Thư kêu gọi cứu giúp đồng bào bão lũ

Đầu cành dương liễu vương cam lộ
Một giọt mười phương rưới cũng đầy
Bao nhiu trần luỵ tiêu tan hết
Đàn tràng thanh tịnh ở ngay đây
Nam Mô Bồ Tát Thanh Lương Địa.


Kính thưa quý thân hữu!

Cơn bão Yagi vừa mới đi qua đã gây nên nhiều tàn phá cho các tỉnh ở miền Bắc. Vừa mới hết bão lại đến lũ, gây nên những thiệt hại lớn lao về tài sản và con người. Chúng ta không cầm được những giọt mước mắt xót thương khi nghe tin lũ quét đã vùi lấp toàn bộ thôn Làng Nủ, tỉnh Lào Cai làm 16 người tử vong; vụ sạt lở đất xảy ra tại Yên Bái làm 4 người trong một gia đình tử vong, cháu nhỏ nhất mới 2 tháng tuổi; hay việc sập cầu Phong Châu ở Phú Thọ, làm cho 10 người mất tích. Và vẫn còn nữa những thông tin về những sự mất mát đau thương đó. Xin chúng ta hãy quay về nương tựa vào hơi thở, làm lắng dịu thân tâm và gởi năng lượng bình an đến cho những nạn nhân và người thân của họ trong cơn thiên tai này. Với tinh thần “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”, đồng bào ở những nơi không bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi đã đóng góp tiền tài và công sức để giúp cho những nạn nhân. Chúng ta cảm thấy ấm lòng khi đọc tin một giáo sư ở TP. Hồ Chí Minh đã cúng dường 1 tỷ VNĐ từ sổ tiết kiệm của mình; một nhóm 4 thanh niên tự bỏ tiền của mình để mua đồ cứu trợ rồi đi máy bay ra tham gia cứu trợ. Có nhiều câu chuyện tương tự như vậy nữa. Cảm động thay tinh thần “thương người như thể thương thân” của người dân Việt được biểu hiện rõ ràng trong những trường hợp khó khăn như thế. Các thầy, sư cô và các thân hữu Tăng thân Làng Mai cũng đã góp phần vào công việc cứu trợ này. Các thành viên trong Tăng thân ở Hà Nội đã đến chùa Đình Quán để gói bánh chưng và chuẩn bị cho chuyến cứu trợ vào ngày 11.9.2024. Một đoàn gồm 10 thầy và sư cô từ chùa Từ Hiếu và Ni xá Diệu Trạm vừa mới hướng dẫn khóa tu xong tại chùa Diên Quang, Bắc Ninh cũng ở lại để tham dự vào chuyến cứu trợ này. Đây là chuyến cứu trợ đầu tiên mà các Tăng thân Làng Mai sẽ thực hiện để giúp cho các nạn nhân của cơn bão lụt.

Kính thưa quý thân hữu, lúc này đây nhiều người đang đói lạnh, đang đau thương vì sự mất mát tài sản, người thân và đang nhìn về phía chúng ta trong hy vọng nhỏ nhoi được cứu trợ. Sự đóng góp của mỗi người lúc này dù chỉ là một vắt cơm, manh áo, một lọ dầu nóng, một đôi ủng, một tấm chăn mỏng, một cục xà phòng, một viên thuốc đau bụng, một lon sữa, v.v… cũng đủ sưởi ấm lòng người đang suy sụp tinh thần trong cơn khổ nạn. Tăng thân Làng Mai Châu Á thiết tha kêu gọi quý thân hữu phát tâm góp công góp của để kịp thời cứu trợ cho đồng bào sớm vượt qua cơn nguy khó này.

Mọi sự đóng góp xin gởi tới:

Tài khoản: Vietcombank – 0161000776894

Tên tài khoản: Trần Phước Lâm (thầy Thích Chân Từ Hải)

Sđt: +84 (0) 948559228

Nội dung ghi: Cứu trợ nạn nhân bão lụt.

Thầy Từ Hải là đại diện của các thầy, sư cô trong ban chăm sóc chương trình từ thiện của Làng Mai tại Việt Nam.

Cầu chúc cho mọi người thân tâm luôn được kiện an, gia đình thân quyến được yên ổn và trân quý sự có mặt quý giá bên nhau. Nguyện cầu Tam Bảo thường gia hộ cho tất cả mọi người được sống trong an toàn và hạnh phúc.

Nam Mô Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát.

2024-ThuKeuGoiCuuLu-LMThai

Câu chuyện của dòng sông

(Trích từ sách “An lạc từng bước chân” của Sư Ông Làng Mai)

Có một dòng sông rất đẹp chảy qua núi đồi và đồng cỏ xanh tươi. Dòng sông ca hát nhảy nhót tung tăng từ trên núi xuống đồng bằng. Xuống đồng bằng, dòng sông chảy chậm lại, mặt nước trong xanh êm mát. Lúc ấy dòng sông còn trẻ lắm, và dòng sông muốn chảy mau ra biển cả. Dòng sông càng lớn càng đẹp ra, lượn khúc yêu kiều ven đồi và bờ lúa.

Một ngày kia dòng sông chú ý đến sự có mặt của những đám mây trong lòng nước. Mây đủ màu sắc, hình thể, đẹp quá chừng, nên suốt ngày dòng sông cứ miệt mài chạy đuổi theo những đám mây, mong bắt được một đám mây cho riêng mình. Nhưng mây cứ lơ lững từng cao khó mà bắt được, nhất là mây cứ thay hình đổi dạng không ngừng. Vì mây vô thường như vậy nên dòng sông rất đau khổ. Chạy đuổi bắt theo mây thì vui nhưng sau đó thì dòng sông đầy thất vọng, u sầu và tức giận.

Một ngày kia, một cơn gió lớn đi qua, quét sạch mây trên trời. Bầu trời trở nên quang đãng không còn một bóng mây. Dòng sông não nề tuyệt vọng, không còn muốn sống nữa. “Không còn mây để chạy theo, ta sống để làm gì?”

Tối hôm đó, lần đầu tiên trong đời, dòng sông quay trở về tiếp xúc với chính mình. Lâu nay dòng sông chỉ đuổi theo những cái bên ngoài mà không bao giờ thấy được chính mình. Tối hôm đó, lần đầu tiên dòng sông nghe tiếng mình khóc, âm thanh sóng vỡ vào bờ. Dòng sông lắng nghe tiếng của mình và khám phá ra một điều rất quan trọng.

Dòng sông nhận ra rằng cái mà lâu nay mình theo đuổi đã nằm sẵn trong lòng mình. Tưởng mây là gì, đâu ngờ mây cũng chỉ là nước. Mây sinh ra từ nước và bây giờ mây trở lại thành nước. Và dòng sông tự bao giờ cũng vẫn là nước như một đám mây.

Sáng hôm sau, khi mặt trời lên cao, dòng sông khám phá ra thêm một điều thật đẹp. Đây là lần đầu tiên dòng sông thấy được bầu trời xanh thẳm. Lâu nay dòng sông chỉ chú ý đến mây, không chú ý đến bầu trời. Bây giờ sông mới hiểu rằng bầu trời là quê hương của các đám mây. Mây luôn luôn thay đổi nhưng bầu trời không bao giờ thay đổi. Và bầu trời cao đã có mặt trong lòng sông tự thuở nào. Cái thấy này đem lại cho dòng sông một nguồn an lạc lớn.

 

 

Dòng sông hiểu rằng bao giờ bầu trời xanh còn có mặt, niềm an lạc của dòng sông sẽ mãi mãi vững bền.

Trưa hôm đó, các đám mây lại lục tục trở về nhưng dòng sông không còn có nhu yếu muốn đuổi bắt nữa.

Đám mây nào đi qua, dòng sông cũng thấy đẹp và cũng vẫy tay chào. Dòng sông không còn thấy buồn tủi hay lưu luyến. Bởi đám mây nào cũng là một dòng sông, chẳng còn phải chọn lựa. Một niềm an vui hài hòa đã kết hợp mây và sông.

Tối hôm đó một điều thật tuyệt diệu đã xảy ra. Dòng sông mở rộng lòng đón mặt trăng rằm, mặt nguyệt tròn tròn vành vạch và sáng rực rỡ như một viên bảo châu trong dòng nước trong vắt.

Có một bài kệ miêu tả hình ảnh đẹp đó:

Bụt là vầng trăng mát
Đi ngang trời thái không
Hồ tâm chúng sanh lặng
Trăng hiện bóng trong ngần

(Bồ tát Thanh Lương nguyệt
Du ư tất cảnh không
Chúng sanh tâm cấu tận
Bồ đề ảnh hiện trung)

Dòng sông trong vắt đã làm hiện rõ bóng trăng và trăng đã cùng mây nước dắt tay nhau đi thiền hành về biển cả.

Chẳng có gì phải chạy đuổi theo. Chỉ cần trở về với mình, trở về với hơi thở và nụ cười, trở về nơi mình ở, nơi có thông reo, chim hót và nắng ban mai. Còn nơi nào đẹp hơn nữa?

 

Thực tập quán chiếu về bản chất không sinh không diệt

(Phiên tả Pháp thoại ngày 04 tháng 01 năm 1998, xóm Thượng, Làng Mai, Pháp)

Đây là một lá sồi thầy lượm được ở xóm Thượng. Xóm Thượng có hàng triệu lá sồi như vậy trên đường đi. Khi thiền hành ta có thể để ý tới những lá sồi mà bàn chân ta giẫm lên. Lá sồi này được sinh ra vào tháng Ba, đã sống cuộc đời của nó một cách đầy đủ, xanh tốt. Trong bao nhiêu ngày, chiếc lá này đã đón nhận ánh sáng mặt trời, đón nhận mưa nắng và đã từng reo vui trên cành. Đến tháng Mười, tháng Mười một, tháng Mười hai, lá sồi rụng xuống và phủ đầy lối đi. Có những nơi lá sồi rất dày, tạo thành những tấm thảm, và ta thường giẫm lên đó mỗi khi thiền hành.

Có những thi sĩ gọi lá rụng là lá chết. Lá chết nghĩa là lá không còn sống. Mùa thu là mùa lá rụng. Nhiều người cảm giác buồn man mác khi thấy lá rụng, nghĩ rằng mùa thu là dấu hiệu của sự tàn tạ, của sự chết chóc. Mùa thu đẹp thật nhưng có thể cũng tạo cho chúng ta một nỗi buồn man mác. Nếu chúng ta là người có tu học, có quán chiếu thì chúng ta phải nhìn sâu để không vướng vào những tình cảm thường tình. Chúng ta biết rằng sinh được làm bằng diệt. Cái mà chúng ta gọi là sống được làm bằng chết và nếu chúng ta là những người biết quán chiếu, nhìn vào cái chết chúng ta thấy được cái sống, nhìn vào cái sống chúng ta thấy được cái chết. 

Sống và chết gắn liền với nhau. Không thể gỡ sống ra khỏi chết cũng như không thể gỡ cái chết ra khỏi sự sống. Khi thực tập ăn cơm im lặng, chúng ta có dịp nhìn vào những hạt cơm, những cọng rau trong bát và chúng ta thấy thức ăn được làm bằng chất liệu không phải thức ăn. Hạt cơm rất dẻo, rất trắng nhưng chúng ta có thể nhìn sâu để thấy trong hạt cơm có nắng, mưa, phân, rác và nhiều yếu tố khác. Bởi vì nếu không có phân, không có rác thì những hạt cơm đó không có mặt. Trong khi ăn cơm có thể ta chỉ thấy được những hạt cơm và những cọng rau, nhưng nếu biết ăn cơm một cách sâu sắc, chúng ta thấy được những yếu tố không phải là cơm và rau trong chén cơm bưng trên tay. Có thể là có mồ hôi, có phân trâu, có xương, vì phân có thể được làm bằng xương các loài vật. Tại các lò sát sinh, ở phương Tây và  phương Đông, người ta giết heo lấy thịt, những phần còn lại như lông, da, phân heo thì được xay ra làm phân trồng trọt. Khi trồng rau ta có thể mua những bao phân đó về để bón cho rau được tươi tốt. Vì vậy khi nhìn vào cơm, vào cọng rau, ta thấy được những yếu tố đó. 

Sự sống làm bằng sự chết. Nếu không có sự chết thì không bao giờ có sự sống. Sự chết nằm ngay trong sự sống. Trong cơ thể chúng ta cũng vậy, sự chết diễn ra trong mỗi giây phút của sự sống. Khi chúng ta gãi vào da, hàng ngàn, hàng triệu tế bào chết rơi xuống đất. Tế bào ngoài da của cơ thể ta đã khô và đã chết. Rất nhiều tế bào trong cơ thể ta tiếp tục chết như vậy mỗi ngày. Khi tắm, chúng ta thấy đất từ da rơi ra, ta đừng tưởng đất đó là từ bên ngoài bám vào da thịt ta. Đất mà chúng ta kỳ ra là những tế bào chết trong cơ thể chúng ta tiết ra. Vì vậy cái sống và cái chết xảy ra trong từng giây phút của đời sống hằng ngày. 

Hôm trước chúng ta đã nói đến những chiếc lá sen ở hồ sen xóm Mới. Quý vị có thể đã nhìn và đã thấy những chiếc lá sen và hoa sen đang gục đầu xuống nước. Bây giờ những chiếc lá sen gần mục thành bùn. Lá sen mục thành bùn nhanh hơn lá sồi. Tiến trình mục nát của lá sồi chậm hơn lá sen, bởi vì lá sồi nằm trên đất khô. Chúng ta thấy lá sen ở hồ sen xóm Mới sắp biến thành bùn vì có những chiếc lá nằm ngâm trong nước rất lâu. Khi trở về bùn, lá sẽ yểm trợ cho những rễ sen, củ sen lớn lên, đó là ý nghĩa lá rụng về cội. Khi nhìn vào lá sen chết, ta phải nhìn như thế nào để thấy những chiếc lá sen đó cũng có mặt nơi khác và vào thời điểm khác nữa. Ta đừng nhìn thấy lá sen đó chỉ có mặt bây giờ và ở đây. Lá sen có mặt  bây giờ và ở đây nhưng tầm vóc lá sen đó rộng lớn hơn ta tưởng. Chiếc lá sồi này cũng vậy, trong suốt sáu tháng hay chín tháng, chiếc lá này đã sống rất đầy đủ, đã làm việc một cách tích cực, đã nuôi cây lớn lên. Chiếc lá sồi rụng này chỉ là một phần nhỏ, một cái xác lá. Chiếc lá thực sự vẫn đang còn sống, chiếc lá đang có mặt trong cây. 

Chúng ta muốn quán chiếu với tư cách một nhà khoa học hay một nhà đạo học? Nhà khoa học có những dụng cụ để quán chiếu, để đo lường, nhà Phật học hay nhà Đạo học cũng có những dụng cụ để quán chiếu, để đo lường. Khi nhìn vào một chiếc lá sen hay một chiếc lá sồi vào tháng Giêng, chúng ta phải thấy rõ đó là chiếc lá sồi hay lá sen, đừng đồng nhất chiếc lá đó với chiếc lá đang trở thành bùn hay với xác lá chúng ta đang có trên tay. Chúng ta phải thấy chiếc lá một cách sâu sắc, thấy sự sống của chiếc lá trong xác lá, thấy sự có mặt của chiếc lá trong cây. 

Dưới hồ sen có những củ sen và rễ sen đang sống. Chúng đã lớn gấp mười lần hay hai mươi lần so với khi mới được trồng và những rễ sen, những củ sen đó mang sự sống của những lá sen bên trong. Cây sồi cũng vậy. Cây sồi đã rụng hết lá và không còn chiếc lá nào trên cành, nhưng kỳ thực những chiếc lá sồi đã có mặt trong cây sồi. Chúng nằm đợi đó, chỉ cần có sức ấm của tháng Tư, những chiếc lá sồi trong cây sồi sẽ biểu hiện. Vì vậy khi nhìn vào cây sồi giữa mùa đông, ta mỉm cười và nói: “Lá sồi ơi, tôi thấy lá đang có mặt.” Lúc đó ta thấy được chân tướng của lá. Tuy ta không thấy lá nhưng lá có đó. Thực ra, những chiếc lá rụng không làm chúng ta có cảm giác buồn man mác, không gây ra ý niệm chết nhưng chúng ta vẫn có nỗi buồn man mác của mùa thu. Tại vì chúng ta không có con mắt của chánh pháp để thấy được tự tánh của chiếc lá, để thấy chiếc lá chân thật (the true leaf). Khi đã thấy được bản chất chân thật của chiếc lá thì tất cả nỗi buồn và những ý niệm về chết chóc không còn nữa và ta tiếp xúc được với thực thể bất sinh bất diệt. 

Đây là một cái sọ người, khi mát xa đầu, chúng ta làm những động tác và cảm nhận cái sọ người. Hay khi một sư chị, sư anh, sư em mát xa đầu cho ta, chúng ta phải quán chiếu để thấy được cái sọ người của chúng ta dưới làn da. Cái sọ người này rất tốt vì răng còn nguyên. Hình ảnh này có thể cho ta cảm giác hơi rờn rợn, hơi sờ sợ. Ta nói rằng cái sọ người này chỉ là cái sọ nào đó chứ đâu phải ta, nhưng kỳ thực ta đang là cái sọ, ta sẽ là cái sọ, ta đã từng là cái sọ từ lâu. Vì vậy, chúng ta có vô số cơ hội để quán chiếu. Tối hôm qua sư em Thiều Nghiêm xoa bóp đầu cho thầy, thầy hỏi sư em: “Con có biết chỗ nào bán đầu lâu bằng nhựa để mua về cho Làng vài cái?” Thầy nghĩ rằng ở những cơ sở cung cấp tài liệu giáo dục thế nào cũng có những bộ xương, những chiếc đầu lâu bằng nhựa (plastic). Chúng ta phải nhìn những bộ xương này mỗi ngày để thực tập, để không còn sợ hãi, không còn nỗi buồn man mác, không còn ý niệm về chết chóc. Chúng ta sẽ thấy cái đầu lâu như thấy một chiếc lá. 

Thầy mong rằng ngày mai quý vị có thể thấy nhục thân của thầy như một chiếc lá và sẽ không buồn khổ sầu tiếc, bởi vì thầy cũng giống như một chiếc lá. Thầy đã sống một cách rất đầy đủ, rất sâu sắc như một chiếc lá. Thầy đã có một thời làm sư chú, đã từng chạy nhảy, đã từng hát, đã từng thiền đi, thiền ngồi, thiền nằm, đã từng dạy các thế hệ xuất gia. Thầy cũng đã làm hết sức, đã sống sâu sắc giống như chiếc lá này, đã sống bao nhiêu tháng trên cành một cách rất đầy đủ. Vì vậy, nhìn vào thầy phải thấy thầy như chiếc lá. Nếu ngày mai thấy thầy chỉ là một xác chết đang nằm đó thì dở quá, chưa thấy được thầy. Phải thấy được thầy đang ở trong mình, thấy thầy trong thế hệ tương lai đang mang đạo Bụt đi tới. Một xác người cũng giống như một xác lá, tại sao ta phải sợ hãi, phải buồn khổ, lo lắng? Cái đầu lâu này, cái xác chết này cũng sẽ trở về với đất và đóng góp cho sự sống đang thành hình ở khắp nơi. Tất cả những chất liệu xác chết này đều rất cần thiết để tiếp nối, để yểm trợ cho sự sống kia lớn lên. Và thầy nói: “Con có thấy rằng con đang cầm cái sọ của thầy trong hai tay của con không. Con ngưng lại đi, hai tay cầm như vậy con phải thấy được cái sọ của thầy, cái sọ thầy sâu hơn cái sọ trong hình. Cái sọ của thầy dài hơn cái sọ của con. Dù cái sọ của con còn trẻ, nó cũng là một cái sọ.” 

Tất cả chúng ta đều là những chiếc lá, nếu không là lá sen thì là lá sồi. Chúng ta phải sống cuộc đời chúng ta cho thật đầy đủ và thật sâu sắc. Chúng ta đi vào trong tương lai, chúng ta đi vào trong không gian, trong thời gian, chúng ta đóng góp cho sự sống. Một chiếc lá, sau khi chết, nó vẫn còn trong thân cây, phần xác của chiếc lá cũng đóng góp cho sự sống. Cũng như vậy, chúng ta sử dụng phân bón được phân hủy từ lông hay xương heo để nuôi cây lúa và rau củ. Từ đó chúng ta mới có những hạt cơm, cọng rau để ăn. 

Thiền tập nghĩa là không nhìn phơn phớt bên ngoài mà nhìn sâu, để có thể thấy sống và chết là một thực tại. Khá hơn nữa, ta vượt thoát được những ý niệm sống chết, bởi vì đó chỉ là hai ý niệm. Chiếc lá sồi sau khi đã rơi xuống đất cũng còn có thể đóng góp cho sự sống, nó sẽ trở thành phân và sẽ nuôi cây lớn lên. Cây cũng là lá. Chiếc lá sẽ thành phân nuôi cây và nuôi chính nó, bởi vì nó cũng đang ở trong cây. 

Ta đi tìm ta, đó là sự thiền tập. Đừng tưởng ta là cái thân này. Đừng tưởng ta chỉ là cái sọ người này, đừng tưởng ta là hai con mắt này hay là kho kiến thức này. Thiền tông đưa ra những đề tài quán chiếu như: Anh hãy cho tôi biết mặt mũi của anh như thế nào trước khi bà nội của anh được sinh ra. Mặt mũi của một chiếc lá như thế nào? Quý vị có thấy mặt mũi thật của chiếc lá không, hay quý vị chỉ kẹt vào tướng của chiếc lá? Quý vị có thể thấy được chiếc lá trong cái vô tướng của nó không? Có thể thấy lá trong cành, có thể thấy lá trong cây, có thể thấy lá trong đất không, có thể thấy lá trong ánh sáng không? Khi thấy được như vậy, ta thấy được tự tính, thấy được bản chất của chiếc lá, lúc đó ta thoát khỏi những ý niệm và không còn bị kẹt vào tướng. Chẳng hạn khi làm đám ma, ta có thể biết rằng người đang được khiêng đi để đưa vào lò hỏa thiêu hay được chôn, không phải là đối tượng của sự thương yêu của ta. Đối tượng của sự thương yêu của ta là một cái gì rất linh động, bao trùm cả không gian và thời gian. Vì vậy khi thấy xác người đó, được đem đi chôn dưới đất hay đem vào lò hỏa thiêu đều không phải là đối tượng này. Chiếc lá này không phải chỉ là một chiếc lá mà là một thực tại rất sinh động, nó có mặt bây giờ và ở đây, trong quá khứ cũng như trong tương lai. Cái nhìn sâu sắc như vậy khiến chúng ta lớn hẳn lên, chúng ta bắt đầu biết thương, bắt đầu biết sống. Chúng ta sẽ không bị kẹt vào những buồn giận hay những ham muốn tầm thường nữa. Tại vì cái nhìn của chúng ta là cái nhìn sâu sắc của Bụt, của Bồ tát. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta có thể thực tập để thấy như Bụt và Bồ tát thấy. 

Đây là tấm hình của một cặp thanh niên vào khoảng 30 tuổi. Nhờ con mắt quán chiếu, ta thấy đốt xương của những người này rất rõ ràng, và thấy bộ xương của họ còn tốt lắm, bộ xương của những người còn trẻ. Khi sống tới 70, 80 tuổi bộ xương của chúng ta sẽ không còn tốt như thế, sẽ yếu hơn nhiều. Bên phải là hình cô gái, bên tay trái là hình chàng trai, mỗi người đều có một cái sọ người và những đốt xương. Chúng ta chỉ muốn có ảo tưởng, không muốn thấy sự thật nên chúng ta thường không muốn nhìn những thứ đó. Nếu anh Hoàng biết chỗ thì mua một bộ xương bằng nhựa về treo để quán chiếu cho vui. 

Chúng ta có thể đạt tới trình độ tu tập sâu sắc để khi nhìn vào một chiếc lá ta hoàn toàn không có sự buồn khổ hay không? Ta thấy rõ ràng chẳng có gì phải buồn khổ, chiếc lá này đã sống đầy đủ cuộc đời của nó và hiện giờ chiếc lá đang có mặt ở đâu đó. Nhìn bằng mắt tuệ ta thấy sự có mặt của chiếc lá, thấy chiếc lá không sinh không diệt. Đã thấy được như vậy thì tại sao ta phải có những nỗi buồn man mác khi nhìn những chiếc lá rụng. Một tờ lá chín và rụng rất đẹp. Mùa thu có biết bao nhiêu tờ lá chín và rụng xuống, rất đẹp. Chúng ta có câu hát Bụt là lá chín. Một đời người cũng vậy, nếu sống cho đàng hoàng, cho hạnh phúc, có thương yêu, có hiểu biết, đến lúc ta gọi là chết thì đó là một hành động rất đẹp. Chúng ta không thật sự chết. Bởi vì chúng ta đã đi tới. Người có tuệ sẽ thấy mình có mặt khắp nơi, không bị kẹt vào tướng của một cái xác. Tu đến trình độ thì nhìn một tử thi hay một bộ xương cũng giống như nhìn một chiếc lá, không sầu khổ, không sợ hãi, như vậy mới được. Biết người đó đã sống và chỉ có con mắt tuệ mới có thể nhận diện sự có mặt của người đó đang ở khắp nơi. 

Có con mắt tuệ, khi nhìn vào một chiếc lá hay một tử thi ta không còn sầu khổ, ta thấy chính mình là chiếc lá, là tử thi đó. Trước khi ngủ hãy nằm thẳng trên giường và thấy ta là chiếc lá, là tử thi. Mai này thế nào ta cũng trở thành tử thi, nhưng ta không phải chỉ thành tử thi đó, vì tử thi chỉ là một phần nhỏ nơi sự sống của ta, phần nhỏ đó cũng đóng góp vào sự sống tương lai sau này. Vì vậy phép thực tập Cửu tưởng quán rất mầu nhiệm. Cửu tưởng quán tức là phải thấy được quá trình thân thể này tàn hoại. Ban đầu quán thấy tử thi, rồi tử thi phình lên, trương ra. Từ tử thi có những chất nước vàng chảy ra, rồi thấy những con sâu, những con trùng sinh ra trong tử thi đó, bò lúc nhúc. Tiếp đến, tử thi chỉ còn là một bộ xương được nối liền nhau bởi những sợi gân, rồi thấy tử thi là những khúc xương rời rạc, tử thi đi qua nắng qua mưa và bạc màu, như màu vỏ ốc, cuối cùng tử thi chỉ còn là một đám bụi. Khi quán chiếu như vậy, ta thấy ta không chỉ là tử thi, ta là một cái gì mầu nhiệm hơn tử thi đó nhiều. Ta thấy được chân tướng của ta, lúc đó ta mới sống được đời sống của ta một cách sâu sắc và đích thực. 

Thiền tập là một cách sống, một cách sống trong đó chúng ta có cơ hội để nhìn, nhìn thật sâu. Nhìn sâu để khám phá ra được bản chất đích thực của chính chúng ta và của sự sống. Nhìn được hay không là do chúng ta có con mắt tuệ hay không. Và con mắt tuệ có hay không là do chúng ta có sống chánh niệm trong đời sống hằng ngày được hay không. Có chánh niệm tức là có năng lượng để dừng lại, để nhìn và để tiếp xúc một cách sâu sắc. Do đó, tại Làng Mai, sự thực tập của chúng ta là phải đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc, ăn, uống, thở, v.v. trong chánh niệm. Thực tập như vậy thì con mắt tuệ sẽ phát sinh. Có con mắt tuệ, chúng ta sẽ đạt tới bất sinh bất diệt, sẽ không còn sầu khổ hay sợ hãi. Là người trẻ, chúng ta cứ có cảm tưởng là chúng ta sẽ sống đời đời, những người khác phải chết chứ ta còn trẻ, đâu có chết được. Trong chúng ta cũng có những người lớn tuổi và họ đã biết rõ ràng rằng họ không còn nhiều năm tháng nữa. Nếu chúng ta biết rằng chúng ta đã được gặp Tam bảo, đã được học cách quán chiếu, chúng ta không nên sống một cách thờ ơ và giải đãi. Chúng ta phải biết sử dụng những ngày tháng còn lại một cách sâu sắc, để chúng ta có cơ hội tiếp xúc được với bản chất bất sinh bất diệt của chúng ta. Giờ phút lâm chung, giờ phút qua đời sẽ là một giờ phút rất mầu nhiệm, rất đẹp đẽ. Nếu chúng ta đi qua giờ phút đó đẹp đẽ như một chiếc lá rơi xuống một cách ngoạn mục thì không những ta có hạnh phúc mà ta còn tạo được niềm tin và hạnh phúc cho biết bao nhiêu người. Có những chiếc lá lìa cành và múa, cho đến khi nằm trên mặt đất, chiếc lá vẫn vui. Chiếc lá biết nó sẽ trở thành một với cây, lá rụng về cội. Do đó, chết là một nghệ thuật và chúng ta có thể mỉm cười khi chết, trong hoan hỉ, trong hạnh phúc. Chúng ta chỉ có thể chết được như vậy khi chúng ta có con mắt tuệ và chúng ta khám phá được tự tánh bất sinh bất diệt của chính mình. Mỗi chúng ta đều có cái sọ người và đều có Phật tánh.

Im lặng hùng tráng

(Phiên tả Pháp thoại ngày 14 tháng 12 năm 1997, xóm Thượng, Làng Mai, Pháp)

Trong khóa tu này, chùa Pháp Vân xóm Thượng và chùa Từ nghiêm xóm Mới thực tập im lặng hùng tráng, noble silence, từ 9 giờ tối cho đến sau bữa cơm trưa; chùa Cam Lộ xóm Hạ thực tập im lặng cho đến sau giờ ăn sáng. Có thiền sinh viết thư kể cho thầy rằng buổi sáng họ vẫn nghe nói chuyện. Vị này đã có mặt trong khóa tu tháng Chín và cảm thấy sự im lặng trong khóa tu tháng Chín rất giàu có, hùng mạnh. Thầy muốn nhắc đại chúng, đây không phải là một sự bó buộc, không phải là không được nói mà sự im lặng này là cơ hội giúp ta quán sát những tư tưởng, tập khí của ta. Trong khi chúng ta thực tập im lặng hoàn toàn trong bảy ngày, chúng ta có thể nhận thấy rằng phần lớn những gì ta nói đều vô ích, đều không cần thiết. Theo phương pháp thực tập này, khi ngứa miệng muốn nói thì thay vì nói, ta viết câu đó vào một cuốn sổ. Hai ba giờ sau nếu lại ngứa miệng muốn nói nữa thì cũng đừng nói, lại viết câu đó vào cuốn sổ. Ngày mai khi thức dậy ta mở cuốn sổ ra đọc thì tự thấy buồn cười, thấy câu nói đó không cần nói. Ta thấy rõ ràng phần lớn những điều ta muốn nói hằng ngày đều vô ích, đôi khi còn có hại. 

Hơn nữa, chúng ta có một lực lượng ma quái bên trong thúc đẩy, chúng ta làm và nói những điều thực sự ta không muốn làm, không muốn nói. Có khi chúng ta biết nói câu đó là đổ vỡ, là làm cho cả hai bên đều buồn (ta đủ thông minh để biết rõ như vậy), nhưng rốt cuộc ta vẫn nói. Ta đủ thông minh để biết nếu ta hành xử như vậy thì tạo ra đau khổ cho ta và người kia, nhưng rốt cuộc ta đã làm. Điều đó có nghĩa là có một thứ năng lượng tiêu cực trong ta, thúc đẩy ta nói điều đó, làm cái đó. Năng lượng đó là tập khí, habit energy, nó đẩy ta, xúi ta nói câu đó, làm cái đó. Khi im lặng, ta không nói, không làm, ta quán sát, biết được và viết xuống những câu ta muốn nói. Ví dụ: Ngày hôm nay, giờ đó… năng lượng kia thúc đẩy tôi nói câu đó, nhưng tôi đã không nói… Sáng hôm nay, tập khí đó đã vùng dậy, bắt tôi làm điều đó, hành xử như thế… nhưng tôi đã không làm. Nếu thực tập như vậy vài tuần, ta sẽ thấy mình tiến bộ rất nhiều. 

Đã không thực tập im lặng thì thôi, thực tập im lặng thì phải thực tập cho nghiêm chỉnh. Mỗi người phải có một cuốn sổ tay để ghi lại những thôi thúc trong tâm, đã bắt ta nói câu gì, làm điều gì. Ta biết trong quá khứ, những điều đó đã từng gây đổ vỡ. Tu tập là để nhận diện được năng lượng ma quái đó và chỉ có nhận diện mới có thể làm cho năng lượng đó yếu đi, không có cách nào hơn. Thực tập im lặng hùng tráng là để có cơ hội nhận diện chứ không mang mục đích gì khác hay để làm lợi cho ai. Có những người sau một tuần lễ thực tập im lặng thì muốn kéo dài sự im lặng, không muốn nói nữa, vì thấy được sự im lặng thật đẹp đẽ, thật hùng tráng, thật khỏe. Nếu quý vị cảm thấy lúng túng, bị áp bức trong khi im lặng thì phải biết rằng phương pháp thực tập của quý vị không nghiêm chỉnh. Bởi vì im lặng là một điều kiện, là một cơ hội để nhận diện tập khí. Tập khí phải được nhận diện, được quán chiếu. Mỗi khi ta nhận diện được tập khí thì nó mất đi một ít năng lượng sức mạnh của nó. Nếu liên tục thực tập nhận diện trong vài tháng thì nó sẽ không đủ mạnh để thúc đẩy ta nói những điều ta không muốn nói và làm những điều ta không muốn làm.

Thể dục, vận động cơ thể

(Phiên tả Pháp thoại ngày 27 tháng 11 năm 1997 tại xóm Mới, Làng Mai, Pháp)

Mỗi ngày chúng ta phải làm thế nào để đổ mồ hôi. Không ngày nào là không đổ mồ hôi. Hoặc là chạy bộ, hoặc là cuốc đất,… mỗi ngày phải đổ mồ hôi ít nhất một lần. Phải rươm rướm mồ hôi, nếu không thì chúng ta thiếu thể dục. Và rồi các sư cô, sư chú sẽ yếu từ từ, từ từ. Chúng ta hãy chạy bộ như thế nào để cho người nóng rực lên, dâm dấp mồ hôi thì mới ngừng. Thầy cũng làm như vậy. Thầy đã trên bảy mươi. Điều này thầy dặn các sư cô, sư chú người nào cũng phải làm như vậy. Nếu không làm như vậy thì không phải là đệ tử của thầy. Trong khi làm việc ở ngoài vườn nếu có đổ mồ hôi rồi thì thôi, nếu không thì phải chạy. Chạy nguyên tại chỗ cũng được. Đó là điều thầy căn dặn các sư chú cũng như các sư cô. Ở đời có những người không có không gian để chạy, họ phải chạy tại chỗ. Chúng ta có rất nhiều con đường rất đẹp, tại sao chúng ta lại không chạy?

Chế tác hạnh phúc, vững chãi, thảnh thơi khi làm việc

(Phiên tả Pháp thoại ngày 27 tháng 11 năm 1997 tại xóm Mới, Làng Mai, Pháp)

Trong khóa tu này, chúng ta hãy chú trọng về phương diện chấp tác. Chấp tác là làm công việc chúng. Công việc chúng thì nhiều chứ không phải ít. Dọn dẹp, quét tước, nấu nướng, lau chùi, v.v. nhiều công việc lắm. Còn có công việc đánh máy, làm Lá thư Làng Mai, sử dụng máy vi tính. Nhưng chúng ta nên làm những công việc đó như một hình thức thực tập. Phải tìm được hạnh phúc, vững chãi và thảnh thơi trong khi làm việc. Điều này xin đại chúng đặc biệt lưu ý. Chúng ta phải bước một bước dài về phương diện này mới được. Khi làm gì đó, hoặc là rửa bát, nấu cơm, dọn cầu tiêu, hay xếp tọa cụ, chúng ta phải thực tập thật sự, nhất quyết không để cho tập khí muốn làm cho xong lôi kéo chúng ta đi. Thầy biết rằng tập khí đó có trong tất cả mỗi chúng ta, có trong thầy nữa. Làm gì ta cũng muốn làm cho xong, tập khí đó rất xấu. Khi muốn làm cho xong công việc thì ta không có hạnh phúc trong khi làm. Vì vậy ta có thể làm chậm hơn một chút, nhưng trong mỗi giây phút của công việc, ta phải có hạnh phúc. Trong khi đi tới chỗ làm công việc, ta phải đi như thế nào để công việc đó đừng kéo ta đi tới. Mỗi bước chân của ta là một sự thực tập. Bước chân nào không vững chãi, không thảnh thơi, không hạnh phúc là bước chân đó bỏ đi. Vì vậy, mỗi bước chân của quý vị, bước chân nào cũng phải có sự vững chãi, có sự thảnh thơi và hạnh phúc. Mỗi hơi thở cũng vậy. Trong khi ngồi thiền, một hơi thở mà không hạnh phúc, không vững chãi, không thảnh thơi là một hơi thở bỏ đi. 

Mới ngày hôm qua hay hôm kia gì đó, thầy làm cỏ con đường đi vào Sơn Cốc. Thầy cầm một cái cuốc và giẫy cỏ theo kiểu Việt Nam. Mỗi nhát cuốc như vậy, thầy đều có sự vững chãi, thảnh thơi và có niềm vui. Thầy không để cho một nhát cuốc nào đi qua mà không biết rằng trong nhát cuốc đó có sự vững chãi, có sự thảnh thơi, có niềm vui. Vì vậy trong thời gian thầy làm cỏ con đường, giây phút nào cũng có hạnh phúc. 

Mỗi cái bát ta rửa cũng vậy, chẳng hạn ta cần rửa sáu chục cái bát, trong khi rửa cái bát thứ nhất, ta tự hỏi: “Mình có hạnh phúc, có thảnh thơi, vững chãi trong khi rửa cái bát thứ nhất này không?” Nếu có thì cái bát đó đã được rửa xong. Nếu không thì rửa cái bát đó coi như không rửa. Vì vậy nếu quý vị cần rửa sáu chục cái bát thì quý vị phải rửa sáu chục cái bát. Đừng rửa sáu chục cái bát mà rốt cuộc chỉ có ba hay bốn cái bát là có vững chãi, thảnh thơi, còn những cái bát khác không có vững chãi, thảnh thơi. Như vậy thì rất uổng cho đời tu của mình.

Thầy thực tập như vậy và thầy mong rằng quý vị cũng thực tập như vậy. Thầy không bao giờ dạy những điều mà thầy không thực tập. Chúng ta có tập khí làm việc giỏi, làm việc nhanh, làm việc hữu hiệu, nhưng đó cũng là một cái dở. Chúng ta phải tập trở lại. Nếu chúng ta thực tập trở lại và thành công được thì công việc nào, dầu là công việc chùi cầu tiêu cũng đem lại hạnh phúc rất lớn cho chúng ta. Mỗi bước chân không có vững chãi, thảnh thơi và an lạc là một bước chân vứt đi. Một cái chén rửa mà không có vững chãi, thảnh thơi, an lạc là một cái chén vứt đi. Rất uổng! Ở đời người ta làm như vậy, không có lý trong chùa ta cũng làm giống hệt như vậy? Phí bỏ một đời. Nếu quý vị chấp tác được với niềm hạnh phúc, thảnh thơi thì chấp tác trở thành quan trọng không thua gì thiền hành, thiền tọa hay học kinh. Quý vị sẽ thấy rằng trong hai, ba ngày hành trì, quý vị đã đi rất xa trên con đường thực tập. Do đó quý vị phải học chấp tác trở lại. Những người nào có tập khí còn nặng trong khi làm việc thì phải ý thức được điều đó và phải học chấp tác lại.

Những thực tập cần thiết trong chuyến hoằng pháp Bắc Mỹ năm 1997

(Phiên tả Pháp thoại ngày 27 tháng 11 năm 1997 tại xóm Mới, Làng Mai, Pháp)

Phái đoàn đi Bắc Mỹ khởi hành ngày 22 tháng 08 năm 1997. Khi ra tới phi trường, mỗi sư cô, sư chú đều được nhận một lá thơ trong đó căn dặn cách hành xử trong suốt chuyến đi. Những lời căn dặn này có bảy điểm. 

  1. Dù ở đâu, phi trường, cầu thang hay phòng vệ sinh, khi đi phải đi theo kiểu thiền hành, vững chãi và thảnh thơi, không được gấp gáp

Trong suốt chuyến đi ba tháng, dù đang ở đâu, phi trường, cầu thang, lên hay xuống cầu thang, đi vào phòng vệ sinh, bất cứ khi nào cần phải đi, là đều phải đi theo kiểu thiền hành, theo dõi hơi thở, biểu lộ sự vững chãi và thảnh thơi của mình, không được gấp gáp. Đó là điều căn dặn thứ nhất.

  1. Không nói chuyện trong khi đi, trong khi bước. Nếu cần trả lời một câu hỏi hay cần hỏi một câu thì phải dừng lại. 

Đi là đi thôi. Trong khi đi phải phối hợp bước chân của mình với hơi thở. Nếu nói chuyện thì không phối hợp được bước chân và hơi thở, do đó sự thực tập thiền đi không vững chãi, không đàng hoàng. Vì vậy đi là chỉ đi thôi, đi cho sâu sắc, đi cho vững chãi, đi cho thảnh thơi. Nếu muốn nói một điều gì thì phải dừng lại và người kia cũng dừng lại thì mình mới nói. Người kia không biết mà lỡ hỏi một câu, nếu mình muốn trả lời thì dừng lại rồi trả lời, trả lời xong thì đi tiếp. Nếu cần, mình nói cho người kia biết là mình đã nhận được lệnh đi thì chỉ đi thiền hành, và trong khi đi không được nói chuyện. Trong suốt chuyến đi, các thành viên của phái đoàn đã thực tập như vậy. Và trong khóa tu này chúng ta cũng sẽ làm như vậy.

  1. Tại tu viện Hải Biên, tu viện Kim Sơn và các khóa tu, thực tập uy nghi trong lúc tiếp xúc với người khác phái giống hệt như chúng ta thực tập tại tu viện của Làng Mai. Người cư sĩ không hiểu thì giải thích cho họ và mời họ thực tập. 

Người xuất gia có giới luật, uy nghi của người xuất gia. Người cư sĩ có thể chưa học uy nghi, vì vậy người cư sĩ có thể có những lầm lỡ, cho nên người xuất gia có bổn phận phải báo cho người cư sĩ biết là mình thực tập như vậy và mình không thể làm trái với uy nghi. Ví dụ như một sư chú ngồi riêng với một người nữ tại một chỗ khuất thì chuyện đó trái với uy nghi. Không những mình không ngồi riêng chỗ khuất với một người khác phái mà mình còn nên giải thích cho người kia biết tại sao mình không được ngồi trong trường hợp như vậy. Tại vì chúng ta đang thực tập uy nghi và uy nghi là phương tiện giúp bảo vệ cho đời sống tu học của mỗi người. Trong khóa tu này chúng ta cũng phải thực tập như vậy. Người xuất gia phải thực tập và người cư sĩ cũng phải biết sự thực tập đó để yểm trợ cho người xuất gia. 

  1. Đi đâu và tham dự vào sinh hoạt nào của tăng thân, ví dụ như thiền tọa, thọ trai, thiền hành, v.v. cũng phải có ý thức về sự có mặt của thân thứ hai, tức là đệ nhị thân của mình. Đừng đánh mất thân ấy

Trong mọi sinh hoạt của tăng thân, ví dụ như chấp tác, thiền tọa, thọ trai, thiền hành, v.v. ta phải có ý thức về sự có mặt của đệ nhị thân của ta. Và ta đừng đánh mất đệ nhị thân vì thân đó là thân của ta. Tất cả các xóm trong khóa tu này đều nên chấp hành nghiêm chỉnh điều căn dặn thứ tư. 

  1. Chịu trách nhiệm về phẩm chất uy nghi và chánh niệm của thân thứ hai và nhắc nhở thân ấy trong trường hợp phẩm chất uy nghi và chánh niệm của thân ấy xuống thấp. Nếu mình không đủ sức thì nhờ đến thầy và các anh chị trong tăng thân giúp đỡ.

Nếu người kia thực tập còn yếu, phẩm chất uy nghi và chánh niệm kém thì mình phải chịu trách nhiệm. Mình phải tới nhắc nhở người đó bằng lời nói ái ngữ. Nếu cảm tưởng là mình không có khả năng làm được việc đó, mình làm chưa giỏi thì phải cầu cứu tới thầy hoặc cầu cứu tới một sư anh, một sư chị hay là một sư em khác trong tăng thân. Điều này chúng ta cũng sẽ thực tập trong khóa tu mùa đông này. Và xin nhắc lại, không phải chỉ là những người đối thú an cư trong ba tháng thực tập như vậy mà những người ở ít hơn cũng nên tìm cách để có cơ hội thực tập như vậy. Tức là mỗi người đều phải có một thân thứ hai. 

  1. Nhớ rằng hạnh phúc của tăng thân trong chuyến đi là trên hết. Đừng vì công việc mà làm mất hòa khí và hạnh phúc của tăng thân.

Điều này cũng có thể thực tập ở trong khóa tu. Chúng ta có nhiều công việc nhưng đừng cho công việc là quan trọng nhất. Chúng ta phải cho hòa khí và hạnh phúc của tăng thân là quan trọng nhất. Đừng vì công việc mà làm mất hòa khí và hạnh phúc. 

  1. Biết rằng được đi với tăng thân trong chuyến này và tập làm hạnh phúc cho hàng chục ngàn người là một cơ hội lớn. Chúng ta hãy tận hưởng từng giây phút của chuyến đi. Bước nào cũng bước trong Tịnh độ. Bước nào cũng bước trong thế giới của Hoa nghiêm. 

Đó là lời căn dặn cuối. Được đi cùng nhau trong chuyến hoằng pháp như thế này là một điều rất hy hữu. Nếu chúng ta không có hạnh phúc thì quả thật là dại dột vì chúng ta đã đánh mất một cơ hội lớn, bởi chuyến đi đó có thể là một chuyến đi lịch sử, có thể không được lặp lại lần thứ hai. Vì vậy mỗi bước chân phải thảnh thơi, phải an lạc và phải có hạnh phúc. Điều thứ bảy này chúng ta cũng nên thực tập trong khóa tu ba tháng này. Chúng ta được tập họp tại đây trong một cơ sở gọi là Làng Mai, chúng ta được cùng tu học với nhau trong vòng ba tháng, có thầy, có bạn, có anh, có chị, có em, có tăng thân, có pháp môn, đó là hạnh phúc rất lớn. Chưa chắc trong tương lai chúng ta sẽ có thể làm được hoài như vậy. Vì vậy khi an trú trong hiện tại, chúng ta phải nhận thức rằng ba tháng được sống chung với nhau đây là một may mắn lớn, chúng ta đừng đánh mất cơ hội này. Mỗi ngày của chín mươi ngày đều là một cơ hội để sống an lạc, hạnh phúc và thảnh thơi, cho nên không có lý do gì mà mỗi bước chân của ta không bước trong sự thảnh thơi. Mỗi bước chân của ta đang đi vào Tịnh độ. 

Bảy điều này thầy cũng đã dịch ra tiếng Anh cho các vị trong phái đoàn chưa giỏi tiếng Việt. 

Trong chuyến đi Bắc Mỹ vừa rồi, tăng thân đã thành công tới một mức độ khá cao. Trong các khóa tu, những lúc tiếp xúc với thiền sinh, rất nhiều người tỏ bày hạnh phúc của họ khi thấy các vị xuất gia đi, đứng và tiếp xử trong chánh niệm. Cố nhiên những người xuất gia trong phái đoàn không có ai hoàn hảo. Thỉnh thoảng cũng có một vài khó khăn. Tuy nhiên, những khó khăn đó không đủ sức làm cho sự hòa điệu và hạnh phúc của tăng thân bị suy giảm đi. Vì vậy thiền sinh ở Bắc Mỹ rất hạnh phúc khi thấy tăng thân hòa hợp, đi đứng, hành xử và nói cười trong chánh niệm. 

Trong chuyến đi vừa qua, ít nhất đã có 25.000 người tới trực tiếp nghe và thực tập với tăng thân trong các khóa tu, những ngày chánh niệm và những buổi thuyết giảng. Phẩm chất của các khóa tu lên rất cao là nhờ sự có mặt của rất nhiều người xuất gia. Nhìn về phía trước cũng thấy có người xuất gia, nhìn qua bên trái cũng có người xuất gia, nhìn về phía sau hay bên phải cũng có người xuất gia. Thấy những người xuất gia đi, đứng trong sự vững chãi, thảnh thơi, nhẹ nhàng, chánh niệm, thì niềm tin của những người đến tham dự khóa tu được phát khởi rất lớn mạnh. Nhiều người viết thơ biểu lộ hạnh phúc của họ khi thấy tăng đoàn có mặt trong các khóa tu. Không những đồng bào Việt Nam tỏ lộ sự hạnh phúc và niềm tin, mà trong những khóa tu, những buổi pháp thoại cho người Mỹ, rất nhiều thiền sinh cũng bộc lộ niềm tin và hạnh phúc. Có nhiều người nói rằng khi trông thấy tăng đoàn họ rất mừng, họ thấy có tương lai. Trong những lần trước, khi được tiếp xúc với thầy, tuy có hạnh phúc nhưng họ cũng có nghĩ tới tương lai khi thầy qua đời rồi thì không có ai tiếp tục sự nghiệp của thầy. Tuy nhiên, trong lần này, mỗi khi thấy tăng đoàn thực tập vững chãi và thảnh thơi thì sự lo sợ đó không còn nữa. Họ biết rằng có sự tiếp nối. Điều đó đã đem lại hạnh phúc cho rất nhiều người. 

Tại Omega Institute, miền Bắc tiểu bang New York, lúc ấy là mùa thu, lá vàng rất đẹp, người nào cũng cảm thấy hạnh phúc khi thiền hành bên cạnh những hàng cây lá vàng, lá đỏ. Cảnh trí rất ngoạn mục. Thầy có tới quán sát một cành cây phong. Thầy thấy rằng, nhìn cho kỹ thì lá phong nào cũng có những lỗ hổng do sâu ăn hay do cái gì đó, không có lá nào toàn hảo. Nhưng nhìn tổng quát thì thấy cành phong rất đẹp. Sở dĩ ta nhìn thấy cành phong đẹp như vậy là vì tất cả những chiếc lá trên cành đều có vị trí nhất định, không có lá nào chen lá nào, chiếc lá nào cũng có chỗ đứng đặc biệt của nó, tạo nên một cảnh tượng rất hòa điệu. Những chiếc lá ở đầu cành và những chiếc lá ở cuối cành, những chiếc lá lớn hơn hay nhỏ hơn, lá nào cũng đẹp. Đẹp là vì sự hòa điệu của tất cả những chiếc lá. Những chiếc lá đầu cành không tự hào rằng nó đứng đầu. Những chiếc lá mọc ở ngách cành không buồn tủi là tại sao nó đứng cuối cành. Chiếc lá nào cũng có vẻ hạnh phúc bởi chiếc lá nào cũng an trú vào vị trí của nó. Vì vậy cành lá phong tỏa ra một điều rất mầu nhiệm, ta có thể gọi là sự hòa điệu, harmony

Thầy đã tập hợp đại chúng lại và thầy nói rằng chúng ta không cần phải toàn hảo. Mỗi người chúng ta không cần phải toàn hảo. Nếu chúng ta có thể sống với nhau được như là anh, như là chị, như là em và có sự hòa điệu thì tăng thân của chúng ta đã đẹp lắm rồi, chúng ta không cần phải mặc cảm đối với ai cả. Vì vậy, hòa điệu là sự thực tập của một tăng thân. Trong khóa tu ba tháng, sự thực tập quan trọng nhất của chúng ta là thực tập hòa điệu. Có hòa điệu thì thế nào cũng có hạnh phúc. Có hòa điệu, có hạnh phúc thì thế nào chúng ta cũng gây được niềm tin cho rất nhiều người đến với chúng ta. Thầy cũng như các vị, chúng ta không cần phải toàn hảo. Chúng ta chỉ cần đứng ở vị trí của chúng ta và tỏa chiếu được sự hòa điệu của mình, bấy nhiêu đó là đủ rồi. Do vậy, tăng thân của đức Thế Tôn được gọi là tăng thân lục hòa. Mỗi khi chúng ta làm một quyết định gì trong tăng thân, chúng ta hãy đặt câu hỏi: “Có sự hòa hợp không?” 

  • Đại chúng đã tập họp đầy đủ chưa? 
  • Thưa, đại chúng đã tập họp đầy đủ.
  • Có sự hòa hợp không?
  • Thưa, có sự hòa hợp.

Nếu câu trả lời thứ hai đi về chiều hướng tiêu cực là: “Thưa, không có sự hòa hợp”, thì không thể có quyết định nào có giá trị cả. Tăng thân không đi tới được một quyết định nào nếu không có sự hòa hợp. Hòa hợp là bản chất của một tăng thân. Chúng ta cần phải ghi nhớ rằng hòa hợp là chất liệu căn bản để xây dựng một tăng thân. 

Trong khóa tu mùa đông này, chúng ta phải thực tập như thế nào để tăng thân có sự hòa hợp. Chúng ta người nào cũng phải là anh của em, là em của chị,… chúng ta có vị trí của mình, và chúng ta cảm thấy hạnh phúc trong vị trí đó. Cũng như mỗi chiếc lá trên cành phong có vị trí nhất định của nó. Trong khi đứng vững chãi và thảnh thơi ở vị trí của mình, mỗi chiếc lá đóng góp vào phần hòa điệu của cành phong để khi nhìn vào cành phong người ta thấy nó rất đẹp. Chính cành phong cũng có hạnh phúc. Trong khóa tu này chúng ta cùng thực tập bảy điều mà chúng ta đã thực tập trong chuyến đi Bắc Mỹ vừa rồi. Chúng ta thực tập theo pháp môn Đệ nhị thân. 

Sư chị Diệu Nghiêm có báo cáo cho thầy là khi một nửa tăng thân rời Đạo tràng Mai thôn để đi Mỹ thì ở nhà còn rất ít người. Thầy đi khỏi và một số các sư anh, sư chị lớn cũng đi khỏi. Vì vậy, trong hai ngày đầu, nửa tăng thân còn lại hơi có sự bơ vơ và trống trải. Nhưng chỉ tới ngày thứ ba thì mọi người đã đến với nhau. Sư chị nói có một trái tim bắt đầu đập nhịp trở lại, rất ấm cúng. Khóa tu hai mươi mốt ngày được tổ chức tại Làng Mai rất hạnh phúc vì mọi người đã tìm đến với nhau. Sự thân ái được nở ra như một bông hoa trong sự thực tập đến với nhau đó, giống như có một trái tim mới đập trong tăng thân. Tăng thân ở nhà đã thực tập có hạnh phúc. 

Nghe sư chị báo cáo như vậy, thầy rất mừng. Thầy mừng nhiều lắm chứ không phải là mừng ít. Thầy biết rằng tuy thỉnh thoảng chúng ta có những vấn đề, nhưng khi cần, chúng ta có thể đến với nhau, chấp nhận nhau, gắn bó với nhau để cho đạo pháp trường tồn, để cho hạnh phúc có thể có mặt. Điều này làm cho thầy rất mừng và cho thầy rất nhiều niềm tin.

Đệ nhị thân

(Phiên tả Pháp thoại ngày 27 tháng 11 năm 1997 tại xóm Mới, Làng Mai, Pháp)

Trong ba tháng mùa đông năm nay, chúng ta hãy nương vào nhau để thực tập. Chúng ta hãy chăm sóc cho nhau. Pháp môn của chúng ta không phải là “ông tu ông đắc, bà tu bà đắc”. Pháp môn của chúng ta là cùng tu học chung và chăm sóc cho nhau. Vì vậy chúng ta sẽ theo mô thức thực tập mà chúng ta đã thực hành trong chuyến đi vừa qua tại Bắc Mỹ, tức là mô thức Đệ nhị thân. Trong ngày hôm nay hay ngày mai, chúng ta phải biết đệ nhị thân của mình là ai. Theo nguyên tắc này, chúng ta tu không phải là tu một mình, mà chúng ta tu trong một đoàn thể. Đoàn thể đó cũng là thân của ta. Thân đó gọi là Tăng thân (Sangha body). Tăng thân cũng có con mắt, lỗ mũi, lỗ tai. Tăng thân cũng có thể nhìn thấy, có thể nghe, có thể phán xét. Vì vậy, ngoài thân riêng của chúng ta, ta còn có tăng thân. Tất cả những người cùng tu với ta, những người anh, những người chị, những người em của ta đều là một phần của tăng thân ta.

Theo phương pháp này, mỗi người trong đại chúng phải có một đệ nhị thân để chăm sóc. Đệ nhị thân là The second body. Trong suốt khóa tu, chúng ta phải chăm sóc đệ nhị thân. Đệ nhị thân của ta không hẳn là phải nhỏ tuổi đời hay tuổi đạo hơn ta, mà có thể lớn hơn ta trong tuổi đời cũng như tuổi đạo. Mỗi người trong chúng ta đều phải chăm sóc đệ nhị thân. Ví dụ đại chúng có 100 người thì người thứ nhất chăm sóc người thứ hai, người thứ nhất gọi người thứ hai là đệ nhị thân. Khi đi ngồi thiền, ta phải tới mời đệ nhị thân của ta đi ngồi thiền. Khi đệ nhị thân bị sốt, ta phải biết đệ nhị thân của ta bị sốt, ta phải đi tìm tri bệnh hay phải tìm cách để giúp đỡ đệ nhị thân. Khi thầy hỏi: “Đệ nhị thân của con sáng hôm nay ở đâu, sao không thấy trong pháp thoại?”, ta phải trả lời được mà không có quyền nói: “Dạ con không biết.” Đó là thân của ta, là thân thứ hai của ta, vì vậy ta không thể nói rằng không biết. Trong chuyến đi Bắc Mỹ vừa rồi, phương pháp này đã được áp dụng. Nếu đệ nhị thân của ta chưa leo lên xe thì ta nhất định không leo lên. Bởi vì nếu lên xe, khi đến đích và được hỏi: “Đệ nhị thân của sư chú đâu?”, ta không thể trả lời được.

Mỗi người chỉ cần chăm sóc đệ nhị thân của mình thì tự nhiên tất cả tăng thân đều được chăm sóc. Khi đệ nhị thân của ta có những niềm vui thì ta cũng biết được những niềm vui đó, ta có thể chia sẻ cho đại chúng. Nếu đệ nhị thân có những khó khăn, ta phải biết được những khó khăn đó để giúp đỡ. Nếu ta không đủ sức để giúp đỡ đệ nhị thân của mình thì phải cầu cứu sư anh, sư chị hay sư em khác. Không hẳn ta phải giỏi hơn đệ nhị thân của ta thì ta mới được quyền có đệ nhị thân. 

Chùa Pháp Vân, chùa Cam Lộ, chùa Từ Nghiêm và tu viện Rừng Phong, chùa nào cũng phải tổ chức theo phương pháp này, nghĩa là mỗi người đều phải có một đệ nhị thân và phải chăm sóc đệ nhị thân đó. Người thứ hai là đệ nhị thân của người thứ nhất nhưng người thứ hai cũng có một đệ nhị thân của mình, tức là người thứ ba. Người thứ hai phải chăm sóc người thứ ba và chịu trách nhiệm về người thứ ba. 

Làm thế nào để chọn đệ nhị thân? Tất cả mọi người trong xóm phải có mặt, vị Chúng trưởng gọi tên một người, tức là người thứ nhất thì người thứ nhất lập tức gọi tên đệ nhị thân của mình. Khi người thứ hai được gọi tên thì người thứ hai lập tức gọi tên đệ nhị thân của mình cho đến khi người thứ nhất trở thành đệ nhị thân của một người khác. Và điều đó chúng ta có thể làm trong ngày hôm nay hay ngày mai.

Khi đi ăn cơm, ta làm sao để đệ nhị thân, tức thân thứ hai của ta có mặt trong bữa cơm, và có mặt sớm. Giờ ngồi thiền hay thiền hành, ta phải biết đệ nhị thân của ta có mặt hay chưa. Ta là người chịu trách nhiệm về đệ nhị thân của ta. Nếu ta có thể giúp được đệ nhị thân của ta thì ta có thể giúp được tất cả mọi người. Đây là quá trình thực tập.

Không những các vị đã làm lễ Đối thú an cư ở đây ba tháng cần đệ nhị thân, những người không được làm lễ Đối thú an cư, chỉ ở đây vài tuần, một tháng hay một tuần cũng phải tìm cách có một đệ nhị thân để thực tập. Và những người đó cũng cần phải làm đệ nhị thân của một người khác. Đại chúng sẽ từ từ cảm nhận những kết quả mầu nhiệm của pháp môn thực tập này. Tất cả những gì xảy đến cho đệ nhị thân của ta, ta chịu trách nhiệm. Trong khi ta chăm sóc đệ nhị thân của ta thì Đệ tam thân, Đệ tứ thân, Đệ ngũ thân của ta cũng đang được chăm sóc bởi những người khác. Vì vậy chúng ta có thể chăm sóc lẫn nhau. Đây là một pháp môn hết sức mầu nhiệm.

Có một hôm đức Thế Tôn du hành với thầy A Nan tới một trung tâm tu học địa phương. Khi hai thầy trò tới nơi thì thấy trong trung tâm đó không còn ai. Các thầy đều đã đi khất thực, duy chỉ có một thầy không đi khất thực. Thầy đó đang nằm ở trong cốc của thầy và bị bệnh rất nặng, bệnh kiết lị. Đức Thế Tôn và thầy A Nan đi vào trong phòng của thầy ấy thì ngửi thấy mùi hôi, vì thầy đi cầu mà phân chảy ra khắp nơi. Giường của thầy rất dơ, áo quần của thầy bê bết. Đức Thế Tôn mới nói thầy A Nan đi kiếm một chậu nước, một cái khăn, và đức Thế Tôn tự mình lau và tắm cho thầy bị bệnh đó. Thầy A Nan thì đi chùi những dấu phân rơi rớt trong phòng. Hai thầy trò làm như vậy tới ba giờ đồng hồ thì căn phòng mới sạch. Lúc đó thầy A Nan lấy y của mình thay cho y của thầy bị bệnh, và đem y dơ ra ngoài giặt giũ, phơi khô. 

Đức Thế Tôn và thầy A Nan ngồi chơi trước cổng tu viện trong khi các thầy khác đi khất thực đang lục tục trở về. Họ thấy đức Thế Tôn tới thăm thì rất mừng. Tất cả các thầy quy tụ lại bên Bụt. Đức Thế Tôn dạy: “Này các thầy, chúng ta đã xuất gia xa cha mẹ, xa anh chị em của mình, thì đâu còn được cha mẹ, anh chị em chăm sóc, nếu chúng ta không chăm sóc nhau thì ai chăm sóc cho chúng ta bây giờ? Vì vậy, từ đây về sau người nào muốn chăm sóc cho đức Thế Tôn, muốn làm thị giả cho đức Thế Tôn thì nên nhớ rằng chăm sóc cho người anh em cùng tu của mình, tức là chăm sóc cho đức Thế Tôn. Quý vị nào muốn làm thị giả cho tôi”, đức Thế Tôn nhìn quanh từng thầy và nói tiếp, “có hạnh phúc trong khi làm thị giả cho tôi thì nên nhớ rằng khi chăm sóc người bạn tu của mình tức là chăm sóc cho đức Thế Tôn, không khác”. Trước đó Bụt có nói chuyện với thầy bị bệnh, Ngài hỏi: “Không có thầy nào chăm sóc cho thầy hết sao?” Thầy bị bệnh thưa: “Dạ có, ban đầu có nhiều huynh đệ tới chăm sóc, nhưng con thấy con bệnh hoài, chẳng làm được phước đức gì, chẳng giúp được ai, mà cứ để các thầy chăm sóc nhiều, con sợ tổn phước. Vì vậy con nói rằng thôi các huynh đệ đừng tới nữa, để tôi tự lo.” Đức Thế Tôn nói: “Không nên như vậy”. Khi bệnh thì ta phải để cho người anh, người chị, người em của ta chăm sóc. Vì nếu chúng ta không chăm sóc nhau thì thử hỏi ai sẽ chăm sóc chúng ta. Trong kinh đức Thế Tôn dạy rất rõ, khi đi xuất gia, ta phải xa cha, xa mẹ, xa anh, xa chị, xa em, không được những người thân chăm sóc. Nếu ta không chăm sóc cho nhau thì ai sẽ chăm sóc cho ta. Lời dạy của đức Thế Tôn rất rõ. Vì vậy tu viện, thiền viện cần được tổ chức như một gia đình, trong đó anh, chị và em phải chăm sóc cho nhau. Khi chăm sóc cho nhau như vậy, ta biết rằng ta cũng đang chăm sóc cho thầy. Đức Thế Tôn đã từng dạy như vậy.

Phụ lục 2: Những thực tập căn bản

Những pháp môn thực tập dưới đây được kết tập từ những bài Pháp thoại của Công phu Ngày thứ Hai, là những phần Sư Ông sách tấn cho đại chúng trước hoặc sau khi Sư Ông đi vào phần giảng kinh

Poème sur l’Impermanence

Un jour de plus touche à sa fin,

Notre vie s’enfuit.

Regardons profondément.

Qu’avons-nous fait 

De tout ce temps passé ?

Chère Sangha, avec diligence,

Consacrons-nous de tout cœur à la méditation.

Vivons pleinement chaque instant, 

Libres de tous soucis et d’anxiété 

Conscients de l’impermanence, 

Nous ne laisserons pas nos jours s’écouler

Dans l’inutilité.