Thông bạch, đề nghị

Thầy đã về

 

Huế năm nay ít mưa. Dù vậy, vẫn có những ngày bầu trời giăng đầy mây, không một chút nắng và những cơn mưa kéo dài từ sáng đến tối.

Từ hôm Thầy trở về Từ Hiếu vào ngày 28.10.2018, có ba hay bốn ngày trời mưa và gió se lạnh. Đó là những ngày Thầy không thể đi dạo quanh khuôn viên Tổ đình. Những ngày còn lại, hầu như ngày nào Thầy cũng dạo thăm nhiều không gian khác nhau trong chùa.

 

 

Hôm qua, ngày 12.11, là ngày giỗ Sư Tổ Tánh Thiên Nhất Định, khai sơn Tổ đình Từ Hiếu. Khi âm thanh tán tụng trầm hùng theo nghi lễ truyền thống Phật giáo Huế trên ngôi bảo điện còn đang vang vọng thì Thầy ra tham dự buổi giỗ Tổ. Thị giả chúng con đưa Thầy đi từ thất Lắng Nghe, dọc theo thiền đường Trăng Rằm và xuống tịnh thất nhỏ bên hông chánh điện, nơi Sư cố Thanh Quý Chân Thật ngày xưa từng ở. Thầy chăm chú nhìn từng góc nhỏ trong liêu với ánh mắt tinh tường và cảm động. Thầy đến bên cạnh chiếc giường cũ kỹ và đơn sơn mà Sư Cố thường nghỉ ngơi. Mỗi ánh mắt và mỗi cử chỉ nơi bàn tay Thầy khiến cho chúng con có cảm giác Thầy đang có mặt và tiếp xúc được với nguồn năng lượng tâm linh mà Sư Cố đã trao truyền. Mỗi cái gật đầu của Thầy giúp chúng con an trú trong dấu ấn Đã về đã tới.

Thầy chỉ cho chúng con tấm hình của Sư Cố được thờ giữa thiền thất. Bức chân dung này, mấy mươi năm trước, lúc Thầy còn là một xuất sĩ trẻ, Thầy đã cúng dường Sư Cố trong một lần từ Sài Gòn về lại chùa Tổ. Sư Cố rất thích. Ngày Sư Cố viên tịch, Thầy đang ở nước ngoài không về được. Sư thúc Chí Viên, đệ tử Sư Cố và là sư em của Thầy, trong những lúc chúng con ngồi hầu chuyện, vẫn thường kể cho chúng con nghe về tình thương Sư Cố dành cho Thầy:

“Trước đây, lúc Thầy rời chùa Từ Hiếu, Thầy thưa với Sư Cố rằng: “Con đi rồi con sẽ trở về“. Nhưng kể từ khi thầy Nhất Hạnh đi cho đến lúc được về lại Từ Hiếu, Sư Cố đã đi trước rồi. Năm 2005, khi thầy Nhất Hạnh về Việt Nam, tôi hy vọng Thầy sẽ về Tổ đình. Đến bây giờ, Thầy thật sự đã về rồi, đã thật sự trở về. Lúc thầy Nhất Hạnh đi xa, Sư Cố thường hỏi thị giả: “Thầy (Nhất Hạnh) về chưa?” Có khi Sư Cố chống gậy đứng nhìn về khung cảnh trước mắt, và hỏi thị giả đang đứng hầu sau lưng mình: “Thầy (Nhất Hạnh) về chưa?”  Sư Cố luôn luôn nhớ đến người học trò mà Sư Cố rất thương. Bây giờ Thầy trở về, đó là một hạnh phúc cho Tổ đình, cho con cháu trong Tổ đình. Đó là một hạnh phúc cho đất nước Việt Nam. Thầy đã thưa với Sư Cố khi ra đi: “Con đi rồi con sẽ trở về“. Đi vì trách nhiệm phụng sự Tam Bảo thì không hẹn ngày về được. Thầy về Việt Nam, Thầy về cội nguồn Tổ đình Từ Hiếu, nhưng hình bóng của Thầy vẫn còn khắp năm châu.

Trước đây, tôi không biết trả lời thế nào mỗi lần Sư Cố hỏi: “Thầy về chưa?” Bây giờ thì Thầy đã trở về. Hôm nay chúng ta lạy Tổ, chúng ta có thể thưa với liệt vị Tổ sư tiền bối rằng: “Thầy Nhất Hạnh đã về.”

Sư thúc Chí Thắng, đệ tử Sư Cố và là sư em của Thầy, trong lúc đứng chiêm ngưỡng bức chân dung đã thưa với Thầy rằng: “Đây là bức ảnh ngày xưa Thầy mang từ Sài Gòn ra cúng dường Sư Cố. Mấy năm trước bức chân dung có vài chỗ hư nên đã thỉnh xuống để chỉnh sửa lại những chỗ hư đó.” Nghe vậy, Thầy mỉm cười, gật đầu nhiều lần rất hoan hỷ.

 

Thầy niệm hương trước bàn thờ trong thất Sư Cố. Chúng con nhớ Thầy thường dạy bài kệ “Năng lễ, sở lễ tánh không tịch” (Người lạy và  đối tượng được lễ lạy vốn vắng lặng, vốn không ngoài nhau.) Bên cạnh Thầy có sư thúc Chí Viên và sư thúc Chí Thắng, sư bà Lưu Phong, và nhiều vị Tôn túc khác. Nhìn Thầy, trong lòng chúng con như nghe lời dạy mà Thầy đã dạy không biết bao nhiêu lần: “Không có gì quý hơn tình huynh đệ”.

 

Sau đó, Thầy đã đến trước ba án thờ Tổ, niệm hương nơi mỗi án thờ. Thầy đến trước chánh điện, niệm hương trước bàn thờ Bụt. Thầy niệm hương nơi đây lâu nhất. Thầy nhìn đức Bụt, nhìn không gian ngôi chánh điện, nhìn bức chữ Hán “Từ Hiếu tự”. Đây là nơi Thầy đã có mặt với rất nhiều những thời khoá tụng kinh của chùa lúc còn là một chú điệu nhỏ. Chư tôn đức Tăng Ni và các vị cư sĩ có mặt rất đông và rất cảm động trước hình ảnh Thầy đã thật sự trở về. Nhiều vị đã bật khóc. Những kỷ niệm sâu sắc trong khoảng thời gian Thầy tu học tại Từ Hiếu hồi đó đã được Thầy ghi lại trong tác phẩm “Tình người”. Đó là khoảng thời gian Sư cố Thanh Quý còn đó với những lời dạy qua thân giáo của Sư Cố mà Thầy đã tiếp nhận được và mang theo trong suốt sự nghiệp xuất sĩ của mình.

Thầy ra khoảng sân trước chánh điện, để vài phút thưởng thức không gian trước mắt với nhiều cây xanh, có nắng ấm, có hồ bán nguyệt và cổng tam quan thấp thoáng sau rừng cây. Thầy còn ra dấu cho thị giả quay xe lăn lại để Thầy nhìn ngắm toàn bộ ngôi chánh điện từ bên ngoài trước khi Thầy trở về thất Lắng Nghe nghỉ ngơi. Chư  vị Tôn túc Tăng Ni và cư sĩ rất hạnh phúc được gặp, đảnh lễ và thăm Thầy trực tiếp như vậy. Chúng con rất biết ơn sự có mặt của đại chúng. Có những ngày mưa Thầy không ra ngoài được, đại chúng vẫn chờ đợi trong tình thương và niềm trân quý. Từng nhóm nhỏ ngồi bên nhau nơi khu vực cạnh tháp chuông, bên ngoài khu vực nội viện, trên những con đường trải sỏi nhỏ, bên tháp Tổ, hoặc bên hồ bán nguyệt, hoặc bên bờ hồ Sao Hôm…, mong rằng Thầy có thể đi dạo để đại chúng có dịp đảnh lễ hầu thăm và thực tập thiền hành cùng Thầy. Chúng con rất cảm động trước tấm lòng của đại chúng.

 

Trước và sau ngày giỗ Tổ, thời tiết rất đẹp, Thầy đã dạo quanh chùa Từ Hiếu nhiều lần trong những khoảng thời gian khác nhau. Thầy vào thăm liêu Sư Cố nhiều lần, lần nào cũng chăm chú cảm động. Nơi này, Thầy từng kể: “Vào giờ trưa, Sư Ông ưa có một bình trà như thế trên án thư. Người thường rót và ban cho sư chú một chén nhỏ, sau khi đã nhắp một lần vào chén của người. Chú kính cẩn đứng bên để hầu trà, và cũng được uống trà với Sư Ông. Đây là những giờ phút hạnh phúc lớn của cuộc đời một người đệ tử.” (Trích từ tác phẩm “Con nghé nhỏ đuổi chạy mặt trời” – Sư Ông Làng Mai).

Thầy thăm căn phòng nơi ngày xưa Thầy đã ở, thăm cây khế già trăm tuổi, thăm hồ bán nguyệt, thăm tháp chuông, thăm cổng tam quan, hoặc ghé thăm ni xá Diệu Trạm, thăm Lạc nghĩa đường, thăm Lăng viện, thăm từng gốc cây, từng bảo tháp, chiếc giếng cổ hay gốc bùi già… bằng tất cả sự chú tâm và tinh tường. Nơi đâu cũng ghi dấu thâm sâu cho lần trở về này.

 

GHI CHÉP CỦA BAN THỊ GIẢ