Lá thư Làng Mai 40 – 2017

Tình thương nuôi lớn ước mơ

Chân Pháp Dung, Chân Pháp Linh, Chân Hiến Nghiêm

 

Tình thương nuôi lớn ước mơ

Đem Heartforce đến Dreamforce

 

Tám giờ sáng thứ Ba, tại một ngã tư trung tâm thành phố San Francisco mà thường ngày xe cộ tấp nập, hai mươi lăm quý thầy và sư cô Làng Mai đang đứng thành vòng tròn và hát thiền ca trước một trong những tòa thị sảnh lớn nhất của thành phố San Francisco. Cả một khu phố đã được chặn lại để làm nơi diễn ra hội nghị Dreamforce, một hội nghị công nghệ thường niên lớn nhất của thành phố do công ty Salesforce tổ chức. Với sự tò mò pha chút ngại ngần, một số doanh nhân bắt đầu đến và tham gia cùng quý thầy, quý sư cô. Ai cũng có ly cà phê và điện thoại di động trên tay.

Sau một vài bài thiền ca, thầy Pháp Triển chia sẻ cách đi trong chánh niệm với những người đến sớm, những người đã biết trước là sẽ có thiền tập trong chương trình hội nghị. Rồi vòng tròn mở ra và đoàn thiền hành do quý thầy, quý sư cô dẫn đầu đi im lặng và chậm rãi ngang qua khuôn viên của hội nghị như một con rắn khổng lồ đang từ từ trườn đi với tốc độ của một con ốc sên. Trên đường đi, nhiều người nhập vào đoàn, dù vẫn còn đang mặc đồ công sở với giày cao gót hoặc giày da bóng loáng. Những người hướng dẫn và nhân viên bảo vệ đang đứng rải rác khắp nơi trong khuôn viên hội nghị đưa mắt nhìn nhóm người đầu tròn áo nâu đang dẫn đầu đoàn thiền hành rồi thì thầm với nhau một cách lo ngại “Chắc mấy người này là dân ghiền ma túy? Hay đây là một sô trình diễn?”. Một thầy nghe được mấy câu trao đổi đó liền giải đáp thắc mắc pha chút khôi hài: “Các bạn đang tự hỏi cái gì đang xảy ra phải không? Mấy người này không phải là đang bị thuốc hành đâu. Họ đang thực tập chánh niệm đấy.”

“Đó là cái gì vậy? Có phải là một trạng thái xuất thần không?”

“Không, không hẳn vậy. Chúng tôi bày cho họ cách làm sao để chậm lại.”

“Chậm lại… À, tôi hiểu rồi. Có thể cho tôi một chút cái đó được không? Tôi cũng cần chậm lại đây.”

“Không, cái đó không phải là thuốc viên có sẵn để uống đâu, mà đó là sự trải nghiệm với bước chân, với những bước đi vội vã. Anh muốn thử không?”

“Không được, tôi đang làm nhiệm vụ mà.”

Ba tháng trước, buổi sáng ngay sau vụ tấn công khủng bố tại Nice trong ngày kỷ niệm phá ngục Bastille (Bastille Day), sư cô Chân Không nhận được một email từ Marc Benioff, Tổng Giám  đốc của Salesforce. Trong email, ông chia buồn về sự việc đáng tiếc đó và lập lại lời mời tăng đoàn Làng Mai đến dự hội nghị của công ty ở San Francisco. Ông nói rằng thế giới đang cần gặp gỡ quý thầy, quý sư cô để mọi người có thể học hỏi cách cùng nhau trị liệu. Ông muốn những người chưa bao giờ được gặp quý thầy, quý sư cô có một cơ hội; đó có thể là cơ hội duy nhất trong đời họ được tiếp xúc với những người xuất gia thật sự.

Hội nghị thường niên Dreamforce diễn ra trong bốn ngày, từ ngày 4 đến ngày 7 tháng 10 năm 2016, dành cho giới kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ. Ngày cuối cùng của hội nghị được dành riêng cho đề tài Từ bi trong kinh doanh. Đây là hội nghị lớn nhất trên thế giới về lĩnh vực này. Marc muốn 170 ngàn doanh nhân đến dự hội nghị Dreamforce được trải qua kinh nghiệm mà ông đã có – tiếp xúc với tăng thân Làng Mai và học hỏi về phương pháp thực tập chánh niệm. Ước muốn chân thành đó của ông đã làm sư cô Chân Không và tất cả mọi người trong tăng thân vô cùng xúc động. Nhờ vậy mà các nhân duyên đã được hội tụ đầy đủ để cho hai mươi lăm xuất sĩ từ nhiều trung tâm khác nhau của Làng Mai ở khắp nơi có mặt tại hội nghị. Cả sư cô Chân Đức và thầy Pháp Ấn từ Viện Phật học Ứng dụng châu Âu (EIAB) cũng bay sang tham dự.

Marc Benioff là một nhà hảo tâm, đồng thời cũng là Tổng giám đốc của Salesforce – một trong những công ty kinh doanh phần mềm lớn nhất thế giới hiện nay. Marc gặp Thầy Làng Mai lần đầu vào tháng 10 năm 2013 tại một sinh hoạt dành cho ba mươi tổng giám đốc của Silicon Valley được tổ chức tại nhà riêng của ông ở San Francisco.

Trong buổi sinh hoạt ngắn ngủi vào buổi chiều hôm đó, Thầy đã đề nghị các tổng giám đốc nên “làm cho doanh nghiệp trở thành một gia đình”. Thầy nói: “Mục đích của công việc làm ăn không nên chỉ là tiền bạc mà còn phải có lòng từ bi – từ bi cho công nhân viên, cho khách hàng, và cho cả hành tinh của chúng ta nữa”. Thầy đề nghị họ nên “ngồi xuống để lắng nghe những khổ đau của nhân viên”. Và cuối cùng Thầy thách thức các vị Tổng giám đốc với một câu nói: “Các ông phải chọn lựa, hoặc làm người thành công nhất, hoặc làm một người hạnh phúc” (You have to choose, between being number one, or being happy).

Hạt giống nhỏ bé ấy, nhờ được chăm sóc giữ gìn, đã đơm hoa kết trái một cách không ngờ. Marc và nhiều người có cùng tâm huyết như ông bắt đầu đem sự thực tập chánh niệm vào môi trường làm việc, và làm cho văn hóa công ty của họ thay đổi. Sự thực tập chánh niệm không những giúp nhân viên trong công ty giảm căng thẳng để hoàn thành công việc mà còn mang lại cho công ty của họ không khí của một gia đình, một cộng đồng đầy bình an và hạnh phúc.

Thấy được tâm nguyện chân thành của Marc trong việc chuyển hóa văn hóa công ty, Thầy khuyến khích chúng tôi tiếp tục giữ liên lạc với những doanh nhân này. Tâm nguyện của Marc đã được chứng minh qua câu nói của ông: “Nhiệm vụ của các doanh nghiệp là làm cho thế giới này trở thành một nơi tốt đẹp hơn”. Năm 2015, tăng đoàn Làng Mai đã hướng dẫn một ngày tu chánh niệm cho Salesforce và đề xướng việc thiết lập những khu vực thực tập chánh niệm (mindfulness zones) trong các văn phòng làm việc của công   ty này. Chúng tôi đã rất ấn tượng vì chỉ một năm sau, năm 2016, Marc đã biến lời đề nghị đó thành sự thật. Trong mỗi tòa nhà của công ty Salesforce đều đã có một khu vực chánh niệm. Và giờ đây, tại hội nghị Dreamforce, Marc cũng cố gắng kết hợp để thực hiện ý tưởng này trong ngày cuối với chủ đề “Từ bi trong kinh doanh”.

Chúng tôi rất ngạc nhiên khi biết mình có toàn quyền trong việc tổ chức, sắp xếp  cách  thức chia sẻ pháp môn chánh niệm tại hội nghị. Ban  tổ chức đã thiết kế hai khu vực chánh niệm nằm ngay giữa trung tâm khuôn viên để bảo đảm ai cũng có cơ hội được tiếp xúc với quý thầy, quý sư cô trong suốt bốn ngày của hội nghị. Mỗi buổi sáng, chương trình của chúng tôi bắt đầu bằng thiền hành, tiếp đó là thiền tọa có hướng dẫn và một bài pháp thoại ngắn, kết thúc bằng một thời vấn đáp; đây là những hoạt động trong nhà. Thời gian còn lại của buổi sáng chúng tôi hiến tặng sự có mặt của mình tại khu thực tập chánh niệm ngoài trời, đây là nơi mà mọi người có thể đến để học hỏi về các phương pháp thực tập. Ngồi xung quanh mỗi thầy hay sư cô là một nhóm nhỏ bao gồm các doanh nhân đang háo hức tìm hiểu về  sự thực tập chánh niệm. Họ phải cố gắng hết sức để nghe những lời hướng dẫn của quý thầy, quý sư cô, trong tiếng ồn của một ban nhạc đang chơi gần đó.

Sư cô Hiến Nghiêm đóng vai trò của một người tiếp đón. Sư cô trả lời những câu hỏi sơ bộ rồi căn cứ vào câu hỏi chính và lượng thời gian mà họ có, hướng dẫn họ đến gia nhập một trong các nhóm trong khu thực tập chánh niệm. Ai cũng nói: “Tôi chỉ có năm phút thôi”, và sư cô luôn trả lời: “Không thành vấn đề, bao nhiêu đó cũng quá đủ để quý vị tìm hiểu những điều cần biết về chánh niệm”, dù biết quá rõ là họ sẽ bị thu hút ít nhất là hai mươi phút. Thậm chí có vài người còn ở lại cả hơn hai giờ đồng hồ, và cuộc tham vấn của họ đã chấm dứt bằng thiền ôm, bằng nước mắt, và thậm chí có khi còn bằng một bài tập khí công do thầy Pháp Ấn hướng dẫn riêng.

Thật thú vị khi thấy cảnh tượng mười hai vị xuất sĩ, mỗi vị có một nhóm nhỏ vây quanh, và ai cũng đều có khả năng đáp ứng một cách thật chính xác nhu cầu cấp thiết của những người trong nhóm. Nhờ đó, chúng tôi thấy được lợi ích của sự rèn luyện làm việc chung như một tăng thân và việc thực tập những pháp môn đáp ứng được nhu yếu thực tiễn của đời sống. Từ thầy Pháp Hợp là vị trẻ nhất đến sư cô Chân Không là vị lớn nhất trong đoàn, không ai là không nhận ra sự rèn luyện và tu tập trong tu viện – như sự thực tập tiếp xúc và chăm sóc khổ đau trong tự thân, cũng như chế tác niềm vui, niềm hạnh phúc – đã giúp chúng tôi dễ dàng giúp người khác cởi bỏ được nội kết trong lòng. Bất cứ một khổ đau nào mà chúng tôi đã vượt qua đều trở thành một bông hoa để chúng tôi có thể hiến tặng cho người khác. Chúng tôi cảm thấy rất được khích lệ và có nhiều cảm hứng khi thấy chỉ trong một thời tham vấn ngắn ngủi mà quý thầy, quý sư cô đã có thể đem chánh pháp đến làm vơi nỗi khổ của người khác một cách thật hiệu quả. Chúng tôi nhớ đến câu “Sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp người bớt khổ” và thấy lòng mình tràn ngập niềm biết ơn đối với Thầy và với tăng thân.

Trong khi một số vị cho tham vấn thì cùng lúc đó, một nhóm quý thầy quý sư cô được phân công đi thiền hành trong khuôn viên hội nghị, thỉnh thoảng dừng lại cho mọi người có cơ hội được tiếp xúc và đặt câu hỏi. Ngày nào hai thầy Pháp Triển và Trời Ngộ Không cũng xung phong vào vai trò này. Không hiểu bằng cách nào hai thầy đã thu thập rất nhiều món quà miễn phí và một bộ huy hiệu đủ loại rất ấn tượng. Cứ hai ba mét, hai thầy lại phải dừng lại để trả lời cho những doanh nhân hiếu kỳ là tại sao những người xuất sĩ lại có mặt trong một hội nghị dành cho giới doanh thương như vậy. Đồng thời hai thầy cũng chỉ đường cho mọi người đến các khu chánh niệm để tìm hiểu thêm.

Một số vị chuyên hướng dẫn thực tập chánh niệm (lay mindfulness instructors) cũng cống hiến các buổi sinh hoạt chuyên đề vào những thời gian khác trong ngày. Nhưng nhiều người đã phản hồi là sự có mặt của quý thầy, quý sư cô trong hình tướng người tu, năng lượng của tăng đoàn, sự hòa điệu trong khi làm việc và giảng dạy như một tăng thân đã làm cho họ rất ấn tượng.

Hội nghị rất xôn xao, căng thẳng và ồn ào, nhưng mỗi khi chúng tôi cùng đi chung với nhau là tự nhiên có một vùng năng lượng tập thể làm chúng tôi cảm thấy được bảo hộ và thảnh thơi. Đi chung và giữ khoảng cách gần nhau giúp cho bước chân chúng tôi có chánh niệm hơn và hơi thở cũng nhẹ nhàng tự nhiên hơn. Khi có ai đó bị tách ra và lạc vào đám đông, chúng tôi lập tức thấy mình trở nên lạc lõng, và phải cố gắng hơn để giữ sự tập trung. Nhiệm vụ chính của chúng tôi là chia sẻ về pháp môn thực tập chánh niệm, nhưng sự có mặt của tăng đoàn đông đảo đã đem lại một không khí vui vẻ, tự nhiên và nhẹ nhàng cho hội nghị. Chúng tôi chính là những kẻ vô sự đúng nghĩa, không có chương trình nghị sự nào cả. Chỉ có mặt mà thôi. Chỉ cần đi không hối hả, nhìn vào mắt của mọi người và mỉm cười. Bao nhiêu đó đã là một sự trao truyền. Chúng tôi cảm nhận mọi người xung quanh đã có sự chậm lại, có nhiều người đã dừng lại để mỉm cười với chúng tôi.

Vào ngày thứ ba của hội nghị, Marc đến khu vực chánh niệm thăm chúng tôi, theo sau là cả một đoàn tùy tùng hơn bốn mươi người bao gồm các nhà báo, trợ lý và cộng sự. Ông đang chuẩn bị có một cuộc phỏng vấn nhưng muốn ghé thăm và trò chuyện với chúng tôi. Dự định chỉ ghé thăm một chút nhưng ông đã ngồi lại cả ba mươi phút để đàm luận về sự cống hiến của Làng Mai cho thế giới. Ông đã khéo léo chuyển các câu hỏi của nhà báo về cho quý thầy, quý sư cô. Kết quả là sau này có rất nhiều bài báo đã ra đời dựa trên các chia sẻ đó. Ông muốn tiếng nói của quý thầy, quý sư cô được lắng nghe và sự có mặt của tăng đoàn có một ảnh hưởng sâu rộng. Ông muốn những người đến tham gia hội nghị biết đến tầm ảnh hưởng mà sự thực tập chánh niệm có thể tạo ra cho giới doanh thương và các tập đoàn lớn.

Có một khoảnh khắc rất dễ thương đã diễn ra giữa Marc và sư cô Chân Không. Đó là lúc Marc đến ngồi cạnh sư cô trò chuyện rất vui vẻ, thoải mái. Những trợ lý của Marc càng lúc càng trở nên căng thẳng. Marc cứ tỉnh như không, nói rằng ông có một câu hỏi rất quan trọng cho sư cô. Mọi người tò mò không biết câu hỏi gì mà quan trọng như thế. Ai cũng nín thở, các nhà báo nghiêng người tới trước, rất tập trung, tay cầm sẵn sổ ghi chép, máy ghi hình và ghi âm sẵn sàng. Và Marc hỏi sư cô một cách rất nghiêm trang: “Sư cô có thích loại kem vị cà phê Việt Nam mà tôi mua cho sư cô không?

Đỉnh điểm của hội nghị là ngày có chuyên đề “Từ bi trong kinh doanh”. Hôm đó chúng tôi cùng những vị khách mời khác lên sân khấu để trình bày bài thuyết trình chính của hội nghị. Mỗi bài nói – giới hạn trong bốn mươi lăm phút – sẽ được đưa lên mạng trực tuyến cho bảy mươi ngàn người xem, trong đó có hai ngàn người hiện diện trong khán phòng. Thử thách của chúng tôi là dùng bốn mươi lăm phút đó để chuyển tải sự có mặt đích thực của Thầy và hiến tặng cho mọi người những trải nghiệm thực sự về lòng từ bi. Trong khi chuẩn bị cho bài thuyết trình, chúng tôi nhận ra là mình chưa bao giờ làm cái gì tương tự với một thời gian ngắn kỷ lục như thế.

Trước giờ thuyết trình, chúng tôi không chắc là mình có thể thực hiện được điều ấy trong thời gian cho phép trong khi bị bao vây bởi tám máy quay phim di động và hai mươi màn hình phẳng khổng lồ. Khi đến lượt mình, chúng tôi lần lượt đi lên làm hai hàng, giống như trong một buổi ăn cơm quá đường. Chúng tôi đã sử dụng năm phút trong bốn mươi lăm phút quý giá ấy, chỉ để đi lên sân khấu. Năm phút đó đã kéo dài thành khoảnh khắc thiên thu.

Lên đến sân khấu, chúng tôi ngồi xuống chỗ của mình, rồi sư cô Chân Không chia sẻ về kinh nghiệm gieo trồng hạt giống từ bi của sư cô từ chiến tranh Việt Nam cho đến thảm họa tại Nice. Sư cô cũng kết hợp chia sẻ về thiền từ bi (Metta meditation) như là một giọt nước cam lồ để đối trị với sợ hãi. Năng lượng và đức độ của sư cô – trải qua bao năm tháng tu tập và phụng sự, chăm sóc cho những người nghèo, lân mẫn cho những người đau khổ – đã đánh động trái tim của mọi người trong hội nghị. Cuộc đời của sư cô đã trở thành một thông điệp và điều đó khiến cho chúng tôi tràn ngập lòng biết ơn.

Sau đó, chúng tôi đứng lên để trì niệm hồng danh của Bồ tát Quán Thế Âm bằng tiếng Phạn, có thầy Pháp Ấn ngồi chuông. Chúng tôi cảm nhận rõ ràng năng lượng và nụ cười của Thầy trong giây phút ấy. Cùng với nhau, chúng tôi đã trì tụng thật hết lòng, tiếp xúc với khổ đau trong tự thân, chế tác từ bi cho chính mình, cho mọi người trong hội nghị, và cho toàn thế giới, nhất là những vùng chiến tranh, bạo động, cho thảm họa kinh hoàng ở Nice, cho hàng triệu triệu con cá và các loài sinh vật đã chết vì ô nhiễm môi trường ở vùng biển miền Trung Việt Nam.

Sau khi niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm, thầy Pháp Dung đã cho một thời pháp thoại. Thầy nhắc rằng trên thương trường thì chúng tôi – đại diện tăng đoàn xuất sĩ của Bụt – thuộc về một công ty xưa nhất trên thế giới, công ty bắt đầu từ hơn 2600 năm về trước: một công ty không chuyên về lợi nhuận, mà chuyên về tình thương. Thầy nói rằng hai sản phẩm và dịch vụ chính của công ty chúng tôi là cách làm vơi bớt khổ đau và cách chế tác hạnh phúc. Thầy mời các doanh nhân trở thành đối tác của công ty chúng tôi, và giới thiệu danh từ “Heartforce” (Sức mạnh của trái tim) để mô tả công ty tâm linh của mình.

Chúng tôi thấy mình đã hoàn thành những gì   mà mình cần làm để vinh danh Thầy Tổ và đó cũng chính là một món quà mà chúng tôi dâng lên Thầy. Chúng tôi đã một lần nữa cùng nhau  đi như một tăng thân, như một cơ thể  sống. Ngay sau khi rời khỏi hội nghị, chúng tôi đến một quảng trường gần đó để hướng dẫn một thời ngồi thiền công cộng (flashmob  sitting meditation). Có khoảng hai trăm thành viên của tăng thân địa phương và năm mươi người từ hội nghị đến tham gia. Chúng tôi ngồi thành một vòng tròn lớn, và những người đi ngang bắt đầu ghé lại cùng ngồi. Những người làm việc trong các văn phòng trên những tòa cao ốc gần đó nhìn xuống với vẻ ngạc nhiên. Những người ngồi một mình trên các băng ghế công viên, thông thường lúc nào cũng cầm điện thoại di động trên tay, bỗng dưng thấy mình bị lọt giữa một sinh hoạt công cộng có năng lượng rất bình an, vui tươi. Có thể thấy khuôn mặt của họ từ từ dịu lại, thậm chí còn có một nụ cười nhẹ trên môi. Sự mầu nhiệm của thực tập ngồi thiền nơi công cộng là việc sử dụng những nơi ấy để chuyển tải năng lượng bình an, niềm vui và tình huynh đệ. Sau thời ngồi thiền, các bạn trong ban tổ chức bỗng nhận ra là quý thầy quý sư cô sẽ ra về trong chốc lát, thế là họ bắt đầu khóc. Suốt một tuần qua, các bạn đã chăm sóc chúng tôi từng li từng tí, từ việc bảo đảm cho quý thầy quý sư cô có mặt đúng nơi đúng lúc, lo thức ăn, chỗ nghỉ ngơi cho đến việc bảo đảm không ai bị trễ xe buýt. Trước khi chúng tôi rời khỏi, các bạn đã tìm đến từng thầy, từng sư cô để thiền ôm tạm biệt.

Chúng tôi rất ngạc nhiên  khi  thấy  rất  nhiều  tấm lòng hảo tâm và thiện chí trong hội nghị.   Có không biết bao nhiêu đề tài về công tác từ thiện đã được đề cập đến trong suốt thời gian ở đây. Chúng tôi cũng thấy sự hiện diện của rất nhiều cơ quan phi lợi nhuận, làm việc từ thiện dưới sự yểm trợ của Marc và chi nhánh phi lợi nhuận của công ty Salesforce. Được biết  hội nghị đã giúp quyên góp được bốn triệu đô la để giúp ngăn chặn sự lây lan của vi-rút HIV.

Cái làm chúng tôi ấn tượng nhất là buổi chia sẻ đặc biệt gần cuối hội nghị. Đây là một buổi chia sẻ nội bộ để Marc gặp gỡ mấy trăm nhân viên trong công ty. Ông ngồi trên sân khấu lắng nghe những phản hồi của nhân viên về công ty trong năm vừa qua. Chúng tôi biết mình đang chứng kiến một sự kiện rất đặc biệt. Marc thực tập lắng nghe nỗi khổ niềm đau của họ một cách sâu sắc, với một sự cởi mở chân thành và một mối quan tâm thực sự đối với những đề nghị của nhân viên mình. Chúng tôi không chắc là sự lắng nghe ấy có liên quan đến giáo lý của Thầy, nhưng có vẻ là Marc đã làm theo gợi ý của Thầy, đã có khả năng chia sẻ nỗi khổ niềm đau của chính ông với nhân viên cũng như lắng nghe nỗi khổ niềm đau của họ. Ông cũng bày tỏ ước muốn biến công ty thành một gia đình.

Nhân viên của ông rất xúc động bởi sự cởi mở và dễ tiếp xúc của Marc. Có người đã khóc, nói rằng trong thế giới kinh doanh, ông chính là một huyền thoại, một nhân vật hiếm hoi – họ không thể tin là ông đang thực sự làm những gì ông nói: ông đang thật sự lắng nghe.

Lúc ban đầu, một vài người trong chúng tôi có chút lo ngại về việc tham gia hội nghị. Nhưng sau khi hội nghị hoàn mãn, những vị này cho biết là tri giác của mình về thế giới doanh thương bây giờ đã thay đổi. Chúng tôi đã thực sự tiếp xúc với nỗi khổ niềm đau của giới doanh nhân, cũng như với tình người và khát khao chính đáng trong việc tìm ra một lối sống và cách làm việc khác hơn lối thông thường của họ.

Trước khi đến hội nghị, chúng tôi ý thức rất rõ ràng về câu hỏi liên quan đến vai trò của chánh niệm trong kinh doanh; chúng ta có thật sự nên dạy cho doanh nhân phương pháp thực tập chánh niệm để giúp họ thành công hơn trên thương trường hay không? Nhưng chúng tôi đã có kinh nghiệm là một khi mình có thể thực sự giúp mọi người có chánh niệm hơn về sự căng thẳng, sự lo sợ và khổ đau của chính họ, thì tự nhiên lòng từ bi cho chính tự thân sẽ khiến cho họ phát khởi tâm từ bi cho gia đình, cho nơi làm việc và cho thế giới. Qua những thực tập căn bản, mọi người có thể cho phép mình được nghỉ ngơi, thư giãn, tìm lại sự cân bằng cho thân và tâm, nhờ thế họ có thể sống trong hiện tại hơn là sống cho tương lai hoặc sống trong quá khứ.

Sự hiện diện của chúng tôi tại hội nghị chính là một bằng chứng cho thấy sức mạnh của những hạt giống mà Thầy đã gieo – vào năm 2013 – với nhiều tình thương trong tâm của ít nhất một doanh nhân, người đã toàn tâm toàn ý tìm cách chia sẻ những lời Thầy dạy cho biết bao người. Ý thức này giúp chúng tôi tiếp tục cố gắng đem sự thực tập đến cho giới doanh thương – gieo trồng hạt giống của hiểu và thương. Ngày nay, khi thế giới bị toàn cầu hóa, kỹ nghệ hóa và quân đội hóa, nhu cầu tâm linh lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Chúng ta biết cách thức làm ăn của các tập đoàn, của các chính phủ và của xã hội ngày nay đã tạo ra rất nhiều đau khổ. Rất nhiều căn bệnh của thời đại – như chiến tranh, xung đột xã hội, biến đổi khí hậu và những thảm họa môi trường – là hậu quả của việc tranh giành quyền lực và lợi nhuận. Những căn bệnh này có gốc rễ sâu xa từ sự bất an và bất mãn với chính bản thân cũng như với thế giới. Và do đó, chúng ta đã bị dẫn dắt một cách sai lầm trong khi tìm kiếm một cái gì đó để bù đắp cho sự thiếu thốn đó trong chính mình.

Chúng tôi không biết tương lai sẽ như thế nào, nhưng với sự chừng mực và quân bình của cuộc sống tăng thân, chúng tôi tin rằng mình đang đi đúng hướng. Sống theo mô thức tập thể trong tăng thân, chúng tôi có thể tiết chế, duy trì và được bảo hộ để không bị quyền lực, danh lợi và thành công cuốn đi. Và đây chính là dụng cụ giúp chúng tôi tiếp nối Thầy trong sự nghiệp gieo trồng tưới tẩm hạt giống của hiểu và thương trong giới doanh nhân.