi (exchange program) sang Nhật Bản để sống trong một quốc gia Phật giáo. Ở Nhật Bản, con đã thấy rằng dân tộc của họ tuy không học đạo Bụt nhưng sống qua cách hiểu về chính mình và những người xung quanh.

Lúc đó con khá mắc cỡ bởi con là người nước ngoài duy nhất nơi thành phố con ở và những đứa con nít thường chỉ tay về phía con để nói “Gaijin, gaijin” (tiếng Nhật nghĩa là “người nước ngoài”). Nhưng con đã học từ chuyện này là nếu con có thể ngẩng cao đầu và mỉm cười được với họ thì họ sẽ mỉm cười lại với con. Từ xưa tới nay, điều mà con thực tập đó là mỉm cười với người khác để cho phép con và họ cảm thấy thoải mái.

Là người nước ngoài, con đã trở về lại Úc để học và làm tình nguyện viên với các đồng bào tị nạn và những người di trú. Điều đó đã giúp con đến được nhiều nơi trên thế giới và gặp được nhiều người tuyệt vời. Con rất may mắn được gặp những người bạn tâm linh, họ đã giới thiệu cho con về những pháp môn thiền tập mà con có thể mang theo bất cứ nơi đâu.

Trong suốt ba năm, con đã tình nguyện làm việc với những người trẻ Palestinian và những phụ nữ người Lebanon với tấm lòng muốn giúp họ thay đổi hoàn cảnh. Nhưng với khả năng và sự cố gắng của mình, con vẫn không cải thiện được bao nhiêu so với những trở ngại mà họ phải đối diện như không có một quê hương, không được cấp hộ chiếu để đi du lịch, không được những người Leban chấp nhận, chưa kể đến một số danh sách dài nói về những khó khăn của họ… Mặc dù gặp phải những khó khăn như thế nhưng con thấy họ là những người hạnh phúc nhất mà con được gặp. Họ nấu ăn và cùng ăn cơm chung, cùng nhảy, cùng hát và tận hưởng những gì tốt đẹp nhất mỗi ngày. Con đã rời nước Lebanon với cái suy nghĩ rằng nếu con muốn hiến tặng gì đó cho thế giới thì đó chính là cách con có thể sống hạnh phúc trước mọi hoàn cảnh khó khăn.

Biết được yoga và thiền tập đã giúp ích cho đời sống của mình nên con bắt đầu rèn luyện để trở thành một giáo viên yoga. Sau đó con đến sống ở một ashram (một tu viện của người Ấn Độ). Tại đây con may mắn được giới thiệu về pháp môn Làng Mai. Con nhận thấy rằng tất cả những niềm vui con có từ pháp môn thực tập là điều mà con muốn gieo trồng và chia sẻ với người khác. Cho đến khi con tới Làng Mai, con cảm thấy mình đã tìm ra được con đường mà mình muốn đi.

Sống trong một tập thể không phải khi nào cũng dễ dàng đối với con. Những lúc gặp khó khăn, con nhìn lại để thấy được mình đã yêu thương cuộc sống tập thể như thế nào, đó là đời sống của con, là nơi chúng con thực tập các sinh hoạt hằng ngày. Con đang được nằm trong lòng trung tâm của giáo pháp.

Xuất thân từ Úc và xuất gia ở châu Âu là một thử thách đối với gia đình của con, vì phần đông gia đình con chưa có dịp để qua Làng và tiếp xúc với pháp môn. Chính vì vậy nên gia đình rất khó để hiểu con đường mà con đang đi. Sau khi xuất gia con có một ước mơ là gia đình và con có thể hiểu nhau hơn, tuy giữa con và gia đình dù sống cách xa nhau, và cánh cửa của sự chia sẻ đã được mở ra.

Con thấy mọi điều kiện ở đây đều là cơ hội cho con thực tập. Con hy vọng có thể sử dụng những cơ hội để một ngày nào đó có thể phục vụ cho nước Úc và giới thiệu cho những người trẻ ở Úc, đặc biệt là những người cháu của con về pháp môn thực tập. Con có thể chỉ cho họ một cách khác để hướng về cuộc sống. Có người nói khi mình đi xuất gia mình phải hy sinh, lìa bỏ gia đình của mình nhưng trong trường hợp của con, con cảm thấy nó là cơ hội để giúp con gắn bó với gia đình nhiều hơn. Tình thương của con dành cho gia đình là một trong những động lực lớn nhất để con thực tập.