Google tìm cầu tuệ giác của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

 

Các tập đoàn công nghệ toàn cầu đang tìm cách ứng dụng sự thực tập chánh niệm và thiền định vào hoạt động của mình để có được hạnh phúc và sự phát triển bền vững.

 

 

Tại sao nhiều tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới, trong đó có Google, lại dành sự quan tâm đặc biệt đối với một vị Thiền sư Phật giáo người Việt đã 87 tuổi?

Câu trả lời là tất cả các tập đoàn này đều mong muốn tìm hiểu: làm thế nào những lời dạy của Thiền sư Thích Nhất Hạnh – thường được hàng trăm ngàn đệ tử trên khắp thế giới gọi một cách thương kính là Thầy – có thể giúp cho tổ chức của họ có thể hoạt động một cách hiệu quả hơn và mang lại nhiều hạnh phúc hơn.

Thầy Nhất Hạnh được mời hướng dẫn một ngày thực tập chánh niệm tại trụ sở chính của Google tại California vào cuối tháng này – đây là một dấu hiệu cho thấy sự thực tập chánh niệm đang bắt đầu trở nên phổ biến trong xã hội hiện nay. Thầy – tác giả của hơn 2 triệu cuốn sách được bán ra ở Mỹ – sẽ có một buổi gặp gỡ với hơn 20 Giám đốc điều hành (CEO) của các tập đoàn công nghệ có trụ sở ở Mỹ tại Silicon Valley để chia sẻ tuệ giác của Thầy về nghệ thuật an trú trong hiện tại.

Trong buổi gặp gỡ này, Thầy dự định sẽ thảo luận với các Giám đốc điều hành của các tập đoàn công nghệ về cách thức làm thế nào để họ có được một sự hiểu biết sâu sắc về bản chất gắn kết và phụ thuộc lẫn nhau giữa mọi người và mọi loài. Với hiểu biết đó, họ có thể hiến tặng những công cụ thực tiễn để đưa sự thực tập chánh niệm trở thành một phần thiết yếu trong công việc hàng ngày của họ, trong những sản phẩm mà họ chế tạo ra cũng như trong chiến lược mà họ vạch định để khoa học công nghệ có thể mang lại sự thay đổi cho thế giới này. Buổi gặp gỡ này sẽ kết thúc bằng sự thực tập thiền hành.

Những nỗ lực của Thầy trong hơn 50 năm qua đã được nhiều nhà lãnh đạo thế giới ghi nhận. Giám đốc Ngân hàng thế giới Jim Yong Kim đã nói rằng phương pháp thực tập của Thầy Nhất Hạnh là phương pháp “giúp cho chúng ta có thể cảm thông và thương yêu một cách sâu sắc đối với những người đang khổ đau”. Thầy cũng đã từng được Mục sư Martin Luther King đề cử cho Giải Nobel Hòa bình vào năm 1967 vì những nỗ lực của Thầy trong việc kêu gọi hòa bình và chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam.

Mục sư Luther King nói rằng việc trao giải Nobel Hòa bình cho Thầy Nhất Hạnh “sẽ một lần nữa làm cho nhân loại thức tỉnh trước bài học lớn về cái đẹp và tình yêu được tìm thấy trong hòa bình. Nó làm sống dậy niềm hy vọng về một trật tự mới mang tính công bằng và hòa hợp cho thế giới này.”

Thầy Nhất Hạnh xuất gia đã được 71 năm. Mặc dù tuổi đã cao, Thầy vẫn liên tục đi hoằng pháp khắp nơi trên thế giới. Thầy hiện đang trong chuyến đi hoằng pháp ba tháng tại Bắc Mỹ với lịch trình khá nặng. Trước đó, Thầy đã có chuyến đi hoằng pháp tại châu Á cũng trong 3 tháng.

Tăng thân xuất sĩ của Thầy Nhất Hạnh được đánh giá là tăng thân có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Vé tham dự những khóa tu do Thầy hướng dẫn trong 1 tuần tại Toronto, Canada hay tại New York, Mississippi và California – mỗi khóa tu đều có hơn 1000 tham dự – đều được bán hết chỉ trong vài ngày.

Nền kinh tế chạy theo ham muốn

Thầy Nhất Hạnh cảnh báo rằng nền văn minh của chúng ta đang có nguy cơ sụp đổ trước những thiệt hại nghiêm trọng về xã hội cũng như môi trường sinh thái do nền kinh tế chạy theo ham muốn gây nên. Thầy cũng đồng thời chỉ ra cho chúng ta một hướng đi mới, đó là xây dựng một nền kinh tế lấy hạnh phúc chân thực làm mục tiêu, thay vì hy sinh hạnh phúc của mình để thờ phụng chủ nghĩa vật chất như bấy lâu nay chúng ta vẫn làm.

Những lời dạy của Thầy tập trung chủ yếu vào sự thực tập chuyển hóa khổ đau bằng cách buông bỏ những ưu sầu của quá khứ cũng như những lo lắng về tương lai, thông qua thiền định và nếp sống chánh niệm.

Thầy đã chỉ ra rằng tình trạng đam mê tiêu thụ hiện nay là dấu hiệu cho thấy chúng ta đang cố gắng khỏa lấp khổ đau trong chính mình. Và Thầy đề nghị chúng ta nên đi theo hướng ngược lại, đó là trở về để tiếp xúc trực tiếp với nỗi khổ, niềm đau trong ta để có thể vượt thoát những khổ đau đó.

Thầy cho rằng để các doanh nghiệp có thể đóng vai trò quan trọng trong việc chận lại con tàu tư bản đang chạy trật đường ray thì trước tiên các nhà lãnh đạo tập đoàn cần phải nhận ra sai lầm căn bản của mình, đó là cách tư duy hạn hẹp, lấy lợi nhuận làm thước đo duy nhất cho sự thành công của tập đoàn.

Cần có sự thay đổi căn bản trong nhận thức của các doanh nghiệp

Các doanh nghiệp cần phải trải qua một quá trình chuyển đổi căn bản về nhận thức. Họ cần phải nhận ra tầm quan trọng của việc đưa những giá trị tâm linh vào trong đời sống hàng ngày.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Guardian vào cuối khóa tu tuần trước tại Catskill Mountains về nghệ thuật chuyển hóa khổ đau, Thầy chia sẻ rằng: “Chúng ta cần phải xem lại quan niệm của chúng ta về hạnh phúc. Chúng ta nghĩ rằng hạnh phúc chỉ có được khi nào chúng ta giành thắng lợi, khi chúng ta giành được vị trí đứng đầu. Tuy nhiên, sự thực thì không cần thiết phải như vậy. Bởi vì ngay cả khi chúng ta kiếm được nhiều tiền hơn, chúng ta vẫn khổ đau như thường. Chúng ta cạnh tranh bởi vì chúng ta không hạnh phúc. Thiền tập có thể giúp cho chúng ta bớt khổ hơn”.

“Nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng chúng ta chỉ có thể hạnh phúc khi nào chúng ta vượt lên trên những người khác, khi nào chúng ta trở thành nhân vật số 1. Sự thực là chúng ta không cần phải trở thành “number one” mới có thể hạnh phúc.

“Chúng ta cần phải có một hướng đi tâm linh trong đời sống của mình cũng như trong công việc kinh doanh, nếu không chúng ta không thể nào có thể xử lý những khổ đau do công việc và đời sống hàng ngày tạo ra.”

Các kỹ sư Google trao đổi và thực hành thiền

Những cuộc gặp gỡ với Mục sư Martin Luther King

Nhớ lại những lần gặp gỡ với Mục sư Luther King – những cuộc gặp gỡ này có ảnh hưởng rất quan trọng đến quyết định đấu tranh cho hòa bình và chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam của nhà tranh đấu cho dân quyền nổi tiếng thế giới này, Thầy Nhất Hạnh nói rằng Tổng thống Obama đã bỏ sót một yếu tố quan trọng trong bài phát biểu của mình vào tuần trước, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Mục sư Martin Luther King đọc bài diễn văn bất hủ có tựa đề “Tôi có một giấc mơ”   (I have a dream).

Khi Tổng thống Obama kêu gọi hãy để cho tự do được vang tiếng bay xa (let freedom ring), Tổng thống chỉ nói về tự do đến từ bên ngoài như tự do chính trị, tự do xã hội, nhưng thực tế là ngay cả khi chúng ta có rất nhiều tự do về tổ chức, về ngôn luận, về báo chí, v.v. chúng ta vẫn có thể khổ đau như thường bởi vì chúng ta không có tự do ở bên trong chúng ta, đó là sự tự do khỏi những giận hờn và sợ hãi”, Thầy chia sẻ.

Một trong những điều tâm huyết của Mục sư Luther King là xây dựng những cộng đồng, những đoàn thể sống hạnh phúc mà ông gọi là Beloved Community (tạm dịch là Tăng thân yêu quý). Cũng với mong ước đó, Thầy Nhất Hạnh đã dành hết tâm lực của mình cho việc xây dựng hơn một ngàn tăng thân cư sĩ trên khắp thế giới.

Tuy nhiên, liệu các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có thể tạo ra một sự thay đổi tích cực hơn thông qua việc xây dựng tinh thần tăng thân, xây dựng văn hóa tập thể trong doanh nghiệp của mình?

Chánh niệm và thiền tập tại công sở

Thầy Nhất Hạnh cho rằng phương pháp thực tập chánh niệm và thiền tập nếu được áp dụng vào các doanh nghiệp sẽ giúp cho họ thay đổi được cách sống, cách làm việc có tính tiêu cực, đồng thời giúp họ nhận ra được bản chất tương tức và phụ thuộc lẫn nhau giữa mọi người và mọi loài.

“Thiền tập có thể giúp cho các thành viên trong doanh nghiệp vơi bớt khổ đau,” Thầy nói. “Chỉ riêng điều này thôi cũng đủ hữu ích rồi, bởi vì nếu nhân viên của một doanh nghiệp có đủ hạnh phúc thì doanh nghiệp đó sẽ làm ăn hiệu quả hơn.”

“Trong trường hợp công ty của anh đang có những hoạt động gây tổn hại môi trường, và bởi vì anh đã thực tập thiền nên anh có thể có được một cái thấy, cái thấy này sẽ giúp anh tìm ra cách thức điều hành công ty của mình theo hướng làm giảm nhẹ những tổn hại đối với môi trường.

“Thiền tập có tác dụng làm lắng dịu nỗi khổ, niềm đau trong ta, đồng thời mang lại cho ta nhiều tuệ giác và một cái thấy chân thực (chánh kiến) về chính bản thân mình và về thế giới. Và nếu ta có được tuệ giác của một tập thể thì chắc chắn là ta sẽ tổ chức và điều hành hoạt động của doanh nghiệp mình theo hướng làm cho thế giới này vơi bớt khổ đau.”

Theo Thầy, đem chánh niệm vào công sở, vào các doanh nghiệp còn có tác dụng giúp cho các nhân viên  tránh được tình trạng bị quá tải bởi công việc, tuy nhiên để làm được điều này thì các chủ doanh nghiệp, các giám đốc công ty cần phải làm gương trước.

 

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần phải biết chăm sóc chính mình trước tiên

Thầy cho rằng nhiều lãnh đạo cao cấp của các tập đoàn đã bắt đầu đề cập đến tầm quan trọng của sự phát triển bền vững, tuy nhiên rất ít người trong số đó thấy được mối liên hệ giữa sự phát triển bền vững của một doanh nghiệp với văn hóa bên trong của doanh nghiệp mà họ đang điều hành.

“Nếu người giám đốc doanh nghiệp dành toàn bộ thời gian của mình cho công việc của doanh nghiệp, người đó sẽ không còn thời gian để chăm sóc cho chính mình hay cho gia đình của mình. Người giám đốc đó cần phải nhận ra rằng doanh nghiệp của mình sẽ hoạt động hiệu quả hơn nếu người đó trở nên lắng dịu, tươi mát hơn, có khả năng cảm thông và thương yêu nhiều hơn” Thầy nói.

Trong điều kiện hiện nay khi mà máy tính trở nên quá phổ biến và tiện dụng với tốc độ xử lý ngày càng nhanh thì các giám đốc doanh nghiệp lại càng khó có được thời gian cho riêng mình, thời gian để nhìn lại bản thân và tìm niềm cảm hứng cho cuộc đời mình.

Sức mạnh của Vô tác

Thầy chia sẻ về tầm quan trọng của sự thực tập vô tác (aimlessness), tức là không chờ đợi kết quả, không mong cầu gì hết khi hành động, không có đối tượng nào để chạy theo. Thông thường chúng ta hay có thói quen chạy theo hết dự án này đến dự án khác, không ngừng nghỉ.

“Chúng ta thường cho rằng hạnh phúc nằm ở tương lai, vì vậy sự thực tập vô tác là dừng lại, không đuổi theo một đối tượng nào nữa cả và tìm hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây”, Thầy nói.

“Hạnh phúc chân thực không thể nào có được nếu không có bình an. Nếu ta cứ mãi đuổi theo một đối tượng nào đó thì làm sao ta có thể có bình an. Ta cứ chạy hoài, chạy mãi, ngay cả trong giấc mơ chúng ta vẫn còn chạy. Đó là thực trạng của nền văn minh chúng ta”.

“Chúng ta phải đi ngược lại xu hướng này. Chúng ta phải trở về với chính mình, trở về với những người thân yêu, trở về với thiên nhiên. Lâu nay chúng ta để cho các thiết bị điện tử kéo chúng ta ra khỏi chính mình. Chúng ta đánh mất mình trong Internet, trong các dự án, các kế hoạch kinh doanh, vì vậy mà chúng ta không có thời gian cho chính mình. Chúng ta không có thời gian để chăm sóc những người mà ta thương yêu và cũng đồng thời không để cho Đất Mẹ có cơ hội trị liệu cho chúng ta. Chúng ta luôn có xu hướng trốn chạy khỏi chính mình, khỏi gia đình và khỏi thiên nhiên xung quanh.”.

Hầu hết các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đều khó nói ra những áp lực mà họ đang phải gánh chịu. Tuy nhiên gần đây một số giám đốc điều hành của những tập đoàn nổi tiếng đã can đảm chia sẻ với công chúng về những áp lực trong công việc của mình, tương tự như những lo ngại của Thầy Nhất Hạnh.

Từ chức một vài tháng trước khi tập đoàn của mình bị phá sản, Erin Callan, cựu Giám đốc Tài chính của tập đoàn Lehman Brothers, đã can đảm viết lại những trải nghiệm của mình khi bị công việc lôi kéo hoàn toàn và chia sẻ điều đó với công chúng vào đầu năm nay.

“Khi quyết định nghỉ việc ở công ty, tôi cảm thấy suy sụp và buồn khổ vô cùng”, Erin Callan chia sẻ trên tờ New York Times. “Tôi không thể nào lấy lại sức lực và đi tiếp được nữa. Tôi không biết phải dựa vào đâu để khẳng định chính mình nếu không có công việc.”

“Vào ngày nghỉ cuối tuần, nếu không phải làm thêm việc của công ty thì tôi cũng dành thời gian để sạc lại năng lượng cho một tuần làm việc kế tiếp. Nói chung, đối với tôi lúc đó, công việc luôn chiếm vị trí ưu tiên số 1, trên cả gia đình, bạn bè và cả việc hôn nhân – chuyện hôn nhân của tôi cũng chỉ kéo dài được một vài năm.”

Bản chất lưỡng nguyên của công nghệ

Mặc dù lo ngại về những tác dụng tiêu cực của công nghệ, Thầy vẫn nhận thấy bản chất lưỡng nguyên của công nghệ, nghĩa là bên cạnh những tác dụng tiêu cực, công nghệ cũng có tác dụng rất hữu ích. Đó là lý do vì sao trong cuộc gặp gỡ sắp tới, Thầy sẽ kêu gọi các Giám đốc điều  hành của các tập đoàn công nghệ tập trung phát triển các phần mềm ứng dụng và những thiết bị công nghệ khác để giúp đưa mọi người trở về với một cuộc sống cân bằng.

“Chúng ta cần phải có sự tỉnh thức. Khi nói chuyện với Google và các tập đoàn công nghệ khác, tôi sẽ đề nghị họ sử dụng trí tuệ và thiện chí của mình để tạo ra những phương tiện, những công cụ có khả năng giúp cho mọi người trở về với chính mình, để trị liệu cho chính mình” Thầy nói. ” Chúng ta không loại trừ hay vứt bỏ tất cả các thiết bị công nghệ này, mà chúng ta có thể hoàn toàn tận dụng được những tiến bộ của công nghệ.”

Thầy gợi ý về việc phát triển những phần mềm ứng dụng có khả năng giúp mọi người lắng dịu cơn giận khi nó phát khởi. Thầy cũng đề cập đến loại đồng hồ Now Watch được Thầy thiết kế với mục đích giúp mọi người trở về với phút giây hiện tại: trên mặt đồng hồ, mỗi giờ được đánh dấu bằng chữ “Now” (nghĩa là Bây giờ) thay vì số giờ như thông thường.

Google đã mời Thầy chia sẻ về những nội dung như: xây dựng mục tiêu trong công việc, sự sáng tạo và tuệ giác. Thầy nói rằng chúng ta đều có thể đạt được những điều này thông qua sự thực tập chánh niệm.

Thầy đã được mời đến thăm tập đoàn Google vào năm 2011 và kể từ đó, sự thực tập chánh niệm đã được áp dụng nhanh chóng tại tập đoàn công nghệ hàng đầu này. Số lượng người tham gia vào chương trình “Tìm kiếm trong tự thân” (Search Inside Yourself) – chương trình thiền tập chính thức của Google – ngày càng tăng. Các phòng dành cho thiền tập cũng đã được thiết kế bên trong nhiều tòa nhà làm việc của Google.

Thầy nói rằng: “Cũng như mọi người, các nhân viên của Google cũng mong muốn học hỏi cách thức chuyển hóa khổ đau của chính mình”.

“Đa số các nhân viên ở đây đều còn rất trẻ và tài năng, vì vậy mà họ có thể hiểu và thực tập những điều Thầy dạy một cách nhanh chóng. Họ còn có đủ phương tiện để đem sự thực tập này đến được với rất nhiều người.”

“Sẽ rất hữu ích nếu họ biết rằng ai trong chúng ta cũng có ước mong làm những điều đẹp và lành, bởi vì mỗi người trong chúng ta đều có tính Bụt. Khi nhìn vào con đường bất thiện, không chân chính, chúng ta có thể tìm thấy trong đó một con đường ngược lại. Cũng như nhìn vào khổ đau, chúng ta sẽ thấy được con đường đưa tới hạnh phúc. Đây là giáo lý Tứ Diệu Đế trong đạo Bụt, nhưng chúng ta không cần phải là một Phật tử mới có thể hiểu được điều đó.

“Xã hội của chúng ta đang cần một sự tỉnh thức tập thể để có thể cứu chúng ta ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay. Vì vậy chúng ta cần phải thực tập để chế tác năng lượng tỉnh thức trong từng bước chân và từng hơi thở. Nếu ta có được sự tỉnh thức thì cũng có nghĩa là ta đang đi trên con đường hạnh phúc, ta có thể chuyển hóa được khổ đau trong ta. Và khi đó ta có thể giúp những người khác làm được tương tự.”

 

Nghe Tổng thống Mỹ nói chuyện, nhớ về Thiền sư Nhất Hạnh

Tổng thống Mỹ Obama đến Việt Nam là câu chuyện được bàn tán khắp nơi trong những ngày này. Người dân Việt Nam muốn được tận mắt gặp gỡ và chứng kiến sự hiện diện của “người đàn ông quyền lực nhất thế giới”. Và mỗi người ấn tượng về ông một cách khác nhau.

Cá nhân tôi rất xúc động khi được nghe Tổng thống Obama trực tiếp nhắc đến Thiền sư Thích Nhất Hạnh, vị thầy mà tôi luôn thương kính: "…Hai nước đã học được bài học như Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: đối thoại thực sự là khi cả hai bên đều sẵn sàng thay đổi…" ("We learned a lesson taught by the venerable Thich Nhat Hanh, who said, “In true dialogue, both sides are willing to change.*). Những lời thú vị này được người đứng đầu nước Mỹ nói ra hôm nay tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia trong buổi nói chuyện với giới trí thức và học sinh, sinh viên Thủ đô Hà Nội.

Được nghe những lời nói này từ Tổng thống Obama hôm nay, tôi thật sự xúc động. Trong bài nói chuyện được chuẩn bị rất công phu, ông đã nhắc đến cả Lý Thường Kiệt lẫn Bà Trưng, Bà Triệu, cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp lẫn nhà thơ Nguyễn Du, cả chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh đến nhạc sĩ Văn Cao, cả nhạc sỹ Trịnh Công Sơn và giáo sư Ngô Bảo Châu. Tuy nhiên Thiền sư Thích Nhất Hạnh được ông nhắc đến ngay từ đầu.

Đạo Phật luôn chủ trương bất bạo động. Thiền sư Thích Nhất Hạnh bao năm dành tâm huyết, trí tuệ, thời gian, công sức để vận động cho hòa bình. Thầy Nhất Hạnh đã cùng với mục sư Martin Luther King kêu gọi chống chiến tranh Việt Nam. Thầy Nhất Hạnh đã có rất nhiều buổi nói chuyện và thuyết giảng về hòa bình. Và hôm nay, ngồi nghe Tổng thống Obama nói chuyện tại Hà Nội, tai tôi như ngấm rất sâu câu nói “In true dialogue both sides are willing to change.” (đối thoại thực sự là khi cả hai bên đều sẵn sàng thay đổi).

Thầy và Tăng thân thiền hành quanh Hồ Hoàn Kiếm trong chuyến về Việt Nam năm 2005

Tôi nhớ về lần gặp Thiền sư Thích Nhất Hạnh vào năm 2005, cách đây đã 11 năm. Tôi nhớ về những lần được nghe Thầy giảng và trực tiếp hướng dẫn thiền trong các năm 2005, 2007, 2008 tại Việt Nam và 2013 tại Thái Lan. Tôi nhớ lắm hình ảnh Thầy rất hiền từ và thân mật. Và thật khó quên rằng Thầy đã từng được Mục sư Luther King đề cử cho Giải Nobel Hòa bình. Và hôm nay, câu nói của Thầy đã được Tổng thống Obama trích dẫn làm cho tôi thấy kính yêu thầy quá đỗi.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh luôn dạy học trò chúng tôi thực hành chánh niệm. Tôi luôn nhắc mình chánh niệm mọi lúc, mọi nơi. Và hôm nay, tại trung tâm Hội nghị Quốc gia, từ mindfulness, tức chánh niệm, được Tổng thống Obama nhắc đến hai lần trong bài nói chuyện. Ngồi nghe Tổng thống nói mà tôi thấy hạnh phúc vô cùng.

Tôi nghĩ và quán chiếu về từ “truyền thông” mà thiền sư Thích Nhất Hạnh hay dùng khi nói về các mối quan hệ trong gia đình, tại cơ quan, ngoài xã hội. Bài giảng về cách tái thiết lập truyền thông trong các mối quan hệ của Thầy vẫn đang nằm trong tâm tôi. Đúng là rất cần truyền thông. Quả là rất cần đối thoại chân thành. Hôm nay, khi nói đến quan hệ Việt – Mỹ, khi nhìn về quá khứ, Tổng thống Obama lại trích dẫn lời thiền sư, rằng “đối thoại thực sự là khi cả hai bên đều sẵn sàng thay đổi”.

Tổng thống Mỹ không là Phật tử nhưng ông đã rước tượng Phật vào Nhà trắng. Ông không là con Phật nhưng lại có những câu nói mà hôm nay tôi và nhiều người thấy ấn tượng vô cùng. Phải có tâm Phật thì Tổng thống Obama mới khẳng định rằng trái tim có thể thay đổi khi ta từ chối làm tù nhân của quá khứ. Thật sâu sắc.

Tôi ngồi nghe và rất ấn tượng, rất ghi nhớ rất nhiều những câu nói của Tổng thống Obama, trong đó có:

"Việt Nam là đất nước đầy truyền thống. Trong lịch sử, nhiều lần các bạn không được tự quyết định số phận của mình".

"Câu chuyện hai nước là bài học cho cả thế giới, rằng trái tim có thể thay đổi, khi ta từ chối làm tù nhân của quá khứ, rằng hòa bình tốt hơn chiến tranh".

"Việt Nam là nước độc lập, có chủ quyền, không nước nào có thể áp đặt, quyết định số phận thay Việt Nam".

"Không nước nào là hoàn hảo, kể cả Mỹ".

Tôi nhớ đến Thiền sư Nhất Hạnh với những khóa thiền cho thiền sinh phương tây tại rất nhiều nước trên thế giới. Tôi nhớ đến những lần được ngồi bên Thầy, được đi thiền hành cùng Thầy. Tôi thấy tim mình rung động khó tả khi nhận thấy rất rõ tình yêu đất nước và dân tộc Việt Nam vô cùng lớn của Thiền sư.

Hôm nay, ngồi nghe những câu nói của Tổng thống Obama mà tôi cứ suy nghĩ mãi. Mà đáng nghĩ lắm khi người đứng đầu Nhà trắng nói những câu rất hay, rất sâu sắc. Chúng ta cùng đọc nhé:

“Tự do tôn giáo sẽ khiến người dân yêu thương nhau hơn”.

“Hai nước đã từng chiến tranh, giờ chúng ta lại cùng nhau gìn giữ hòa bình thế giới. Mọi việc không phải sau một đêm là có. Có những khó khăn, thụt lùi. Nhưng tôi đứng đây, trước các bạn, rất lạc quan về tương lai của hai nước”.

May thay Việt Nam chúng ta có một thiền sư nổi tiếng thế giới như Thiền sư Thích Nhất Hạnh. May thay, nhờ Tổng thống Obama mà thêm nhiều người dân Việt Nam và công dân toàn cầu biết đến và hiểu hơn về triết lý đối thoại của Thiền sư. May thay, trong ngày hôm nay, thêm thật nhiều người hiểu về giá trị của chánh niệm, của hòa bình, của bất bạo động. May thay câu nói “In true dialogue both sides are willing to change.” (đối thoại thực sự là khi cả hai bên đều sẵn sàng thay đổi) của Thiền sư Nhất Hạnh đã, đang và sẽ vang đi khắp muôn nơi. May thay câu nói này được nói ra từ chính “người đàn ông quyền lực nhất thế giới” tại trung tâm hội nghị Quốc gia, thủ đô Hà Nội.

Tôi thấy hạnh phúc vô cùng. Tôi thấy bình an kỳ lạ. Tự nhiên tôi muốn bay ngay sang Pháp, đến Làng Mai để thăm Thầy, để được quỳ gối dưới chân Thầy và nói một từ biết ơn.

TS Nguyễn Mạnh Hùng

Chủ tịch công ty sách Thái Hà

*********************

(*) Câu nói: “In true dialogue, both sides are willing to change" (đối thoại thực sự là khi cả hai bên đều sẵn sàng thay đổi…) được trích từ tác phẩm "Living Buddha, Living Christ" của Thiền sư Nhất Hạnh.

 

* Toàn văn bài phát biểu của Tổng thống Obama (chuyển ngữ từ tiếng Anh):

 

Xin chào!

Xin chào Việt Nam!

Xin cảm ơn!

Xin cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam về sự đón tiếp nồng hậu và sự hiếu khách mà quý vị đã dành cho tôi trong chuyến thăm này. Xin cám ơn các bạn vì đã có mặt tại đây ngày hôm nay.

Có rất nhiều các bạn trẻ từ khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam đã có mặt tại đây, họ đại diện cho sự năng động, tài năng và niềm hy vọng của Việt Nam. Trong chuyến thăm này, tình cảm chân thành của người dân Việt Nam đã chạm đến trái tim tôi. Có rất nhiều người đã xuống đường vẫy tay và tươi cười với tôi để thể hiện tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Tối qua, tôi đã đi thăm khu phố cổ Hà Nội và được ăn những món ăn Việt Nam rất ngon. Tôi đã ăn bún chả và uống bia Hà Nội. Tôi phải nói thật rằng, đường phố của các bạn rất nhộn nhịp và cả đời mình tôi chưa từng thấy nhiều xe máy đến vậy. Tôi chưa thử tìm cách sang đường nhưng có lẽ khi tôi quay trở lại, các bạn sẽ giúp tôi làm điều này.

Tôi không phải là Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Việt Nam trong thời gian qua, nhưng tôi là Tổng thống đầu tiên, cũng như nhiều bạn có mặt tại đây đã lớn lên sau chiến tranh.

Khi binh sĩ Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam, tôi mới 13 tuổi. Chính vì thế, ấn tượng của tôi về Việt Nam chỉ có khi tôi ở Hawaii thông qua Cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Nhưng cũng vào thời điểm đó, có rất nhiều người Việt Nam thậm trí còn trẻ hơn tôi rất nhiều. Giống như 2 con gái của tôi, các bạn khi sinh ra chỉ biết đến hòa bình và khi Mỹ và Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ.

Khi tôi đến đây, tôi nhận thức rõ về những khó khăn trong quá khứ nhưng lại muốn tập trung hoàn toàn vào tương lai vào sự thịnh vượng, an ninh và phẩm giá con người mà chúng ta cùng nhau vun đắp.

Tôi đến đây với tất cả sự tôn trọng dành cho lịch sử lâu đời của Việt Nam. Từ hàng nghìn năm qua, những người nông dân đã canh tác trên mảnh đất này. Lịch sử của mảnh đất này được hé lộ từ những hoa văn trên Trống đồng Đông Sơn và Hà Nội đã đứng vững bên dòng sông Hồng từ hơn 1.000 năm qua. Thế giới rất coi trọng sản phẩm lụa và các bức tranh của Việt Nam. Văn Miếu của các bạn đã trường tồn cùng thời gian như một bằng chứng rõ ràng về sự hiếu học của người Việt.

Hàng trăm năm qua, vận mệnh của Việt Nam đã bị nhiều nước khác can thiệp và mảnh đất này đã có lúc bị xâm chiếm. Tuy nhiên, cũng giống như cây tre, tinh thần bất khuất của các bạn được thể hiện rõ qua câu thơ thần của danh tướng Lý Thường Kiệt:

“Sông núi nước Nam vua Nam ở

Rành rành định phận tại sách trời”.

Ngày hôm nay, chúng ta cùng nhìn lại lịch sử lâu đời giữa Mỹ và Việt Nam với rất nhiều sự giao thoa. Hơn 200 năm trước, khi người cha lập quốc của nước Mỹ Thomas Jefferson tìm cách mua lúa để trồng trong các trang trại của mình, ông đã tìm đến lúa của Việt Nam, loại lúa gạo mà theo ông là trắng nhất, ngon nhất và năng suất nhất.

Trong Thế chiến thứ 2, người Mỹ cũng đã giúp Việt Nam thoát khỏi ách đô hộ. Khi máy bay của các phi công Mỹ bị bắn rơi, người Việt Nam đã tìm cách cứu họ.

Vào ngày Việt Nam tuyên bố giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đã trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

Lẽ ra, cuộc chiến nhằm lật đổ chế độ thực dân đã khiến nhân dân hai nước nhanh chóng đoàn kết với nhau hơn. Tuy nhiên, thay vì thế, nỗi sợ hãi chủ nghĩa Cộng sản, Chiến tranh Lạnh, và sự thù địch đã đẩy chúng ta vào một cuộc chiến. Từ các cuộc xung đột trong lịch sử thế giới, chúng ta hiểu ra được một sự thật đau đớn rằng, chiến tranh, dù vì lý do gì cũng mang đến thương đau và bi kịch.

Các nghĩa trang liệt sĩ và bàn thờ tại các gia đình Việt Nam nhắc nhở chúng ta rằng, có hơn 3 triệu binh sĩ và dân thường của Việt Nam đã mất trong chiến tranh.

Tại Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam tại Washington, chúng ta có thể chạm tay vào tên của hơn 58.315 binh sĩ Mỹ chết trong Chiến tranh Việt Nam. Ở cả Mỹ và Việt Nam, nhiều cựu chiến binh và cả những thân nhân của các liệt sĩ vẫn rất đau đớn trước sự ra đi của những người thân yêu nhất.

Tại Mỹ, có một câu nói như thế này: “Dù chúng ta có bất đồng gì về cuộc chiến đó, chúng ta vẫn phải tôn trọng những người đã phục vụ trong quân ngũ và chào đón họ về với những nghi thức mà họ xứng đáng được hưởng”. Ngày hôm nay, Việt Nam và Mỹ đã hàn gắn với nhau và nhận thức rõ nỗi đau và sự hy sinh mà cả hai phía đã phải trải qua.

Trong 2 thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể và ngày hôm nay, thế giới phải công nhận những gì mà các bạn đã đạt được. Thông qua việc cải cách kinh tế và các thỏa thuận thương mại với các nước, trong đó có Mỹ, Việt Nam đã tham gia vào nền kinh tế toàn cầu và xuất khẩu hàng hóa đi khắp thế giới. Các khoản đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam ngày một nhiều hơn.

Với tư cách là một trong những nước có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất châu Á, Việt Nam giờ đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình trên thế giới. Chúng ta có thể nhận thấy sự phát triển của Việt Nam thông qua những tòa nhà cao tầng chọc trời, các trung tâm mua sắm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị vệ tinh.

Chúng ta đã thấy Việt Nam phóng vệ tinh vào vụ trũ và một thế hệ người Việt mới tham gia nhiều hơn vào các hoạt động trực tuyến, khởi nghiệp và điều hành các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Chúng ta nhận thấy hàng triệu người Việt Nam đã kết nối với Facebook và có tài khoản Instagram và các bạn không chỉ chụp ảnh selfie (dù tôi được nghe là các bạn làm điều này rất thường xuyên và cho đến thời điểm này đã có rất nhiều bạn đề nghị chụp ảnh selfie với tôi), mà còn lên tiếng về những gì mà các bạn quan tâm như bảo vệ những cây cổ thụ ở Hà Nội.

Sự năng động này đã mang đến những đổi thay thực sự trong đời sống của người dân. Tại Việt Nam, các bạn đã thành công trong việc xóa đói giảm nghèo và tăng thu nhập cho các gia đình và khiến hàng triệu người trong xã hội nhanh chóng gia nhập tầng lớp trung lưu.

Đói nghèo, bệnh tật, tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em đều đã giảm. Số người được tiếp cận nước sạch và điện cũng như số trẻ em nam và nữ đến trường cùng tỉ lệ người được xóa mù chữ đã gia tăng. Đó là một bước tiến đáng kinh ngạc mà các bạn đã đạt được trong một thời gian rất ngắn. Việt Nam đã chuyển mình và mối quan hệ giữa hai quốc gia cũng đã được cải thiện.

Chúng ta đã học được một bài học từ Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người đã nói rằng: đối thoại thực sự là khi cả hai bên đều sẵn sàng thay đổi". Theo cách đó, cuộc chiến đã chia cắt chúng ta lại trở thành nguồn cảm hứng để hàn gắn những vết thương. Điều đó cho phép chúng tôi tìm kiếm những người lính mất tích trong chiến tranh và đưa họ về nhà, cho phép chúng tôi hỗ trợ rà phá bom mìn và các vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh để không đứa trẻ nào bị thiệt mạng khi vui chơi ngoài trời.

Ngay cả khi đang hỗ trợ những người tàn tật ở Việt Nam, trong đó có trẻ em, chúng tôi cũng tham gia vào việc tẩy rửa chất độc Da cam, dioxin để Việt Nam có thêm nhiều mảnh đất an toàn. Chúng tôi đã thực hiện việc này ở Đà Nẵng và sẽ tiếp tục hỗ trợ tại Biên Hòa.

Chúng ta cũng đừng quên rằng, quá trình hòa giải giữa hai nước cũng được tiến hành nhờ các cựu binh từng đối mặt nhau trên chiến trường. Khi Thượng Nghị sĩ John McCain, người từng là tù nhân chiến tranh ở Việt Nam trong nhiều năm, đã đến gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nói rằng: “Hai nước chúng ta không nên là kẻ thù, hãy là bạn”.

Hãy nghĩ đến tất cả các cựu binh Mỹ và Việt Nam, những người đã giúp hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng mối quan hệ mới giữa hai nước. Ít có ai có thể làm được điều này trong vài năm qua như Trung úy Hải quân giờ đã là Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người cũng có mặt tại đây.

Chính nhờ sự mở lối của các cựu binh, nhờ sự dũng cảm theo đuổi hòa bình của các chiến binh ấy, người dân hai nước chúng ta đã xích lại gần nhau hơn bao giờ hết. Thương mại song phương đã gia tăng.

Các sinh viên và học giả hai nước có điều kiện học hỏi lẫn nhau. Chúng tôi đón chào sinh viên Việt Nam đến học tại Mỹ nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác tại Đông Nam Á và hàng năm, các bạn lại đón thêm nhiều du khách Mỹ, trong đó có những khách du lịch ba lô thăm thú 36 phố phường Hà Nội, phố cổ Hội An và cố đô Huế.

Cả người dân Việt Nam và người dân Mỹ đều có thể viện dẫn lời bài hát của nhạc sĩ Văn Cao: “Từ đây người biết thương người, từ đây người biết yêu người”.

Là Tổng thống Mỹ, tôi muốn góp phần thúc đẩy mối quan hệ song phương. Với mối quan hệ đối tác toàn diện mới, Chính phủ hai nước đang hợp tác chặt chẽ hơn bao giờ hết. Và thông qua chuyến thăm này, chúng ta đã tạo dựng nền móng vững chắc hơn cho những thập kỷ tới.

Với việc mối quan hệ lâu dài giữa hai nước từ thời Tổng thống Thomas Jefferson 200 năm trước và đã trải qua rất nhiều nỗ lực để có ngày hôm nay, thời điểm chúng ta có thể nói những điều tưởng như không thể tưởng tượng nổi.

Hiện tại, Mỹ và Việt Nam đã trở thành đối tác và tôi tin rằng, kinh nghiệm của chúng ta sẽ trở thành bài học cho toàn thế giới tại một thời điểm mà các cuộc xung đột dường như không thể giải quyết và không bao giờ chấm dứt. Chúng ta đã cho thấy, trái tim có thể thay đổi và một tương lai khác hoàn toàn có thể đạt được nếu chúng ta từ chối trở thành “tù nhân” của quá khứ.

Chúng ta cho thấy, hòa bình tốt hơn là chiến tranh và những tiến bộ trong việc tôn trọng phẩm giá con người sẽ được thúc đẩy tốt nhất thông qua hợp tác chứ không phải đối đầu. Đó là những điều mà Việt Nam và Mỹ có thể cho thế giới thấy.

Mối quan hệ đối tác mới giữa Mỹ và Việt Nam được bắt nguồn từ niềm tin cốt lõi rằng Việt Nam là một quốc gia độc lập, tự chủ và không một quốc gia nào có thể áp đặt ý chí của họ lên các bạn hoặc quyết định số phận của các bạn.

Mỹ có lợi ích tại đây, Mỹ có lợi ích của mình nếu Việt Nam thành công, nhưng mối quan hệ đối tác toàn diện của chúng ta mới ở giai đoạn khởi đầu, và trong những phút còn lại, tôi muốn cho các bạn thấy một tầm nhìn mà tôi tin rằng có thể dẫn lối cho chúng ta trong những thập niên tới.

Đầu tiên, hãy hợp tác cùng nhau để tạo dựng cơ hội thực sự và sự thịnh vượng cho người dân của chúng ta. Chúng ta đều biết công thức để thành công trong nền kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21 đó chính là, các nguồn đầu tư và dòng tiền sẽ chảy vào những nơi mà luật pháp được tôn trọng bởi không ai muốn phải đút lót để có thể bắt đầu kinh doanh.

Không ai muốn bán hàng hoặc đi học nếu họ không biết họ được đối xử ra sao. Trong nền kinh tế dựa vào tri thức như hiện nay, việc làm sẽ chỉ có tại những nơi mà con người được quyền tự do suy nghĩ cho bản thân, trao đổi ý tưởng và sáng tạo.

Mối quan hệ đối tác kinh tế thực sự không phải là một nước chỉ chăm chăm khai thác tài nguyên của nước khác. Mối quan hệ này dựa trên việc đầu tư vào nguồn tài nguyên vĩ đại nhất của chúng ta, đó chính là con người, kỹ năng và tài năng của họ dù họ sống ở thành thị hay nông thôn. Đó chính là hình thức đối tác mà Mỹ có thể đem lại.

Như tôi đã tuyên bố hôm 23/5, Tổ chức Hòa bình Mỹ sẽ lần đầu tiên đến Việt Nam và tập trung vào việc giảng dạy tiếng Anh. Sau hàng thế hệ khi người Mỹ đến đây để chiến đấu, lại có một thế hệ người Mỹ mới đến Việt Nam để giảng dạy và tạo dựng mối quan hệ sâu sắc hơn giữa hai nước.

Một vài tập đoàn công nghệ và học viện hàng đầu của Mỹ đã đến Việt Nam nhằm hỗ trợ các trường đại học đào tạo về khoa học, công nghệ, cơ khí, toán học và dược, bởi ngay cả khi đã chào đón rất nhiều sinh viên Việt Nam đến Mỹ, chúng tôi vẫn tin rằng, các bạn trẻ xứng đáng được hưởng nền giáo dục đẳng cấp thế giới ngay tại Việt Nam.

Một lý do khiến chúng tôi rất vui mừng là trường Đại học Fulbright sẽ chính thức mở cửa vào mùa Thu năm nay ở thành phố Hồ Chí Minh. Đây là trường đại học phi lợi nhuận độc lập đầu tiên tại Việt Nam, nơi sẽ mang đến quyền tự do học thuật và cấp học bổng toàn phần cho những người thực sự cần.

Các sinh viên, học giả và các nhà nghiên cứu sẽ tập trung vào nghiên cứu chính sách công, quản trị kinh doanh, cơ khí, máy tính, khoa học, nghệ thuật tự do, bao gồm tất cả các lĩnh vực, từ thơ ca Nguyễn Du, từ triết lý của Phan Chu Trinh đến toán học của Ngô Bảo Châu.

Tôi sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ đối tác với những thanh niên và doanh nhân trẻ bởi chúng tôi tin rằng, nếu các bạn có thể tiếp cận với những kỹ năng, công nghệ và nguồn vốn cần thiết thì không gì có thể cản đường các bạn. Điều đó cũng đúng với những phụ nữ tài năng của Việt Nam.

Chúng tôi tin rằng, bình đẳng giới là một nguyên tắc rất quan trọng. Từ thế hệ Hai Bà Trưng đến nay, những phụ nữ tài năng và mạnh mẽ đã luôn giúp Việt Nam tiến lên phía trước. Điều này là quá rõ ràng.

Tôi muốn nói rằng, bất kỳ nơi nào tôi đặt chân đến trên trái đất này, mỗi gia đình, cộng đồng và một quốc gia chỉ có thể thành công nếu người phụ nữ được trao cơ hội bình đẳng với nam giới để thành công trong học tập, trong công việc và trong Chính phủ. Điều này đúng ở mọi nơi và đúng cả ở Việt Nam.

Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ để nền kinh tế Việt Nam có thể phát huy hết tiềm năng của mình thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tại Việt Nam, TPP sẽ giúp các bạn xuất khẩu được nhiều hàng hóa hơn ra thế giới và giúp thu hút thêm nhiều đầu tư. TPP sẽ đòi hỏi các bạn phải thay đổi để bảo vệ người lao động cũng như tôn trọng các quy định về bản quyền sở hữu trí tuệ và Mỹ luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực thi đầy đủ cam kết của mình.

Tôi muốn các bạn hiểu rằng, với cương vị Tổng thống Mỹ, tôi ủng hộ mạnh mẽ TPP bởi điều này cũng đồng nghĩa với việc các bạn có thể mua được nhiều hàng hóa sản xuất tại Mỹ.

Hơn thế nữa, tôi ủng hộ TPP bởi nó mang lại những lợi ích chiến lược cho Việt Nam và giúp Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào một đối tác thương mại cụ thể nào đó và có thể mở rộng mối quan hệ với nhiều đối tác khác, trong đó có Mỹ.

TPP sẽ giúp tăng cường hợp tác trong khu vực, giải quyết sự bất bình đẳng về kinh tế và cải thiện quyền lợi của người lao động nhờ tiền lương cao hơn và được làm việc trong môi trường an toàn hơn. Lần đầu tiên, Việt Nam cho phép thành lập các liên đoàn lao động và cấm mọi hình thức cưỡng ép lao động hoặc lao động trẻ em.

Ngoài ra, TPP cũng đã đặt ra những tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và chống tham nhũng cao nhất từ trước đến nay và đó là tương lai mà TPP có thể mang đến cho tất cả chúng ta. Bởi chúng ta, Mỹ, Việt Nam và các nước tham gia ký kết TPP sẽ phải tuân theo các quy định mà chúng ta đã đặt ra.

Đó là tương lai rộng mở cho tất cả chúng ta và chúng ta cần phải hoàn tất việc thông qua TPP để đảm bảo sự thịnh vượng về kinh tế và an ninh quốc gia.

Điều này đưa tôi đến lĩnh vực thứ hai mà chúng ta có thể hợp tác với nhau để đảm bảo an ninh chung. Thông qua chuyến thăm này, chúng ta đã nâng tầm hợp tác về an ninh và xây dựng thêm lòng tin giữa nhân dân hai nước. Chúng tôi sẽ tiếp tục huấn luyện và cung cấp trang thiết bị cho lực lượng Cảnh sát Biển của các bạn để tăng cường năng lực hàng hải của Việt Nam. Chúng tôi sẽ cung cấp viện trợ nếu xảy ra thiên tai.

Với tuyên bố mà tôi đưa ra ngày hôm qua rằng Mỹ quyết định dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vũ khí đối với Việt Nam, Việt Nam giờ đã có thể tiếp cận mọi trang thiết bị cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia. Thông qua đó, Mỹ cũng muốn thể hiện cam kết của mình trong việc hoàn tất bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.

Các cuộc chiến tranh trong thế kỷ 20 đã dạy cho tất cả chúng ta, trong đó có Mỹ và Việt Nam, một bài học rằng, trật tự thế giới quyết định mối quan hệ an ninh chung của chúng ta được bắt nguồn từ các nguyên tắc và chuẩn mực nhất định.

Mọi quốc gia đều có chủ quyền và dù là nước lớn hay nước nhỏ, chủ quyền của quốc gia đó cần phải được tôn trọng và không được xâm phạm lãnh thổ của họ. Các nước lớn không nên chèn ép các nước nhỏ và các tranh chấp cần phải cần được giải quyết hòa bình.

Các thiết chế trong khu vực như ASEAN và Hội nghị Cấp cao Đông Á cần phải được củng cố. Đó là điều mà tôi tin tưởng, đó là điều mà nước Mỹ tin tưởng và đó cũng chính là mối quan hệ đối tác mà Mỹ muốn hướng tới trong khu vực. Vào cuối năm nay, tôi sẽ là Tổng thống Mỹ đầu tiên đến Lào.

Liên quan đến vấn đề Biển Đông, dù không phải là nước có tranh chấp trực tiếp nhưng chúng tôi sẽ kề vai sát cánh với các đối tác trong việc tuân thủ những nguyên tắc cốt lõi như tự do hàng hải và tự do đi lại. Giao thương hợp pháp không được bị cản trở, các tranh chấp cần phải được giải quyết thông qua các quy định của luật pháp quốc tế. Mỹ sẽ tiếp tục điều tàu và máy bay hoạt động tại bất kỳ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép, và chúng tôi sẽ hỗ trợ mọi quốc gia làm điều tương tự.

Ngay cả khi đã hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực nói trên, mối quan hệ đối tác còn bao gồm cả những vấn đề mà Chính phủ hai nước vẫn còn bất đồng, bao gồm nhân quyền và tôi nói điều này không phải để ám chỉ riêng Việt Nam bởi không có quốc gia nào là hoàn hảo cả.

Hơn 200 năm đã trôi qua và nước Mỹ vẫn tiếp tục nỗ lực để theo đuổi những tư tưởng sơ khởi nhất. Chúng tôi vẫn phải đối mặt với những hạn chế của mình như có quá nhiều tiền đổ vào chính trị, bất bình đẳng về kinh tế cũng như sự phân biệt chủng tộc trong hệ thống pháp luật hình sự, phụ nữ không được trả tiền như nam giới dù làm cùng một công việc.

Chúng tôi vẫn có những vấn đề riêng của mình và chúng tôi không “miễn nhiễm” với những lời chỉ trích. Tôi khẳng định với các bạn rằng tôi nghe những lời chỉ trích ấy hàng ngày. Nhưng chính những thiếu sót ấy lại mở lối cho những cuộc tranh luận cởi mở và tạo điều kiện cho mọi người có thể cất lên tiếng nói của mình. Điều này giúp chúng tôi ngày càng lớn mạnh, thịnh vượng và công bằng hơn.

Như tôi từng nói trước đây, Mỹ không hề có ý định áp đặt mô hình Chính phủ của mình lên Việt Nam. Những quyền mà tôi nói ở trên không chỉ là những giá trị được coi trọng ở Mỹ mà tôi cho rằng, đó là những giá trị mang tính toàn cầu được viết trong Bản Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế.

Những giá trị này được ghi trong Hiến pháp Việt Nam trong đó nêu rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Đó chính là những vấn đề chung đối với tất cả chúng ta, mỗi nước đều muốn theo đuổi những nguyên tắc nói trên và đảm bảo rằng, những người làm việc trong Chính phủ như chúng tôi phải thực sự tôn trọng những nguyên tắc đó.

Trong vài năm qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ trong việc thực hiện các cam kết của mình trong việc đảm bảo rằng các bộ luật được thông qua đều theo đúng tinh thần của Hiến pháp và luật pháp quốc tế.

Theo một bộ luật mới được thông qua, Chính phủ Việt Nam sẽ công khai hơn các khoản chi tiêu ngân sách của mình và người dân sẽ được quyền tiếp cận thông tin nhiều hơn.

Như tôi đã nói ở trên, Việt Nam cũng đã đưa ra cam kết về cải cách kinh tế và lao động theo đúng tinh thần của TPP và đó là những bước đi tích cực và cuối cùng, tương lai của Việt Nam sẽ do chính người Việt quyết định. Mỗi quốc gia sẽ tự vạch ra con đường đi của mình.

Hai nước chúng ta có sự khác biệt về truyền thống, về thể chế chính trị và văn hóa, nhưng với tư cách là người bạn của Việt Nam, hãy cho phép tôi chia sẻ quan điểm của mình về việc tại sao một quốc gia lại trở nên thịnh vượng hơn khi những quyền cơ bản được tôn trọng.

Khi quyền tự do ngôn luận được tôn trọng và người dân có thể chia sẻ ý tưởng và được tiếp cận internet và mạng xã hội mà không bị hạn chế, nền kinh tế sẽ được “tiếp năng lượng và sự sáng tạo” để tiếp tục phá triển.

Đó là nơi những ý tưởng mới được sinh ra và đó cũng là nơi Facebook khởi nghiệp. Một số công ty lớn nhất của Mỹ được khai sinh là nhờ một ai đó có ý tưởng mới rất khác biệt và họ có thể chia sẻ với những người khác.

Khi quyền tự do báo chí được tôn trọng, khi các nhà báo và các bloggers có thể soi ánh sáng vào những nơi còn bất công và áp bức thì các quan chức sẽ buộc phải có trách nhiệm hơn. Điều này giúp tạo dựng niềm tin đối với người dân rằng hệ thống này đang làm việc hiệu quả.

Khi các ứng viên được quyền tranh cử tự do và cử tri được tự do lựa chọn người lãnh đạo mình trong các cuộc bầu cử tự do và công bằng, đất nước sẽ trở nên ổn định hơn bởi các công dân hiểu rằng, tiếng nói của họ được tôn trọng và sự thay đổi một cách hòa bình hoàn toàn có thể xảy ra nhằm tạo điều kiện cho những người mới hòa nhập vào hệ thống lãnh đạo.

Khi mà tự do tôn giáo không chỉ là cho phép người dân được bày tỏ sự thương yêu và thành kính, điều đã trở thành cốt lõi trong mọi tôn giáo, mà còn cho phép các nhóm tôn giáo phục vụ cộng đồng thông qua các trường học và bệnh viện cũng như chăm sóc cho những người nghèo khó và những người dễ bị tổn thương.

Và khi người dân được quyền tự do hội họp và lập hội và các tổ chức xã hội dân sự có thể giải quyết được những vấn đề mà bản thân Chính phủ cũng không giải quyết nổi.

Chính vì thế, quan điểm của tôi là, việc tôn trọng các quyền cơ bản đó sẽ không đe dọa gì đến sự ổn định, thay vào đó, nó sẽ giúp tăng cường sự ổn định và trở thành nền móng cho sự phát triển. Chính sự khát khao có được các quyền cơ bản đó đã thôi thúc người dân trên toàn thế giới, bao gồm Việt Nam lật đổ chế độ thực dân.

Tôi tin rằng, việc tôn trọng các quyền cơ bản này ở mức cao nhất cũng là thể hiện sự độc lập tự do mà rất nhiều người luôn ấp ủ, đặc biệt là ở một đất nước “của dân, do dân và vì dân”.

Việt Nam sẽ thực hiện điều này một cách hoàn toàn khác với Mỹ và mỗi nước sẽ thực thi một cách hoàn toàn khác với rất nhiều quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên, có những nguyên tắc cơ bản mà tôi nghĩ rằng mọi quốc gia cần thực thi và cải thiện.

Tôi nói điều này với tư cách là người sắp rời khỏi nhiệm sở và tôi có điều kiện nắm quyền trong 8 năm để có thể nhìn lại những gì chúng tôi đã làm và hợp tác với các quốc gia khác trên toàn thế giới, những nước cũng luôn mong muốn cải thiện hệ thống của mình.

Cuối cùng, tôi cho rằng, mối quan hệ đối tác của chúng ta có thể giúp giải quyết các thách thức toàn cầu mà không một quốc gia nào có thể một mình tự giải quyết nổi.

Nếu chúng ta muốn đảm bảo sức khỏe cho người dân và gìn giữ vẻ đẹp của hành tinh này, chúng ta phải phát triển một cách bền vững. Những kỳ quan thiên nhiên như Vịnh Hạ Long hay hang Sơn Đoòng cần phải được gìn giữ cho thế hệ con cháu chúng ta.

Tình trạng nước biển dâng đang đe dọa bờ biển của Việt Nam. Với tư cách là đối tác trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, chúng ta cần thực thi đầy đủ các cam kết đã đưa ra tại Hội nghị Paris. Chúng ta cần hỗ trợ những người nông dân và các ngư dân thích nghi với biển đổi khí hậu và mang những nguồn năng lượng sạch đến những khu vực như Đồng bằng sông Cửu Long- vựa lúa của cả thế giới- mà chúng ta cần để nuôi sống thế hệ tương lai.

Chúng ta có thể giúp cứu sống những người nằm ngoài biên giới của chúng ta bằng cách hỗ trợ các nước khác. Bằng cách tăng cường hệ thống y tế của họ, chúng ta có thể ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trở thành đại dịch đe dọa tất cả chúng ta.

Trong bối cảnh Việt Nam đang thực thi cam kết của mình trong việc gìn giữ hòa bình quốc tế, Mỹ rất tự hào được huấn luyện cho các binh sĩ gìn giữ hòa bình của Việt Nam.

Một điều rất đáng chú ý chính là, hai nước chúng ta, những quốc gia từng chiến đấu chống lại nhau trong quá khứ giờ lại sát cánh cùng nhau để hỗ trợ các nước khác giành lấy hòa bình. Bên cạnh hợp tác song phương, mối quan hệ đối tác giữa hai nước cũng giúp định hình môi trường toàn cầu theo hướng tích cực.

Tuy nhiên, chúng ta cần nhận thức được rằng, tầm nhìn mà tôi nêu ra ngày hôm nay không thể đạt được “chỉ sau một đêm” và không tránh khỏi những trở ngại hoặc khó khăn phía trước. Sẽ có những thời điểm xảy ra hiểu lầm. Điều này đòi hỏi một nỗ lực lâu dài và thiện chí đối thoại và cả hai bền đều phải tiếp tục thay đổi.

Mặc dù vậy, khi nhìn lại lịch sử đầy khó khăn và thách thức mà chúng ta đã trải qua, tôi đứng đây cùng các bạn ngày hôm nay và hoàn toàn lạc quan về tương lai chung của chúng ta.

Niềm tin của tôi bắt nguồn từ tình hữu nghị và khát vọng chung của hai dân tộc. Tôi nghĩ đến những người Mỹ gốc Việt đã vượt đại dương để đoàn tụ với gia đình lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ qua và những người như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết “nối vòng tay lớn” là mở tấm lòng của mình ra để thấu suốt trái tim mình.

Tôi đang nghĩ đến tất cả những người Mỹ gốc Việt thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào: bác sĩ, nhà báo, thẩm phán hay viên chức. Một trong số họ đã viết thư cho tôi và nói rằng: “Nhờ ơn Chúa tôi đã thực hiện được Giấc mơ Mỹ của mình”.

Tôi rất tự hào được là người Mỹ nhưng cũng rất tự hào về những người Việt Nam như các bạn. Ngày hôm nay, các bạn có mặt tại đây, nơi quê cha đất tổ của mình, sứ mệnh của các bạn là giúp cải thiện cuộc sống của mọi người dân Việt Nam.

Tôi đã nghĩ đến một thế hệ thanh niên Việt Nam mới, những người như các bạn đang có mặt tại đây, những người luôn sẵn sàng tạo dấu ấn riêng của mình đối với thế giới.

Tôi muốn nói với tất cả các bạn trẻ tại đây: Tài năng, động lực và ước mơ của các bạn là tất cả những gì Việt Nam cần để có thể phát triển và số phận nằm trong tay các bạn. Đây là thời điểm của các bạn và khi các bạn theo đuổi tương lai của mình, tôi muốn các bạn hiểu rằng, nước Mỹ luôn ở bên các bạn với tư cách là một đối tác và là một người bạn.

Nhiều năm sau này, khi ngày càng có nhiều người Mỹ và người Việt Nam cùng học tập, sáng tạo và làm ăn với nhau cũng như cùng đứng lên để thúc đẩy nhân quyền và bảo vệ hành tinh của chúng ta.

Tôi mong các bạn nhớ đến khoảnh khắc này và có thêm hy vọng từ cái thấy mà tôi đã chia sẻ với các bạn ngày hôm nay. Hoặc, nói như trong truyện Kiều mà các bạn thuộc nằm lòng có câu:

"Rằng trăm năm cũng từ đây

Của tin gọi một chút này làm ghi"

Cảm ơn các bạn. Cảm ơn Việt Nam! 

(Nguồn: http://vov.vn/chinh-tri/toan-van-phat-bieu-tong-thong-obama-tai-trung-tam-hoi-nghi-quoc-gia-513962.vov)

Toàn văn bài phát biểu bằng tiếng Anh:

https://www.whitehouse.gov/the-press-office/2016/05/24/remarks-president-obama-address-people-vietnam

 

 

 

 

 

Vị “anh hùng ẩn danh” đằng sau công cuộc chống biến đổi khí hậu trên thế giới

 
Một trong những động lực ở hậu trường dẫn dắt vòng đàm phán Paris và đem lại bản thỏa thuận lịch sử về biến đổi khí hậu là vị thiền sư 89 tuổi người Việt Nam.
 
Christina Figueres, kiến trúc sư trưởng của những cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu tại Paris, đã thừa nhận vai trò then chốt của thiền sư Thích Nhất Hạnh trong việc giúp bà phát triển sức mạnh nội tâm, trí tuệ và lòng từ bi cần thiết để có thể thúc đẩy các bên liên quan đi đến Thỏa thuận Paris – một bản thỏa thuận toàn cầu đầu tiên về biến đổi khí hậu được sự thông qua của 196 quốc gia.
 
Figueres, Tổng thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCC) nói rằng những lời dạy của Thầy đến với bà một cách rất tình cờ khi bà đang trải qua một cuộc khủng hoảng cá nhân sâu sắc cách đây ba năm. (“Thầy” là cách gọi thân thương mà hàng trăm ngàn đệ tử trên thế giới dành cho Thiền sư Nhất Hạnh.)
 
Những giáo lý đạo Bụt qua cách diễn bày của Thầy – người hiện đang trong quá trình phục hồi sau một cơn xuất huyết não nghiêm trọng – đã giúp bà đối diện được với những khó khăn của chính mình trong giai đoạn đó, đồng thời giữ được sự định tâm trong các cuộc đàm phán về khí hậu.
 
“Tôi cần có một cái gì đó ngay đây, trong tầm tay, để nương vào nếu không tôi không thể nào hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Một điều quá rõ ràng là lúc ấy tôi không thể có cơ hội để nghỉ ngơi, dù chỉ một ngày. Đó là một cuộc chạy đua kéo dài sáu năm không ngừng, tôi thực sự cần có một cái gì đó để nương tựa. Nếu không được dẫn dắt bởi những lời dạy của thiền sư Thích Nhất Hạnh, tôi đã không thể có được sức mạnh nội tâm, niềm lạc quan sâu sắc, sự tận tâm và niềm cảm hứng mạnh mẽ như vậy” – Figueres chia sẻ với tờ The Huffington Post trong thời gian diễn ra Diễn đàn Kinh tế Thế giới thường niên tại Davos, Thụy Sỹ.
 
Vậy, Thầy đã dạy cho người phụ nữ này điều gì?
 
Figueres làm sáng tỏ điều đó qua câu chuyện về chuyến thăm của bà tại Viện Phật học Ứng dụng châu Âu (EIAB) do Thầy thành lập, tại Waldbroel, Đức. Nơi đây đã từng là bệnh viện tâm thần với 700 bệnh nhân cho tới khi Đức Quốc xã (Nazis) xuất hiện, thủ tiêu hoàn toàn những bệnh nhân này và biến nơi đây thành cơ sở cho Đảng thanh niên Hitler (Hitler Youth).  
 
Bà kể rằng Thầy đã chọn nơi này để thành lập tu viện vì “Thầy muốn chỉ ra rằng chuyển hóa niềm đau thành tình thương, nạn nhân thành người chiến thắng, hận thù thành thương yêu và tha thứ là điều có thể làm được. Thầy muốn điều đó được thực hiện ở ngay chính mảnh đất này, nơi đã từng xảy ra những hành động bạo tàn và phi nhân tính”.
 
“Việc làm đầu tiên của Thầy là viết thư cho cộng đồng Phật giáo. Trong thư Thầy nói rằng: Thầy muốn có những trái tim được khâu bằng tay, mỗi trái tim cho mỗi bệnh nhân bị thủ tiêu, để chúng ta có thể bắt đầu chuyển hóa tòa nhà này, không gian này và năng lượng nơi đây”- Figueres chia sẻ tiếp.
 
“Đó là một câu chuyện vô cùng chấn động đối với tôi. Bởi vì dưới nhiều góc độ, đây chính là hành trình mà chúng tôi đã đi qua để tới được với nhau trong những cuộc đàm phán về khí hậu. Đó là hành trình từ lên án, trách móc lẫn nhau đi tới hợp tác thật sự với nhau. Đó là hành trình từ cảm giác hoàn toàn tê liệt, bất lực, dễ tổn thương đi tới cảm giác thực sự thấy mình có khả năng cùng nhau hành động… Hành trình đó đồng thời đem đến cho tôi rất nhiều trị liệu. Bởi vì ngay chính trong tôi cũng còn có những khó khăn, khổ đau cần được chuyển hóa”. Bà nói thêm: “Chưa thể nói rằng tôi đã đi qua giai đoạn khó khăn của cá nhân mình, nhưng tôi sẽ chuyển hóa nó. Tôi cần làm điều đó cho chính mình.”
 
Bà tiếp tục chia sẻ: “Tôi cảm nhận đây chính là năng lượng mà những cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu cần phải có. Tôi đã thực sự rất hứng khởi khi được nghe những lời chỉ dạy tuyệt vời như vậy”.
 
Lần đầu tiên tới cơ sở cũ của Đức Quốc xã, nơi có 400 phòng ở này, Thầy đã viết một bức thư cho những người đã bị giết hại. Lá thư được các thầy, các sư cô sống tại đây đọc lên mỗi ngày:
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 

 
“Xin hương linh quý vị và các cháu lắng nghe và chứng giám. Bảy mươi năm về trước, người ta đã đối xử rất tệ hại với liệt vị. Nỗi khổ niềm đau rất lớn ấy ít ai thấy được.
 
Ngày nay Tăng thân đã tới, Tăng thân đã nghe và đã hiểu tất cả những khổ đau tủi nhục và uất ức ấy. Tăng thân đã đi thiền hành, đã ngồi thiền, đã thở trong chánh niệm, đã trì chú, tụng kinh, thí thực, để cầu ơn trên chư Bụt, chư vị Bồ tát, chư vị Tổ sư để quý Ngài hồi hướng công đức vĩ đại của quý ngài cho liệt vị và các cháu, để quý vị và các cháu có cơ hội chuyển hóa, tái sinh ra dưới những hình thức mới. Những người đã làm khổ quý vị, họ cũng đã gánh chịu nghiệp quả khổ đau, xin quý vị mở lòng từ bi mà tha thứ cho họ để họ cũng có cơ hội giải thoát và chuyển hóa.
 
Xin hộ trì cho Tăng thân và cho các thế hệ hành giả kế tiếp, để họ có thể biến nơi này thành một cơ sở thực tập chuyển hóa và trị liệu, không những cho thành phố Waldbroel mà cho cả nước Đức và cả toàn thế giới.”
 

 
Thầy được coi là cha đẻ của pháp môn thực tập chánh niệm ở phương Tây, là nhà hoạt động môi trường tích cực từ hơn hai thập kỷ qua. Người đã thành lập nhiều trung tâm thiền tập ở khắp nơi và xây dựng nên một tăng thân xuất sĩ có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới. Các nhà lãnh đạo lớn của Mỹ rất kính trọng vị thiền sư này.
 
Năm ngoái, Chủ tịch Ngân hàng thế giới Jim Yong Kim đã mời Thầy tới trụ sở của tổ chức này tại Washington để hướng dẫn một ngày chánh niệm cho các nhân viên của ông. Cuốn sách yêu thích nhất của ông Kim là cuốn Phép lạ của sự tỉnh thức mà Thầy là tác giả. Ông Kim đã ca ngợi sự thực tập của Thầy- vị thiền sư “có sự cảm thông và lòng từ bi sâu sắc đối với những người đau khổ”.
 
Năm 2013, Google cũng mời Thầy tới thăm Silicon Valley và hướng dẫn một ngày thực tập chánh niệm cho các tổng giám đốc của 15 tập đoàn mạnh nhất trên thế giới trong lĩnh vực công nghệ cao. Marc Benioff, giám đốc điều hành của tập đoàn Salesforce – người khổng lồ của lĩnh vực điện toán đám mây (cloud computing) – đã và đang hỗ trợ rất tích cực quá trình hồi phục sức khỏe sau tai biến của Thầy.
 
Thầy sống một cuộc đời thật phi thường. Năm 1967, Martin Luther King đề cử Thầy cho giải Nobel hòa bình vì những cống hiến của Thầy giúp chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Trong lí do để cử của mình, Mục sư Luther King đã tuyên bố: “Tôi không thấy ai xứng đáng nhận giải thưởng Nobel hòa bình hơn vị thầy tu Việt Nam hiền lành này. Những tư tưởng vì hòa bình của ông, nếu được áp dụng, sẽ tạo nên một tượng đài của tinh thần đại đồng, tình huynh đệ và nhân bản”.
 
Nguồn:

Thiền sư trong mắt báo chí và danh nhân thế giới

“Among Buddhist leaders influential in the West, Thich Nhat Hanh ranks second only to the Dalai Lama.” —New York Times

“Trong số các nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn ở Tây phương, thiền sư Thích Nhất Hạnh được xếp vào vị trí thứ hai, chỉ sau Đức Đạt Lai Lạt Ma.” —New York Times

 

“Thich Nhat Hanh is a holy man, for he is humble and devout. He is a scholar of immense intellectual capacity. His ideas for peace, if applied, would build a monument to ecumenism, to world brotherhood, to humanity.” (Martin Luther King, Jr., in nominating Thich Nhat Hanh for the Nobel Peace Prize in 1967)

“Thích Nhất Hạnh là một con người thánh thiện, vì lòng khiêm cung và đức tin lớn. Ngài là một học giả thông tuệ. Những phát kiến cho hòa bình của Ngài, nếu được áp dụng, sẽ dựng nên một tượng đài của tinh thần đại đồng, tình huynh đệ và nhân bản.” (Mục sư Martin Luther King, Jr., trong lá thư đề cử thầy Nhất Hạnh cho giải Nobel Hòa bình năm 1967)

 

An Apostle of peace and nonviolence

 – Martin Luther King, Jr.

Một tông đồ của hòa bình và bất bạo động
 – Martin Luther King, Jr.

 

“He shows us the connection between personal, inner peace, and peace on earth.” – His Holiness the Dalai Lama

“Thầy Nhất Hạnh đã chỉ ra cho chúng ta mối liên hệ mật thiết giữa bình an trong tự thân với bình an trên Trái đất.” – Đức Đạt Lai Lạt Ma

 

In his foreword to Thich Nhat Hanh's book, "Peace is Every Step", the Dalai Lama writes that Nhat Hanh "shows us how to use the benefits of mindfulness and concentration to transform and heal difficult psychological states. He shows us the connection between personal, inner peace and peace on Earth."

Trong lời tựa cho cuốn sách “An lạc từng bước chân” của thiền sư Nhất Hạnh, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã viết rằng thầy Nhất Hạnh "đã chỉ cho chúng ta phương pháp làm thế nào sử dụng những lợi ích của niệm và định để chuyển hóa và trị liệu những vấn đề tâm lý phức tạp. Thầy cũng chỉ ra cho chúng ta mối liên hệ mật thiết giữa bình an trong tự thân với bình an trên Trái đất.”

 

“Thich Nhat Hanh is a real poet.”

Robert Lowell, US Poet Laureate; Winner, Pulitzer Prize for Poetry

“Thích Nhất Hạnh là một nhà thơ thứ thiệt.”
Robert Lowell, nhà thơ lớn của Mỹ, được trao giải Pulitzer về thơ

 

“Thich Nhat Hanh writes with the voice of the Buddha.”

“Thich Nhat Hanh is one of the most important voices of our time, and we have never needed to listen to him more than now.”  – commending Thay's book Fear (2012)

Sogyal Rinpoche

“Thích Nhất Hạnh nói bằng tiếng nói của Bụt.”
“Thích Nhất Hạnh là một trong những tiếng nói quan trọng nhất của thời đại chúng ta. Hơn bao giờ hết, đây là lúc chúng ta cần lắng nghe vị thầy này.”  — lời ca ngợi của Sogyal Rinpoche về cuốn sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh có tựa đề “Fear” (Nỗi sợ hãi) , xuất bản năm 2012.

 

“Thich Nhat Hanh is more my brother than many who are nearer to me in race and nationality, because he and I see things the exact same way.”

Thomas Merton

“Thầy Nhất Hạnh là người anh em của tôi, người mà tôi cảm thấy thân thiết hơn cả những người cùng chung quốc gia, dân tộc, bởi vì cả hai chúng tôi đều có cách nhìn rất giống nhau.”
Thomas Merton

 

Sister Stanislaus Kennedy, founder of the Sanctuary and Focus Ireland, describes him as the “father of mindfulness”… “He really wanted to modernise Buddhism and he promoted what’s called Engaged Buddhism which is using your insights to move out to relieve suffering. He’s awake and aware in a very keen way. He sees mindfulness as transcending religion yet he has enormous respect for different religions,” she says.

Stanislaus Kennedy, một nữ tu sĩ Thiên Chúa giáo, người sáng lập tổ chức Sanctuary and Focus Ireland, đã gọi Thầy là “người cha của chánh niệm”… “Thầy Nhất Hạnh thực sự mong muốn hiện đại hóa đạo Bụt và xiển dương một đạo Bụt nhập thế – theo tinh thần đem tuệ giác của đạo Bụt đi vào cuộc đời để làm vơi bớt khổ đau của con người. Thầy rất tỉnh thức và có cái thấy sáng tỏ. Thầy thấy sự thực tập chánh niệm có tính cách vượt thoát tôn giáo, nhưng Thầy cũng rất mực tôn trọng các truyền thống tôn giáo khác.” – Stanislaus Kennedy chia sẻ.

 

Alan Senauke, former executive director of the Buddhist Peace Fellowship:

“The scholarship is very well grounded without being obscure. He makes teachings that are hard to grasp accessible, and he makes them come alive. You can really see how to use them.”

Alan Senauke, nguyên Giám đốc điều hành của tổ chức Buddhist Peace Fellowship (Phật tử thân hữu tranh đấu cho hòa bình):  “Tư duy uyên bác của Thầy có căn bản thật vững chắc và sáng tỏ. Thầy có khả năng làm cho những giáo lý thâm sâu, ít người với tới được, trở nên dễ hiểu, dễ tiếp nhận và gần gũi với đời sống. Nhờ vậy, ta thật sự thấy rõ cách áp dụng những giáo lý ấy vào đời sống như thế nào.”

 

Jack Kornfield:

“Thich Nhat Hanh has the ability to express some of the most profound teachings of interdependence and emptiness I've ever heard. With the eloquence of a poet, he holds up a sheet of paper, and teaches us that the rain cloud and the tree and the logger who cut the tree down are all there in the paper. He's been one of the most significant carriers of the lamp of the dharma to the West”

Jack Kornfield:  “Thiền sư Nhất Hạnh có khả năng diễn bày những giáo lý thâm sâu nhất của đạo Bụt về tương tức và về không một cách vô cùng uyên áo mà đơn sơ, tôi chưa hề nghe ai trình bày được như thế. Thầy đưa lên một tờ giấy và với biện tài thật khéo của một thi sĩ, Thầy dạy chúng ta rằng mưa, mây, người đốn những cây rừng… đều đang có mặt trong tờ giấy. Thầy là một trong những vị đạo sư quan trọng nhất đã đưa ngọn đèn chánh pháp của Bụt về phương Tây.”

 

London Independent 2010

“The Zen Master Who Fills Stadiums”

TNH is a “Monk on a Mission”, a “green crusader”…. “His contemporary Western Buddhist doctrine incorporates a strong environmental strand that has made him an unlikely poster boy for the green movement.” His monastic order “is at the forefront of a grassroots green movement, attracting increasing numbers of people disaffected with modern living and looking for a greener, more sustainable future.”

Tờ nhật báo London Independent (năm 2010)
“Vị thiền sư mà mỗi lần thuyết giảng đều thu hút thính giả chật kín các khán đài” (The Zen Master Who Fills Stadiums)
Thiền sư Nhất Hạnh là “vị thầy mang sứ mệnh lớn lao”, là “người đi tiên phong cho phong trào bảo vệ sinh môi (hay còn gọi là phong trào xanh)”…. “Những pháp môn của đạo Bụt mà Thiền sư đã làm mới và đưa vào xã hội phương Tây đều có yếu tố bảo vệ sinh môi rất mạnh mẽ. Chính điều này đã làm cho Thiền sư trở thành một biểu tượng nổi bật của phong trào xanh.” Tăng thân xuất sĩ của Thiền sư “hiện đang ở tuyến đầu của phong trào quần chúng bảo vệ sinh môi (grassroots green movement), thu hút sự tham gia ngày càng đông của những người đã nhàm chán lối sống hiện đại và mong muốn xây dựng một tương lai xanh hơn, bền vững hơn”.

 

London Times 2010

“The Other Dalai Lama”

Nhật báo London Times 2010
“Thiền sư Nhất Hạnh được xem là Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ hai”

 

Alice Walker (introducing Thay in Berkeley, CA on 13/09/2001)

“Often referred to as the most beloved Buddhist Teacher in the West”

Nữ thi hào Alice Walker (đã giới thiệu Thầy tại Berkeley, California vào ngày 13/09/2001)
“Thiền sư Nhất Hạnh thường được đánh giá là vị đạo sư Phật giáo được yêu quý nhất ở phương Tây”

 

America's Public Radio

“Thich Nhat Hanh is one of the most revered and beloved spiritual thinkers of our time.”

“Beloved by people of many faiths and none” (Krista Tippett, on Speaking of Faith, renamed On Being)

America's Public Radio  (Đài phát thanh Hoa Kỳ)
“Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong những bậc thầy tâm linh được thương kính nhất của thời đại chúng ta.”
“Là vị thầy được những người thuộc các tôn giáo và truyền thống khác, kể cả những người không theo tôn giáo, thương kính” (Krista Tippett, trong chương trình phát thanh với chủ đề “Speaking of Faith – Bàn về đức tin”, hiện chương trình đã được đổi tên là “On Being”)

 

"One of the best known spiritual teachers in the West, the monk, scholar and author is a politically and spiritually inspirational figure to many," says the book Spiritual Leaders Who Changed the World (Skylight Paths) by Ira Rifkin.

" Thích Nhất Hạnh là một trong những vị đạo sư Phật giáo nổi tiếng nhất ở Tây phương. Vừa là thiền sư vừa là một học giả, một nhà văn, Người là nhân vật gây cảm hứng cho rất nhiều người trong lĩnh vực tâm linh cũng như lĩnh vực chính trị" – Ira Rifkin  chia sẻ trong tác phẩm Những nhà lãnh đạo tâm linh làm thay đổi thế giới.

 

American Buddhist Richard Baker-Roshi once described him as “a cross between a cloud, a snail, and a piece of heavy machinery – a true religious presence”.

Thiền sư Richard Baker-Roshi đã từng mô tả: “Thầy Nhất Hạnh là điểm gặp gỡ giữa một đám mây, một con ốc sên và một bộ phận cơ khí hạng nặng – đúng là một sự hiện diện đích thực của tâm linh.”

 

Lord Layard of Highgate (introducing Thay at the House of Lords)

“His influence has been very profound throughout the world, through his teachings, his writings, his poetry and through his campaigning.”

Thượng nghị sĩ Layard of Highgate (đã giới thiệu Thầy tại Thượng viện Anh)
“Thiền sư Nhất Hạnh đã tạo nên một ảnh hưởng sâu sắc trên khắp thế giới, thông qua những bài thuyết giảng, những tác phẩm thơ văn và nỗ lực kêu gọi cho hòa bình của Thầy.”

 

Pritam Singh

(Foreword to the Art of Power) – Thich Nhat Hanh is a determined revolutionary – not one who asks us to mount the ramparts in anger, but rather a revolutionary of the human spirit, a revolutionary of understanding and love.

[And other great quotes]

Pritam Singh
(Trong lời tựa cho cuốn sách “Quyền lực đích thực” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh) – Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người có tinh thần cách mạng và ý chí quật cường. Cuộc cách mạng mà Người kêu gọi không phải là hành động leo lên những chiến lũy với lòng hận thù, mà là một cuộc cách mạng tâm linh, một cuộc cách mạng của hiểu và thương. 

 

Larry Ward:

“Two things that particularly are inspiring to me of Thay's teachings: One is his ability to translate Buddhist practice as human spirituality, and secondly, to do that with great heart. And I think one of the contributions of the Vietnamese aspect of Thay is the great heart, the sense of poetry, metaphor that he brings with depth, intellectual clarity and scholarship. And so that combination is very appealing.”

“Thay's deep practice emerged in the midst of tremendous suffering of the war, and that's a part to me of his authenticity is if, as he's able to be peaceful and graceful and kind — and I know some of the things he experienced in the war because I also had family members in the war — but for him to be able to be that peaceful and that openhearted and that kind in the midst of the suffering he experienced without denying the suffering, I think that's a perfect model, pathway, through the African-American experience into the full human experience.”

 

Larry Ward (Chân Đại Âm):
“Trong số những điều Thầy trao truyền, có hai điều mà tôi đặc biệt có cảm hứng: thứ nhất là Thầy đã làm cho sự thực tập của đạo Bụt trở thành hướng đi tâm linh của nhân loại; và thứ hai là Thầy đã làm điều này với tất cả tấm lòng. Tôi cho rằng một trong những đóng góp của gốc rễ Việt Nam nơi Thầy là tấm lòng quảng đại, tính thơ ca, những ẩn dụ mà Thầy đã sử dụng thật tài tình, sự sáng tỏ và học thức uyên áo. Sự kết hợp đó thật là tuyệt vời.”
“Giữa những khổ đau chất ngất của chiến tranh, Thầy vẫn giữ được sự bình an, tươi mát và đầy tình thương. Thầy đúng là một bậc chân tu. Tôi có thể hiểu được phần nào những gì Thầy đã trải qua trong chiến tranh bởi vì tôi cũng có người thân tham gia vào cuộc chiến. Để giữ được sự bình an và tấm lòng rộng mở giữa bối cảnh khốc liệt của chiến tranh, Thầy đã chọn cách đối diện thay vì trốn chạy hay phủ nhận khổ đau. Đó là một tấm gương tuyệt vời, một con đường sáng cho những người Mỹ gốc Phi như tôi.”

 

Tony Bates (Ireland Mindfulness pioneer)

Mindfulness is easy to write or talk about, but you feel its power when you’re in the presence of people like Thay, who live this practice through thick and thin. [speaking at the House of Lords that night] The spirit of this slim, fragile 86-year-old man was fierce. His presence gave his message its power. I knew that when it came to dying, what would matter was whether I had managed, even for one day, to live with that kind of courage and integrity.

Tony Bates (Ireland Mindfulness pioneer)
Nói về chánh niệm, viết về chánh niệm thật dễ nhưng ta chỉ thấy được sức mạnh của nó khi đứng trước một người như Thầy. Một người thực sự sống nếp sống chánh niệm qua những thăng trầm lớn lao trong cuộc đời nhưng vẫn giữ được sự bình an.
Tinh thần của ông thầy tu 86 tuổi mảnh khảnh này thật dũng mãnh. Sự hiện diện của cả con người Thầy mới khiến cho thông điệp của Thầy trở thành một nguồn sức mạnh lớn lao. Tôi quyết định từ bây giờ cho đến ngày tôi chết, nhất định tôi phải sống cho bằng được, dù chỉ một giờ thôi, nếp sống can đảm và liêm khiết như Người.

 

 

Đánh thức trái tim từ bi

Một biển người cỡ khoảng 800 thiền sinh đã nằm chật cả phòng thể dục War Memorial Gym. Cuối cùng tôi cũng tìm được một chỗ trống, trải tấm nệm tập yoga ra, nằm xuống và lấy cái mền màu vàng cồm cộm từ phòng ngủ ra đắp lên mình.

Đó là buổi chiều đầu tiên của khóa tu “Đánh thức trái tim” do Thiền sư Thích Nhất Hạnh tổ chức tại trường đại học British Columbia, thành phố Vancouver, Canada. Theo chương trình, chúng tôi sẽ được thực tập thiền buông thư và thiền lạy. Tuy không hiểu thiền lạy là gì nhưng tôi cũng không bận tâm cho lắm. Tôi hoàn toàn đặt trọng tâm vào sự hứa hẹn đầy thú vị của thiền buông thư. Sư cô Chân Không, một đệ tử lớn và cũng là người luôn đồng hành cùng thiền sư Thích Nhất Hạnh hơn 50 năm qua, khuyên chúng tôi nếu có cảm thấy buồn ngủ thì đừng tìm cách cưỡng lại, cứ để mình trôi vào giấc ngủ, để khi thức dậy được tươi mát hơn. Sư cô hướng dẫn chúng tôi thở, hướng dẫn chúng tôi thư giãn và chú ý tới những mầu nhiệm của hình hài mình, chú ý tới công việc nặng nhọc của trái tim, của lá gan và của ruột. Và sư cô bắt đầu cất tiếng hát thật êm dịu.

 

Khi tiếng chuông được thỉnh lên kết thúc giờ buông thư và sư cô Chân Không tiếp tục hướng dẫn qua thiền lạy thì tôi đã cảm thấy thư giãn hoàn toàn. Sư cô chia sẻ rằng ai trong chúng ta cũng đều có ba gốc rễ: tổ tiên huyết thống, tổ tiên tâm linh và tổ tiên đất đai. Tổ tiên là cội nguồn của sức mạnh và những đức tính tốt trong ta. Nhưng đồng thời tổ tiên cũng trao truyền cho ta những hạt giống của khổ đau và tiêu cực. Theo lời hướng dẫn của sư cô Chân Không, chúng tôi hướng sự chú tâm đến những hạt giống tốt mà tổ tiên đã trao truyền, đồng thời thừa nhận những hạt giống tiêu cực mà chúng tôi đã tiếp nhận từ tổ tiên. Tiếp đó, chúng tôi lạy xuống, năm vóc sát đất, và buông những năng lượng tiêu cực đó vào lòng đất. Sư cô Chân Không cũng giải thích rằng những lời mà sư cô hướng dẫn trong thiền lạy có thể không hoàn toàn phù hợp cho tất cả mọi người trong chúng tôi. Nhưng chúng tôi có thể sử dụng những lời hướng dẫn này như là một khởi điểm để nhìn lại đời sống của chính mình.

Chúng tôi bắt đầu tiếp xúc với tổ tiên huyết thống – trước tiên là mẹ của mình. Sự liên hệ giữa tôi và mẹ tôi không có vấn đề gì. Bà là người bạn đã yểm trợ cho tôi trong suốt cuộc đời. Vì vậy tôi không thấy có liên hệ gì tới mình khi sư cô nói về sự khó khăn của những người có một bà mẹ không được dễ thương. Nhưng khi sư cô nói hãy tưởng tượng mẹ của mình lúc còn trẻ với những tổn thương và khổ đau của bà thì tôi bắt đầu khóc ngay, giống như là sư cô đã nhấn phải cái nút mà tôi không hề biết là nó có trong tôi. Tôi hình dung mẹ tôi ở cái tuổi 14, lúc người em trai của bà mất trong một tai nạn. Có lần bà kể với tôi là bà dội rửa máu của em ở trước cổng nhà mà có cảm tưởng là mình dội rửa chính em mình xuống ống cống. Đối diện với tôi là bức tường có dán bảng điểm của phòng thể dục, hai bên được trang trí bằng hình của đầu chim lôi điểu (Thunderbird). Tôi nhắm mắt lại và để nước mắt rớt xuống cái nền xốp mầu hồng của tấm thảm yoga.

 

Rồi sư cô Chân Không đề nghị chúng tôi quán chiếu về ba của mình.

Lúc 11 tuổi, trong một buổi ăn sáng tôi đã hỏi ba tôi:

– Ba có tin là có ma hay không?-

 – Con nhìn cái bình cà phê này đi.

Ông cầm cái bình đưa lên ánh sáng nhẹ của buổi ban mai:

– Ba tin vào cái bình cà phê này tại vì ba có thể thấy nó. Ba không tin vào cái gì mà ba không thấy được.

Tôi cắn cái góc của miếng bánh mì nướng trét mứt và hỏi:

– Vậy ba nghĩ chết là hết, là chấm dứt tất cả ?

Ba tôi nói:

– Đâu phải vậy! Chúng ta vẫn sống tiếp tục trong con cháu của mình.

Tôi nheo mắt nhìn ba, ông vẫn còn khoác trên mình chiếc áo choàng tắm. Tôi tự cho rằng “tiếp tục sống trong con cháu” chẳng qua chỉ là một cách nói khéo của ba tôi mà thôi, thực ra nó chỉ có nghĩa: chết là hết. Tôi không thể chấp nhận cái lối tin đơn giản như vậy, tại vì lúc đó đầu của tôi đầy ắp những thứ khác như là: thiên đường và Thượng đế, luân hồi, linh hồn, ma quỷ, chiêm tinh học và sức mạnh tâm linh. Thế giới của cô bé 11 tuổi lúc ấy vừa ly kỳ mà cũng vừa đáng sợ. Tôi luôn trùm kín mền lên đầu khi ngủ trên gác xép – nơi chứa vô số những khả năng bí ẩn. Rồi tôi tìm tới các nhà bói toán. Bằng phương pháp coi chỉ tay, bói lá trà hay bói bài tarot, các bà thầy bói tiên đoán những điều to lớn xảy ra cho tương lai của tôi. Nhưng có một điều mà họ không bao giờ tiên đoán được, đó là sự nghi ngờ trong lòng tôi.

Nhưng khi cái tuổi 11 trôi qua cùng với tháng năm thì niềm tin của tôi càng tới gần với niềm tin của ba tôi hơn, thực dụng hơn, căn cứ trên những chứng cứ hiển nhiên. Tôi đích thực là con gái của ba tôi.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã giảng trong bài pháp thoại ở phòng thể dục War Memorial Gym: “Ta không thể lấy cha ra khỏi ta, ta không thể lấy mẹ ra khỏi ta. Ta là sự tiếp nối của cha, ta là sự tiếp nối của mẹ. Sự thật là cha ở trong ta và ở ngoài ta. Cha ở trong ta trẻ hơn và ta mang cha đi về tương lai. ”

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, thường được các thiền sinh gọi một cách trìu mến là “Thầy”, đang ngồi trên bục giảng được trang trí với những chậu hoa lan. Thầy dành phần đầu của bài giảng để nói với các em thiếu nhi tới trong khóa tu. Các em ngồi xếp hàng dưới đất, trước bục giảng. Tôi cũng ngồi dưới đất nhưng xa hơn ở phía sau. Sau lưng tôi là những thiền sinh ngồi trên ghế.

Thầy nói: “Các con đem hạt bắp này về nhà trồng vào một chậu nhỏ và nhớ tưới nó mỗi ngày. Khi hạt bắp nẩy mầm thành cây bắp con, với hai hay ba lá non, thì các con hãy hỏi cây bắp:

– Cây bắp bé xíu của tôi ơi, em có nhớ cái hồi em còn là một hạt bắp tí hon không? ”

Thầy cười thật tươi khi nói với các em thiếu nhi và làm cho mọi người (thiếu nhi và cả người lớn) đều cười theo.

“Nếu lắng nghe cho kỹ thì các con sẽ nghe cây bắp trả lời. Cây bắp sẽ nói thế này:

– Tôi hả? Tôi mà là một hạt bắp tí hon hả? Tôi không tin đâu! ”

Câu nói đùa của vị thiền sư áo nâu làm mọi người bật cười khúc khích. Thầy nói: “Cây bắp chỉ mới xuất hiện ở đây có hai tuần thôi nhưng nó đã quên nó từng là một hạt bắp, một hạt bắp nhỏ xíu. Các con hãy tới nói chuyện với cây bắp để giúp nó nhớ lại:

– Cây bắp của tôi ơi, chính tôi đã gieo em vào chậu này và tưới tẩm cho em mỗi ngày! Em đã tới từ hạt bắp, thật đấy!

Có thể lúc đầu cây bắp không tin các con, nhưng các con phải hết sức kiên nhẫn. Đến lúc nào đó cây bắp sẽ chấp nhận được rằng nó đã từng là một hạt bắp.”

 

Tôi đã quen thuộc với bài giảng về hạt bắp và cây bắp qua những cuốn sách của Thầy mà tôi đọc được, nhưng lúc ấy tôi có cảm giác mình mới nghe lần đầu vậy. Thầy đã trao truyền như là Thầy chưa bao giờ trao truyền giáo lý này trước đây. Và tôi cũng đã tiếp nhận giống như vậy.

Thầy nói, khi nhìn cây bắp thì người thực tập thiền có thể thấy được hạt bắp. Thiền giúp chúng ta làm được điều đó. Có lẽ chính nhờ khóa tu này và sự thực tập chánh niệm trong khóa tu đã giúp cho tôi có một cái nhìn sâu sắc hơn và sống khác hơn.

Từ khi khóa tu bắt đầu, có những điều nho nhỏ xảy ra mà tôi đã cảm nhận bằng một cách rất khác. Chẳng hạn đêm qua, khi trở về phòng ngủ, tôi mở miếng chocolate bơ đậu phộng mà trong bữa trưa tôi không thể ăn được vì quá no. Tôi ngồi trên giường ăn miếng chocolat, chú tâm vào chất mềm, ngọt lạnh và dẻo trong miệng. Ngoài đời, tôi chưa bao giờ từng ăn thật sự. Tôi sống quá vội vã. Tôi vừa ăn vừa đọc, vừa nói hay vừa dọn dẹp bếp. Khi sống chậm lại, tôi cảm nhận hương vị của sự sống sâu sắc hơn. Cuộc sống cũng trở nên thú vị hơn.

“Hạt bắp không bao giờ chết,” Thầy tiếp tục nói. “Chúng ta không thấy hạt bắp nữa, nhưng ta biết là nó không chết. Nếu hạt bắp chết thì sẽ không có cây bắp. Chúng ta không thể lấy hạt bắp ra khỏi cây bắp.”

“Chúng ta là sự tiếp nối của cha và mẹ, giống như cây bắp là sự tiếp nối của hạt bắp”, Thầy nói với các em thiếu nhi. “Lúc ban đầu, tất cả chúng ta đều còn rất bé, bé hơn hạt bắp rất nhiều. Nhưng ta không nhớ được điều đó, vì vậy cho nên ta cần một người bạn đồng tu nhắc nhở cho ta là ta đã từng là một hạt giống tí hon nằm trong bụng mẹ, phần nửa của hạt giống là của cha và phần nửa kia là của mẹ. Cha có mặt trong từng tế bào cơ thể mình, mẹ có mặt trong từng tế bào cơ thể mình. Vì vậy khi cha của ta mất đi thì ông không thật sự chết. Cha vẫn tiếp tục sống trong ta, và ta đem cha đi về tương lai.”

Vào một ngày tháng 10 năm 2008, tôi đang ở nhà bà của tôi. Mới vừa chợp mắt thì cô Peggy đến lay tôi dậy. “Không, không thể nào!!!”, tôi ngồi bật dậy. “Chuyện xảy ra thật rồi, con mau đi đi!”, cô tôi nói.

Tôi đã mặc sẵn quần áo, vứt mền qua một bên và chạy theo cô xuống lầu. Nhưng tôi không hiểu tại sao mình lại hấp tấp như thế? Chẳng phải mọi chuyện đã chấm hết rồi sao? Chết có giống như là chìm vào một giấc ngủ không? Tôi tưởng tượng sự chuyển tiếp đó như là một cánh diều từ từ biến mất trong không gian. Cánh diều bay cao, cao thật cao – chìm sâu hơn, sâu hơn nữa vào giấc mộng – rồi sợi dây nối cánh diều với mặt đất được buông ra, tất cả màu sắc của cánh diều hoàn toàn tan biến vào màu xanh của bầu trời.

Nhưng không có cánh diều cũng không có không gian thênh thang như tôi tưởng tượng, trong phòng xem truyền hình được biến thành “phòng chăm sóc đặc biệt” (hospice) ba tôi đang cố thở, cố giành lấy không khí cho cơ thể đã phồng lên vì ung thư. Năm người phụ nữ đang có mặt quanh giường bệnh: tôi, hai bà cô của tôi, bà tôi và bà vợ thứ ba của ba tôi. Mỗi người trong chúng tôi đều gào lên lời nhắn gởi cuối cùng đến người đang hấp hối. Cô Valerie thúc giục: “Hãy đi đi Stephen, không có gì phải luyến tiếc ở đây nữa!” Hơi thở của ba càng lúc càng thưa dần và mắt của ba đờ ra. Cô Peggy kiểm tra mạch của ba rồi nói: “Anh ấy đi rồi!”

Lúc ấy trời vẫn chưa sáng. Cho tới khi nhân viên của nhà tang lễ mang quan tài đến cũng còn rất nhiều thời gian. Tôi ngồi trên giường, một bên là bức tường một bên là thân thể của ba tôi đang lạnh dần. Tôi muốn bật khóc nhưng cố ngăn lại, tôi không muốn làm cho bà tôi và những người khác phải đau lòng thêm. Tôi chắc rằng bà tôi cũng muốn khóc nhưng cố ngăn lại vì tôi và vì những người khác. Có lẽ đó là cách mà người trong một gia đình luôn yểm trợ cho nhau, mỗi cá nhân gắn kết lại với nhau vì lợi ích của mọi người. Tôi nói chuyện khẽ với các anh em họ và các cô chú của tôi.

Cuối cùng cô Peggy nói: “Những người ở nhà tang lễ sẽ tới đây trong vòng nửa tiếng nữa!”. Tôi nghe tim mình nhói lên. Sau này tôi sẽ khóc, khóc một mình. Điều tôi có thể làm bây giờ là nằm nép vào cái góc trống trong cánh tay của ba tôi. Tôi cố kéo khuỷu tay của ông ra. Bỗng nhiên tôi có cảm tưởng như có nước đá trên mặt mình, tôi nhận ra là tôi không thể nào kéo tay ông ra được nữa, người của ba tôi đã cứng đơ rồi. Nhưng tôi vẫn cố bò vào trong cái khoảng trống nhỏ xíu, cứng ngắt giữa cánh tay và ngực của ba, và nằm ở đó tôi đã thở cho hai người chúng tôi, cho ba và cho tôi. Đó là khoảng thời gian hiếm hoi mà tôi có được ba trọn vẹn cho mình trong nửa giờ đồng hồ.

“Nhiều người trẻ giận cha mình”, Thầy nói. “Họ không nói chuyện được với cha. Họ oán hận cha.” Rồi bằng một giọng nói nhẹ nhàng, trầm bổng, Thầy kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về một người thanh niên trẻ mà Thầy quen biết. Anh ta giận cha đến nỗi anh không còn muốn có sự liên hệ nào với cha mình nữa.

Mấy em thiếu nhi đi chân trần vẫn còn ở lại trong phòng thể dục với người lớn – trong khóa tu, phòng thể dục được biến thành thiền đường. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy các em có thể im lặng và chăm chú đến như vậy. Alison, cô bạn thiền sinh cùng phòng với tôi, ngồi gần cái loa phóng thanh, tay cô để lên cái bụng bầu tròn trĩnh của mình.

Thầy nói tiếp: “Nếu nhìn sâu vào chàng thanh niên, ta sẽ thấy sự có mặt đầy đủ của cha anh trong từng tế bào cơ thể anh. Anh không thể lấy cha ra khỏi anh. Khi mình giận cha thì mình cũng giận chính mình. Chúng ta cứ thử tưởng tượng cây bắp mà  đi giận hạt bắp!”

Tôi chưa bao giờ giống anh chàng mà Thầy quen biết đó. Mối quan hệ giữa tôi và ba luôn luôn tốt đẹp. Nhưng có một điều mà tôi chưa bao giờ nói cho ba tôi biết là khi ông mắc bệnh thì cái hạt giống giận trong tôi đã bị đụng chạm. Ba tôi bỏ nhà ra đi lúc tôi lên bốn. Một ngày kia khi về nhà thì tôi thấy một bức thư ngắn để trên bàn ăn. Cái đĩa bánh mì ăn dở của bữa trưa trước khi ông lên máy bay đi Calgary còn đó. Ở thành phố xa xôi kia có một người đàn bà đang đợi ông. Trong hai năm tôi không gặp ba tôi. Sau đó thì mỗi mùa hè tôi được gặp ba một vài tuần khi tới thăm ông và gia đình mới của ông. Bà bảo mẫu làm bữa ăn cho tôi và mấy người em cùng cha với tôi rồi bảo chúng tôi lên giường ngủ. Mấy đứa em của tôi nhỏ hơn tôi từ 7 tuổi tới 9 tuổi. Tôi phải lên giường khi trời vẫn còn sáng, mở mắt nhìn lên trần nhà mà trằn trọc không ngủ được. Sau này khi ba tôi và bà vợ sau hục hặc với nhau thì ông không mua vé máy bay cho tôi sang Calgary nữa. Thay vào đó thì ông về thăm tôi. Ba và tôi chơi trò chơi “Trivial Pursuit”, ông đưa tôi ra ngoài dạy cho tôi lái xe. Tôi không có cảm tưởng là ba về đây để thăm tôi. Ông ở nhà của mẹ ông, và để hầu hết thì giờ uống rượu hay tán ngẫu với anh em của ông.

Lớn lên, tôi thừa hưởng cái tính hoài nghi của ba tôi nhưng không cùng quan niệm với ông về chuyện chúng ta được tiếp nối bởi con cháu của mình. Có một cái hố sâu giữa ba và tôi, tôi không thể thấy được tôi là sự tiếp nối của ba. Lẽ dĩ nhiên là tôi không phủ nhận tính chất sinh học, tôi hiểu là 50% di thể của tôi là do ba trao truyền. Nhưng mà rồi sao? Di truyền chỉ giải thích được cái cằm chẻ của tôi mà không giải thích được tôi là ai. Ba tôi có ba đứa con với bà vợ thứ hai và một đứa con với bà thứ ba, và tất cả chúng tôi đều là những cá thể riêng biệt. Một cô em cùng cha khác mẹ với tôi đã giận ba tôi đến nỗi nó không muốn gặp mặt ông nữa.

Thầy dạy, khi cảm thấy giận cha mẹ thì chúng ta phải nhớ trở về với hơi thở và tìm cách hòa giải. Đó là con đường duy nhất đưa tới hạnh phúc. Nếu ta có thể sống một đời sống tốt đẹp, hạnh phúc thì cha mẹ trong ta cũng hạnh phúc hơn. Thầy nói: ”Trong khi ngồi thiền, tôi thường nói chuyện với ba trong tôi. Có một ngày tôi nói với ba: Ba ơi, chúng ta đã thành công rồi! Hôm đó, trong khi thực tập tôi cảm thấy mình thật tự do, nhẹ nhàng. Tôi không còn bất cứ một mong cầu hay một ham muốn nào nữa cả. Tôi muốn chia sẻ điều đó với ba tôi và tôi nói với ba: Ba ơi, cha con mình được giải thoát rồi! “

“Tôi cũng nói chuyện với mẹ tôi”, Thầy tiếp tục nói. “Tại vì tôi biết mẹ tôi không thật sự mất đi, mẹ vẫn đang tiếp tục sống trong tôi. Ở Ấn Độ, trong khi thực tập thiền hành với một tập thể hơn một ngàn người trên một đại lộ rộng lớn của thành phố DelhI, tôi đã mời mẹ cùng đi với tôi. Tôi nói: “Mẹ ơi, mẹ đi với con đi. Mẹ hãy đi bằng đôi chân của con mà cũng là đôi chân của mẹ. Chân của con là sự tiếp nối của chân mẹ. Và hai mẹ con chúng tôi đã cùng đi vui vẻ với nhau ở New Dehli. Tôi cũng mời ba tôi đi với tôi. Sau này tôi mời cả anh tôi, bà tôi, mời Bụt và chư tổ cùng đi. Đi như vậy thật tuyệt vời!”

Trong phòng thể dục của trường đại học tỏa ra một ánh sáng màu xanh – sàn nhà màu xanh, hàng băng ghế màu xanh, tấm màn màu xanh được kéo lại để che bớt ánh mặt trời buổi sáng. Thầy cũng tỏa ra ánh sáng – một nụ cười thật ấm áp.

“Khi ta bước một bước chân có hạnh phúc thì tất cả tổ tiên cũng hưởng được hạnh phúc”, Thầy nói. “Nếu ta bước đi trong vương quốc của Thượng đế thì tổ tiên của ta cũng bước đi trong Vương quốc của Thượng đế. Nếu ta bước đi trong địa ngục – trong tuyệt vọng, trong sự giận dữ và hận thù – thì tổ tiên ta cũng đi như vậy. Chúng ta hãy chọn bước đi trong Vương quốc của Thượng đế, bước đi trong Tịnh độ của Bụt.”

“Tương tức”, đó là ngôn từ Thầy dùng để nói về tính duyên khởi, một giáo lý cốt tủy  của đạo Bụt. Theo giáo lý duyên khởi thì tất cả mọi sự vật đều nương vào nhau mà biểu hiện trong một mạng lưới trùng trùng nhân quả. Trong kinh điển của đạo Bụt truyền thống, đây là một giáo lý mang tính triết học uyên thâm. Tuy nhiên, với sự khéo léo của mình, Thầy đã trình bày những giáo lý uyên áo của đạo Bụt bằng những ngôn từ thật giản dị, gần gũi với con người. Trong khóa tu, Thầy sử dụng hoa lan trên bục để giảng về tính tương tức. Hoa lan cần mặt trời, mây, mưa, đất, khoáng chất và người làm vườn để có thể có mặt. Nhiều yếu tố không phải bông hoa đến với nhau để giúp làm cho bông hoa biểu hiện. Nếu ta lấy những yếu tố đó ra khỏi bông hoa thì bông hoa cũng không còn.

Cũng giống như vậy, những yếu tố đối nghịch nhau cùng biểu hiện đồng thời với nhau, không thể tách cái này ra khỏi cái kia. Không có bóng tối thì không có ánh sáng, không có trái thì không có phải, không có dưới thì không có trên, không có cha mẹ thì cũng không có con cái. Thầy giải thích: ”Trước khi con trai hay con gái mình biểu hiện ra thì mình chưa được gọi là cha. Mình là cha của ai?” Nói một cách khác, ba tôi và tôi tương tức. Tất cả chúng ta đều tương tức.

Trước đây tôi thường nghĩ ba tôi không có lý do gì để bào chữa cho lối hành xử của ông – như tính thiếu chung thủy đã trở thành thói tật, thói quen bỏ chạy khi có khó khăn. Vì  Buddy, ba của ông, không hề giống như ông. Có thể Buddy chưa bao giờ nghe nói về Linh mục Theodore M. Hesburgh, viện trưởng lâu năm của viện Đại học Notre Dame (bang Indiana, Hoa Kỳ), nhưng Buddy đã sống theo câu châm ngôn nổi tiếng của Hesburgh: “Điều quan trọng nhất mà một người cha có thể làm cho con mình là thương yêu mẹ của chúng.”

Tuy nhiên, khóa tu “Đánh thức trái tim” đã giúp cho tôi có một cái thấy sâu hơn: thấy được mưa trong một bông hoa hay trong một tờ giấy, thấy được ba tôi được làm bằng rất nhiều nhân duyên.

Cũng giống như tôi, giống như tất cả chúng ta, ba tôi cũng từng bị tổn thương, cũng có những khổ đau. Tôi không hiểu nguyên nhân của khổ đau đó, cũng có thể là chẳng bao giờ tôi hiểu được. Nhưng tôi hiểu là có khổ đau. Ba tôi đã cố lấp khoảng trống trong mình bằng công việc, bằng nữ sắc và bằng rượu. Làm như vậy thì không ai mà không bị tổn thương cho được. Nếu những gì Thầy nói là đúng, rằng ba tôi thật sự ở trong tôi, thì tôi có thể chữa lành vết thương của ba. Khi chữa lành vết thương trong chính mình thì tôi cũng chữa lành vết thương của ba và chữa lành vết thương của các thế hệ tương lai. Khổ đau sẽ được chuyển hóa và vòng luân hồi sẽ chấm dứt.

Thiền lạy là sự thực tập cuối cùng của buổi tối, sau đó tất cả mọi người trong khóa tu cùng thực tập im lặng hùng tráng. Ra khỏi thiền đường và bước đi trong im lặng với một nhóm gồm 100 thiền sinh cho tôi có một cảm giác thật đặc biệt. Tiếng động nhẹ trên sàn nhà mới, tiếng chân trên nền bê tông, tiếng chân bước trên đất mềm, xào xạc trong cỏ… Thầy dạy chúng tôi đi thiền với tốc độ bình thường. Như thế chúng tôi có thể thực tập thiền hành bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào. Thở vào tôi bước ba bước; thở ra tôi bước năm bước. Thở vào, thở ra.

Cây tùng vươn tàng cao phía trên, cây linden lá rũ màu bạc tỏa hương thơm ngát. Rễ, cành, lá – tôi cảm thấy được sự kết nối giữa tôi với cây cối xung quanh. Chúng tiếp nhận hơi thở của tôi, hơi thở của của tất cả chúng tôi và trả lại cho chúng tôi dưỡng khí. Tôi cũng cảm thấy được kết nối với các bạn thiền sinh khác. Chúng tôi gắn kết với nhau trong sự thực tập, trong hơi thở vào – ra. Và tôi cảm thấy được kết nối với ba tôi. Tôi đã nợ ba tôi, tôi nợ ông đời sống này. Tôi thường nghĩ là ba tôi đã bỏ rơi tôi hai lần, lần đầu khi ông bỏ theo bà vợ thứ hai và lần thứ nhì lúc ông mất. Nhưng ba tôi không đi đâu hết. Thầy nói đúng, ba tôi đang cùng tôi bước đi, bây giờ và ở đây.

 

 

Để đọc nguyên bản tiếng Anh, xin xem tại đường link này: https://www.lionsroar.com/awakening-my-heart-january-2012/

 

 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh được trao Huân chương Liên Hiệp (Union Medal)

Hội Chủng viện Thần học Hoa Kỳ (Union Theological Seminary – gọi tắt là Union) tại thành phố New York  thông báo rằng Huân chương Liên hiệp (Union Medal) sẽ được trao cho thiền sư Thích Nhất Hạnh – một vị thầy Phật giáo, một nhà khảo cứu, nhà văn, nhà thơ và một nhà hoạt động cho hòa bình.

Huân chương Liên Hiệp là giải thưởng cao nhất do Chủng viện đề cử, được đưa ra vào năm 1981 như một biểu tượng vinh danh những cá nhân mà cuộc sống của họ là tấm gương thực hiện những sứ mạng hướng thượng trên thế giới. Trong số những người từng nhận huân chương này có cựu Phó Tổng thống Hoa Kỳ thứ 45 (nhiệm kỳ 1993-2001) và Desmond Tutu – Tổng Giám mục Nam Phi đấu tranh vì Nhân quyền.

Trong thông cáo báo chí liên quan đến vấn đề này, Linh mục Serene Jones, Chủ tịch Hội phát biểu rằng: “Thiền sư Thích Nhất Hạnh, thường được gọi một cách trìu mến là “Thầy”, đã chạm đến trái tim của những con người từ nhiều nền văn hóa, tín ngưỡng và kinh nghiệm sống khác nhau. Chúng tôi rất tự hào được vinh danh những nỗ lực mang tính toàn cầu của Thầy”. (Thay [as Thich Nhat Hanh is affectionately known] has touched deep chords among people of many different backgrounds, faiths, and experiences. We are so proud to recognize his remarkable global endeavors.”)

Lễ trao Huân chương Liên Hiệp cho Thiền Sư Thích Nhất Hạnh sẽ được tổ chức vào ngày 06/09/2017 tại Hội nghị thường niên của Hội. Đó là sự kiện chào đón các sinh viên mới và cũng đánh dấu sự bắt đầu chính thức của niên học. Sư cô Thích Nữ Chân Đức, đại diện của Làng Mai sẽ thay mặt Thiền sư đón nhận Huân chương Liên Hiệp. Lễ trao Huân chương sẽ được truyền trực tuyến tại trang web: https://utsnyc.edu/2017-union-medal-live/

Thầy đã nhận được bằng Thạc sĩ về Tôn giáo từ Hội Chủng viện và trường đại học Columbia năm 1963. Chỉ một vài năm sau đó, Thầy gặp Mục sư Martin Luther King và hai người đã trở thành những người bạn tri kỷ của nhau. Cuộc gặp gỡ với Thầy đã thúc đẩy Mục sư King đi đến quyết định công khai phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam vào năm đó. Năm 1967,  Mục sư King đã viết thư cho Ủy ban Nobel để đề cử Thầy cho giải Nobel Hòa binh năm ấy. Trong thư, Mục sư King viết: “Cá nhân tôi không thấy ai xứng đáng được trao giải Nobel Hòa bình hơn vị thầy tu Phật giáo đến từ Việt Nam này”. Tuy nhiên, giải Nobel Hòa bình của năm đó không được trao cho ai cả.

Trong suốt những thập kỷ sống lưu vong, Thầy đã thành lập Dòng tu Tiếp hiện quốc tế và Hội Phật Giáo thống nhất tại Pháp. Với ý thức rằng Chánh niệm thể hiện được công năng lớn nhất khi thực hành như một cộng đồng, Thầy đã thành lập sáu tu viện và rất nhiều trung tâm tu tập tại Hoa Kỳ, Châu Á và Châu Âu, cũng như hơn 1000 cộng đồng chánh niệm tại các địa phương, thường được gọi là “tăng thân”. Hiện có khoảng 600 vị xuất sĩ nam và nữ, cùng với hàng chục ngàn đệ tử cư sĩ đang áp dụng những lời dạy của Thầy – về thực tập chánh niệm, xây dựng hòa bình và tạo dựng những cộng đồng tu tập – và mang sự thực tập vào trường học, nơi làm việc, doanh nghiệp cũng như vào các nhà tù trên khắp thế giới.

Dù được thành lập như một chủng viện Kitô giáo, Hội Chủng viện Thần học từ lâu đã tiếp nhận những tuệ giác từ các tôn giáo khác và việc trao Huân chương Liên hiệp cho Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ giúp cho việc đề cao chương trình Thạc sỹ Thần học mới được mở rộng (Master of Divinity). Bắt đầu từ mùa thu này, sinh viên có thể theo đuổi chương trình đào tạo thần học tại khoa giáo sĩ phi Kitô giáo bằng cách tập trung vào chương trình Phật giáo và Liên minh Tôn giáo quốc tế (BIE) hoặc Hồi giáo và Liên minh Tôn giáo quốc tế (IIE). Liên hiệp cũng sẽ đưa ra Chương trình Thích Nhất Hạnh với Đạo Bụt dấn thân. Chương trình nhằm tạo ra một loạt các cuộc đối thoại Phật giáo về các chủ đề như  xây dựng hòa bình, sự phối hợp hành động liên tôn giáo, biến đổi khí hậu, nạn phân biệt chủng tộc, bạo lực, đói nghèo và bất bình đẳng về kinh tế, nhà tù, giới tính và tình dục.

Giám đốc trung tâm nghiên cứu Phật giáo, Sensei Greg Snyder – một vị thầy theo truyền thống Thiền Phật giáo và cũng là một vị giáo thọ – nói: “Chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng phức tạp với những truyền thống văn hoá và tâm linh rất đa dạng. Hội Chủng viện có bề dầy lịch sử về thúc đẩy hòa nhập và xây dựng lòng từ bi trong khuôn khổ một tổ chức giáo dục đa tôn giáo, đa sắc tộc và đánh giá cao tính đa dạng. Điều đó làm cho Hội có đủ điều kiện để đáp ứng các nhu cầu giáo dục của sinh viên từ các truyền thống không phải phương Tây, cũng như để mang những pháp môn và lời dạy của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đến với đông đảo mọi người.”

(Nguồn:https://www.lionsroar.com/thich-nhat-hanh-to-receive-union-medal-on-september-6th-in-livestreamed-ceremony/)

ĐH Giáo dục Hồng kông trao bằng Tiến sĩ danh dự cho Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Ngày 29 tháng 8 năm 2017, tại khách sạn MG Mansion ở Băng cốc, Thái Lan, Giáo sư Lee Chi-Kin, Phó hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục Hồng Kông đã trao tặng bằng Tiến sĩ danh dự về Nhân văn cho Sư Ông Làng Mai. Lẽ ra buổi lễ được tổ chức tại Trung tâm Làng Mai Thái Lan ở Pak Chong vào ngày 30 tháng 8, nhưng vì chương trình Sư Ông đi Việt Nam được thực hiện vào ngay ngày 29 tháng 8, cho nên buổi lễ được tổ chức tại nơi Sư Ông đang nghỉ dưỡng trước khi đi Việt Nam.

Đại học Giáo dục Hồng Kông trước đây có tên là Học viện Giáo dục Hồng Kông (Hong Kong Insitute of Education, HKIEd), là trường đại học có nhiều gắn bó với Sư Ông và Tăng thân Làng Mai. Tháng 5 năm 2007, trường đã mời Sư Ông và Tăng thân qua Hồng Kông hoằng pháp. Những năm trước đó, Hồng Kông tổ chức lại các cơ sở giáo dục và nhập lại thành một vài cơ sở chính. Sự tổ chức lại này tạo ra nhiều căng thẳng và có một vài nhân viên chịu không nổi áp lực phải tự tử. Họ hy vọng các khóa tu trong chuyến hoằng pháp và đặc biệt là một ngày quán niệm dành cho các giáo sư, nhân viên và các sinh viên, học sinh sẽ giúp giảm bớt áp lực đó. Trong chuyến đi năm 2010 và 2013, Sư Ông đều có hướng dẫn một ngày quán niệm tương tự tại trường. Để duy trì sinh hoạt đó, tăng thân Làng Mai Hồng Kông đã tổ chức ngày quán niệm hàng tháng tại đây từ tháng 7 năm 2007 cho đến nay. Đại học Giáo dục Hồng Kông là một đại học chuyên ngành về giáo dục, được xếp hạng thứ nhì trong các trường đại học giáo dục tại châu Á và thứ 13 trong các trường đại học giáo dục trên thế giới.

ĐHHK trao bằng Ts.3

Thiền hành trong ngày quán niệm tại HKIEd, tháng 5 năm 2007

Trong bài phát biểu tại buổi lễ, giáo sư Lee Chi-Kin đã nhấn mạnh về yếu tố an trú trong giây phút hiện tại và những điều kiện hạnh phúc đang có mặt bây giờ và ở đây. Giáo sư cũng nói đến việc chuyển hóa khổ đau của từng cá nhân, cộng đồng và xã hội.

Không phân biệt giới tính, quốc tịch, chủng tộc hay tôn giáo, Làng Mai được đông đảo mọi người biết đến như một cộng đồng, một tăng thân yêu quý do Thiền sư Thích Nhất Hạnh thành lập dựa trên niềm tin vững chắc rằng ai cũng có thể đạt tới giác ngộ, tỉnh thức thông qua thiền tập trong đời sống hàng ngày và có mặt trong giây phút hiện tại. Thiền sư từng nói rằng “tất cả những điều kiện của niềm vui, hạnh phúc đều có mặt trong giây phút hiện tại. Nếu chú ý, ta sẽ nhận ra ngay”. Từ khi thành lập vào năm 1982 cho đến nay, Làng Mai đã trở thành một môi trường nuôi dưỡng mà nhiều người trên khắp thế giới tìm đến để học nghệ thuật sống hài hòa với bản thân, với mọi người xung quanh và với đất Mẹ. Trong nhiều năm qua, Thiền sư đã xây dựng nên nhiều trung tâm, cộng đồng tu học trên khắp thế giới, giúp thúc đẩy sự chuyển hóa của cá nhân, cộng đồng và xã hội. 

…….

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã dành trọn cuộc đời mình để thúc đẩy hòa bình và những giá trị tâm linh trên khắp thế giới. Người đã nỗ lực để giúp tháo gỡ những vấn đề xã hội đương thời cũng như những xung đột trên thế giới thông qua những phương pháp chế tác bình an và từ bi. Thiền sư đích thực là một nhà lãnh đạo tâm linh đáng cho chúng ta yêu quý và kính ngưỡng.  Thay mặt trường Đại học Giáo dục Hồng Kông, tôi lấy làm vinh dự được trao tặng bằng Tiến sĩ danh dự về Nhân văn (Doctor of Humanities, honoris causa) cho Thiền sư Thích Nhất Hạnh. (Xem toàn bài phát biểu ở phần cuối của bài tường thuật.)

ĐHHK trao bằng Ts.4

Sư Ông, Sư Cô Chân Không và thầy Pháp Khâm lắng nghe phát biểu của giáo sư Lee Chi-Kin

ĐH Hồng Kông trao bằng TS danh dự về Nhân văn.1

Giáo sư Lee Chi-Kin trao tặng mũ áo

ĐHHK trao bằng Ts.5

Giáo sư Lee Chi-Kin trao tặng bằng Tiến sĩ cho Sư Ông

ĐHHK trao bằng Ts.6

Giáo sư Lee Chi-Kin  trao tặng hình ngày quán niệm năm 2007

Sau khi giáo sư phó hiệu trưởng trao bằng, mũ áo tiến sĩ danh dự và quà tặng, Sư cô Chân Không đã thay mặt Sư Ông và Tăng thân đáp lời. Sư cô nhấn mạnh công trình giáo dục quan trọng nhất là vun trồng thương yêu và hiểu biết và việc học để có kiến thức cần đi đôi với việc chuyển hóa nội tâm trong mỗi sinh viên.

“Vun trồng hiểu biết và thương yêu là phương thức giáo dục cao nhất mà chúng ta có thể thực hiện với tư cách con người. Chúng ta cần nuôi dưỡng Chánh niệm và Từ bi một cách bền bỉ trong mỗi giây phút của đời sống hàng ngày.

…….

Chúng ta biết rằng rất nhiều người thuộc những thế hệ sau này đã được truyền cảm hứng từ cuộc đời và những lời dạy của Thầy. Chúng ta hy vọng rằng trường Đại học Giáo dục Hồng Kông sẽ tiếp nối việc trao truyền sự thực tập lắng nghe và nhìn sâu để có thêm hiểu biết cũng như tình thương lớn, không chỉ để phục vụ cho xã hội Hồng Kông nói riêng mà còn để phụng sự cho tất cả hành tinh và muôn loài. Hy vọng rằng chương trình đào tạo của trường hay những luận án tốt nghiệp của sinh viên sẽ thể hiện được kiến thức được trao truyền đi đôi với sự chuyển hóa trong tự thân mỗi sinh viên.” (Xem toàn bài phát biểu ở phần cuối của bài tường thuật.)
ĐHHK trao bằng Ts.7

Sư cô Chân Không phát biểu đáp lời Giáo sư Phó hiệu trưởng

 

Sau phần nghi lễ, phái đoàn trường đại học đã chụp hình chung với Sư Ông và Tăng thân. Hai tiếng đồng hồ sau đó thì Sư Ông cùng các thầy sư cô thị giả lên máy bay đi Việt Nam.

ĐHHK trao bằng Ts.7.jpg

Chụp hình chung với Sư Ông và tăng thân sau buổi lễ.

 

Bài diễn văn của giáo sư LEE CHI-KIN, Phó hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục Hồng Kông (Ngày 29/8/2017 tại Thái Lan)

 

Kính thưa Thiền sư Thích Nhất Hạnh,

Kính thưa Sư cô Chân Không,

Kính thưa quý thầy, quý sư cô Làng Mai cùng quý vị thân hữu,

Thật là một niềm vinh dự lớn lao cho tôi khi được có mặt tại đây hôm nay để bày tỏ niềm kính ngưỡng đối với Thiền sư Thích Nhất Hạnh – một nhà lãnh đạo tâm linh trên thế giới, người đã dành trọn cuộc đời mình để xiển dương sự thực tập chánh niệm, chế tác bình an và hạnh phúc thông qua thiền tập. Được diện kiến Thiền sư tại trung tâm Làng Mai Thái Lan thực sự là một đặc ân đối với chúng tôi, đặc biệt là trong hoàn cảnh Thiền sư đang tịnh dưỡng và trị liệu với sự chăm sóc đầy thương kính và niềm vui của các đệ tử xuất gia và tại gia xung quanh mình.

Không phân biệt giới tính, quốc tịch, chủng tộc hay tôn giáo, Làng Mai được đông đảo mọi người biết đến như một cộng đồng, một tăng thân yêu quý do Thiền sư Thích Nhất Hạnh thành lập dựa trên niềm tin vững chắc rằng ai cũng có thể đạt tới giác ngộ, tỉnh thức thông qua thiền tập trong đời sống hàng ngày và có mặt trong giây phút hiện tại. Thiền sư từng nói rằng “tất cả những điều kiện của niềm vui, hạnh phúc đều có mặt trong giây phút hiện tại. Nếu chú ý, ta sẽ nhận ra ngay”. Từ khi thành lập vào năm 1982 cho đến nay, Làng Mai đã trở thành một môi trường nuôi dưỡng mà nhiều người trên khắp thế giới tìm đến để học nghệ thuật sống hài hòa với bản thân, với mọi người xung quanh và với đất Mẹ. Trong nhiều năm qua, Thiền sư đã xây dựng nên nhiều trung tâm, cộng đồng tu học trên khắp thế giới, giúp thúc đẩy sự chuyển hóa của cá nhân, cộng đồng và xã hội.

Ngày nay, pháp môn chánh niệm đã được biết đến một cách rộng rãi trên thế giới. Điều này có được phần lớn là nhờ nỗ lực xiển dương pháp môn chánh niệm của Thiền sư trong suốt cuộc đời mình. Những lời dạy cũng như những tác phẩm sâu sắc của Người về sự chuyển hóa và chế tác bình an trong tự thân đã vượt lên trên những rào cản về quốc gia, tôn giáo để đến với biết bao tâm hồn trên khắp thế giới, giúp họ vơi bớt khổ đau.

Đại học Giáo dục Hồng Kông (Education University of Hong Kong, gọi tắt là EdUHK) chúng tôi có một mối liên hệ đặc biệt với Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Thiền sư đã có nhiều chuyến hoằng pháp tại Hồng Kông để giảng dạy về sự thực tập chánh niệm, mang bình an và thương yêu đến với mọi người. Thiền sư đã tổ chức những khóa tu và những buổi thiền hành tại trường đại học chúng tôi vào năm 2007, 2010 và 2013. Trong những khóa tu này, rất nhiều người được thức tỉnh và có cảm hứng từ những bài giảng đầy tình thương, bình an và năng lượng chánh niệm của Người. Mối liên hệ hợp tác bền vững, lâu dài giữa chúng tôi và Làng Mai – cụ thể là Viện Phật học Ứng dụng châu Á (AIAB) do Thiền sư sáng lập tại Hồng Kông – đã thể hiện qua những ngày Quán niệm được tổ chức thường xuyên tại trường, mang lại lợi lạc cho cho tất cả các giáo chức, phụ huynh và học sinh của trường, không phân biệt truyền thống tôn giáo.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã dành trọn cuộc đời mình để thúc đẩy hòa bình và những giá trị tâm linh trên khắp thế giới. Người đã nỗ lực để giúp tháo gỡ những vấn đề xã hội đương thời cũng như những xung đột trên thế giới thông qua những phương pháp chế tác bình an và từ bi. Thiền sư đích thực là một nhà lãnh đạo tâm linh đáng cho chúng ta yêu quý và kính ngưỡng. Thay mặt trường Đại học Giáo dục Hồng Kông, tôi lấy làm vinh dự được trao tặng bằng Tiến sĩ danh dự về Nhân văn (Doctor of Humanities, honoris causa) cho Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

 

Lời phát biểu của Sư Cô Chân Không (ngày 29.8.2017 tại Thái Lan)

 

Vị Thầy kính thương của chúng tôi thường dạy rằng Hiểu và Thương phải luôn luôn đi với nhau. Giáo dục không phải chỉ là thu nạp kiến thức mà còn là vun trồng chân hiểu biết – và hiểu biết luôn đi cùng với từ bi, với tình thương. Thầy thường nhắc nhở tất cả chúng ta rằng tình thương của chúng ta phải hướng đến tất cả hành tinh này chứ không phải chỉ dành riêng cho một dân tộc hay một giống nòi. Chúng ta phải biết cách mở rộng trái tim mình. Tình thương của chúng ta phải làm sao ôm trọn được cả hành tinh này.

Vun trồng hiểu biết và thương yêu là phương thức giáo dục cao nhất mà chúng ta có thể thực hiện với tư cách con người. Chúng ta cần nuôi dưỡng Chánh niệm và Từ bi một cách bền bỉ trong mỗi giây phút của đời sống hàng ngày.

Nhưng làm cách nào chúng ta có thể tự rèn luyện mình theo phương hướng đó? Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta dường như thấy mình khác biệt với những người xung quanh: bạn khác biệt với tôi và chúng ta lại khác biệt với những người khác. Có những người mình thấy “giỏi hơn, hay hơn”, có những người mình thấy “kém hơn”, có những người có vẻ tử tế, có những người lại có vẻ không tốt. Nhưng những khác biệt này chỉ đúng trong thế giới hiện tượng mà thôi. Nếu nhìn sâu hơn, chúng ta có thể thấy rằng trong thế giới bản thể, tất cả chúng ta đều tương tức. Có một mối liên hệ mật thiết, thâm sâu kết nối tất cả chúng ta. Cũng giống như khi nhìn ra đại dương, ta thấy có rất nhiều con sóng khác nhau trên bề mặt đại dương, nhưng ta cũng có thể thấy rằng tất cả các con sóng đều là nước. Không có sự tách biệt. Chúng ta cần phải thực tập nhìn sâu để mở rộng tình thương, để có thể mở lòng ôm được tất cả mọi người, mọi nền văn hóa và mọi dân tộc.

Có một lần Thầy đã kể về một giấc mơ của Thầy. Trong giấc mơ đó, Thầy được gợi lại lần lượt từng biến cố và khổ đau mà Thầy đã trải qua –  những khổ đau không chỉ trong cuộc đời này mà còn trong vô số kiếp trước đây: những khổ đau vì nghèo đói, bạo lực, chiến tranh, thiên tai, tù ngục, oan ức và tuyệt vọng. Trong giấc mơ có một tiếng nói rất mạnh mẽ, có lẽ là tiếng nói của thần Định mệnh, bỗng cất lên: “Các người sẽ phải sống lại tất cả những điều này một lần nữa!”. Trong một khoảnh khắc rất ngắn ngủi, Thầy đã phản ứng lại: “Ồ, không!”. Lúc đó Thầy cảm thấy rằng bị nhấn chìm bởi một cơn lũ khổng lồ những hành động tàn ác trong chiến tranh, những sự dã man bạo lực… trong quá khứ như vậy là đã đủ lắm rồi. Thật là quá kinh khủng nếu phải sống lại những kinh nghiệm này một lần nữa. Nhưng sau một hơi thở sâu, Thầy mỉm một nụ cười kỳ diệu và nói to: “Với chánh niệm, từ bi và hạnh nguyện thương yêu sâu – Thầy trỏ thẳng vào ông ta – tôi (Thích Nhất Hạnh) sẵn sàng trở lại cùng với tất cả những trẻ em và những con người đầy khổ đau này. Tôi sẵn sàng trở lại một lần nữa, nhiều lần nữa…!”

Chúng ta biết rằng rất nhiều người thuộc những thế hệ sau này đã được truyền cảm hứng từ cuộc đời và những lời dạy của Thầy. Chúng ta hy vọng rằng trường Đại học Giáo dục Hồng Kông sẽ tiếp nối việc trao truyền sự thực tập lắng nghe và nhìn sâu để có thêm hiểu biết cũng như tình thương lớn, không chỉ để phục vụ cho xã hội Hồng Kông nói riêng mà còn để phụng sự cho tất cả hành tinh và muôn loài. Hy vọng rằng chương trình đào tạo của trường hay những luận án tốt nghiệp của sinh viên sẽ thể hiện được kiến thức được trao truyền đi đôi với sự chuyển hóa trong tự thân mỗi sinh viên.

 

Cổng tam quan

Nếu bạn muốn vãng cảnh chùa, xin mời bạn tới Cổng Tam Quan Nơi đây sẽ có một thầy hay một sư cô hướng dẫn bạn và một số các vị khác đi tham quan. Mọi người đi từng bước thảnh thơi an lạc, bạn sẽ viếng Thiền Đường, Phật Đường, hồ sen, lầu chuông, Tàng Kinh Các v.v.. bạn có thể bước bằng bước chân của một người đang có mặt. Vị xuất gia hướng dẫn cho bạn tuy ít nói nhưng sẽ cung cấp cho bạn đủ dữ kiện về ngôi chùa bạn đang viếng: Có thể đó là chùa Pháp Vân Xóm Thượng, tu viện Lộc Uyển, tu viện Bích Nham, hay chùa Đại Bi của viện Phật Học Ứng Dụng… Bạn cũng có cơ hội thấy và nghe được sinh hoạt tu học của tăng thân bốn chúng nơi này nữa.