Viết tiếp những ước mơ cho mẹ
Chân Đài Nghiêm
Mẹ à, vậy là đã hơn 10 năm kể từ ngày con từ Sài Gòn về quê để xin phép ba mẹ cho con được đi tu, trở thành một người xuất gia, con gái của Bụt. Bây giờ ngồi nhớ lại, cảm giác khi xưa lại trở về, như mới hôm qua đây thôi. Bởi mẹ chẳng bao giờ tin được con lại có quyết định khác thường như thế. Những giây phút ấy thật khó khăn với con khi phải thuyết phục ba mẹ. Mẹ khóc, mẹ trách, mẹ nói con bất hiếu. Còn con, con chỉ biết… khóc, những gì con nói ra lúc đó chẳng thể nào ngăn nổi cảm giác khổ đau của mẹ khi nghĩ rằng mình sẽ mất đi đứa con đầu lòng mà mình thương yêu.
Dù mẹ khóc như mưa nhưng đôi chân con vẫn bước, cảm nghe lòng quặn thắt. Nhưng tận sâu thẳm trong tâm hồn con lại có một niềm tin mãnh liệt rằng chỉ có con đường xuất gia này con mới có thể trả lời được những câu hỏi, những khó khăn, bế tắc trong lòng và thực hiện được ước mơ từ nhỏ: làm sao cho gia đình mình có nhiều tiếng cười hơn.
Mẹ của con – người chị cả của tám đứa em leo nheo lóc nhóc – từ nhỏ đã sớm biết giúp ông bà ngoại làm đủ mọi việc trong nhà và chăm sóc các em. Mẹ của con siêng năng lắm, chu toàn mọi việc, nhiều lúc còn phải dậy thiệt sớm nấu cơm mang ra đồng cho thợ cấy lúa nữa. Ôi, cái tuổi ăn tuổi ngủ ấy mà phải dậy sớm thì thiệt là tội nghiệp, có lúc mẹ vừa ngồi bên bếp củi, vừa thổi cơm, vừa ngủ gục, bị ông ngoại phát hiện thế là… bị đòn. Con đã được nghe mẹ kể rất nhiều về tuổi thơ cơ cực ấy. Ông ngoại khó, lời nói yêu thương ít hơn những tiếng la mắng, có lẽ đó là nguyên nhân mà đôi mắt mẹ thường buồn, hay nhìn xa xăm. Mẹ đâu được học nhiều, chỉ tới lớp ba trường làng, đủ để đọc, viết và làm toán cộng trừ nên làm sao mà không mặc cảm với chúng bạn cho được, mẹ nhỉ? Quê ngoại lúc đó còn nghèo, ở tận cùng của bản đồ hình chữ S, quanh năm người dân chỉ gắn bó với ruộng đồng, với con cá, con cua, nhà thì đông con, mẹ là chị cả, hi sinh thật nhiều.
Rồi mẹ gặp ba, chàng trai vùng đất thần kinh, về quê mẹ làm kế toán. Sau đó mẹ quyết định theo ba về tận vùng đất đỏ Long Khánh trên này chỉ mong thoát cảnh “bị đỉa đeo chân” (mẹ sợ con đỉa mỗi khi lội xuống ruộng). Và rồi ba chị em con lần lượt ra đời. Một thân một mình không bà con thân thuộc, chỉ với hai bàn tay trắng, làm sao tránh khỏi những lúc mẹ phải tự đương đầu với những khó khăn, gian nan trong cuộc sống gia đình. Nhiều lần con thấy mẹ cô đơn, mẹ khóc. Những khó khăn cứ chất chồng mà ít có người để sẻ chia, rồi như một định luật tự nhiên, chúng trào ra và mấy chị em con cùng “hưởng”.
Là chị đầu, con ảnh hưởng nhiều nhất từ những nỗi đau của mẹ. Lúc đó con giận, con buồn, con phân vân tự hỏi có lẽ mình được mẹ lượm ở đâu đó về nuôi nên mẹ mới không thương, nên mới la, đánh mình mỗi ngày như thế chứ. Trái tim con cứ xa mẹ dần, xa dần… Lớn lên, con buồn vì thấy mình vô cảm, mẹ đó mà sao thấy lòng không thương mẹ như bao nhiêu bài hát, bao nhiêu câu chuyện ca ngợi tình mẹ con thật đẹp xung quanh. Mình mâu thuẫn với chính mình quá!
Con đã từng ước mơ rằng sau này khi con lớn lên, con sẽ tìm và xây dựng cho mình một gia đình nhỏ hạnh phúc, sẽ yêu thương các con mình và không la mắng chúng nó như con từng bị ngày xưa. Ấy vậy mà lạ lắm mẹ à, con vẫn lặp lại những điều con không muốn với các em, cũng la, cũng giận, rồi các em sợ, xa con. Tại sao lạ quá vậy mẹ, mình cứ lập lại y chang những gì mà ông bà, cha mẹ mình có, mặc dầu mình không muốn, và hình như cái em bé khổ đau trong mẹ lại đang có trong con. Con buồn, con tự hỏi là mình phải làm sao để thoát khỏi em bé đó đây, làm sao cho gia đình mình yêu thương nhau hơn, tiếng cười sẽ thay thế cho những trách móc giận hờn. Con muốn tâm hồn mình được bình an, hiểu thương nhiều hơn. Ngày xưa, trước những khó khăn trong truyền thông của gia đình ngoại, mẹ đã chọn con đường ra ngoài tự lập khi còn rất trẻ. Còn con, con lại muốn mình đi một con đường mới, muốn sống vui, sống hạnh phúc hơn cho mẹ. Đó là lý do con chọn con đường tâm linh này.
Mẹ ơi, thật may mắn phước đức khi con có duyên lành được gặp Thầy và tăng thân với những phương pháp cụ thể dạy con trở về chăm sóc lại tâm hồn mình. Con tập thở, tập đi, tập ngồi yên cho thân tâm lắng dịu, học lắng nghe sâu để hiểu những cảm xúc suy tư trong mình, học nói lời hòa ái, dễ thương. Rồi tập nhận ra bao nhiêu thói quen đẹp lành mà con thừa hưởng được từ ông bà, ba mẹ, để nuôi lớn. Còn những điều chưa hay thì tập thay đổi, làm cho nó đẹp hơn. Con tập nhìn lại cuộc sống của gia đình mình trước đây, cách con tiếp nhận, cách con nói năng. Cứ thế mà đi qua bao nhiêu năm… Cho đến một ngày, sau giờ ngồi thiền cùng đại chúng về, con tiếp tục ngồi yên bên góc học, quán chiếu tiếp đề tài lúc nãy hãy còn dở dang, bỗng nhiên… con nhìn thấy một cô bé khoảng 8 – 9 tuổi đang ngồi trong lòng con và… khóc. Nhìn kĩ, con nhận ra là mẹ của mình, hình ảnh cô bé nhỏ qua lời kể của mẹ khi xưa. Nhìn em bé khóc, con bỗng giật mình khi hai hàng nước mắt cũng đang lăn dài một cách tự nhiên trên gương mặt mình. Cô bé khóc vì những khổ đau bao lâu nay bây giờ đã có người thấu hiểu, và người ấy không ai xa lạ, chính là con. Một cuộc tương phùng bất ngờ xảy ra sau ngần ấy năm, con có cảm tưởng một sợi dây vô hình giữa mẹ và con vừa được nối lại. Hạnh phúc trong con vỡ òa!
Kể từ phút giây ấy, hình ảnh mẹ trong con đã khác, con thương mẹ nhiều hơn. Biết rằng vì mẹ khổ mà chưa có cơ hội chuyển hóa nên làm con khổ lây. Bao nhiêu điều chưa nói ra được bao năm, nay con có cơ hội chia sẻ hết bằng cách nói không một chút trách móc, giận hờn qua từng lá thư con gởi về. Mẹ đọc và tiếp tục khóc. Mẹ nói lúc xưa còn trẻ, lo cơm áo gạo tiền tất bật, chưa có nhiều kinh nghiệm dạy con, lại chồng chất bao nỗi đắng cay một mình nơi xứ lạ, mẹ vô tình trút giận lên con, bây giờ biết thương thì nó đã đi xa mình rồi… Nghe mà sống mũi con cay cay…
Con tự nhủ nếu không được đi tu, chắc gì con đã chuyển hóa được những nỗi đau của mẹ và hiểu mẹ như bây giờ, mẹ nhỉ? Nhờ được học trở về lắng nghe những niềm đau, những vụng về của mình mà trái tim con mở ra, tình thương cùng sự chấp nhận cứ thế tự nhiên đến mà con không cần cố gắng một chút nào cả. Càng thực tập, càng hiểu mình, con lại càng gần với mẹ hơn. Hai mẹ con mình chia sẻ được với nhau thật nhiều điều: từ chuyện gia đình, chuyện xã hội, chuyện cuộc sống xung quanh. Con thấy mẹ vui hơn, hay cười, suy nghĩ cũng tích cực ra. Mẹ lại hay quan tâm đến những người khốn khó hơn mình, giúp được tí gì là mẹ làm mặc dầu nhà mình cũng không khá giả hơn ai. Mẹ biết quay về nương tựa năng lượng thương yêu của Đức Bồ tát Quan Thế Âm, cứ sáng sáng chiều chiều, mẹ lại thành tâm thắp nhang. Con hay gọi vui nơi đặt tượng Đức Bồ tát trước nhà mình là “góc yên bình” của mẹ, nơi mẹ hay trở về nương tựa, chia sẻ mỗi khi muộn phiền hay lo lắng bất an. Có lần con hỏi: “Vậy mỗi lúc thắp nhang, mẹ nguyện cầu gì?” Mẹ nói: “Thì cầu cho gia đình mình an vui, khỏe mạnh, cho con tu tập giỏi”.
Vậy là bây giờ mẹ không còn muốn kêu con về với mẹ như những năm đầu nữa rồi, mẹ cũng ít khóc hơn xưa. Những khi nghĩ về mẹ với bao hy sinh cho ba và tụi con, chẳng bao giờ thảnh thơi mà đi đâu lâu, cũng đâu có cơ hội đi đây đó nhìn cuộc đời rộng lớn ra sao, con lại ý thức hơn mà sống cho thảnh thơi và đi cho mẹ. Mỗi khi có cơ hội đi khóa tu, tới một vùng đất mới, con lại cố gắng mở mắt thật to, cảm nhận cho hết lòng vì biết mình đang đi luôn cho ước mơ của mẹ. Em bé trong mẹ được tung tăng, vui vẻ hồn nhiên trở lại bởi em bé trong con đang từng ngày được chăm sóc, được sống một cuộc đời mới, ý thức hơn, bình an hơn. Hai mẹ con mình như hai em bé, đang nắm tay nhau đi về phía mặt trời, nơi mà hai bên đường thơm nức mùi cỏ dại, có bướm, có hoa, có nụ cười tươi sáng cùng những bước chân thật an bình. Biết ơn vô cùng tình thương của Bụt, của Thầy, của Tăng thân để giờ đây, con có thể tiếp tục viết tiếp những ước mơ của mẹ, ước mơ tưởng chừng thật nhỏ nhoi mà khó thực hiện vô cùng.
Và bỗng nhiên con thấy cô bé nhỏ ngày xưa đang nhìn con… mỉm cười!
Con gái nhỏ của mẹ.